Ngày 18-09-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lazarô nghèo khó
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
05:53 18/09/2010
CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN, năm C

Lc 16, 19-31

Một trong những điểm con người cảm thấy luôn được an ủi, được nâng đỡ, vỗ về vì Thiên Chúa lúc nào cũng yêu thương con người, cũng muốn qui tụ con người, Ngài chăm sóc mỗi người. Ngài không chỉ nhìn đám đông, nhưng gọi tên từng người. Chủ chiên biết chiên và chiên biết chủ chiên. Ngài đến cho chiên được sống và sống dồi dào ( Ga 10, 10 ). Con người là đối tượng duy nhất của Thiên Chúa. Con người là tác phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa. Mỗi con người là một bông hoa tươi xinh tô điểm vườn hoa của Thiên Chúa.

Tin Mừng và các bài đọc Chúa nhật 26 thường niên, năm C sẽ cho chúng ta hiểu thế nào về tình thương của Thiên Chúa và sự khốn khổ, án phạt đời đời người phú hộ phải lãnh nhận khi ông không có tấm lòng của Chúa, khi ông đối xử quá tàn nhẫn đối với Lazarô khó nghèo.

Con người được sinh ra và lớn lên, ai cũng muốn cho mình có một cuộc sống tốt đẹp, có của ăn, của để. Có nhiều người được Chúa ban cho đời sống vật chất sung túc, họ luôn làm ra và còn có của để tích trữ cho tương lai, cho con cái và cho bản thân lúc đau ốm vv…

Có những người càng ngày càng giầu. Họ có của nhưng biết sống, biết dùng của cải Chúa ban theo sự khôn ngoan Chúa hướng dẫn. Họ biết chia sẻ, biết thông cảm với những hoàn cảnh khó nghèo và biết giúp đỡ những người khó nghèo. Đó là những người được Chúa chúc phúc.

Lại có những người như ông phú hộ mà Tin Mừng thánh Luca 16,19-31 đề cập tới. Ông giầu có, ông ăn mặc dư dật nhưng ông không có tấm lòng. Tin Mừng diễn tả thật rõ người nghèo khó Lazarô hằng ngày lê lết bên cổng nhà ông nhưng ông không hề quan tâm, không hề nhìn ngó Lazarô đang khốn khổ vì nghèo túng, không có chút lương thực để sống cho qua ngày, không có đồng tiền để mua thuốc xức cho những vết lở đang lan dần khắp chân tay của Lazarô. Cái tệ hơn nữa là ông phú hộ đã quá bủn xỉn, quá ích kỷ không để rơi bất cứ một vụn bánh nào để Lazarô nghèo khó có thể ăn một chút cho đỡ đói. Cái trớ trêu, cười ra nước mắt là chỉ có con chó đến liếm các vết lở trốc của Lazarô. Thật đau khổ, thật nghiệt ngã cho con người của Lazarô ! Người phú hộ phải trầm luân đời đời vì ông không có lòng nhân từ, không có cái nhìn chạnh thương của Thiên Chúa. Người phú hộ phải chịu nhiều cực hình không phải vì ông làm ra nhiều tiền, lắm của nhưng vì ông không biết san sẻ, cảm thông mà cứ bo bo giữ của. Người phú hộ này chỉ biết nhìn vào của cải, nhìn vào kho lẫm mà quên đi còn biết bao người đau khổ, nghèo khổ đang ở xung quanh. Người phú hộ bị tống xuống hỏa ngục không phải vì ông làm ra niều tiền, nhiều của nhưng ông đã bám lấy tiền của, ham mê tiền của mà quên đi tiền của chỉ là phù vân, nay còn, mai mất trong khi Lazarô luôn cậy trông vào Thiên Chúa.

Chúng ta có thể hiểu được rằng tội của người phú hộ là tội thờ ơ, lãnh đạm, giả điếc làm ngơ, không nghe, không nhìn, không thấy những đau khổ của biết bao người nghèo khó đang van xin ông giúp đỡ. Tội của người phú hộ là đã không làm điều phải làm để giúp đỡ Lazarô nghèo khổ hằng ngày lê lết trước nhà, bên cửa của ông. Chúa muốn chúng ta sống và chia sẻ. Biết bao gương của những nhà từ thiện, những người thiện nguyện đã hy sinh biết bao của cải, sức lực để phục vụ những người nghèo. Một Albert Schneitzer, một Têrêsa Calcutta và biết bao nữ tu, nam tu đã dấn thân cả cuộc đời cho những người nghèo, người tàn tật, người phong cùi vv…

Nước Trời không dành, không mở cửa cho những con người giầu mà keo kiệt, ích kỷ vv…Nước Trời chỉ mở ra cho những ai yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh chị em, đặc biệt những người bơ vơ, tất bạt, những người đau khổ, nghèo nàn, cùng cực.

Người phú hộ rồi cũng ra đi và phải sa vào hỏa ngục vì cái tội cố chấp, hững hờ của mình. Lazarô sẽ không còn phải lê lết, khổ đau, đói lên đói xuống, nhưng Lazarô sẽ được ngồi vào lòng Ápraham vui hưởng hạnh phúc muôn đời.

Chúng ta đừng bao giờ thờ ơ, lãnh đạm với những Lazarô đang chờ chúng ta ngoài cửa. Chúng ta đừng bao giờ làm ngơ, phớt lờ, không nhìn, không nghe, không thấy những Lazarô đang van xin, kêu cứu chúng ta trong cơn túng quẫn, khổ cực.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một trái tim mới, một trái tim biết yêu thương, một trái tim biết chia sẻ, một đôi mắt như Chúa để chúng con biết yêu như Chúa yêu ( Ga 15, 12 ).
 
Chuyện giầu nghèo
Trầm Thiên Thu
09:30 18/09/2010
Chúa Nhật 26 TN/C (Lc 16, 19-31)

Đại gia chè chén linh đình
Mặc toàn gấm lụa, ngông nghênh hưởng giàu
Lazarô, một người nghèo
Mình đầy mụn nhọt, đói meo, khát thèm
Ngồi co ro ở góc thềm
Chó quanh quẩn liếm máu trên thân người
Anh thèm vụn bánh thừa rơi
Nhặt ăn lót dạ mà người không cho
Rồi hai người cũng chết đi
Nghèo về Thiên quốc, giàu về âm cung
Người giàu đau khổ vô cùng
Cầu xin Tổ phụ xót thường phận mình
Abraham nói rành rành:
Đời con nhận phần thưởng mình sướng vui
Lazarô khổ cả đời
Giờ được đền bồi là Chúa công minh
Giàu, nghèo đâu phải tội tình
Cốt là biết sống chân thành thương yêu
Đừng khinh ghét một người nào
Dù người hèn mọn, bọt bèo phận riêng
Ý Thiên Chúa rất thiêng liêng
Ta đâu hiểu hết căn nguyên giàu, nghèo
Chúa là Thiên Chúa Tình Yêu
Lẽ nào ta lại không theo Luật Ngài!
 
Ngã rẽ định mệnh
M. Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.
09:32 18/09/2010
Không biết từ bao giờ con người không chỉ cần tiền để sống, nhưng còn cần tiền như một cứu cánh. Ai cũng ra sức kiếm sao cho được nhiều tiền, cho có nhiều tiền để sống. Sống ở đời mà không có tiền thì chỉ chết chắc. Tiền bạc không những giúp con người tồn tại phát triển, mà còn giúp thăng tiến mọi mặt. Có tiền làm gì cũng được, muốn gì cũng có, cho nên ai chẳng cần tiền, ai chẳng ham tiền?

Tiền bạc dần dần trở thành tối quan trọng cho con người trong cuộc sống. Nhân loại cần tiền như vậy, nên làm nô lệ cho tiền của lúc nào chẳng hay. Người ta ra sức làm mọi chuyện chỉ để có tiền. Ai cũng cần tiền, mọi người đều muốn tiền, cào cấu, chém giết, sát hại nhau... cũng chỉ vì tiền.

Hằng ngày trên thế giới có biết bao nhiêu chuyện đáng buồn xảy ra chỉ bởi tiền. Mà không có tiền thì khổ thật đấy. Ai đã từng thiếu thốn, túng quẫn mới cảm nghiệm sâu sắc nỗi đau của kẻ không tiền. Nhưng sống chỉ để có tiền, sống chỉ vì tiền thì mất hết lương tri thì thật đáng chê trách. Tiền bạc lôi kéo con người đi vào con đường tham mê danh vọng, chức quyền, xa rời Thiên Chúa, thay vì trú ngụ trong Đền thánh của Ngài thì lại vùi mình trong men rượu, đam mê, cờ bạc. Tác hại của tham tiền là vậy.

Trớ trêu thay, người đã giàu, tiền của lại cứ theo nhau vào nhà, còn kẻ nghèo, bạc tiền lại nối đuôi chạy ra. Cái đáng sợ nhất trong cuộc sống cũng chính là gian giảo về tiền của, để đánh mất tình thân tộc, đánh mất tình bằng hữu lúc nào không hay.

Cần tiền là điều hợp lý, thế nhưng cần như thế nào và sử dụng làm sao mới tối quan trọng. Người giàu nứt vách mà vẫn ki cóp từng đồng thì thật bỉ ổi. Người khôn ngoan không phung phí bạc tiền nhưng biết xài đúng chỗ, đúng lúc. Tiền bạc là một trong những thứ cám dỗ con người mãnh liệt. Ai giữ được lòng thanh liêm giữa cạm bẫy bạc tiền là người đại phúc. Ngày nay tiếng gọi tiền tài là tiếng gọi mãnh liệt hơn tất cả. Có tiền là có mọi thứ, tiền bạc hiện tại chả khác tấm vé thông hành đi xuyên mọi cánh cửa. Ổ khoá nào an toàn mấy đi nữa mà thiếu chìa mở kho tiền thì cũng coi như vô hiệu. Người ta chỉ mơ thấy tiền mà mong ước có nhiều tiền là vậy, đau lòng lắm.

Đã theo chủ tiền, là chắc chắn đi vào con đường cùng không lối thoát. Chạy đâu cho thoát lưới trời, đam mê danh vọng rồi cũng dần ra tro bụi. Có lẽ cuộc sống là như vậy, đối diện với muôn màu, muôn sắc của cuộc đời mới thấy thế nào là đam mê danh vọng, tiền tài. Tất cả rồi cũng ra hư không, tàn lụi, chỉ có tình yêu thương chân thật mới tồn tại vĩnh cửu mà thôi.

Trên thế giới, nhân loại hơn nhau cũng chỉ vì tiền. Nhiều tiền của làm gì cũng dễ, nhưng lại không dễ vào Thiên Đàng. Không của cải, bạc tiền, dễ tiến thân trên đường đến Nước Trời. Thiên Chúa và vật chất đối nghịch nhau, Ngài không ở chung với đam mê, danh vọng nhưng Ngài bước lên của cải vật chất mà sống và dạy con người sống bác ái, khó nghèo.

Có lẽ con người không thân thích với vật chất nào khác ngoài tiền, cho nên thế giới làm tôi đòi cho của cải. Loại bỏ Thiên Chúa, loại bỏ tha nhân ra khỏi mình, con người trở thành kẻ tàn nhẫn ích kỉ lao mình vào chốn huỷ diệt. Từ khước nhau, nhân loại từ khước cả Thiên Chúa, bám víu vào ông vua vật chất, bỏ lại sau lưng tiếng gọi mời yêu thương bất diệt.

Lạy Chúa, làm người ai chẳng thích tiền, vì có tiền là muốn làm gì cũng không khó. Vì không quá phụ thuộc tiền tài, con chọn Ngài làm gia nghiệp. Thế nhưng, dẫu thế nào thì con cũng có khác gì loài cú xấu xí, khoác lên người tấm áo giả trá, cao vọng làm công xinh với ước mong được thanh liêm, trong sạch. Giờ đây, con lại chỉ muốn được sống thật với mình, con người trần trụi bên cạnh đống tham vọng bất chính, đứng trước ngã rẽ định mệnh bởi thế gian, bạc tiền con thao thức bất lực. Xin Chúa hãy cho con được trở thành môn đệ quả cảm, dám hy sinh từ bỏ tất cả mà sống cho niềm vui và hạnh phúc của Thiên Chúa. Xin cho con được làm nô lệ trong nhà Chúa, hơn là được tiền rừng bạc bể mà cách xa Ngài. Giữa trăm ngàn tiếng gọi đang hối thúc, xin cho con chỉ chọn một mình Ngài, và bước đi làm môn đệ Ngài suốt đời con.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:33 18/09/2010
TỤC HUYỀN

N2T


Trong kinh thư có một câu nói: “Vợ con hòa hợp thì như trống cầm sắt”, ý nghĩa là: vợ chồng cảm tình hòa thuận thì giống như khi đàn tấu cầm sắt hòa hiệp nghe rất hay. Bởi vì cầm sắt là hai loại nhạc khí thanh điệu hòa hiệp, cho nên người xưa quen dùng cầm sắt để ví dụ phu thê cảm tình tốt đẹp, chúc phúc tân hôn thì gọi là “sắt cầm hòa minh”. Nhưng nếu vợ chết rồi thì giống như là cầm sắt đứt dây vậy, cho nên, dùng “tục huyền” để ví dụ là vợ đã mất.

Mặc dù dây (huyền) đã đứt nhưng đương nhiên được tiếp tục thay dây, thì mới có thể đàn ra được những âm thanh hòa hiệp hay tuyệt, cho nên lấy vợ thêm lần nữa thì gọi là “tục huyền續弦”.

(Thư kinh)

Suy tư:

Thời nay có những ông chồng không muốn tục huyền nhưng tự nguyện làm “gà trống nuôi con” để nuôi con cái thành tài có ích co xã hội; thời nay cũng có những bà vợ trẻ không muốn tục huyền, nhưng hy sinh tuổi thanh xuân của mình để nuôi con khôn lớn làm linh mục, làm dì phước…

Đó không những là gương can đảm tự mình hy sinh, mà còn là nhờ ơn Chúa ban cho họ trong cuộc sống làm gương mẫu của người Ki-tô hữu, bởi vì tục huyền không phải là tội, như lời thánh Phao-lô tông đồ dạy: “Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ. Nếu không tiết dục được, họ cứ kết hôn, vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt”, (1Cr 7, 8-9)nhưng tục huyền để sống đẹp lòng Chúa hơn và chu toàn bổn phận hơn thì nên tục huyền, bằng không thì cứ ở vậy mà tốt hơn cho bản thân và cho con cái.

Người đàn ông góa vợ và người vợ góa chồng khôn ngoan, thì biết tìm kiếm hạnh phúc trước hết là cho con cái, sau là cho mình và gia đình.

Ai hiểu thì hiểu.

----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:42 18/09/2010
N2T


35. Nếu muốn cùng với người hòa mục bình an, thì trong mọi việc phải học tập ức chế bản thân mình. (sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
15:45 18/09/2010


527. Bí quyết của thành công là bất cứ lúc nào cũng có thể nắm lấy thời cơ.

 
Để mở những cánh cửa của Chúa
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
18:39 18/09/2010
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN C (2010)

Để mở những cánh cửa của Chúa

Ngày 9.9.1668, tại sân khấu hoàng cung của Pháp đã công diễn vở hài kịch “Lão Hà Tiện” (L’ Avare) của nhà viết kịch lừng danh Molière. Nhân vật chính là Arpagông, một người cha ham mê vàng bạc của cải đến độ đã đánh mất tính người, làm tan nát bại hoại cả gia đình và chuốt lấy một kết cục nực cười bi thảm.

Cho dù là một vở kịch với các nhân vật được hư cấu, nhưng nội dung ý nghĩa của vở hài kịch “Lão Hà Tiện” lại chuyển tải một ý nghĩa nhân văn sâu sắc: cái thói hà tiện, ham mê của cải, sính ham chuộng giàu sang, trọng đua đòi phú quý…luôn dẫn con người tới chỗ thảm hại, đánh mất nhân phẩm và làm băng hoại mọi quan hệ, cho dù là những quan hệ ruột thịt thân thiết nhất.

Cách đây 2000 năm, các sách Tin Mừng đã nêu bật nội dung đó khi trình thuật những cám dỗ mà satan đã dùng để thử thách chính Con Thiên Chúa làm người:

“Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4,9):

Đó không phải là “Cơn cám dỗ cuối cùng” dành riêng cho Đức Kitô nơi hoang mạc, mà là thứ “trái cấm” ngọt ngào lũng lẵng triền miên trước nổi đam mê khao khát muôn nơi muôn thuở của nhân loại. Đó là “trái cấm tiền bạc, trái cấm của sự giàu sang, trái cấm của các phương tiện hưởng thụ, trái cấm của quyền lực chiếm đoạt…”

Nếu không tỉnh táo và nhận định một cách sáng suốt theo sát chỉ dẫn của Tin Mừng chúng ta dễ có nguy cơ đánh mất căn tính của đời sống Kitô hữu, đời sống vốn được định hướng và đặt nền tảng trên những giá trị của Phúc Âm như: “Khó Nghèo, Hiền lành, trong sạch, yêu thương…”.

Nói cách khác, đời sống đức tin là một nỗ lực không ngừng “chọn đứng về phía của Thiên Chúa” thay vì “đặt mình làm nô lệ cho những thần tượng vật chất”; chọn những giá trị tinh thần thanh cao, siêu thoát của con đường “Tám Mối phúc thật” thay vì bon chen ngụp lặn trong vũng lầy của tiền bạc và sự giàu sang bất chính. Đó cũng chính là nỗ lực biết quản lý và sử dụng của cải vật chất, những giá trị trần gian phù hợp với chương trình và thánh ý Chúa.

Chúng ta có thể tìm thấy nội dung ý nghĩa trên qua sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật 25 TN C được phản ảnh rõ nét qua các bài đọc Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe công bố:

1. Bài đọc 1: Trích sách ngôn sứ Amos (Am 6, 1a,4-7): Đây là một lời tố cáo những kẻ làm giàu bằng cách bóc lột và đối xử bất công đối với người nghèo. Sự ham mê tiền của đã làm cho những kẻ ấy chai cứng cõi lòng, khép kín trái tim trước nổi thống khổ của anh em và lôi kéo họ xa lìa Thiên Chúa. Công lý của Thiên Chúa sẽ kết án họ: “Đức Chúa đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Giacob mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng”.

2. Bài đọc 2: Trích thư thánh Phaolô gởi cho Timôthê (1 Tm 2,1-8): Khuyến dụ hãy cầu nguyện cho mọi người, đặc biệt, cho những ai có trách nhiệm trên cuôc sống an cư hạnh phúc của kẻ khác. Điều nầy gợi ý cho chúng ta nhận thức rõ về trách nhiệm trần thế của người kitô hữu. Đức tin đòi hỏi chúng ta luôn phải tích cực dấn thân xây dựng trần thế, góp phần làm cho cuộc sống mỗi người được an vui hạnh phúc và nhận ra phẩm giá cao quí của mình. Quay lưng trốn chạy cuộc sống hiện tại quanh ta, là đi ngược với Tin Mừng của Đức Ki-tô và chống lại ý định của Thiên Chúa.

3. Bài Tin mừng: Trích sách Tin mừng Luca (Lc 16,1-13): Qua dụ ngôn “Người quản lý bất lương”, Đức Ki-tô muốn chúng ta có một lựa chọn đúng đắn đối với tiền của và những giá trị trần gian. Ngài dạy rằng, không được coi tiền của như ông chủ, như đối tượng duy nhất để phải trở thành một thứ nô lệ; nhưng hãy sử dụng tiền của như phương tiện để chuẩn bị cho mình một kho tàng vĩnh cửu là hạnh phúc Nước Trời.

Sứ điệp của Đức Ki-tô nối dài lời dạy của các Ngôn sứ, kêu gọi chúng ta hướng về Thiên Chúa là Vị Chủ Tối Cao mà tất cả mọi sự đều phải qui hướng về Ngài. Chính trong thái độ đức tin căn bản nầy, người kitô hữu luôn thanh thản dấn thân xây dựng trái đất ngày càng tươi đẹp, phục vụ mọi người ấm no hạnh phúc và can đảm vượt qua những đam mê ham muốn tầm thường để tiến bước về quê hương vĩnh cửu.

Tóm lại, ở giữa một thế giới đang tìm kiếm và đầu tư hết mình cho sự “giàu có và hưởng thụ”, một thế giới muốn quay mặt lại chối từ Thiên Chúa, đóng kín chính mình, lấy mình làm thước đo, làm điểm tựa cho tất cả, người Kitô hữu phải ra sức “bơi ngược dòng” để trung thành với lời mời gọi của Đức Kitô, một Đức Kitô sinh ra khó nghèo trong hang lừa máng cỏ, sống khó nghèo đến độ “không có viên đá gối đầu” và chết trần trụi trên thập giá. Tuy nhiên chúng ta hãy xác tín rằng: khi chọn “đứng về phía của Thiên Chúa”, chọn lựa con đường phúc thật của Tin Mừng, là chúng ta đang chiếm hữu chìa khóa đích thực để mở cánh cửa hạnh phúc, để cọng tác với Thiên Chúa xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, như thánh vịnh đáp ca chúng ta cùng hát lên hôm nay:

“Chúa giải phóng những ai tù tội

Chúa mở mắt cho kẻ mù lòa.

Chúa cho bị dìm xuống đứng thẳng lên,

Chúa yêu chuộng những người công chính” (Tv 145, 7.8-9.9-10)

Và chúng ta cũng đầy ắp hy vọng để khám phá ra cuộc sống chúng quanh: còn có biết bao người đang cố gắng sống cái sứ điệp "nghèo" của Chúa Ki-tô cách âm thầm giữa đời thường nhưng lại rất anh hùng và cao cả:

- Những người mẹ hiền quanh năm suốt tháng vất vả, tăm tối, hy sinh, khổ cực để lo cho chồng con...

- Những nông dân chân lấm tay bùn, những công nhân vất vả với đồng lương ốm đói, những học sinh, sinh viên chịu đói chịu khát chịu khổ đủ điều để phấn đấu cho tương lai bằng một đời sống tốt lành chân chất. Và rồi, những bệnh nhân vui tươi mĩm cười chấp nhận nổi đau của cơn bệnh quái ác; các trẻ em mồ côi tàn tật chắt chiu từng tấm vé số để vươn lên và tồn tại trong cuộc đời ngay chính; những tù nhân quyết “làm lại cuộc đời” cho dù bị chính cuộc đời rẻ khinh hắt hủi…. Phải chăng họ là những chứng nhân của "cái nghèo theo Tin Mừng" mà chúng ta không ngừng học hỏi, khám phá, đồng hành và phục vụ.

Để dám sống cho những giá trị nghèo khó của Tin Mừng, cùng với Graham Kings, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau:

Lạy Chúa,

khi đến với Chúa

con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con

con cởi bỏ đồng hồ: thời khoá biểu của con,

con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,

con bỏ xuống chìa khoá: sự an toàn của con,

để con được ở một mình với Ngài,

lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

Sau khi được ở với Ngài,

con sẽ xỏ giày vào

để đi theo đường của Chúa,

con sẽ đeo đồng hồ,

để sống trong thời gian của Chúa,

con sẽ đeo kính vào

để nhìn thế giới của Chúa,

con sẽ mở bút ra

để viết những tư tưởng của Chúa,

con sẽ cầm chìa khoá lên

để mở những cánh cửa của Chúa.

(Lời kinh. Sđd. tr. 28).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH yêu cầu phải tôn trọng quyền được tự do thay đổi tôn giáo
Paul Minh Nhật
09:42 18/09/2010
LONDON 17.09.2010 - Tại London vào sáng hôm nay, ĐGH Benedict XVI đã gặp gỡ với các vị đại diện các cộng đồng Ki-tô giáo khác, và với các tôn giáo chính ở Anh Quốc. Trong số đó đại diện của Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Hindus và Đạo Sikhs.

Mặc dù ngài không đề cập đến các vụ tấn công nhằm vào các Ki-tô hữu gây ra bởi phần tử cực đoan quá khích, ĐGH đã kêu gọi tự do tín ngưỡng phải được tôn trọng ở khắp mọi nơi trên thế giới.

"Tôi đang suy nghĩ cách đặc biệt về hoàn cảnh của vài vùng trên thế giới, nơi sự hợp tác và đối thoại giữa các tôn giáo cần phải tôn trọng lẫn nhau, sự tự do thực hành niềm tin tôn giáo và tham gia vào các hình thức thờ phượng công khai, và quyền tự do theo tiếng lương tâm của mình mà không bị tẩy chay hay đàn áp, thậm chí cả sau khi chuyển từ tôn giáo này sang tôn giáo nọ"

Ngỏ lời với các vị lãnh đạo của các nhóm tôn giáo rất khác nhau, ĐGH cũng đã nêu bật lên niềm tin vào Chúa phải được áp dụng vào đời sống riêng tư như thế nào.

"Niềm tin khích lệ những hành động cao cả và quảng đại, làm lợi cho toàn thể gia đình nhân loại. Nó thúc đẩy chúng ta chuyên tâm làm điều tốt và hướng tới người khác trong tình yêu thương, với niềm kính trọng lớn lao những truyền thống tôn giáo khác với tôn giáo của mình."

Trước khi kết thúc buổi gặp gỡ, ĐGH nhắc lại cam kết đối thoại và tôn trọng tất cả các tôn giáo của Giáo Hội Công Giáo. Ngài cũng đưa ra sự đảm bảo rằng người Công Giáo sẽ làm mọi việc để bắc nhịp cầu với các tôn giáo khác, sửa chữa những lỗi lầm của quá khứ, và cổ vũ sự tin tưởng giữa các cá nhân và các cộng đồng."

(Nguồn: http://www.romereports.com/palio/Speaking-before-Muslims-and-Hindus-Pope-asks-for-right-to-change-religion-to-be-respected-english-2762.html)
 
Hoạt động đại kết của Đức Thánh Cha tại Luân Đôn
LM Trần Đức Anh OP
09:56 18/09/2010
LUÂN ĐÔN. Trong chuyến viếng thăm 4 ngày tại Anh quốc, ĐTC Biển Đức 16 đã dành chiều thứ sáu, 17-9-2010, cho các hoạt động đại kết.

Lúc quá 4 giờ, ngài đã đến Điện Lambeth là dinh thự chính thức của Đức Giáo Chủ Anh giáo ở Luân Đôn, để gặp gỡ Đức TGM Rowan Williams và các vị lãnh đạo chính Anh giáo ở Anh.

Đây là cuộc gặp gỡ thứ 3 giữa ĐTC Biển Đức và Đức TGM Williams. Vị giáo chủ này năm nay 60 tuổi (1950), nguyên là một nhà thần học, giáo sư tại nhiều đại học, trong đó có hai đại học nổi tiếng là Cambridge và Oxford, cho đến khi được bổ nhiệm làm GM giáo phận Monmouth hồi năm 1991. 12 năm sau đó, 2003, ngài thăng TGM Canturbury, là người thứ I trong số các GM đồng hàng của Anh giáo gồm 43 giáo phận ở Anh và 1 giáo phận tại Âu Châu lục địa, với tổng cộng 25 triệu tín hữu. Nữ Hoàng Elisabeth là Thủ lãnh tối cao của Anh giáo ở Anh còn Đức TGM là thủ lãnh tinh thần của Giáo Hội này.

Đức TGM Williams cũng là giáo chủ danh dự của Liên hiệp Anh giáo hiện có 77 triệu tín hữu thuộc 39 giáo tỉnh tự trị. Vì chỉ là giáo chủ danh dự, ngài không có quyền tài phán gì trên các giáo tỉnh Anh giáo khác. Trong những năm gần đây, Đức TGM Williams đã được rất nhiều giải thưởng và văn bằng tiến sĩ danh dự. Phu nhân của ngài là bà Jane Williams vốn là một văn sĩ và cũng là giáo sư thần học. Ông bà có hai người con một trai một gái.

ĐTC Biển Đức 16 đã gặp Đức Giáo Chủ Rowan Williams lần đầu tiên ngày 23-11-2006 tại Vatican, nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Phaolô 6 và Đức TGM Giáo Chủ Anh giáo Michael Ramsey.

Liên hiệp Anh giáo từ lâu nay bị chia rẽ trong nội bộ vì vấn đề truyền chức GM cho phụ nữ, truyền chức cho những người thực hành đồng tính luyến ái và chúc hôn cho những cặp đồng phái tính.

Đến điện Lambeth, ĐTC đã được Đức TGM Williams tiếp đón nồng nhiệt tại lối vào thư viện. Hiện diện trong dịp này còn có các vị TGM Anh giáo của giáo phận York, các Đức TGM Anh giáo xứ Ecosse và Wales.

Cổ võ việc rao giảng và chứng tá

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức TGM Williams, ĐTC bày tỏ hài lòng vì có thể viếng thăm đáp lễ cuộc viếng thăm của Đức TGM Williams ở Roma. Ngài nhắc đến sự tìm kiếm hiệp nhất giữa Công Giáo và Anh giáo với những lúc thăng trầm và nói thêm rằng: ”Hôm nay chủ ý của tôi không phải là nói về nhũng khó khăn mà con đường đại kết đã và tiếp tục gặp phải. Những khó khăn đó mỗi người hiện diện tại đây đều biết rõ. Tuy nhiên, Tôi rất vui mừng vì tình thân hữu sâu xa được tăng trưởng, vì những tiến bộ đã đạt được trong rất nhiều lãnh vực đối thoại 40 năm qua từ khi Ủy ban quốc tế đối thoại giữa Công Giáo và Anh giáo bắt đầu hoạt động.”

”Các tín hữu Kitô chúng ta phải công bố niềm tin của chúng ta nơi đặc tính duy nhất của ơn cứu độ được Chúa Kitô mang lại cho chúng ta, và cùng nhau tìm kiếm một sự hiểu biết sâu xa hơn về những phương thế mà Chúa ban cho chúng ta để đạt tới ơn cứu độ.”

Sau cùng ĐTC nhắc đến ĐHY John Henry Newman được phong chân phước vào chúa nhật 19-9-2010, và ngài nhận định rằng nhân cách của ĐHY Newman là một người của Giáo Hội với quan điểm về Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng quá khứ Anh giáo và được trưởng thành trong những năm dài làm việc như mục sư của Giáo Hội Anh giáo ở Anh. ĐHY Newman có thể dạy chúng ta về những nhân đức mà phong trào đại kết đòi hỏi: một đàng Người được thúc đẩy theo lương tâm của mình, dù phải trả giá bản thân đắt đỏ; đàng khác, Người tiếp tục duy trì tình bạn nồng nhiệt với các đồng nghiệp cũ đã đưa ngài cùng với họ tìm hiểu về những vấn đề mà họ không đồng ý với nhau, thủc đẩy do sự tìm kiếm sâu xa sự hiệp nhất trong đức tin.

Sau cuộc gặp gỡ ở Thư Viện dinh Lambeth, ĐTC và Đức TGM Williams đã hội kiến riêng với nhau trong 30 phút về các tín hữu Kitô tại Thánh Địa với Thượng HĐGM sắp tới về Trung Đông, về những vùng lớn đang bị xung đột trong đó Công Giáo và Anh giáo cố gắng cộng tác với nhau: chẳng hạn tại Sudan, hàng giáo phẩm Anh giáo và Công giáo có thể làm việc chung, làm chứng tá và củng cố hòa bình.. Sau cuộc hội kiến, có một tuyên ngôn chung được công bố trong đó ĐTC và Đức TGM Anh giáo nhấn mạnh sự cần thiết phải công bố Sứ điệp Tin Mừng cứu độ của Chúa GIêsu Kitô một cách có lý luận và có sức thuyết phục trong bối cảnh những biến chuyển sâu rộng về văn hóa và xã hội ngày nay, đồng thời qua chứng tá cuộc sống thánh thiện và minh bạch.

Trong tuyên ngôn, hai vị cũng đồng ý cần phải cải tiến các quan hệ đại kết và tiếp tục đối thoại về thần học, đứng trước những thách đố mới đang được đề ra cho sự hiệp nhất trong và ngoài cộng đoàn Kitô”.

Tại Đan viện Westminter

Tiếp đó, ĐTC và Đức Giáo Chủ Anh giáo đã tham dự Kinh Chiều đại kết tại Đan viện Westminster, trước sự tham dự của đông đảo các GM Công Giáo, Anh giáo, chức sắc của nhiều Giáo Hội Kitô khác như Tin Lành Methodist và Trưởng Lão và các tín hữu.

Một hình ảnh hùng hồn nhất trong sinh hoạt này có lẽ là cảnh tượng ĐTC và Đức TGM Rowan Williams Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo cùng quì trước mộ của Thánh Eduardo Vị Hiển Tu trong Đan viện Westminter. Thánh nhân là vua nước Anh hồi thế kỷ 11, trước khi các tín hữu Kitô tại nước này chia cách nhau.

Đức TGM Williams đã chào đón ĐTC Biển Đức 16 như vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm Đan viện Westminster nguyên là một cộng đoàn của các Đan sĩ dòng Biển Đức cho đến năm 1540, khi Vua Henry 8 ly khai với Tòa Thánh và giải tán Đan viện này.

Phái đoàn Tòa Thánh và Anh quốc thảo luận

Biến cố sau cùng trong chuyến viếng thăm của ĐTC ngày thứ sáu, 17-9-2010, là bữa ăn tối làm việc giữa phái đoàn Tòa Thánh do ĐHY Quốc Vụ Khanh hướng dẫn và phái đoàn chính phủ Anh do ngoại trưởng William Hague hướng dẫn.

Thông cáo chung cho biết hai phái đoàn đã thảo luận về một số lãnh vực được hai bên quan tâm và chia sẻ quyết tâm chấm dứt nghèo đói và chậm tiến. Đứng trước Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới tại New York để kiểm điểm những tiến bộ trong việc thực thi các mục tiêu đã được đề ra hồi đầu Ngàn Năm Mới, Phái đoàn Tòa Thánh và Anh quốc có cùng xác tín: cần phải làm hơn nữa để giải quyết những đau khổ không cần thiết do đói kém, bệnh tật và mù chữ gây ra. Sự lãnh đạo vững chãi và mạnh mẽ về chính trị, cũng như sự tôn trọng luân lý đạo đức của các cộng đồng địa phương là điều cần thiết trong việc thăng tiến quyền sống, lương thực, sức khỏe và sự phát triển cho mọi người.

Chính phủ Anh và Tòa Thánh cũng xác tín cần cấp thiết hành động để đối phó với thách đố thay đổi khí hậu, hành động ở mọi cấp độ từ chính quyền cho đến cá nhân, để mau lẹ giảm bớt thán khí gây ra hiện tượng lồng kính, tiến tới một nền kinh tế hoàn cầu ít chất than, trợ giúp các nước nghèo và dễ bị thương tổn thích ứng với ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu.

Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề xã hội và kinh tế, nhìn nhận vai trò thiết yếu của tín ngưỡng trong đời sống cá nhân, và như là thành phần của một xã hội vững mạnh, quảng đại và bao dung.

Sau cùng, thông cáo nhìn nhận rằng cuộc viếng thăm của ĐGH Biển Đức 16 là một cơ hội để trao đổi sâu rộng hơn quan điểm giữa Tòa Thánh và chính phủ Anh.
 
Benedict XVI bị vây bủa
Phụng Nghi
10:29 18/09/2010
Phỏng vấn tác giả cuốn “Tấn kích vào Ratzinger”



ROME (Zenit.org).- Từ bài diễn văn đọc tại Regensburg cho đến cuộc khủng hoảng về lạm dụng tính dục, giới báo chí quốc tế đã ra sức tấn công vào Benedict XVI ngay từ lúc khởi đầu triều đại giáo hoàng của ngài.

Đó là đề tài của cuốn sách "Attacco a Ratzinger: accuse scandali, profezie e complotti contro Benedetto XVI" (Tấn kích vào Ratzinger: những cáo buộc tai tiếng, những lời tiên đoán và âm mưu chống lại Benedict XVI)” được viết do hai tác giả Paolo Rodari và Andrea Tornielli là hai người thường xuyên quan sát những sự việc liên quan đến Tòa thánh. Sách được nhà xuất bản Piemme phát hành bằng tiếng Ý.

Rodari viết cho nhật báo Il Foglio, còn Tornielli viết cho nhật báo Il Giornale, cả hai đều là báo Ý.

Tornielli đã xuất bản nhiều cuốn sách bán chạy, hai cuốn gần đây nhất là "Pio XII: Un uomo sul trono di Pietro" ("Piô XII: Một người trên ngai tòa Phêrô") (Mondatori, 2007) và "Paolo VI: L'audacia di un Papa" (Phaolô VI: Tính táo bạo của một Giáo hoàng")(Mondatori, 2009).

Tornielli đã cùng thông tấn xã ZENITH thảo luận về nội dung cuốn sách nói trên; sách đã vẽ lại -- bằng nhiều chi tiết, cùng với cuộc sưu tầm chưa được công bố -- những lời cáo buộc nhắm vào vị Giáo hoàng này, cũng như những động cơ dẫn đến những lời buộc tội đó.

ZENIT: Những ai quan tâm đến việc chỉ trích Đức giáo hoàng?

Tornielli: Tôi tin là, tuy không có một mưu đồ có tổ chức hay một chỉ thị một đường hướng đơn độc nào, nhưng có những nhóm, những khối vận động hành lang, các thế lực chính trị và/hoặc là kinh tế, có quan tâm đến việc làm yếu đi sức mạnh trong tiếng nói của Giáo hội, làm giảm thiểu đi uy thế quốc tế của Giáo hội và lợi dụng dân chúng cho những mục tiêu rất khác biệt nhau.

ZENIT: Tại sao họ tấn công ngài? Tại sao họ ngăn không cho ngài nói chuyện tại trường Đại học La Sapienza ở Rome? Đâu là điều mà thế lực thế tục sợ hãi từ triều giáo hoàng của Benedict XVI?

Tornielli: Một số chiến dịch của giới truyền thông đang quyết tâm bởi nhãn quan tiêu cực, bởi thiên kiến cố kết không phù hợp chút nào với thực tại, trước kia đã mô tả chân dung của Hồng y Ratzinger và sau này là của Benedict XVI như là một con người bảo thủ, lạc hậu, tầm thường và phản dân chủ.

Vụ Sapienza là tiêu biểu, bởi vì không chỉ có một nhóm nhỏ các sinh viên thiếu thực tế đã “phán đoán” về Ratzinger dựa trên những lời trưng dẫn sai lạc lấy từ bách khoa tự điển mở Wikipedia, nhưng mà còn có các nhà nghiên cứu, các giáo sư cũng đã làm như thế (việc này cũng cho ta biết phần nào về tình trạng các đại học đường của chúng ta).

Thế lực đã bị thế tục hóa sợ lời công bố về một chân lý không thể giản lược. Có những vận động hành lang và những nhóm có quyền lực, tức bực vì luân lý Kitô giáo và giảng huấn về đạo đức của Giáo hội, ngoài ra cũng còn vì lập trường của Giáo hội về chiến tranh, về toàn cầu hóa và về bảo vệ các tạo vật. Trong một số trường hợp, tiếng nói của Giáo hội vẫn còn là lực lượng bảo vệ đơn độc chống lại một lương tâm đã bị gây mê mất đi cảm giác.

ZENIT: Trong chuyến bay tới Bồ đào nha ngày 11 tháng 5 mới rồi, Benedict XVI có nói: “Ngày nay chúng ta kinh hoàng thấy rằng sự bách hại Giáo hội lớn lao nhất đến từ ngay nội bộ, từ những tội lỗi ngay chính trong Giáo hội, không phải từ những kẻ thù ở ngoài.” Đâu là những tội lỗi Đức giáo hoàng nói đến, và ai là những nhóm người trong Giáo hội chống đối ngài?

Tornielli: Câu hỏi được đặt ra rõ ràng là đề cập đến vụ tai tiếng về ấu dâm liên quan đến một số giáo sĩ. Câu trả lời của Đức giáo hoàng thật đã gây xúc động. Benedict XVI giải thích rằng cuộc tấn kích mạnh nhất đến từ trong nội bộ; đó là tội lỗi trong Giáo hội. Trên thực tế, lịch sử dạy chúng ta rằng Giáo hội luôn luôn chỗi dậy mạnh mẽ từ những cuộc tấn công do phía bên ngoài, có thể là sau một thời gian dài gặp phải khó khăn, nếu không muốn nói là bách hại. Chính sự tấn công từ bên trong mới gây ra tàn phá.

Nay thì, không chỉ có những giai đoạn “khủng khiếp” xảy ra tội ác kinh tởm về ấu dâm. Mà cũng còn có sự tăng tiến về tư tưởng không-có-tính-cách-Công-giáo ngay trong nội bộ Giáo hội Công giáo: đó là một thực tại đã được đại Giáo hoàng Phaolô VI tố cáo cực kỳ rõ rệt rồi, nhưng bất hạnh thay nay vẫn còn tồn tại. Tôi bị choáng váng, chẳng hạn như, bởi một số phản ứng mạnh mẽ chống lại quyết định của Benedict XVI muốn mở rộng Thánh lễ cổ truyền. Đã có những phản ứng công khai, ngay cả do các vị giám mục. Nhưng còn nhiều thí dụ khác nữa.

ZENIT: Đức giáo hoàng, trong bài giảng Thánh lễ kết thúc Năm Linh mục hôm 11 tháng 6, đã nói rất rõ rệt về những điều lạc giáo và nhu cầu phải dùng roi (“gậy”) để chống lại những con chó sói muốn hủy hại đàn chiên. Ngài đề cập đến những ai vậy? Ai là những con chó sói muốn tiêu diệt đàn chiên? Đâu là những điều dị giáo thời tân tiến đang xảy ra trong Giáo hội?

Tornielli: Trong cuốn sách, chúng tôi phân tích những cuộc khủng hoảng trong 5 năm đầu triều đại giáo hoàng của Benedict XVI; chúng tôi không làm một danh sách các điều lạc giáo. Tuy nhiên, tôi muốn nhắc lại rằng, điều chẳng may là các tư tưởng, các giải thích hiện đang lan tràn, ngấm ngầm ít hay nhiều, chung cuộc đe dọa đến đức tin của một người Công giáo trung bình, và nói chung hơn, cả đức tin Công giáo, không chỉ liên quan đến một số hậu quả -- có lẽ muốn dễ hiểu hơn phải cần đến một cuộc tranh luận và kết hợp nhiều giải thích khác nhau – nhưng chính xác ra là liên quan đến yếu tính của đức tin.

Theo ý nghĩa này, như Ratzinger hồi còn là Hồng y đã giải thích lúc ngài bắt đầu công tác làm Chủ tịch Thánh bộ Tín lý Đức tin, huấn quyền có nhiệm vụ bảo vệ đức tin của người Công giáo bình thường, của những người không viết báo hoặc lên TV. Ngài nói là, hiểu theo ý đó, huấn quyền có một công tác “dân chủ”. Tôi tin rằng một sự thay đổi căn bản mà Đức giáo hoàng đòi hỏi ở mỗi người đó là ý thức rằng Giáo hội không phải là do chúng ta “tạo” ra, Giáo hội không thể được nghĩ là giống như một thứ công ty, mọi chuyện không thể giảm thiểu thành những đòi hỏi về cách vận hành và các sứ vụ; cuộc sống của Giáo hội không thể chỉ được hoạch định bằng các chiến lược thuộc về mục vụ. Nếu chúng ta phải học hỏi từ lời kêu gọi thường xuyên này của Đức giáo hoàng, thì có lẽ nhiều trong số thành phần ngấm ngầm hay công khai chống đối sẽ hiểu rằng Đức giáo hoàng không phải là một vị quân vương tuyệt đối, nhưng rằng ngài cũng tuân phục Chúa Giêsu trong việc truyền đạt “depositum fidei (kho tàng đức tin)”.

ZENIT: Theo lời Tổng giám mục Giampaolo Crepaldi giáo phận Trieste, thì có một thứ huấn quyền song song xuất hiện nơi các giáo sĩ, các giáo sư thần học trong các chủng viện, các linh mục và giáo dân đang “bóp nghẹt những lời giảng huấn của Benedict XVI, không đọc các tài liệu về huấn quyền của ngài, viết và nói những lý luận trái ngược với điều ngài tuyên bố, đưa ra những sáng kiến về văn hoá và mục vụ, về các địa hạt đạo đức sinh học (bioethics) hoặc trong cuộc đối thoại đại kết, thí dụ như thế, công khai đi trệch ra ngoài những gì ngài giảng dạy.” Điều này có đúng không hay là Tổng giám mục Crepaldi đã lầm?

Tornielli: Tôi tin là Tổng giám mục Crepaldi nói đúng. Điều đó thật rõ rệt -- chỉ nhìn vào nhiều xứ đạo, tham dự vào các hội nghị, các cuộc hội họp về văn hóa, v.v…, bạn sẽ thấy huấn quyền của Benedict XVI (nhưng điều này cũng đã xảy ra trước đây với các vị giáo hoàng khác nữa) không được truyền đạt cho giáo dân, mà trái lại đôi khi còn công khai mâu thuẩn.

ZENIT: Cuốn sách “Tấn công Ratzinger” ông viết cùng với Paolo Rodari nói rằng qua những cuộc bút chiến của báo giới, có một âm mưu làm cho tín hữu bị lung lạc, giấu diếm ý nghĩa đích thực những lời nói và hành động của Benedict XVI, trình bầy giáo hoàng như là một người bảo thủ già nua, bám vào truyền thống, chống tân tiến, không tiếp cận với lịch sử. Thế mà vị Giáo hoàng này lại thành toàn được những điều kỳ diệu, chẳng hạn như là: sự phục hồi đức tin nơi những người đã bị thế tục hóa, các liên lạc tốt đẹp với những giáo hội Kitô giáo khác, đặc biệt là với Anh giáo và Chính thống giáo Nga, canh tân đức vâng lời và lòng trung thành của hàng giáo sĩ, thực hiện công tác phúc âm hóa mới. Tóm lại, họ tấn công ngài bởi vì ngài đang phục hoạt Giáo hội Công giáo cho tốt đẹp hơn. Đó không phải là điều đang xảy ra hay sao?

Tornielli: Đó là một phần những gì đang xảy ra, nhưng không chỉ có thế. Họ tấn công ngài bởi vì ngài khẳng định lại một số giáo huấn về đạo đức sinh học, mà cũng còn vì ngài nói về nạn nghèo đói và toàn cầu hóa. Họ tấn công ngài theo tính cách sáo rỗng đã ăn rễ sâu, mà cũng còn vì, bất hạnh thay, đôi khi giới truyền thông không đủ khả năng trình bầy một số thông điệp hoặc giải thích chúng theo đúng nội dung. Họ tấn công ngài bởi vì trong nhiều trường hợp – tôi ghét phải nói ra điều này, nhưng đó là sự thật, và tôi tin rằng chúng tôi đã nêu ra bằng chứng trong cuốn sách – ngay cả những người gần gũi với Benedict XVI nhất cũng có thể giúp ngài rất nhiều để tránh đi sự phát sinh những cuộc luận chiến không cần thiết hoặc là triệt tiêu chúng ngay sau khi chúng vừa ló dạng.
 
Tường thuật ngày thứ ba chuyến viếng thăm mục vụ Anh quốc
LM Trần Đức Anh & Linh Tiến Khải
16:45 18/09/2010
Trong ngày thứ bẩy 18-9-2010 Đức Thánh Cha đã có hai sinh hoạt chính: ban sáng ngài chủ sự thánh lễ cho tín hữu trong nhà thờ chính tòa Westminster và ban chiều Đức Thánh Cha chủ sự buổi canh thức với các tín hữu tại Hyde Park, là công viên lớn, đẹp và nổi tiếng nhất trong thủ đô Luân Đôn.

Nhưng trước khi đi vào các hoạt động của Đức Thánh Cha tại Luân Đôn trong ngày 18-9, chúng ta cùng nhìn lại biến cố nổi bật của ngài chiều thứ sáu 17-9.

Hình ảnh hùng hồn nhất trong các sinh hoạt của Đức Thánh Cha chiều ngày 17-9 vừa qua có lẽ là cảnh tượng Đức Thánh Cha và Đức Tổng Giám Mục Rowan Williams, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo, cùng quì trước mộ của Thánh Edward II, Vị Hiển Tu trong Đan viện Westminster. Thánh nhân là vua nước Anh hồi thế kỷ 11, trước khi các tín hữu Kitô tại nước này chia cách nhau.

Nhà thờ thánh Phêrô của đan viện Westminster được xây hồi thế kỷ thứ VIII dâng kính thánh Phêrô Tông Đồ. Năm 950 Đức Cha Dunstan, Giám Mục Luân Đôn, biến nó trở thành đan viện Biển Đức. Nhà thờ dài 156 mét, rộng 34 mét và cao 34 mét, gian giữa xây theo kiểu gô tích. Từ năm 1066 nhà thờ này đã là nơi diễn ra lễ nghi đăng quang của các vua Anh quốc, và cũng là nơi chôn cất các vua. Nhờ sự trợ giúp của vua Edgan và nhất là thánh vương Edward II, đan viện được nới rộng. Bên trong nhà thờ có các nhà nguyện với mộ của khoảng 100 nhân vật quan trọng, da số là các vua Anh quốc.

Trước đó, Đức Thánh Cha và Đức Tổng Giám Mục đã hội kiến riêng với nhau trong 30 phút về các tín hữu Kitô tại Thánh Địa với Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới về Trung Đông, về những vùng lớn đang bị xung đột trong đó Công Giáo và Anh giáo cố gắng cộng tác với nhau: chẳng hạn tại Sudan, hàng giáo phẩm Anh giáo và Công giáo có thể làm việc chung, làm chứng tá và củng cố hòa bình... Sau cuộc hội kiến, có một tuyên ngôn chung được công bố trong đó Đức Thánh Cha và Đức Tổng Giám Mục Anh giáo nhấn mạnh sự cần thiết phải công bố Sứ điệp Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô một cách có lý luận và có sức thuyết phục trong bối cảnh những biến chuyển sâu rộng về văn hóa và xã hội ngày nay, cũng như qua chứng tá cuộc sống thánh thiện và minh bạch.

Trong tuyên ngôn, hai vị cũng đồng ý cần phải cải tiến các quan hệ đại kết và tiếp tục đối thoại về thần học, đứng trước những thách đố mới đang được đề ra cho sự hiệp nhất trong và ngoài cộng đoàn Kitô.

Tiếp đó, Đức Thánh Cha và Đức Giáo Chủ Anh giáo đã tham dự Kinh Chiều đại kết tại Đan viện Westminster, trước sự tham dự của đông đảo các Giám Mục Công Giáo, Anh giáo, chức sắc của nhiều Giáo Hội Kitô khác như Tin Lành Methodist và Trưởng Lão và các tín hữu.

Đức Tổng Giám Mục Williams đã chào đón Đức Thánh Cha Biển Đức XVI như vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm Đan viện Westminster, nguyên là một cộng đoàn của các Đan sĩ dòng Biển Đức cho đến năm 1540, khi Vua Henry VIII ly khai với Tòa Thánh và giải tán Đan viện này.

Lên tiếng tại buổi cầu nguyện, Đức Thánh Cha nói: ”Trong một xã hội ngày càng tỏ ra dửng dưng hoặc thù nghịch đối với sứ điệp Kitô giáo, các tin hữu Kitô phải học cách thức cùng nhau diễn tả những lý do tại sao mình tin và tại sao niềm tin nơi Chúa Kitô làm cho mình tràn đầy hy vọng”. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói thêm rằng ước muốn trình bày một chứng tá hiệp nhất không thể có nghĩa là các tín hữu Kitô phải đi theo những con đường tắt. Ngài nhấn mạnh rằng ”Lòng trung thành với Lời Chúa... đòi chúng ta phải có một thái độ vâng phục dẫn đưa chúng ta đến chỗ hiểu ý Chúa một cách sâu xa hơn, một sự vâng phục được giải thoát khỏi mọi thái độ xu thời về trí thức hoặc dễ dàng chiều theo tinh thần thời đại”.

Biến cố sau cùng của ngày thứ sáu, 17-9, là bữa ăn tối làm việc giữa phái đoàn Tòa Thánh do Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh hướng dẫn và phái đoàn chính phủ Anh do ngoại trưởng William Hague hướng dẫn.

Thông cáo chung cho biết hai phái đoàn đã thảo luận về một số lãnh vực được hai bên quan tâm và chia sẻ như quyết tâm chấm dứt nghèo đói và chậm tiến. Đứng trước Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới tại New York để kiểm điểm những tiến bộ trong việc thực thi các mục tiêu đã được đề ra hồi đầu Ngàn Năm Mới, Phái đoàn Tòa Thánh và Anh quốc có cùng xác tín: cần phải làm hơn nữa để giải quyết những đau khổ không cần thiết do đói kém, bệnh tật và mù chữ gây ra. Sự lãnh đạo vững chãi và mạnh mẽ về chính trị, cũng như sự tôn trọng luân lý đạo đức của các cộng đồng địa phương là điều cần thiết trong việc thăng tiến quyền sống, lương thực, sức khỏe và sự phát triển cho mọi người.

Chính phủ Anh và Tòa Thánh cũng xác tín cần cấp thiết hành động để đối phó với thách đố thay đổi khí hậu, hành động ở mọi cấp độ từ chính quyền cho đến cá nhân, để mau lẹ giảm bớt thán khí gây ra hiện tượng lồng kính, tiến tới một nền kinh tế hoàn cầu ít chất than, trợ giúp các nước nghèo và dễ bị thương tổn thích ứng với ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu.

Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề xã hội và kinh tế, nhìn nhận vai trò thiết yếu của tín ngưỡng trong đời sống cá nhân, và như là thành phần của một xã hội vững mạnh, quảng đại và bao dung.

Sau cùng, thông cáo nhìn nhận rằng cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI là một cơ hội để trao đổi sâu rộng hơn quan điểm giữa Tòa Thánh và chính phủ Anh.

Thứ bẩy 18 tháng 9 lúc 8,15 phút sáng Đức Thánh cha đã đi xe từ Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tới tòa Tổng Giám Mục cách đó 12 cây số để hội kiến với Thủ tướng, Phó thủ tướng và lãnh tụ đảng đối lập. Trong khi chờ đợi Đức Thánh Cha, Thủ tướng David Cameron, Phó thủ tướng Nick Clegg và bà Harriet Harman được Đức Hồng Y Murphy O' Connor, nguyên Tổng Giám Mục Westminster và Đức Hồng Y Vincent Nichols, đương kim Tổng Giám Mục, kiêm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Anh quốc, tiếp đón trong phòng khánh tiết.

Thủ tướng David Cameron sinh năm 1966 tại Luân Đôn, có vợ và 4 con. Ông đã là bí thư chính trị của Thủ tướng John Major năm 1991 và cố vấn đặc biệt của Bộ lao động. Năm 2000 ông là dân biểu quốc hội và năm 2005 ông trở thành lãnh tụ đảng Bảo Thủ. Ngày 11 tháng 5 năm 2010 ông David Cameron trở thành Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử của Anh quốc kể từ năm 1812 tới nay.

Phó thủ tướng Nick Clegg sinh năm 1967. Là nhà báo, và cố vấn Ủy ban âu châu ông đã là dân biểu đảng Tự do dân chủ trong các năm 1999-2004. Năm 2007 ông trở thành Tổng thư ký đảng và từ tháng 5 năm 2010 ông giữ chức Phó thủ tướng trong chính phủ liên hiệp. Ông có vợ và hai con.

Bà Harriet Harman, lãnh tụ phe đối lập, sinh năm 1950 có chồng và 3 con. Bà chuyên tranh đấu cho các quyền dân sự và là thành viên phong trào nữ quyền. Từ năm 1982 bà là thành viên hội đồng tỉnh của đảng Lao Động. Sau khi thủ tướng Gordon Brown từ chức bà trở thành Tổng thư ký tạm thời của Đảng Lao Động và lãnh tụ khối đối lập.

Cuộc hội kiến lần lượt với cả ba người đã diễn ra trong phòng khách ở lầu 1 của tòa Tổng Giám Mục Westminster.

Sau đó lúc 9 giờ 40 Đức Thánh cha đã đi sang nhà thờ chính tòa để chủ sự thánh lễ cho tín hữu.

Sau khi Đức Giáo Hoàng Pio IX tái lập hàng giáo phẩm tại Anh quốc năm 1850, năm 1884 Đức Hồng Y Henry Edward Manning dã mua miếng đất hiện nay để xây nhà thờ chính toà, nhưng công việc xây cất đã do Đức Hồng Y Herbert Vaughan khởi sự năm 1895. Kỹ sư John Francis Bentley đã viếng thăm nhà thờ chính tòa thánh Marco tại Venezia, nhà thờ thánh Vitale ở Ravenna bên Italia và nhà thờ thánh nữ Sofia ở Costantinopoli để vẽ sơ đồ kiểu bisantin cho nhà thờ Westminster. Công cuộc xây cất hoàn thành năm 1903, nhưng nhà thờ đã chỉ được khánh thành năm 1910 sau khi thanh toán hết mọi nợ nần. Chặng Đàng Thánh Giá rất đẹp và nổi tiếng, do nhà điêu khắc Eric Gill tạc, đã được khánh thành năm 1918. Việc trang hoàng bên trong nhà thờ bằng các bức khảm đá mầu và đá cẩm thạch qúy vẫn chưa hoàn tất vì các khó khăn tài chánh. Bức khảm đá mầu thánh Davít, Bổn mạng của vùng Galles, sẽ được Đức Thánh Cha làm phép khánh thành sau thánh lễ. Trong chuyến công du Anh quốc hồi năm 1982 Đức Gioan Phaolô II cũng đã chủ sự thánh lễ tại đây. Quảng trưởng trước nhà thờ có chỗ cho 100.000 tín hữu, và thường được sử dụng cho các biến cố lớn như dịp hài cốt thánh nữ Terexa Hài đồng Giêsu thánh du Luân Đôn ngày 12 tháng 10 năm ngoái 2009.

Nhà thờ chính tòa dâng kính Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô có 1.500 chỗ ngồi. Có mấy ngàn bạn trẻ và tín hữu theo dõi thánh lễ qua màn truyền hình lớn bên ngoài nhà thờ.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nhắc tới sự kiện nhà thờ chính tòa được dâng kính Máu Cực Thánh Chúa Giêsu Kitô, là dấu chỉ lòng thương xót cứu chuộc Thiên Chúa tuôn đổ trên thế giới qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Đức Thánh Cha cũng nhắc đến cây Thánh Giá lớn treo trên gian giữa nhà thờ chính tòa diễn tả thân xác Chúa Kitô bầm dập vì đau khổ, nạn nhân vô tội, Đấng qua cái chết đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và cho chúng ta được chia sẻ chính cuộc sống của Thiên Chúa. Đôi tay giang rộng của Chúa Giêsu Kitô ôm trọn toàn thể Giáo Hội và dâng lên Thiên Chúa Cha hàng hàng lớp lớp các tín hữu quy tụ quanh bàn hiến tế thánh thể và tham dự vào các hoa trái của hiến tế thánh thể. Đó là mầu nhiệm giúp chúng ta nhận ra sự hiệp nhất giữa hiến tế của Chúa Kitô trên Thánh Giá và hiến tế Thánh Thể mà ngài ban cho Giáo Hội như suối nguồn ơn thánh cứu độ, cũng như với chức linh mục đời đời, qua đó từ bên hữu Thiên Chúa Cha trên trời Ngài không ngừng bầu cử cho chúng ta là các chi thể thân mình mầu nhiệm của Ngài... Qua sự khổ đau và cái chết và qua việc tự hiến trong Thần Khí vĩnh cửu, Chúa Giêsu đã trở thành thượng tế của chúng ta và Đấng trung gian của một giao ước mới.

Trung thành với lệnh truyền của Chúa Kitô: ”Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19), Giáo Hội tại khắp mọi nơi và trong mọi thời đại trung thành cử hành Thánh Thể cho tới khi Chúa trở lại trong vinh quang, vui mừng về sự hiện diện bí tích của Chúa và kín múc nơi sức mạnh của hiến tế cứu độ các ơn cần thiết cho sự cứu rỗi thế giới. Đức Thánh Cha nêu bật tầm quan trọng của bí tích Thánh Thể như sau:

Thực tại của hiến tế Thánh Thể đã luôn luôn là trọng tâm của đức tin Công Giáo; bị đưa ra thảo luận hồi thế kỷ XVI, nó đã được tái khẳng định bởi Công Đồng Chung Trento trong bối cảnh sự công chính hóa của chúng ta trong Chúa Kitô. Tại Anh quốc này, như chúng ta đều biết, có nhiều người đã dũng cảm bênh vực Thánh Lễ, thường là với giá mắc mỏ, làm nảy sinh ra lòng sùng mộ bí tích Thánh Thể rất thánh, từng là một đặc thái của Công Giáo tại vùng đất này. Mầu nhiệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô tiếp tục trong các chi thể của Thân Mình Mầu Nhiệm Ngài là Giáo Hội thuộc mọi thời đại... Chúng ta thấy khía cạnh này của mầu nhiệm máu thánh Chúa Kitô được diễn tả ra trong hình thức hùng hồn nhất nơi các vị tử đạo của mọi thời đại. Các vị là những người đã uống chén mà chính Chúa Kitô đã uống, đổ máu ra kết hiệp với hiến tế của Chúa và ban sự sống mới cho Giáo Hội. Nó cũng phản ánh nơi các anh chị em của chúng ta đó đây trên thế giới đang đau khổ vì bị kỳ thị và bách hại vì đức tin kitô. Nhưng nó cũng thường dấu ẩn trong các khổ đau của tất cả các kitô hữu hằng ngày kết hiệp các hy sinh của họ với các hy sinh của Chúa để thánh hóa Giáo Hội và đem lại ơn cứu độ cho thế giới. Tôi nghĩ tới các anh chị em gìa cả, đau yếu, tàn tật phải khổ đau trên thân xác cũng như trong tinh thần.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha cũng đề cập tới các vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thanh niên và nói: Tôi cũng nghĩ tới nỗi khổ đau mênh mông do các vụ lạm dụng tính dục trẻ em gây ra, một cách đặc biệt do các thừa tác viên của Giáo Hội gây ra. Tôi xin bầy tỏ nỗi khổ đau sâu xa của tôi đối với các nạn nhân vô tội của các tội phạm không thể định tính được này, với niềm hy vọng quyền năng ơn thánh của Chúa Kitô và hiến tế hòa giải của Ngài sẽ đem lại sự chữa lành sâu xa và niềm an bình cho cuộc sống của họ. Cùng với anh chị em tôi cũng thừa nhận sự xấu hổ và nhục nhã, mà chúng ta tất cả đã phải đau khổ vì các tội phạm này. Tôi mời gọi anh chị em dâng lên Thiên Chúa sự xấu hổ và nhục nhã đó, với niềm tin tưởng rằng hình phạt này sẽ góp phần chữa lành các nạn nhân, thanh tẩy Giáo Hội và canh tân nhiệm vụ ngàn đời của Giáo Hội trong việc giáo dục và lo lắng cho người trẻ. Tôi cũng bầy tỏ lòng biết ơn của tôi đối với các cố gắng đương đầu với vấn đề này với tinh thần trách nhiệm, và tôi xin tất cả anh chị em lo lắng cho các nạn nhân và liên đới với các linh mục của anh chị em.

Đề cập tới sự tham dự của mọi tín hữu vào chức linh mục của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh vai trò của anh chị em giáo dân trong sứ mệnh là muối men tin mừng trong xã hội. Ngài cầu mong các tư tưởng và giáo huấn của Đức Hồng Y Newman tiếp tục linh hứng cho mọi môn đệ Chúa Kitô để mọi tư tưởng lời nói và hành động của họ phù hợp với Chúa, và để họ hoạt động không mệt mỏi hầu bảo vệ các sự thật luân lý bất biến, được lấy lại, soi sáng và tái xác nhận, vì chúng là nền tảng của một xã hội thật sự nhân bản, công bằng và tự do. Rồi Đức Thánh Cha mời gọi mọi người như sau:

Chúng ta hãy cầu nguyện để cho các tín hữu công giáo của vùng đất này luôn ngày càng ý thức hơn về phẩm giá là dân tư tế, được mời gọi thánh hiến thế giới cho Thiên Chúa qua cuộc sống đức tin và sự thánh thiện. Ước gì lòng hăng say tông đồ có thể lớn mạnh và được đồng hành bởi việc gia tăng lời cầu nguyện cho ơn gọi thừa tác linh mục. Việc tông đồ của giáo dân càng phát triển bao nhiêu, thì lại càng cấp thiết cần các linh mục bấy nhiêu; và giáo dân càng đào sâu ý thức ơn gọi đặc thù của họ bao nhiêu, thì lại càng minh nhiên tính cách đặc thù của linh mục bấy nhiêu. Sau cùng, Đức Thánh Cha cầu mong có nhiều người trẻ đáp trả tiếng Chúa kêu mời trở thành linh mục tận hiến cuộc đời và tài năng cho Chúa để phục vụ Nước Trời.

Sau khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã đi dọc gian giữa nhà thờ chính tòa để chào tín hữu giữa tiếng vỗ tay nồng nhiệt của mọi người. Ngài ra thềm nhà thờ để chào và ban phép lành cho hàng ngàn bạn trẻ tham dự

thánh lễ qua màn truyền hình ở trước nhà thờ. Anh Uche, một thanh niên gốc phi châu, đại điện cho các bạn trẻ chào mừng Đức Thánh Cha và nói lên niêm vui và hạnh phúc được gặp Đức Thánh Cha và lắng nghe ngài. Đức Thánh Cha nói: Chúng ta được sinh ra để tiếp nhận tình yêu và chúng ta có tình yêu. Chúng ta phải cám ơn Chúa mọi ngày, vì tình yêu nhận lãnh đó khiến cho chúng ta là chính mình, và chỉ cho chúng ta thấy điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống. Chúng ta cũng được Chúa dựng nên để trao ban tình yêu và biến nó trở thành thực tại vững chắc nhất của cuộc sống. Tuy nhiên, yêu thương là điều rất khó. Con tim của chúng ta dễ bị chai cứng vì ích kỷ, ghen tương và kiêu ngạo. Tôi xin các bạn mỗi ngày nhìn sâu vào trong tim mình để tìm ra suối nguồn của mọi tình yêu thương đích thực. Chúa Giêsu luôn ở đó, chờ đợi chúng ta cùng Ngài cầm trí và lắng nghe tiếng Ngài. Cả giữa những bận rộn lo lắng vất vả thường ngày chúng ta cũng cần nhường chỗ cho thinh lặng, để có thể tìm thấy Thiên Chúa và khám phá ra mình đích thưc là ai.

Đức Thánh Cha đã làm phép một ngọn nến như dấu chỉ sự hiện diện hiền phụ của ngài giữa giới trẻ thủ đô Luân Đôn.

Tiếp đến ngài đã trở lại trong nhà thờ để khánh thành bức khảm đá mầu thánh Đavít, là một trong nhiều vị thánh lớn sống vào thế kỷ thứ VI, bổn mạng tín hữu vùng Galles. Cùng với nhiều thừa sai rao giảng Tin Mừng cho các đảo Anh quốc, người đã là vị sáng lập nền văn hóa kitô là căn cội của Âu châu tân tiến ngày nay. Đức Thánh Cha cầu mong sứ điệp của thánh Davít tiếp tục vang dội trong vùng Galles mỗi ngày với tất cả sự đơn sơ nhưng phong phú của nó.

Sau đó, ngài sang nhà nguyện ”Đức Bà Cây Nến” để kính viếng tượng Đức Mẹ. Tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài Nhi này đã được tìm thấy tại Cardigan bên bờ sông Teifi tay cầm cây nến sáng, và đã được tín hữu tôn kính từ năm 1158. Bức tượng chính đã bị ông Thomas Cromwell, Thủ tưởng của vua Henry VIII, ra lệnh phá hủy cùng với mọi dụng cụ tôn kính Đức Mẹ vào năm 1538. Bức tượng hiện nay được tạc lại vào năm 1986 theo một mẫu cổ bằng gỗ. Cây nến Đức Mẹ cầm trên tay đã được Đức Gioan Phaolô II làm phép tại Roma. Năm nay cũng là kỷ niệm 40 năm thánh hiến nhà nguyện Đức Bà Cây Nến. Nhân dịp này Đức Cha Edwin Regan, Giám Mục giáo phận Wrexham đã chủ sự buổi canh thức ngày 15 tháng 9 trong nhà thờ chính tòa Clifton, trước khi phái đoàn tín hữu vùng Galles về Luân Đôn tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha.

Sau khi từ giã mọi người Đức Thánh Cha đã lên xe trở về Tòa Sứ Thần dể dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát. Lúc 16 giờ 40 Đức Thánh Cha đã tới thăm nhà dưỡng lão thánh Phêrô cách đó 11 cây số. Nhà dưỡng lão do dòng các nữ tu Tiểu Muội Người nghèo điểu khiến có 76 cụ già, trong đó có 9 linh mục và tu sĩ. Các nữ tu Tiểu Muội người nghèo đã tới Anh quốc lập dòng năm 1851. Hiện nay dòng được trợ lực bởi ”Hiệp hội Jeanne Jugan” là tên của Đấng sáng lập. Các nữ tu của dòng hoạt động tại 32 quốc gia trên thế giới. Đức Thánh Cha đã được Đức Cha Peter Smith, Tổng Giám Mục giáo phận Southwark, cũng như linh mục tuyên úy và mẹ bề trên tiếp đón. Đức Thánh Cha đã vào viếng Mình Thánh Chúa trong nhà nguyện, sau đó ngài sang hội trường của nhà dưỡng lão gặp các cụ già. Nữ tu Marie Claire Bề trên và bà Patricia Fasky đại diện các cụ già, đã ngỏ lời chào mừng Đức Thánh Cha và đại diện các cụ tặng Đức Thánh Cha một bức khám đá mầu Thánh Phêrô.

Ngỏ lời với mọi người Đức Thánh Cha tái khẳng định tình yêu thương và lòng trân trọng qúy mến Giáo Hội dành cho người già cả, bệnh tật và đau yếu. Qua điều răn thứ tư dậy thảo kính cha mẹ, Thiên Chúa muốn một sự tôn trọng chính xác đối với phẩm giá, giá trị, sức khỏe và hạnh phúc của người già. Qua các cơ cấu bác ái tại Anh quốc và ở các nơi khác Giáo Hội tìm thực thi giới răn Chúa dậy tôn trọng sự sống, mà không phân biệt tuổi tác hay các điều kiện. Vì mỗi người trong chúng ta đều đã được Chúa muốn, được yêu thương và cần thiết... Chính vì thế tôi đến thăm anh chị em như là một người anh em hiểu biết niềm vui, nỗi buồn và các thách đố của tuổi già. Tuổi già cho phép chúng ta qúy trọng vẻ đẹp của ơn sự sống cũng như ý thức về cơ may đào sâu mầu nhiệm của Chúa Kitô hạ mình nhập thể để chia sẻ thân phận làm người của chúng ta. Nó cũng là cơ may giúp chúng ta cầu nguyện cho những người chúng ta đã quen biết yêu thương, và đặt để mọi sự trong lòng bàn tay nhân hiền của Thiên Chúa.

Sau khi ban phép lành và hỏi han ủy lạo các cụ, Đức Thánh Cha đã đi xe đến công viên Hyde để chủ sự buổi canh thức với tín hữu. Chúng tôi sẽ tường thuật diễn tiến biến cố này vào ngày mai.

Một chuyện bên lề chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, nhưng có lẽ được các cơ quan truyền thông chú ý nhiều nhất, đó là vụ cảnh sát Anh bắt giữ 6 người gốc Bắc Phi, đa số là Algérie, bị tình nghi âm mưu khủng bố ám sát Đức Thánh Cha. 5 người bị bắt tại tư gia lúc 5 giờ rưỡi sáng thứ sáu vừa qua, và người thứ sáu bị bắt vào ban chiều. Họ từ 26 đến 50 tuổi, nhân viên của công ty Veolia giữ vệ sinh thành phố và làm việc ở khu vực Westminster, nơi có trụ sở Quốc Hội Anh.

Cảnh sát tiếp tục lục soát các khu dân cư ở mạn bắc và đông Luân Đôn cũng như hai trung tâm thương mại ở địa phương, nhất là khu chứa dụng cụ vệ sinh thành phố, nhưng không tìm được vật liệu gì nguy hiểm.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha vẫn thanh thản yên hàn và chương trình viếng thăm của ngài không có gì thay đổi.

Ngoài ra, theo hãng tin Ansa của Italia, nhiều cơ quan an ninh Hoa kỳ cho rằng mức độ đe dọa chống Đức Giáo Hoàng thật là thấp. Họ tỏ ra nghi ngờ về mức độ nghiêm trọng và khả năng của những người bị tình nghi là ”âm mưu ám sát ĐGH”.
 
Thông điệp của Đức Thánh Cha với các bạn trẻ
Paul Minh Nhật chuyển ngữ
20:21 18/09/2010
Sau khi chào và chúc lành cho các bạn trẻ tập trung trước tiền sảnh của vương cung thánh đường Westminster và chào một đại diện giới trẻ, ĐTC đã nói những lời sau

Uche và các bạn trẻ thân mến!

Cha cám ơn sự chào đón nồng nhiệt của các con! "Trái Tim Nói Với Trái Tim" – cor ad cor loquitur – như các con biết, cha chọn những lời rất đỗi thân thương này của ĐHY Newman làm chủ đề cho chuyến viếng thăm của cha. Trong những thời khắc chúng ta đang cùng nhau đây, cha ước sẽ nói với các con từ chính con tim của cha, và cha xin các con hãy mở cửa trái tim của các con để đón nhận những gì cha phải nói.

Cha xin tất cả các con, trước tiên và trên hết, hãy nhìn vào tâm hồn mình. Suy nghĩ về tất cả sự yêu thương mà trái tim các con được dựng nên để lãnh nhận, và và tất cả tình yêu thương đó có ý nghĩa để trao ban. Đây là điều mà Kinh Thánh nhắm tới khi nói rằng chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Chúa: chúng ta được dựng nên để nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, Đấng là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và để tìm kiếm sự tròn đầy viên mãn trong tình yêu thánh thiêng đó, tình yêu mà chúng ta không biết khởi điểm và kết thúc.

Chúng ta được dựng nên để lãnh nhận tình yêu, và chúng ta có tình yêu. Mỗi ngày chúng ta nên tạ ơn Chúa vì tình yêu mà chúng ta đã được biết, tình yêu mà đã dựng nên chúng ta là chính chúng ta, tình yêu đã được soi tỏ cho chúng ta điều gì thực sự là quan trọng trong cuộc sống. Chúng ta cần cảm tạ Chúa vì tình yêu mà chúng ta lãnh nhận từ gia đình, bạn bè, thầy cô và tất cả mọi người trong cuộc sống của chúng ta, những người đã giúp đỡ chúng ta nhận ra chúng ta quý giá là dường nào trong mắt họ và trong mắt của Chúa.

Chúng ta cũng được tạo nên để trao ban tình yêu thương, để làm cho nó lan truyền đến tất cả mọi việc chúng ta làm và là thứ tồn tại vĩnh viễn trong cuộc sống của chúng ta. Trong những lần có vẻ là rất tự nhiên, đặc biệt là khi chúng ta cảm thấy niềm vui của tình yêu, khi trái tim của chúng ta tràn đầy sự rộng rãi, lý tưởng, khao khát được giúp đỡ người khác, khao khát xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng những lần khác chúng ta nhận ra rằng yêu thật là khó; tâm hồn của chúng ta có thể dễ dàng bị cản trở bởi sự ích kỉ, ghen tị và kiêu hãnh.

Chân phước mẹ Teresa Calcutta, nhà Thừa Sai Bác Ái vĩ đại, đã nhắc nhở chúng ta rằng trao ban tình yêu, tình yêu thanh sạch và cao cả, là hoa quả của những quyết định hằng ngày. Mọi ngày chúng ta phải lựa chọn yêu thương, và điều này đòi hỏi sự trợ giúp, sự trợ giúp đến từ Đức Ki-tô, từ lời cầu nguyện và từ sự khôn ngoan được tìm thấy trong Lời Chúa, và từ ân sủng mà Ngài ban cho chúng ta qua các bí tích trong Hội Thánh của Ngài.

Thông điệp này cha muốn chia sẻ với các con ngày hôm nay. Cha xin các con hãy nhìn vào tâm hồn mình mỗi ngày để tìm thấy được mạch nguồn của tình yêu chân thật. Chúa Giê-su luôn ở đó, yên lặng chờ chúng ta đến với ngài và nghe lời của ngài. Tự trong sâu thẳm tâm hồn các con, ngài đang gọi các con dành thời gian với ngài trong cầu nguyện. Nhưng loại cầu nguyện này, cầu nguyện thực sự, đòi hỏi sự kỉ luật; nó đòi hỏi chúng ta dành thời gian cho những khoảnh khắc thinh lặng hằng ngày. Thông thường nó có nghĩa là chờ đợi để nghe Chúa nói. Thậm chí cả ở giữa "sự bận rộn" và sự căng thẳng của đời sống thường nhật, chúng ta cần tạo không gian cho sự thinh lặng, bởi vì chỉ trong thinh lặng chúng ta mới tìm thấy được Chúa, và trong thinh lặng mà chúng ta khám phá ra chính chúng ta. Và khi khám phá ra được chính chúng ta, chúng ta khám phá ra được ơn gọi đặc biệt mà Chúa trao cho chúng ta để chúng ta xây dựng Giáo Hội của ngài và ơn cứu độ cho thế giới.

Trái tim nói với trái tim. Với những lời từ trái tim của cha, các bạn trẻ thân mến, cha bảo đảm với các con trong lời cầu nguyện của cha sẽ nhớ đến các con, nhờ đó cuộc sống của các con sẽ sinh hoa trái tốt đẹp cho sự phát triển của nền văn minh tình thương. Cha xin các con cũng cầu nguyện cho cha, cho công việc mục vụ của Đấng Kế Vị Thánh Phê-rô, và cho những nhu cầu của Hội Thánh khắp nơi trên hoàn vũ. Cho các con, gia đình và bạn bè của các con, cha chân thành cầu xin phúc lành của sự khôn ngoan, niềm vui và an bình của Chúa ở trên các con.
 
Top Stories
Author Reflects on Anglican and Catholic Worlds
Serena Sartini
08:57 18/09/2010
Affirms Desire for Christian Unity

OTTAWA, Ontario, SEPT. 17, 2010 (Zenit.org).- Benedict XVI's U.K. visit has been significant for relations between the Catholic and Anglican Churches, says an author who stands between both worlds.

Today, the second day of the Pope's four-day visit to the United Kingdom, included a meeting with the Anglican archbishop of Canterbury, Rowan Williams, and an address to prelates from both Churches.

The Holy Father concluded the day by participating in an ecumenical celebration in Westminster Abbey along with the archbishop of Canterbury and other Christian leaders.

Deborah Gyapong, a member of the Traditional Anglican Communion, an independent communion which has asked to enter the Catholic Church, spoke with ZENIT about the significance of these events for ecumenical relations.

Gyapong, a journalist and author, affirmed that the Catholic Church and the Anglican Church "have many projects in common, especially in efforts to help the poor."

"These will continue as will the good relationships that have built up over the years," she said.

Gyapong spoke about the apostolic constitution "Anglicanorum Coetibus," which allows for groups like hers to enter into full communion with the Catholic Church while retaining some of their Anglican traditions in particular ordinariates.

When "Anglicanorum Coetibus" was announced in October 2009, she said, "there were some that called it 'poaching' and likened Pope Benedict's move to putting 'tanks on the lawn' of the archbishop of Canterbury."

"But as the Pope and others in the Roman Curia have insisted," the author added, "the offer was a response to repeated requests, not only from us, but from other Anglican groups, such as Forward in Faith, and others, including many individuals."

She noted that it "could be a way of gathering up all those Anglicans who come to see the need for the ministry of Peter, yet who hope to retain a beautiful Anglican liturgy and other aspects of our patrimony."

Ongoing relations

"The apostolic constitution was not meant to detract from ongoing ecumenical relations with the Anglican Church of Canterbury, which represents millions of people around the globe," Gyapong clarified.

She noted that there has been a "desire for unity" for many decades, explaining that "since the 1960s, there were huge hopes under Pope Paul VI and Archbishop of Canterbury Michael Ramsay that there could be a healing of the rift so that the 'sister churches' could be 'united but not absorbed.'"

The author explained that the Traditional Anglican Communion in particular "has come to see that the ministry of the Pope, the ministry of Peter, is essential, not only as a sign of Christian unity, but a needed juridical authority to ensure that the faith as received from the eyewitnesses of our Lord and Savior Jesus Christ is passed down intact from generation to generation."

She said, "Our bishops signed the Catechism of the Catholic Church on the altar Oct. 5, 2007 in St. Agatha's Church in Portsmouth, England, signifying, that 'we accept that the most complete and authentic expression and application of the catholic faith in this moment of time is found in the Catechism of the Catholic Church and its Compendium, which we have signed together with this letter as attesting to the faith we aspire to teach and hold.'"

"As a lay person, a journalist and non-theologian," Gyapong noted, "I make no claims to know everything that is in the [catechism], nor that I would understand everything in it."

"But I have come to see that I can no longer be a little pope in my own mind, choosing and deciding for myself which doctrines I will believe and which I will discard," she added. "So, I choose to come under the authority of the Magisterium of the Catholic Church for what I believe."

The author affirmed that "having an apostolic faith is crucial to our finding freedom in Christ and the freedom to live as we ought to live."

"Many Anglicans are in a difficult discernment process right now," Gyapong affirmed, "some adopting a 'wait and see' attitude to see whether they really will be able to retain their Anglican identity while being full-members of the Roman Catholic Church."

She continued: "But I believe the first ordinariates will be like mustard seeds that will blossom and grow and become increasingly attractive not only to Anglicans but to all Christians who find a beautiful liturgy prayed with meaning helps the whole congregation enter into the mystery of the once-and-for-all Sacrifice of Jesus Christ.

"The Ordinariates will be part of the liturgical renewal the Holy Father hopes for -- but the beautiful liturgy will also be married to a full-hearted embrace of the Catholic faith, with teaching from the catechism by priests and bishops who believe what it says, without having their fingers crossed behind their backs, or reducing the supernatural Word of God to a metaphor."
 
Pope's Speeches in the United Kingdom
Libreria Editrice Vaticana
09:07 18/09/2010
POPE IN THE UNITED KINGDOM
Benedict XVI's Address to Catholic Educators
Papal Address to the Students of UK's Catholic Schools
Holy Father's Words to Religious Leaders in UK
Holy Father's Discourse at Lambeth Palace
Papal Address at Westminster Hall
Holy Father's Address at Ecumenical Celebration


DOCUMENTS

Benedict XVI's Address to Catholic Educators
"True Wisdom Is Inseparable From Knowledge of the Creator"

LONDON, SEPT. 17, 2010 - Here is the address Benedict XVI delivered today, the second day of his four-day state visit to the United Kingdom, during a meeting with the world of Catholic Education in the Chapel and Sports Arena of St Mary’s University College in Twickenham.

Your Excellency the Secretary of State for Education,
Bishop Stack, Dr Naylor,
Reverend Fathers, Brothers and Sisters in Christ,

I am pleased to have this opportunity to pay tribute to the outstanding contribution made by religious men and women in this land to the noble task of education. I thank the young people for their fine singing, and I thank Sister Teresa for her words. To her and to all the dedicated men and women who devote their lives to teaching the young, I want to express sentiments of deep appreciation. You form new generations not only in knowledge of the faith, but in every aspect of what it means to live as mature and responsible citizens in today’s world.

As you know, the task of a teacher is not simply to impart information or to provide training in skills intended to deliver some economic benefit to society; education is not and must never be considered as purely utilitarian. It is about forming the human person, equipping him or her to live life to the full – in short it is about imparting wisdom. And true wisdom is inseparable from knowledge of the Creator, for "both we and our words are in his hand, as are all understanding and skill in crafts" (Wis 7:16).

This transcendent dimension of study and teaching was clearly grasped by the monks who contributed so much to the evangelization of these islands. I am thinking of the Benedictines who accompanied Saint Augustine on his mission to England, of the disciples of Saint Columba who spread the faith across Scotland and Northern England, of Saint David and his companions in Wales. Since the search for God, which lies at the heart of the monastic vocation, requires active engagement with the means by which he makes himself known – his creation and his revealed word – it was only natural that the monastery should have a library and a school (cf. Address to representatives from the world of culture at the "Collège des Bernardins" in Paris, 12 September 2008). It was the monks’ dedication to learning as the path on which to encounter the Incarnate Word of God that was to lay the foundations of our Western culture and civilization.

Looking around me today, I see many apostolic religious whose charism includes the education of the young. This gives me an opportunity to give thanks to God for the life and work of the Venerable Mary Ward, a native of this land whose pioneering vision of apostolic religious life for women has borne so much fruit. I myself as a young boy was taught by the "English Ladies" and I owe them a deep debt of gratitude. Many of you belong to teaching orders that have carried the light of the Gospel to far-off lands as part of the Church’s great missionary work, and for this too I give thanks and praise to God. Often you laid the foundations of educational provision long before the State assumed a responsibility for this vital service to the individual and to society. As the relative roles of Church and State in the field of education continue to evolve, never forget that religious have a unique contribution to offer to this apostolate, above all through lives consecrated to God and through faithful, loving witness to Christ, the supreme Teacher.

Indeed, the presence of religious in Catholic schools is a powerful reminder of the much-discussed Catholic ethos that needs to inform every aspect of school life. This extends far beyond the self-evident requirement that the content of the teaching should always be in conformity with Church doctrine. It means that the life of faith needs to be the driving force behind every activity in the school, so that the Church’s mission may be served effectively, and the young people may discover the joy of entering into Christ’s "being for others" (Spe Salvi, 28).

Before I conclude, I wish to add a particular word of appreciation for those whose task it is to ensure that our schools provide a safe environment for children and young people. Our responsibility towards those entrusted to us for their Christian formation demands nothing less. Indeed, the life of faith can only be effectively nurtured when the prevailing atmosphere is one of respectful and affectionate trust. I pray that this may continue to be a hallmark of the Catholic schools in this country.

With these sentiments, dear Brothers and Sisters, I invite you now to stand and pray.

© Copyright 2010 -- Libreria Editrice Vaticana
--------------------------------------------------------------------------------

Papal Address to the Students of UK's Catholic Schools
"What God Wants. .. for Each One of You Is That You Should Become Holy"

LONDON, SEPT. 17, 2010 - Here is the address Benedict XVI delivered today, the second day of his four-day state visit to the United Kingdom, during a meeting with some 4,000 students of Catholic schools at the Sports Arena of St Mary’s University College in Twickenham. All the Catholic schools of England, Wales and Scotland followed the event via Internet.

Dear Brothers and Sisters in Christ,
Dear young friends,

First of all, I want to say how glad I am to be here with you today. I greet you most warmly, those who have come to Saint Mary’s University from Catholic schools and colleges across the United Kingdom, and all who are watching on television and via the internet. I thank Bishop McMahon for his gracious welcome, I thank the choir and the band for the lovely music which began our celebration, and I thank Miss Bellot for her kind words on behalf of all the young people present. In view of London’s forthcoming Olympic Games, it has been a pleasure to inaugurate this Sports Foundation, named in honour of Pope John Paul II, and I pray that all who come here will give glory to God through their sporting activities, as well as bringing enjoyment to themselves and to others.

It is not often that a Pope, or indeed anyone else, has the opportunity to speak to the students of all the Catholic schools of England, Wales and Scotland at the same time. And since I have the chance now, there is something I very much want to say to you. I hope that among those of you listening to me today there are some of the future saints of the twenty-first century. What God wants most of all for each one of you is that you should become holy. He loves you much more than you could ever begin to imagine, and he wants the very best for you. And by far the best thing for you is to grow in holiness.

Perhaps some of you have never thought about this before. Perhaps some of you think being a saint is not for you. Let me explain what I mean. When we are young, we can usually think of people that we look up to, people we admire, people we want to be like. It could be someone we meet in our daily lives that we hold in great esteem. Or it could be someone famous. We live in a celebrity culture, and young people are often encouraged to model themselves on figures from the world of sport or entertainment. My question for you is this: what are the qualities you see in others that you would most like to have yourselves? What kind of person would you really like to be?

When I invite you to become saints, I am asking you not to be content with second best. I am asking you not to pursue one limited goal and ignore all the others. Having money makes it possible to be generous and to do good in the world, but on its own, it is not enough to make us happy. Being highly skilled in some activity or profession is good, but it will not satisfy us unless we aim for something greater still. It might make us famous, but it will not make us happy. Happiness is something we all want, but one of the great tragedies in this world is that so many people never find it, because they look for it in the wrong places. The key to it is very simple – true happiness is to be found in God. We need to have the courage to place our deepest hopes in God alone, not in money, in a career, in worldly success, or in our relationships with others, but in God. Only he can satisfy the deepest needs of our hearts.

Not only does God love us with a depth and an intensity that we can scarcely begin to comprehend, but he invites us to respond to that love. You all know what it is like when you meet someone interesting and attractive, and you want to be that person’s friend. You always hope they will find you interesting and attractive, and want to be your friend. God wants your friendship. And once you enter into friendship with God, everything in your life begins to change. As you come to know him better, you find you want to reflect something of his infinite goodness in your own life. You are attracted to the practice of virtue. You begin to see greed and selfishness and all the other sins for what they really are, destructive and dangerous tendencies that cause deep suffering and do great damage, and you want to avoid falling into that trap yourselves. You begin to feel compassion for people in difficulties and you are eager to do something to help them. You want to come to the aid of the poor and the hungry, you want to comfort the sorrowful, you want to be kind and generous. And once these things begin to matter to you, you are well on the way to becoming saints.

In your Catholic schools, there is always a bigger picture over and above the individual subjects you study, the different skills you learn. All the work you do is placed in the context of growing in friendship with God, and all that flows from that friendship. So you learn not just to be good students, but good citizens, good people. As you move higher up the school, you have to make choices regarding the subjects you study, you begin to specialize with a view to what you are going to do later on in life. That is right and proper. But always remember that every subject you study is part of a bigger picture. Never allow yourselves to become narrow. The world needs good scientists, but a scientific outlook becomes dangerously narrow if it ignores the religious or ethical dimension of life, just as religion becomes narrow if it rejects the legitimate contribution of science to our understanding of the world. We need good historians and philosophers and economists, but if the account they give of human life within their particular field is too narrowly focused, they can lead us seriously astray.

A good school provides a rounded education for the whole person. And a good Catholic school, over and above this, should help all its students to become saints. I know that there are many non-Catholics studying in the Catholic schools in Great Britain, and I wish to include all of you in my words today. I pray that you too will feel encouraged to practise virtue and to grow in knowledge and friendship with God alongside your Catholic classmates. You are a reminder to them of the bigger picture that exists outside the school, and indeed, it is only right that respect and friendship for members of other religious traditions should be among the virtues learned in a Catholic school. I hope too that you will want to share with everyone you meet the values and insights you have learned through the Christian education you have received.

Dear friends, I thank you for your attention, I promise to pray for you, and I ask you to pray for me. I hope to see many of you next August, at the World Youth Day in Madrid. In the meantime, may God bless you all!

© Copyright 2010 -- Libreria Editrice Vaticana
--------------------------------------------------------------------------------

Holy Father's Words to Religious Leaders in UK
"Genuine Religious Belief Points Us Beyond Present Utility Toward the Transcendent"

LONDON, SEPT. 17, 2010 - Here is address Benedict XVI delivered today upon meeting with religious leaders in the Waldegrave Drawing Room of St. Mary’s University College in Twickenham.

Distinguished guests, dear friends,

I am very pleased to have this opportunity to meet you, the representatives of the various religious communities in Great Britain. I greet both the ministers of religion present and those of you who are active in politics, business and industry. I am grateful to Dr Azzam and to Chief Rabbi Lord Sacks for the greetings which they have expressed on your behalf. As I salute you, let me also wish the Jewish community in Britain and throughout the world a happy and holy celebration of Yom Kippur.

I would like to begin my remarks by expressing the Catholic Church’s appreciation for the important witness that all of you bear as spiritual men and women living at a time when religious convictions are not always understood or appreciated. The presence of committed believers in various fields of social and economic life speaks eloquently of the fact that the spiritual dimension of our lives is fundamental to our identity as human beings, that man, in other words, does not live by bread alone (cf. Deut 8:3). As followers of different religious traditions working together for the good of the community at large, we attach great importance to this "side by side" dimension of our cooperation, which complements the "face to face" aspect of our continuing dialogue.

On the spiritual level, all of us, in our different ways, are personally engaged in a journey that grants an answer to the most important question of all – the question concerning the ultimate meaning of our human existence. The quest for the sacred is the search for the one thing necessary, which alone satisfies the longings of the human heart. In the fifth century, Saint Augustine described that search in these terms: "Lord, you have created us for yourself and our hearts are restless until they rest in you" (Confessions, Book I, 1). As we embark on this adventure we come to realize more and more that the initiative lies not with us, but with the Lord: it is not so much we who are seeking him, but rather he who is seeking us, indeed it was he who placed that longing for him deep within our hearts.

Your presence and witness in the world points towards the fundamental importance for human life of this spiritual quest in which we are engaged. Within their own spheres of competence, the human and natural sciences provide us with an invaluable understanding of aspects of our existence and they deepen our grasp of the workings of the physical universe, which can then be harnessed in order to bring great benefit to the human family. Yet these disciplines do not and cannot answer the fundamental question, because they operate on another level altogether. They cannot satisfy the deepest longings of the human heart, they cannot fully explain to us our origin and our destiny, why and for what purpose we exist, nor indeed can they provide us with an exhaustive answer to the question, "Why is there something rather than nothing?"

The quest for the sacred does not devalue other fields of human enquiry. On the contrary, it places them in a context which magnifies their importance, as ways of responsibly exercising our stewardship over creation. In the Bible, we read that, after the work of creation was completed, God blessed our first parents and said to them, "Be fruitful and multiply, and fill the earth and subdue it" (Genesis 1:28). He entrusted us with the task of exploring and harnessing the mysteries of nature in order to serve a higher good. What is that higher good? In the Christian faith, it is expressed as love for God and love for our neighbour. And so we engage with the world wholeheartedly and enthusiastically, but always with a view to serving that higher good, lest we disfigure the beauty of creation by exploiting it for selfish purposes.

So it is that genuine religious belief points us beyond present utility towards the transcendent. It reminds us of the possibility and the imperative of moral conversion, of the duty to live peaceably with our neighbour, of the importance of living a life of integrity. Properly understood, it brings enlightenment, it purifies our hearts and it inspires noble and generous action, to the benefit of the entire human family. It motivates us to cultivate the practice of virtue and to reach out towards one another in love, with the greatest respect for religious traditions different from our own.

Ever since the Second Vatican Council, the Catholic Church has placed special emphasis on the importance of dialogue and cooperation with the followers of other religions. In order to be fruitful, this requires reciprocity on the part of all partners in dialogue and the followers of other religions. I am thinking in particular of situations in some parts of the world, where cooperation and dialogue between religions calls for mutual respect, the freedom to practise one’s religion and to engage in acts of public worship, and the freedom to follow one’s conscience without suffering ostracism or persecution, even after conversion from one religion to another. Once such a respect and openness has been established, peoples of all religions will work together effectively for peace and mutual understanding, and so give a convincing witness before the world.

This kind of dialogue needs to take place on a number of different levels, and should not be limited to formal discussions. The dialogue of life involves simply living alongside one another and learning from one another in such a way as to grow in mutual knowledge and respect. The dialogue of action brings us together in concrete forms of collaboration, as we apply our religious insights to the task of promoting integral human development, working for peace, justice and the stewardship of creation. Such a dialogue may include exploring together how to defend human life at every stage and how to ensure the non-exclusion of the religious dimension of individuals and communities in the life of society. Then at the level of formal conversations, there is a need not only for theological exchange, but also sharing our spiritual riches, speaking of our experience of prayer and contemplation, and expressing to one another the joy of our encounter with divine love. In this context I am pleased to note the many positive initiatives undertaken in this country to promote such dialogue at a variety of levels. As the Catholic Bishops of England and Wales noted in their recent document Meeting God in Friend and Stranger, the effort to reach out in friendship to followers of other religions is becoming a familiar part of the mission of the local Church (n. 228), a characteristic feature of the religious landscape in this country.

My dear friends, as I conclude my remarks, let me assure you that the Catholic Church follows the path of engagement and dialogue out of a genuine sense of respect for you and your beliefs. Catholics, both in Britain and throughout the world, will continue to work to build bridges of friendship to other religions, to heal past wrongs and to foster trust between individuals and communities. Let me reiterate my thanks for your welcome and my gratitude for this opportunity to offer you my encouragement for your dialogue with your Christian sisters and brothers. Upon all of you I invoke abundant divine blessings! Thank you very much.

© Copyright 2010 -- Libreria Editrice Vaticana
--------------------------------------------------------------------------------

Holy Father's Discourse at Lambeth Palace
"Culture Is Growing Ever More Distant From Its Christian Roots"

LONDON, SEPT. 17, 2010 - Here is the address Benedict XVI today when he met with Archbishop Rowan Williams of Canterbury at Lambeth Palace. The Holy Father is on the second day of his four-day trip to the United Kingdom.

Your Grace,

It is a pleasure for me to be able to return the courtesy of the visits you have made to me in Rome by a fraternal visit to you here in your official residence. I thank you for your invitation and for the hospitality that you have so generously provided. I greet too the Anglican Bishops gathered here from different parts of the United Kingdom, my brother Bishops from the Catholic Dioceses of England, Wales and Scotland, and the ecumenical advisers who are present.

You have spoken, Your Grace, of the historic meeting that took place, almost thirty years ago, between two of our predecessors – Pope John Paul the Second and Archbishop Robert Runcie – in Canterbury Cathedral. There, in the very place where Saint Thomas of Canterbury bore witness to Christ by the shedding of his blood, they prayed together for the gift of unity among the followers of Christ. We continue today to pray for that gift, knowing that the unity Christ willed for his disciples will only come about in answer to prayer, through the action of the Holy Spirit, who ceaselessly renews the Church and guides her into the fullness of truth.

It is not my intention today to speak of the difficulties that the ecumenical path has encountered and continues to encounter. Those difficulties are well known to everyone here. Rather, I wish to join you in giving thanks for the deep friendship that has grown between us and for the remarkable progress that has been made in so many areas of dialogue during the forty years that have elapsed since the Anglican-Roman Catholic International Commission began its work. Let us entrust the fruits of that work to the Lord of the harvest, confident that he will bless our friendship with further significant growth.

The context in which dialogue takes place between the Anglican Communion and the Catholic Church has evolved in dramatic ways since the private meeting between Pope John XXIII and Archbishop Geoffrey Fisher in 1960. On the one hand, the surrounding culture is growing ever more distant from its Christian roots, despite a deep and widespread hunger for spiritual nourishment. On the other hand, the increasingly multicultural dimension of society, particularly marked in this country, brings with it the opportunity to encounter other religions. For us Christians this opens up the possibility of exploring, together with members of other religious traditions, ways of bearing witness to the transcendent dimension of the human person and the universal call to holiness, leading to the practice of virtue in our personal and social lives. Ecumenical cooperation in this task remains essential, and will surely bear fruit in promoting peace and harmony in a world that so often seems at risk of fragmentation.

At the same time, we Christians must never hesitate to proclaim our faith in the uniqueness of the salvation won for us by Christ, and to explore together a deeper understanding of the means he has placed at our disposal for attaining that salvation. God "wants all to be saved, and to come to the knowledge of the truth" (1 Timothy 2:4), and that truth is nothing other than Jesus Christ, eternal Son of the Father, who has reconciled all things in himself by the power of his Cross. In fidelity to the Lord’s will, as expressed in that passage from Saint Paul’s First Letter to Timothy, we recognize that the Church is called to be inclusive, yet never at the expense of Christian truth. Herein lies the dilemma facing all who are genuinely committed to the ecumenical journey.

In the figure of John Henry Newman, who is to be beatified on Sunday, we celebrate a churchman whose ecclesial vision was nurtured by his Anglican background and matured during his many years of ordained ministry in the Church of England. He can teach us the virtues that ecumenism demands: on the one hand, he was moved to follow his conscience, even at great personal cost; and on the other hand, the warmth of his continued friendship with his former colleagues, led him to explore with them, in a truly eirenical spirit, the questions on which they differed, driven by a deep longing for unity in faith. Your Grace, in that same spirit of friendship, let us renew our determination to pursue the goal of unity in faith, hope, and love, in accordance with the will of our one Lord and Saviour Jesus Christ.

With these sentiments, I take my leave of you. May the grace of the Lord Jesus Christ and the love of God and the fellowship of the Holy Spirit be with you all (2 Corinthians 13:13).

© Copyright 2010 -- Libreria Editrice Vaticana
--------------------------------------------------------------------------------

Papal Address at Westminster Hall
"Acknowledge the Vital Contribution That Religious Belief Has Made"

LONDON, SEPT. 17, 2010 - Here is the text of the address Benedict XVI delivered today at a meeting with representatives of civil society, academic, cultural and entrepreneurial world, diplomatic corps and religious leaders at Westminster Hall. The Holy Father is on the second day of his four-day trip to the United Kingdom.

Mr Speaker,

Thank you for your words of welcome on behalf of this distinguished gathering. As I address you, I am conscious of the privilege afforded me to speak to the British people and their representatives in Westminster Hall, a building of unique significance in the civil and political history of the people of these islands. Allow me also to express my esteem for the Parliament which has existed on this site for centuries and which has had such a profound influence on the development of participative government among the nations, especially in the Commonwealth and the English-speaking world at large. Your common law tradition serves as the basis of legal systems in many parts of the world, and your particular vision of the respective rights and duties of the state and the individual, and of the separation of powers, remains an inspiration to many across the globe.

As I speak to you in this historic setting, I think of the countless men and women down the centuries who have played their part in the momentous events that have taken place within these walls and have shaped the lives of many generations of Britons, and others besides. In particular, I recall the figure of Saint Thomas More, the great English scholar and statesman, who is admired by believers and non-believers alike for the integrity with which he followed his conscience, even at the cost of displeasing the sovereign whose "good servant" he was, because he chose to serve God first. The dilemma which faced More in those difficult times, the perennial question of the relationship between what is owed to Caesar and what is owed to God, allows me the opportunity to reflect with you briefly on the proper place of religious belief within the political process.

This country’s Parliamentary tradition owes much to the national instinct for moderation, to the desire to achieve a genuine balance between the legitimate claims of government and the rights of those subject to it. While decisive steps have been taken at several points in your history to place limits on the exercise of power, the nation’s political institutions have been able to evolve with a remarkable degree of stability. In the process, Britain has emerged as a pluralist democracy which places great value on freedom of speech, freedom of political affiliation and respect for the rule of law, with a strong sense of the individual’s rights and duties, and of the equality of all citizens before the law. While couched in different language, Catholic social teaching has much in common with this approach, in its overriding concern to safeguard the unique dignity of every human person, created in the image and likeness of God, and in its emphasis on the duty of civil authority to foster the common good.

And yet the fundamental questions at stake in Thomas More’s trial continue to present themselves in ever-changing terms as new social conditions emerge. Each generation, as it seeks to advance the common good, must ask anew: what are the requirements that governments may reasonably impose upon citizens, and how far do they extend? By appeal to what authority can moral dilemmas be resolved? These questions take us directly to the ethical foundations of civil discourse. If the moral principles underpinning the democratic process are themselves determined by nothing more solid than social consensus, then the fragility of the process becomes all too evident - herein lies the real challenge for democracy.

The inadequacy of pragmatic, short-term solutions to complex social and ethical problems has been illustrated all too clearly by the recent global financial crisis. There is widespread agreement that the lack of a solid ethical foundation for economic activity has contributed to the grave difficulties now being experienced by millions of people throughout the world. Just as "every economic decision has a moral consequence" (Caritas in Veritate, 37), so too in the political field, the ethical dimension of policy has far-reaching consequences that no government can afford to ignore. A positive illustration of this is found in one of the British Parliament’s particularly notable achievements – the abolition of the slave trade. The campaign that led to this landmark legislation was built upon firm ethical principles, rooted in the natural law, and it has made a contribution to civilization of which this nation may be justly proud.

The central question at issue, then, is this: where is the ethical foundation for political choices to be found? The Catholic tradition maintains that the objective norms governing right action are accessible to reason, prescinding from the content of revelation. According to this understanding, the role of religion in political debate is not so much to supply these norms, as if they could not be known by non-believers – still less to propose concrete political solutions, which would lie altogether outside the competence of religion – but rather to help purify and shed light upon the application of reason to the discovery of objective moral principles. This "corrective" role of religion vis-à-vis reason is not always welcomed, though, partly because distorted forms of religion, such as sectarianism and fundamentalism, can be seen to create serious social problems themselves. And in their turn, these distortions of religion arise when insufficient attention is given to the purifying and structuring role of reason within religion. It is a two-way process. Without the corrective supplied by religion, though, reason too can fall prey to distortions, as when it is manipulated by ideology, or applied in a partial way that fails to take full account of the dignity of the human person. Such misuse of reason, after all, was what gave rise to the slave trade in the first place and to many other social evils, not least the totalitarian ideologies of the twentieth century. This is why I would suggest that the world of reason and the world of faith – the world of secular rationality and the world of religious belief – need one another and should not be afraid to enter into a profound and ongoing dialogue, for the good of our civilization.

Religion, in other words, is not a problem for legislators to solve, but a vital contributor to the national conversation. In this light, I cannot but voice my concern at the increasing marginalization of religion, particularly of Christianity, that is taking place in some quarters, even in nations which place a great emphasis on tolerance. There are those who would advocate that the voice of religion be silenced, or at least relegated to the purely private sphere. There are those who argue that the public celebration of festivals such as Christmas should be discouraged, in the questionable belief that it might somehow offend those of other religions or none. And there are those who argue – paradoxically with the intention of eliminating discrimination – that Christians in public roles should be required at times to act against their conscience. These are worrying signs of a failure to appreciate not only the rights of believers to freedom of conscience and freedom of religion, but also the legitimate role of religion in the public square. I would invite all of you, therefore, within your respective spheres of influence, to seek ways of promoting and encouraging dialogue between faith and reason at every level of national life.

Your readiness to do so is already implied in the unprecedented invitation extended to me today. And it finds expression in the fields of concern in which your Government has been engaged with the Holy See. In the area of peace, there have been exchanges regarding the elaboration of an international arms trade treaty; regarding human rights, the Holy See and the United Kingdom have welcomed the spread of democracy, especially in the last sixty-five years; in the field of development, there has been collaboration on debt relief, fair trade and financing for development, particularly through the International Finance Facility, the International Immunization Bond, and the Advanced Market Commitment. The Holy See also looks forward to exploring with the United Kingdom new ways to promote environmental responsibility, to the benefit of all.

I also note that the present Government has committed the United Kingdom to devoting 0.7% of national income to development aid by 2013. In recent years it has been encouraging to witness the positive signs of a worldwide growth in solidarity towards the poor. But to turn this solidarity into effective action calls for fresh thinking that will improve life conditions in many important areas, such as food production, clean water, job creation, education, support to families, especially migrants, and basic healthcare. Where human lives are concerned, time is always short: yet the world has witnessed the vast resources that governments can draw upon to rescue financial institutions deemed "too big to fail". Surely the integral human development of the world’s peoples is no less important: here is an enterprise, worthy of the world’s attention, that is truly "too big to fail".

This overview of recent cooperation between the United Kingdom and the Holy See illustrates well how much progress has been made, in the years that have passed since the establishment of bilateral diplomatic relations, in promoting throughout the world the many core values that we share. I hope and pray that this relationship will continue to bear fruit, and that it will be mirrored in a growing acceptance of the need for dialogue and respect at every level of society between the world of reason and the world of faith. I am convinced that, within this country too, there are many areas in which the Church and the public authorities can work together for the good of citizens, in harmony with Britain’s long-standing tradition. For such cooperation to be possible, religious bodies – including institutions linked to the Catholic Church – need to be free to act in accordance with their own principles and specific convictions based upon the faith and the official teaching of the Church. In this way, such basic rights as religious freedom, freedom of conscience and freedom of association are guaranteed. The angels looking down on us from the magnificent ceiling of this ancient Hall remind us of the long tradition from which British Parliamentary democracy has evolved. They remind us that God is constantly watching over us to guide and protect us. And they summon us to acknowledge the vital contribution that religious belief has made and can continue to make to the life of the nation.

Mr Speaker, I thank you once again for this opportunity briefly to address this distinguished audience. Let me assure you and the Lord Speaker of my continued good wishes and prayers for you and for the fruitful work of both Houses of this ancient Parliament. Thank you and God bless you all!

© Copyright 2010 -- Libreria Editrice Vaticana
--------------------------------------------------------------------------------

Holy Father's Address at Ecumenical Celebration
"Obedience. .. Must Be Free of Intellectual Conformism"

LONDON, SEPT. 17, 2010 - Here is the address Benedict XVI delivered today at an ecumenical celebration at Westminster Abbey. The Pope arrived to the abbey with the Anglican Archbishop Rowan Williams of Canterbury and the Catholic Archbishop Vincent Nichols of Westminster.

Before addressing those gathered for the celebration, the Pope visited the Tomb of the Unknown Soldier, dedicated to those who died in World War I. The Pope said a brief prayer for peace on the 70th anniversary of the Battle of Britain.

Your Grace, Mr Dean,
Dear Friends in Christ,

I thank you for your gracious welcome. This noble edifice evokes England’s long history, so deeply marked by the preaching of the Gospel and the Christian culture to which it gave birth. I come here today as a pilgrim from Rome, to pray before the tomb of Saint Edward the Confessor and to join you in imploring the gift of Christian unity. May these moments of prayer and friendship confirm us in love for Jesus Christ, our Lord and Saviour, and in common witness to the enduring power of the Gospel to illumine the future of this great nation.

Dear friends in Christ,

I thank the Lord for this opportunity to join you, the representatives of the Christian confessions present in Great Britain, in this magnificent Abbey Church dedicated to Saint Peter, whose architecture and history speak so eloquently of our common heritage of faith. Here we cannot help but be reminded of how greatly the Christian faith shaped the unity and culture of Europe and the heart and spirit of the English people. Here too, we are forcibly reminded that what we share, in Christ, is greater than what continues to divide us.

I am grateful to His Grace the Archbishop of Canterbury for his kind greeting, and to the Dean and Chapter of this venerable Abbey for their cordial welcome. I thank the Lord for allowing me, as the Successor of Saint Peter in the See of Rome, to make this pilgrimage to the tomb of Saint Edward the Confessor. Edward, King of England, remains a model of Christian witness and an example of that true grandeur to which the Lord summons his disciples in the Scriptures we have just heard: the grandeur of a humility and obedience grounded in Christ’s own example (cf. Phil 2:6-8), the grandeur of a fidelity which does not hesitate to embrace the mystery of the Cross out of undying love for the divine Master and unfailing hope in his promises (cf. Mk 10:43-44).

This year, as we know, marks the hundredth anniversary of the modern ecumenical movement, which began with the Edinburgh Conference’s appeal for Christian unity as the prerequisite for a credible and convincing witness to the Gospel in our time. In commemorating this anniversary, we must give thanks for the remarkable progress made towards this noble goal through the efforts of committed Christians of every denomination. At the same time, however, we remain conscious of how much yet remains to be done. In a world marked by growing interdependence and solidarity, we are challenged to proclaim with renewed conviction the reality of our reconciliation and liberation in Christ, and to propose the truth of the Gospel as the key to an authentic and integral human development. In a society which has become increasingly indifferent or even hostile to the Christian message, we are all the more compelled to give a joyful and convincing account of the hope that is within us (cf. 1 Pet 3:15), and to present the Risen Lord as the response to the deepest questions and spiritual aspirations of the men and women of our time.

As we processed to the chancel at the beginning of this service, the choir sang that Christ is our "sure foundation". He is the Eternal Son of God, of one substance with the Father, who took flesh, as the Creed states, "for us men and for our salvation". He alone has the words of everlasting life. In him, as the Apostle teaches, "all things hold together" … "for in him all the fullness of God was pleased to dwell" (Col 1:17,19).

Our commitment to Christian unity is born of nothing less than our faith in Christ, in this Christ, risen from the dead and seated at the right hand of the Father, who will come again in glory to judge the living and the dead. It is the reality of Christ’s person, his saving work and above all the historical fact of his resurrection, which is the content of the apostolic kerygma and those credal formulas which, beginning in the New Testament itself, have guaranteed the integrity of its transmission. The Church’s unity, in a word, can never be other than a unity in the apostolic faith, in the faith entrusted to each new member of the Body of Christ during the rite of Baptism. It is this faith which unites us to the Lord, makes us sharers in his Holy Spirit, and thus, even now, sharers in the life of the Blessed Trinity, the model of the Church’s koinonia here below.

Dear friends, we are all aware of the challenges, the blessings, the disappointments and the signs of hope which have marked our ecumenical journey. Tonight we entrust all of these to the Lord, confident in his providence and the power of his grace. We know that the friendships we have forged, the dialogue which we have begun and the hope which guides us will provide strength and direction as we persevere on our common journey. At the same time, with evangelical realism, we must also recognize the challenges which confront us, not only along the path of Christian unity, but also in our task of proclaiming Christ in our day. Fidelity to the word of God, precisely because it is a true word, demands of us an obedience which leads us together to a deeper understanding of the Lord’s will, an obedience which must be free of intellectual conformism or facile accommodation to the spirit of the age. This is the word of encouragement which I wish to leave with you this evening, and I do so in fidelity to my ministry as the Bishop of Rome and the Successor of Saint Peter, charged with a particular care for the unity of Christ’s flock.

Gathered in this ancient monastic church, we can recall the example of a great Englishman and churchman whom we honour in common: Saint Bede the Venerable. At the dawn of a new age in the life of society and of the Church, Bede understood both the importance of fidelity to the word of God as transmitted by the apostolic tradition, and the need for creative openness to new developments and to the demands of a sound implantation of the Gospel in contemporary language and culture.

This nation, and the Europe which Bede and his contemporaries helped to build, once again stands at the threshold of a new age. May Saint Bede’s example inspire the Christians of these lands to rediscover their shared legacy, to strengthen what they have in common, and to continue their efforts to grow in friendship. May the Risen Lord strengthen our efforts to mend the ruptures of the past and to meet the challenges of the present with hope in the future which, in his providence, he holds out to us and to our world. Amen.

© Copyright 2010 -- Libreria Editrice Vaticana
 
Pope in Britain: ''Shame'' and ''humiliation'' over priest’s abuse of children
Asia-News
09:09 18/09/2010
The "immense suffering" of victims of paedophile priests mentioned alongside those who suffer discrimination and persecution for their faith. Celebrating Mass in Westminster Cathedral, Benedict XVI again underlines the Church and society’s "need" for "witnesses" of Christ.

London (AsiaNews) – The " immense suffering caused by the abuse of children, especially within the Church and by her ministers " have caused "shame" and "humiliation" in "all": they are part of the many pains that Christians offer daily to God, be it when they suffer "discrimination and persecution for their faith," be it when they suffer ills of body, mind or spirit. On the third day of his visit to Britain, celebrating Mass in Westminster Cathedral, the heart of Catholic England, Benedict XVI thus addressed the theme that was used most in the controversies and attacks against him and against the Catholic Church.

Attacks and controversies that have appeared to have largely diminished. There is much talk today of the arrest of the six North Africans suspected of wanting to carry out an attack against Pope Benedict XVI, who "is happy about this trip and is calm," said Father Federico Lombardi, director of the Holy See Press Office. "We have full confidence - he added - in ability of the security forces to protect both the Pope and the public". The Pope, according to members of his entourage, "appreciates the visit and has been warmly welcomed everywhere." There was also a special edition of the Times, entirely devoted to the papal trip, which among other things, contains an article by Lord Christopher Patten, the prime minister's chief organiser of the visit, entitled " Why this state visit is well worth its cost to British taxpaiers”. And in this vein, this morning before going to Westminster, Benedict XVI met with the Prime Minister, David Cameron, the deputy prime minister, Nick Clegg, and acting leader of the opposition Leader, Harriet Harman.

There was another warm welcome at Westminster Cathedral, with the Archbishop of Canterbury, Rowan Williams also present. In the outside square, several thousand young people shouted their enthusiasm. " Think of all the love that your heart was made to receive, and all the love it is meant to give", he told them in a greeting after mass, then quoting Mother Teresa of Calcutta, "the great Missionary of Charity, reminded us that giving love, pure and generous love, is the fruit of a daily decision. Every day we have to choose to love, and this requires help, the help that comes from Christ, from prayer and from the wisdom found in his word, and from the grace which he bestows on us in the sacraments of his Church".

During the liturgy, Benedict XVI is inspired by the large crucifix overlooking the cathedral, dedicated to the Precious Blood, "the source of life of the Church." " Here the great crucifix which towers above us - he said - serves as a reminder that Christ, our eternal high priest, daily unites our own sacrifices, our own sufferings, our own needs, hopes and aspirations, to the infinite merits of his sacrifice. Through him, with him, and in him, we lift up our own bodies as a sacrifice holy and acceptable to God (cf. Rom 12:1). In this sense we are caught up in his eternal oblation, completing, as Saint Paul says, in our flesh what is lacking in Christ’s afflictions for the sake of his body, the Church (cf. Col 1:24). In the life of the Church, in her trials and tribulations, Christ continues, in the stark phrase of Pascal, to be in agony until the end of the world (Pensées, 553, éd. Brunschvicg).

“We see this aspect of the mystery of Christ’s precious blood represented, most eloquently, - he continued - by the martyrs of every age, who drank from the cup which Christ himself drank, and whose own blood, shed in union with his sacrifice, gives new life to the Church. It is also reflected in our brothers and sisters throughout the world who even now are suffering discrimination and persecution for their Christian faith. Yet it is also present, often hidden in the suffering of all those individual Christians who daily unite their sacrifices to those of the Lord for the sanctification of the Church and the redemption of the world. My thoughts go in a special way to all those who are spiritually united with this Eucharistic celebration, and in particular the sick, the elderly, the handicapped and those who suffer mentally and spiritually. Here too I think of the immense suffering caused by the abuse of children, especially within the Church and by her ministers. Above all, I express my deep sorrow to the innocent victims of these unspeakable crimes, along with my hope that the power of Christ’s grace, his sacrifice of reconciliation, will bring deep healing and peace to their lives. I also acknowledge, with you, the shame and humiliation which all of us have suffered because of these sins; and I invite you to offer it to the Lord with trust that this chastisement will contribute to the healing of the victims, the purification of the Church and the renewal of her age-old commitment to the education and care of young people. I express my gratitude for the efforts being made to address this problem responsibly, and I ask all of you to show your concern for the victims and solidarity with your priests”.

The Pope thus returns to what has been the fil rouge of this visit: the affirmation of the role of religion in society and the need for Christians to give witness to their faith. A true democracy does not discriminate against religion, but promotes collaboration between faith and reason, he said yesterday in a speech in Westminster Hall, addressed to British society. "How much contemporary society needs this witness! – he concluded - How much we need, in the Church and in society, witnesses of the beauty of holiness, witnesses of the splendour of truth, witnesses of the joy and freedom born of a living relationship with Christ! One of the greatest challenges facing us today is how to speak convincingly of the wisdom and liberating power of God’s word to a world which all too often sees the Gospel as a constriction of human freedom, instead of the truth which liberates our minds and enlightens our efforts to live wisely and well, both as individuals and as members of society".

(Source: http://www.asianews.it/news-en/Pope-in-Britain:-Shame-and-humiliation-over-priest%e2%80%99s-abuse-of-children-19497.html)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ đặt viên đá góc nhà thờ giáo họ Nam Phong, giáo xứ Nam Biên, giáo phận Thái Bình
Hoa Sữa
09:16 18/09/2010
THÁI BÌNH - Sáng ngày 15/09/2010, Đức cha Phêrô, chủ chăn giáo phận Thái Bình đã tới dâng thánh lễ tạ ơn và cử hành nghi thức đặt viên đá góc khởi công xây dựng ngôi thánh đường kính thánh Phêrô của giáo họ Nam Phong, giáo xứ Nam Biên, giáo hạt Tiền Hải, giáo phận Thái Bình. Đồng tế với Đức cha có cha chánh xứ Giuse Nguyễn Thuân, có quý cha, quý tu sỹ nam nữ, quý khách và cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài giáo phận.

Xem hình ảnh

Giáo họ Nam Phong tọa lạc trên mảnh đất xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Số giáo dân hiện nay gần 300 người, với tổng số 44 hộ. Khởi đầu chỉ là một ngôi nhà của giáo dân dâng cúng, sau đó trở thành ngôi nhà nguyện nhỏ của giáo khu. Giáo họ Nam Phong có được như ngày hôm nay là do ơn Chúa ban, qua các đấng bậc, các vị tiền nhân đã can đảm sống và giữ vững Đức Tin rồi truyền đạt lại cho con cháu.

Số giáo dân mỗi ngày một tăng thêm và lúc đó cha xứ Vinh sơn Đỗ Cao Thăng vẫn đang coi sóc, xét thấy nhu cầu cần thiết cho giáo dân và hội đủ điều kiện thành lập một họ đạo; do đó cha Thăng đã đệ đơn xin Đức cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám mục giáo phận Thái Bình, ngài đã cho phép thành lập nên giáo họ vào ngày 16 /01/2003, lấy tên gọi “Nam Phong”.

Để khởi công xây dựng nhà thờ giáo họ Nam Phong, cha quản xứ Giuse Nguyễn Thuân với tấm lòng của người mục tử, đã động viên mọi người trong giáo họ, giáo xứ hãy cố gắng hy sinh, chung sức, chung lòng cho công trình nhà Chúa, và ngôi nhà thờ đã được khởi công xây dựng từ ngày 15/08/2010, với tổng diện tích 430m, chiều dài 35 m, rộng 13m, cao 25m, tháp chuông cao 35m liền với nhà thờ.

Phần Thánh lễ, trong bài giảng đức cha Phêrô, chủ chăn giáo phận đã động viên và khen ngợi tinh thần sống đạo của mọi người. Ngài cũng nhắc nhở mỗi người hãy tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa ban, và nhớ đến các bậc tiền nhân những người đã cam đảm sống Đức Tin và truyền lại cho chúng ta ngày hôm nay.

Đức cha đã nhắn nhủ bà con giáo họ, việc xây dựng ngôi thánh đường vật chất này là cần thiết nhưng không được quên việc xây dựng đền thờ trong tâm hồn. Ngài đã xin Chúa đặt viên đá thiêng liêng vào trong tâm hồn mỗi người để dù đi đâu chúng ta cũng mang đền thờ Chúa trong trái tim mình, và Đức cha đã cầu chúc cho ngôi nhà thờ mới sớm được hoàn thiện như lòng Chúa mong muốn.

Trước khi ban phép lành kết thúc Thánh lễ, vị đại diện giáo họ đã dâng lời cảm tạ. Xin tạ ơn Chúa vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương; xin tri ân Đức cha, vị cha chung của giáo phận hằng quan tâm và giúp đỡ giáo họ; xin cám ơn cha quản nhiệm Giuse Nguyễn Thuân, quý cha, quý tu sỹ nam nữ và mọi thành phần dân Chúa đã cầu nguyện, góp công-của xây dựng ngôi nhà thờ giáo họ Nam Phong này; xin tiếp tục cầu nguyện và giúp đỡ giáo họ chúng con để chúng sớm hoàn thành công trình Đức Tin này.
 
CĐCGVN Sydney Thăm Viếng Mộ Thánh Nữ Mary MacKillop
Diệp Hải Dung
09:21 18/09/2010
SYDNEY - Sáng thứ Bảy 18/09/2010 Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney cùng hiệp thông với Giáo Hội Úc Châu hành hương kính viếng mộ Thánh Mary MacKillop vị Thánh đầu tiên của nước Úc sẽ được Đức Giáo Hoàng Benedict 16 phong Thánh vào ngày 17/10/2010 sắp tới.

Xem hình ảnh

Vì nhà nguyện Thánh Mary MacKillop và khu vực chung quanh tương đối giới hạn nên chương trình được sắp xếp: Thánh lễ 9 giờ 30 sáng dành cho 4 Giáo Đoàn Lakemba, George Hall, Marrickville và Revesby do quý Cha Tuyên úy Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Cha Nguyễn Văn Tuyết và Cha Đặng Đình Nên hướng dẫn phương tiện di chuyển bằng xe Bus lên Memorial Mary MacKillop Chapel – North Sydney và hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện tạ ơn.

Kế tiếp đến 11 giờ 30 sáng dành cho 4 Giáo đoàn Cabramatta, Fairfield, Miller và Mt. Pritchard do quý Cha Paul Văn Chi và Cha Dương Thanh Liêm hướng dẫn với phương tiện di chuyển bằng xe Bus.

Trong Thánh lễ 11 giờ 30 Cha Dương Thanh Liêm thuyết giảng về cuộc đời của Nữ Tu Mary MacKillop sanh 15/01/1842 tại Fitzroy Melbourne tiểu bang Victoria Úc Châu từ nhỏ đã có tên Mary Helen là chị cả của 7 người em 3 trai 4 gái. Cha mẹ Ngài ông Alexander Mackillop là dân Scotland nhập cư Úc. Khi Mary MacKillop gặp Cha Woods thì Cha Woods nghĩ ngay đến việc lập Dòng Nữ Tu tại Úc. Cha Woods thấy Mary MacKillop là người có thể giúp mình đạt được ước nguyện.

Ngày 19/03/1866 Lễ kính Thánh Giuse. Mary MacKillop cở bỏ y phục trần tục khoác vào tu phục đơn giản. Chị là Nữ Tu đầu tiên của Dòng các Nữ Tu Thánh Giuse Thánh Tâm (The Sisters of Saint Joseph of red Heart) Nữ Tu MacKillop đã sống với khẩu hiệu “ Đừng nhìn tha nhân thiếu thốn mà làm ngơ..” Đến năm 1902 Nữ Tu bị đột quỵ và sức khỏe kiệt dần. Đức Hồng Y Moran đến thăm Ngài và nói “ Tôi coi như hôm nay tôi đã giúp đỡ tại giường chết một vị Thánh” Thánh Nữ Mary Mackillop về với Chúa 08/08/1909. Sau khi Thánh Nữ Mackillop qua đời thì người ta nhận xét sự thánh thiện của vị Nữ Tu nước Úc.

Sau khi kết thúc Thánh lễ. Cha Paul Văn Chi ngỏ lời cám ơn quý Cha và tất cả mọi người đồng thời cùng với quý Cha đến thăm mộ Thánh nữ MacKillop. Mọi người cũng xếp hàng đến viếng mộ Thánh nữ và cầu nguyện xin ơn. Ngoài ra còn đi tham quan những di tích của Thánh nữ trong khuôn viên nhà nguyện. Sau đó kết thúc bế mạc và ra về.
 
Khoảng cách: Khuôn mặt từ thiện
Phanxicô Xaviê
09:40 18/09/2010
Theo báo chí gần đây cho biết, “khuôn mặt từ thiện” của thế giới đang được khắc họa ngày càng nhiều ở khắp nơi. Cụ thể trong bảng chỉ số thiện nguyện của 153 quốc gia, đứng đầu là Úc và New Zealand - đồng hạng nhất, Ireland và Canada - đồng hạng 3, Mỹ và Thụy Sĩ - đồng hạng 5. Gần như các nước giàu phương Tây chiếm phần lớn những thứ hạng cao nhưng cũng không ít nước nghèo đạt chỉ số thiện nguyện đáng khâm phục, như Sri Lanka (hạng 8 thế giới và đứng đầu châu Á), Lào và Sierra Leone (đồng hạng 11)...

Việt Nam thì sao? Theo báo cáo của Quỹ Hỗ trợ từ thiện Anh (CAF) và Viện Gallup được công bố ngày 8-9, Việt Nam xếp ở vị trí 138 với 3 tiêu chí tương ứng là 17% số người cho tiền, 6% dành thời gian và 32% giúp người lạ trong tháng trước khi diễn ra cuộc thăm dò. Ở thứ hạng này, Việt Nam đứng sau Ấn Độ 4 bậc, cùng vị trí với Nga và trên Trung Quốc 9 bậc. Kết quả cho thấy sự giàu có, tầm vóc quốc gia không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với sự hào phóng...

Ở Việt Nam, xem ra hoạt động thiện nguyện còn quá mờ nhạt cho dù tầng lớp giàu có và trung lưu xuất hiện ngày càng nhiều, hố ngăn cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng sâu. Có một bộ phận những người giàu có thích đánh bóng tên tuổi. Họ tranh thủ cơ hội để khoe khoang nhà cửa, đất đai, xe cộ, tiền của và những tài sản cao giá khác. Chỉ toàn vật chất. Rất tiếc là khó tìm thấy những cái đẹp mang dấu ấn tinh thần của họ!

Thời nào và ở đâu cũng luôn luôn có những người giàu có, nhưng sống ích kỷ - chỉ biết lo sống thoải mái với những người thân thiết – mà không bận tâm gì đến những người nghèo khó cận kề - thậm chí còn xa lánh xua đuổi họ. Xã hội chúng ta đang sống ngày nay cũng không hiếm những con người như vậy. Trước viễn cảnh trên, các bài đọc của Chúa nhật XXVI thường niên dường như cùng vang lên lời cảnh báo nghiêm trọng của Thiên Chúa: Sống ích kỷ là tự đào hố chôn mình vĩnh viễn.

Bài sách Amos trong Chúa nhật trước đã nói đến những con người buôn bán muốn làm giàu bằng cách bóc lột người nghèo. Hôm nay nhà tiên tri nói đến hạng người đã khá giả và đang có thế lực, mà người phú hộ trong bài Tin mừng Luca (16, 19-31) là một tiêu biểu. Giáo huấn của Chúa dạy chúng ta không nên bắt trước những người này, nhưng hãy nghĩ đến tương lai dành cho những người như Lazarô.

Một lần nữa chúng ta lại nghe tiếng nói của tiên tri Amos. Ông là dân quê ở miền Nam nước Do thái, được Chúa chọn đi tuyên sấm ở miền Bắc. Từ một nếp sống bình dị nơi thôn dã, ông thấy mình đứng trước một xã hội buôn bán tấp nập. Không phải ông không muốn thích nghi với đời sống mới, nhưng con mắt của người được Chúa chọn nhận ra ngay những nguy hiểm của nếp sống chạy theo tiền bạc. Người ta cạnh tranh, lừa đảo, bóc lột nhau để mà làm giáu. Nhưng để làm gì?

Bài sách hôm nay mô tả nếp sống của hạng người đấy đủ trong xã hội. Nói đúng hơn, đây là giai cấp chiếm ưu thế và được biệt đãi. Họ ung dung cậy dựa vào thành trì kiên cố ở bờ cõi. Tức là họ đang tin vào trật tự an ninh của xứ sở. Pháp luật và quân đội đang bảo vệ họ, vì họ đang là giai cấp thống trị. Bề ngoài, người ta thấy họ như vậy, nhưng bên trong họ đang sống thế nào? Theo Amos, với lối sống lai căng, bắt chước Hy Lạp là dân ngoại, lớp người đứng đầu dân đã mất tinh thần dân tộc, và đương nhiên là mất cả tinh thần đạo đức. Bỏ nếp sống này để du nhập phong tục ngoại lai, chẳng khác nào là đã bỏ niềm tin vào Thiên Chúa. Với những con người đã đầy đủ, chúa của họ bây giờ là “cái bụng” cũng như đối với những kẻ đang làm giàu: tiền mới là chúa tể. Đối với cả hai hạng người này, đồng bào không còn là gì nữa, sống chết mặc bay. Tương lai dân tộc có làm sao, họ cũng chẳng thèm quan tâm. Và ở đây Amos nói: khi các thành trì bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị sụp đổ, họ sẽ là những người bị bắt đi lưu đày đầu tiên; họ sẽ dẫn đầu đoàn người bị phát lưu. Khi nói về định mệnh, tương lai của hạng người này, Amos vẫn chỉ chờ một cuộc đổi thay xã hội và những hình phạt mang tính cách trần gian. Nhưng với bài Tin mừng Luca (16, 19-31), chúng ta sẽ thấy một mạc khải đầy đủ hơn về tương lai của những người giàu có và giai cấp thống trị.

Thánh Luca kể rằng: có một người phú hộ ăn mặc gấm tía và lụa mịn, ngày ngày yến tiệc linh đình. Ông ta chỉ biết ăn uống, chè chén say sưa, mà chẳng hề để ý tới đồng loại… Có người ăn mày tên là Lazarô, nằm ở cổng nhà ông chỉ mong được miếng thừa trên bàn của ông liệng xuống mà vẫn không được. Rồi Lazarô chết và được các Thiên thần đưa lên dự tiệc ngay nơi lòng Abraham; còn người nhà giàu cũng chết, nhưng được tống táng. Số phận của Lazarô đã đổi thay hoàn toàn. Không do một biến động chính trị như Amos đã gợi đến trong bài đọc 1. Ở đây việc đổi thay số phận xảy ra bên kia thế giới, sau khi con người đã chết. Đó là bình diện Nước Trời chứ không còn trong phạm vi trần gian.

Như vậy, Lazarô được đưa lên trời, còn người phú hộ thì được đem đi tống táng. Một người ở trên và một người ở dưới. Kẻ ở dưới ngước mắt lên thấy người ở trên hạnh phúc. Thấy mình nóng nảy trong lửa, còn Lazarô thì đang thư thái trong lòng tổ phụ Abraham, tự nhiên buột miệng kêu xin Abraham nói với Lazarô nhỏ xuống cho một chút nước để đỡ khổ. Nhưng y đã không hiểu gì. Và Abraham phải giải thích: bây giờ sự đổi thay đã dứt khoát, hố sâu ngăn cách giữa hai thế giới hạnh phúc và đau khổ không thể bắc cầu được nữa. Ngày xưa khi còn ở thế gian kẻ sướng có thể đến với người khổ mà chia sẻ. Nhưng vì đã không muốn làm việc ấy, nên giờ đây y không còn cơ hội và hy vọng bắc được nhịp cầu hiệp thông.

Câu chuyện đến đây đã có thể kết thúc. Và có nhiều bài học cho chúng ta. Ngoài những quan niệm về đời sau như: định mệnh của người lành kẻ dữ đã khác nhau ngay sau khi chết và trước ngày phán xét chung; định mệnh ấy dứt khoát không thay đổi được nữa vì đã hết thời cơ có thể lập công phúc. Ở đây, khi mô tả sự thay đổi số phận của hai con người trong khi sống và sau khi chết, Luca muốn diễn tả một giáo huấn thông thường của Chúa Giêsu: Nước Trời được dành cho những người nghèo khó, vì Thiên Chúa sẽ cứu giúp họ và kẻ tự mãn ở đời này sẽ ra đi tay không về đời sau. Nhưng tác giả Luca đã không dừng lại ở những điểm này, ông muốn kêu gọi người ta trở lại. Đặc biệt, ông muốn nói với những người Do thái có Abraham là tổ phụ. Họ phải thay đổi nếp sống để không bị loại ra khỏi Nước Trời sau này.

Cuộc sống người Kitô hữu ngày nay khó có thể tránh khỏi những khoảng cách trong đời sống. Điều quan trọng là phải biết xóa dần những khoảng cách đó bằng nỗ lực sống và thực thi Tin mừng. Luôn biết yêu thương quan tâm đến nhau, nhất là những anh em đau khổ, hoạn nạn chung quanh. Nếu ngày nay biết sống để xóa bỏ những khoảng cách thì ngày sau sẽ cùng chung hưởng hạnh phúc. Ngược lại, nếu hôm nay chỉ biết khơi rộng khoảng cách thì ngày mai chắc chắn sẽ thành vực thẳm.

Thánh Phaolô nhắc nhở Timôthê và cả chúng ta hôm nay phải can đảm, trung thành thực thi các nhân đức Tin mừng cho đến ngày Đức Kitô đến trong vinh quang. Đây là một cuộc chiến chính nghĩa của đức tin. Cần phải chiến đấu hết mình để dành cho được sự sống đời đời. Qua Bí tích Thanh tẩy, mỗi Kitô hữu đã trở nên chứng nhân của Đức Kitô. Và chỉ có thể là chứng nhân đích thực bằng một đời sống đức tin sống dộng và bằng một đức ái nồng nàn.

Xin Chúa cho chúng con luôn có một tấm lòng rộng mở, một đôi mắt sáng để biết quan tâm đến nỗi thống khổ của mọi người.
 
Thông Báo
Linh mục Louis Robert (cha Ba) vị ân nhân trại Tị nạn Hồng Kông đã tạ thế
Gia đình Tị nạn Hồng Kông
14:12 18/09/2010
CÁO PHÓ
Gia đình Tị nạn Hồng Kông tại Canada nói riêng và người Công giáo Tị nạn Hồng Kông nói chung
xin thành kính báo tin Qúi Cha, Tu sĩ nam nữ, đặc biệt tất cả Qúi vị và Anh chị em Việt Nam đã từng tị nạn tại Hồng Kông
Người Cha già đáng kính của chúng ta:

Linh mục Louis Robert (Cha Ba)
Cha Robert sinh ngày 28.4.1932 tại nước Cộng hòa Pháp quốc, là tu sĩ Dòng Tên
đã ra đi an nghỉ trong Chúa hồi 9giờ 9 phút sáng ngày 16.9.2010 (giờ địa phương)
tại bệnh viện Đức Bà, thành phố Montreal, Quebéc, Canada.

Nghi thức cầu nguyện, viếng xác và Thánh lễ An táng:

Viếng xác: 2:00PM - 5:00PM chiều Chúa nhật 19.9.2010
9:00AM -10:30AM sáng thứ Hai ngày 20.9.2010

Giờ cầu nguyện chung: 7:00PM-9:00PM chiều Chúa nhật 19.9.2010 tại Nhà Quàn (1255 Rue Beaumont, Montréal, Quebec, H3P-3J1.

Thánh lễ An táng: 11:00giờ sáng Thứ Hai ngày 20.9.2010 tại Nhà Thờ góc đường Jary và Drolet, 301 Est, do các Cha của Nhà Dòng cử hành.

Để tõ lòng biết ơn Cha già đáng kính, Công đồng giáo dân Việt Nam và những người thương mến Cha, và những người đã từng
chịu ơn Ngài trong suốt thời gian sống tại trại Tị nạn Hồng Kông, cũng như trong cuộc sống tha hương tại Canada,
một Thánh lễ cầu nguyện cho Ngài sẽ được cử hành lúc 1:30 chiều ngày 20.9.2010 tại nhà thờ Sun Rock
địa chỉ: 7735 Ave, D'Outremont, Montréal, Quebec, H3N 2M1, Canada
do LM Phêrô Nguyễn v8an Nhuận chủ tế.

Kính xin Qúi vị hiệp lời cầu nguyện cho Linh hồng Thầy Cả Louis Robert sớm được Chúa cho thma dự bàn Tiệc Thánh trên Nước Trời.
 
Tin Đáng Chú Ý
Lào Cai – nơi tôn giáo bị cấm đoán và Thiên Chúa bị loại trừ: Hai tuần, ba vụ học sinh đâm người
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
09:35 18/09/2010
Đọc và suy gẫm:

Theo trang Thanh Nien Online (10.9.2010), từ ngày 25.8 - 9.9, ở tỉnh Lào Cai đã xảy ra ba vụ học sinh dùng dao đâm người, khiến hai người chết và một người bị thương nặng.

Vụ thứ nhất, xảy ra vào trưa 25.8 tại cổng trường THCS xã Bản Phố, H.Bắc Hà. Bực mình vì bị bạn dùng cán ô che mưa chà vào lưng, học sinh lớp 9 của trường là Vù Seo Phi (SN 1996) đã dùng dao nhọn đâm chết bạn học cùng trường là Giàng Seo Phổng (SN 1996).

Vụ thứ hai, xảy ra tối hôm 9.9 tại trường THCS xã Bản Vược, H.Bát Xát. Cũng do mâu thuẫn cá nhân nên Tẩn A Hùng (SN 1996), học sinh lớp 9A2 đã dùng dao nhọn đâm Chảo Láo San (SN 1994) khi San vào khu nội trú của trường gây gổ. San đã chết trên đường bỏ chạy khỏi nơi xô xát.

Trước đó, ngày 1.9, tại khu vực Cam Đường, TP Lào Cai, một học sinh nữ của trường THPT số 2 Lào Cai do mâu thuẫn cá nhân đã dùng dao nhọn đâm vào người bạn học là Phạm Thị Hằng (15 tuổi), khiến Hằng phải vào bệnh viện cấp cứu.

Đọc tin mà cứ ngỡ như đang xem phim kiếm hiệp. Quả thật, nơi đâu tôn giáo bị cấm đoán và Thiên Chúa bị loại trừ, thì nơi đó Satan sẽ mặc sức tung hoành và chắc chắn người ta sẽ còn phải chứng kiến nhiều điều kinh khủng hơn thế !
 
Văn Hóa
Một thói quen
Trầm Thiên Thu
09:24 18/09/2010
Đó là một thói quen được “nhen nhóm” từ những năm tôi ở tuổi 20. Vâng, tôi chỉ dám gọi đó là một “thói quen” riêng mà thôi! Tôi thường tự nhủ: “Cầu nguyện không cần đọc kinh, cũng có thể là đọc kinh hoặc không đọc kinh, nhưng đọc kinh chưa hẳn là cầu nguyện”. Vì giáo lý dạy: “Cầu nguyện là hướng tâm hồn lên và tâm sự với Chúa”. Rất đơn giản! Cầu nguyện có thể được thực hiện bất kỳ nơi nào hoặc lúc nào…

Những tháng ngày đó tôi sống ở một vùng quê nghèo, điện cũng không có. Tôi thường nói đùa: “Tối tăm như vậy thì lên Thiên đàng cũng không biết lối, xuống Hỏa ngục cũng chẳng biết đường”. Công việc chỉ là sáng ra ruộng, chiều lên nương. Công việc nhà nông có lúc “tối mặt”, có lúc “chơi dài”. Không hẳn là đạo đức hay thánh thiện gì, nhưng sáng vẫn dậy sớm đi lễ hằng ngày, chiều thì lại đến nhà thờ lần hạt hoặc chầu Thánh Thể. Tối lại tìm vui qua việc tập hát ca đoàn. Chưa hẳn ý thức nhưng rảnh cũng chẳng biết làm gì hơn. Thôi thì cũng là thói quen tốt!

Vô tri bất mộ. Làm riết thành quen và thấy… ham. Bây giờ chỉ còn là “ký ức thánh ca”, có lúc chợt thấy nhớ, chợt thấy “trống vắng”. Nhưng hoàn cảnh bây giờ không “cho phép” nữa.

Thời đó còn tuổi thanh niên sung sức nên làm gì cũng chỉ là “chuyện nhỏ”, không tính toán gì. Ban ngày, những ngày nông nhàn, nhà không còn chị gái nên tôi phải làm đủ chuyện. Lễ sáng về, ăn cơm nguội với nước mắm ớt rồi quảy gánh lên rừng cuốc gốc cây về làm củi, từ nhà lên rừng vài cây số, không biết làm gì hơn nên tôi có thói quen vừa đi vừa lần hạt. Cuốc gốc cây đủ gánh, tôi vừa gánh về lại vừa lần hạt cho quên nhọc nhằn đường xa.

Chiều, tôi lại đi cắt cỏ năn về cho trâu ăn. Trên đường đi và về, tôi chẳng biết làm gì hơn là lại quen lần hạt dọc đường. Và cứ thế, việc lần hạt Mân Côi trở thành một thói quen riêng, chứ không hẳn là “yêu mến Đức Mẹ” hoặc ý thức vâng lời mệnh lệnh Fatima.

Cho đến nay, những lúc đi xe ngoài đường, tôi vẫn “quen” đọc kinh Mân Côi để “giết thời gian” và quên khoảng đường xa khi mưa, khi nắng…

Đó là một thói quen “vô thưởng vô phạt”, vì chưa trọn vẹn thành ý nên chẳng công trạng gì, nhưng tôi thấy thói quen đó có lợi cho mình nên tôi cứ làm vậy thôi. Chắc Thiên Chúa và Đức Mẹ cũng chẳng hẹp hòi hay chấp lách gì, mà các Ngài có thể cười: “Thằng bé hay chơi!” – nói theo kiểu nhà thơ trào phúng Tú Xương.

Saigon, tháng 10/2010
 
Dấu-Chấm-Hết Tròn
Trầm Thiên Thu
09:29 18/09/2010
Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già! Gió heo may đã về… Chẳng ai dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời (để khả dĩ chấp nhận) thì mới sống thanh thản và thoải mái.

Qua một ngày, mất một ngày. Qua một ngày, vui một ngày. Vui một ngày, lời một ngày. Ngày mai cứ để ngày mai lo…

Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mơ ước của con người, niềm vui ẩn chứa trong những việc nhỏ nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng. Hạnh phúc như nước hoa, càng cho đi càng thơm lừng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Nghịch-lý-thuận hay thuận-lý-nghịch? Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân: Khi sinh ra chẳng mang đến, khi lìa đời chẳng mang đi. Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ. Người khôn biết kiếm tiền và biết tiêu tiền. Hãy làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó!

Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú. Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ, hãy chia tay với “thầy tu khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.

Tiền bạc là của mình, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình. Cha mẹ yêu con thì vô hạn, con yêu cha mẹ lại có hạn. Con ốm, cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm, con nhìn một chút rồi hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ. Cha cho con tiền thì cha con cùng cười, con cho cha tiền thì cha con cùng khóc! Nhà của cha mẹ là nhà của con, mà nhà của con lại không phải là nhà của cha mẹ. Khác nhau lắm! Người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ và niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình!

Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy? Cũng có thể. Nhưng đâu phải ai cũng có tiền mà hưởng già, và rồi tiền cũng không cứu nổi!

Cái được, người ta chẳng hay để ý, cái không được thì tưởng nó to lắm, đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn. Cuộc đời không tính bằng chiều dài mà tính bằng chiều sâu và chiều rộng.

Rất cần có tấm lòng rộng mở, biết yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống. Trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (tỷ thượng bất túc tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).

Tập cho mình nhiều đam mê tốt, vui với chúng không biết mệt, đó là tự tìm niềm vui. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui. Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Suy cho cùng, ai cũng thế cả, rồi cũng trở về với thiên nhiên. Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Bạn đã dành khá nhiều phần đời cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, cho mơ ước,... Bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý thích hay không thích của người khác, nên sống thật với mình. Sống ở đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm mình khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già mà tâm không già, thế là già mà không già. Tuổi không già mà tâm già, thế là không già mà già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe người già.

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn áo thì khó chịu… Mọi thứ đều nên “vừa phải”.

Sống ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống,…), người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh), người khôn phòng bệnh (chăm sóc bản thân, sức khỏe, cuộc sống,…). Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám chữa bệnh… Tất cả đều là muộn!

Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy. Tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị. Tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng: thua không cay, thắng không kiêu, chơi là đùa. Về tâm sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

Hoàn toàn khỏe mạnh nghĩa là thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Thân thể khỏe mạnh là biết vận động, chơi đúng chỗ, dừng đúng lúc, không sa đà. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp. Đạo đức khỏe mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.

Con người là con người của xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cuộc sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng đa nguyên, nhiều màu sắc, có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn đượm nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Quan trọng là khi đau buồn, bạn chọn cách sống sao cho pù hợp.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cổ (nhớ chuyện xa xưa)? Những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đứng ở vạch cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tim lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là niềm vui lớn của tuổi già.

Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó. Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt. Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm.

Cuối cùng, hãy cố gắng tạo cho mình một dấu-chấm-hết thật tròn!

Người đi về cõi ngàn thu
Tôi còn ở lại vẫn mơ kiếp người
Nay người, mai cũng đến tôi
Trở về cát bụi: Khóc, cười, trắng tay!
Trăm năm gom lại một giây
Lá âm thầm rụng xa cây lìa cành.

Cuộc đời tưởng dài mà ngắn, thấm thoắt như bóng câu qua cửa. Tuổi già đến nhanh, nghĩa là cái chết cũng gần kề. Cọp chết để da, người ta chết để tiếng. Tất cả đều qua đi, chỉ còn lại cách sống của mình – còn lâu hay mau trong tâm trí mọi người là tùy vào chính con người mình.

Lạy Thiên Chúa, Đấng Cứu độ con, xin đừng giận mà ruồng rẫy con, xin đừng bỏ rơi, xin đừng xua đuổi, dù mọi người bỏ con thì vẫn còn có Ngài đón nhận con. Xin dạy bảo con đường nẻo Ngài và dẫn con trên lối phẳng phiu (Tv 27, 9-11).
 
Nỗi Niềm Trung Thu
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
09:37 18/09/2010
Em bé bỏng giữa dòng đời quạnh vắng
Chảy về đâu dòng suối mát yêu thương
Để đêm nay đăm chiêu ánh nguyệt tròn
Mắt thơ ngây dõi về vùng mái ấm

Đã vời xa đêm lung linh bất tận
Vũ trụ hồng như chính cuộc đời em
Tròn trịa lắm điều mộng ước trong tim
Chưa hóa thần tiên đã vội vàng tan vỡ

Thương cho em trong đêm rằm nức nở
Mơ đèn sao và bánh ngọt vơi đầy
Mơ yêu thương về giữa đắng cay
Để dịu xoa bao tháng ngày côi lạnh

Thương cho em vầng trăng non mỏng mảnh
Bước ngày mai tăm tối ngập tràn
Em không thể dọi chiếu ánh hào quang
Nếu cuộc đời không cho em ngọn lửa

Trung Thu vui hay nỗi niềm trăn trở
Xin thắp lên vầng nguyệt sáng tâm giao
Cho đời em vơi đi bớt khổ đau
Cho đêm rằm đẹp ngời nhân ái !

(Thương gửi các em mồ côi)
 
Chuyện Phiếm Đạo Đời: Mỉm Miệng Cười...
Trần Ngọc Mười Hai
16:25 18/09/2010
“Rồi buổi u sầu, em với tôi”

“Nhìn nhau cũng đủ, lãng quên đời.

Vai kề một mái, thơ phong nguyệt,

Hạnh phúc xa xa, mỉm miệng cười.”

(thơ Đinh Hùng)

Lc 16: 1-13

Mỉm miệng cười, khi anh hạnh phúc? U sầu rồi, em đến với tôi? Hạnh phúc với u sầu, vẫn cứ là thơ phong nguyệt. Nhìn nhau rồi cười mỉm, có còn là tình tự của người nhà Đạo, mãi hôm nay.

Trình thuật hôm nay, thánh sử Luca lại đã kể về một tình tự ở đời người, vẫn rất thật, từ thời xưa. Thời, mà ngôn sứ Amos có dịp ghé vương quốc Israel chốn giàu sang, vào khi ấy. Nhưng, đằng sau sự giàu sang kinh tế/chính trị/tôn giáo ấy, ông thấy cả một bầu trời buồn bã, đầy bất công. Bất công ở chỗ: người nghèo vẫn bị bóc lột. Người thấp cổ bé họng, vẫn chẳng có tiếng nói, với một ai. Lời ông viết, nay ta vẫn thấy dẫy đầy, trên thực tế. Thực tế, là ngày nay người người sống với nhau, vẫn lừa đảo. Gian lận. Vẫn phá bỏ nhiều giá trị cao quý, vĩnh cửu.

Hai ngàn năm qua, nền văn minh các nước vẫn cứ tiến. Nhưng giá trị cao quý/vĩnh cửu lại đã suy đồi. Đảo lộn. Người nghèo vẫn cứ nghèo. Kẻ giàu lại giàu thêm. Cán cân phúc lợi ở xã hội, nay lỏng lẻo. Nhiều lãng phí. Con người ngày nay chỉ biết quan tâm đến chuyện làm giàu. Chẳng lý gì đến người nghèo đói. Chẳng biết gì chuyện thương yêu. Hiện tượng giết người cướp của, xảy ra như cơm bữa. Ai nấy đều nhận thấy tham nhũng với bất công, cứ lan rộng, ở xã hội. Nhưng họ vẫn dửng dưng, làm như không biết. Dù các Đạo giáo có cảnh báo, nhưng nhiều người lại quả quyết: giàu nghèo đâu là chuyện Hội thánh, mà sao các ngài cứ bận tâm. Để mắt?

Rõ ràng, Chúa từng nói: “Người giàu có, thật khó vào được Nước trời.” (Mt 19: 24) Khó ở đây, không vì người đó vẫn quyết tâm làm giàu, bằng nhiều cách. Mà là, muốn được mệnh danh là giàu sang/phú quý, chừng như người người vẫn thích chọn kiểu tích lũy tiền của, mà lẽ đáng ra những thứ ấy, phải được phân phối đồng đều cho hết mọi người. Cũng thế, không một ai có thể nói mình rất kính yêu Đức Chúa, nhưng lại không lý gì đến người đồng loại, đang cùng khốn. Khó nghèo. Giàu có với bất công, tuyệt nhiên không thể là chuyện hoà đồng ở Nước Trời. Bởi, bất công với người đồng loại tức: chối bỏ tình thương yêu, là đặc trưng sự sống của dân con Chúa.

Ngày nay, vấn đề kinh bang tế thế là chuyện tế nhị vì nó luôn đụng chạm/đòi hỏi mọi người phải thực hiện công bằng xã hội, tôn trọng phẩm giá cá nhân, thực thi quyền căn bản của con người. Nghĩa là: những chuyện khiến mọi người –kể cả các tín hữu Đức Kitô cũng như cộng đoàn dân con Đức Chúa- cần quan tâm. Bởi thế nên, đã là nhân tố tạo bất công/kỳ thị, tự khắc đã chối từ mọi thứ tình đang thôi thúc mọi người cần thực hiện trong cuộc sống xã hội.

Với xã hội tư bản, là xã hội được xây dựng trên thi đua/cạnh tranh, ai ai cũng quyết ganh đua để sống còn. Và, trong bất cứ cuộc đua ganh/giành giựt, dù có chánh nghĩa, bao giờ cũng chỉ một số ít người đắc thắng mà thôi, còn lại là những người thua, đếm rất nhiều. Dù rằng, ta có gọi ganh đua/đắc thắng là những hên xui/may rủi” kiểu xổ số đi nữa, thì tình huống chụp giựt tài sản của nhau, vẫn dẫy đầy như chuyện thường ngày ở huyện. Với huyện nhà Đạo lại khác: yêu thương/nhịn nhường vẫn phải là những đặc trưng, cần cổ vũ.

Lại nữa, ta không thể chấp nhận coi đó là chuyện bình thường ở huyện được, khi vẫn còn rất nhiều người đang sống ở các khu nhà ổ chuột, tăm tối. Cứ quần quật làm việc ngày hơn 12 tiếng, suốt tuần. Vẫn có người cứ phải chịu cảnh đói khát/lầm than, suốt năm trường. Cứ bán máu. Ở đợ. Làm thân nô lệ tình dục, suốt cuộc sống.

Cũng không thể gọi đó là “chuyện bình thường ở huyện”, khi vẫn còn một số “đại gia” cứ nhởn nhơ “ăn trên ngồi chốc”. Phè phỡn. Vui chơi. Phung phí tiền bạc. Khai thác/bóc lột mồ hôi nước mắt của kẻ bần hàn. Trong khi đó, những người có cuộc sống dưới mức trung bình, mà phẩm giá cho phép, cứ ê hề. Không thể là “chuyện bình thường” được, khi cả đến con dân nhà Đạo, bằng cách này cách khác, đang góp phần dựng xây cảnh bất công. Ra như vẫn khuyến khích/thúc đẩy con cháu ngoi trèo lên đẳng cấp cao sang, quyền quý. Rất giàu sang.

Vấn đề đặt ra hôm nay, không phải là quyết tâm cổ súy sự đồng đều toàn diện. Tuyệt đối. Khó thực hiện. Trên thực tế, ở nhiều lãnh vực, đa phần dân chúng vẫn sống không đồng đều. Nhưng, về mặt phẩm giá và quyền bình đẳng giữa mọi người, phải như thế. Vả lại, không ai có thể tự cho mình “hơn hẳn” người khác, cách ngạo mạn. Là dân con theo Chúa, có ý thức, ta không thể nhân nhượng trong suy đồi nhân phẩm, chí khí của người khác, hoặc cách này cách khác. Càng nhận lãnh nhiều quà tặng, từ đâu đó, ta càng phải biết sẻ san cho những người đang có nhu cầu nhiều hơn ta.

Bài đọc 2, tác giả thư gửi cho Timothê cũng đã khuyến khích đồ đệ hãy nguyện cầu cho những vị đang cầm quyền, ở nhiều nơi. Cầu, là cầu nguyện cho họ biết sử dụng đúng đắn quyền hành mình nắm giữ, để giúp đỡ những người ở dưới, được sống trong an lành. Hội thánh không thể tự đồng hoá đặt mình vào với giới cầm quyền ở bất cứ nơi đâu, trên thế giới. Chí ít, là khi giới chức ấy áp đặt chính sách bất công/kỳ thị, lên dân lành.

Trình thuật, nay bàn về cung cách quản cai khi điều hành mọi việc trong cuộc sống thực tế, ở đời. Quản gia, là người nắm trọng trách quản trị/điều động đồ vật/tài sản cho chủ mình. Vị quản gia được Chúa kể ở trình thuật là người bê tha. Xấu xa. Anh phá tán tài sản của chủ một cách phung phí. Nên, khi biết mình sẽ bị cho nghỉ, bèn tìm cách ổn định tương lai, cho riêng mình. Và chủ khen anh “đã hành động khôn khéo”, tức biết sử dụng cung cách bất công, hầu tránh kỷ luật. Dĩ nhiên, khi kể truyện, Đức Giêsu không có ý đề cao tính bất lương của người làm công cho chủ. Ngài chỉ muốn người nghe hôm ấy chú ý đến thái độ “nhìn xa trông rộng” của “con cái thế gian”, thôi.

Tựa như tác giả có thư cho Timôthê, trình thuật hôm nay nhấn mạnh đến khía cạnh sáng suốt, biết phân tách/suy tính khả dĩ giải quyết những việc cần đến trí óc. Đó là ý nghĩa của lời Chúa khi thánh sử viết: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo tình thân thương bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào chốn vĩnh cửu.” (Lc 16: 9)

Đề cao cung cách giải quyết mọi việc trong giao tế với đời, Đức Giêsu căn dặn mọi người hãy nhớ rằng: mình chỉ là quản gia trông nom tài sản của chủ, chứ không là người thủ đắc tài sản ấy. Điều đó có nghĩa: ta chẳng có quyền trên bất cứ thứ gì mình đang tạm thời sử dụng. Là người Công giáo đích thực, hiểu điều Chúa khuyên dạy, ta không thể nói như người đời, rằng: “Tiền của tôi, tôi muốn làm gì thì làm chứ!”.

Tựu trung, câu mà mọi người cần hỏi về cuộc sống rất thành công, không là: “Anh/chị gầy dựng được bao nhiêu cơ đồ, của cải?” Mà là: “Anh/chị có sử dụng tiền tài/của cải mình tạm thời sở hữu, với mục đích tạo phúc lợi chung cho mọi người, không?” Đó mới là ý nghĩa của Lời Chúa khi Ngài căn dặn đồ đệ: hãy tạo tình thân thương bạn bè, ở truyện kể hôm nay.

Trong hiểu biết điều Chúa dạy, ta lại hát lên lời ngợi ca hăng say, những ngày trước, mà rằng:

“Vì những hồng ân Chúa thương ban tràn lan,

Vì những kỳ công Chúa ra tay oai hùng…

Chúng con xin ngợi khen Cha!

Chúng con xin tạ ơn Người!

Bây giờ và mãi mãi,

Allêluia!”

(Thành Tâm – Xin Ngợi Khen Cha)

Hãy cứ ngợi khen. Cảm tạ Cha. Về những điều Ngài dạy dỗ. Dạy ta tinh anh. Sáng suốt. Rất khôn khéo. Dạy cả chuyện yêu thương người đồng loại. Ở đời. Suốt nhiều thời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh

Mai Tá diễn dịch

“Buồn ơi trong đêm thâu,”

Ôm ấp giùm ta nhé

Người em thương mưa ngâu

Hay khóc sầu nhân thế…”

(Trịnh Công Sơn – Ướt Mi)

(Yn 12: 24-25)

Mỗi khi đi vào vùng trời những phiếm, là đã phiếm về lòng Đạo, giữa đời. Hoặc, phiếm về nhạc đời có Đạo. Đạo làm người. Làm, con dân Đức Chúa. Bần đạo lại nhớ đến nhạc phụ của mình. Nhạc phụ bần đạo, tuy chả khi nào chịu phiếm, dù chuyện đời. Hoặc lời thơ. Ý nhạc. Nhưng cụ rất thích nhạc đời có nghĩa đạo. Tuy, không theo Chúa. Đặc biệt, cụ thích nhất giọng ca của Thanh Thúy.

Có một lần, bần đạo mon men đến gần nhạc phụ để hỏi lý do làm sao cụ lại thích giọng ca “liêu trai”, như thế. Thì, cụ tủm tỉm cười, rồi bảo: “Đấy anh xem. Tìm đâu ra trên cái cõi đời này, ai mà có được giọng ca thiên phú, đến là thế.”

Nhạc phụ của bần đạo không nói rõ giọng Thanh Thúy đặc biệt ở điểm nào. Nhưng suy cho cùng, bần đạo thấy nhạc phụ mình rất có lý. Bởi, giọng đặc biệt trời cho không giống ai, thì đời này chỉ đếm được vài ba giọng, như của Edith Piaf, nước Pháp; Céline Dionne, của Canada, Joan Sutherland của Úc, vv.. thế thôi.

Về người ca sĩ tên Thanh Thúy, bần đạo lại bắt gặp vài nhận định từ các bạn viết và lách ở các nơi, như lời phát biểu của nhà thơ kiêm nhà giáo là Nguyên Sa Trần Bích Lan, có lần nói:

“Thanh Thuý là người yêu trong mộng của cả một thế hệ, trong đó có những nhà văn, nhà thơ…” (x. Ngọc Lan, Chuyện trò trên mạng, điện báo Người Việt 04/08/2010 )

Ngoài ra, phóng viên Ngọc Lan cũng thêm vào đó một nhận định:

“Tôi không diễn tả được giọng ca Thanh Thúy là như thế nào, chỉ biết rằng nghe Thanh Thúy hát, mình bỗng có một cảm giác da diết và khắc khoải đến lạ lùng. Và chỉ có Thanh Thúy mới hát được như vậy.

Giọng hát Thanh Thuý luôn mang đến cho người nghe một cảm giác vừa bồng bềnh, phiêu lãng, vưa du dương, chất ngất những nỗi niềm, những tái tê, nên nhắc đến Thanh Thúy, người nghe lại liên tưởng đến “tiếng hát liêu trai”, hay “tiếng hát khói sương”, tùy theo cảm nhận của mỗi người. Nhắc đến Thanh Thúy, người ái mộ không chỉ nhắc đến giọng hát, nhắc đến những bài ca khiến người nghe phải thổn thức, mà nhắc đến Thanh Thúy, người ta còn phải nhắc đến một thái độ nghiêm túc, chừng mực đối với hôn nhân, đối với cuộc đời.” (x. Ngọc Lan, Ca sĩ Thanh Thúy, nửa thế kỷ ca hát, Người Việt 04/08/2010 ).

Còn đây, là chính bộc bạch của nghệ-sĩ-có-giọng-hát-vượt-thời-gian, như sau:

“Tôi nghĩ ông trời cho tôi một giọng hát, và cho tôi thêm điều tốt may mắn là gặp toàn những điều tốt đẹp trong cuộc đời. Tôi luôn nghĩ mọi chuyện là do Trời sắp đặt. Cuộc đời không ai không trải qua những sóng gió. Nhưng phải luôn nghĩ đó là cuộc đời. Mình nghĩ mình hạnh phúc thì sẽ hạnh phúc. Tôi sinh ra đã thiếu thốn tình cha. Mẹ lại mất sớm. Nên gia đình, với tôi là tất cả. Tôi quan niệm ông Trời đã cho mình điều gì thì mình hãy chấp nhận, ngay khi có cả những gợn sóng bùng lên.” (Thanh Thúy, Chuyện trò trên mạng, bđd)

Nhận ra giọng ca hay định dạng cuộc đời, nhiều người cũng nhận định, tựa như thế. Giống như đời. Thế còn, nhà Đạo vốn thành thạo, với quả quyết của thánh nhân, trong Kinh Sách, thì sao?

Còn nhớ, Phaolô thánh nhân từng tâm tình với người bạn đồng hành cùng là đệ tử mang tên Timôtê, như sau:

“Hãy tránh những đam mê tuổi trẻ;

hãy theo đuổi công chính,

lòng tin,

lòng mến,

bình an,

làm một với những ai kêu cầu Chúa

với lòng trong sạch.”

(2 Ti 3: 22-23)

Về đời người. Hạnh phúc/sướng vui hay “buồn đêm thâu”, rất khổ não. Đâu nào do giọng ca “liêu trai”/buồn bã, nó vận vào người. Cũng chẳng vì ông Trời vẫn quan phòng, hoặc tiền định, đâu vì thế. Có đâu vì, lời ca bay bướm hoặc rất buồn. Rất lê thê. Não nề. Như lới hát, ở bên dưới:

“Mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về

Nghe não nề…

Mưa kéo dàu lê thê những đêm khuya,

Lạnh ướt mi

Ai còn buồn khi lá rớt trong một cuối đông.”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Cho đi là mưa bão có kéo dài cả cuộc đời, nhiều ê chề. Ướt. Đến, lê thê đi nữa. Hoặc dù cuộc đời mình, thật ra vẫn cứ là:

“Ngoài hiên mưa rơi rơi,

buồn dâng lên đôi môi

buồn đau hoen ướt mi ai rồi

buồn đi trong đêm khuya

buồn rơi theo đêm mưa..”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Mưa có rơi. Đời có buồn. Rất “ướt mi”. Hoặc, vẫn cứ là khi “rớt trong một cuối đông”, cuộc đời đi nữa, thì đời người vẫn cứ hiện rõ ở đâu đó, niềm vui như Lời Thầy hằng biểu tỏ:

“Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất,

Ai ghét sự sống mình nơi thế gian này,

thì sẽ giữ nó cho sự sống đời đời.”

(Yn 12: 25)

Tất cả là như thế. Những vui/buồn, một đời. Đều vẫn vậy. Vấn đề là, mình có bắt gặp và hiểu biết Lời Hằng Sống. Chúa vẫn nói. Thế thôi. Thật sự, thì điều mà các thân nhân ở ngoài đời hay trong Đạo vẫn quả quyết về ý định của Đức Chúa, rất rõ rệt. Nhưng, người đời xem ra chưa nhật biết rõ.

Chưa nhận rõ, nhiều khi chỉ vì người đời vẫn căn cứ vào những mộng tưởng, hoặc ảo giác. Mộng và ảo, chỉ vật vờ nằm ở nỗi vu vơ. Lờ mờ. Chưa hiện rõ. Người đời, vẫn cứ mộng tưởng. Nên, thấy mình còn quá nhỏ, trong nhận định về hạnh phúc/sướng vui, của đời người. Thế nên, người người cần nhận định. Học hỏi. Được hướng dẫn. Cho phải phép. Học về những nghịch thường trong cuộc đời, tỉ như: muốn tường tận Sự Thật, phải khiêm hạ. Chấp nhận mọi yếu kém, rất thiếu sót. Của chính mình.

Người người chỉ nắm bắt được Sự Thật hiển nhiên về cuộc đời, và người đời, nếu biết nhận ra Thiên Chúa là Tất Cả. Cả, về Quyền Uy. Sức mạnh. Bản Chất. Và, khi người đời nhận chân ra Sự Thật về Bản Chất của Đức Chúa. Và, đưa Ngài vào cuộc sống, rất hiện thực. Thì khi ấy, mới tiếp cận được với Ngài. Mới ăn uống, hít thở. Thực hiện những điều cao quý, trước mặt Ngài.

Có lẽ, lý do mà người người chưa đạt hạnh phúc, là bởi chưa học biết và thực hiện những điều cao cả trong công trình của Đức Chúa. Chưa biết rằng, Quyền Uy Sức Mạnh của Thiên Chúa, là để cho con người sử dụng. Trong yêu thương. Nhận lãnh. Nói tóm lại, chưa thực hiện được chữ YÊU. Trong cuộc đời. Thì, có làm gì đi nữa, vẫn như thế. Vẫn hát lên, những câu rên, như ở dưới:

“Còn mưa trong đêm nay,

Lòng em buồn biết mấy

Trời sao chưa thôi mưa

Ôi mắt người em ấy

Từ đây thôi mờ,

Nước mắt buồn mi em ngây thơ…”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Thôi mưa. Thôi mờ. Nước mắt buồn. Đâu phải vì “Trời sao chưa thôi mưa”. Cho bằng, lòng người vẫn cứ rên thưa. Buồn mi em. Ngây thơ. Nếu bạn và tôi, ta chưa gặp được hạnh phúc/phúc hạnh, chẳng vì “ông Trời vẫn sắp đặt”! Cho bằng, vì mải nghe mải tìm hạnh phúc ở đâu đó. Chứ, không tìm Đức Chúa của những phúc hạnh/hạnh phúc ở phần sâu thẳm, của chính mình. Ở những nối kết với Đức Chúa. Ngang qua Cha, Con và Thánh Linh.

Và Ba Ngôi Đức Chúa, vẫn nối kết với con người để thể hiện mỗi ước vọng của mọi người. Uớc vọng về một quan hệ đằm thắm. Rất kết thân. Với Chúa. Với mọi người. Chính đó mới là mục đích. Là, ý nghĩa của mọi sướng vui. Phúc hạnh. Trong đời.

Nhận ra được nỗi sướng vui. Phúc hạnh. Là, nhận lãnh những chuyện rất nho nhỏ, ở đời thường. Có nối kết. Như, nhận định của người viết có tên là Ngô Phan Lưu với truyện kể, ở bên dưới. Rất minh hoạ. Về “tờ lịch gỡ mỗi ngày”, sau đây:

“Nhà tôi treo một “bloc” lịch to nơi phòng khách. Mỗi sáng thức dậy. Tôi gỡ một quăng bỏ đi. Khi ló tờ mới, tôi xem kỹ câu danh ngôn nếu cò, và coi đấy như lời dạy buổi đầu ngày, của các bậc tiền bối. Không biết ai sao, chứ riêng tôi thấy tâm đắc việc này lắm.

Ví như, sáng Thứ Hai tuần trước, ngủ dậy liền đến bóc tờ lịch, thấy tờ mới có câu của Tuerenne, như sau: “Tôi có ý kiến muốn tặng bạn: đó là, mỗi khi bạn muốn nói, hãy làm thinh.”

Xem câu ấy xong, tôi ngẫm nghĩ…và thấy có lý, hay lắm. Qua hay đi chứ! Lời khuyên răn này rất xác đáng. Đúc kết cả một kinh nghiệm quí báu trong cuộc sống đầy những chuyện khôn lường của lòng dạ con người. Và, ngày hôm đó, tôi cẩn ngôn hơn! Tôi chỉ thực hành có nửa câu nói ấy mà cũng thấy mình khá rồi! Còn thực hành nguyên câu, dĩ nhiên là không nổi!

Đến sáng Thứ Ba, ngủ dậy, tôi lại gỡ lịch gặp câu nói của Swift: “Nổi giận là tự gánh giùm tội lỗi, của người khác!”

Chí lý! Dại gì mà nổi giận cơ chứ! Quả nhiên, các câu ấy tác động nơi từng sâu thẳm tâm hồn, ngày hôm đó, gặp nhiều bực mình, mà tôi đâu có thèm giận. Ngu gì gánh lỗi kẻ khác! Lại phải cám ơn cái ông Swift hay bà Swift gì đó nữa!

Rạng đông ngày Thứ Tư, lại ló tờ lịch ghi câu của Montesquieu: “Phải khóc con nguời lúc sinh ra, chứ đâu phải lúc chết”. Chết rồi, có phải làm gì nữa đâu mà cực với nhọc! Thế thì cũng chả nên khóc lóc mà làm chi! Cái chết đột nhiên giảm bộ mặt khủng khiếp trong tâm tưởng tôi, nói chí tình cũng phải có chút ít tác dụng của Montesquieu mới ra thế! Và, ngày hôm đó tôi nghị lực hơn. Yêu đời hơn. Lại cảm thấy mình cứng cáp lên!

Sang ngày Thứ Năm, tờ lịch hiện lên câu ngạn ngữ của Ba Tư: “Lưỡi dài thu ngắn đời sống!” Nói lắm, chỉ được cái “ngu to”, chỉ được cái “rước hoạ vào thân”! Còn nhớ trong ngày ấy, lúc nhậu cùng bạn bè, vậy mà tôi cũng ráng tịnh khẩu! Cứ sợ sa vào cái “vạ mồm”!

Đến ngày Thứ Sáu, tờ lịch lấp lánh câu danh ngôn khkác, thật cao siêu của Villier de l’Isle Adam: “Người nhục mạ bạn, họ chỉ nhục mạ ý nghĩ của họ có về bạn, tức là họ nhục mạ chính họ!” Câu này trong tầng sâu là đúng, nhưng thực hiện quả là thiên nan vạn nan! Lên hàng thánh mới xài đuợc! Tâm đắc lắm nhưng cứ cất yên đấy! Công lực chưa đủ, chơ thời gian nữa hẵng hay!

Sáng ngày Thứ Bbẩy, lại ló câu của Cervantès: “Ăn to thì di chúc nhỏ”. Úi cha! Cũng có lý quá! Tôi coi tiếp luôn ngày Chủ nhật xem sao… Đó là của G.Herbert: “Ai cũng có một thằng điên trong ống tay áo.” Trời đất!

Người kể ở trên tuy quan niệm rằng “thằng điên trong tay áo, là chính mình. Rớt từ ống tay. Rồi bèn cảm ơn tờ lịch gỡ mỗi ngày. Đâu cần phải đi thư viện…” Nhưng bần đạo lại nghĩ khác. Chẳng ai điên, ở trong đời. Hoạ chăng, là chưa nghĩ tới. Chưa nghĩ và chưa gặp, cả những gì là hạnh phúc. Sướng vui. Thăm thẳm một cuộc đời.

Gặp, như thấy được luồng sáng quắc, mà tác giả khác là Thomas Merton, một tu sĩ thuộc dòng khắc kỷ, từng khẳng định, ở tờ lịch nào đó, rất như sau: “Ở trung tâm mỗi hữu thể của chúng ta, vẫn có vùng ánh sáng thần khiết. Một vùng mà tội lỗi. Ảo tưởng. Và gì nữa, vẫn không thể xâm phạm được.”

Nếu bắt gặp, cho dù là tờ lịch có giòng chữ, của ai đó. Hay gặp, chính Triết Nhân của đời người, hẳn là ta sẽ không còn những lời lê thê, như câu hát ở trên đó. Rất “ướt mi”, như sau:

“Ngoài hiên mưa rơi rơi

Lòng ai như chơi vơi

Người ơi, nước mắt hoen mi rồi

Đừng khóc trong đêm mưa,

Đừng than trong câu…”

(Trịnh Công Sơn – bđd)

Đúng thế. Đừng có mà than như câu ca. Là đà, nhiều nuối tiếc. Hãy như tác giả Jean-Paul Ribes, có lời bạt cho sách “Đức Đạt Lai Lạt ma nói về Chúa Jésus”, nay xin trích:

“Thật vậy nếu phải đồng hành (cả một đời) đi tìm Thần Khí, thì cả việc đọc lẫn việc chú giải các bản văn, như chúng ta biết, sẽ không đủ.

Dấu ấn của Tinh thần nằm ở nội tâm, trong chiều sâu thinh lặng của mỗi người. Người ta chỉ có thể đạt đến bằng sư trầm tư. Chiêm niệm.” (x. Le Dalai Lama parle de Jésus, Vĩnh An dịch Thiện Tri Thức 2003, tr.9)

Phải chăng “Dấu Ấn của Tinh Thần, nằm ở nội tâm”, mới đúng là niềm phúc hạnh. Sung sướng cho con người. Ở đời thường. Hỏi rồi, hãy tự tìm câu giải. Hết thắc mắc.

Trần Ngọc Mười Hai

Tuy vẫn còn thắc mắc.

Nhưng đã tỏ con ngươi.

Con của Chúa.

Con của người.