Ngày 01-05-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đáp Ca TV 117 - Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót
Vietcatholic
01:54 01/05/2025
Đáp Ca TV 117 - Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót (Xem Video)
 
LAO ĐỘNG
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
01:56 01/05/2025
LAO ĐỘNG ( 01-5 )

Ngày 01-5 được thế giới chọn làm ngày quốc tế lao động. Kitô hữu Công Giáo chúng ta tôn vinh một người lao động khả kính là Thánh Cả Giuse. Xin được chia sẻ một vài nghĩ suy về Thánh Cả như là một người lao động chân chính, gương mẫu.

Các nhà xã hội học đã phân biệt giữa lao động và làm việc cách rõ ràng. Loài vật dưới con người cũng có những sinh hoạt hái lượm, làm tổ…để sinh tồn và lưu truyền giống nòi, nhưng chỉ làm việc chứ không lao động. Chúng làm các công việc ấy một cách theo bản năng thúc đẩy. Trái lại con người là con vật biết lao động. Lao động là làm việc có ý thức và có mục đích. Con người cũng làm việc nhưng biết mình làm gì, phải làm gì và sẽ làm gì, đồng thời làm các công việc với mục đích vạch ra, định trước rõ ràng cụ thể. Vì biết mình sẽ làm gì nên con người thực sự làm chủ và lựa chọn những công việc mình làm.

Dưới cái nhìn Kitô giáo, đặc biệt qua hình ảnh Thánh Cả Giuse thì chúng có thể thêm vào cái khái niệm mà các nhà xã hội học đã nêu trên, một vài tiêu chí. Lao động là làm việc không những có ý thức và có mục đích mà còn biết làm theo cách thức, cách thế hợp lý, chính đáng và phải đạo, trong niềm tin. Với khái niệm này, chúng ta thử xem Thánh Cả Giuse đã lao động ra sao?

Ý thức: Làm việc có ý thức là biết mình làm việc gì rõ ràng và cụ thể một cách nào đó. Dĩ nhiên Thánh Cả Giuse biết mình làm nhiều việc, nhưng qua các trang Tin Mừng chúng ta thấy Ngài biết mình “đón nhận Maria và Hài Nhi trong dạ về nhà” (x.Mt 1,24). Cuộc đời con người chúng ta, có quá nhiều việc phải làm. Thế nhưng thử hỏi có công việc nào quan trọng cho bằng việc đón nhận tha nhân và đón nhận Thiên Chúa. Đi kèm theo sự ý thức đó là tinh thần trách nhiệm. Đón nhận Maria và Hài Nhi trong dạ về nhà mình thì Giuse biết và sẵn sàng đảm nhận những phận việc gì, đó là những phận việc không đơn giản chút nào, đòi hỏi nhiều nỗ lực gắng công và sự quảng đại hy sinh quên mình.

Có mục đích: Xin thử hỏi thánh Cả Giuse đón nhận Thai nhi Giêsu và Mẹ Người về nhà để làm gì, nghĩa là với mục đích gì? Qua lời sứ thần truyền cho thánh Cả trong giấc mộng chúng ta có thể biết được hai mục đích chính đó là nhận Maria về nhà làm bạn và cùng với Maria đặt tên cho Con Trẻ là Giêsu. Đón nhận tha nhân không phải như người tôi tớ hay là như kẻ cạnh tranh sinh tồn mà như người bạn nghĩa thiết thì mọi việc chúng ta làm mới thực sự là lao động. Theo Thánh kinh, việc đặt tên mang ý nghĩa giáo dục, đào tạo. Thiên Chúa đã tín nhiệm giao phó trách nhiệm cho thánh Giuse và Mẹ Maria góp phần giáo dục đào tạo Con Thiên Chúa làm người thành Giêsu nghĩa là Đấng Cứu Độ nhân trần. Đây chính là đỉnh cao của việc lao động.

Thánh Kinh tường thuật khi sáng tạo trời đất muôn vật, trăng sao, chim trời cá biển và muông thú thì Thiên Chúa chỉ phán một lời và Người thấy chúng tốt đẹp. Tuy nhiên khi tạo dựng loài người thì Thiên Chúa xem ra phải vất vả hơn, lao công nhiều hơn và sau đó Thiên Chúa thấy rất tốt đẹp. Có thể khẳng định rằng con người là kết quả đỉnh cao của lao công của Thiên Chúa. Khi xem xét lao công một ai đó, chúng ta chớ dừng lại ở thành quả là vật chất hay của tiền kiếm được mà hãy xem họ đã góp phần dệt nên những con người như thế nào.

Mừng lễ thánh Giuse lao động hôm nay ước gì chúng ta không dừng lại ở công việc thợ mộc của ngài hay ở các khoản thu nhập mà ngài kiếm được để lo cho gia đình Nagiarét mà hãy nhìn vào thành quả mà ngài in đậm dấu ấn nơi mái gia đình Nagiarret, nơi Đấng Cứu Độ khiến dân chúng không thể quên gia đình quê quán của một Đấng có quyền năng trong lời nói và hành động. “Chẳng phải ông ta là con ông Giuse, bác thợ mộc và bà Maria đấy ư?” (x.Mt 13,55)

Hiện thực cuộc sống cho ta xác nhận điều này: ích gì khi ra công tìm kiếm của cải đủ đầy và thừa thải mà con cái lại hỏng hư. Để xét xem lao công một ai đó thì phải xem con cái của họ như thế nào.

Đức cố Giáo Hoàng Phanxicô đã từng nói: Một con người đúng nghĩa là người luôn biết sống trong các mối tương quan. Dĩ nhiên trước hết phải biết cội nguồn, gốc gác của mình và từ đó đạo thảo hiếu là lẽ đương nhiên phải có. Đó cũng là người nhận biết sự cần thiết của tha nhân trong việc tồn tại và phát triển của bản thân. Khi nhìn nhận mình hiện hữu trong các mối tương quan thì nó thúc giục chúng ta sống hữu ích, biết cống hiến hơn là hưởng thụ ích kỷ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh là hôm nay cần làm cuộc cách mạng trong cung cách ứng xử. Vượt lên trên cả cung cách “sống tử tế”, chúng ta cần biết sống trân trọng tha nhân dẫu cho họ có như thế nào.

Tháng 5 về chúng ta sống thảo hiếu với mẹ Maria với những cánh hoa và điệu múa. Dĩ nhiên cần phải ý thức đúng việc dâng hoa kính Đức Mẹ nghĩa là gì và với mục gì thì việc dâng hoa mới có ý nghĩa. Chính vì thế mà Giáo hội dạy chúng ta rằng “việc tôn kính Mẹ Maria không hệ tại ở những tình cảm chóng qua mà phải được dệt xây trên nền tảng một đức tin trưởng thành, đích thật”. Ước gì mỗi người chúng ta bằng chính lao công của mình trở thành một đóa hoa tô thắm cho đời, làm mặn nồng cho xã hội bằng chính cuộc sống hữu ích và đầy chí cống hiến. Chắc chắn Mẹ Maria sẽ mĩm cười và chúc phúc cho chúng ta. Xin Mẹ Maria và thánh cả Giuse cầu bàu cho chúng con.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Lên bờ để đi lưới người
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
01:58 01/05/2025
Lên bờ để đi lưới người

SUY NIỆM CHÚA NHẬT III PHỤC SINH - C

(Ga 21, 1-14)

Chúng ta đang ở trong Mùa Phục Sinh, mùa của niềm vui và hy vọng ngập tràn vì Chúa đã sống lại. Niềm vui này không phải là một cảm xúc hời hợt chóng qua, nhưng là niềm vui có sức sống mới do Chúa Kitô Phục Sinh ban cho những ai tin tưởng bước đi với Người

Phụng vụ Chúa nhật thứ III sau Đại lễ Phục Sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta tích cực gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh. Gặp được Chúa sẽ có niềm vui và hy vọng. Chúa đã sống lại chính là niềm hy vọng của chúng ta, Người khơi dậy lên trong chúng ta niềm hy vọng giữa một thế giới đang bị bao trùm bởi bóng tối nhuốm màu thất vọng.

Bị đánh vẫn vui

Sách Công Vụ Tông Đồ kể lại việc hai thánh Phêrô và Gioan từ những tông đồ nhát đảm sợ sệt khi chứng kiến Chúa Giêsu, Thầy mình bị bắt bị đánh đòn và bị treo chết trên thập giá khiến các ông buồn sầu thất vọng. Gặp được Chúa Phục Sinh, với ơn Chúa Thánh Thần, ban cho các ông một tinh thần mới, đầy lửa mến và sức mạnh để các ông đã trở nên những người mạnh bạo rao giảng Danh Chúa Giêsu ngay giữa hội đường Do thái, dù trước đó vì rao giảng Danh Chúa Giêsu mà các ông bị Thượng Hội Đồng Do Thái bắt và đánh phạt. Sau khi được thả ra, các ông sung sướng vì đã có dịp chịu khổ vì Danh Chúa Giêsu, và tiếp tục rao giảng Danh Người (x.Cv 5, 27b-32.40b-41).

Đang thất vọng trở thành tông đồ đầy hy vọng

Tin Mừng theo Gioan (Ga 21,1-14) mô tả : Các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến lúc “Simon Phêrô nói với anh em : “Tôi đi đánh cá đây”.

Tôma, Nathanael và các con ông Giêbêđê cùng hai môn đệ nữa đang ở với nhau nói rằng: “Chúng tôi cùng đi với ông” (Ga 21,3).

Phêrô một con người rất bộc trực, nóng nảy, hay sa ngã và sa ngã thậm tệ. Có lần Chúa đã gọi ông là Satan, ông đã chối Chúa tới ba lần. Nhưng con người đầy khuyết điểm ấy Chúa đã chọn làm “Đá tảng”, thủ lãnh của Giáo Hội. Vai trò lãnh đạo của Phêrô được tỏ rõ trong bài Tin Mừng hôm nay:

Sau biến cố Phục Sinh, các tông đồ trở về đời sống thuyền chài. Phêrô vẫn là người quyết định : “Tôi đi đánh cá đây”. Các môn đệ khác cũng đồng tình: “Chúng tôi cùng đi với ông”. Đêm ấy, không bắt được con cá nào. Trời sáng, theo lời người khách lạ, thả lưới bên phải mạn thuyền, một mẻ cá bất ngờ. Khi vừa nghe Gioan nói : “Chính Chúa đó!” Phêrô liền khoác áo vào và nhảy xuống biển (Ga 21,7). Chúa Giêsu Phục Sinh đã biến các ông là những người đang thất vọng trở thành tông đồ đầy hy vọng.

Trở nên thừa sai của niềm hy vọng

Một chi tiết rất hay đáng chúng ta lưu ý là : "Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bời biển" (Ga 21,4). Biển là gì nếu không phải là biểu tượng của thế gian đang bị xô đẩy bởi những con sóng dữ dội và những vòng xoáy của ba thù? Và bờ biển ở đây là gì, hả chẳng tượng trưng cho sự sống đời đời đó sao? Các môn đệ đã vất vả, cực nhọc suốt đêm trên biển để đánh bắt cá, đương đầu với những con sóng của cuộc sống hay chết, nhưng Đấng Cứu Chuộc chúng ta, sau khi sống lại, Người đứng trên bờ. Theo thánh Grêgôriô Cả (540-604), Giáo hoàng, Tiến sĩ Hội Thánh giải thích thì : Chúa Giêsu đứng trên bờ, vì sau khi sống lại, Người đã vượt qua các điều kiện của một xác thịt mong manh hay hư nát, Người đứng trên bờ để nói cho các môn đệ về mầu nhiệm phục sinh, rằng : "Thầy không hiện ra với anh em trên mặt biển nữa (x. Mt 14,25), bởi vì Thầy không còn ở với anh em trong lúc biển gầm bão tố nữa". Phê rô nhận ra Chúa, ông lại nhảy xuống biển, trong khi đó Chúa ở trên bờ để kéo các ông lên bờ và biến các ông từ nay trở thành những kẻ lưới người ở trên bờ, chứ không lưới cá ở dưới nước nữa. (Trích Homélies sur l'Évangile, n°24)

Chúa Giêsu Phục Sinh đã cách mạng hóa cuộc sống của họ và biến đổi lịch sử con người ở mọi nơi mọi thời. Các Tông Đồ thấy mình thất bại. Trong lưới của Phêrô và các môn đệ, người ta nhận ra sự kiệt sức, gần như đầu hàng, không hướng về Thiên Chúa, nhưng lại đối diện với sự nghèo nàn của chính họ. Lưới không cá. Chúa gặp gỡ họ lúc họ đang ở biển, là nơi mà tâm trí họ nặng trĩu vì những thử thách gian truân của cuộc đời; Người gặp họ vào rạng sáng ngày sau khi họ vất vả cực nhọc vô dụng suốt đêm. Chúa bảo họ thả lưới ở "phía bên kia" thuyền. Bên của sự vâng lời. Tấm lưới của Phêrô đã được thả xuống từ một phần của tình yêu Chúa và hy vọng của các ông.

Chúa hiện đến khơi dậy niềm hy vọng đang bị bao trùm các ông. Qua đó, Chúa muốn chúng ta là những người đã chịu Phép Rửa tội, những môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô, hãy tỏa sáng hy vọng của Người ở mọi nơi trên thế giới. Tính cấp bách của sứ vụ truyền giáo mang lại hy vọng. Chúa mời gọi chúng ta trở thành những “nghệ nhân của hy vọng” và những người kiến tạo lại nhân loại, vốn đang chìm đắm trong sự phân tâm và bất hạnh.

Lạy Chúa Giêsu! Chúng con tin và hy vọng vào tình thương Chúa dành cho các tông đồ xưa cũng vẫn dành cho chúng con ngày nay. Xin cho con vững tin vào tình thương ấy khi bình yên cũng như lúc sóng gió. Xin cho con luôn vui mừng và hy vọng loan truyền tình thương cứu độ của Chúa đến cho muôn người. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
NỬA VỜI CAO CẢ
Lm Minh Anh
02:04 01/05/2025
NỬA VỜI CAO CẢ

“Người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng!”.

“Chúng ta có thể dễ dàng tha thứ cho một đứa trẻ sợ bóng tối, nhưng bi kịch thực sự của một cuộc đời là khi con người sợ ánh sáng!” - Platon.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến bóng tối và ánh sáng. Tin Mừng tiếp tục trình bày cuộc đàm đạo về ánh sáng giữa Nicôđêmô và Chúa Giêsu trong đêm. “Ánh sáng”, điều làm con người nên cao cả - nhưng với con người, nó chỉ ‘nửa vời cao cả!’. Tại sao? Vì “Người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng” - “sợ ánh sáng”. Và đó là bi kịch!

Trong cuốn ‘Le Maître du désir’, ‘Thầy Dạy Khát Khao’ - người viết dịch - Éloi Leclerc nhận định, “Nicôđêmô, một thầy dạy vị vọng, không chỉ đến với Chúa Giêsu vào ban đêm; ông ‘đến từ đêm’, ‘lộ ra từ đêm’ như một người khát khao ánh sáng thức chờ bình minh. Bởi lẽ, con người chỉ thực sự tồn tại trong chuyển động vốn đem nó lại gần ánh sáng; ở ngoài chuyển động ấy, con người chỉ là một ‘mảng đêm’. Vì thế, con người chỉ tìm thấy mình trong chân lý bằng cách sinh ra trong ánh sáng. Đó là sự cao cả của nó! Thế nhưng, chỉ ‘nửa vời cao cả’; bởi lẽ, trong mọi khoảnh khắc, nó có thể để mình bị chộp lại bởi các thế lực tối tăm!”. Bằng chứng là mỗi ngày, bạn và tôi thích đọc, nghe và xem bao điều xấu xa hơn là điều tốt lành!

Dĩ nhiên, nhiều người không quan tâm đến bóng tối và những tội lỗi nổi cộm đó đây; nhưng thực tế là bóng tối luôn bủa vây chúng ta và điều đó nói lên một cảnh báo nhất định. Biết được vậy, chúng ta chiến đấu cho ánh sáng, chống lại bóng tối đến cùng. Ánh sáng nơi chúng ta thật cao cả nhưng nó quả mong manh; vì lẽ, chúng ta dễ dàng để mình bị cuốn vào ‘màn đêm’ và cảm thấy ‘hạnh phúc’ khi ở đó; thật ra, chỉ là bất hạnh! Tốt biết bao khi chúng ta ý thức điều này và xác định nó là một phần của xu hướng dễ sa ngã của bản thân hầu một chỉ cậy trông vào Chúa; tìm cách đề phòng và tránh xa mọi cám dỗ đưa đến hỗn loạn, mất trật tự và vô kỷ luật.

Vậy làm sao có thể luôn hướng về và yêu mến ánh sáng? Phải không ngừng ‘cầu nguyện và cầu nguyện’. Từ ngục tối, các tông đồ đã không ngừng cầu nguyện, để từ đó, họ được thiên thần dẫn ra ánh sáng - bài đọc một. Rõ ràng, “Kẻ nghèo hèn kêu xin, và Chúa đã nhận lời!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng!”. “Ai chọn bóng tối sẽ phải đối mặt với sự phán xét của lên án; ai chọn ánh sáng sẽ hưởng sự phán xét của cứu rỗi. Sự phán xét luôn là hậu quả của việc lựa chọn tự do. Ai thực hành điều ác sẽ tìm kiếm bóng tối; điều ác luôn ẩn núp, nó tự che đậy. Ai tìm kiếm sự thật, nghĩa là người thực hành điều thiện, sẽ đến với ánh sáng, soi sáng các con đường của sự sống. Ai bước đi trong ánh sáng, tiếp cận ánh sáng, không thể không làm những việc tốt. Đây là những gì chúng ta được kêu gọi làm với sự tận tụy!” - Phanxicô. Không ‘được cuốn hút về Chúa Kitô’, ánh sáng nơi chúng ta thật ảo; sự cao cả nơi chúng ta chỉ nửa vời nếu không nói là thê thảm!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con rơi vào “bi kịch thực sự” khi con để mình cuốn vào bóng tối khiến sự sáng, sự cao cả nơi con trở nên thê thảm hoặc nửa vời!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
 
PHẢI VÂNG LỜI THIÊN CHÚA
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
02:05 01/05/2025
PHẢI VÂNG LỜI THIÊN CHÚA

(Chúa Nhật III PS C)

Bị điệu ra giữa Thượng Hội Đồng, bị chất vấn rằng vì sao không chấp hành lệnh nghiêm cấm không được giảng dạy nhân danh Giêsu nữa, Phêrô và các Tông đồ đã khẳng khái trả lời: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”(Cvtđ 5,32). Câu trả lời thật tuyệt vời thật đáng “tâm phục, khẩu phục”.

Kitô hữu chúng ta nhìn nhận tiếng Chúa phán qua trật tự của thiên nhiên, qua các biến cố lịch sử, qua tiếng lương tâm. Nhưng cần thú nhận rằng các cách thể tỏ bày ấy của Thiên Chúa dường như không minh nhiên rõ ràng với nhiều người. Chúng ta tin nhận Lời Chúa qua Thánh Kinh, đặc biệt qua lời Đấng Cứu Độ, Giêsu Kitô. Tuy nhiên cũng không dễ phân biệt đâu là cách thế trình bày của tác giả nhân loại và đâu là ý lời Thiên Chúa muốn truyền. Ngay đến các tông đồ là những người trực tiếp tai nghe lời Đấng Cứu Thế mà vẫn còn nhiều điều các ngài chưa thể hiểu (x.Ga 16,12-13).

Theo bài Tin Mừng mà Giáo Hội cho trích đọc trong Chúa Nhật III mùa Phục Sinh năm C (Ga 21,1-19), xin mạo muội có đôi suy nghĩ về những lời từ miệng của Đấng Phục Sinh. Xin được ghép những lời của Chúa Kitô trong lần tỏ mình ra trên biển hồ Tibêria thành bốn cặp lời hữu quan, mang tính biện chứng như sau:

1. “Này các anh, có gì ăn không?” – “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”.

Các anh có gì ăn không? Một lời khẩn xin ư? Đúng vậy. Rất nhiều nhu cầu của tha nhân đang vọng vang bên tai chúng ta. Đó không chỉ là nhu cầu lương thực vật chất mà còn nhiều nhu cầu thiết yếu khác về tinh thần, tâm linh. Người ta không chỉ sống đúng nhân phẩm bằng cơm bánh mà còn bằng nhu cầu học hành, đi lại, nói năng, suy nghĩ, kết hội… Chắc hẳn thế nào các môn đệ cũng nhớ lại lời Thầy Chí Thánh trước đây: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13). Đôi lúc chúng ta than thở: “Chúa ơi, Chúa dựng nên mọi sự đều tốt đẹp, thế mà sao còn quá nhiều người đói khổ, còn quá nhiều người bị áp bức, chịu cảnh bất công nơi này nơi kia trên thế giới và ngay cả chung quanh con?” Chắc hẳn Chúa sẽ trả lời rằng: “Con ơi, Ta đã làm rồi đó. Ta đã dựng nên con. Đó là điều rất tốt đẹp” (x.St 1,31).

Chúng ta cũng đã từng phân trần: “Tài mọn, sức yếu như con làm sao kham nỗi? Hoàn cảnh thế sự lại quá khó khăn, Chúa biết đấy “một con én không làm nên mùa xuân”. Thế nhưng Chúa vẫn cứ gợi ý, ra lệnh hay mời gọi: “Cứ thả lưới!” Các ngư phủ lành nghề ngày xưa đã làm điều nghịch thường: thả lưới giữa ban ngày! Các vị đã bắt được mẻ cá lớn. Với ơn Chúa thì mọi sự đều là có thể. Hãy thả lưới dù trời đã sáng, nghĩa là cả lúc thế thời xem ra không thuận lợi.

2. “Anh em hãy đến mà ăn!” – “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”

“Hãy đến mà ăn!” Lời mời gọi của Chúa Cứu Thế nhắc nhớ chúng ta rằng mọi người đều cần đến lương thực bởi trời. Mọi hiện hữu ở đời đều do bởi Thiên Chúa. Không có ơn Chúa thì chúng ta không thể làm được sự gì tốt đẹp (x.Ga 15,5). Đến với Chúa để kín múc nguồn sống, để nhận lấy năng lực yêu thương, phục vụ, trao ban. Đấng Cứu Độ không muốn chúng ta đến với Người với đôi bàn tay trắng. Dù có thể làm được mọi sự, nhưng Người cũng đã từng muốn cần đến năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ (x.Mt 14,17). Hằng ngày đến với Người qua bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta đã mang gì để dâng cho Người?

3. “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” – “Hãy chăn dắt chiên (chiên con và chiên mẹ) của Thầy!”

Vì yêu Chúa Kitô nên chúng ta sẵn sàng đảm nhận phần việc của Người. Nhờ yêu Chúa Kitô nên chúng ta mới có khả năng chăn dắt các chiên lớn bé của Người. Không ai dại dột giao trứng cho ác. Người ta chỉ ký thác người thân yêu cho kẻ đáng tin cậy. Và người đáng tin, đáng cậy nhất đó là người yêu mến mình hết sức, hết lòng. Biết chăn dắt đàn chiên với cả tấm lòng yêu mến thì mới xứng là mục tử. Không có tình yêu thì không thể chuyên chăm dẫn đàn chiên đến đồng cỏ xanh và dòng suối mát. Không có tình yêu thì không thế can đảm chống trả sói dữ và liều mạng sống vì đàn chiên. Không có tình yêu thì chẳng thể quan tâm chăm sóc chiên gầy, chiên bệnh tật hoặc vất vả đi tìm con lạc và cả những chiên đang ở ngoài đàn.

4. “Anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” – “Hãy theo Thầy!”

Dưới đóa hoa hồng thường lấp ló những cành gai. Thập giá là hệ quả như tất yếu của tình yêu. Đường tình yêu là đường thập giá. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”(Lc 9,23). Vấn đề đặt ra là bạn, tôi, chúng ta muốn theo ai? Đã quyết đinh theo Chúa Kitô thì không có con đường nào khác, ngoài con đường Người đã đi. Xin đừng quá chăm chú đến khúc gỗ sần sù. Đường Chúa đi là đường yêu thương. Khi đã lao mình vào biển tình yêu, hết lòng vì người mình yêu, hết tình vì người yêu mình, thì những khúc gỗ sần sù kia dù có ê vai nhưng rồi sẽ trở thành ách êm ái, gánh nhẹ nhàng (x.Mt 11,29-30).

Có ai yêu thương chúng ta như Đấng đã phó ban Người Con Một, vì hạnh phúc chúng ta? Có ai đầy quyền uy cao cả cho bằng Đấng đã dựng nên cả đất trời và đưa chúng ta từ chốn hư vô đến hiện hữu ở đời này? Vì thế, thái độ vừa chính đáng vừa khôn ngoan và phải đạo là: “Phải vâng lời Chúa hơn là vâng lời người ta.”

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:26 01/05/2025

114. Dũng cảm nắm bắt mỗi loại phương pháp tu đức và phải kiên trì đến cùng.

(Thánh nữ Angela Merici)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


--------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:32 01/05/2025
30. ÁO CỦA HOÀNG ĐẾ

Có một người hành khất từ kinh thành về nhà, khoe khoang với mọi người là mình có thấy hoàng đế.

Có người hỏi:

- “Hoàng đế mặc áo gì?”

Đáp:

- “Đội trên đầu là cái mũ bách ngọc có hình chạm trổ, trên người mặc áo trường bào làm bằng vàng.”

Hỏi:

- “Mặc áo bằng vàng thì làm sao mà quỳ xuống vái?”

Người hành khất nghe xong thì chửi người ấy một tiếng, nói:

- “Ha ha, thật không hiểu chuyện đời, đã làm hoàng đế rồi thì còn vái lạy ai nữa chứ?”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 30:

Hoàng đế thì không cần phải vái lạy ai nữa, bởi vì hoàng đế là chức tước cao nhất của một quốc gia, một nước, nhưng hoàng đế phải bái thờ Thiên Chúa là Đấng đã ban cho hoàng đế chức quyền cao nhất, để hoàng đế lãnh đạo toàn dân sống theo ý muốn của Thiên Chúa là công bằng và yêu thương.

Hoàng đế thì không cần phải vái ai nữa, nhưng hoàng đế phải nể nang và bái phục người khôn ngoan, người hiền đức…

Chỉ có Thiên Chúa mới không bái lạy ai mà thôi, bởi vì Ngài là Đấng tạo dựng muôn loài, nhưng giữa người với nhau thì cần phải có lòng nể nang nhau trong sự khiêm tốn, nhất là phải coi trọng chức vụ quyền hành hợp pháp của người khác, vì như thế là chúng ta cộng tác vào sự trật tự chung của nhân loại mà Thiên Chúa đã đặt định.

Người Ki-tô hữu thì không bái lạy một ai trên mặt đất này, cho dù người đó là thiên tử, là hoàng đế, là ma quỷ hay thiên thần, nhưng người Ki-tô hữu chỉ bái lạy một Thiên Chúa duy nhất với tất cả tâm tình yêu thương và cảm tạ mà thôi…

“Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi.” (Mt 4, 10b)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
SỢ TẦM THƯỜNG
Lm Minh Anh
03:13 01/05/2025
SỢ TẦM THƯỜNG

“Ông là bậc thầy trong dân Israel, mà lại không biết những chuyện ấy?”.

“Động lực sống của tôi bắt nguồn từ một nỗi sợ - ‘sợ tầm thường!’. Nỗi sợ đó luôn thúc đẩy tôi! Vì dẫu đã là ‘một ai đó’, nhưng tôi luôn phải chứng tỏ điều này. Cuộc chiến của tôi chưa kết thúc và sẽ không bao giờ kết thúc!” - Madonna, ‘Nữ hoàng nhạc Pop’.

Kính thưa Anh Chị em,

Nỗi sợ của Madonna hẳn cũng là nỗi sợ của Nicôđêmô! Vì sau câu hỏi đầy thách thức của Chúa Giêsu dường như cả con người Nicôđêmô đảo lộn - “Ông là bậc thầy trong dân Israel, mà lại không biết những chuyện ấy?” - những gì ông suy tính đảo lộn, hướng đi của cuộc đời ông đảo lộn! Tại sao? Và đâu là lý do? Bởi lẽ, bên trong ông, đã có một động lực thánh; dễ hiểu hơn khi nói, ông ‘sợ tầm thường!’.

Ngoài Nicôđêmô, những người Pharisêu ít ỏi khác được ghi nhận đã cải đạo là Phaolô và Gamaliel; tuy thế, Công Vụ Tông Đồ 15, 5 còn chỉ ra một số biệt phái vô danh khác. Nhưng nếu xét toàn bộ các cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và những con người này, thì rõ ràng, họ là những người đã từng chống đối Ngài; để cuối cùng, cùng các vị lãnh đạo đương thời, họ chịu trách nhiệm về cái chết của Con Thiên Chúa.

Đó chính là bối cảnh của Tin Mừng khi biệt phái Nicôđêmô tìm đến với Chúa Giêsu. Biết ông có thiện ý, Ngài mời ông ngước mắt lên, chiêm ngắm một Đấng đến từ trời, “Đấng mà Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban tặng”. Đúng hơn, Ngài chỉ cho ông con đường về trời, đó là tin vào Ngài, Đấng được “giương cao như con rắn trong sa mạc, để ai tin thì được sống đời đời”.

Vì thế, sẽ rất hữu ích khi chúng ta hiểu rằng, trách cứ Chúa Giêsu dành cho Nicôđêmô không phải là lên án; đúng hơn, một thách đố nhẹ nhàng nhưng trực tiếp. Ngài dịch chuyển ông từ một câu hỏi gây bối rối sang việc đào sâu đức tin. Và đó là chìa khoá! Nói cách khác, đó là một động lực thánh. Chính nhờ thách đố khá táo bạo nhưng đầy yêu thương này - ‘một cú hích’ cần thiết - Chúa Giêsu có thể đẩy Nicôđêmô vào tận ‘không gian ân sủng’ của Thánh Thần - nghệ nhân thực sự của sự thánh thiện - Đấng “muốn thổi đâu thì thổi”; để từ đó, ông có thể đón nhận quà tặng lớn lao: đức tin. Tất nhiên, thử thách của Ngài, cuối cùng, đã chiến thắng con người biệt phái ngay thẳng này.

Anh Chị em,

“Ông là bậc thầy trong dân Israel, mà lại không biết những chuyện ấy?”. Như Madonna, như Nicôđêmô, ai trong chúng ta cũng bị ám ảnh bởi một nỗi sợ có tên ‘Tầm Thường’. Và còn hơn thế! Mặc dầu không cần chúng ta trở thành ‘một ai đó’, Chúa Giêsu đòi chúng ta trở thành ‘một vị thánh nào đó’; hoặc như Têrêxa Hài Đồng Giêsu, “Hãy nở hoa nơi Chúa đã gieo trồng!”. Cuộc chiến ‘nên thánh’ này “không bao giờ được phép kết thúc” và “sẽ không bao giờ kết thúc!”. Gió Thánh Linh sẽ thổi chúng ta không biết đến tận phương nào nếu mỗi ngày bạn và tôi một ước ao nên thánh hơn. Vậy điều gì đang khiến bạn bất an, bối rối? Áp lực nào, huyễn danh nào đang cầm chân khiến bạn và tôi chưa nên thánh? Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta, đừng tự quyết một điều gì, hãy phó mình hoàn toàn cho Chúa Thánh Linh.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con sợ trở nên ‘tầm thường’; giúp con vượt mọi chướng ngại, không để trở nên ‘một ai đó’, nhưng trở thành ‘một vị thánh nào đó!’. Tại sao không?”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
 
Ngày 02/05: Tình yêu khi được chia sẻ thì không bao giờ cạn - Lm Giuse Trần Châu Đông
Giáo Hội Năm Châu
03:26 01/05/2025

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
 
DẪY ĐẦY
Lm Minh Anh
16:06 01/05/2025
DẪY ĐẦY

“Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng”.

Sau cơn nguy kịch, một bệnh nhân biết mình phải trả 1,3 triệu tiền Oxy; anh thốt lên, “Vậy tôi phải trả bao nhiêu cho khí trời đã hít thở trong suốt 53 năm? Trời cho tôi nhiều quá!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Trời cho tôi nhiều quá!”. Những gì Trời cho thường dư dật ‘dẫy đầy!’. Tin Mừng hôm nay tường thuật phép lạ Chúa Giêsu thết hơn năm ngàn người từ năm chiếc bánh và hai con cá; và sau khi tất cả đã ăn no nê, người ta thu được “mười hai thúng”. Sao nhiều thế?

Augustinô giải thích, Chúa Giêsu đã cung cấp nhiều hơn những gì người ta có thể hưởng dùng. Đây là cách thức mô tả đầy biểu tượng những chân lý tâm linh. “Mười hai thúng” biểu tượng cho những chân lý siêu việt hơn mà đám đông không thể lãnh hội, trừ những ai sống thiết thân với Ngài. Họ được ban dư dật ‘dẫy đầy!’.

“Mười hai thúng” còn tượng trưng cho “Nhóm Mười Hai”. Họ là những người được nhận nhiều hơn. Hãy nhớ lại, nhiều lần - khi đã về nhà - Chúa Giêsu giải thích riêng cho các môn đệ một số chân lý mà đại đa số không thể hiểu hoặc dễ chấp nhận. Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta xét xem ba nhóm khác nhau trong phép lạ này.

Nhóm đầu tiên là những người thậm chí “không có mặt” khi phép lạ xảy ra; đây là những kẻ không cùng hành trình với Chúa Giêsu. Nhóm này ‘lớn nhất’ trong thế giới, họ sống mà không hề biết phải tìm cho mình một nguồn ‘lương thực thiêng liêng’ tối thiểu. Tiếp đến, “đám đông” theo Chúa từ những vùng xa xôi, họ ở lại với Ngài. Nhóm này đại diện cho những ai trung thành tìm kiếm Chúa mỗi ngày qua Thánh Lễ, đọc Thánh Kinh, cầu nguyện, lắng nghe và được các Bí tích nuôi dưỡng. Nhiều người ước ao được như họ; nhìn họ bình an, hạnh phúc - dẫu không miễn trừ gian nan, thử thách - không ít người thèm thuồng.

Cuối cùng, “Nhóm Mười Hai” - những môn đệ gắn kết với Chúa Giêsu, tiếp tục được Ngài nuôi dưỡng một cách đặc biệt - dư dật ‘dẫy đầy’ đến nỗi nhiều lúc, họ thốt lên “Trời cho tôi nhiều quá!”. Đây là những người tìm cách đào sâu và nắm lấy những chân lý tâm linh siêu việt và họ được biến đổi ở mức độ sâu sắc nhất; sau đó, ra đi, họ chia sẻ cho người khác. Nhật ký Hội Thánh sơ khai cho biết, “Mỗi ngày, trong đền thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô!” - bài đọc một.

Anh Chị em,

“Họ chất đầy được mười hai thúng!”. Thiên Chúa quảng đại vô song; hồng ân Ngài khôn lường - chính Ngài - “Tôi đến cho chiên tôi được sống và sống dồi dào!”. “Đối mặt với tiếng kêu đói - đủ mọi loại “đói” - của nhiều anh chị em ở khắp mọi nơi trên thế giới, chúng ta không thể là những khán giả vô cảm và bình tâm. Việc loan báo Chúa Kitô - Bánh sự sống vĩnh cửu - đòi hỏi một cam kết quảng đại đối với những người nghèo, những người yếu đuối, những người bé nhỏ nhất, những người không có khả năng tự vệ!” - Phanxicô. Hãy ra sức tìm kiếm “mười hai thúng” chân lý thiêng liêng còn lại, bạn và tôi khám phá ra rằng, sẽ không có hồi kết đối với chiều sâu biến đổi của ân sủng ‘dẫy đầy’ Thiên Chúa ban.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘hời hợt thiêng liêng’ trước bất cứ ân huệ lớn nhỏ nào. Dạy con ‘hít thở’ bầu khí tạ ơn, vì luôn xác tín rằng, ‘Trời cho tôi nhiều quá!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)
 
Hát khúc tình ca Salomon
Francis Assisi Lê Đình Bảng
16:11 01/05/2025
H Á T K H Ú C T Ì N H C A S A L O M ON

Francis Assisi Lê đình Bảng.

Để mặc cho Ngài quyến rũ thôi

Vào nơi yên ắng, chưa ra đời

Ngỏ tình âu yếm, người yêu hỡi

Đây, nước triều dâng mấy bãi bồi

Nào nguyệt cầm ca, oanh yến ca

Bao nhiêu giai tấu khúc dương hoà

Và bao nhiêu nữa, vô cùng tận

Cung bậc của chồi non, bướm, hoa

Vừa đúng mùa phong nhiêu khởi đầu

Đầy vườn trăng rợp cánh bồ câu

Vàng son tơ tóc, không tì vết

Từ ngọc không phai, lụa chẳng nhàu

Mau trẩy về Xuân tươi tuyệt mù

Trang nghiêm cùng vạn cổ thiên thu

Non non nước nước ngàn phơi biếc

Vào lễ hương và niệm thánh thư

Mẹ đã nên xinh đẹp khác vời

Đền vàng cực thánh Chúa Ba Ngôi

Toà cao chói lói hào quang ấy

Soi sáng hết muôn phương rạng ngời

Là lúc vừa khi ánh nguyệt rằm

Mà nghe kinh động khối từ tâm

Trăng sao, tinh tú đương thờ lạy

Đã trổ một chiều xanh hạnh đào

Thì nguyện cho mình một kiếp sau

Thì xin cho được phước sinh vào

Là đêm sáng thế còn tinh tấn

Cả một trời phương phi, nhiệm mầu

Là buổi hừng đông khấp khởi mừng

Quỳ đây, đăm đắm lệ rưng rưng

Nàng dâu ngự giữa miền tinh tuyết

Vào đúng ngày diên yến lẫy lừng

Từ buổi nguyên sơ của địa đàng

Khuôn thiêng nào sánh với cơ man

Những là lan huệ, vùng châu thổ

Từ mạch tàng ong chảy, chứa chan

Ruộng mật, bờ xôi mở cảnh rồi

Tràng châu là chuỗi ngọc Mân Côi

Vào mùa Vui, Sáng, Thương, Mừng đấy

Thanh sạch từ non cao, Chúa Trời

Đã thấy mùa đi, bước rộn ràng

Thênh thang là bờ bãi thênh thang

Trang nghiêm, trọng thể, tàng kinh các

Mỗi mỗi lời châu báu, hiến dâng

Em nhé, quỳ đăm đăm, nguyện cầu

Song đôi hàng bạch lạp, canh thâu

Búp tay mười đoá xinh tươi thắm

Hạnh nguyện một lòng tin trước sau

Vừa nhạc, vừa hương bay rộn ràng

Là tuần bát nhật rất cao quang

Đàn ơi, thờ lạy bằng cung kính

Bằng trái thơm tho mọng chín vàng

Mở một tuần trăng, nghe nhã ca

Mừng Adam, mừng với Eva

Đã nên tơ tóc trong vườn cấm

Một máu xương và cùng thịt da
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tiến Sĩ George Weigel: Người kế nhiệm . . . của ai?
J.B. Đặng Minh An dịch
05:05 01/05/2025

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Successor... to Whom?”, nghĩa là “Người kế nhiệm... của ai?”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong những ngày đầu thảo luận tại các Đại hội đồng chuẩn bị cho Cơ Mật Viện sẽ bắt đầu vào ngày 7 tháng 5, một số tường thuật đã nói rằng nhiệm vụ của Cơ Mật Viện là tìm ra “người kế nhiệm Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Điều đó là đúng, xét về mặt thời gian. Nhưng không đúng về mặt thần học.

Nhiệm vụ của Cơ Mật Viện Hồng Y 2025 không phải là tìm người kế vị Đức Phanxicô mà là người kế vị Thánh Phêrô.

Cơ Mật Viện 2013 không có nhiệm vụ tìm kiếm “người kế nhiệm Đức Bênêđíctô XVI”, không tìm một Đức Bênêđíctô 2.0. Cơ Mật Viện 2005 cũng không có trách nhiệm tìm kiếm “người kế nhiệm Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị” hay Đức Gioan Phaolô 2.0. Nhiệm vụ của mỗi Cơ Mật Viện là tìm người tiếp tục sứ vụ Thánh Phêrô, chứ không phải tìm người sẽ sao chép tốt nhất triều Giáo Hoàng vừa kết thúc.

Trong cuốn sách nhỏ của tôi có tên “The Next Pope: The Office of Peter and a Church in Mission” hay “Vị Giáo Hoàng tiếp theo: Sứ vụ Phêrô và một Giáo Hoàng Truyền Giáo”, tôi đã mô tả những gì có vẻ là một số khía cạnh quan trọng của Sứ vụ Phêrô:

Giống như mọi thứ khác trong Giáo hội, Sứ vụ Phêrô —chức vụ duy nhất do Giám mục Rôma thực hiện—phục vụ cho Phúc âm và công bố Phúc âm. Trong Thánh lễ trước công chúng khai mạc Sứ vụ Phêrô của mình vào năm 1978, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra một bài học đáng nhớ về chân lý cổ xưa này. Tiếng vang của nó vẫn tiếp tục vang vọng khắp các vùng đất sống động của Công Giáo thế giới.

Vào ngày 22 tháng 10 năm 1978, Giáo hội vẫn còn bàng hoàng trước cái chết bất ngờ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I sau chỉ mới ba mươi ba ngày tại vị. Nói nhẹ ngàng nhất là thế giới hoài nghi về khả năng lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng. Giáo triều Rôma đã bị choáng váng bởi cuộc bầu cử của Vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải người Ý sau 455 năm. Tuy nhiên, vào cuối Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng ngày hôm đó, thế giới, Giáo hội và Giáo triều biết rằng có điều gì đó đã thay đổi và đã thay đổi một cách ngoạn mục. Nhà báo người Pháp André Frossard đã nắm bắt được tính chất của khoảnh khắc đó khi ông tường trình cho tờ báo có trụ sở tại Paris của mình rằng “Đây không phải là một Giáo Hoàng đến từ Ba Lan; đây là một Giáo Hoàng đến từ Galilê.”

Đức Gioan Phaolô II đã làm gì trong suốt ba giờ đồng hồ?

Ngài đã thể hiện sức mạnh của Phúc âm trong chính cuộc đời mình, khẳng định không chút do dự rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa, là Đấng duy nhất biết và thỏa mãn những khát vọng sâu xa nhất của trái tim con người. Vì vậy, những lời đầu tiên trong bài giảng của ngài, được truyền đạt ngoài trời trước đám đông lớn tại Quảng trường Thánh Phêrô và trước hàng triệu người trên truyền hình, là sự lặp lại táo bạo lời tuyên xưng đức tin của Simon Phêrô tại Cêsarê Philippê: “Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!” (Mt 16:16) Ngài nói rằng đó là lời tuyên xưng đức tin được Chúa soi dẫn mà từ đó Sứ vụ Phêrô ra đời.

Ngài tuyên bố sức mạnh của Phúc âm để mặc khải cả khuôn mặt của Thiên Chúa Cha nhân từ và sự vĩ đại của nhân loại chúng ta. Vì Chúa Kitô đã đưa nhân loại đến gần “mầu nhiệm của Thiên Chúa hằng sống” ngay cả khi Chúa Kitô đã cho chúng ta thấy “chân lý tối hậu và dứt khoát” về chính chúng ta. Và đó là điều mà Giáo hội phải đề xuất với thế giới: “Xin hãy lắng nghe một lần nữa,” ngài yêu cầu.

Ngài giải thích sức mạnh của Phúc âm bằng cách nhắc nhở Giáo hội và thế giới rằng Phúc âm là sức mạnh duy nhất mà Giáo hội sở hữu, và rằng “mầu nhiệm thập giá và sự phục sinh” là sức mạnh duy nhất mà Giáo hội nên mong muốn: “sức mạnh tuyệt đối nhưng ngọt ngào và dịu dàng của Chúa”, một sức mạnh “đáp ứng toàn bộ chiều sâu của con người....”

Ngài thể hiện sức mạnh của Phúc âm bằng cách nhắc nhở Giáo hội rằng sự lãnh đạo Công Giáo là sự lãnh đạo phục vụ theo ý muốn của Chúa Kitô. Đó là điều Chúa Kitô đã dạy các tông đồ khi rửa chân cho họ trong Bữa Tiệc Ly, và đó là điều Chúa Kitô đang dạy các giám mục và Đức Giáo Hoàng ngày nay. Và vì vậy, ngài đã cầu nguyện trước thế giới và Giáo hội, “Lạy Chúa, xin hãy biến con trở thành và vẫn là người tôi tớ của quyền năng độc nhất của Người, người tôi tớ của quyền năng ngọt ngào của Người, người tôi tớ cho quyền năng của Người không biết đến hoàng hôn. Hãy biến con thành người tôi tớ. Thật vậy, người tôi tớ của những người tôi tớ của Người.”

Ngài thách thức thế giới trải nghiệm sức mạnh của Phúc âm, và khi làm như vậy, hãy giải thoát bản thân khỏi nỗi sợ hãi đã đóng chặt trái tim và tâm trí lại với Chúa: “Đừng sợ! Đừng sợ chào đón Chúa Kitô và chấp nhận quyền năng của Người. Và với quyền năng của Chúa Kitô xin giúp con và tất cả những ai muốn phục vụ Chúa Kitô biết phục vụ con người và toàn thể nhân loại. Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô. Đối với quyền năng cứu rỗi của Người, hãy mở ra ranh giới của các quốc gia, hệ thống kinh tế và chính trị, các lĩnh vực rộng lớn của văn hóa, văn minh và phát triển. Đừng sợ.”

Hai thập niên sau, khi bế mạc Đại lễ mừng năm 2000, “Đức Giáo Hoàng từ Galilê” đó đã thúc giục Giáo hội “ra khơi” trong công cuộc Tân Phúc âm hóa. Mệnh lệnh này từ người kế nhiệm thứ 263 của Phêrô đã được ngầm hiểu trong bài giảng đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II. Bằng cách lấy lại một kinh nghiệm của Galilê, bài giảng đã đặt ra khuôn mẫu cho sứ mệnh của Giáo hội trong thế kỷ XXI và thiên niên kỷ thứ ba....

Giáo luật 1404 trong bộ luật của Giáo hội nêu rõ rằng “Tòa đầu tiên không thể bị ai xét xử”. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng, Giám mục của Rôma, người lãnh đạo Tòa đầu tiên với tư cách là Người kế vị Thánh Phêrô, không đứng trên Phúc âm hay Giáo hội. Sứ vụ của Thánh Phêrô trong Giáo hội cũng không thể được hiểu theo cách tương tự như một sa hoàng hay nhà độc tài chuyên chế.

Khi Công đồng Vatican II kết thúc công trình của mình về Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã đề xuất rằng Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium hay Ánh Sáng Muôn Dân nên bao gồm một câu khẳng định rằng Đức Giáo Hoàng “chỉ chịu trách nhiệm trước Chúa mà thôi”. Ủy ban Thần học của Công đồng, bao gồm một số nhà thần học rất lỗi lạc, đã bác bỏ công thức đó. Ủy ban lưu ý rằng “Đức Giáo Hoàng Rôma cũng bị ràng buộc với chính mặc khải, với cấu trúc cơ bản của Giáo hội, với các bí tích, với các định nghĩa của các Công đồng trước đó và các nghĩa vụ khác quá nhiều để có thể đề cập đến”. Do đó, thật là một sai lầm nghiêm trọng khi tưởng tượng Đức Giáo Hoàng là một chức vụ độc đoán mà từ đó ngài có thể đưa ra các quyết định tùy tiện chỉ phản ánh ý muốn của mình. Thay vào đó, Sứ vụ Phêrô là một chức vụ có thẩm quyền, người nắm giữ chức vụ này là người giám hộ của một truyền thống có thẩm quyền. Ngài là người phục vụ cho truyền thống đó, khối tín lý và thực hành đó, chứ không phải là chủ nhân của nó.

Việc thừa nhận cả thẩm quyền to lớn của chức vụ của mình và ranh giới mà thẩm quyền đó phải được thực hiện là một thách thức đối với bất kỳ vị Giáo Hoàng nào.... Một cách để đáp ứng thách thức đó là vị Giáo Hoàng tiếp theo phải chào đón và trả lời những câu hỏi và lời phê bình nghiêm chỉnh, tôn trọng từ những người chia sẻ mối quan tâm và trách nhiệm đối với Giáo hội—và đặc biệt là từ các anh em giám mục của Đức Giáo Hoàng, những người, khi cần thiết, phải triệu tập lòng can đảm để làm cho Phêrô những gì Phaolô đã làm cho Phêrô, như Phaolô đã làm chứng trong Thư Galát 2:11: đưa ra cho ông sự sửa dạy huynh đệ.....

Trong chương hai mươi mốt của Phúc âm thánh Gioan, Chúa Phục sinh đã ba lần thách thức Phêrô: “Con có yêu mến Thầy hơn những người khác không?... Con có yêu mến Thầy không?... Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15–17). Thật hấp dẫn khi thấy ở đây một lời đáp trả cho ba lần chối Chúa của Phêrô sau khi Chúa Giêsu bị bắt: sau khi đã chối Chúa ba lần, Phêrô giờ đây phải tuyên xưng đức tin của mình ba lần. Đọc sâu hơn về cuộc gặp gỡ đó gợi ý một điều khác—Phêrô đang được hỏi liệu ông có thể tự hủy mình “ hơn những người khác” để chăn dắt đàn chiên của Chúa như mục tử chính của đàn chiên ấy hay không. Tất cả những người được thụ phong làm linh mục và giám mục trong Giáo Hội Công Giáo đều được yêu cầu tự hủy mình để trở thành Chúa Kitô cho Giáo hội và thế giới. Đoạn văn ngắn trong Phúc âm thánh Gioan gợi ý rằng theo bản chất của Sứ vụ Phêrô, Đức Giáo Hoàng phải tự hủy mình hoàn toàn “hơn những người khác”. Để thực hiện sứ vụ của mình như là “người tôi tớ của các người tôi tớ của Thiên Chúa” (một tước hiệu của Đức Giáo Hoàng bắt đầu từ Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả), Người kế vị Thánh Phêrô phải mở lòng mình để ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống của mình để ngài có thể từ bỏ chính mình càng nhiều càng tốt....

Theo giáo lý Công Giáo, Đức Giáo Hoàng là chứng nhân đầu tiên của Giáo hội về Chúa Kitô và Phúc âm là thánh ý của Chúa Kitô. Thánh ý Chúa Kitô cũng muốn rằng tất cả các môn đệ của Người đều là chứng nhân và tất cả đều là những người truyền bá Phúc âm. Điều đó có nghĩa là, trong khi Đức Giáo Hoàng là chứng nhân đầu tiên của Giáo hội, thì ngài không phải là chứng nhân duy nhất của Giáo hội. Và trách nhiệm của ngài bao gồm làm mọi thứ có thể để khuyến khích những người khác hoàn thành trách nhiệm của họ với tư cách là chứng nhân của Phúc âm và sức mạnh của Phúc âm.

Ngày nay, Đức Giáo Hoàng và triều Giáo Hoàng là trung tâm của trí tưởng tượng Công Giáo. Trước đây không phải lúc nào cũng vậy. Trước thời Đức Giáo Hoàng Piô IX, người giữ chức Giám mục Rôma từ năm 1846 đến năm 1878, hầu hết người Công Giáo không biết “Đức Giáo Hoàng” là ai, càng không biết Đức Giáo Hoàng nói hay làm gì. Nhờ sự phát triển của báo chí đại chúng, nhờ những đau khổ mà ngài phải chịu đựng khi Quốc gia Đức Giáo Hoàng bị Vương quốc Ý mới tước đoạt, nhờ số lượng lễ kỷ niệm mà ngài cử hành trong suốt triều Giáo Hoàng dài của mình (khiến đám đông người hành hương đến Rôma) và nhờ sự kiện Công đồng Vatican lần thứ nhất, Đức Piô IX đã trở thành một nhân vật thực sự đối với nhiều người Công Giáo trên thế giới—Vị Giáo Hoàng đầu tiên có ảnh được người Công Giáo trưng bày tại nhà của họ.... Và từ Piô IX trở đi, Đức Giáo Hoàng và triều Giáo Hoàng ngày càng lớn mạnh trong cả trí tưởng tượng của người Công Giáo và suy nghĩ của thế giới về Giáo hội.

“Sự đóng vai chính của Đức Giáo Hoàng”, như một số người đã mô tả, đã giúp Giáo hội giải phóng sức mạnh của Phúc âm trong hơn một lần. Đó là một lý do tại sao Đức Giáo Hoàng Piô X có thể nhanh chóng định hình lại bối cảnh tâm linh của Công Giáo bằng cách cho phép trẻ em bảy tuổi được Rước lễ; và Đức Giáo Hoàng Piô XI có thể mở rộng và đào sâu học thuyết xã hội của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trong khi thách thức ba hệ thống toàn trị; và rằng Đức Giáo Hoàng Piô XII có thể thiết lập bối cảnh trí tuệ cho Công đồng Vatican II với các thông điệp Mystici Corporis Christi (Thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô), Divino Afflante Spiritu (Được Chúa Thánh Thần linh hứng) và Mediator Dei (Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người). “Sự đóng vai chính của Đức Giáo Hoàng” cũng đã có những tác động trong lịch sử thế giới, đáng chú ý nhất là trong vai trò quan trọng của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị trong việc châm ngòi cho cuộc cách mạng lương tâm đã giúp tạo nên cuộc Cách mạng chính trị bất bạo động năm 1989 và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Âu Châu.

“Sự đóng vai trò chủ chốt của Đức Giáo Hoàng”—Sứ vụ Phêrô ở ngay trung tâm trí tưởng tượng của người Công Giáo—cũng có những tác động không mấy vui vẻ trong Giáo hội.

Nếu các giám mục coi Đức Giáo Hoàng là trung tâm của mọi sáng kiến trong Giáo hội, họ có thể sẽ ít nhiệt tình hơn trong việc đảm nhận trách nhiệm giải phóng sức mạnh của Phúc âm trong dân chúng.

Nếu các giám mục và bề trên của các cộng đồng tôn giáo hiểu “chủ nghĩa Đức Giáo Hoàng” có nghĩa là họ không cần phải thực hiện hành động kỷ luật cần thiết vì lợi ích của giáo phận hoặc cộng đồng của họ vì “Roma sẽ giải quyết vấn đề”, thì các Giáo hội và cộng đồng địa phương đó sẽ phải chịu thiệt hại—và toàn thể Giáo hội cũng vậy.

“ Sự đóng vai trò chủ đạo của Đức Giáo Hoàng” cũng có thể có tác động không vui là ám chỉ - ít nhất là thông qua phương tiện truyền thông và mạng xã hội - rằng những gì Đức Giáo Hoàng làm và nói tóm tắt ý nghĩa, công việc và tình trạng của Giáo Hội Công Giáo tại bất kỳ thời điểm nào. Điều này đơn giản là không đúng. Và nó có thể làm mất sự chú ý khỏi các bộ phận đang phát triển của Giáo hội thế giới nơi sức mạnh của Phúc âm đang được giải phóng. Có bao nhiêu người Công Giáo, và bao nhiêu phương tiện truyền thông thế giới, đã bỏ lỡ sự phát triển phi thường của Công Giáo ở Phi Châu cận Sahara trong những năm sau Công đồng Vatican II - và đã bỏ lỡ sự nở rộ phi thường của Phúc âm vì quá tập trung vào Đức Giáo Hoàng và những tranh cãi xung quanh nó? Có bao nhiêu người Công Giáo ngày nay đáng buồn là không biết về nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra trong Giáo hội địa phương của họ và trên khắp Giáo hội thế giới vì họ bị mê hoặc bởi Đức Giáo Hoàng và ám ảnh về những gì Đức Giáo Hoàng nói và làm?...

Đức Giáo Hoàng phải và sẽ vẫn là thẩm quyền tối cao của Giáo hội. Tuy nhiên, thẩm quyền đó phải được thực hiện theo cách tạo điều kiện cho sự lãnh đạo của những người khác, đặc biệt là các giám mục của Giáo hội. Và thẩm quyền tối cao phải yêu cầu, khi cần thiết, rằng các chính quyền địa phương thực hiện trách nhiệm của mình để sức mạnh của Phúc âm có thể được nhìn thấy trong tất cả mọi người của Giáo hội.

Đây sẽ không phải là vấn đề “thu hẹp” chức vụ Giáo Hoàng mà là chức Giáo Hoàng trao quyền cho các môn đệ truyền giáo. Với cấu trúc thẩm quyền độc đáo trong Giáo Hội Công Giáo, một biện pháp “chủ nghĩa Đức Giáo Hoàng” không chỉ là điều tất yếu mà còn là điều mong muốn. Tuy nhiên, nếu Đức Giáo Hoàng hiểu rằng việc củng cố anh em là một trách nhiệm thiết yếu của chức vụ của mình, thì ngài sẽ thực hiện chức vụ của mình theo cách hướng ra ngoài bản thân mình đến Chúa Kitô. Và ngài sẽ lãnh đạo theo những cách nhắc nhở đàn chiên của mình rằng tất cả họ đều là những môn đệ truyền giáo, được kêu gọi làm chứng cho sức mạnh của Phúc âm và làm cho Chúa Kitô được thế giới biết đến.

Các Hồng Y của Cơ Mật Viện Hồng Y 2005 có một nhiệm vụ to lớn trước mắt. Nhiệm vụ đó sẽ được giải quyết theo cách tập trung nhiều hơn vào Phúc âm nếu các Hồng Y cử tri tự nhắc nhở mình rằng mỗi Đức Giáo Hoàng đều mang đến những món quà tinh thần và nhân bản độc đáo cho Sứ vụ Phêrô, và nhiệm vụ của họ không phải là tìm ra Phanxicô 2.0, mà là tìm ra Người kế vị Phêrô, người mà Chúa đã trao cho trách nhiệm “làm cho anh em mình được vững mạnh” (Luca 22:32).


Source:First Things
 
Thời kỳ Chuyển giao Giáo hoàng như những Khoảnh khắc hoán cải
Vũ Văn An
15:11 01/05/2025



Matt Swaim của The Coming Home Network International, ngày 24 tháng 4 năm 2025, thuật lại các trường hợp điển hình trở lại Công Giáo nhân dịp tang lễ của các vị giáo hoàng và thời gian trống tòa Phêrô của Giáo Hội Công Giáo:

Khi Giáo Hội Công Giáo chuyển giao giữa các vị giáo hoàng, đây thường là thời điểm đầy kịch tính đối với cả những người Công Giáo từ khi còn trong nôi và những người mới trở lại đạo; chúng ta tạm biệt Đức Thánh Cha và cầu nguyện để Chúa Thánh Thần hướng dẫn quá trình này trong khi chúng ta chờ đợi xem ai sẽ được bầu tiếp theo. Vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã qua đời vào đúng đầu mùa Phục sinh, điều này cũng có nghĩa là tất cả những người được tiếp nhận vào Giáo hội trong Lễ Vọng Phục sinh hai ngày trước đó đã dành nhiều thời gian hơn với tư cách là người Công Giáo mà không có Đức Giáo Hoàng hơn là có Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, ngoài phạm vi cảm xúc mà người Công Giáo trải qua, có một sự tò mò to lớn thu hút toàn thế giới, ngay cả những người có thể không quan tâm đến Giáo hội, về sự chuyển giao giáo hoàng. Nhiều người cải đạo trong số các thành viên của CHNetwork là những người Công Giáo duy nhất trong gia đình mở rộng của họ, và giờ đây phải làm người liên lạc với những người thân không theo Công Giáo và trả lời đủ loại câu hỏi về những gì thực sự đang diễn ra trong Giáo hội tại thời điểm hiện tại. Suy đoán và phân tích về những hoạt động của Vatican đã trở thành chủ đề bàn tán hàng ngày.

Đối với một số người, sự tò mò này giống như một giải bóng bầu dục giả tưởng hơn là bất cứ mối quan tâm thực sự nào về bản chất của Giáo Hội Công Giáo. Nhưng đối với những người khác, tang lễ của một vị giáo hoàng và cuộc bầu một vị giáo hoàng khác có thể khơi dậy những câu hỏi sâu sắc hơn nhiều. Giáo hội là gì? Điều gì cấu thành nên thẩm quyền hợp pháp của Ki-tô giáo? Những gì tôi đang thấy diễn ra so với kinh nghiệm lịch sử và phẩm trật của truyền thống đức tin của riêng tôi như thế nào? Những câu hỏi này có thể mở ra cho những người tìm kiếm thiện chí khả năng muốn tìm hiểu về Công Giáo vượt ra ngoài cơ chế thực tế đơn thuần của một mật nghị.

Trên thực tế, một số thành viên của Coming Home Network của chúng tôi đã chia sẻ việc chứng kiến sự chuyển giao quyền lực của giáo hoàng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc khiến họ cân nhắc việc xem xét lại Giáo Hội Công Giáo.

Sau đây là một số câu chuyện của họ…

*****

Vào ngày 6 tháng 8 năm 1978, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI qua đời. Điều mà tôi sớm biết được là ba kênh truyền hình lớn ở Hoa Kỳ bị ám ảnh bởi việc ai sẽ là vị giáo hoàng tiếp theo và cách bầu ra một vị. Cha tôi giải thích với tôi rằng một số người đàn ông sẽ bỏ phiếu và sau đó màu khói bốc ra từ ống khói của họ sẽ cho thế giới biết rằng họ đã chọn một vị giáo hoàng mới để lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo. Bất cứ khi nào tôi bật TV, nó luôn có vẻ như đang hiển thị cùng một thứ, ống khói. Cuối cùng, khói trắng xuất hiện vào ngày 26 tháng 8 năm 1978 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I đã được các Hồng Y đồng nghiệp của mình chọn làm người kế vị Thánh Phêrô.

“Mọi thứ trở lại bình thường trong thế giới của tôi cho đến ngày 28 tháng 9 năm 1978 khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I qua đời. Ôi không! Màn hình TV với ống khói lại xuất hiện! Tôi có bao giờ được xem lại chương trình Wide World of Sports của ABC nữa không? Vào ngày 16 tháng 10 năm 1978, Karol Wojtyla, Hồng Y Tổng giám mục Krakow, được chọn làm Giám mục Rome và lấy tên là Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tôi đã bỏ lỡ sáu ngày thứ Bảy của chương trình Wide World of Sports của ABC cùng với một số trận bóng đá của trường đại học và chuyên nghiệp, vì vậy tôi rất vui khi được xem lại TV. Khi tôi vui mừng khi nghe những lời này, 'bây giờ hãy quay lại chương trình phát sóng thường lệ của chúng ta...', tôi hoàn toàn không biết rằng người đàn ông sẽ trở thành Kitô hữu có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX vừa khoác lên mình chiếc áo choàng giáo hoàng.

"Người đàn ông này, người mà tôi gián tiếp khá khó chịu, một ngày nào đó tôi sẽ gọi là giáo hoàng của mình. Ông ấy đã dũng cảm đứng lên chống lại chủ nghĩa cộng sản vô thần và tôi sẽ kinh ngạc trước sức mạnh và lòng dũng cảm của ông ấy khi ông chiến đấu với căn bệnh Parkinson. Khi ông qua đời, tôi đã ở trong trạng thái sốc khi nhớ lại đã nói với bạn bè và gia đình rằng, 'ông ấy là giáo hoàng duy nhất mà tôi từng biết...'.

“... Vài năm sau khi gia nhập Giáo hội, tôi đã tình nguyện trở thành người bảo trợ cho RCIA của giáo xứ mình. Tôi được ghép đôi với một chàng trai trẻ, anh ấy kể với tôi rằng anh ấy bắt đầu quan tâm đến Giáo Hội Công Giáo sau khi Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời. Anh ấy kể với tôi rằng tất cả các đài tin tức quốc gia và truyền hình cáp đều đưa tin về cái chết và tang lễ của Giáo hoàng gần như 24 giờ một ngày. Anh ấy rất thích thú với người đàn ông này và tác động của ông đối với thế giới đến nỗi anh ấy muốn tìm hiểu thêm về Giáo Hội Công Giáo và điều này cuối cùng đã dẫn anh ấy đến RCIA. Tôi nghĩ thật trớ trêu khi khi còn nhỏ, tôi đã khó chịu với việc đưa tin trên truyền hình về cuộc bầu cử Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhưng việc đưa tin trên truyền hình về tang lễ của Gioan Phaolô đã khiến bạn tôi cải đạo.”

Tiến sĩ David Perry, Cựu tín đồ Trưởng lão, Giáo hoàng đã hủy hoại TV của tôi như thế nào

*****

Tôi ghét phải thừa nhận điều này, nhưng hồi đó tôi rất hẹp hòi và cố chấp, nghĩ rằng bất cứ ai không thuộc giáo phái của chúng tôi đều phải xuống địa ngục. Tôi coi Giáo Hội Công Giáo là kẻ phạm tội lớn nhất. Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ khi mười bảy tuổi, tôi đã xem lễ tang của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I vào năm 1978 với sự thích thú và tò mò lớn. Tôi thậm chí còn ghi chép! Mặc dù tôi không hiểu gì cả về Thánh lễ, tôi thấy tò mò. Hôm nay, tôi tự hỏi liệu có hạt giống nào được gieo vào tâm hồn tôi lúc đó không, chỉ để nảy mầm mười bốn năm sau đó.”

Jim Barnett, cựu Giáo hội Chúa Ki-tô, Từ Giáo phái đến Bí tích

*****

Tôi vẫn còn một danh sách dài những phản bác đối với giáo lý Công Giáo, nhưng từng điều một, tất cả dường như đều được giải đáp. Tôi vẫn cười về cách khá ngoạn mục mà Chúa đã giải quyết một trong những phản bác cuối cùng của tôi. Đó là: chắc chắn Giáo Hội Công Giáo đã được người Ý trả tiền? Tất cả các Giáo hoàng đều là người Ý trong 400 năm. Tôi thấy Giáo hội Anh đáng ngờ, vì nó quá Anh — và Anh thuộc tầng lớp trung lưu — nhưng tôi không phải đang từ chảo rán nhẩy vào lửa sao [từ xấu đến tệ hơn]? Từ một định chế trung lưu hoàn toàn của Anh sang một địnhh chế hoàn toàn của Ý? Vâng, một ngày nọ, tôi thấy mình đang tham dự một Thánh lễ, và khi kết thúc, vị linh mục nói: 'Tôi có một thông báo — chúng ta có một giáo hoàng mới! Ngài đã lấy tên là Gioan Phaolô II. Và ngài là người Ba Lan!’ Điều này giống như một thông điệp cá nhân từ Chúa, bảo tôi đừng ngốc nghếch như vậy và hãy từ bỏ những lời phản bác vô tận của tôi đối với Giáo hội của Người.”

Tiến sĩ Cyprian Blamires, Cựu tín đồ Anh giáo, Tìm đường đi của tôi

****

Tôi thích phụng vụ và những lời cầu nguyện của Giáo Hội Công Giáo. Tôi đánh giá cao việc Thánh lễ không phụ thuộc vào tính cách hay sở thích của mục tử. Hầu như mọi phần của Thánh lễ đều là tham chiếu hoặc trích dẫn Kinh thánh. Tôi đánh giá cao việc chúng tôi thực sự hát thánh ca. Dần dần, khi tôi thấy bánh thánh được nâng lên trên bàn thờ tuần này qua tuần khác, với những chữ ‘Đây là mình Thầy’ và ‘Này, Chiên Thiên Chúa’, tôi bắt đầu tin rằng Chúa Kitô thực sự hiện diện ở đó, rằng đây là Giáo hội của tôi và tôi muốn rước lễ ở đó. Tôi đã chán việc phải đứng ngoài cuộc. Tôi muốn trở thành người Công Giáo.

“Tôi nhớ mình đã nghĩ: thật khiêm nhường khi Chúa Kitô trở thành bánh của chúng ta. Nhân tiện, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã qua đời vào mùa xuân năm đó vào đêm trước Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa. Ngài đã là giáo hoàng trong suốt cuộc đời tôi. Đối với tôi, đó là một mất mát lớn, cá nhân. Khi nghe tin ngài qua đời, tôi tự nhủ, ‘Mình phải trở thành người Công Giáo.’”

Ari Mack, Cựu tín đồ Ngũ Tuần, Sự tha thứ trên con đường đến với đức tin

*****

Tôi 51 tuổi, đã kết hôn được 15 năm và không có con, sống trên năm mẫu Anh trong rừng ở Nam Oregon, vào thời điểm Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II qua đời. Chồng tôi, Brad, không lo lắng như tôi về việc không có nhà thờ thực sự để tham dự, nhưng điều đó đã làm tôi rất khó chịu trong nhiều năm, đặc biệt là vào lễ Phục sinh. Tuy nhiên, đây là Nhà thờ lớn nhất trên trái đất đã làm cả thế giới như bị giam cầm vào lễ Phục sinh năm 2005, và tôi không thể ngừng khóc.

“Tôi chỉ là một Ki-tô hữu không theo giáo phái nào, thậm chí không phải là người Công Giáo, nhưng tôi đã khóc vì Chúa nhật Phục sinh cuối cùng đau lòng của Đức Giáo Hoàng, khi ngài xuất hiện ở cửa sổ căn hộ Vatican của mình, không thể nói chuyện với chúng tôi. Tôi cảm thấy Karol Wojtyla (tên khai sinh của ngài) đã là 'người bạn' và anh trai của tôi trong một thời gian dài. Kể từ khi ngài trở thành tin tức toàn cầu, xuất hiện trên ban công tại Vatican vào tháng 10 năm 1978, tôi đã bị cuốn hút bởi vị Giáo hoàng người Ba Lan độc đáo này.

"Gia đình bên mẹ tôi cũng đến từ Ba Lan, vì vậy tôi cảm thấy chúng tôi có điểm chung. Bản tin truyền hình thậm chí còn ghi lại những năm đầu của ngài với tư cách là một diễn viên, thực hiện một điều gì đó hấp dẫn được gọi là 'Nhà hát của Lời Chúa'. Chà — điều này thật tuyệt vời. Tôi cũng đã lớn lên dưới sự quyến rũ của nhà hát với tất cả các chiều kích đầy màu sắc của nó, vật chất và tinh thần. Làm sao có thể vị Giáo hoàng mới này và hiện là nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo lại biết được một số nguyện vọng và ước mơ này? Họ thậm chí còn nói rất nhiều về việc ngài mất mẹ từ khi còn nhỏ. Mẹ ruột của tôi đã mất khi tôi 14 tuổi, để lại một người chồng và bốn đứa con. Điều đó chắc chắn đã hình thành nên cuộc sống của tôi, vì vậy tôi có thể rất đồng cảm với Đức Gioan Phaolô II."

Adrienne Pueschel, cựu tín đồ Tin Lành, One Moment of Grace

*****

Tôi ngồi cầu nguyện trong một nhà thờ Công Giáo tại Đan viện Holy Cross gần Tombstone, AZ. Điều này thật bất thường đối với tôi, vì tôi không phải là người Công Giáo. Tôi đã đi cùng mẹ chồng, người đang để tang chồng. Đây là nơi họ thích dừng lại và cầu nguyện. Khi quỳ xuống, tôi cầu nguyện: ‘Chúa ơi, con không hiểu về Đức tin Công Giáo, nhưng con muốn hiểu. Điều này thật kỳ lạ đối với con — những ngọn nến, hình ảnh, toàn bộ nền văn hóa — nhưng con muốn hiểu. Nếu có điều gì tốt đẹp ở đây để học, hãy chỉ cho con, hãy dạy con.’

“Khi chúng tôi lái xe về nhà ở Texas, tin tức về cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang được phát trên đài phát thanh. Tôi thấy thật thú vị khi ông ấy đến từ Argentina. Tôi ba mươi sáu tuổi, đã kết hôn mười bốn năm và phục vụ cùng vợ tại nhà thờ Assemblies of God của chúng tôi. Tôi không bao giờ nghĩ rằng, chỉ hơn một năm nữa, tôi sẽ trở thành người Công Giáo.”

Enrique Crosby, Cựu Ngũ Tuần, Tìm Điểm Đang Biến Mất

*****

Trong những ngày chuyển giao này của Giáo hội, sẽ có nhiều điều để đọc và xem liên quan đến việc kết thúc di sản của một vị giáo hoàng và sự lên ngôi của một vị giáo hoàng mới. Sẽ có nhiều điều được nói về các khía cạnh quan liêu của Công Giáo, lịch sử lãnh đạo của nó và việc khám phá những cá nhân tham gia vào quá trình này.

Nhưng trong tất cả các cuộc thảo luận về cách thức hoạt động của cơ chế của việc chuyển đổi này, đừng quên cầu nguyện cho tất cả những người có thể đang quan sát các diễn biến này, không chỉ với sự quan tâm đến Giáo hội như một định chế, mà có lẽ là nơi mà Chúa có thể kêu gọi họ đến như ngôi nhà tâm linh của họ.

 
7 sự kiện về mật nghị năm nay
Vũ Văn An
17:05 01/05/2025

Tài liệu phát tay / OSSERVATORE ROMANO / AFP


Christine Rousselle của Aleteia ngày 1/5/2025, tường thuật: Mật nghị sẽ bắt đầu sau một tuần nữa. Sau đây là bảy sự kiện cần biết về các cử tri năm nay khi các ngài chuẩn bị bầu vị giáo hoàng mới.

1. Đây là mật nghị lớn nhất từ trước đến nay.

Có 133 Hồng Y cử tri sẽ tham gia mật nghị năm nay, trong tổng số 135 Hồng Y đủ điều kiện.

(Hai vị sẽ không tham dự mật nghị là Hồng Y Antonio Cañizares, Tổng giám mục hưu trí của Valencia, Tây Ban Nha, và Hồng Y John Njue, Tổng giám mục hưu trí của Nairobi, Kenya.)

Về mặt lý thuyết, số lượng Hồng Y bỏ phiếu bị giới hạn ở mức 120, nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giống như những vị tiền nhiệm của ngài, đã sử dụng con số đó làm mục tiêu chung, không phải là giới hạn nghiêm ngặt. (Khi các cử tri bước sang tuổi 80 hoặc các Hồng Y qua đời, số lượng sẽ tự nhiên giảm dần giữa các công nghị.) Có 115 cử tri trong mật nghị năm 2013, kỷ lục trước đó về số cử tri bỏ phiếu nhiều nhất.

Điều này đặt ra một câu hỏi khác: Làm thế nào để tất cả các ngài có thể chen chân vào Nhà nguyện Sistine?

115 vị đã bỏ phiếu trong mật nghị năm 2013.

133 vị sẽ bỏ phiếu trong mật nghị năm 2025.

Người ta sẽ phải kéo dài những chiếc bàn đó, hoặc ép những chiếc ghế đó lại, để có thêm 18 chỗ ngồi.

2. Cử tri trẻ tuổi nhất sinh năm 1980...

Vị trẻ tuổi nhất trong mật nghị năm nay là Hồng Y Mykola Bychok, 45 tuổi. Bychok là một Hồng Y Công Giáo Hy Lạp người Ukraine đến từ Úc. Ngài bước sang tuổi 45 vào ngày 13 tháng 2, hai tháng và một tuần sau khi được thăng lên Hồng Y đoàn.

Mặc dù Bychok là Hồng Y trẻ tuổi nhất, nhưng ngài không phải là Hồng Y trẻ tuổi nhất từng tham gia mật nghị. Người ta tin rằng vinh dự đó thuộc về Hồng Y Alfonso Gesualdo di Conza, người chỉ mới 25 tuổi trong mật nghị 1565-1566.

Giáo hoàng trẻ tuổi nhất được cho là Giáo hoàng Benedict IX, người khoảng 20 tuổi khi được bầu vào năm 1032.

3....và vị lớn tuổi nhất gần như không được vào

Hồng Y cử tri lớn tuổi nhất là Hồng Y Carlos Osoro Sierra, Tổng giám mục hưu trí của Madrid.

Ngài 79 tuổi và sẽ bước sang tuổi 80 vào ngày 16 tháng 5 năm 2025.

Nếu ngài sinh ra sớm hơn một tháng, ngài sẽ quá già để vào mật nghị. Điều kiện đủ tư cách của Hồng Y dựa trên độ tuổi của họ tại thời điểm Đức Giáo Hoàng qua đời.

4. Hồng Y đến từ sáu châu lục

135 Hồng Y cử tri đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng hơn một phần ba đến từ châu Âu.

Có:

53 Hồng Y đủ tuổi bỏ phiếu từ Châu Âu,

23 từ Châu Á,

20 từ Bắc Mỹ,

17 từ Nam Mỹ,

18 từ Châu Phi và

4 từ Châu Đại Dương.

Mặc dù có một số ít nhà thờ Công Giáo ở Nam Cực, nhưng lục địa này nằm dưới quyền quản lý của một số giáo phận khác nhau và không có giám mục chính thức nào ở Nam Cực.

5. Ý có nhiều Hồng Y nhất

Ý có nhiều Hồng Y cử tri nhất trong số các quốc gia, với 17 vị. Con số này không bao gồm Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ La tinh của Jerusalem, hoặc Hồng Y Giorgio Marengo, giám quản tông tòa của Ulaanbaatar, Mông Cổ, cả hai đều sinh ra và lớn lên ở Ý.

Hoa Kỳ có số lượng cao thứ hai, ở mức 10, tiếp theo là Brazil với 7.

Ấn Độ và Philippines có nhiều Hồng Y cử tri nhất trong số các quốc gia Châu Á, với bốn người, và các Hồng Y của Châu Phi và Châu Đại Dương đều đến từ các quốc gia khác nhau.

6. Có năm Hồng Y trong mật nghị thứ ba của họ

Trong khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm khoảng 80% số Hồng Y cử tri cho mật nghị năm nay và các ngài hoàn toàn mới với tiến trình này, năm Hồng Y đang thực hiện chuyến đi thứ ba đến Vatican để bỏ phiếu cho người kế nhiệm Thánh Phêrô.

Các vị là:

Đức Hồng Y Vinko Puljić, Tổng giám mục hưu trí của Vrhbosna, Bosnia và Herzegovina

Đức Hồng Y Josip Bozanić, Tổng giám mục hưu trí của Zagreb, Croatia

Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng giám mục hưu trí của Lyon, Pháp

Đức Hồng Y Peter Turkson, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Giáo hoàng và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Giáo hoàng

Đức Hồng Y Péter Erdő, Tổng giám mục Esztergom–Budapest, Hungary

Sự kiện đáng lưu ý: Các Đức Hồng Y Bozanić, Barbarin, Turkson và Erdő đều được nâng lên Hồng Y đoàn trong cùng một công nghị vào năm 2003.

7. Có 18 dòng tu được đại diện trong Hồng Y đoàn

Tổng cộng có 33 Hồng Y là thành viên của các dòng tu, chiếm gần 25% số Hồng Y cử tri.

Dòng Salêdiêng có nhiều nhất, năm người, tiếp theo là bốn thành viên của Dòng Anh Em Hèn Mọn và Dòng Tên. Có ba tu sĩ Phanxicô Viện Tu, và hai tu sĩ Đaminh, Lazarist, Redemptorist, và hai thành viên của Hội Ngôi Lời Thiên Chúa.

Dòng Augustinô, Dòng Capuchin, Dòng Cát Minh Không Giày, Dòng Xitô, Viện Thế Tục Piô X, Các nhà truyền giáo Consolata, các nhà truyền giáo của Thánh Tâm Chúa Giêsu, các nhà truyền giáo Scalabrinians và Spiritans mỗi bên đều có một Hồng Y bỏ phiếu.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trở thành tu sĩ Dòng Tên đầu tiên được bầu làm giáo hoàng vào năm 2013.
 
Tuyên bố của Tòa thánh kêu gọi các tín hữu Công Giáo cầu nguyện cho Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
17:18 01/05/2025


TUYÊN BỐ CỦA TÒA THÁNH

Hồng Y đoàn tụ họp tại Rôma, tham gia các phiên họp chung để chuẩn bị cho Cơ Mật Viện, mong muốn mời gọi dân Chúa sống khoảnh khắc giáo hội này như một sự kiện ân sủng và sự phân định thiêng liêng, lắng nghe thánh ý Chúa.

Vì lý do này, các Hồng Y, ý thức được trách nhiệm mà mình được kêu gọi, cảm thấy cần phải được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của tất cả các tín hữu. Đây là sức mạnh thực sự thúc đẩy sự hiệp nhất của tất cả các chi thể trong Thân thể duy nhất của Chúa Kitô trong Giáo hội (x. 1 Cr 12:12).

Trước sự to lớn của nhiệm vụ trước mắt và tính cấp bách của thời đại hiện tại, trước hết chúng ta cần phải trở thành những khí cụ khiêm nhường của sự khôn ngoan và sự quan phòng vô hạn của Cha trên trời, trong sự ngoan ngoãn trước hành động của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Người là nhân vật chính của đời sống dân Chúa, là Đấng mà chúng ta phải lắng nghe, chấp nhận những gì Người nói với Giáo hội (x. Kh 3:6).

Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với những lời cầu nguyện này bằng sự chuyển cầu của Mẹ.


Source:Holy See Press Office
 
Truyền thông thế tục nói về Cơ Mật Viện: Bốn ứng cử viên chính xuất hiện
Đặng Tự Do
17:23 01/05/2025


Theo một trang web cá cược hàng đầu, bốn ứng cử viên chính đã nổi lên trong cuộc đua giành vị trí Giáo Hoàng tiếp theo.

Tờ Newsweek cho rằng cuộc bầu cử Giáo Hoàng Rôma đang thu hút sự chú ý lớn trên toàn cầu vì nó có khả năng định hình tương lai của tôn giáo lớn nhất thế giới với hơn 1,2 tỷ tín hữu.

Việc lựa chọn vị Giáo Hoàng tiếp theo sẽ ảnh hưởng đến các định hướng tín lý và giải quyết các xung đột nội bộ.

Rủi ro ngày càng tăng do những cuộc tranh luận dai dẳng về tính minh bạch, quản trị và sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại.

Theo trang web cờ bạc tiền điện tử Polymarket, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Đức Hồng Y Peter Turkson và Đức Hồng Y Matteo Zuppi đã trở thành bốn ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Giáo Hoàng tiếp theo.

Vào ngày Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời vào ngày 21 tháng 4, cơ hội của Hồng Y Parolin người Ý đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 42 phần trăm, theo công cụ theo dõi của trang web. Cơ hội của Đức Hồng Y Tagle người Phi Luật Tân đạt gần 36 phần trăm, Đức Hồng Y Zuppi người Ý đạt 6,8 phần trăm và Turkson người Ghana là 6,5 phần trăm.

Kể từ đó, tỷ lệ cược đã thay đổi, với cơ hội tăng cao nhất dành cho Đức Hồng Y Turkson.

Tuần này, Đức Hồng Y Turkson, người có khả năng trở thành vị Giáo Hoàng Phi Châu đầu tiên sau 1.500 năm, đã nhảy từ vị trí thứ tư lên vị trí thứ hai trong thời gian ngắn.

Vào thời điểm công bố, Đức Hồng Y Parolin, nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho đến khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời, dẫn đầu với 26 phần trăm cơ hội, tiếp theo là Đức Hồng Y Tagle, 21 phần trăm, Đức Hồng Y Turkson, 19 phần trăm, và Đức Hồng Y Zuppi, 13 phần trăm.

Cần phải có đa số hai phần ba hay 89 phiếu để trở thành nhà lãnh đạo mới theo một phương pháp bầu đã được hoàn thiện qua nhiều thế kỷ.

Cơ Mật Viện có những biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm việc loại bỏ các thiết bị điện tử và kiểm tra an ninh liên tục.

Đức Hồng Y Peter Turkson là ai?

Đức Hồng Y Turkson người Ghana, 76 tuổi, là cựu chủ tịch Ủy ban công lý và hòa bình của Vatican, ngài kết hợp quan điểm chính trị tiến bộ với lập trường thần học bảo thủ.


Source:Newsweek
 
Lời chia buồn bị xóa sau khi Đức Giáo Hoàng qua đời đã tiết lộ căng thẳng giữa Israel và Vatican
Đặng Tự Do
17:27 01/05/2025


Vài giờ sau khi thông báo về cái chết của Đức Thánh Cha Phanxicô, Bộ Ngoại giao Israel đã đăng một thông điệp ngắn trên X: “Xin hãy yên nghỉ, Đức Thánh Cha Phanxicô. Cầu mong ký ức về ngài là một phước lành.” Vài giờ sau, thông điệp này đã bị xóa mà không có lời giải thích.

Vào thời điểm toàn cầu đang tiếc thương sâu sắc về cái chết của Đức Phanxicô, quyết định xóa lời chia buồn này dường như phản ánh những căng thẳng đã nảy sinh giữa Israel và Vatican về việc Đức Phanxicô thường xuyên chỉ trích hành vi của Israel trong cuộc chiến ở Gaza. Tờ Washington Post đã yêu cầu giải thích nhưng Bộ Ngoại giao Israel từ chối bình luận về việc xóa bài đăng.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu thường nhanh chóng đưa ra tuyên bố về sự ra đi của những nhân vật quốc tế quan trọng. Nhưng ông đã im lặng về cái chết của Đức Giáo Hoàng, cũng như Ngoại trưởng Gideon Saar. Lời chia buồn chính thức duy nhất đến từ Tổng thống Israel, Isaac Herzog, người giữ vai trò chủ yếu mang tính nghi lễ và ca ngợi Đức Phanxicô là “một người có đức tin sâu sắc và lòng trắc ẩn vô bờ bến”.

Trong hầu hết nhiệm kỳ của Đức Phanxicô, mối quan hệ giữa Israel và Vatican liên tục được cải thiện - nổi bật nhất là chuyến thăm Thánh Địa vào năm 2014.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra với cuộc tấn công chết người của Hamas vào miền nam Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023.

Trong khi bày tỏ sự cảm thông với các nạn nhân và con tin người Israel, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ám chỉ rằng các cuộc tấn công tiếp theo của Israel vào Gaza và Li Băng là “vô đạo đức” và không cân xứng. Ngài cũng kêu gọi một cuộc điều tra để xác định xem các cuộc tấn công của Israel vào Gaza có cấu thành tội diệt chủng hay không, một cáo buộc mà Israel phủ nhận trong khi các cuộc điều tra tại các tòa án cao cấp của Liên Hiệp Quốc vẫn đang được tiến hành.

Wadie Abunassar, nhà lãnh đạo một nhóm đại diện cho các Kitô hữu ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, cho biết: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án những gì đã xảy ra vào ngày 7 tháng 10, nhưng ngài cũng nói rõ rằng những gì đã xảy ra vào ngày 7 tháng 10 không thể biện minh cho những gì đã xảy ra kể từ ngày 7 tháng 10”.

Abunassar cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô giống như một người bạn luôn nói sự thật, ngay cả khi đó không phải là điều bạn muốn nghe.

Trong suốt cuộc chiến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cân bằng một cách tinh tế giữa mối quan hệ chặt chẽ của mình với Israel và lên án những tổn thất tàn khốc ở Gaza, theo Amnon Ramon, một chuyên gia về Kitô giáo ở Israel và là một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu chính sách Giêrusalem. Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt thân thiết với linh mục giáo xứ địa phương của Gaza, người, giống như Đức Phanxicô, đến từ Á Căn Đình.

Lịch sử căng thẳng

Israel trong lịch sử có mối quan hệ mong manh với Vatican. Mối quan hệ này bắt nguồn từ sự tức giận về việc Vatican được cho là thiếu hành động trong Thế chiến II, khi những người chỉ trích cho rằng Đức Giáo Hoàng Piô 12 đã im lặng trong cuộc diệt chủng Holocaust mặc dù có thể biết về kế hoạch tiêu diệt người Do Thái của Đức Quốc xã. Những người ủng hộ khẳng định ngài đã sử dụng biện pháp ngoại giao thầm lặng để cứu mạng người Do Thái. Nhiều người Do Thái được Đức Giáo Hoàng Piô 12 giúp đỡ đã lên tiếng bênh vực ngài và cung cấp cho viện Yad Vashem những chứng tá quan trọng. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Israel và Tòa Thánh vẫn còn chủ yếu là vì tâm tình bài Kitô của các thành phần Do Thái Giáo cực đoan.

Vào những năm 1960, Vatican đã trải qua một loạt các thay đổi lớn, bao gồm, trong số những thay đổi khác, việc thay đổi thái độ của Giáo hội đối với người Do Thái về những gì từ lâu được coi là tội lỗi tập thể của họ đối với việc đóng đinh Chúa Giêsu, Ramon giải thích. Tòa thánh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel vào năm 1993.

Các tín hữu Kitô chiếm chưa đến 2% dân số Thánh Địa. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có khoảng 182.000 người ở Israel, 50.000 người ở Bờ Tây và 1.300 người ở Gaza.

Vào đầu triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, mối quan hệ với Israel đã nồng ấm đáng kể. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Thánh Địa vào năm 2014 như một trong những chuyến công du quốc tế đầu tiên của mình, khi ngài gặp Netanyahu, người lúc đó là thủ tướng. Tổng thống lúc bấy giờ là Shimon Peres đã đến thăm Vatican nhiều lần, bao gồm cả chuyến thăm cùng với Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas để trồng một cây hòa bình tại Vườn Vatican.

Nhưng sự chuyển hướng sang cánh hữu của chính phủ Israel và cuộc chiến đang diễn ra với Gaza đã làm căng thẳng mối quan hệ.

Đức Giáo Hoàng lên tiếng lo ngại về các con tin bị bắt giữ ở Gaza

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ quan điểm lần đầu tiên vào ngày 8 tháng 10, một ngày sau khi chiến tranh bắt đầu, và ngài vẫn theo đuổi đường lối đó cho đến cuối đời: chiến tranh là thất bại, không có chiến thắng nào cho chiến tranh”, Cha David Neuhaus, một linh mục địa phương từng là phát ngôn nhân trong chuyến thăm năm 2014 của Đức Giáo Hoàng, cho biết.

“Đức Thánh Cha bày tỏ mối quan tâm lớn đối với các con tin, nhưng nói rằng bạo lực nên chấm dứt và Israel đang sử dụng vũ lực để đạt được điều gì đó không thể đạt được bằng vũ lực”, Cha Neuhaus nói. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã gặp gia đình của các con tin bị giam giữ ở Gaza và người Palestine bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Associated Press vào tháng 4 năm 2023, nhà lãnh đạo Công Giáo tại Thánh Địa, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa cho biết chính phủ cực hữu của Netanyahu đã khiến cuộc sống của các Kitô hữu tại nơi khai sinh ra Kitô giáo trở nên tồi tệ hơn. Ngài lưu ý rằng các cuộc tấn công vào các địa điểm của Kitô giáo, người hành hương và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã gia tăng.

Mặc dù các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã tham dự tang lễ của Đức Phanxicô, Israel chỉ cử đại sứ cạnh Tòa Thánh, một nhà ngoại giao cấp thấp, tham dự.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Oren Marmorstein cho biết điều này một phần là do xung đột lịch trình và tang lễ diễn ra vào thứ Bảy, ngày Sabbath của người Do Thái, yêu cầu các chính trị gia Israel phải đi bộ đến tang lễ. Ông cho biết quyết định này không chỉ ra bất kỳ căng thẳng nào với Vatican.

“Israel sẽ được đại diện theo cách chính thức nhất trong tang lễ thông qua đại sứ của chúng tôi ở đó,” Marmorstein cho biết. “Có những điều chúng tôi không đồng ý, nhưng chúng tôi đang tham gia tang lễ.”

Đức Phanxicô nhấn mạnh lòng thương xót trong một thế giới phân cực

“Đức Thánh Cha Phanxicô là một trong những người bạn tốt nhất của Israel, nhưng giới lãnh đạo Israel đã không hiểu đúng về ngài”, Abunassar, điều phối viên của diễn đàn Kitô giáo Thánh Địa, cho biết. Abunassar, một người Công Giáo đến từ thành phố Haifa, miền bắc Israel, cho biết ông tức giận vì chính phủ Israel đã không gửi lời chia buồn chính thức ngoại trừ một lời chia buồn có tính cách cá nhân của tổng thống.

“Người đàn ông đó là người lãnh đạo của Giáo Hội quan trọng nhất thế giới. Người đàn ông đó là nguyên thủ quốc gia. Người đàn ông đó có những người theo ngài trong số những người đóng thuế Israel. Người đàn ông đó xứng đáng được tôn trọng.”

Netanyahu đã công khai bày tỏ lời chia buồn trước sự ra đi của các nhà lãnh đạo thế giới khác, bao gồm Nữ hoàng Elizabeth II và cựu tổng thống Jimmy Carter, người chỉ trích Israel.

Hôm thứ Tư, hàng trăm người đã đổ về Nhà thờ Mộ Thánh, được xây dựng trên địa điểm theo truyền thống là nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh, chôn cất và phục sinh, để tham dự thánh lễ cầu hồn đặc biệt nhằm tôn vinh Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cũng tham dự buổi lễ còn có nhiều đại diện của Chính thống giáo, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Đức Phanxicô đối với mối quan hệ liên tôn và cuộc gặp mang tính đột phá của ngài với Đức Thượng phụ Đại kết Constantinople Bácthôlômêô tại Giêrusalem vào năm 2014, sau nhiều thế kỷ quan hệ căng thẳng giữa hai giáo hội.

Cha Neuhaus cho biết ngài hy vọng Đức Giáo Hoàng tiếp theo sẽ thực hiện cùng thông điệp như Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Tôi hy vọng đó sẽ là người nhấn mạnh vào lòng thương xót, người có thể đưa tất cả chúng ta lại gần nhau hơn. Chúng ta đang sống trong một thế giới chia rẽ, phân cực.”


Source:Washington Post
 
Ứng viên Giáo Hoàng sáng giá nổi tiếng thông minh, trung thực: Đức Hồng Y Gerhard Müller
J.B. Đặng Minh An dịch
17:30 01/05/2025


Đức Hồng Y Gerhard Müller sinh ngày 31 tháng 12 năm 1947 tại Mainz, Finthen, Đức. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y vào ngày 22 tháng 2 năm 2014.

Là con trai của một công nhân ngành công nghiệp xe hơi, Đức Hồng Y Gerhard Müller lớn lên trong một gia tấn Công Giáo ngoan đạo. Ngài bắt đầu học tại Mainz và tiếp tục học triết học và thần học tại Munich và Freiburg im Breisgau.

Năm 1977, ngài lấy bằng tiến sĩ, sau khi viết luận án về sự đóng góp của Tin lành Dietrich Bonhoeffer cho thần học bí tích đại kết. Cố vấn luận án tiến sĩ của ngài là Giáo sư, sau này là Hồng Y, Karl Lehmann, một học trò của Karl Rahner. Năm sau, năm 1978, ngài được thụ phong linh mục và bắt đầu giảng dạy tại các trường trung học trong khi phục vụ ba giáo xứ trong Giáo phận Mainz. Sự nghiệp học thuật của ngài tiếp tục vào năm 1985, khi ngài trở thành giáo sư tại Freiburg im Breisgau; năm sau, cha Müller đảm nhiệm chức chủ tịch thần học tín lý tại Đại học Ludwig Maximilian ở Munich. Trong mười sáu năm tiếp theo, cha Müller giảng dạy tại Munich cũng như tại nhiều trường đại học khác, trong khi hỗ trợ một giáo xứ địa phương. Từ năm 1998 đến năm 2003, ngài là thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế.

Năm 2002, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục Regensburg — giáo phận mà Đức Joseph Ratzinger từng giảng dạy — Đức Cha Müller bắt đầu công tác tông đồ của mình tại đó vào năm 2003. Trong thời gian làm giám mục, ngài đã tham gia vào nhiều công tác phát triển giáo phận trong khi phục vụ tại nhiều bộ và hội đồng khác nhau tại Tòa thánh. Năm 2012, Đức Cha Müller đã định cư tại Rôma khi Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm ngài làm tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, điều này có nghĩa là theo chức vụ, ngài cũng là chủ tịch của Ủy ban Kinh thánh Giáo Hoàng, Ủy ban Thần học Quốc tế và Ủy ban Giáo Hoàng Ecclesia Dei. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong cho Đức Cha Müller chức Hồng Y-phó tế vào năm 2014 nhưng đã từ chối gia hạn nhiệm kỳ năm năm của ngài với tư cách là nhà lãnh đạo CDF vào năm 2017. Kể từ khi rời CDF, Đức Hồng Y Müller đã đạt được vị thế công khai và nổi bật hơn nữa, tiếp tục xuất bản các tác phẩm của mình bằng nhiều ngôn ngữ và mở rộng hoạt động tông đồ của mình trên toàn cầu qua các buổi hội thảo và các bài thuyết trình thu hút một lượng lớn người theo dõi.

Thông minh và trung thực, Hồng Y Gerhard Müller là một nhà lãnh đạo quyết đoán và thực tế, người sẽ hành động dũng cảm khi cần thiết. Được kính trọng như một nhà thần học, ngài không phải lúc nào cũng bảo thủ như vẻ bề ngoài của mình, và bản thân ngài không thích nhãn hiệu đó, thích coi mình đơn giản là “Công Giáo chính thống”. Được hình thành dưới sự giám hộ của các nhà thần học Đức theo chủ nghĩa tự do như cựu giám mục của đất nước, Hồng Y Karl Lehmann, Đức Hồng Y Müller đã thăng tiến qua các cấp bậc của Giáo hội với sự hỗ trợ của Bênêđíctô XVI để đạt được một trong những vị trí cao nhất của Giáo hội — tổng trưởng CDF — trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định không gia hạn nhiệm kỳ của ngài.

Mặc dù phụng vụ không phải là ưu tiên của ngài, nhưng ngài coi giáo lý, phụng vụ và việc chăm sóc mục vụ có tầm quan trọng như nhau, và ngài đã khuyến khích lòng sùng kính Thánh Thể theo nhiều cách.

Ngài đã đấu tranh để hành động mạch lạc trong những năm đầu của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục nhưng đã thẳng thắn về vấn đề này kể từ đó, và với tư cách là giám mục của Regensburg, ngài đã hành động kiên quyết và dứt khoát với các nhóm bất đồng chính kiến.

Nhìn chung, ngài giữ lập trường truyền thống, phản đối mạnh mẽ chức phó tế nữ và chống lại những thay đổi đối với chế độ độc thân của linh mục trong Nghi lễ La tinh, mặc dù ngài đã từng ủng hộ các ngoại lệ vào cuối những năm 1980 như trường hợp các linh mục Anh Giáo đã có gia đình trở lại với Giáo Hội Công Giáo. Nhiệt thành ủng hộ các giáo lý của Công đồng Vatican II và khá hiện đại trong quan điểm của mình, ngài đã có lập trường cứng rắn chống lại Huynh Đoàn Thánh Piô X. Tuy nhiên, ngài đã trở nên gần gũi hơn với Truyền thống trong những năm gần đây và là người chỉ trích gay gắt Thượng hội đồng về tính đồng nghị, Tiến Trình Công Nghị Đức và những gì ngài coi là sự xa rời khỏi giáo lý đã được thiết lập của Giáo hội. Ngài cũng chỉ trích những hạn chế đối với Thánh lễ La tinh Truyền thống.

Với tư tưởng độc lập, Gerhard Müller đã chỉ trích chủ nghĩa toàn cầu, “Chương trình nghị sự 2030” và những người ủng hộ mà ngài gọi là “giới tinh hoa quyền lực mạnh mẽ”.

Trong Giáo hội, ngài được coi là một người bạn và cộng sự trung thành sâu sắc, người đã cố gắng tránh chỉ trích trực tiếp Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mặc dù ngài có nhiều câu hỏi về triều Giáo Hoàng này, mà những lỗi lầm mà ngài chủ yếu đổ lỗi cho các cận thần của Đức Phanxicô. Đức Phanxicô dường như đánh giá cao lòng trung thành của Đức Hồng Y Müller và đã trao cho ngài nhiều chức vụ nhỏ khác nhau kể từ khi cách chức ngài khỏi chức vụ tổng trưởng CDF vào năm 2017.

Theo một cộng sự viên của ngài, dh Müller là một nhà môi giới trung thực, hiểu biết, đọc nhiều và “không hề có chút gì xấu xa”, không sợ lãnh đạo và không ngại đưa ra những quyết định khó khăn.

Ngoài tiếng Đức bản xứ, Đức Hồng Y Müller còn nói lưu loát tiếng Ý, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Một số lập trường nổi bật của ngài:

Đức Hồng Y Muller luôn tuyên bố một cách rõ ràng rằng việc phong chức linh mục hoặc phó tế cho phụ nữ là điều không thể.

Đức Hồng Y Müller đã chỉ trích và phản đối mạnh mẽ Tuyên ngôn Fiducia Supplicans. Vài tháng trước khi tài liệu này được công bố; khi bình luận về các phước lành đồng tính được phép trong Tiến Trình Công Nghị Đức, Đức Hồng Y Müller nói rằng những phước lành như vậy là một “sự báng bổ”.

Đức Hồng Y Müller đã kiên quyết bảo vệ luật độc thân linh mục như một truyền thống quan trọng trong Giáo Hội Công Giáo.

Đức Hồng Y Müller đã chỉ trích Tự Sắc Traditionis Custodes và kể từ khi công bố tự sắc này, ngài đã cử hành Thánh lễ truyền thống và truyền chức linh mục theo vetus ordo.

Đức Hồng Y Müller đã chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận Vatican - Bắc Kinh và bày tỏ sự thất vọng trước sự im lặng của Vatican về các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc và việc Vatican không ủng hộ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân trong phiên tòa xét xử ngài ở Hương Cảng.

Đức Hồng Y Müller đã chỉ trích rất gay gắt cả Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị và Tiến Trình Công Nghị Đức.


Source:College Of Cardinals
 
Ứng viên Giáo Hoàng sáng giá có tài hùng biện được nhiều người mến mộ: Đức Hồng Y Robert Sarah
J.B. Đặng Minh An dịch
17:33 01/05/2025


Sandro Magister, ký giả người Ý kỳ cựu chuyên về Vatican nhận định rằng một Hồng Y không muốn làm Giáo Hoàng thì dễ ợt. Ngài chỉ cần ngồi im lặng đừng phát biểu gì cả trong thời gian Đại Hội Đồng. Ngược lại, một vị Hồng Y muốn được bầu làm Giáo Hoàng thì cần phải tỏ ra hoạt bát, nói một cách có thẩm quyền, có đường hướng rõ rệt. Nếu nhận định này của Sandro Magister là đúng thì Đức Hồng Y Robert Sarah có rất nhiều triển vọng.

Ngài sinh ngày 15 tháng 6 năm 1945, tại Ourous, Giunea. Ngài được Đức Bênêđíctô 16 tấn phong Hồng Y ngày 20 tháng 11 năm 2010

Đức Hồng Y Robert Sarah là một cựu quan chức cao cấp của Vatican có tư tưởng truyền thống và chính thống, với chứng tá tiên tri, sự thánh thiện cá nhân và các tác phẩm văn học đã mang lại cho ngài một lượng người theo dõi đông đảo và tận tụy trên khắp thế giới.

Sinh ngày 15 tháng 6 năm 1945 tại Ourous, Guinea, trong một gia đình có cha mẹ là người thờ vật linh trước khi cải đạo sang Công Giáo, sau khi học xong trung học, ngài buộc phải rời nhà để tiếp tục học tại tiểu chủng viện ở Bingerville, Bờ Biển Ngà.

Sau khi Guinea giành được độc lập vào năm 1958, ngài trở về quê hương, hoàn thành việc học và được thụ phong linh mục vào ngày 20 tháng 7 năm 1969 tại Conakry. Sau khi thụ phong, ngài đã lấy bằng cử nhân thần học tại Đại học Giáo Hoàng Grêgôriô ở Rôma và bằng cử nhân Kinh thánh tại Studium Biblicum Franciscanum ở Giêrusalem.

Sau khi hoàn thành việc học, ngài được đề cử làm hiệu trưởng tiểu chủng viện Kindia, và phục vụ với tư cách là linh mục giáo xứ tại Boké, Katace, Koundara và Ourous. Năm 1979, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục Conakry ở tuổi ba mươi bốn, khiến ngài trở thành giám mục trẻ nhất thế giới và được Đức Gioan Phaolô II đặt cho biệt danh là “giám mục trẻ con”. Là tổng giám mục, ngài sống dưới chế độ độc tài Marxist của Ahmed Sékou Touré, người đã đưa Đức Cha Sarah vào danh sách ám sát.

Vào tháng 10 năm 2001, Gioan Phaolô Đệ Nhị đã bổ nhiệm Đức Cha Sarah làm thư ký của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, một chức vụ mà ngài đã giữ trong gần một thập niên. Khi rời Guinea để đảm nhiệm chức vụ này, ngài đã được nhà lãnh đạo Guinea, Tướng Lansana Conté, trao tặng danh hiệu cao quý nhất của đất nước, nhưng danh hiệu này không ngăn cản Sarah công khai chỉ trích tình trạng tham nhũng và quản lý yếu kém của chế độ.

Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm Đức Cha Sarah làm chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng Cor Unum hay Đồng Tâm vào năm 2010 và nâng ngài lên hàng Hồng Y cùng năm. Ngài đã tham gia Cơ Mật Viện năm 2013 bầu Đức Thánh Cha Phanxicô.

Năm 2014, Đức Phanxicô đề cử Đức Hồng Y Sarah làm Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, một vị trí mà ngài giữ cho đến năm 2021.

Đức Hồng Y Sarah đã phục vụ một thời gian với tư cách là thành viên của các Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và Bộ Tuyên Thánh và là thành viên của Ủy ban Giáo Hoàng về các Đại hội Thánh thể Quốc tế. Ngài vẫn được liệt kê là thành viên của các Bộ Giáo hội Đông phương, Bộ Tuyên Thánh, Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Ngài nói tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Anh lưu loát.

Vào thời điểm diễn ra Cơ Mật Viện gần đây nhất, Đức Hồng Y Sarah không có tên trong danh sách các ứng viên Giáo Hoàng, khi đó ngài đang giữ chức chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng Cor Unum, nơi ngài âm thầm giúp Đức Bênêđíctô XVI truyền bá lòng trung thành lớn hơn với giáo huấn của Giáo hội trong các tổ chức bác ái Công Giáo.

Nhưng ngay cả khi đó, ngài vẫn thể hiện sự can đảm nhất định và thẳng thắn một cách có chừng mực trong việc bảo vệ Đức tin mà ngài đã trở nên nổi tiếng và nhiều anh em Hồng Y phương Tây của ngài rõ ràng còn thiếu, đặc biệt là khi nói đến những yếu tố nhạy cảm trong giáo huấn đạo đức của Giáo hội.

Ngài tiếp tục phát biểu với thẩm quyền lớn hơn sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, từ đó ngài có thể thu hút sự chú ý đến một trong những mối quan tâm lớn của mình: đó là sự mất mát tính thánh thiêng và nhu cầu bảo vệ đức tin khỏi tinh thần của thời đại đã chối bỏ nó — mặc dù vẫn là trọng tâm đối với các Kitô hữu ở Phi Châu.

Với tư cách là giám mục, ngài ủng hộ “cải cách của cải cách” khi nói đến phụng vụ — xem xét lại và tinh chỉnh những thay đổi phụng vụ được thực hiện sau Công đồng Vatican II bằng cách giải quyết những thiếu sót và lạm dụng trong khi vẫn duy trì các nguyên tắc cốt lõi của sự đổi mới phụng vụ của Công đồng Vatican II. Ngài đặc biệt coi trọng việc thúc đẩy Thánh lễ ad orientem, lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ việc Rước lễ trên lưỡi và phản đối việc rước lễ giữa người Công Giáo và người không theo Công Giáo. Ngài cũng cảnh báo về mối nguy hiểm của chủ nghĩa vụ luật trong một số nhóm phụng vụ truyền thống.

Đức Hồng Y Sarah đã phát biểu gần như theo kiểu khải huyền tại Thượng hội đồng về Gia đình năm 2015 về những điều xấu xa đương thời của phá thai, chương trình nghị sự đồng giới và chủ nghĩa Hồi giáo. Cuốn sách năm 2019 của ngài, From the Depths of Our Hearts – Từ Thẳm Sâu Tâm Hồn Chúng Ta, được viết cùng với Đức Bênêđíctô XVI về cuộc khủng hoảng của chức linh mục và để bảo vệ chế độ độc thân linh mục đã củng cố thêm hình ảnh của ngài như một nhà lãnh đạo Giáo hội trung thành và chính thống.

Cuốn sách được phát hành ngay trước khi công bố tông huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Thượng hội đồng Amazon mà nhiều người lo sợ sẽ chấm dứt chế độ độc thân bắt buộc của các linh mục.

Mặc dù bị cản trở bởi sự phản đối nội bộ và do đó không thể hoàn thành mục tiêu của mình với tư cách là nhà lãnh đạo cơ quan phụng vụ của Vatican, ngài vẫn không nao núng trong việc đối mặt với cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa thế tục trong Giáo hội. Ngài tiếp tục thúc đẩy tinh thần truyền giáo thực sự và kêu gọi chống lại việc tiếp tục khuất phục trước tinh thần của thời đại.

Ngài thường giữ im lặng trước một số mối quan ngại sâu sắc về triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, tránh xa cuộc tranh cãi về dubia năm 2016 và các cuộc tranh luận về tuyên bố của Đức Giáo Hoàng và thay vào đó đưa ra những cảnh báo gián tiếp. Sự miễn cưỡng chỉ trích Đức Giáo Hoàng này cũng một phần là do sự gần gũi của ngài với Opus Dei, tổ chức đã quản lý một số mối quan hệ truyền thông của ngài và có chính sách không chỉ trích công khai Đức Giáo Hoàng hoặc các giám mục.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho phép Đức Hồng Y Sarah tiếp tục sau nhiệm kỳ năm năm của mình, nhiệm kỳ đã hết hạn vào tháng 11 năm 2019. Ngài tròn 75 tuổi vào ngày 15 tháng 6 năm 2020 và đã đệ đơn từ chức tổng trưởng Thánh bộ, đơn này đã được Đức Phanxicô chấp thuận vào ngày 20 tháng 2 năm 2021. Đức Hồng Y Sarah đã trả lời tin tức này bằng một thông điệp trong đó ngài tuyên bố: “Tôi đang ở trong tay Chúa. Tảng đá duy nhất là Chúa Kitô. Chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau tại Rôma và những nơi khác.”

Kể từ khi từ chức, ngài đã đưa ra ngày càng nhiều tuyên bố và xuất hiện trước công chúng và rất tích cực trên mạng xã hội. Tài khoản X (cựu Twitter) của ngài có hơn 140.000 người theo dõi. Kể từ năm 2021 và khi các hạn chế do covid kết thúc, ngài đã đến thăm một số lượng lớn các quốc gia, thuyết giảng, cung cấp các buổi thuyết trình cho các linh mục, tu sĩ hoặc giáo dân, và tổ chức các hội nghị học thuật và phỏng vấn truyền thông.

Kinh nghiệm của ngài trong việc chống lại chế độ độc tài Marxist thường được ghi nhận là nhờ sự nhạy cảm của vị Hồng Y này trong việc biết khi nào nên lên tiếng và khi nào nên im lặng, cũng như tinh thần kjông sợ hãi của ngài trong việc bảo vệ các chân lý của Đức tin.

Điều này trở nên đặc biệt rõ ràng sau khi ngài nghỉ hưu khỏi giáo triều, và trong những năm gần đây, ngài đã thể hiện bản thân một cách tự do và rõ ràng hơn thông qua văn bản cũng như các bài giảng, hội nghị, cuộc phỏng vấn và các buổi nói chuyện tâm linh.

Trong bài giảng tại Vương cung thánh đường Thánh Gia ở Nairobi, Kenya vào tháng 2 năm 2023, ngài đã cảnh báo: “Đức tin của chúng ta có thể bị lung lay bởi những người ngay cả trong Giáo hội đang tìm cách thay đổi chân lý được Chúa mặc khải, gieo rắc sự nhầm lẫn thay vì nuôi dưỡng sự sáng suốt và xác nhận đức tin. Những sự nhầm lẫn như vậy trong giáo lý đe dọa nền tảng Kitô giáo của chúng ta và chính cấu trúc của xã hội.” Như có thể thấy qua các chủ đề mà ngài chọn để đề cập đến, ngài đang tìm cách “nuôi dưỡng sự sáng suốt và xác nhận đức tin.”

Ngay cả trước khi nghỉ hưu khỏi giáo triều, Đức Hồng Y Sarah đã nổi tiếng với việc viết một số cuốn sách được đánh giá cao, đáng chú ý nhất là bộ ba tập của ngài: God or Nothing: A Conversation on Faith, hay 2015; The Power of Silence: Against the Dictatorship of Noise, hay 2017; và The Day Is Now Far Spent, hay 2019. Nhờ những tác phẩm này, nhiều người bắt đầu nhận ra ở vị Hồng Y này một nhà lãnh đạo có chiều sâu, hiểu biết sâu sắc và thậm chí là một món quà tiên tri có tiếng vang với những người cảm thấy đói khát được lắng nghe những sự thật của Đức tin có gốc rễ vững chắc trong Truyền thống của Giáo hội.

Những cuốn sách gần đây nhất của ngài đã giúp củng cố thêm danh tiếng đó và bao gồm Couples, Awaken Your Love, xuất bản năm 2021; a Catechism of the Spiritual Life, xuất bản năm 2022; For Eternity: Restoring the Priesthood and our Spiritual Fatherhood, xuất bản năm 2023; và He Gave Us So Much: A Tribute to Bênêđíctô XVI, xuất bản năm 2023.

Từ khi rời khỏi giáo triều, Đức Hồng Y đã đóng vai trò chính trong việc hỗ trợ những người Công Giáo tham dự Thánh lễ La tinh truyền thống trước sự đàn áp ngày càng gia tăng từ Rôma, và đã đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc phản đối việc thúc đẩy việc ban phước cho các cặp đồng giới, trở thành một trong những người chỉ trích Fiducia Supplicans dữ dội nhất. Ngài cũng đã cảnh báo về những nguy hiểm của “Thượng hội đồng về tính đồng nghị” hiện tại.

Vào tháng 7 năm 2022, tạp chí Paris-Match của Pháp đã xuất bản một báo cáo dài sáu trang với tiêu đề “Đức Hồng Y Sarah là ai” với hình ảnh trang bìa là chân dung vị giám mục người Guinea.

Bài báo này mô tả ngài là người có “ảnh hưởng to lớn” và là “người tạo ra Giáo Hoàng”, và đưa ngài vào ánh đèn sân khấu quốc tế mặc dù ngài đã từ chức khỏi các vòng quyền lực chính thức trong Giáo hội. Bài báo đã bị chỉ trích trên báo chí thế tục ở Pháp nhưng ngay cả khi làm như vậy, đài phát thanh nhà nước “Radio France Internationale” đã mô tả ngài là “Hồng Y được kính trọng nhất ở Phi Châu”.

Không hề mất đi địa vị của mình trong Giáo hội sau khi nghỉ hưu vào năm 2021, Đức Hồng Y Sarah đã trở nên nổi tiếng và được công nhận là người bảo vệ đức tin. Trong một số năm, ngài được coi — đặc biệt là bởi phe Công Giáo chính thống hơn của Giáo hội — là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Giáo Hoàng Phi Châu đầu tiên kể từ Đức Giáo Hoàng Gelasius I vào thế kỷ thứ năm.

Một số quan điểm tiêu biểu:

Trong cuốn sách mà ngài đồng sáng tác với Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI, From the Depth of Our Hearts, Đức Hồng Y Sarah đã nói rõ rằng chức phó tế nữ đã bị Giáo Hội Công Giáo loại trừ. “Khả năng phụ nữ được thụ phong làm linh mục hoặc phó tế đã được Thánh Gioan Phaolô II giải quyết dứt khoát trong Tông thư Ordinatio sacerdotalis ngày 22 tháng 5 năm 1994.”

Sau khi công bố tuyên bố Fiducia Supplicans năm 2023 của Vatican gây nhiều tranh cãi, cho phép ban phước lành không theo nghi lễ cho “các cặp bất quy tắc”, bao gồm cả các cặp đồng tính, Đức Hồng Y Sarah đã gọi việc thúc đẩy các phước lành như vậy là “tà giáo”.

Đức Hồng Y Sarah phản đối mạnh mẽ việc nới lỏng kỷ luật độc thân của linh mục, gọi động thái này là một “sự cắt đứt dứt khoát với Truyền thống Tông đồ” có thể gây ra “hậu quả nghiêm trọng”.

Đức Hồng Y Sarah vẫn tiếp tục cử hành Nghi lễ Latinh Truyền thống sau khi Rôma công bố Traditionis custodes và những hạn chế rộng rãi của nó, đồng thời cáo buộc Tự Sắc này có thể gây ra “mối đe dọa đến sự hiệp nhất của Giáo hội”. Ngài nói thêm rằng “việc cử hành không bị hạn chế” Thánh lễ La tinh Truyền thống “rõ ràng đã mang lại những thành quả tốt đẹp”.

Đức Hồng Y Sarah là một trong năm vị Hồng Y đã gửi một bộ năm câu hỏi hay còn gọi là “Dubia” tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 21 tháng 8 năm 2023 để bày tỏ mối quan ngại của mình và tìm kiếm sự làm rõ về các điểm giáo lý và kỷ luật trước khi khai mạc Thượng Hội Đồng về Tính Đồng Nghị tại Vatican vào tháng 10 năm 2023. Ngài đã chỉ trích việc bao gồm bừa bãi tất cả mọi người vào cuộc đối thoại công đồng nhân danh sensus fidelium hay cảm thức đức tin: “Chỉ vì ai đó tự nhận mình là người Công Giáo không có nghĩa là họ là một phần của sensus fidelium. Trở thành người Công Giáo không chỉ là một bản sắc văn hóa; đó là một lời tuyên xưng đức tin.”


Source:College of Cardinals
 
Báo chí thế tục: Mật nghị cân nhắc xem có nên tiếp tục di sản cấp tiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô hay thay đổi hướng đi
Vũ Văn An
17:34 01/05/2025

NICOLE WINFIELD của hãng tin A.P., ngày 27 tháng 4 năm 2025, nhận định rằng: Nhà lãnh đạo Giáo hội quá cố đã bổ nhiệm các Hồng Y từ nhiều hậu cảnh khác nhau, nhiều người trong số họ không quen biết nhau; không rõ liệu có ai có 'gói' phiếu bầu rõ ràng để trở thành giáo hoàng tiếp theo hay không

Các Hồng Y đứng trong lễ tang của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican, ngày 26 tháng 4 năm 2025. (Gregorio Borgia/AP)


Một trong những di sản lâu dài của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là ngài đã mở rộng đáng kể sự đa dạng của các Hồng Y sẽ bầu người kế nhiệm ngài, bổ nhiệm "các hoàng tử của giáo hội" từ các quốc gia xa xôi chưa từng có trước đây.

Di sản đó hiện đang phá hỏng trò chơi truyền thống là suy đoán về vị giáo hoàng tiếp theo, vì những Hồng Y xa xôi này không biết rõ về nhau và chưa tập hợp thành các khối bỏ phiếu rõ ràng khi bước vào mật nghị, nghi thức có từ nhiều thế kỷ để bầu ra một giáo hoàng mới.

Do đó, tất cả những gì chắc chắn về mật nghị sắp tới là không có gì chắc chắn.

Như bộ phim được đề cử giải Oscar “Conclave” đã nói rõ, cuộc bầu cử giáo hoàng là một bộ phim truyền hình xứng đáng với Hollywood, thấm đẫm sự bí ẩn, bí mật và đức tin. Nhưng chính trị thế giới thực và những tính toán cá nhân sẽ phát huy tác dụng và sẽ ảnh hưởng đến hơn 130 Hồng Y khi họ bước vào Nhà nguyện Sistine để bỏ phiếu.

Các Hồng Y sẽ tìm kiếm điều gì?

Chưa có ngày nào được ấn định cho mật nghị, nhưng buộc phải bắt đầu hạn chót là vào ngày 10 tháng 5.

Sau tang lễ của Đức Phanxicô vào thứ Bảy, các Hồng Y đã đổ xô đến Rôma sẽ họp thường xuyên trong tuần này, đánh giá lẫn nhau khi họ thảo luận về nhu cầu của Giáo Hội Công Giáo gồm 1.4 tỷ người sau triều đại giáo hoàng cách mạng của Đức Phanxicô.

Các giáo sĩ đứng trong lễ tang của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, ngày 26 tháng 4 năm 2025. (Gregorio Borgia/AP)


Triều đại giáo hoàng kéo dài 12 năm của Đức Phanxicô được đặc trưng bởi việc cố gắng thoát khỏi các quy tắc giáo điều, nhằm làm cho giáo hội trở nên bao gồm và chào đón nhiều hơn. Đối với những người cấp tiến, đó là việc tái tập chú sứ mệnh trở lại với lệnh truyền của Tin mừng là chăm sóc người nghèo và nuôi ăn người đói.

Đối với những người bảo thủ, Đức Phanxicô đã gieo rắc sự mơ hồ bằng cách du nhập một thứ không gian uốn éo trong các vấn đề văn hóa gây tranh cãi như giáo huấn của giáo hội về hôn nhân và đồng tính luyến ái.

Kết quả là, các Hồng Y phải đối diện với một quyết định nền tảng khi tìm kiếm người kế nhiệm: Liệu giáo hội có cần một người để tiếp tục di sản của Đức Phanxicô, tập trung vào những người bị thiệt thòi như Chúa Giêsu đã làm không? Hay giáo hội cần một sự điều chỉnh lộ trình để xây dựng lại sự hợp nhất, sau khi những cải cách cấp tiến của Đức Phanxicô đã khiến một số người xa lánh?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫy tay chào đám đông khi ngài xuất hiện trên ban công để ban phước lành Giáng sinh Urbi et Orbi tại Quảng trường Thánh Phêrô tại Vatican vào ngày 25 tháng 12 năm 2022. (Andreas SOLARO / AFP)


Một câu hỏi đặt ra là liệu phe bảo thủ, bao gồm các Hồng Y từ Châu Phi, Đông Âu và một phần của Hoa Kỳ, có đủ phiếu bầu để đưa con lắc trở lại các triều đại giáo hoàng theo học thuyết của Thánh Gioan Phaolô II và Đức Benedict XVI hay không.

Ngoài ra, các Hồng Y sẽ xem xét những vấn đề thực tế hơn: Chọn một người ở độ tuổi 60 và bạn có thể có một giáo hoàng trong hơn 20 năm, dù tốt hay xấu. Chọn một giáo hoàng đến từ nơi mà giáo hội đang sinh động và phát triển - Châu Á hoặc Châu Phi - và bạn có thể mang đến nhiều xáo trộn hơn cho bộ máy quan liêu nặng chất Ý của Vatican, vốn cũng đang đau đớn vì phong cách hành động một mình của vị giáo hoàng người Argentina.

Chọn một giáo hoàng tương đối vô danh và ngài chỉ là như vậy, vô danh.

Những ứng viên là ai?

Alberto Melloni, một nhà sử học giáo hội cho biết, ngoài các dự đoán của chatbot và nhà cái [bookmaker], thì thực sự không ai có thể đoán được.

Melloni cho biết: "Họ hầu như không biết nhau", nhắc lại rằng chỉ riêng trong đợt Hồng Y cuối cùng của ngài, vào tháng 12, Đức Phanxicô đã bổ sung thêm 20 cử tri mới vào mật nghị. Những Hồng Y này đến từ Algeria, Argentina và Úc và các điểm ở giữa, và có thể chỉ gặp nhau lần đầu tiên vào ngày họ nhận mũ đỏ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, bên phải, chủ trì một thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2024, với 21 Hồng Y mới được ngài bổ nhiệm vào ngày hôm trước trong một công nghị công khai. (Andrew Medichini/AP)


Tất nhiên, có một số ứng viên hàng đầu. Họ nổi bật như những ứng viên hàng đầu chỉ vì họ là những người nổi tiếng nhất.

• Hồng Y Pietro Parolin là một người Ý hàng đầu, theo bản chất của chức vụ của ngài: Ngài là quốc vụ khanh của Đức Phanxicô, người số 2 của Vatican, được mọi Hồng Y trong Nhà nguyện Sistine biết đến.

• Ứng viên hàng đầu cho vị trí giáo hoàng châu Á đầu tiên trong lịch sử cũng nằm trong danh sách rút gọn vì ngài có vị thế cấp cao tương tự tại Vatican: Hồng Y người Philippines Luis Tagle, người đứng đầu bộ truyền giáo của Vatican chịu trách nhiệm về Giáo Hội Công Giáo ở nhiều nước đang phát triển.

• Một ứng viên hàng đầu đại diện cho nhiều phe bảo thủ hơn giáo hội là Hồng Y người Hungary Erdo, 72 tuổi, tổng giám mục Budapest.

Marco Politi, người theo dõi Vatican lâu năm, cho biết: "Bạn không nhìn thấy những người dẫn đầu thực sự vào lúc này, bởi vì để trở thành người dẫn đầu, bạn cần phải có một số phiếu bầu ủng hộ".

Cuốn sách sắp ra mắt của ông có tên "The Unfinished" khám phá sự chưa hoàn thành công nghiệp của Đức Phanxicô.

Những người tạo ra vua được kỳ vọng sẽ có vai trò lớn

Vì các Hồng Y không biết rõ nhau nên không ai được nhìn thấy đã giành được gói phiếu bầu, cho thấy có thể phải mất nhiều vòng bỏ phiếu để đạt được đa số hai phần ba.

Sự kết hợp của các bức ảnh này cho thấy, hàng trên cùng từ trái sang phải, Hồng Y Peter Erdo, Hồng Y Reinhard Marx, Hồng Y Marc Ouellet, hàng giữa từ trái sang phải, Hồng Y Pietro Parolin, Hồng Y Robert Prevost, Hồng Y Robert Sarah và hàng dưới cùng từ tr


Melloni cho biết các Hồng Y không nên sợ mật nghị sẽ kéo dài, ngay cả khi nó gửi đi thông điệp chia rẽ, vì khói đen ngày này qua ngày khác báo hiệu sự thiếu đồng thuận.

"Chắc chắn là giáo hội đang chia rẽ. Vấn đề là tìm ra người đoàn kết, chứ không phải giả vờ rằng giáo hội không bị chia rẽ", Melloni nói.

Việc thiếu những người dẫn đầu đã khiến "những người tạo vua" trở nên quan trọng hơn trong mật nghị này.

Đây là những nhân vật có ảnh hưởng mà bản thân họ có thể không được coi là “có thể trở thành giáo hoàng” nhưng có thể tập hợp phiếu bầu từ các Hồng Y khác theo một hướng cụ thể.

Họ bao gồm Hồng Y Timothy Dolan của New York, Hồng Y Reinhard Marx của Đức và Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu của Congo, Tổng giám mục dòng Phanxicô của Kinshasa, người đứng đầu hội đồng giám mục châu Phi.

Chỉ vì họ được Đức Phanxicô bổ nhiệm…

Mặc dù 108 Hồng Y đủ tuổi bỏ phiếu được Đức Phanxicô bổ nhiệm, nhưng họ không nhất thiết phải tuân theo đường lối coi trọng lòng thương xót hơn là đạo đức của ngài: Một số người có thể ủng hộ lời kêu gọi của Đức Phanxicô về việc giáo hội phải bao gồm nhiều người hơn, nhưng lại phản đối các nữ linh mục, Politi cho biết.

"Có thể họ đồng ý với vấn đề trao Mình Thánh Chúa cho những người đã ly hôn và tái hôn, nhưng họ không muốn ban phước cho một cặp đồng tính", ông nói. "Vì vậy, điều này khiến mật nghị này trở nên rất khó khăn".

Một nữ tu cầm ảnh Giáo hoàng Phanxicô khi dự tang lễ của ngài tại Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, ngày 26 tháng 4 năm 2025. (Andreea Alexandru/AP)


Marx cho biết làn sóng đau buồn hoàn cầu sau cái chết của Đức Phanxicô cho thấy sự ủng hộ đối với một vị giáo hoàng sẽ tiếp tục thừa tác vụ của ngài, tập trung vào những người bị thiệt thòi và phản đối chiến tranh.

"Mọi người mong muốn một tiếng nói vượt ra ngoài lợi ích quốc gia, vượt ra ngoài sự phân cực, vượt ra ngoài cuộc thảo luận về việc ai lấn át ai và ai đánh bại ai", Marx nói với các phóng viên sau tang lễ.

Một số câu hỏi nổi bật

Một câu hỏi là liệu Hồng Y Angelo Becciu, từng là một trong những Hồng Y quyền lực nhất tại Vatican, có được phép bỏ phiếu hay không.

Năm 2020, Đức Phanxicô đã buộc Becciu phải từ chức và từ bỏ các quyền và đặc quyền của mình với tư cách là Hồng Y vì cáo buộc có hành vi sai trái về tài chính. Vị giám mục người Sardinia sau đó đã bị tòa án hình sự Vatican kết tội về các tội liên quan đến tài chính.

Ngài đang kháng cáo các bản án và đã tham gia các sự kiện của Vatican kể từ khi bị cất chức. Ở tuổi 76, ngài dưới hạn tuổi không được bỏ phiếu là 80. Tuy nhiên, số liệu thống kê chính thức của Vatican liệt kê ngài là "người không phải cử tri". Ngài và những người ủng hộ ngài khẳng định rằng ngài không mất đi nhiệm vụ chính của mình là bầu một giáo hoàng.

Một câu hỏi khác là các Hồng Y sẽ ngủ ở đâu. Khách sạn Domus Santa Marta của Vatican được xây dựng vào năm 1996 với mục đích cụ thể là nơi ở của các Hồng Y trong một mật nghị, để tất cả họ có thể ở cùng một nơi và được cách ly.

Vào thời điểm đó, Thánh Gioann Phaolô II đã ban sắc lệnh rằng chỉ có thể có 120 Hồng Y cử tri có thể tham gia mật nghị, và khách sạn được xây dựng để đáp ứng số lượng của họ. Nhưng Đức Phanxicô và những vị tiền nhiệm của ngài thường xuyên vượt ngưỡng 120 người, và số cử tri hiện là 135.

Đức Hồng Y Camerlengo Kevin Joseph Farrell niêm phong cửa phòng ngủ và phòng làm việc của giáo hoàng tại Vatican sau khi có thông báo về cái chết của Giáo hoàng Phanxicô, ngày 21 tháng 4 năm 2025. (Vatican Media qua AP, HO)


Ngoài ra, Phòng số 201, nơi Đức Phanxicô chọn sống sau cuộc bầu cử năm 2013, đang được niêm phong và phải giữ nguyên như vậy cho đến khi một giáo hoàng mới được bầu.

Khi được hỏi liệu các Hồng Y có được yêu cầu ở chung phòng khách sạn hay không, người phát ngôn của Vatican Matteo Bruni lưu ý rằng những chỗ ở như vậy sẽ phù hợp.

"Đây là cơ hội tuyệt vời để tạo dựng cộng đồng", Bruni nói.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2025 ở Đan Viện Thánh Mẫu Xit ô Sacramento, CA, USA
Vietcatholic
01:45 01/05/2025
Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2025 ở Đan Viện Thánh Mẫu Xit ô Sacramento, CA, USA (Xem Video)
 
Phỏng vấn về Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2025 ở Đan Viện Thánh Mẫu Xit ô Sacramento, CA, USA
Vietcatholic
01:51 01/05/2025
Phỏng vấn về Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2025 ở Đan Viện Thánh Mẫu Xit ô Sacramento, CA, USA (Xem Video)
 
GIÁO XỨ THIÊN ÂN MỪNG LỄ THÁNH GIUSE THỢ - BỔN MẠNG GIÁO XỨ 01 THÁNG 05 NĂM 2025.
Lm Minh Anh
16:08 01/05/2025
GIÁO XỨ THIÊN ÂN MỪNG LỄ THÁNH GIUSE THỢ - BỔN MẠNG GIÁO XỨ 01 THÁNG 05 NĂM 2025.

Trong niềm hân hoan mừng lễ thánh quan thầy, cũng là dịp đặc biệt mừng giáo xứ chuẩn bị bước vào ngày kỷ niệm 25 năm thành lập giáo xứ vào tháng 12 sắp tới, một thời gian khá dài để cảm nghiệm được biết bao hồng ân của Thiên Chúa ban cho dân Người trên mảnh đất Nhà Thờ Giáo Xứ Thiên Ân từ ngày thành lập cho đến nay. Do công lao xây dựng của Cha Cố Gioan Baotixita Maria Đoàn Vĩnh Phúc chánh xứ tiên khởi Giáo Xứ Thiên Ân.

Hôm nay thật là một ngày hội cho cộng đoàn dân Chúa Giáo Xứ Thiên Ân, mừng lễ thánh quan thầy trong bối cảnh năm thánh 2025 và cũng là 25 năm thành lập giáo xứ, bởi họ được quy tụ nhau trong tình yêu thương của Thiên Chúa, cùng với các vị chủ chăn đã từng hướng dẫn họ từ ngày đầu thành lập nơi mảnh đất này cho đến nay. Một ngày lễ mang ấn tượng tốt đẹp về mái nhà chung Thiên Ân, trải qua 25 năm, cũng là dịp giao lưu, học hỏi lẫn nhau và giúp nhau sống tâm tình tri ân, cảm tạ Thiên Chúa, và cùng phát triển trong Năm Thánh 2025.

Chiều hôm nay tại nhà nguyện sẽ không cử hành thánh lễ, nhằm tập trung cộng đoàn về tham dự Thánh lễ chung tại thánh đường giáo xứ.

Hôm nay cũng là ngày giáo xứ thay mặt Giáo phận cử hành phiên Chầu Thánh Thể từ 07g00 sáng đến 16g00 chiều.

Vào lúc 17g 15 ngày 01.05.2025, cộng đoàn giáo xứ Thiên Ân, hạt Tân Sơn Nhì đã long trọng tổ chức Thánh lễ kính Thánh Giuse Thợ, mừng bổn mạng giáo xứ và Hội đồng Mục vụ, do Linh mục (Lm) Phêrô Nguyễn Văn Tâm, chánh xứ chủ tế. Đồng tế với ngài, có Lm phó xứ Tôma Aquino Bùi Bá Toàn, Lm phó xứ Gioan Trần Đức Toàn.

Mở đầu bằng cuộc rước cung nghinh Thánh Giuse

Trước Thánh lễ, giáo xứ có tổ chức cuộc rước kiệu Thánh Giuse xung quanh các con đường, Lê Cao Lãng, Lê Lộ, Lê Niệm, dẫn vào nhà thờ, với sự tham dự đông đảo giáo dân thuộc các giáo họ trong giáo xứ, cùng các Hội đoàn Công Giáo Tiến hành.

Dâng hoa đầu tháng khai mạc tháng hoa kính Đức Mẹ.

Hôm nay, là đầu tháng Hoa, giáo xứ đã tổ chức dâng hoa, khai mạc tháng Hoa kính Đức Mẹ. Những bài hát, điệu múa được dâng lên, giúp cộng đoàn sốt sắng bước vào cử hành Thánh lễ.

Bước vào thánh lễ Linh mục chánh xứ Phero Nguyễn Văn Tâm thân ái chào cộng đoàn, chúc mừng bổn mạng giáo xứ và Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ. Cảm tạ Thiên Chúa đã thương ban cho Giáo Xứ Thiên Ân 25 năm mừng bổn mạng trong sự quan phòng của Chúa thánh Giuse và Mẹ Maria.

Bài Giảng.

Trong bài giảng, Linh mục Gioan Trần Đức Toàn phó xứ Thiên Ân đã chia sẻ mẫu gương tuyệt vời về thiên chức làm cha của Thánh Giuse. Thầy quảng diễn: “Thứ nhất, đó là mẫu gương về sự quảng đại. Thánh Giuse không tiếc bất cứ điều gì trước công trình Cứu độ của Thiên Chúa. Mẫu gương thứ hai, Thánh Giuse là người cha hết mực yêu thương và chăm sóc cho gia đình, cho công trình nhân loại mà Chúa trao gửi, trở thành người bạn đời của Mẹ Maria, thành người cha che chở và dạy dỗ cho trẻ nhỏ Giêsu, Đấng Cứu Thế.”

Nhân ngày bổn mạng, Linh mục Gioan chia sẻ thêm với cộng đoàn về ý nghĩa của việc trùng tu thánh đường giáo xứ đã hoàn thành tốt đẹp nhờ sự đóng góp của các ân nhân và toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong cũng như ngoài giáo xứ, từ những tấm lòng nhỏ bé của các em thiếu nhi: “Mừng lễ bổn mạng giáo xứ Thiên Ân, cũng ghi nhận một dấu ấn mới cho ngôi nhà chung của bà con giáo dân, qua sự kiện trùng tu lại ngôi thánh đường đã qua hơn hai 25 năm xây dựng. Việc trùng tu nhà thờ tăng thêm sự tôn nghiêm cách xứng hợp của nhà Chúa và đánh dấu mốc hướng tới ngày ngân khánh 25 năm thành lập giáo xứ.”

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ thánh thể.

Trước khi phép lành cuối lễ, vị đại diện Hội đồng Mục vụ giáo xứ lược sơ qua thời gian những năm tháng từ ngày thành lập giáo xứ và đã dâng lời cảm ơn đến linh mục chánh xứ, quý linh mục phó xứ. Còn nhớ cách đây tròn một năm vào ngày lễ bổn mạng giáo xứ 01 tháng năm 2024 công trình trùng tu nhà thờ đã lên kế hoạch, sau khi lễ thánh qua thầy xong ngày 02 tháng 05 khởi công trùng tu nhà thờ và nay đã tròn một năm. Trong thời gian trùng tu, về tài chính của giáo xứ bị hạn chế, nhờ công sức đóng góp của mọi thành phần dân Chúa thật là quý báu nên hôm nay ngôi thánh đường giáo xứ được hoàn thành khang trang tốt đẹp. Xin cám ơn toàn thể cộng đoàn dân Chúa đến tham dự thánh lễ cầu nguyện cho Giáo Xứ ngày bổn mạng Giáo Xứ. Cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã ban cho Giáo Xứ Thiên Ân 25 năm bổn mạng giáo xứ. Xin thánh Giuse luôn gìn giữ và cầu bàu cùng Chúa cho Giáo Xứ Thiên Ân được bình an và phát triển như lòng Chúa mong muốn.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g45. Đại diện đoàn thể, các giáo họ, giáo dân, các tu sĩ nam nữ cùng chụp những chung tấm hình lưu niệm và dùng cơm thân mật với quý linh mục tại hoa viên nhân ngày mừng bổn mạng giáo xứ.

Xem Thêm ảnh link bên dưới

https://www.flickr.com/photos/mvttgxthienan/albums/72177720325773451
 
VietCatholic TV
Tin vui: Kyiv tuyên bố chiến thắng trong trận Pokrovsk. Nam Hàn công bố tổn thất của Bắc Hàn ở Kursk
VietCatholic Media
03:28 01/05/2025


1. Ukraine tuyên bố chiến thắng trong trận chiến Pokrovsk

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Thứ Năm, 01 Tháng Năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, xác nhận cuộc chiến của Nga giành thị trấn Pokrovsk ở miền đông Ukraine là một “thất bại”, sau nhiều tháng giao tranh ác liệt, tổn thất nặng nề và Nga đang mất dần các vị trí xung quanh thị trấn.

Nga từ lâu đã hy vọng chiếm được thành trì Pokrovsk của Ukraine, nhưng do tổn thất quá lớn, thay vì tấn công trực tiếp vào thị trấn này, Mạc Tư Khoa đã tìm cách di chuyển về phía nam thị trấn cũng như tiến về phía biên giới của vùng Dnipropetrovsk lân cận Ukraine. Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, ý đồ này đã thất bại và quân Nga đã bị đẩy rất xa khỏi thành trì Pokrovsk của Ukraine.

Pokrovsk, một trung tâm hậu cần lớn, đã gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của các cuộc đụng độ tiền tuyến trong phần lớn năm ngoái. Thị trấn này được gọi là thị trấn “pháo đài”, chìa khóa cho hệ thống phòng thủ của Ukraine ở phía đông và kết nối với các thành phố phòng thủ quan trọng khác.

Ông nhấn mạnh với các phóng viên báo chí rằng: “Chúng ta đang chứng kiến một chiến dịch thông tin phối hợp của Nga liên quan đến sự thất bại của họ - thực tế là họ đã thua trong trận chiến giành Pokrovsk”.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết số thương vong của Nga “cao hơn nhiều lần” so với Ukraine ở khu vực Pokrovsk.

Nga nổi tiếng với chiến thuật tấn công biển người mà họ không gọi là biển người nhưng gọi một cách đáng kinh sợ là chiến thuật “máy xay thịt” trong đó quân Nga áp đảo hệ thống phòng thủ của Ukraine bằng số lượng quân lớn bất kể thương vong khủng khiếp.

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết Ukraine đã “thực hiện đúng” chiến lược phòng thủ của mình tại Pokrovsk, phá vỡ mốc thời gian của Mạc Tư Khoa trong việc chiếm giữ thị trấn này và “phá vỡ các kế hoạch tấn công lớn hơn nhiều của họ vào mùa hè này”.

Ông cho biết: “Chúng tôi đã phá vỡ kế hoạch của họ và giờ đây họ đang phải chậm tiến độ - những lịch trình rất quan trọng cho chiến dịch tấn công mùa hè của họ”.

“Họ không thể đẩy chúng tôi ra khỏi Tỉnh Donetsk vì chúng tôi đã chặn họ ở Pokrovsk,” ông nói thêm.

Kyiv đã cảnh báo Nga đang tập hợp lực lượng dự bị cho một cuộc tấn công lớn, trong khi các quan chức cao cấp của Ukraine cho biết Mạc Tư Khoa đã phát động một nỗ lực phối hợp ở hai khu vực đông bắc Ukraine vào đầu tháng này.

Ukraine cho biết họ đã tiến hành một cuộc tấn công vào khu vực Kursk của Nga vào tháng 8 năm ngoái, một phần là để Nga phải rút bớt tài nguyên và nhân lực khỏi các thị trấn ở Donetsk như Pokrovsk.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cơ quan theo dõi những thay đổi hàng ngày ở tiền tuyến, cho biết hôm Thứ Tư, 30 Tháng Tư, rằng Nga gần đây đã tiến quân dọc theo tuyến hỏa xa về phía tây làng Shevchenko, nằm ở phía nam Pokrovsk.

Quân đội Ukraine sáng thứ Tư cho biết họ đã “chặn đứng” 75 cuộc tấn công của Nga xung quanh Pokrovsk trong 24 giờ trước đó, bao gồm cả cuộc tấn công xung quanh Shevchenko.

Trong một tuyên bố sau đó vào thứ Tư, tướng Oleksandr Syrsky, chỉ huy quân đội Ukraine, cho biết Nga đã “tăng đáng kể” các cuộc tấn công gần Pokrovsk nhằm mục đích tiếp cận khu vực Dnipropetrovsk, mặc dù đã tuyên bố lệnh ngừng bắn đơn phương có hiệu lực vào tháng 5.

Syrsky cho biết: “Bộ tư lệnh Nga hàng ngày tung các đơn vị mới vào trận chiến, đẩy binh lính vào chỗ chết, báo cáo về những thành công và chiến thắng hão huyền”.

Hôm thứ Hai, Điện Cẩm Linh tuyên bố ngừng bắn để kỷ niệm 80 năm Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Đây là thuật ngữ mà Nga sử dụng để mô tả sự tham gia của mình vào Thế chiến II sau khi gia nhập phe Đồng minh vào năm 1941 và chiến thắng trước Đức Quốc xã vào năm 1945. Mạc Tư Khoa liên tục tuyên bố cuộc xâm lược Ukraine của mình nhằm mục đích “phi phát xít hóa” đất nước này, một cái cớ bị nhiều người bác bỏ.

Điện Cẩm Linh cho biết Nga sẽ không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào từ nửa đêm ngày 8 tháng 5 đến nửa đêm ngày 11 tháng 5, đồng thời nói thêm rằng “Nga tin rằng phía Ukraine nên noi theo gương này”. Thông báo này đã nhận được sự hoài nghi từ Ukraine.

Syrsky cho biết vào thứ Tư: “Bất chấp những tuyên bố lớn tiếng về việc sẵn sàng ngừng bắn vào kỳ nghỉ lễ tháng 5, quân xâm lược đã gia tăng đáng kể cường độ thù địch, tập trung nỗ lực chính vào Nam Pokrovsk.”

Hiện vẫn chưa rõ liệu thất bại của Nga ở Pokrovsk có ảnh hưởng đến kế hoạch tấn công mùa hè mới của Nga hay không và ảnh hưởng như thế nào. ISW dự kiến rằng Mạc Tư Khoa hy vọng sẽ điều động đội quân đi xe gắn máy để chống lại máy bay điều khiển từ xa của Ukraine.

[Newsweek: Ukrainians Declare Victory in Battle of Pokrovsk]

2. ‘Ngừng bắn ba ngày là vô lý’ — Kellogg chỉ trích đề xuất ngừng bắn ngắn ngủi của Nga

Hôm Thứ Tư, 30 Tháng Tư, Đặc phái viên Hoa Kỳ Keith Kellogg đã bác bỏ kế hoạch ngừng bắn ba ngày vào tuần tới của Nga là “vô lý” và nhắc lại rằng Hoa Kỳ đang tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình toàn diện và lâu dài để chấm dứt chiến tranh.

“Một lệnh ngừng bắn ba ngày là vô lý. Điều mà Tổng thống Trump muốn là một lệnh ngừng bắn toàn diện, lâu dài — trên biển, trên không, trên bộ, cơ sở hạ tầng — trong tối thiểu 30 ngày, và sau đó chúng ta có thể gia hạn điều đó,” Kellogg nói trong một cuộc phỏng vấn của Fox News. “Tổng thống đã nói đúng về điều này, và đó là điều chúng ta muốn hướng tới.”

Putin đã tuyên bố vào ngày 28 tháng 4 lệnh ngừng bắn tạm thời từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 5 để kỷ niệm 80 năm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã.

Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Trump ngày càng thất vọng về những gì ông coi là sự không sẵn lòng của Mạc Tư Khoa trong việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài ba năm, khi các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, Putin vẫn tiếp tục yêu cầu công nhận chính thức quyền kiểm soát của Nga đối với Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson—các vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập trên giấy tờ vào năm 2022 nhưng chưa bao giờ xâm lược hoàn toàn.

Ukraine cũng bác bỏ đề xuất ngừng bắn ngắn hạn của Điện Cẩm Linh. “Nếu Nga thực sự muốn hòa bình, họ phải ngừng bắn ngay lập tức”, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha nói. “Tại sao phải đợi đến ngày 8 tháng 5? Nếu có thể ngừng bắn ngay bây giờ và kể từ bất kỳ ngày nào trong 30 ngày—thì đó là sự thật, không chỉ để diễn hành”.

Sybiha chỉ ra rằng một trong những khác biệt giữa người Nga và người Ukraine là thói thích diễn binh của người Nga. Ngay trong thời bình, những năm kinh tế khó khăn, Kyiv không tổ chức diễn binh. Người Nga thì trái lại, họ sẵn sàng tụ tập để diễn binh cả trong thời chiến. Cho đến nay, chỉ riêng trong vùng Donbas đã ít nhất có 8 trường hợp các đơn vị Nga tập trung diễn binh để rồi gánh chịu thương vong rất lớn khi quân Ukraine phóng hỏa tiễn hay máy bay điều khiển từ xa tấn công họ.

Kellogg, người gần đây đã dẫn đầu các cuộc đàm phán của Hoa Kỳ về Ukraine tại Luân Đôn, cho biết các nhà đàm phán đã đưa ra một bản điều khoản gồm 22 điểm tập trung vào việc chấm dứt chiến tranh. Ông thừa nhận rằng các quan chức Ukraine “không thích tất cả”, nhưng mô tả điều đó như thường lệ trong các cuộc đàm phán.

Ông cho biết: “Khi bạn nhìn vào mọi thứ mà người Ukraine sẵn sàng hợp tác - giờ đây, mọi thứ đã chuyển sang người Nga, sang Putin”, đồng thời nói thêm rằng phía Ukraine “thực sự đã tăng gấp đôi nỗ lực cho đề xuất hòa bình này”.

Kellogg ví quá trình ngoại giao như một cuộc đua đường dài. “Dặm đầu tiên không phải là khó nhất, mà là dặm cuối cùng mới là khó nhất, và chúng ta đang ở dặm cuối cùng”, ông nói.

“Không ai có thể chiến thắng trong cuộc chiến này về mặt quân sự,” Kellogg nói với Fox News. “Vì vậy, khi Nga nói rằng họ đang chiến thắng - không, họ không chiến thắng. Nếu họ đang chiến thắng, họ đã chiến thắng trong cuộc chiến này rồi... Vì vậy, tôi nghĩ rằng họ cần phải ngồi lại và nhận ra điều đó. Tôi nghĩ rằng Ukraine đang ở một vị thế tốt.”

[Kyiv Independent: 'Three-day ceasefire is absurd' — Kellogg slams Russia’s short truce proposal]

3. Tổng số quân lính Bắc Hàn tử trận trong cuộc chiến tranh Ukraine được Nam Hàn tiết lộ

Nam Hàn cho biết số lượng binh lính Bắc Hàn thiệt mạng khi chiến đấu cho Nga trong cuộc chiến giữa Mạc Tư Khoa và Ukraine là 600.

Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn, gọi tắt là NIS thông báo với các nhà lập pháp ở Hán Thành rằng tổng số thương vong của Bắc Hàn, bao gồm cả những người thiệt mạng lẫn những người bị thương là 4.700.

Những con số này được công bố bởi Lý Thành Quân (Lee Seong Kweun), một trong những nhà lập pháp Nam Hàn tham dự cuộc họp kín của ủy ban quốc hội.

Lý nói với các phóng viên rằng NIS cho biết 2.000 binh lính Bắc Hàn bị thương đã được hồi hương về Bắc Hàn bằng máy bay hoặc tàu hỏa trong khoảng thời gian từ Tháng Giêng đến tháng 3.

Ông trích dẫn thông tin từ NIS cho biết những người lính Bắc Hàn đã chết được hỏa táng tại Nga trước khi hài cốt của họ được đưa về nước.

Sự việc diễn ra sau khi Bình Nhưỡng và Mạc Tư Khoa lần đầu tiên chính thức thừa nhận sự tham gia của quân đội Bắc Hàn vào cuộc chiến tranh Ukraine.

Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân đã xác nhận như trên vào ngày 28 tháng 4, nhiều tháng sau khi có báo cáo về sự tham gia của quân đội nước này.

“Những người chiến đấu vì công lý đều là anh hùng và là đại diện cho danh dự của quê hương”, hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn KCNA dẫn lời ông Kim phát biểu.

Tuyên bố này được đưa ra cùng ngày Putin công khai cảm ơn ông Kim vì sự giúp đỡ.

“Nhân dân Nga sẽ không bao giờ quên chiến công của các chiến sĩ lực lượng đặc nhiệm Bắc Hàn,” Putin nói.

“Chúng tôi sẽ luôn tôn vinh những anh hùng Bắc Hàn đã hy sinh vì nước Nga, vì sự tự do chung của chúng ta, ngang hàng với những người anh em chiến đấu người Nga.”

Vào tháng 4, Viện Phân tích Quốc phòng Nam Hàn, gọi tắt là KIDA đã công bố một báo cáo nêu rõ giá trị tiềm năng của sự hợp tác quân sự giữa Bắc Hàn và Nga tại Ukraine.

Người ta ước tính rằng cho đến nay, Bắc Hàn đã tạo ra hơn 20 tỷ đô la cho nền kinh tế của mình, chủ yếu thông qua các lô hàng đạn dược, và đang giúp Bình Nhưỡng có được nhiều vũ khí công nghệ cao hơn nữa.

4. Putin thừa nhận quân đội Ukraine vẫn ở Kursk sau khi khoe khoang về việc tái chiếm khu vực này

Điện Cẩm Linh tuyên bố vào ngày 26 tháng 4 rằng lực lượng Nga đã chiếm lại hoàn toàn lãnh thổ Kursk. Nhưng bất chấp tuyên bố chiến thắng, nhà độc tài Vladimir Putin thừa nhận vào ngày 30 tháng 4 rằng binh lính Ukraine vẫn còn ở trong khu vực, các phương tiện truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát đưa tin.

Phát biểu tại một sự kiện ở Mạc Tư Khoa, Putin cho biết lực lượng Ukraine còn lại đang yêu cầu các chỉ huy Ukraine di tản họ. “Họ đã bị đẩy ra khỏi Kursk, nhưng những người còn lại vẫn đang ẩn náu trong các vết nứt và tầng hầm, yêu cầu được di tản”, Putin nói.

Putin đưa ra lập trường trên sau khi lực lượng đặc nhiệm Ukraine từ Trung tâm tác chiến đặc biệt Hải quân số 73 đã tiến hành một cuộc đột kích vào các vị trí của Nga ở Tỉnh Kursk, bắt giữ hai lính Nga, dịch vụ báo chí của Lực lượng tác chiến đặc biệt đưa tin vào ngày 27 tháng 4.

Ukraine bác bỏ các tuyên bố về việc tái chiếm. Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, giao tranh ở một số khu vực của Tỉnh Kursk vẫn tiếp diễn.

“ Tình hình rất khó khăn, nhưng các đơn vị của chúng tôi vẫn tiếp tục giữ vững các vị trí nhất định và thực hiện nhiệm vụ được giao”, quân đội cho biết vào ngày 26 tháng 4, đồng thời nói thêm rằng không có mối đe dọa bị bao vây.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy xác nhận vào ngày 27 tháng 4 rằng các hoạt động phòng thủ tích cực đang diễn ra ở Kursk và các tỉnh lân cận Belgorod.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti ngày 27 tháng 4 dẫn lời quyền chỉ huy Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 810 của Nga, người đã báo cáo với Putin rằng “các nhóm phân tán và binh lính riêng lẻ” của Quân đội Ukraine “sẽ sớm bị tiêu diệt”. Theo các blogger quân sự Nga, Lữ Đoàn trưởng của Lữ Đoàn này đã bị quân Ukraine bắn chết vào đầu tháng Tư vừa qua.

Ukraine đã phát động cuộc tấn công xuyên biên giới vào Kursk vào tháng 8 năm 2024, đánh dấu cuộc tấn công trên bộ lớn đầu tiên của nước ngoài vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II. Chiến dịch này nhằm trì hoãn một cuộc tấn công theo kế hoạch của Nga vào Sumy của Ukraine và chuyển hướng lực lượng Nga khỏi Donetsk phía đông.

Mạc Tư Khoa bắt đầu một cuộc phản công lớn vào đầu tháng 3, chiếm lại phần lớn lãnh thổ bao gồm thành phố Sudzha. Các lực lượng Ukraine đã rút khỏi phần lớn khu vực nhưng tuyên bố vẫn duy trì quyền kiểm soát hạn chế ở một số khu vực.

Ngày 26 tháng 4, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga Valery Gerasimov lần đầu tiên thừa nhận sự tham gia của quân đội Bắc Hàn trong chiến dịch này, ca ngợi “lòng kiên cường và chủ nghĩa anh hùng” của họ.

Kyiv và Hán Thành trước đó đã nói rằng Bắc Hàn đã điều động khoảng 11.000 quân tới Tỉnh Kursk, mặc dù cho đến nay Mạc Tư Khoa vẫn chưa công khai xác nhận điều này.

5. Điện Cẩm Linh phản ứng trước lời đe dọa tấn công vào các cuộc diễn hành ở Mạc Tư Khoa của Tổng thống Zelenskiy

Điện Cẩm Linh đã bác bỏ bình luận của Tổng thống Ukraine Tổng thống Zelenskiy rằng Nga nên lo ngại về cuộc diễn hành “Ngày Chiến thắng” sắp tới tại Mạc Tư Khoa, đánh dấu 80 năm kể từ khi kết thúc Thế chiến II.

Tổng thống Zelenskiy đưa ra nhiều tuyên bố khác nhau và “phần lớn chúng đều không thành công”, Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Điện Cẩm Linh, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin.

Peskov đã phản hồi lại bình luận của Tổng thống Zelenskiy hôm thứ Ba rằng Mạc Tư Khoa “lo ngại cuộc diễn hành của họ đang gặp nguy hiểm, và điều đó hoàn toàn đúng”.

Đối với Putin, cuộc duyệt binh tại Quảng trường Đỏ ở Mạc Tư Khoa vào ngày 9 tháng 5 là dấu mốc quan trọng của lòng yêu nước đánh dấu sự thất bại của Đức Quốc xã và sự kiện này đã nhận được sự ủng hộ đặc biệt kể từ cuộc xâm lược toàn diện của ông vào Ukraine.

Tổng thống Nga đã tuyên bố lệnh ngừng bắn tạm thời ở Ukraine từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 5 để trùng với lễ kỷ niệm nhưng những bình luận của Tổng thống Zelenskiy đã khiến truyền thông Nga suy đoán rằng Kyiv đang đe dọa phá hoại sự kiện này.

Peskov đã phản hồi lại bài phát biểu hàng đêm của Tổng thống Zelenskiy vào tối thứ Ba khi ông nói rằng Mạc Tư Khoa lo ngại rằng cuộc diễn hành đang gặp nguy hiểm.

Tổng thống Zelenskiy không đưa ra thêm chi tiết nhưng phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc Tổng thống Zelenskiy “thực sự đang lên kế hoạch tấn công khủng bố trên không”.

Theo hãng thông tấn nhà nước Tass, Peskov cho biết vào thứ Tư rằng cuộc diễn hành sẽ vẫn diễn ra và người dân Nga sẽ tự hào theo dõi.

Phát ngôn nhân của Putin cũng cho biết bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải được ký kết với Ukraine chứ không phải với Hoa Kỳ nhưng bày tỏ lòng biết ơn đối với chính quyền Tổng thống Trump vì vai trò của họ trong các cuộc đàm phán.

Peskov nói thêm rằng Nga sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Ukraine, nhưng vẫn chưa có phản hồi từ Kyiv. Tuy nhiên, Tổng thống Zelenskiy đã nói hôm thứ Ba rằng Mạc Tư Khoa phải có những bước đi rõ ràng để chấm dứt chiến tranh và một lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện phải là bước đầu tiên hướng tới điều đó.

Cuộc diễn hành có khả năng sẽ diễn ra trong bối cảnh lo ngại về việc đàm phán chấm dứt chiến tranh không đạt được tiến triển. Trong số các nhà lãnh đạo thế giới tham dự sẽ có chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva và nhà lãnh đạo Venezuela Nicolas Maduro.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã phản đối sự chỉ trích từ Brussels và trở thành nhà lãnh đạo duy nhất của Liên minh Âu Châu tuyên bố sẽ tham dự.

Theo Điện Cẩm Linh, một sự vắng mặt đáng chú ý sẽ là thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Quốc gia của ông đã nổi lên như một trong những nước mua dầu lớn nhất của Nga kể từ khi bắt đầu chiến tranh Ukraine.

[Newsweek: Kremlin Responds to Zelensky's Moscow Parade Threat]

6. Tổng thống Zelenskiy cảnh báo Nga đang ‘chuẩn bị điều gì đó’ ở Belarus dưới vỏ bọc tập trận quân sự

Hôm Thứ Tư, 30 Tháng Tư, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cảnh báo rằng Nga đang chuẩn bị hành động xâm lược quân sự tiềm tàng dưới chiêu bài tập trận chung với Belarus vào mùa hè này.

“ Hãy nhìn Belarus — mùa hè này, Nga đang chuẩn bị một cái gì đó ở đó dưới chiêu bài tập trận quân sự. Đây là cách các cuộc tấn công mới của họ thường bắt đầu,” Tổng thống Zelenskiy phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Ba Biển, theo Suspilne.

“Nhưng lần này ở đâu? Tôi không biết. Ukraine? Lithuania? Ba Lan? Nhưng tất cả chúng ta phải chuẩn bị. Tất cả các thể chế của chúng ta đều phải mở cửa cho sự hợp tác.”

Belarus sẽ tổ chức cuộc tập trận quân sự Zapad 2025 hay Tây 2025 với lực lượng Nga, một phần trong chuỗi cuộc tập trận lâu đời được tổ chức hai năm một lần kể từ năm 2009.

Cuộc tập trận gần đây nhất, Zapad-2021, có sự tham gia của hơn 200.000 người và đóng vai trò là màn dạo đầu cho cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Mặc dù không trực tiếp tham gia vào cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, Belarus vẫn tiếp tục cho phép quân đội và hỏa tiễn Nga hiện diện trên lãnh thổ của mình.

Belarus có chung biên giới với Ukraine, Ba Lan, Lithuania, Latvia và Nga, định vị nơi này là hành lang chiến lược quan trọng giữa NATO và Mạc Tư Khoa.

Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi trước đó đã nói rằng cuộc tập trận Zapad sắp tới có thể cho phép Nga bí mật tập hợp lực lượng tấn công dưới vỏ bọc là các cuộc tập trận.

“Tất cả các cuộc tập trận đều có mục đích. Và một trong những mục tiêu này là bí mật thành lập các nhóm quân tấn công,” Syrskyi nói với Lb.ua vào ngày 9 tháng 4.

“Các cuộc tập trận là chiêu bài thường được dùng nhất để di dời, tái điều động quân đội, tập trung quân đội theo một hướng nhất định và tạo ra một nhóm quân đội.”

Tổng thống Zelenskiy đã nhiều lần cảnh báo rằng Nga có thể leo thang các hành động quân sự vượt ra ngoài Ukraine.

Vào ngày 14 tháng 2, trong Hội nghị An ninh Munich, ông cho biết Putin có kế hoạch điều động tới 150.000 quân, chủ yếu ở Belarus, cho thấy khả năng Nga sẽ chuẩn bị cho các cuộc tấn công trong tương lai nhằm vào các nước NATO.

“Dựa trên tất cả thông tin tôi thu thập được từ tình báo và các nguồn khác, tôi nghĩ ông ấy đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh chống lại các nước NATO vào năm tới, hay 2026,”, Tổng thống Zelenskiy nói, mặc dù ông nói thêm rằng ông không thể hoàn toàn chắc chắn.

Căng thẳng giữa NATO và Mạc Tư Khoa đã gia tăng sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Các nhà lãnh đạo và cơ quan tình báo phương Tây đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lớn hơn ở Âu Châu trong vòng năm năm tới, chỉ ra sự gia tăng quân sự hóa và thái độ thù địch của Nga.

7. Pháp cho biết: Tin tặc Nga khét tiếng đứng sau vụ rò rỉ thông tin của Macron năm 2017

Hôm Thứ Tư, 30 Tháng Tư, Thủ tướng François Bayrou cáo buộc trước Quốc Hội nhóm tin tặc khét tiếng nhất của Nga đã chỉ đạo các cuộc tấn công mạng vào chiến dịch tranh cử năm 2017 của Tổng thống Emmanuel Macron.

Đây là lần đầu tiên Pháp công khai cáo buộc Mạc Tư Khoa đứng sau vụ việc được gọi là “vụ rò rỉ của Macron”, dẫn đến việc tiết lộ hàng ngàn tài liệu thuộc về nhóm vận động tranh cử của ứng cử viên khi đó.

Ông Bayrou cho biết cơ quan tình báo Nga, GRU, đã thực hiện các cuộc tấn công trong nhiều năm chống lại lợi ích của Pháp. Đơn vị bị cáo buộc thực hiện các cuộc tấn công là APT28 khét tiếng, còn được gọi là Fancy Bear. Nhóm này trước đây đã bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt vì đã tấn công Bundestag của Đức vào năm 2015. Nhóm này cũng có liên quan đến vụ tấn công Ủy ban Quốc gia Dân chủ Hoa Kỳ vào năm 2016 và các tài khoản email thuộc về Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz vào năm 2022 và 2023.

Ông Bayrou nhấn mạnh rằng Bộ Ngoại giao Pháp cho biết nhóm tin tặc này đã được sử dụng “để tấn công hoặc xâm phạm hàng chục thực thể của Pháp” kể từ năm 2021 và cũng được sử dụng để gây áp lực lên cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Cơ quan an ninh mạng của Pháp cho biết trong một báo cáo rằng các cơ quan bộ trưởng của Pháp cũng như nhiều tác nhân trong khu vực tư nhân, bao gồm cả lĩnh vực tài chính và hàng không vũ trụ, cũng là mục tiêu bị nhắm tới.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot đã đăng một thông điệp trên X nói rằng Pháp “quan sát, ngăn chặn và chiến đấu với các đối thủ của mình”, cùng với một video về “cuộc chiến thầm lặng” mà Nga tiến hành chống lại Pháp.

Chính phủ Pháp hiếm khi nêu đích danh thủ phạm của các cuộc tấn công mạng trên lãnh thổ nước mình.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Macron đã gia tăng lời lẽ chỉ trích Putin, nhằm gia tăng áp lực lên các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Hoa Kỳ và Nga.

Tuần trước, Macron đã kêu gọi Putin “ngừng nói dối” về mong muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine một cách hòa bình trong một cuộc trao đổi đầy nhiệt huyết với các phóng viên. Trước đó, tổng thống Pháp cũng đã cảnh báo Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rằng Putin đang chơi trò chơi vào cuối hội nghị thượng đỉnh quốc tế tại Paris.

[Politico: Notorious Russian hackers behind 2017 ‘Macron leaks,’ France says]

8. Tổng thống Zelenskiy chúc mừng tân thủ tướng Canada

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Thứ Tư, 30 Tháng Tư, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Canada mới đắc cử Mark Carney.

Đảng Tự do của Carney đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang Canada vào ngày 28 tháng 4 trong một bước ngoặt đáng kinh ngạc, sau một chiến dịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách thuế quan và lời lẽ bành trướng của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

“Tôi đã chúc mừng Thủ tướng về chiến thắng này và tin tưởng rằng mối quan hệ của chúng tôi với Canada sẽ vẫn bền chặt”.

Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về chức chủ tịch nhóm bẩy cường quốc trên thế giới, thường được gọi là G7 /dzi bẩy/, của Canada và sự hợp tác của Ukraine với G7. Tổng thống Zelenskiy và Carney cũng thảo luận về “sự cần thiết phải tiếp tục các lệnh trừng phạt mạnh mẽ” đối với Nga cũng như nhu cầu phòng không của Kyiv.

Tổng thống Zelenskiy đã mời Carney đến thăm Kyiv và cảm ơn người dân Canada vì đã luôn ủng hộ Ukraine.

Tổng thống Zelenskiy cho biết: “Tôi không nghi ngờ gì rằng vai trò lãnh đạo của Canada trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế sẽ tiếp tục được thể hiện”.

Canada luôn là quốc gia ủng hộ trung thành của Ukraine trong suốt cuộc chiến toàn diện với Nga, cung cấp cho nước này 19,7 tỷ đô la Canada, hay 14,2 tỷ đô la, viện trợ kể từ năm 2022, bao gồm 4,5 tỷ đô la Canada hỗ trợ quân sự, hay 3,25 tỷ đô la.

Carney, một nhà kinh tế trở thành thủ tướng Canada vào tháng 3 sau khi Trudeau từ chức, đã cam kết tiếp tục ủng hộ Kyiv.

Tổng thống cũng đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng và Phó Thủ tướng Luxembourg vào ngày 30 tháng 4. Họ đã thảo luận về hợp tác với Âu Châu và nhu cầu ngừng bắn vô điều kiện.

9. Putin có nguy cơ chọc giận Tổng thống Trump khi Tổng thống Zelenskiy cáo buộc Nga về các cuộc tấn công mới

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Nga đã tiến hành hơn 100 cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa chỉ trong đêm ngày 30 tháng 4, khiến hàng chục người bị thương, bao gồm cả trẻ em.

Tổng thống Zelenskiy cho biết hai đợt không kích vào Kharkiv tại “13 địa điểm dân sự” đã làm 45 người bị thương, trong đó có hai trẻ em, trẻ nhỏ nhất mới 5 tuổi. Ông cũng cho biết một người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào Dnipro.

Các cuộc không kích đang diễn ra của Nga có nguy cơ khiến Tổng thống Trump tức giận, người đã bày tỏ sự thất vọng với cả Tổng thống Zelenskiy và Putin, người mà ông đã trực tiếp thúc giục ngừng tấn công Ukraine.

“Máy bay điều khiển từ xa của Nga tiếp tục bay qua Ukraine suốt buổi sáng. Và điều này xảy ra hàng ngày”, Tổng thống Zelenskiy nói.

“Đó là lý do tại sao cần phải gây áp lực lên Nga—các biện pháp trừng phạt bổ sung mạnh mẽ sẽ có hiệu quả. Áp lực, không chỉ là lời nói hoặc nỗ lực thuyết phục, phải buộc Nga ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh.

“Áp lực từ Hoa Kỳ, Âu Châu và mọi người trên thế giới tin rằng chiến tranh không có chỗ trên Trái Đất. Cần có thêm hệ thống phòng không để bảo vệ người dân của chúng ta và khiến cho cuộc khủng bố trên không này của Nga trở nên bất khả thi.”

Nga cũng cáo buộc Ukraine tấn công vào các mục tiêu dân sự trong các cuộc không kích gần đây của nước này, dẫn đến thương vong.

Vào ngày 11 tháng 3 năm 2025, các quan chức Hoa Kỳ và Ukraine đã họp tại Jeddah, Ả Rập Xê Út, nơi Kyiv đồng ý lệnh ngừng bắn 30 ngày do Hoa Kỳ đề xuất, tùy thuộc vào sự chấp thuận của Nga.

Theo thỏa thuận này, chính quyền Tổng thống Trump đã nối lại viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine. Ngoại trưởng Marco Rubio nhấn mạnh, “Quả bóng hiện đang ở trong sân của Nga”.

Trong suốt tháng 4, Nga đã tăng cường chiến dịch quân sự chống lại Ukraine, tiến hành một loạt các cuộc tấn công tàn khốc gây ra thương vong đáng kể cho dân thường và sự tàn phá trên quy mô lớn.

Vào ngày 24 tháng 4, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay điều khiển từ xa lớn vào Kyiv, đánh dấu một trong những cuộc tấn công chết chóc nhất vào thủ đô kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Cuộc tấn công đã giết chết ít nhất 13 người và làm bị thương hơn 90 người. Tổng thống Zelenskiy xác nhận rằng một hỏa tiễn đạn đạo KN-23 do Bắc Hàn sản xuất đã được sử dụng. Cuộc tấn công đã vấp phải sự lên án của quốc tế, bao gồm cả Tổng thống Trump, người đã thúc giục Putin chấm dứt bạo lực.

Vào ngày 4 tháng 4, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào quê hương Kryvyi Rih của Tổng thống Zelenskiy đã giết chết 20 người, trong đó có chín trẻ em, và làm bị thương hàng chục người khác. Cuộc tấn công nhắm vào một khu dân cư, đánh trúng một sân chơi và gây ra thương vong đáng kể cho dân thường.

Vào ngày 30 tháng 4, lực lượng Ukraine đã nhắm vào Nhà máy chế tạo dụng cụ Murom ở vùng Vladimir của Nga, một cơ sở sản xuất thiết bị đánh lửa cho đạn dược quân sự. Cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa đã gây ra một vụ hỏa hoạn lớn và làm hư hại hai tòa nhà, mặc dù không có thương vong nào được báo cáo.

Vào đầu tháng này, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công trả đũa được cho là nhằm vào các lữ đoàn hỏa tiễn của Nga mà họ cho là chịu trách nhiệm cho một cuộc tấn công chết người vào Sumy vào Chúa Nhật Lễ Lá. Chiến dịch này nhắm vào các căn cứ ở khu vực Kursk và Ivanovo, gây ra hỏa hoạn và nổ.

Ít nhất 34 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công ở Sumy vào ngày 13 tháng 4, bao gồm hai trẻ em, và hơn 100 người khác bị thương.

Vào ngày 19 tháng 4, máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã tấn công một trung tâm điều hành máy bay điều khiển từ xa của Nga gần Tetkino ở Tỉnh Kursk, được cho là đã giết chết 20 người điều khiển.

Các nhà lãnh đạo chính trị trên toàn thế giới đã kêu gọi chấm dứt thù địch và kêu gọi Mạc Tư Khoa và Kyiv ngồi vào đàm phán ngừng bắn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi “các biện pháp mạnh mẽ” để thực thi lệnh ngừng bắn, tuyên bố, “Mọi người đều biết rằng chỉ có Nga muốn có cuộc chiến này”.

Thủ tướng Anh Sir Keir Starmer trước đây đã lên án “các cuộc tấn công khủng khiếp của Nga vào dân thường” và thúc giục Putin đồng ý ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức mà không có điều kiện.

[Newsweek: Putin Risks Trump's Ire as Zelensky Accuses Russia of New Strikes]

10. Giá dầu sẽ giảm mạnh nhất trong tháng kể từ năm 2021, Reuters đưa tin

Giá dầu tiếp tục xu hướng giảm và hướng đến mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 11 năm 2021, Reuters đưa tin vào ngày 30 tháng 4.

Vì doanh thu từ năng lượng vẫn là nguồn tài chính chính của Mạc Tư Khoa để tài trợ cho cuộc chiến chống lại Ukraine, nên sự sụp đổ giá diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Nga. Trong khi các lệnh trừng phạt của phương Tây không cản trở khả năng bán các nguồn năng lượng của Mạc Tư Khoa, giá giảm hiện có thể làm giảm ngân sách chiến tranh của nước này.

Theo Reuters, dầu thô Brent giảm thêm 1,2% xuống còn 63,48 đô la một thùng, trong khi dầu thô West Texas Intermediate của Hoa Kỳ giảm 74 cent, tương đương 1,2%, xuống còn 59,68 đô la. Cả hai chuẩn mực này đều đã mất khoảng từ 15 đến 16% trong tháng 4.

Theo nguồn tin thị trường của cơ quan truyền thông, lượng dầu thô dự trữ của Hoa Kỳ đã tăng 3,8 triệu thùng vào tuần trước, làm gia tăng lo ngại về tình trạng cung vượt cầu trên thị trường toàn cầu.

Giá dầu thô bắt đầu giảm vào đầu tháng 4 khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu mới. Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế của riêng mình, gây ra cuộc chiến thương mại giữa những nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Dữ liệu gần đây được trích dẫn bởi Reuters cho thấy những rắc rối kinh tế ở các thị trường lớn. Nền kinh tế Hoa Kỳ đã suy thoái trong quý đầu tiên. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm với tốc độ nhanh nhất trong 16 tháng.

Đầu tháng này, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov thừa nhận Nga đang “theo dõi chặt chẽ” thị trường dầu mỏ khi giá dầu thô Ural giảm xuống mức 50 đô la một thùng. Sự sụt giảm này đặc biệt đáng lo ngại đối với Mạc Tư Khoa vì ngân sách năm 2025 của nước này được lập kế hoạch dựa trên giá dầu là 70 đô la một thùng.

Bộ Tài chính Nga báo cáo rằng doanh thu dầu khí đã giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 3 xuống còn 1,08 ngàn tỷ rúp, hay 12,8 tỷ đô la, dẫn đến mất khoảng 230 tỷ rúp, hay 2,7 tỷ đô la, thuế thu nhập so với tháng 3 năm 2024.
 
TNS Graham tung dự luật hạ gục kinh tế Nga. Kết thúc bi thảm khi Nga dùng xe buýt tấn công Ukraine
VietCatholic Media
16:25 01/05/2025


1. Đồng minh của Tổng thống Donald Trump có kế hoạch áp dụng lệnh trừng phạt mới đối với Nga

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Nam Carolina, một đồng minh trung thành của Tổng thống Trump, đang thúc đẩy một dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga và áp dụng thuế quan trừng phạt đối với các quốc gia mua dầu, khí đốt và uranium của Nga, tờ The Wall Street Journal đưa tin hôm thứ Tư.

Chính quyền Tổng thống Trump đã gây áp lực buộc Nga và Ukraine đạt được thỏa thuận hòa bình trong cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Journal, Graham cho biết dự luật của ông đã nhận được sự ủng hộ từ hơn 60 thượng nghị sĩ tính đến thứ Tư - đạt đủ số phiếu cần thiết để vượt qua biện pháp cản trở.

Graham nói thêm rằng số lượng đồng bảo trợ sẽ đạt ít nhất 67, đủ để bác bỏ quyền phủ quyết tiềm tàng của Tổng thống Trump, người đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc thực hiện lời cam kết trong chiến dịch tranh cử là chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Graham nói với The Journal rằng danh sách những người ủng hộ được chia đều giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, bao gồm Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện John Thune của Nam Dakota và các thành viên khác trong ban lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện.

Thượng nghị sĩ Nam Carolina cũng cho biết ông đã thông báo với tổng thống về kế hoạch của mình.

“Tôi cho ông ấy biết chúng tôi đang làm gì,” Graham nói với The Journal. “Và tôi sẽ không nói thay cho tổng thống, nhưng tôi sẽ nói rằng tôi hy vọng ông ấy sẽ thành công. Tôi khá lạc quan rằng chúng ta có thể đạt được điều đó. Nhưng chúng ta không thể để điều này kéo dài mãi mãi.”

Ngoại trưởng Marco Rubio phát biểu trên chương trình Meet the Press của đài NBC hôm Chúa Nhật rằng việc áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Nga có thể dẫn đến thêm hai năm chiến tranh giữa Mạc Tư Khoa và Kyiv.

Ông cũng cho biết việc đàm phán một thỏa thuận hòa bình giữa hai nước là “phức tạp”, sau khi Tổng thống Trump ám chỉ rằng Putin có lẽ không muốn có một thỏa thuận hòa bình.

Rubio đặt câu hỏi về hiệu quả của các lệnh trừng phạt tiếp theo khi được hỏi tại sao Tổng thống Trump không áp đặt thêm lệnh trừng phạt.

Ông cho biết chính quyền “hy vọng sẽ thấy” liệu biện pháp ngoại giao có hiệu quả để đưa hai bên lại gần nhau hay không.

Ông nói thêm rằng chính quyền không muốn từ bỏ một tình huống có thể dẫn đến hòa bình và cũng không “muốn tiếp tục tốn thời gian vào những việc không thể đưa chúng ta đến đó”.

“Có lý do để lạc quan, và cũng có lý do để lo ngại”, ông nói tiếp về triển vọng của một thỏa thuận hòa bình. “Nó phức tạp và nếu đây là một cuộc chiến dễ dàng kết thúc thì nó đã được kết thúc bởi một người khác từ lâu rồi”, ông nói.

Rubio phát biểu vào cuối tuần: “Ngay khi bạn bắt đầu làm những điều như vậy, bạn đang rời xa nó, bạn đã tự đẩy mình vào thêm hai năm chiến tranh nữa và chúng tôi không muốn điều đó xảy ra”.

Ông nói thêm: “Không có quốc gia nào khác, không có thể chế hay tổ chức nào khác trên Trái đất có thể đưa hai bên này lại gần nhau, không ai khác nói chuyện với cả hai bên ngoài chúng tôi và không ai khác trên thế giới có thể khiến điều như thế này xảy ra ngoài tổng thống.”

Hoa Kỳ và Ukraine đã hoàn tất một thỏa thuận vào thứ Tư, trao cho Washington quyền tiếp cận đặc biệt đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine - một động thái chiến lược của Kyiv nhằm củng cố sự ủng hộ của Tổng thống Trump trong các cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra với Nga.

[Newsweek: Donald Trump Ally Plans to Put New Sanctions on Russia]

2. Quân đội Nga tham gia trận chiến trên xe buýt trường học màu vàng

Xe golf do Trung Quốc sản xuất. Xe gắn máy Belarus. Xe hơi nhỏ gọn Lada, xe tải bukhanka và xe tải GAZ-69 cổ. Xe tay ga điện dư thừa từ ngành cho thuê xe tay ga đang phát triển mạnh của Nga. Khi kho xe chiến đấu bọc thép, gọi tắt là AFV của Nga cạn kiệt, các trung đoàn và lữ đoàn Nga ở Ukraine đang chuyển sang xe dân sự để vận chuyển quân vào trận chiến.

Sự bổ sung mới nhất vào kho vũ khí gồm các phương tiện dân sự này, nhiều chiếc trong số đó được trang bị lớp giáp chống máy bay điều khiển từ xa, có lẽ là thứ hài hước nhất: một chiếc xe buýt chở học sinh.

Hôm Thứ Tư, 30 Tháng Tư, một người điều khiển máy bay điều khiển từ xa của Ukraine đã phát hiện một chiếc xe buýt trường học màu vàng đậu gần tiền tuyến ở Tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, nơi diễn ra giao tranh ở phía đông.

Chiếc xe buýt có thể đã bị hỏng. Nó có thể đã bị kẹt khi cố gắng đi trên địa hình mềm đặc trưng của mùa xuân Ukraine. Ít nhất một máy bay điều khiển từ xa ném bom góc nhìn thứ nhất đã lao vào, đâm vào xe buýt và đốt cháy nó.

Với tư cách là phương tiện vận chuyển trên chiến trường, xe buýt không phải là phương tiện lý tưởng. “Xe dân sự tốt hơn đi bộ nhưng rõ ràng là không cung cấp bất kỳ sự bảo vệ hoặc hỗ trợ hỏa lực nào” cho dù có súng gắn trên xe, nhà phân tích Jakub Janovksy giải thích. “Vì vậy, các cuộc tấn công bằng xe bus thay vì xe AFV sẽ tốn kém hơn và có nhiều khả năng thất bại hơn. Chúng cũng không có khả năng vượt qua được các chiến hào, hàng rào thép gai và các chướng ngại vật chống bộ binh khác”.

Nhưng người Nga không có nhiều lựa chọn. Những tổn thất đã được xác minh của Nga trong 39 tháng kể từ khi Nga mở rộng cuộc chiến với Ukraine bao gồm 17.000 xe và các thiết bị hạng nặng khác. Con số này nhiều hơn số xe mà nhiều quân đội có trong toàn bộ kho vũ khí của họ—và nhiều hơn số xe mà ngành công nghiệp vũ khí của Nga đang bị siết chặt lệnh trừng phạt có thể sản xuất trong ba năm. Tổng sản lượng xe tăng và xe chiến đấu bộ binh mới hàng năm ở Nga không vượt quá 1.100 chiếc.

Điện Cẩm Linh đã bổ sung cho những chiếc xe mới chế tạo của mình những chiếc xe cổ thời Chiến tranh Lạnh mà các kỹ thuật viên của họ đã kéo ra từ những bãi chứa rộng lớn. Nhưng ngay cả những bãi chứa này hiện cũng đã cạn kiệt. “Rất nhiều thứ còn lại đang trong tình trạng tồi tệ”, Janovksy nói.

Do đó có xe điện, xe tay ga, xe hơi và xe buýt.

Xe buýt chiến đấu Donetsk không phải là xe buýt đầu tiên tham gia chiến tranh trong những năm gần đây. Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo và đối thủ đáng sợ nhất của họ, lực lượng Peshmerga người Kurd, đều đã cải tiến các phương tiện dân sự để sử dụng trong chiến đấu vào những năm 2010. Nhưng có sự khác biệt lớn giữa xe buýt chiến đấu ISIS và Peshmerga và xe buýt chiến đấu của Nga. Xe buýt của ISIS và Peshmerga không chở ai cả. Nó chỉ chở bom và lao vào đối phương. Xe buýt của Nga chở đầy lính và thường được trang bị nhiều lớp giáp bổ sung để bảo vệ chúng khỏi hỏa lực của đối phương.

Người Nga thường tăng cường bảo vệ cho các xe tấn công dân sự của họ, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy họ đã làm như vậy với xe buýt ở Donetsk. Có thể là không có thời gian. Có thể các kỹ sư lắp xe hơi và xe tải với áo giáp tự chế không sẵn sàng đối xử như vậy với một chiếc xe quá lớn như xe buýt.

Bị bỏ rơi, bất động và hoàn toàn không được bảo vệ khỏi máy bay điều khiển từ xa luôn hiện diện ở khắp mọi nơi trên tiền tuyến ở Ukraine, chiếc xe buýt của Nga trở thành mục tiêu dễ dàng.

[Forbes: Russian Troops Rolled Into Battle In A Yellow School Bus]

3. ‘Tôi không tin tưởng nhiều người’ - Tổng thống Trump đưa ra quan điểm trái ngược về ý định của Putin trong cuộc phỏng vấn về 100 ngày đầu tiên

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đưa ra nhiều đánh giá trái ngược nhau về ý định chấm dứt chiến tranh ở Ukraine của Putin trong cuộc phỏng vấn với ABC News vào ngày 29 tháng 4.

Cuộc phỏng vấn tập trung vào 100 ngày đầu tiên tại nhiệm của Tổng thống Trump, cho thấy quan điểm hoàn toàn khác biệt của Tổng thống Trump về ý định của Putin chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Trump đăng trên Truth Social rằng nhà lãnh đạo Nga có thể đang “lừa dối tôi” trong các cuộc đàm phán hòa bình.

Trong bài đăng trên Truth Social được đăng tải ngay sau cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tại Vatican vào ngày 26 tháng 4, Tổng thống Trump cho biết “không có lý do gì để Putin bắn hỏa tiễn vào các khu vực dân sự, thành phố và thị trấn trong vài ngày qua”.

“Điều này khiến tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy không muốn dừng chiến tranh, ông ấy chỉ đang lợi dụng tôi và tôi phải giải quyết theo cách khác, thông qua ngân hàng hoặc các lệnh trừng phạt thứ cấp?” Tổng thống Trump nói.

Khi được hỏi về ý kiến cho rằng Putin có thể đang trì hoãn các cuộc đàm phán, Tổng thống Trump trả lời rằng điều đó “có thể xảy ra”.

“Ông ấy có thể đang dụ dỗ tôi, nhưng tôi cho rằng ông ấy muốn chấm dứt chiến tranh,” Tổng thống Trump nói trong cuộc phỏng vấn với ABC News.

Bất chấp lời đồn đoán rằng Putin có thể đang cố gắng trì hoãn các cuộc đàm phán, Tổng thống Trump sau đó đã nói thêm trong cuộc phỏng vấn với ABC rằng “ông ấy sẵn sàng ngừng giao tranh”.

“Tôi nghĩ ông ấy muốn hòa bình, đúng vậy. Tôi nghĩ ông ấy muốn thế,” Tổng thống Trump nói.

Tổng thống Trump, người đã hứa sẽ đàm phán hòa bình ở Ukraine trong vòng 100 ngày đầu tiên nhậm chức, gần đây đã ngày càng thất vọng vì ông cho rằng Mạc Tư Khoa không sẵn lòng chấm dứt cuộc chiến kéo dài ba năm.

Các quan chức Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng tuần này sẽ rất quan trọng để xác định liệu Hoa Kỳ có tiếp tục tham gia vào nỗ lực chấm dứt chiến tranh của Nga ở Ukraine hay không, trong bối cảnh Tổng thống Trump ngày càng thất vọng.

Vào ngày 28 tháng 4, Putin tuyên bố lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 5 để kỷ niệm 80 năm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã, một động thái mà Đặc phái viên của Tổng thống Trump là Keith Kellogg coi là “vô lý”.

Khi được hỏi liệu Tổng thống Trump có tin tưởng Putin không, tổng thống Hoa Kỳ đã né tránh câu hỏi trong cuộc trao đổi căng thẳng với người phỏng vấn: “Tôi không tin tưởng nhiều người. Tôi không tin tưởng anh.”

“Ước mơ của Putin là chiếm toàn bộ đất nước Ukraine. Tôi nghĩ vì tôi, ông ấy sẽ không làm điều đó”, Tổng thống Trump kết luận.

Bất chấp các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra, Nga được cho là đã tăng cường các cuộc tấn công trong những tuần gần đây, bao gồm cả ở khu vực Sumy. Trong lệnh ngừng bắn tạm thời kéo dài ba ngày do Nga tuyên bố vào lễ Phục sinh đầu tháng này, Tổng thống Zelenskiy đã cáo buộc Mạc Tư Khoa vi phạm gần 3.000 lần từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 21 tháng 4.

4. Chính phủ Hòa Lan công bố lệnh hạn chế giao thông trong hội nghị thượng đỉnh NATO

Chính phủ Hòa Lan sẽ áp đặt vùng cấm bay trên The Hague trong hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 24-25 tháng 6, cùng với các biện pháp an ninh khác ảnh hưởng đến hầu hết các phương tiện giao thông.

Lệnh cấm bay sẽ có hiệu lực vào ngày 23 tháng 6 và áp dụng cho bán kính 16 km xung quanh thành phố, nơi “không có bất kỳ hoạt động hàng không nào được phép diễn ra, ngoại trừ vì lý do an toàn và trường hợp khẩn cấp về y tế”, chính quyền Hòa Lan cho biết hôm thứ Ba.

Cuộc họp sẽ có sự tham dự của khoảng 45 nguyên thủ quốc gia và chính phủ, bao gồm Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và nhiều nhà lãnh đạo Âu Châu, cũng như khoảng 90 Ngoại trưởng và quốc phòng.

Khoảng 8.500 người dự kiến sẽ tham dự — bao gồm 6.000 quan chức chính phủ, 2.000 nhà báo và 500 người tham gia Diễn đàn công cộng NATO bên lề hội nghị thượng đỉnh.

Tác động kết hợp của việc hạn chế không phận và việc sử dụng toàn bộ đường băng cho các chuyến bay của nhà nước sẽ làm giảm 10 phần trăm công suất của Sân bay Schiphol ở Amsterdam trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh.

Các hạn chế trên biển cũng sẽ được áp dụng trong một khu vực cách bờ biển The Hague hơn 22 km, với quyền hạn chế tiếp cận được bảo đảm đối với ngư dân được phép và tàu du lịch trong ba ngày trước hội nghị thượng đỉnh NATO, và lệnh đóng cửa hoàn toàn đối với hoạt động vận chuyển từ 3 giờ chiều ngày 23 tháng 6 đến nửa đêm ngày 25 tháng 6.

Các hạn chế bay nhẹ hơn sẽ được áp dụng cho khu vực bên ngoài vùng cấm bay và trong bán kính 93 km tính từ địa điểm lên đỉnh núi, nơi chỉ những máy bay thương mại lớn mới được phép bay nếu có giấy phép.

Các biện pháp như vùng cấm bay và lệnh cấm vận chuyển không phải là điều hiếm gặp khi nhiều nhà lãnh đạo thế giới tụ họp tại cùng một địa điểm, như trường hợp vào ngày 26 tháng 4 để dự tang lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Thành phố Vatican, với sự tham dự của 170 phái đoàn nhà nước.

Theo chính quyền Hòa Lan, cuộc họp của NATO là hội nghị thượng đỉnh lớn nhất từng được tổ chức tại nước này.

Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của NATO kể từ khi cựu Thủ tướng Hòa Lan Mark Rutte đảm nhiệm vị trí tổng thư ký của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương sau sự ra đi của người tiền nhiệm Jens Stoltenberg.

5. NATO đang âm mưu ‘chiếm lấy’ thành trì Baltic của Nga, trợ lý của Putin tuyên bố

Trợ lý của Putin, Nikolai Patrushev, tuyên bố hôm thứ Ba rằng NATO đang có âm mưu chiếm Kaliningrad của Nga, một vùng đất tách biệt được bao quanh bởi các thành viên của liên minh quân sự này.

Patrushev, người trước đây từng giữ chức thư ký Hội đồng An ninh Nga, đã đưa ra bình luận này trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Tass của Điện Cẩm Linh.

Patrushev, một trong những đồng minh thân cận nhất của Putin, trước đây đã làm việc cùng nhà lãnh đạo Nga tại KGB ở St. Petersburg. Ông là người ủng hộ nổi bật các chính sách cứng rắn của Điện Cẩm Linh và đã công khai bảo vệ quyết định của Putin về việc phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Thường được coi là người kế nhiệm Putin có nhiều khả năng nhất, quan điểm của Patrushev được coi là gần giống với quan điểm của trùm mafia Vladimir Putin.

Kaliningrad là một thành phố cảng chiến lược quan trọng của Nga trên bờ biển phía nam của Biển Baltic, nằm ở vùng Kaliningrad. Đây là một lãnh thổ tách biệt với phần còn lại của Nga và giáp với các thành viên NATO là Lithuania và Ba Lan.

Patrushev cáo buộc lực lượng NATO đang tích cực diễn tập để chiếm khu vực này dưới vỏ bọc là cuộc tập trận quân sự thường kỳ ở Biển Baltic.

Tháng 6 năm ngoái, khoảng 9.000 quân từ 20 quốc gia NATO đã tham gia các cuộc tập trận trong khu vực, bao gồm phát hiện tàu ngầm, rà phá thủy lôi, đổ bộ và ứng phó y tế trong các tình huống thương vong hàng loạt.

Và tuần này, cuộc tập trận tìm kiếm cứu nạn trên biển của NATO, Dynamic Mercy, đã khởi động ở Biển Baltic.

Patrushev trước đây đã cáo buộc phương Tây tìm cách cô lập Kaliningrad về mặt hậu cần.

Tass trích lời Patrushev phát biểu vào mùa thu năm ngoái: “Các nước phương Tây đang cố gắng làm phức tạp hóa việc vận chuyển hàng hóa và hành khách đến Kaliningrad ở mức độ tối đa nhằm cô lập khu vực Kaliningrad và phá vỡ các tuyến giao thông với lãnh thổ chính của Nga”.

Nhận xét của Patrushev được đưa ra vào thời điểm căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây, chủ yếu do cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Các cơ quan tình báo phương Tây ngày càng cảnh báo về nguy cơ xung đột trực tiếp ngày càng tăng giữa Nga và NATO trong tương lai gần.

Trong khi đó, để phô trương sức mạnh, Nga đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự ngoài khơi bờ biển Kaliningrad trong những tuần gần đây, thực hành sử dụng hỏa tiễn siêu thanh để đẩy lùi một cuộc tấn công mô phỏng trên không và trên biển.

Nikolai Patrushev trả lời Tass trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào thứ Ba: “Năm thứ hai liên tiếp, NATO tổ chức các cuộc tập trận lớn nhất trong nhiều thập niên gần biên giới của chúng tôi, nơi họ thực hành các kịch bản hành động tấn công trên một khu vực rộng lớn—từ Vilnius đến Odesa, chiếm khu vực Kaliningrad, chặn đường vận chuyển ở Biển Baltic và Hắc Hải, và các cuộc tấn công phủ đầu vào các căn cứ thường trực của lực lượng răn đe hạt nhân Nga. “

Nga và Belarus đang có kế hoạch tiến hành một cuộc tập trận chiến lược chung vào mùa thu năm nay mang tên Zapad 2025. Theo nhóm nghiên cứu Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu, cuộc tập trận này dự kiến sẽ “mô phỏng một cuộc xung đột quy mô lớn với NATO và có thể sẽ bao gồm các cuộc tấn công mạng, phát tín hiệu hạt nhân và gây áp lực trên khắp Biển Baltic và Bắc Cực”.

[Newsweek: NATO Plotting 'Takeover' of Russia's Baltic Stronghold, Putin Aide Claims]

6. Von der Leyen chỉ trích Tổng thống Trump: Chúng tôi không trừng phạt hàng xóm

Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen đã có nhiều lời chỉ trích Ông Donald Trump trong bài phát biểu phơi bày sự thù địch ngày càng gia tăng rằng Liên minh Âu Châu và toàn thế giới sẽ phải chịu thiệt hại do “chính sách thuế quan khó lường của chính quyền Hoa Kỳ”, với mức thuế “cao nhất trong một thế kỷ”.

Bà cho biết: “Hàng triệu người dân sẽ phải đối mặt với hóa đơn tiền tạp hóa cao hơn, thuốc men sẽ đắt hơn, chi phí đi lại sẽ đắt hơn, lạm phát sẽ tăng”.

Thuế quan của Tổng thống Trump — 10 phần trăm đối với hầu hết các quốc gia, 145 phần trăm đối với Trung Quốc và 25 phần trăm đối với thép, nhôm và xe hơi — đã làm đảo lộn thị trường toàn cầu khi ông công bố chúng vào đầu tháng. Tổ chức Thương mại Thế giới dự báo rằng thương mại toàn cầu sẽ giảm tới 1,5 phần trăm nếu Tổng thống Trump khôi phục mức thuế quan “có đi có lại” cao hơn — được định mức cho Liên Hiệp Âu Châu là 20 phần trăm — mà trước đó ông đã đình chỉ trong 90 ngày.

Mặc dù không nêu tên tổng thống Hoa Kỳ, von der Leyen đã chỉ trích những người đàn ông mạnh mẽ trên khắp thế giới trong những phát biểu có thể dễ dàng nhắm vào phong cách ngoại giao hung hăng của Tổng thống Trump hoặc, cùng lúc đó, nhắm vào Putin. “Chúng tôi không xâm lược các nước láng giềng và chúng tôi không trừng phạt họ”, bà nói.

Tổng thống Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ sáp nhập Greenland, từ chối loại trừ khả năng sử dụng vũ lực quân sự. Ông cũng đã bày tỏ mong muốn biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ và đã tuyên bố sẽ áp dụng các hình phạt tài chính khắc nghiệt nếu Ottawa bất chấp ông và hợp tác với Liên minh Âu Châu để áp đặt thuế quan đối phó với Hoa Kỳ

Von der Leyen nhấn mạnh sự cống hiến của Âu Châu cho tự do học thuật, khẳng định rằng “những cuộc tranh luận gây tranh cãi tại các trường đại học của chúng tôi được hoan nghênh”, trong bối cảnh chiến dịch chưa từng có của Tổng thống Trump chống lại một số trường đại học danh tiếng nhất nước ông.

Tổng thống Mỹ đã đưa ra các quy định chặt chẽ hơn và đe dọa sẽ đóng băng hoặc cắt giảm nguồn tài trợ liên bang trừ khi các tổ chức tuân thủ các yêu cầu của chính quyền ông, bao gồm cả việc xóa bỏ một số ý thức hệ.

Đến lượt mình, Âu Châu đã phát động một chiến dịch phối hợp để thu hút nhân tài người Mỹ, định vị mình là nơi ẩn náu cho các học giả chạy trốn sự đàn áp của Tổng thống Trump.

“Chúng tôi coi quyền tự do khoa học và nghiên cứu là cơ bản… chúng tôi muốn các nhà khoa học và nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới biến Âu Châu thành ngôi nhà của họ,” von der Leyen nói. “Và biến Âu Châu trở thành ngôi nhà của sự đổi mới một lần nữa.”

Von der Leyen đã có cuộc nói chuyện ngắn với Tổng thống Trump tại Vatican trong lễ tang của Đức Thánh Cha Phanxicô vào thứ Bảy, hai bên đã đồng ý sẽ có một cuộc gặp chính thức vào một thời điểm sau đó.

[Politico: Von der Leyen slams Trump: We don’t punish neighbors]

7. Meloni của Ý cho biết thỏa thuận ngừng bắn Ngày Chiến thắng của Putin ‘là không đủ’

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Corriere della Sera nghĩa là Tin Chiều công bố hôm Thứ Tư, 30 Tháng Tư, rằng lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày nhân Ngày Chiến thắng của Putin là không đủ, đồng thời nhấn mạnh đến nhu cầu về một “nền hòa bình công bằng và lâu dài”.

Putin tuyên bố lực lượng Nga sẽ ngừng mọi hành động thù địch từ ngày 8 tháng 5 cho đến nửa đêm ngày 11 tháng 5 để kỷ niệm 80 năm ngày kết thúc Thế chiến II ở Âu Châu. Ukraine đáp trả bằng cách kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện, một đề xuất mà Mạc Tư Khoa tiếp tục bác bỏ.

Trong cuộc phỏng vấn, Meloni lên tiếng ủng hộ nỗ lực của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhằm làm trung gian hòa bình giữa Ukraine và Nga và ca ngợi sự sẵn sàng của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho một lệnh ngừng bắn vô điều kiện.

“Bây giờ, Nga phải chứng minh điều tương tự. Bởi vì lệnh ngừng bắn ba ngày do Putin công bố để kỷ niệm chiến thắng trong Thế chiến II là một điều gì đó khác biệt, và chắc chắn là không đủ,” Meloni nói.

Nhà lãnh đạo Ý cho biết hòa bình phải lâu dài và được hỗ trợ bởi các bảo đảm an ninh mạnh mẽ. Meloni nhắc lại đề xuất của bà về việc cung cấp cho Ukraine các bảo đảm dựa trên Điều 5 của NATO, ngay cả khi không có sự đồng thuận về việc Kyiv chính thức gia nhập.

“Bây giờ, một lần nữa, lại là một nỗ lực thao túng khác: vì một lý do nào đó, mọi người được cho là phải đợi đến ngày 8 tháng 5 trước khi ngừng bắn — chỉ để Putin im lặng trong cuộc diễn hành của ông ta,” Tổng thống Zelenskiy trước đây đã nói.

“Chúng tôi coi trọng mạng sống con người, không phải diễn hành. Đó là lý do tại sao chúng tôi tin rằng — và thế giới tin rằng — không có lý do gì để chờ đến ngày 8 tháng 5”, ông nói thêm. Ukraine đã cáo buộc Nga vi phạm nhiều thỏa thuận ngừng bắn trong quá khứ.

Tòa Bạch Ốc cũng đã phản ứng bằng cách kêu gọi một lệnh ngừng bắn lâu dài, với phát ngôn nhân Karoline Leavitt cho biết, “Tổng thống Trump đã nói rõ rằng ông ấy muốn thấy một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn trước tiên để chấm dứt giết chóc, chấm dứt đổ máu... Cả hai nhà lãnh đạo cần phải ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra giải pháp.”

Tổng thống Trump ngày càng thất vọng với những nỗ lực hòa bình bị đình trệ, đe dọa sẽ rút lui nếu không đạt được tiến triển.

“Nếu Nga thực sự muốn hòa bình, họ phải ngừng bắn ngay lập tức”, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha nói. “Tại sao phải đợi đến ngày 8 tháng 5? Nếu có thể ngừng bắn ngay bây giờ và kể từ bất kỳ ngày nào trong 30 ngày—thì đó là sự thật, không chỉ để diễn hành”.

Sybiha chỉ ra rằng một trong những khác biệt giữa người Nga và người Ukraine là thói thích diễn binh của người Nga. Ngay trong thời bình, những năm kinh tế khó khăn, Kyiv không tổ chức diễn binh. Người Nga thì trái lại, họ sẵn sàng tụ tập để diễn binh cả trong thời chiến. Cho đến nay, chỉ riêng trong vùng Donbas đã ít nhất có 8 trường hợp các đơn vị Nga tập trung diễn binh để rồi gánh chịu thương vong rất lớn khi quân Ukraine phóng hỏa tiễn hay máy bay điều khiển từ xa tấn công họ.

>>

8. Liên Hiệp Âu Châu cần quyền tự chủ về quốc phòng khi Hoa Kỳ chuyển hướng tập trung, nhà lãnh đạo Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu cho biết

Nhà lãnh đạo Hội đồng Âu Châu António Costa phát biểu với tờ POLITICO rằng Liên Hiệp Âu Châu cần tăng cường sản xuất quốc phòng vì Washington đe dọa sẽ loại bỏ dần sự hiện diện của Mỹ tại Âu Châu.

“Chúng ta chắc chắn cần sản xuất nhiều vũ khí Âu Châu hơn để trở nên tự chủ hơn”, Costa nói. “Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định và chúng ta nên tôn trọng rằng họ tập trung nhiều hơn vào các khu vực khác trên thế giới hơn là ở Âu Châu”.

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu đã đưa ra những phát biểu này sau chuyến thăm nhà máy vũ khí Arsenal ở miền trung Bulgaria- nơi tuyển dụng nhiều lao động nhất cả nước với hơn 10.500 công nhân.

Costa cho biết nhà máy này là “ví dụ rất tốt” về chính sách công nghiệp quốc phòng của Âu Châu vì nó đã tạo ra việc làm và giúp ích cho nền kinh tế.

Ông nói thêm rằng chương trình Hành động An ninh cho Âu Châu, gọi tắt là SAFE do Liên Hiệp Âu Châu lên kế hoạch - chương trình sẽ cung cấp khoản vay quốc phòng lên tới 150 tỷ euro - nên được phân bổ cho các nước thành viên để bảo đảm rằng chương trình này “không chỉ tập trung vào ba hoặc bốn quốc gia lớn”.

“Chúng ta cần sử dụng khoản đầu tư này để phát triển các khu vực khác, các công ty khác và tích hợp chúng vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp quốc phòng chung của chúng ta”, ông nói. “Chúng ta có thể sử dụng cơ hội này để phát triển các công ty địa phương nhằm mở rộng năng lực này và hiện đại hóa các công ty này”.

9. Hoa Kỳ và Ukraine ký thỏa thuận kinh tế về khoáng sản hiếm: Những điều cần biết

Hoa Kỳ và Ukraine đã hoàn tất một thỏa thuận vào thứ Tư, trao cho Washington quyền tiếp cận đặc biệt đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine - một động thái chiến lược của Kyiv nhằm củng cố sự ủng hộ của Tổng thống Trump trong các cuộc đàm phán ngừng bắn đang diễn ra với Nga.

Thỏa thuận này cho phép các công ty Hoa Kỳ được ưu tiên tiếp cận các dự án đầu tư mới liên quan đến các nguồn tài nguyên quan trọng như nhôm, than chì, dầu và khí đốt tự nhiên. Các quan chức Ukraine coi thỏa thuận này là rất quan trọng để duy trì thiện chí của Tổng thống Trump khi chính quyền của ông tăng cường nỗ lực làm trung gian chấm dứt cuộc chiến do cuộc xâm lược toàn diện của Nga phát động hơn ba năm trước.

Yulia Svyrydenko, Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, đã nói, “Thay mặt Chính phủ Ukraine, tôi đã ký Thỏa thuận về việc thành lập Quỹ đầu tư tái thiết Hoa Kỳ-Ukraine. Cùng với Hoa Kỳ, chúng tôi đang tạo ra Quỹ sẽ thu hút đầu tư toàn cầu vào đất nước chúng tôi.”

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã đăng trên X, “Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của Tổng thống Trump nhằm bảo đảm một nền hòa bình lâu dài, tôi rất vui mừng thông báo về việc ký kết thỏa thuận hợp tác kinh tế lịch sử ngày hôm nay giữa Hoa Kỳ và Ukraine thành lập Quỹ đầu tư tái thiết Hoa Kỳ-Ukraine để giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế của Ukraine. An ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia.

Ông nói thêm rằng Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ “sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Ukraine để thành lập quỹ này và chúng tôi mong muốn nhanh chóng đưa quan hệ đối tác kinh tế lịch sử này vào hoạt động vì lợi ích của cả người dân Ukraine và Hoa Kỳ”.

[Newsweek: US and Ukraine Sign Rare-Minerals Economic Deal: What to Know]

10. Bộ trưởng Nội vụ Pháp bị chỉ trích vì phản ứng chậm trễ trong vụ đâm dao gây ra tử vong ở đền thờ Hồi giáo

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bruno Retailleau đang phải gánh chịu những lời chỉ trích cho rằng ông đã phản ứng chậm chạp trước vụ giết hại một người đàn ông dường như bị nhắm tới vì đức tin Hồi giáo của mình.

Aboubakar Cissé, một người Mali 23 tuổi, đã tử vong sau khi bị đâm hàng chục nhát vào thứ sáu khi đang cầu nguyện tại một đền thờ Hồi giáo ở miền nam nước Pháp. Công tố viên địa phương cho biết kẻ tấn công đã quay cảnh đâm dao, trong đó hắn hét lên “Tao đã làm thế... đồ khốn nạn Allah của mày”, nhiều hãng truyền thông Pháp đưa tin.

Retailleau, một chính trị gia cánh hữu nổi tiếng đang chạy đua để lãnh đạo đảng chính trị bảo thủ Les Républicains của Pháp, đã trả lời trên X khoảng sáu giờ sau đó để bày tỏ “sự đoàn kết với cộng đồng Hồi giáo”.

Ông đã tham dự hai sự kiện vận động tranh cử vào cuối tuần và chỉ sau đó mới đi gặp các nhà điều tra địa phương và các nhà lãnh đạo tôn giáo tại La Grande-Combe vào hôm Chúa Nhật.

Retailleau đã nhanh chóng đến thăm các địa điểm xảy ra các vụ tấn công bạo lực khác sau khi chúng xảy ra. Ví dụ, chưa đầy một ngày trước vụ tấn công đền thờ Hồi giáo vào thứ sáu ở La Grande-Combe, ông đã đến Nantes sau khi một học sinh trung học đâm chết một bạn học 15 tuổi và làm bị thương những người khác. Vụ tấn công đó xảy ra vào khoảng trưa; Retailleau đã có mặt tại hiện trường trong vòng bảy giờ.

Bộ trưởng Nội vụ bảo vệ chuyến thăm trễ của mình đến địa điểm xảy ra vụ tấn công người đàn ông Hồi giáo bằng cách trích dẫn cuộc điều tra đang diễn ra và những bất ổn dai dẳng xung quanh vụ án. Vào thứ Ba, ông đã phản pháo lại những người chỉ trích ông vì đã biến những thảm kịch thành vấn đề chính trị.

“Tôi không chấp nhận những vấn đề nghiêm trọng và đau đớn như vậy lại bị các bên hoặc hiệp hội lợi dụng để trục lợi từ nỗi bất hạnh của một gia đình. Những phương pháp này thật đáng xấu hổ và tôi sẽ không để mình bị đe dọa hoặc lợi dụng”, ông nói.

Tuy nhiên, những người chỉ trích bộ trưởng cho rằng việc thiếu tính cấp bách cho thấy có sự đối xử theo tiêu chuẩn kép - một tuyên bố mà phát ngôn nhân của chính phủ Sophie Primas đã cố gắng bác bỏ tại một cuộc họp báo vào hôm Thứ Tư, 30 Tháng Tư, đặc biệt là khi xem xét đến việc Retailleau đã nhanh chóng đến hiện trường như thế nào trong vụ đâm dao gần đây mà Tổng thống Emmanuel Macron mô tả là một hành động “khủng bố Hồi giáo”.

Vụ đâm dao này, được thực hiện bởi một công dân Algeria được mô tả là có “tiền sử tâm thần phân liệt”, xảy ra lúc 3:40 chiều. Chuyến đi của bộ trưởng nội vụ đến địa điểm xảy ra vụ tấn công đã được xác nhận chưa đầy hai giờ sau đó.

Ludovic Mendes, một thành viên Quốc hội thuộc nhóm trung dung của Macron, người gần đây đã biên soạn một báo cáo về nạn kỳ thị Hồi giáo ở Pháp, cho biết: “Khi bạn thấy Bộ trưởng Nội vụ mất bao lâu để phản hồi… điều đó tạo ra ấn tượng rằng người Pháp theo đạo Hồi không có chỗ đứng ở đất nước chúng ta”.

Những người chỉ trích Retailleau nói thêm rằng những phát biểu gay gắt của ông chỉ trích khăn trùm đầu của người Hồi giáo — ông đã hét lên “đập bỏ mạng che mặt” tại một cuộc biểu tình gần đây — đã thúc đẩy điều mà Mendes mô tả là “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc thông thường” ở Pháp vào thời điểm số liệu thống kê chính thức cho thấy tội ác thù hận chống lại người Hồi giáo đang gia tăng. Theo số liệu của Bộ Nội vụ, các báo cáo về những vụ việc như vậy đã tăng 72 phần trăm từ Tháng Giêng đến tháng 3 năm nay so với cùng kỳ năm 2024.

Retailleau cũng bị chỉ trích từ chính phe chính trị của mình. Xavier Bertrand, chủ tịch bảo thủ của vùng Hauts-de-France phía bắc và là người ủng hộ việc Retailleau giành quyền lãnh đạo đảng, nói với BFMTV rằng ông “hoàn toàn tin tưởng” rằng bộ trưởng nội vụ nên đến thăm địa điểm tấn công “ngay lập tức”.

Bertrand cho biết: “Khi một người đàn ông bị sát hại dã man ở Pháp vì anh ta là người Hồi giáo, chúng ta phải đấu tranh chống lại điều đó… sự phẫn nộ của chúng ta không thể phụ thuộc vào hoàn cảnh”.

Kẻ tấn công bị tình nghi đã bỏ trốn khỏi hiện trường và lẩn trốn trong ba ngày trước khi đầu hàng chính quyền Ý vào thứ Hai. Công tố viên Abdelkrim Grini cho biết mặc dù động cơ có khả năng nhất là thù hận, nhưng các kịch bản khác vẫn đang được xem xét.

Luật sư của kẻ tấn công, phát biểu với các phóng viên ở Ý, cho biết thân chủ của mình “không nói bất cứ điều gì chống lại đạo Hồi hay Nhà thờ Hồi giáo” và “bối rối” trước cáo buộc rằng hành động của anh ta xuất phát từ lòng căm thù.

[Politico: French interior minister under fire for slow response to deadly Mosque stabbing]
 
02.05 Diễn biến bầu Giáo Hoàng: Thái độ kỳ lạ của Israel. Báo đời: Ai sẽ là ĐGH? Vị HY rất xuất sắc
VietCatholic Media
17:17 01/05/2025


1. Tuyên bố của Tòa thánh kêu gọi các tín hữu Công Giáo cầu nguyện cho Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng

TUYÊN BỐ CỦA TÒA THÁNH

Hồng Y đoàn tụ họp tại Rôma, tham gia các phiên họp chung để chuẩn bị cho Cơ Mật Viện, mong muốn mời gọi dân Chúa sống khoảnh khắc giáo hội này như một sự kiện ân sủng và sự phân định thiêng liêng, lắng nghe thánh ý Chúa.

Vì lý do này, các Hồng Y, ý thức được trách nhiệm mà mình được kêu gọi, cảm thấy cần phải được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của tất cả các tín hữu. Đây là sức mạnh thực sự thúc đẩy sự hiệp nhất của tất cả các chi thể trong Thân thể duy nhất của Chúa Kitô trong Giáo hội (x. 1 Cr 12:12).

Trước sự to lớn của nhiệm vụ trước mắt và tính cấp bách của thời đại hiện tại, trước hết chúng ta cần phải trở thành những khí cụ khiêm nhường của sự khôn ngoan và sự quan phòng vô hạn của Cha trên trời, trong sự ngoan ngoãn trước hành động của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Người là nhân vật chính của đời sống dân Chúa, là Đấng mà chúng ta phải lắng nghe, chấp nhận những gì Người nói với Giáo hội (x. Kh 3:6).

Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với những lời cầu nguyện này bằng sự chuyển cầu của Mẹ.


Source:Holy See Press Office

2. Truyền thông thế tục nói về Cơ Mật Viện: Bốn ứng cử viên chính xuất hiện

Theo một trang web cá cược hàng đầu, bốn ứng cử viên chính đã nổi lên trong cuộc đua giành vị trí Giáo Hoàng tiếp theo.

Tờ Newsweek cho rằng cuộc bầu cử Giáo Hoàng Rôma đang thu hút sự chú ý lớn trên toàn cầu vì nó có khả năng định hình tương lai của tôn giáo lớn nhất thế giới với hơn 1,2 tỷ tín hữu.

Việc lựa chọn vị Giáo Hoàng tiếp theo sẽ ảnh hưởng đến các định hướng tín lý và giải quyết các xung đột nội bộ.

Rủi ro ngày càng tăng do những cuộc tranh luận dai dẳng về tính minh bạch, quản trị và sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại.

Theo trang web cờ bạc tiền điện tử Polymarket, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Đức Hồng Y Peter Turkson và Đức Hồng Y Matteo Zuppi đã trở thành bốn ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Giáo Hoàng tiếp theo.

Vào ngày Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời vào ngày 21 tháng 4, cơ hội của Hồng Y Parolin người Ý đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 42 phần trăm, theo công cụ theo dõi của trang web. Cơ hội của Đức Hồng Y Tagle người Phi Luật Tân đạt gần 36 phần trăm, Đức Hồng Y Zuppi người Ý đạt 6,8 phần trăm và Turkson người Ghana là 6,5 phần trăm.

Kể từ đó, tỷ lệ cược đã thay đổi, với cơ hội tăng cao nhất dành cho Đức Hồng Y Turkson.

Tuần này, Đức Hồng Y Turkson, người có khả năng trở thành vị Giáo Hoàng Phi Châu đầu tiên sau 1.500 năm, đã nhảy từ vị trí thứ tư lên vị trí thứ hai trong thời gian ngắn.

Vào thời điểm công bố, Đức Hồng Y Parolin, nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho đến khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời, dẫn đầu với 26 phần trăm cơ hội, tiếp theo là Đức Hồng Y Tagle, 21 phần trăm, Đức Hồng Y Turkson, 19 phần trăm, và Đức Hồng Y Zuppi, 13 phần trăm.

Cần phải có đa số hai phần ba hay 89 phiếu để trở thành nhà lãnh đạo mới theo một phương pháp bầu đã được hoàn thiện qua nhiều thế kỷ.

Cơ Mật Viện có những biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm việc loại bỏ các thiết bị điện tử và kiểm tra an ninh liên tục.

Đức Hồng Y Peter Turkson là ai?

Đức Hồng Y Turkson người Ghana, 76 tuổi, là cựu chủ tịch Ủy ban công lý và hòa bình của Vatican, ngài kết hợp quan điểm chính trị tiến bộ với lập trường thần học bảo thủ.


Source:Newsweek

3. Đức Hồng Y Camillo Ruini: Lời cầu nguyện cho Giáo hội trong tương lai gần

Đức Hồng Y Camillo Ruini, sinh năm 1931, được thụ phong linh mục cho Giáo phận Reggio Emilia-Guastalla năm 1954. Sau một sự nghiệp học thuật xuất sắc, ngài được thụ phong giám mục hiệu tòa Nepte năm 1983 và được bổ nhiệm làm tổng đại diện của Giáo phận Rôma, giám quản Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, và được tấn phong Hồng Y năm 1991. Trong suốt mười bốn năm còn lại của triều Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, ngài đã tìm cách thực hiện tầm nhìn của Vị Giáo Hoàng vĩ đại đó về Công cuộc Truyền giáo Mới tại Rôma, và thực sự là trên khắp nước Ý trong công việc của ngài với tư cách là chủ tịch hội đồng giám mục Ý.

Nhiều người đánh giá rằng ngài có thể trở thành một Giáo Hoàng hoặc một Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đáng ngưỡng mộ.

Bây giờ đã chín mươi bốn tuổi và phải ngồi xe lăn, Đức Hồng Y Ruini vẫn minh mẫn và tỉnh táo, hiểu biết sâu sắc về các vấn đề của Giáo hội (đặc biệt là ở Ý), là người đánh giá tính cách một cách khôn ngoan và là một linh mục thánh thiện. Gần đây, ngài đã viết lời cầu nguyện sau đây, lần đầu tiên xuất hiện bằng tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh trên blog của ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican, Sandro Magister.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy

Di sản của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một di sản đặt ra một câu hỏi sâu sắc và đáng lo ngại cho Giáo hội. Trong những dòng này, tôi sẽ giải quyết vấn đề theo quan điểm đức tin, bởi vì quan điểm đó được xây dựng trên quyền năng thương xót của Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn các bước chân của chúng ta vào con đường thiện hảo.

Tôi sẽ đưa ra bốn điều ước—cũng là những lời cầu nguyện—cho Giáo hội trong tương lai mà tôi hy vọng là rất gần. Tôi tin tưởng vào một Giáo hội tốt lành và bác ái, an toàn về mặt giáo lý, được quản lý theo luật pháp và hiệp nhất sâu sắc trong nội bộ. Đây là những ý cầu nguyện của tôi, mà tôi muốn thấy được chia sẻ rộng rãi.

Trước hết, một Giáo hội tốt lành và bác ái. Tình yêu được đưa vào hiệu quả sống động thực sự là luật tối cao của chứng từ Kitô giáo và do đó của Giáo hội. Và đó là điều mà mọi người, ngay cả ngày nay, vẫn khao khát. Do đó, phong cách quản lý của chúng ta phải được giải thoát khỏi mọi sự cứng nhắc vô ích, mọi sự nhỏ nhen và khô khan của trái tim.

Thứ hai, như Đức Bênêđíctô XVI đã viết, đức tin là ngọn lửa đang có nguy cơ tắt. Do đó, thắp lại ngọn lửa này là một ưu tiên lớn khác của Giáo hội. Để làm được điều này, chúng ta cần nhiều lời cầu nguyện; chúng ta cần khả năng đáp ứng theo chìa khóa Kitô giáo đối với những thách thức về mặt trí tuệ ngày nay; nhưng chúng ta cũng cần sự chắc chắn về chân lý và sự an toàn của giáo lý. Trong quá nhiều năm vừa qua, chúng ta đã học được từ kinh nghiệm rằng, nếu những điều này bị suy yếu, tất cả chúng ta, các mục tử và tín hữu, đều sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Điều thứ ba là vấn đề quản trị. Triều đại của Đức Bênêđíctô XVI đã bị phá hoại bởi năng khiếu quản trị kém cỏi của ngài, và mối quan tâm như vậy về năng lực quản trị có giá trị trong mọi thời đại, bao gồm cả tương lai gần. Hơn nữa, không được quên rằng đây là vấn đề quản trị thực tại rất đặc biệt là Giáo hội. Ở đây, như tôi đã nói, luật cơ bản là tình yêu: Phong cách quản trị và việc sử dụng luật pháp phải tuân thủ theo luật này, một luật rất khắt khe đối với bất kỳ ai.

Cuối cùng, trong những năm vừa qua, chúng ta đã nhận thấy một số mối đe dọa - mà tôi không muốn phóng đại - đối với sự hiệp nhất và hiệp thông của Giáo hội. Để vượt qua chúng, và để đưa ra ánh sáng những gì tôi muốn gọi là “hình thức Công Giáo” của Giáo hội, bác ái lẫn nhau một lần nữa có tính chất quyết định. Nhưng điều quan trọng là phải đánh thức lại nhận thức rằng Giáo hội, giống như mọi cơ quan xã hội, có các quy tắc của riêng mình, mà không ai có thể phớt lờ mà không bị trừng phạt.

Ở tuổi chín mươi bốn, sự im lặng phù hợp hơn lời nói. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng những dòng này của tôi sẽ mang lại một chút kết quả tốt đẹp mà tôi mong muốn cho Giáo hội.

4. Lời chia buồn bị xóa sau khi Đức Giáo Hoàng qua đời đã tiết lộ căng thẳng giữa Israel và Vatican

Vài giờ sau khi thông báo về cái chết của Đức Thánh Cha Phanxicô, Bộ Ngoại giao Israel đã đăng một thông điệp ngắn trên X: “Xin hãy yên nghỉ, Đức Thánh Cha Phanxicô. Cầu mong ký ức về ngài là một phước lành.” Vài giờ sau, thông điệp này đã bị xóa mà không có lời giải thích.

Vào thời điểm toàn cầu đang tiếc thương sâu sắc về cái chết của Đức Phanxicô, quyết định xóa lời chia buồn này dường như phản ánh những căng thẳng đã nảy sinh giữa Israel và Vatican về việc Đức Phanxicô thường xuyên chỉ trích hành vi của Israel trong cuộc chiến ở Gaza. Tờ Washington Post đã yêu cầu giải thích nhưng Bộ Ngoại giao Israel từ chối bình luận về việc xóa bài đăng.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu thường nhanh chóng đưa ra tuyên bố về sự ra đi của những nhân vật quốc tế quan trọng. Nhưng ông đã im lặng về cái chết của Đức Giáo Hoàng, cũng như Ngoại trưởng Gideon Saar. Lời chia buồn chính thức duy nhất đến từ Tổng thống Israel, Isaac Herzog, người giữ vai trò chủ yếu mang tính nghi lễ và ca ngợi Đức Phanxicô là “một người có đức tin sâu sắc và lòng trắc ẩn vô bờ bến”.

Trong hầu hết nhiệm kỳ của Đức Phanxicô, mối quan hệ giữa Israel và Vatican liên tục được cải thiện - nổi bật nhất là chuyến thăm Thánh Địa vào năm 2014.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra với cuộc tấn công chết người của Hamas vào miền nam Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023.

Trong khi bày tỏ sự cảm thông với các nạn nhân và con tin người Israel, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ám chỉ rằng các cuộc tấn công tiếp theo của Israel vào Gaza và Li Băng là “vô đạo đức” và không cân xứng. Ngài cũng kêu gọi một cuộc điều tra để xác định xem các cuộc tấn công của Israel vào Gaza có cấu thành tội diệt chủng hay không, một cáo buộc mà Israel phủ nhận trong khi các cuộc điều tra tại các tòa án cao cấp của Liên Hiệp Quốc vẫn đang được tiến hành.

Wadie Abunassar, nhà lãnh đạo một nhóm đại diện cho các Kitô hữu ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, cho biết: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án những gì đã xảy ra vào ngày 7 tháng 10, nhưng ngài cũng nói rõ rằng những gì đã xảy ra vào ngày 7 tháng 10 không thể biện minh cho những gì đã xảy ra kể từ ngày 7 tháng 10”.

Abunassar cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô giống như một người bạn luôn nói sự thật, ngay cả khi đó không phải là điều bạn muốn nghe.

Trong suốt cuộc chiến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cân bằng một cách tinh tế giữa mối quan hệ chặt chẽ của mình với Israel và lên án những tổn thất tàn khốc ở Gaza, theo Amnon Ramon, một chuyên gia về Kitô giáo ở Israel và là một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu chính sách Giêrusalem. Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt thân thiết với linh mục giáo xứ địa phương của Gaza, người, giống như Đức Phanxicô, đến từ Á Căn Đình.

Lịch sử căng thẳng

Israel trong lịch sử có mối quan hệ mong manh với Vatican. Mối quan hệ này bắt nguồn từ sự tức giận về việc Vatican được cho là thiếu hành động trong Thế chiến II, khi những người chỉ trích cho rằng Đức Giáo Hoàng Piô 12 đã im lặng trong cuộc diệt chủng Holocaust mặc dù có thể biết về kế hoạch tiêu diệt người Do Thái của Đức Quốc xã. Những người ủng hộ khẳng định ngài đã sử dụng biện pháp ngoại giao thầm lặng để cứu mạng người Do Thái. Nhiều người Do Thái được Đức Giáo Hoàng Piô 12 giúp đỡ đã lên tiếng bênh vực ngài và cung cấp cho viện Yad Vashem những chứng tá quan trọng. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Israel và Tòa Thánh vẫn còn chủ yếu là vì tâm tình bài Kitô của các thành phần Do Thái Giáo cực đoan.

Vào những năm 1960, Vatican đã trải qua một loạt các thay đổi lớn, bao gồm, trong số những thay đổi khác, việc thay đổi thái độ của Giáo hội đối với người Do Thái về những gì từ lâu được coi là tội lỗi tập thể của họ đối với việc đóng đinh Chúa Giêsu, Ramon giải thích. Tòa thánh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel vào năm 1993.

Các tín hữu Kitô chiếm chưa đến 2% dân số Thánh Địa. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có khoảng 182.000 người ở Israel, 50.000 người ở Bờ Tây và 1.300 người ở Gaza.

Vào đầu triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, mối quan hệ với Israel đã nồng ấm đáng kể. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Thánh Địa vào năm 2014 như một trong những chuyến công du quốc tế đầu tiên của mình, khi ngài gặp Netanyahu, người lúc đó là thủ tướng. Tổng thống lúc bấy giờ là Shimon Peres đã đến thăm Vatican nhiều lần, bao gồm cả chuyến thăm cùng với Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas để trồng một cây hòa bình tại Vườn Vatican.

Nhưng sự chuyển hướng sang cánh hữu của chính phủ Israel và cuộc chiến đang diễn ra với Gaza đã làm căng thẳng mối quan hệ.

Đức Giáo Hoàng lên tiếng lo ngại về các con tin bị bắt giữ ở Gaza

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ quan điểm lần đầu tiên vào ngày 8 tháng 10, một ngày sau khi chiến tranh bắt đầu, và ngài vẫn theo đuổi đường lối đó cho đến cuối đời: chiến tranh là thất bại, không có chiến thắng nào cho chiến tranh”, Cha David Neuhaus, một linh mục địa phương từng là phát ngôn nhân trong chuyến thăm năm 2014 của Đức Giáo Hoàng, cho biết.

“Đức Thánh Cha bày tỏ mối quan tâm lớn đối với các con tin, nhưng nói rằng bạo lực nên chấm dứt và Israel đang sử dụng vũ lực để đạt được điều gì đó không thể đạt được bằng vũ lực”, Cha Neuhaus nói. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã gặp gia đình của các con tin bị giam giữ ở Gaza và người Palestine bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Associated Press vào tháng 4 năm 2023, nhà lãnh đạo Công Giáo tại Thánh Địa, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa cho biết chính phủ cực hữu của Netanyahu đã khiến cuộc sống của các Kitô hữu tại nơi khai sinh ra Kitô giáo trở nên tồi tệ hơn. Ngài lưu ý rằng các cuộc tấn công vào các địa điểm của Kitô giáo, người hành hương và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã gia tăng.

Mặc dù các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã tham dự tang lễ của Đức Phanxicô, Israel chỉ cử đại sứ cạnh Tòa Thánh, một nhà ngoại giao cấp thấp, tham dự.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Oren Marmorstein cho biết điều này một phần là do xung đột lịch trình và tang lễ diễn ra vào thứ Bảy, ngày Sabbath của người Do Thái, yêu cầu các chính trị gia Israel phải đi bộ đến tang lễ. Ông cho biết quyết định này không chỉ ra bất kỳ căng thẳng nào với Vatican.

“Israel sẽ được đại diện theo cách chính thức nhất trong tang lễ thông qua đại sứ của chúng tôi ở đó,” Marmorstein cho biết. “Có những điều chúng tôi không đồng ý, nhưng chúng tôi đang tham gia tang lễ.”

Đức Phanxicô nhấn mạnh lòng thương xót trong một thế giới phân cực

“Đức Thánh Cha Phanxicô là một trong những người bạn tốt nhất của Israel, nhưng giới lãnh đạo Israel đã không hiểu đúng về ngài”, Abunassar, điều phối viên của diễn đàn Kitô giáo Thánh Địa, cho biết. Abunassar, một người Công Giáo đến từ thành phố Haifa, miền bắc Israel, cho biết ông tức giận vì chính phủ Israel đã không gửi lời chia buồn chính thức ngoại trừ một lời chia buồn có tính cách cá nhân của tổng thống.

“Người đàn ông đó là người lãnh đạo của Giáo Hội quan trọng nhất thế giới. Người đàn ông đó là nguyên thủ quốc gia. Người đàn ông đó có những người theo ngài trong số những người đóng thuế Israel. Người đàn ông đó xứng đáng được tôn trọng.”

Netanyahu đã công khai bày tỏ lời chia buồn trước sự ra đi của các nhà lãnh đạo thế giới khác, bao gồm Nữ hoàng Elizabeth II và cựu tổng thống Jimmy Carter, người chỉ trích Israel.

Hôm thứ Tư, hàng trăm người đã đổ về Nhà thờ Mộ Thánh, được xây dựng trên địa điểm theo truyền thống là nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh, chôn cất và phục sinh, để tham dự thánh lễ cầu hồn đặc biệt nhằm tôn vinh Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cũng tham dự buổi lễ còn có nhiều đại diện của Chính thống giáo, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Đức Phanxicô đối với mối quan hệ liên tôn và cuộc gặp mang tính đột phá của ngài với Đức Thượng phụ Đại kết Constantinople Bácthôlômêô tại Giêrusalem vào năm 2014, sau nhiều thế kỷ quan hệ căng thẳng giữa hai giáo hội.

Cha Neuhaus cho biết ngài hy vọng Đức Giáo Hoàng tiếp theo sẽ thực hiện cùng thông điệp như Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Tôi hy vọng đó sẽ là người nhấn mạnh vào lòng thương xót, người có thể đưa tất cả chúng ta lại gần nhau hơn. Chúng ta đang sống trong một thế giới chia rẽ, phân cực.”


Source:Washington Post

5. Ứng viên Giáo Hoàng sáng giá nổi tiếng thông minh, trung thực, thẳng thắn và quyết đoán trong việc bảo vệ tín lý.

Đức Hồng Y Gerhard Müller sinh ngày 31 tháng 12 năm 1947 tại Mainz, Finthen, Đức. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y vào ngày 22 tháng 2 năm 2014.

Là con trai của một công nhân ngành công nghiệp xe hơi, Đức Hồng Y Gerhard Müller lớn lên trong một gia tấn Công Giáo ngoan đạo. Ngài bắt đầu học tại Mainz và tiếp tục học triết học và thần học tại Munich và Freiburg im Breisgau.

Năm 1977, ngài lấy bằng tiến sĩ, sau khi viết luận án về sự đóng góp của Tin lành Dietrich Bonhoeffer cho thần học bí tích đại kết. Cố vấn luận án tiến sĩ của ngài là Giáo sư, sau này là Hồng Y, Karl Lehmann, một học trò của Karl Rahner. Năm sau, năm 1978, ngài được thụ phong linh mục và bắt đầu giảng dạy tại các trường trung học trong khi phục vụ ba giáo xứ trong Giáo phận Mainz. Sự nghiệp học thuật của ngài tiếp tục vào năm 1985, khi ngài trở thành giáo sư tại Freiburg im Breisgau; năm sau, cha Müller đảm nhiệm chức chủ tịch thần học tín lý tại Đại học Ludwig Maximilian ở Munich. Trong mười sáu năm tiếp theo, cha Müller giảng dạy tại Munich cũng như tại nhiều trường đại học khác, trong khi hỗ trợ một giáo xứ địa phương. Từ năm 1998 đến năm 2003, ngài là thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế.

Năm 2002, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục Regensburg — giáo phận mà Đức Joseph Ratzinger từng giảng dạy — Đức Cha Müller bắt đầu công tác tông đồ của mình tại đó vào năm 2003. Trong thời gian làm giám mục, ngài đã tham gia vào nhiều công tác phát triển giáo phận trong khi phục vụ tại nhiều bộ và hội đồng khác nhau tại Tòa thánh. Năm 2012, Đức Cha Müller đã định cư tại Rôma khi Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm ngài làm tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, điều này có nghĩa là theo chức vụ, ngài cũng là chủ tịch của Ủy ban Kinh thánh Giáo Hoàng, Ủy ban Thần học Quốc tế và Ủy ban Giáo Hoàng Ecclesia Dei. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong cho Đức Cha Müller chức Hồng Y-phó tế vào năm 2014 nhưng đã từ chối gia hạn nhiệm kỳ năm năm của ngài với tư cách là nhà lãnh đạo CDF vào năm 2017. Kể từ khi rời CDF, Đức Hồng Y Müller đã đạt được vị thế công khai và nổi bật hơn nữa, tiếp tục xuất bản các tác phẩm của mình bằng nhiều ngôn ngữ và mở rộng hoạt động tông đồ của mình trên toàn cầu qua các buổi hội thảo và các bài thuyết trình thu hút một lượng lớn người theo dõi.

Thông minh và trung thực, Hồng Y Gerhard Müller là một nhà lãnh đạo quyết đoán và thực tế, người sẽ hành động dũng cảm khi cần thiết. Được kính trọng như một nhà thần học, ngài không phải lúc nào cũng bảo thủ như vẻ bề ngoài của mình, và bản thân ngài không thích nhãn hiệu đó, thích coi mình đơn giản là “Công Giáo chính thống”. Được hình thành dưới sự giám hộ của các nhà thần học Đức theo chủ nghĩa tự do như cựu giám mục của đất nước, Hồng Y Karl Lehmann, Đức Hồng Y Müller đã thăng tiến qua các cấp bậc của Giáo hội với sự hỗ trợ của Bênêđíctô XVI để đạt được một trong những vị trí cao nhất của Giáo hội — tổng trưởng CDF — trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định không gia hạn nhiệm kỳ của ngài.

Mặc dù phụng vụ không phải là ưu tiên của ngài, nhưng ngài coi giáo lý, phụng vụ và việc chăm sóc mục vụ có tầm quan trọng như nhau, và ngài đã khuyến khích lòng sùng kính Thánh Thể theo nhiều cách.

Ngài đã đấu tranh để hành động mạch lạc trong những năm đầu của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục nhưng đã thẳng thắn về vấn đề này kể từ đó, và với tư cách là giám mục của Regensburg, ngài đã hành động kiên quyết và dứt khoát với các nhóm bất đồng chính kiến.

Nhìn chung, ngài giữ lập trường truyền thống, phản đối mạnh mẽ chức phó tế nữ và chống lại những thay đổi đối với chế độ độc thân của linh mục trong Nghi lễ La tinh, mặc dù ngài đã từng ủng hộ các ngoại lệ vào cuối những năm 1980 như trường hợp các linh mục Anh Giáo đã có gia đình trở lại với Giáo Hội Công Giáo. Nhiệt thành ủng hộ các giáo lý của Công đồng Vatican II và khá hiện đại trong quan điểm của mình, ngài đã có lập trường cứng rắn chống lại Huynh Đoàn Thánh Piô X. Tuy nhiên, ngài đã trở nên gần gũi hơn với Truyền thống trong những năm gần đây và là người chỉ trích gay gắt Thượng hội đồng về tính đồng nghị, Tiến Trình Công Nghị Đức và những gì ngài coi là sự xa rời khỏi giáo lý đã được thiết lập của Giáo hội. Ngài cũng chỉ trích những hạn chế đối với Thánh lễ La tinh Truyền thống.

Với tư tưởng độc lập, Gerhard Müller đã chỉ trích chủ nghĩa toàn cầu, “Chương trình nghị sự 2030” và những người ủng hộ mà ngài gọi là “giới tinh hoa quyền lực mạnh mẽ”.

Trong Giáo hội, ngài được coi là một người bạn và cộng sự trung thành sâu sắc, người đã cố gắng tránh chỉ trích trực tiếp Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mặc dù ngài có nhiều câu hỏi về triều Giáo Hoàng này, mà những lỗi lầm mà ngài chủ yếu đổ lỗi cho các cận thần của Đức Phanxicô. Đức Phanxicô dường như đánh giá cao lòng trung thành của Đức Hồng Y Müller và đã trao cho ngài nhiều chức vụ nhỏ khác nhau kể từ khi cách chức ngài khỏi chức vụ tổng trưởng CDF vào năm 2017.

Theo một cộng sự viên của ngài, dh Müller là một nhà môi giới trung thực, hiểu biết, đọc nhiều và “không hề có chút gì xấu xa”, không sợ lãnh đạo và không ngại đưa ra những quyết định khó khăn.

Ngoài tiếng Đức bản xứ, Đức Hồng Y Müller còn nói lưu loát tiếng Ý, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Một số lập trường nổi bật của ngài:

Đức Hồng Y Muller luôn tuyên bố một cách rõ ràng rằng việc phong chức linh mục hoặc phó tế cho phụ nữ là điều không thể.

Đức Hồng Y Müller đã chỉ trích và phản đối mạnh mẽ Tuyên ngôn Fiducia Supplicans. Vài tháng trước khi tài liệu này được công bố; khi bình luận về các phước lành đồng tính được phép trong Tiến Trình Công Nghị Đức, Đức Hồng Y Müller nói rằng những phước lành như vậy là một “sự báng bổ”.

Đức Hồng Y Müller đã kiên quyết bảo vệ luật độc thân linh mục như một truyền thống quan trọng trong Giáo Hội Công Giáo.

Đức Hồng Y Müller đã chỉ trích Tự Sắc Traditionis Custodes và kể từ khi công bố tự sắc này, ngài đã cử hành Thánh lễ truyền thống và truyền chức linh mục theo vetus ordo.

Đức Hồng Y Müller đã chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận Vatican - Bắc Kinh và bày tỏ sự thất vọng trước sự im lặng của Vatican về các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc và việc Vatican không ủng hộ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân trong phiên tòa xét xử ngài ở Hương Cảng.

Đức Hồng Y Müller đã chỉ trích rất gay gắt cả Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị và Tiến Trình Công Nghị Đức.