Ngày 29-04-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 30/04: Một Thiên Chúa yêu thương – Thầy Vincent Nguyễn Quốc Triệu, MSC
Giáo Hội Năm Châu
03:11 29/04/2025

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

Đó là lời Chúa
 
Tin: Một chuyện tình
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
05:39 29/04/2025
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH NĂM C : GA 21,1-19

1Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông : “Tôi đi đánh cá đây.” Họ đáp : “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

4Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5Người nói với các ông : “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời : “Thưa không.” 6Người bảo các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : “Chúa đó !” Vừa nghe nói “Chúa đó !”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

9Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10Đức Giê-su bảo các ông : “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” 11Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được 153 con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12Đức Giê-su nói : “Anh em đến mà ăn !” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

15Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16Người lại hỏi : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Người nói : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17Người hỏi lần thứ ba : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần : “Anh có thương mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su bảo : “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” 19Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : “Hãy theo Thầy.”


TIN : MỘT CHUYỆN TÌNH

Trang Tin Mừng tuyệt đẹp của thánh Gio-an hôm nay tỏ lộ cho ta một điều rất cơ bản. Cuộc phục sinh của Đức Giê-su đã làm dấy lên nhiều tranh luận : các nhà duy lý nói nó bất khả, các nhà thần học thì viết đủ bộ sách về chủ đề khó khăn ấy. Nhưng phần Đức Giê-su phục sinh, trong câu chuyện ta đang đọc, thì chỉ đơn giản yêu cầu một sự gắn bó nghĩa tình: “Này Phê-rô, anh có yêu mến Thầy không?”

1- Chính tình yêu mở đôi mắt của đức tin.

Người ta thường nói : lòng tin có 3 mức độ : tin có, tin lời và tin người. Xin đan cử vài ví dụ: thiên hạ tin có Ông Trời, tín hữu tin có Thiên Chúa, ma quỷ cũng tin như vậy. Tin có như thế nhưng chưa chắc đã mến yêu. Một thiếu nữ quen với một chàng trai, tin lời anh ta nói có bằng cấp này, gia sản nọ, có tình yêu chân thật dành cho cô; nhưng khi anh ta rủ đi vào khách sạn thì cô quyết liệt từ chối, bởi lẽ cô chưa tin con người của anh, chưa thấy tình yêu của anh được một kiểu cam kết nào đó bảo đảm, và bản thân cô cũng chưa thể biết anh ta cách trọn vẹn và yêu anh ta cách đúng nghĩa. Tin người đi liền với yêu người vậy !

Sang ví dụ Tin Mừng. Chẳng gây ấn tượng sao việc ngư phủ đầu tiên nhận ra kẻ vô danh đang đứng trên bờ hồ, chính là Gio-an, người tự xác định là “môn đệ được Đức Giê-su thương mến.” Y như trong câu chuyện mồ trống, nơi ông đã chạy nhanh hơn Phê-rô, nay ở đây ta cũng thấy Gio-an vượt trước vị phụ trách của mình : vì được mến yêu, vi yêu mến nhiều… nên ông là người đầu tiên nhận ra bạn hữu chí thiết.

Đấy là một kinh nghiệm chúng ta thường có trong cuộc sống. Giữa một đám đông, đôi mắt chúng ta, theo bản năng, chọn lọc ra vài khuôn mặt : những người chúng ta từng gặp gỡ. Nhận ra ai, đó là một chuyện tình cảm. Đừng hỏi một vị hôn thê (vợ chưa cưới) làm sao cô lại nhận ra “tình yêu” của mình qua vài chi tiết nhỏ mà chỉ mình cô mới để ý.

Đức tin/lòng tin cũng vậy, trước hết không phải là chuyện tin vào nhiều ý tưởng nhưng là tín nhiệm một người nào đó. Người ta thường nói đến đức tin/lòng tin như một sự tán thành nhiều chân lý. Không sai. Nhưng điều quan trọng là phải nhận thấy tin trước hết là gắn bó tình yêu với một con người. Việc này không tạo ra chân lý, nhưng giúp thấy chân lý nhanh hơn, hoàn toàn hơn, tích cực hơn, Chỉ có kẻ đang yêu mới hiểu người mình yêu cách rõ rệt.

Phải thêm rằng việc hiểu biết con người có bản chất hoàn toàn khác với việc hiểu biết sự vật. Để hiểu biết cách khoa học một đồ vật, người ta cân đo nó, phân tích nó. Nhưng tri thức này, rốt cục, vẫn hời hợt. Một con người, dù sao, không thể chỉ được biết theo cách ấy. Nhà bác học vĩ đại nhất trên thế giới sẽ chẳng bao giờ biết được những bí mật của vợ mình, nếu bà không tỏ lộ cho ông. Và bà sẽ chỉ tỏ lộ cho ông nếu bà yêu ông. Phương cách duy nhất để thực sự biết một con người, đó là lắng nghe đương sự, khi đương sự mở lòng cho ta cùng thổ lộ cho ta những gì sâu kín nhất trong con tim đương sự, vả ta sẵn sàng tin vào. Vâng, chính tình yêu giúp cho chúng ta thấu hiểu. Một con người chỉ được biết rõ khi được ta tin yêu. (Xin xem bài “Biết nhờ tin nhân chứng” kèm theo).

2- Chính đức tin mới đáp lại tình yêu thực sự.

Thiên Chúa không phải là một vấn đề. Đó là một Đấng “đứng trước cửa và gõ để vào” nếu ta mở ra cho Người (x. Kh 3,20). Người sẽ chẳng vào bằng vũ lực. Ta sẽ chỉ mở ra cho Người nếu yêu mến Người.

Hãy ý thức về sự khác biệt lớn lao giữa hai loại câu hỏi : “Này các chú, không có gì ăn ư?” và “Này Phê-rô, anh có yêu mến Thầy không?” Trước câu hỏi thứ nhất, người ta trả lời bằng một nhận định mang tính thường nghiệm. Trước câu hỏi thứ hai, người ta chỉ trả lời được nếu có lòng thương mến.

Thế mà mọi câu trả lời của đức tin chúng ta đều thuộc loại thứ hai : “Anh có muốn Giao ước với Thầy không? Có muốn yêu Thầy không? Có tin vào Thầy không? Anh có muốn tín nhiệm Thầy và sống với Thầy từ đây không?”

Đức tin thành thử không phải là một chọn lựa thuần túy của trí tuệ; đấy là một sự dấn thân, cam kết đối với ai đó, y như kiểu một vị hôn phu (chồng chưa cưới) cam kết bản thân khi nói : “Tôi tin vào vị hôn thê của mình, tôi hoàn toàn tín nhiệm nàng, và tôi sẵn sàng dấn thân để ở với nàng mãi mãi.”

Và khi Phê-rô đã trả lời Đức Giê-su : “Vâng, Thầy biết con thương mến Thầy”, chúng ta hiểu rằng điều đó đã lôi ông đi rất xa. Ông đã lãnh trách nhiệm về đàn chiên của Đức Giê-su, tức Giáo hội…. và ông đã thực sự theo Đức Giê-su cho tới cùng, cho tới chứng tá tử đạo. (“Bị thắt lưng và dẫn đi” nghĩa là bị quân lính buộc dây vào người, lôi đến nơi đóng đinh, đang khi hai tay bị trói vào thanh ngang thập giá mà mình phải vác).

Không, đức tin trước hết chẳng phải là một danh mục các ý tưởng, các chân lý, song là việc “biết ai đó”, một sự hiểu biết phải tiến triển bằng việc lui tới gặp gỡ con người này. Chính nhờ cố sức sống với kẻ ta thương mến mà ta khám phá ra nhiều khía cạnh mới của bản thân đương sự. Lạy Chúa, xin giúp chúng con yêu mến Ngài, để chúng con tin vào Ngài hơn nữa.

“Này Phê-rô, anh có yêu mến Thầy không?” Thay tên mình vào tên Phê-rô, tôi lập tức nghe Đức Giê-su giao phó cho mình một trách nhiệm ! Tôi nghĩ đến các trách nhiệm của mình đối với những con người mà tôi phải chăm lo : gia đình, lớp dạy, cộng đoàn, giáo xứ….


BIẾT NHỜ TIN NHÂN CHỨNG

(Viết cho mọi người)

Mở đề

Tại Việt Nam, mà có lẽ cũng khắp thế giới, người ta hay nói Kitô giáo là một đạo đề cao đức tin, Kitô hữu là những người được dạy phải có lòng tin : tin Chúa, tin đạo. Dư luận này xem ra không phải mang tính cách khen ngợi nhưng là mai mỉa. Họ chê Kitô hữu dù không thấy cứ nhắm mắt mà tin, dù không hiểu cứ cúi đầu mà tin, tin một cách mù quáng. Điều đó khiến ngay cả nhiều Kitô hữu đôi khi cũng đâm bực mình, có lúc mặc cảm trước kẻ ngoại đạo, cảm thấy như Thiên Chúa áp bức tự do của những ai theo Người, không cho Kitô hữu suy nghĩ tìm hiểu.

Trước hết phải nói ngay: tin là điều bình thường trong cuộc sống. Lúc nhỏ chúng ta tin cha mẹ, bắt đầu đi học chúng ta tin thầy giáo, đau bệnh chúng ta tin bác sĩ… Tin những gì họ nói với chúng ta. Có hai lý do để chúng ta tin cha mẹ, thầy giáo, bác sĩ… Một là vì họ thương mến hay ít nhất tử tế đối với chúng ta, hai là vì họ thành thật, nói cho ta điều họ nghĩ rằng mình biết hay làm cho ta điều họ nghĩ rằng mình thạo, hoặc ít nhất chúng ta cho là như vậy. Khi lớn lên hoặc với thời gian, chúng ta sẽ kiểm chứng những gì họ đã nói và làm, vì có khi họ đã sai lầm hay đã lừa gạt (chuyện các thần y dổm bị vạch mặt là một ví dụ).

Hiểu biết sự thật

Điều đó đặt chúng ta trước một vấn đề quan trọng của cuộc sống, đó là vấn đề hiểu biết sự thật. Có mấy loại sự thật? Có mấy cách hiểu biết? Cái gì chứng minh cho loại sự thật đó? Hay nói cách khác, chúng ta hiểu biết sự thật dựa trên bằng chứng nào?

1- Thưa trước hết, chúng ta biết bằng giác quan, ngũ quan : mắt thấy, tay sờ, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm. Cách hiểu biết này có đối tượng là vật chất, thực tại vật chất, những gì liên quan tới thế giới hữu hình chung quanh chúng ta. Đây là lãnh vực mà người ta gọi là khoa học, chuyên khám phá và mô tả bản tính mọi loài, để tìm ra định luật trong vật thể, sự thật của vật thể. Dĩ nhiên điều này đòi hỏi ta phải có ngũ quan tốt và máy móc tốt. Chuyện nhiều thầy bói mù sờ voi là một ví dụ minh họa. Bằng chứng ở đây được gọi là vật chứng. Có vật chứng thì hẳn biết rõ, có vật chứng thì phải chấp nhận. Cũng xin lưu ý rằng khoa học không bao giờ ra khỏi giới hạn này cả, nên tự nó chẳng bênh cũng chẳng chống thuyết vô thần hay thuyết hữu thần. Và ai cho rằng khoa học sẽ giúp giải thích mọi sự (ngoài cả thế giới vật chất) và giúp giải quyết mọi vấn đề là sa vào một ảo tưởng ngông cuồng, vĩ đại.

2- Cách biết thứ hai là biết bằng lý luận, nghĩa là bằng đầu óc suy nghĩ, tìm ra sự liên hệ giữa nhiều thực tại, dựa trên một vài nguyên tắc cơ bản, chẳng hạn nguyên tắc nhân quả (có quả tức phải có nhân, có tác phẩm ắt phải có tác giả…)… Và đây là lãnh vực mà người ta gọi là triết học, chuyên tìm hiểu và giải thích mối liên hệ giữa những hữu thể, những hiện tượng, hoặc đi từ cái mình thấy đến cái mình không thấy, để rút ra một kết luận. Bằng chứng ở đây được gọi là lý chứng. Ví dụ thấy tác phẩm biết có tác giả; thấy đồng hồ biết có thợ làm đồng hồ; thấy tạo vật tốt đẹp biết có Tạo hóa tài ba; thấy định luật trong trời đất và trong lương tâm thì biết có Đấng lập luật, lý luận ra có Đấng lập luật; thấy nơi loài người có sự hiểu biết bao la, vượt thời gian không gian, có trái tim vĩ đại, yêu người đến độ hy sinh chính mình, thì biết có hồn thiêng, lý luận ra rằng có hồn thiêng. Chưa cần đặt vấn đề tin ở đây, như nhiều giáo lý viên hay hạch hỏi giáo lý sinh rằng : “Các em tin có Chúa không, tin có linh hồn không?” Lý luận thì biết là có, cần gì phải tin rằng có. Người lương cũng biết có hồn thiêng, có Ông Trời mà ! Điều kiện cần ở đây là có một lý trí lành mạnh và lương tâm trong sáng. Đừng như kẻ duy vật vô thần, tiên thiên (=ngay từ đầu) phủ nhận Thiên Chúa rồi nói : tạo vật tự nhiên chuyển động, tự mình biến hóa, chẳng cần có Trời làm ra, hơn nữa chẳng thấy Ổng đâu cả ! Họ đánh đồng, lẫn lộn mô tả với giải thích.

Một ví dụ khác : Làm sao biết sách Tin Mừng nói thật? Dĩ nhiên là không thể dựa vào vật chứng. Có đâu mà dựa ! Nhưng nhờ lịch sử, chúng ta biết sách Tin Mừng đã được viết bởi các Tông đồ và môn đệ Đức Giêsu, tức những người đã thấy Chúa. Khi họ khởi thảo thì vẫn còn sống rất nhiều người từng nghe và thấy Chúa giảng dạy, khổ nạn, phục sinh. Các sách Tin Mừng lại được viết giữa một cộng đoàn có tổ chức, có kỷ luật (Giáo hội sơ khai). Những điều ấy cho thấy là không thể viết thêm, viết bậy, viết bịa. Các Tông đồ và môn đệ Chúa lại không trục lợi nhờ những điều lạ lùng kỳ diệu trong Tin Mừng, hay là nhờ tổ chức các cộng đoàn Kitô hữu. Trái lại các ngài đã bỏ mọi sự, chịu gian khổ, vượt chông gai, đi khắp nơi rao giảng nội dung Tin Mừng, cuối cùng lấy sinh mạng để làm chứng cho những gì mình đã thấy, đã ghi, đã truyền lại. Và rồi, từ nhóm nhỏ các ngài, một Giáo hội đã khai sinh, lớn lên và phát triển khắp hoàn cầu như ta thấy hôm nay. Như thế, nhờ cách lý luận vừa đưa ra, tức là nhờ lý chứng, chúng ta biết sách Tin Mừng nói thật.

3- Có cách biết thứ ba, sâu xa hơn, liên quan đến tâm linh, tinh thần, đến các thực tại tâm linh, các hữu thể tinh thần. Tôi chỉ biết người khác nghĩ gì, cảm gì khi chính họ tỏ cho tôi biết. Vì những tư tưởng, tình cảm nằm trong linh hồn : trong trái tim, trong óc não, không thể biết bằng giác quan, bằng dụng cụ khoa học như điện tâm đồ (electrocardiogram), điện não đồ (electroencephalogram) vốn chỉ cho biết tim hay não hoạt động nhiều hay ít, mạnh hay nhẹ thôi, hoặc là bằng lý luận, suy diễn, mà chỉ biết được nhờ đương sự đích thân bày tỏ, còn người nghe chỉ có việc tin vào. Nhưng chỉ có sự bày tỏ lòng mình với hai điều kiện : bản thân người thổ lộ cảm nghĩ đúng đắn và chân thành yêu mến kẻ được thổ lộ. Thông thường, đó là khi bạn bè tâm sự với nhau. Sâu xa hơn, khi vợ chồng bày tỏ ý tình cho nhau. Cao hơn nữa, đó là việc những tín đồ có cảm nghiệm tâm linh đích thực với Đấng Tuyệt đối và rồi nói lên cho người khác hay. Bằng chứng ở đây được gọi là nhân chứng, xuất phát từ chứng nhân. Dĩ nhiên chứng nhân cũng có thể là người (hay nhiều người) duy nhất chứng kiến một sự việc và rồi kể lại, nhưng chứng từ này không phải là vấn đề tâm linh, kinh nghiệm tâm linh (tư tưởng, tình cảm).

Nhân chứng kinh nghiệm tâm linh càng mang tính thuyết phục khi được củng cố bằng cuộc sống trở nên đạo hạnh nhờ đó và nhất là bằng cái chết cam chịu anh dũng vì đó. Trong Kitô giáo, đấy là cảm nghiệm thần bí (gặp gỡ, giao tiếp với Thiên Chúa cách sống động trong tâm hồn) mà ta thấy nơi ông Môsê, nơi vua Đavít, nơi các ngôn sứ Cựu Ước... Sang thời Tân Ước, nơi Đức Mẹ, Thánh Giuse, Thánh Gioan Tẩy giả, các Tông đồ và nhiều môn đệ Chúa. Trong lịch sử Giáo hội thì là các hiển thánh, nhất là những vị đã được ban cho ơn thần nghiệm và những tín hữu có đời sống đức tin sâu đậm. Tất cả họ đều tiếp xúc với thế giới tinh thần tuyệt đối là chính Thiên Chúa và đã được Người bày tỏ (tiếng chuyên môn gọi là mạc khải) cho nhiều điều. Các ngài đã tin Thiên Chúa rồi tỏ lộ kinh nghiệm ấy lại cho chúng ta, để chúng ta tin vào các ngài và từ đó tin vào Thiên Chúa. Tất cả các ngài đã củng cố chứng từ của mình bằng cuộc sống thánh thiện, bằng gian khổ triền miên và phần lớn bằng cái chết anh dũng. Đó là lãnh vực mà người ta gọi là thần học.

Nhưng chứng nhân số một chính là Đấng mà Tin mừng Gioan 1,18 đã nói : “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.” Chính Chúa Giêsu cũng xác nhận như thế với các Tông đồ trong Diễn từ giã biệt : “Tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Rồi để làm chứng cho lời mình nói là chân thật, Chúa đã chịu chết đau khổ. Và cũng để làm chứng cho lời mình nói là hữu hiệu, Chúa đã phục sinh vinh quang.

Vậy Chúa Giêsu đã bày tỏ những gì từ Thiên Chúa, mạc khải những gì cho chúng ta? Thưa đó là những điều mà giáo lý gọi là “mầu nhiệm.” Trên hết là mầu nhiệm một Chúa ba Ngôi, tiếp đến là mầu nhiệm Nhập thể (Ngôi Con làm người), mầu nhiệm Chúa khổ nạn phục sinh, mầu nhiệm Giáo hội như Thân thể Đức Kitô, mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm Đức Mẹ đồng trinh…. Như thế, theo những gì nói trên kia, có thể cho rằng các mầu nhiệm chính là những nỗi lòng của Thiên Chúa, những tâm sự về gia đình Thiên Chúa mà Ngôi Con bày tỏ với loài người, như giữa bạn bè với nhau; vì thế Chúa Giêsu đã nói : “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15). Đó cũng là những tâm sự mà Chúa Kitô ngỏ với Giáo hội, như giữa vợ chồng. Ta chẳng nhớ Chúa Giêsu tự gọi mình là Hôn phu và Giáo hội là Hôn thê sao? Và mỗi một tâm hồn tín hữu chẳng được gọi là Bạn tình của Chúa Kitô sao?

Dĩ nhiên những gì Ngôi Con mạc khải về Thiên Chúa thì thâm sâu, khó hiểu. Chuyện đó chẳng có chi lạ. Ngay cả những điều thuộc thế giới, vũ trụ hữu hình thì cũng đã thâm sâu, khoa học tới nay vẫn chưa khám phá ra hết, nên được gọi là bí nhiệm. Những gì ở trong tâm hồn con người càng thâm sâu hơn, vợ chồng với nhau cả đời cũng chưa chắc đã hiểu lòng nhau, bạn bè lâu năm tri kỷ cũng chưa hẳn đã thấu tâm nhau, vì thế mà triết học hiện sinh gọi tâm hồn mỗi người là một huyền nhiệm. Huống chi là những điều thuộc về tâm lòng, thế giới Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa không mạc khải các mầu nhiệm để thách thức óc não, đánh đố suy nghĩ của nhân loài. Nghĩ như thế là tội cho Người quá ! “Mầu nhiệm chẳng phải là một bức tường cho trí tuệ bể nát khi đụng vào, mà là một đại dương trong đó trí tuệ bị mất hút luôn” (Gustave Thibon). Một đại dương tình yêu bao la, một nỗi lòng thiết tha sâu thẳm.

Quả thế, mầu nhiệm Ba Ngôi cho chúng ta thấy Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa độc nhất, nhưng vì Người là Tình Yêu nên có Ba Ngôi. Người là Ba Ngôi, nhưng vì là Tình yêu, nên đã hợp nhất thành một Thiên Chúa. Và tình yêu đó tràn ra qua việc Người dựng nên muôn vật hữu hình và vô hình. Mầu nhiệm Nhập thể cho thấy Thiên Chúa đã hóa nên người phàm để ở với nhân loại và để cứu chuộc nhân loại, như đòi hỏi của tình yêu nơi Người, là không để tạo vật của Người bơ vơ trên cõi thế, khốn đốn vì tự do và đi vào cõi hư vô tuyệt diệt. Mầu nhiệm Giáo hội cho thấy Thiên Chúa muốn kết hợp tất cả thụ tạo hữu hình và vô hình (từ thiên thần đến loài người và muôn vật) trong một Thân Thể vĩ đại mà Đức Kitô phục sinh là đầu và mọi thụ tạo khác là thành phần, là chi thể, để hết thảy trở về với Thiên Chúa, Nguồn gốc và Cùng đích, như mong ước vĩ đại của tình yêu là tất cả nên một. Mầu nhiệm Thánh Thể cho thấy Chúa Kitô Phục sinh ở với chúng ta mọi nơi và mọi lúc cách hữu hình nhờ Mình Máu Người. Mình Máu ấy duy trì nơi ta sự sống thần linh, liên kết chúng ta với Thiên Chúa và chúng ta với nhau, để từ đó xây dựng nên Thân Thể mầu nhiệm của Người. Đó chẳng phải là bản chất của tình yêu hay sao? Các mầu nhiệm khác cũng mang ý nghĩa tương tự…

Kết luận:

Như thế, sự hiểu biết nhờ tin vào mạc khải từ lòng con người, và đặc biệt trong Kitô giáo, nhờ tin vào mạc khải từ lòng Thiên Chúa, chính là kiểu hiểu biết mang tính sâu xa nhất, nhân bản nhất, vì có thể giúp tạo ra ý nghĩa cho kiếp sống, hướng đi cho cuộc đời. Kitô hữu hạnh phúc khi tin vào Thiên Chúa vì Người không sai lầm cũng chẳng lừa gạt chúng ta. Những gì Người mạc khải cho chúng ta xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, có nội dung: Thiên Chúa là Tình Yêu, một sự thật cao vời, bao trùm mọi sự thật.

Trong Tân Ước, có câu chuyện tiêu biểu là chuyện Tông đồ Tôma với niềm tin vào việc Chúa Kitô sống lại (Ga 20,19-31). Chúng ta thấy vị Tông đồ này đã lần lượt trải qua 3 thứ hiểu biết nói trên với 3 bằng chứng: 1- thấy Chúa liền nhận ra vị Thầy mình đã sống với suốt 3 năm. 2- nhìn vết thương ở bàn tay và cạnh sườn Thầy, suy ra rằng Thầy đã thực sự sống lại. 3- được sự soi sáng, được ơn mạc khải (như Phêrô ở Mt 16,17), cuối cùng tin nhận và tuyên xưng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

Lm Phêrô Phan Văn Lợi, Giáo phận Huế.
19-07-2021. Cập nhật 27-04-2025
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Hồng Y họp đại hội đồng lần thứ sáu gửi thông điệp cám ơn về tang lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Vũ Văn An
14:45 29/04/2025

Đức Hồng Y Pietro Parolin (trái) và các Hồng Y khác cử hành Thánh lễ vào Ngày 3 của Thánh lễ Novendiales dành cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 28 tháng 4 năm 2025, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican. | Tín dụng: Daniel Ibañez/CNA


Kristina Millare của CNA, ngày 29 tháng 4 năm 2025, tường trình: Hội đồng Hồng Y đã họp đại hội đồng lần thứ sáu vào sáng thứ Ba, xác nhận hai cử tri Hồng Y sẽ không tham dự mật nghị sắp tới vào ngày 7 tháng 5 vì lý do sức khỏe.

Đại hội đồng khai mạc bằng lời cầu nguyện lúc 9 giờ sáng, sau đó là bài suy niệm do Viện phụ Donato Ogliari, OSB trình bày. Một trăm tám mươi ba Hồng Y, bao gồm hơn 120 cử tri Hồng Y, đã có mặt tại cuộc họp kéo dài hơn ba giờ được tổ chức tại Hội trường Thượng hội đồng của Vatican. Tổng cộng có 20 bài phát biểu được đưa ra.

Sau cuộc họp ngày 29 tháng 4, Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, cho biết trong buổi họp báo buổi chiều rằng tên của hai vị Hồng Y sẽ không được tiết lộ, đồng thời nói thêm rằng số lượng Hồng Y cử tri có mặt tại Rome cho mật nghị có thể thay đổi cho đến phút cuối và vẫn chưa thể xác nhận.

Trong buổi họp báo, Bruni nói với các nhà báo rằng chủ đề chính của các bài phát biểu được đưa ra vào thứ Ba xoay quanh "những thách thức mà Giáo hội đang phải đối mặt, theo quan điểm địa lý của nguồn gốc các Hồng Y".

Trong bài suy niệm gửi đến các Hồng Y, Viện phụ Ogliari cho biết "sứ mệnh của Giáo hội phải đối mặt với nhiều thách thức" trong thời đại "thay đổi mang tính thời đại" làm gián đoạn "trật tự thế giới" về địa chính trị và thay đổi công nghệ nhanh chóng.

"Trong vài ngày tới, các vị sẽ tập hợp lại để bầu ra giám mục Rôma và mục tử của Giáo hội hoàn vũ. Mong rằng [mật nghị] sẽ được biến thành 'phòng trên lầu', nơi mà, giống như trong Lễ Hiện xuống được đổi mới, ngọn lửa của Chúa Thánh Thần có thể bùng cháy", ngài nói.

“Ngay cả khi nơi diễn ra ‘mật nghị’ — như chính thuật ngữ này nói — là một nơi bị khóa, thì trên thực tế, nơi đó sẽ rộng mở với toàn thế giới, nếu sự tự do của Chúa Thánh Thần thắng thế, khi chạm đến trái tim và tâm trí, sẽ trẻ hóa, thanh lọc, tái tạo,” vị viện phụ Benedictine nói vào cuối buổi suy niệm.

Văn phòng Báo chí Tòa thánh cũng đã ban hành một tuyên bố thay mặt cho Hồng Y đoàn vào thứ Ba, trong đó các giáo phẩm bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến tất cả những người đã tham dự tang lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 26 tháng 4.

Trong thông điệp, các Hồng Y đã cảm ơn các nhà lãnh đạo và phái đoàn Công Giáo và không phải Công Giáo cũng như “các đại diện của Do Thái giáo, Hồi giáo và các tôn giáo khác,” có mặt tại tang lễ của cố giáo hoàng.

Một lời chào đặc biệt đã được gửi đến hàng ngàn thanh thiếu niên hành hương đang ở Rôma để tham dự Năm Thánh dành cho Thanh thiếu niên từ ngày 25 đến 27 tháng 4, những người thể hiện “khuôn mặt của một Giáo hội sống động với cuộc sống của Chúa phục sinh”.

Hồng Y đoàn cũng chia sẻ lòng biết ơn của mình đối với chính phủ và các nhà lãnh đạo dân sự vì “tình liên đới” của họ với Giáo hội trong thời gian tang lễ.

“Sự hiện diện của họ đặc biệt được trân trọng như sự tham gia vào nỗi đau khổ của Giáo hội và Tòa thánh khi Đức Giáo Hoàng qua đời, và như sự tôn vinh cam kết không ngừng của ngài trong việc thúc đẩy đức tin, hòa bình và tình anh em giữa tất cả mọi người trên trái đất”, tuyên bố viết.
 
Đại Hội Đồng Hồng Y lần thứ sáu: Từ chức, Hiện diện, Chủ đề thảo luận
Vũ Văn An
15:08 29/04/2025

Đại Hội Đồng Hồng Y. Ảnh: Vatican Media


Hãng tin Zenit, ấn bản tiếng Anh, ngày 29 tháng Tư, 2025, đưa tin: Đại hội đồng Hồng Y lần thứ sáu đã diễn ra vào sáng Thứ Ba, ngày 29 tháng 4 lúc 9:00 sáng, với một khoảnh khắc cầu nguyện, sau đó là buổi tĩnh tâm do Dom Donato Ogliari, OSB, Viện phụ Dòng Thánh Phaolô Ngoại thành chủ trì, kéo dài đến 9:40 sáng.

183 Hồng Y đã tham gia phiên họp, bao gồm hơn 124 Cử tri. Có khoảng hai mươi bài phát biểu. Trọng tâm của các bài suy tư là các chủ đề như vai trò của Giáo hội trong thế giới ngày nay và những thách thức mà Giáo hội phải đối diện.

Các Hồng Y đã chia sẻ những quan điểm khác nhau, tự đặt câu hỏi về phản ứng mà Giáo hội được kêu gọi đưa ra trong thời điểm này. Có thông báo rằng hai Hồng Y Cử tri sẽ không tham gia Mật nghị vì lý do sức khỏe.

Trong cuộc họp báo sau đó với các nhà báo, người phát ngôn của Văn phòng Báo chí Tòa thánh đã từ chối nêu tên hai vị vì tôn trọng sự riêng tư của các Hồng Y. Các Hồng Y khác dự kiến sẽ đến trong những ngày tới. Trong Đại hội đồng vào thứ Hai ngày 28, Hội đồng đã quyết định gửi một thông điệp tới thế giới bày tỏ lòng biết ơn vì sự tham gia của họ vào các sự kiện gần đây và sự ủng hộ nhận được trong những ngày sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời. Thông điệp đã được công khai vào sáng nay. Đại hội đồng kết thúc lúc 12:30 chiều.

Vài phút sau, trong cuộc họp báo, các câu hỏi tập trung vào việc Đức Hồng Y Angelo Becciu từ chức không tham gia Mật nghị Hồng Y, cũng như sự hiện diện của Đức Hồng Y Juan Luis Cipriani, người mà Đức Giáo Hoàng đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa khi còn sống sau những cáo buộc chống lại ngài. Đức Hồng Y chưa bị đưa ra xét xử hoặc bị kết án. Trên thực tế, ngài vẫn khẳng định mình vô tội. Một vấn đề liên quan khác là ngôn ngữ được các Hồng Y dùng để thông đạt. Người phát ngôn thừa nhận rằng một số vị sử dụng phiên dịch viên, vì không phải tất cả các vị đều nói tiếng Ý. Ông đồng ý trả lời về cách thức Mật nghị sẽ diễn ra, với điều kiện là các phiên dịch viên không được phép vào.
 
‘Lòng can đảm để thành thật’ - Đức Tổng Giám Mục Chaput nói về Đức Phanxicô và những gì sắp tới
Vũ Văn An
15:43 29/04/2025

"Chúng ta phải là những chứng nhân tích cực của Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải là những người bạn đồng hành."

Tạp chí The Pillar, 29 tháng 4 năm 2025, đăng tải bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Chaput:

Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, OFM Cap., là tổng giám mục hưu trí của Philadelphia, một nhà lãnh đạo lâu năm trong số các giám mục Hoa Kỳ và là tiếng nói có ảnh hưởng trong số những người Công Giáo Hoa Kỳ trong nhiều thập niên.

Tuần này, vị tổng giám mục đã nói chuyện với The Pillar về triều đại giáo hoàng Phanxicô và những gì ngài nghĩ rằng Giáo hội cần bây giờ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, bên phải, gặp nhau tại Quảng trường Thánh Phêrô vào năm 2015. Tín dụng: Vatican Media


Ngài đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô cách đây gần 30 năm — năm 1997 — khi cả hai đều là giám mục giáo phận, và ngài đã nói rằng ngài đã rất ấn tượng về vị này khi đó và tiếp tục dành cho ngài sự trân trọng. Giáo hội có thể học hỏi những đức tính nào của Đức Phanxicô?

Ngài có bản năng rộng lượng tự nhiên đối với những người ngài gặp, và ngài hiểu bản chất của những cử chỉ nhỏ. Sau hội nghị thượng đỉnh năm 1997, nơi chúng tôi gặp nhau và làm việc cùng nhau tại Rome, ngài đã gửi cho tôi một ghi chú cá nhân tuyệt đẹp và lời cầu nguyện chín ngày với một bức chân dung nhỏ của Đức Mẹ Tháo Gỡ Nút Thắt. Đó là một trong những lòng sùng kính Đức Mẹ mà ngài yêu thích. Tôi đã để nó trên bàn làm việc của mình mỗi ngày trong nhiều năm.

Những lòng tốt nhỏ bé không tốn kém, nhưng chúng ở lại trong ký ức, nâng cao tinh thần và có tác động lớn hơn nhiều so với kích thước của chúng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiểu điều đó. Tất cả chúng ta đều có thể học hỏi từ điều đó, và thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu chúng ta làm như vậy.

Trong khi Đức cha ca ngợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các sáng kiến của ngài trong thời gian làm giáo hoàng, và Đức cha thường nói về sự tôn trọng cá nhân của mình đối với ngài, nhưng Đức cha cũng đã chỉ trích triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô về các vấn đề mà Đức cha quan tâm.

Những phần gây tổn hại nhất trong phong cách của Đức Phanxicô là sự thiếu quan tâm của ngài trong việc làm rõ các vấn đề thần học và sự ghê tởm rõ ràng của ngài đối với một số bộ phận của Giáo hội. Ví dụ, ngài từ chối trả lời những câu hỏi nghiêm túc do dubia của nhiều Hồng Y nêu ra sau Amoris Laetitia.

Mỗi giáo hoàng đều có hai vai trò chính trong mối quan hệ của mình với Giáo hội hoàn vũ: a) là nguồn gốc và trung tâm của sự hiệp nhất Giáo hội trong con người mình, và b) làm rõ giáo huấn của Giáo hội trong các vấn đề gây tranh cãi.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường là nguyên nhân gây mất hợp nhất vì phong cách và tính khí của ngài. Và ngài từ chối làm rõ các cuộc tranh luận thần học khi được yêu cầu làm như vậy. Ngài dường như từ chối trách nhiệm trong những lĩnh vực trách nhiệm mà một vị giáo hoàng phải đảm nhiệm.

Là người Công Giáo, những gì chúng ta tin và cách chúng ta thờ phượng gắn kết chúng ta lại với nhau như một cộng đồng tín đồ. Chúng ta có ngôn ngữ, dân tộc và văn hóa địa phương khác nhau. Nhưng chúng ta tin và thờ phượng như một dân tộc trung thành, những người sau đó gắn kết thế giới với tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Nói cách khác, tín điều rất quan trọng. Những giáo lý bắt nguồn từ tín điều cũng vậy.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nói quá lỏng lẻo về những vấn đề nghiêm trọng, khiến người nghe bối rối và làm giảm đi tính nghiêm trọng của chức vụ của ngài. Ngài đã tạo ra sự mơ hồ xung quanh các vấn đề quan trọng về giáo lý, thực hành Kitô giáo và luật của Giáo hội. Và điều đó không bao giờ kết thúc tốt đẹp.

Đức cha đã xoay xở cách tiếp cận của mình ra sao đối với một giáo hoàng đầy thách thức?

Đức tin được thể hiện ở cấp độ địa phương. Đối với hầu hết các vấn đề của đời sống Kitô hữu, Rôma ở rất xa và không liên quan ngay lập tức. Chính giám mục địa phương và các mục tử của ngài định hình nên giọng điệu của văn hóa Công Giáo. Tôi đã cố gắng làm nổi bật những điều tốt đẹp trong triều đại giáo hoàng Phanxicô — và có rất nhiều điều tốt đẹp — và tôi đã cố gắng làm rõ những điều có vấn đề.

Người Công Giáo nên cân nhắc như thế nào về nghĩa vụ của mình đối với lòng hiếu thảo và sự vâng phục, với niềm tin của lương tâm và lời kêu gọi của Tin mừng để nói lên sự thật?

Như Thánh Phaolô đã nói, chúng ta có bổn phận phải nói lên sự thật, nhưng luôn luôn bằng tình yêu thương. Sự vâng phục của người Kitô hữu không bao giờ là máy móc. Nó giả định thiện chí của những người có thẩm quyền hợp pháp, thể hiện sự tôn trọng thực sự với họ và khiến bản thân phải tuân theo sự hướng dẫn của họ cho đến khi họ đi chệch khỏi những gì Giáo hội luôn coi là đúng. Nói cách khác, cuộc sống trong Giáo hội cũng giống như cuộc sống trong một cuộc hôn nhân lành mạnh. Sự vâng lời lẫn nhau của vợ chồng bao gồm sự chung thủy hoàn toàn với nhau và đặt người kia lên hàng đầu.

Nhưng tình yêu đích thực luôn dựa trên sự thật. Điều đó có nghĩa là vợ chồng có nghĩa vụ phải sửa chữa cho nhau — bằng tình yêu — khi hành vi hoặc suy nghĩ của một trong hai người bắt đầu trở nên sai trái. Một sự vâng lời lành mạnh, bao gồm cả sự vâng lời trong Giáo hội, đòi hỏi rất nhiều sự khiêm nhường. Đó phải là bản năng đầu tiên của chúng ta. Nhưng nó cũng đòi hỏi lòng can đảm để thẳng thắn về những vấn đề thực chất. Việc chỉ trích thẩm quyền không phải lúc nào cũng sai. Đôi khi là cần thiết.

Trong một số người Công Giáo Hoa Kỳ, những lời chỉ trích về triều đại của Đức Phanxicô dường như đã thúc đẩy một loại chủ nghĩa hoài nghi về sự lãnh đạo của giáo hội nói chung. Đối với con, có vẻ như chủ nghĩa hoài nghi có thể nuôi dưỡng một cuộc khủng hoảng hy vọng. Đối với những người Công Giáo đấu tranh với sự lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, việc chịu đựng trong hy vọng có nghĩa là gì?

Người Mỹ không giỏi về lịch sử. Chúng ta không thực sự coi trọng nó vì chúng ta tưởng tượng mình là "trật tự mới của thời đại". Những hạn từ đó, bằng tiếng Latinh, được đóng dấu trên Đại ấn của Hoa Kỳ.

Nhưng đối với bất cứ ai coi trọng đức tin Công Giáo của mình, biết lịch sử là điều cần thiết.

Lịch sử giáo hội là ký ức của chúng ta với tư cách là một dân tộc tin kính, và một trong những bài học chính của nó là, bất kể chúng ta thất bại tệ hại như thế nào, bất kể chúng ta làm hỏng mọi thứ một cách thảm hại như thế nào, và bất kể mọi thứ trông ảm đạm như thế nào, Chúa vẫn dấy lên các thánh để đổi mới Giáo hội của Người.

Vì vậy, không có lý do gì để biện minh cho sự hoài nghi. Nó cản trở việc tự kiểm điểm và hoán cải bản thân, vốn luôn là những bước đầu tiên trong bất cứ nỗ lực cải cách và đổi mới Giáo hội nào. Bám víu vào sự oán giận về vấn đề này hay vấn đề khác được nhận thức trong triều đại giáo hoàng Phanxicô sẽ chẳng đạt được gì.

Gần đây, Đức cha đã nói rằng Giáo hội hiện cần "một nhà lãnh đạo có thể kết hợp sự giản dị cá nhân với niềm đam mê hoán cải thế giới theo Chúa Giêsu Kitô". Đức cha nghĩ Giáo hội cần những phẩm chất nào khác ngay bây giờ?

Một trí tuệ Kitô hữu mạnh mẽ, tốt nhất là được củng cố bởi kinh nghiệm đau khổ hoặc hy sinh.

Đức cha có nghĩ rằng Hồng Y đoàn sẽ tìm kiếm những gì Đức cha đang tìm kiếm không?

Tôi không biết. Tôi nghĩ hầu hết các Hồng Y sẽ mang một mong muốn chân thành vì lợi ích của Giáo hội vào mật nghị.

Tôi tin tưởng vào Chúa và Giáo hội của Người, bất kể kết quả ra sao.

Bất kể ai trở thành giáo hoàng, các giám mục giáo phận, linh mục xứ, tu sĩ và giáo dân cũng cần phải là những nhà lãnh đạo như vậy ngày nay. Lời khuyên của Đức cha dành cho họ là gì?

Có rất nhiều điều tốt đẹp ở đất nước chúng ta, và tôi buồn vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không nhìn thấy và trân trọng điều đó. Nhưng cũng đúng là chúng ta đã tạo ra nền văn hóa duy vật thành công nhất trong lịch sử. Trên thực tế, tôn giáo bị bóp nghẹt bởi một loạt các ham muốn và sự xao lãng của người tiêu dùng. Những mối quan tâm siêu nhiên cản trở việc tiêu dùng. Chúa không bị tấn công nhiều - mặc dù sự thù địch công khai đang diễn ra nhiều hơn bây giờ - mà bị phớt lờ và trở nên không liên quan.

Trong một hoặc hai thế hệ tiếp theo, chúng ta sẽ cần những người và nhà lãnh đạo ít háo hức đồng hóa hơn, chỉ trích nhiều hơn về những gì đất nước chúng ta đang trở thành và nghiêm túc và can đảm hơn nhiều về đức tin Công Giáo của họ.

Chúng ta được cho là những nhân chứng tích cực của Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải là những người bạn đồng hành. Điều đó sẽ đòi hỏi một cuộc sống kỷ luật tự giáo dục bằng cách đắm mình vào Kinh thánh và chất liệu đọc Công Giáo hay, và đóng vai trò tích cực hơn trong các nhóm hỗ trợ đức tin. Chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến những gì đang xảy ra trong Giáo hội và trên thế giới, và không ngại bày tỏ mối quan tâm của mình với các nhà lãnh đạo Giáo hội.
Và tất nhiên, tầm quan trọng của việc cầu nguyện, tôn thờ và các bí tích không thể bị cường điệu hóa. Chúng là nền tảng.
 
Tiến sĩ George Weigel - Vị Giáo Hoàng Tiếp Theo: Sứ Vụ Phêrô Và Một Giáo Hội Truyền Giáo
J.B. Đặng Minh An dịch
17:15 29/04/2025


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông đã xuất bản một cuốn sách có tên là “The Next Pope: The Office of Peter and a Church in Mission”— nghĩa là “Vị Giáo Hoàng Tiếp Theo: Sứ Vụ Phêrô Và Một Giáo Hội Truyền Giáo”. Đó là một mô tả ngắn gọn về những phẩm chất mà tác giả cho là cần thiết ở một Vị Giáo Hoàng, người sẽ củng cố lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng chúng ta phải là một Giáo hội của những môn đệ truyền giáo.

Nhà xuất bản Ignatius Press, do linh mục Dòng Tên Joseph Fessio điều hành, nơi in cuốn sách đã gởi tặng cuốn sách này cho các Hồng Y trong Hồng Y Đoàn, và các tân Hồng Y trong các công nghị tấn phong Hồng Y. Cuốn sách có kèm theo một ghi chú ở bìa sách một câu của Đức Hồng Y Dolan “Tôi biết ơn Nhà xuất bản Ignatius đã cung cấp bài suy tư quan trọng này về tương lai của Giáo hội cho Hồng Y đoàn”.

Dưới đây là phần đầu nói về tình trạng của Giáo Hội hiện nay.

Trong ba thập niên qua, tôi đã có vinh dự được trò chuyện sâu rộng với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Những gì tôi học được từ những cuộc gặp gỡ đó—và từ nhiều năm tương tác với những người Công Giáo trên mọi châu lục, sống mọi giai đoạn cuộc sống trong Giáo hội—đã thúc đẩy những suy tư trong cuốn sách này.

Do đó, điều tiếp theo là thanh toán một phần khoản nợ lớn của tôi.

Giáo Hội Công Giáo là cùng một Giáo hội theo thời gian, vì như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta trong Êphêsô 4:5, Giáo Hội phục vụ cùng một Chúa, được hình thành bởi cùng một đức tin, và được sinh ra từ cùng một phép rửa tội. Tuy nhiên, phương thức Giáo Hội Công Giáo hoạt động như một Giáo Hội đã thay đổi để đáp ứng các yêu cầu tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô trên thế giới. Đã có năm lần chuyển đổi mang tính thời đại như vậy trong lịch sử Kitô giáo. Một trong số đó đang diễn ra ngay bây giờ.

Trong lần chuyển đổi lớn đầu tiên này, những gì chúng ta biết là Giáo hội Sơ khai đã tách biệt hoàn toàn khỏi những gì đã trở thành Do Thái giáo Rabbinic, trong một quá trình diễn ra nhanh hơn sau Chiến tranh Do Thái-Rôma lần thứ nhất vào năm 70 sau Chúa Giáng Sinh. [Do Thái giáo Rabbinic thường được định nghĩa là tín ngưỡng và tập tục của người Do Thái, được phác thảo trong Kinh Torah (Kinh thánh Do Thái) và được các nhà hiền triết (rabbi) diễn giải, kết hợp với các truyền thống truyền khẩu được truyền lại từ Ông Môisê trên núi Sinai. – chú thích của người dịch]

Giáo hội Sơ khai đó đã nhường chỗ cho, và thậm chí là đã khai sinh ra, Kitô giáo Giáo phụ, xuất hiện vào thế kỷ thứ tư và được định hình bởi cuộc gặp gỡ của Giáo hội với nền văn hóa cổ điển. Vào cuối thiên niên kỷ đầu tiên, Kitô giáo Giáo phụ đã khai sinh ra và nhường chỗ cho Kitô giáo Trung cổ, là sự tổng hợp chặt chẽ nhất từng đạt được giữa Giáo hội, văn hóa và xã hội. Kitô giáo Trung cổ đã bị chia rẽ trong một số cuộc Cải cách của thế kỷ XVI, và từ thảm họa đó đã xuất hiện Công Giáo Phản Cải cách: là phương thức tồn tại của Giáo hội mà mọi người Công Giáo sinh ra trước giữa những năm 1950 đã lớn lên.

Và vào cuối thiên niên kỷ thứ hai, cuộc chuyển đổi lớn thứ năm bắt đầu tập hợp sức mạnh trên khắp Giáo hội hoàn vũ: từ Công Giáo Phản cải cách sang Giáo hội Tân Phúc âm hóa. Người Công Giáo ngày nay sống trong sự hỗn loạn của thời điểm chuyển đổi này.

Vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, Giáo Hội Công Giáo thấy mình đang ở một điểm đột phá quan trọng trong quá trình chuyển đổi kỷ nguyên thứ năm đó. Đối với ba Đức Giáo Hoàng mà tôi đã đích thân biết đến và các thừa tác vụ Phêrô mà tôi đã theo dõi chặt chẽ, tất cả đều, theo cách này hay cách khác, là những người của Công đồng Vatican II: là sự kiện đã hoàn toàn khởi động quá trình chuyển đổi từ Công Giáo Phản Cải cách sang Giáo hội của Tân Phúc âm hóa. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng tiếp theo sẽ không được Công đồng Vatican II định hình theo cùng cách thức như ba vị tiền nhiệm của ngài trên Ngai tòa Thánh Phêrô.

Với tư cách là một giám mục Ba Lan rất trẻ và sau này là tổng giám mục của Kraków, Đức Karol Wojtyła (tương lai là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị) đã đóng vai trò tích cực trong cả bốn giai đoạn của Công đồng và giúp soạn thảo Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại, Gaudium et Spes. Là một chuyên gia thần học và là một chuyên gia trẻ tuổi tại Công đồng Vatican II, Đức Joseph Ratzinger (tương lai là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16) đã có ảnh hưởng trong việc phát triển năm văn bản công đồng, bao gồm các hiến chế tín lý của Công đồng về Giáo hội và về sự mặc khải của Thiên Chúa. Các chương trình Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị và Đức Bênêđíctô XVI chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những kinh nghiệm của các ngài về Công đồng Vatican II và sự tiếp nhận Công Đồng này trên khắp Giáo hội hoàn vũ. Thật vậy, các triều đại Giáo Hoàng của các ngài có thể được hiểu là một nỗ lực duy nhất kéo dài ba mươi lăm năm để đưa ra một cách diễn giải có thẩm quyền cho Công đồng. Nỗ lực đó xoay quanh Thượng hội đồng đặc biệt năm 1985, nơi đã tìm ra chìa khóa để diễn giải mười sáu văn kiện của Công đồng Vatican II trong khái niệm về Giáo hội như một sự hiệp thông của các môn đệ trong sứ mệnh. Sự thay đổi đó cuối cùng đã dẫn đến việc công bố Tân Phúc Âm hóa trước và trong Đại Năm Thánh 2000, và đến Văn kiện Aparecida năm 2007 của các giám mục Mỹ Latinh và Caribê—có lẽ là tuyên bố phát triển nhất cho đến nay về việc sự hiệp thông của các tông đồ trong sứ mệnh phải như thế nào.

Không giống như hai Vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của mình, Đức Jorge Mario Bergoglio (tương lai là Đức Thánh Cha Phanxicô) đã không trực tiếp trải nghiệm Công đồng Vatican II. Nhưng ngài là một tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi trong Công đồng và là một bề trên dòng trong giai đoạn tranh cãi ngay sau Công đồng Vatican II. Là tổng giám mục của Buenos Aires, ngài là một nhân vật quan trọng trong việc soạn thảo Văn kiện Aparecida. Trong cương vị Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục (người chủ trì ba trong bốn phiên họp của Vatican II) là hình mẫu Giáo Hoàng của mình, và ngài đã phong thánh cho cả Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, hai vị Giáo Hoàng của Công đồng Vatican II. Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự là một vị Giáo Hoàng của Công Đồng.

Đức Giáo Hoàng tiếp theo có thể sẽ là một thiếu niên hoặc một thanh niên rất trẻ trong những năm diễn ra Công đồng Vatican II; thậm chí có thể là một đứa trẻ trong những năm đó. Trong mọi trường hợp, ngài sẽ không được định hình bởi kinh nghiệm của Công đồng và các cuộc tranh luận trực tiếp về ý nghĩa của nó và sự tiếp nhận của nó như Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị, Bênêđíctô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô. Do đó, Đức Giáo Hoàng tiếp theo sẽ là một nhân vật chuyển tiếp theo một cách khác so với những vị tiền nhiệm trực tiếp của mình. Vì vậy, có vẻ thích hợp để suy ngẫm ngay bây giờ về những gì Giáo hội đã học được từ những kinh nghiệm của mình trong các triều đại Giáo Hoàng của ba vị Giáo Hoàng Công Đồng này—và đưa ra những gợi ý những gì Đức Giáo Hoàng tiếp theo có thể học được từ sự học hỏi đó.

Giáo Hội Công Giáo sẽ bước vào vùng đất chưa được khám phá trong triều đại Đức Giáo Hoàng tiếp theo. Vì vậy, điều quan trọng là phải suy ngẫm ngay từ bây giờ về hai câu hỏi:

Thứ nhất, Đức Thánh Linh đã dạy điều gì cho một Giáo Hội đang trong thời kỳ chuyển tiếp

Thứ hai, vị sẽ lãnh đạo Giáo hội trong giai đoạn chuyển tiếp này, gánh vác trách nhiệm to lớn và gánh nặng của sứ vụ Phêrô, người nắm giữ “chìa khóa Nước Trời” (Mt 16:19) cần có những phẩm chất nào?
 
Văn Hóa
Ơn Tiên Tri
Lm Vũđình Tường
00:46 29/04/2025
Những trận đá banh lớn người ta dựa vào râu con bạch tuộc đoán đội nào thắng, đội nào thua. Hình hai đội banh được treo trong hồ và con bạch tuộc theo đội nào thì họ đoán đội đó thắng. Tuần tới Hồng Y Đoàn họp mật chọn Giáo Hoàng nên làm báo cũng đòi làm tiên tri. Họ thi nhau tiên đoán vị Hồng Y này sẽ là giáo hoàng tương lai, vị Hồng Y kia đủ điều kiện lãnh đạo Giáo Hội. Thực ra ai cũng có thể tiên đoán, nhưng không phải ai cũng có ơn làm tiên tri. Con số Chúa ban cho ơn làm tiên tri rất giới hạn. Trong số những người đoán vị giáo hoàng tương lai, chỉ có một may mắn đoán đúng, còn tất cả đều sai. Vì đoán đúng được nổi danh; đoán sai không mất gì, nên người ta tranh nhau đoán. Nhà tiên tri hết sức trung thành với Thiên Chúa. Thứ hai, ơn tiên tri luôn đi chung với gian nan thử thách bởi lời cảnh tỉnh trái với í kiến đa số; kêu gọi con người bỏ đường tội lỗi, trở về đường lành, trung thành với Thiên Chúa, tuân giữ điều Chúa dậy. Vì thế mà họ bị bách hại, bị giết.

Điều ta có thể quả quyết cách chắc chắn mà không sợ sai lầm là Đức Kitô không bao giờ bỏ rơi Giáo Hội Ngài thiết lập. Đức Kitô luôn cùng đồng hành với Giáo Hội và hoạt động qua bàn tay, khối óc người Chúa chọn. Vì thế ơn trở thành Kitô hữu là ơn gọi. Ơn gọi này có thể là sống đời sống gia đình, đời sống độc thân hay đời sống tu trì. Thiếu ơn gọi sẽ không thể làm linh mục; chưa kể đến việc mục vụ của giám mục, hay Hồng Y. Như thế ta có thể nói Chúa chọn người phục vụ trong Giáo Hội ở nhiều trách vụ khác nhau. Giải thích thế nào về việc có linh mục tồi, giám mục xấu. Thưa, không phải Chúa chọn lầm mà chính cá nhân thay đổi. Việc tuyển chọn ứng sinh tu trì liên quan đến nhiều người và nhiều năm dài huấn luyện. Một linh mục linh hướng tu sinh thường xuyên nhận xét, và hàng năm ban giám học cho í kiến. Ngoài í kiến riêng của ứng sinh còn có í kiến chung của cả một hội đồng. Do đó, việc chọn sai quả là điều khó xảy ra. Tệ nạn xảy ra do nghèo nàn đời sống tâm linh. Có nhiều lí do nhưng một trong những lí do đó là quá hăng say trong công việc mà lơ là đời sống cầu nguyện. Nội tâm nghèo nàn dẫn đến tha hoá, biến chất; tội xâm nhập.

Lịch sử cứu độ có nhiều người Chúa chọn từ lâu mà không ai biết cho đến đúng thời điểm mơi được chính thức công bố. Không ai trong Cựu Ước tiên đoán em bé trôi sông Môisen sau này lại là người giải thoát dân Chúa khỏi ách đô hộ của Pharaoh. Người em Giuse bị các anh chán ghét lại là người Chúa dùng cứu đói toàn dân. Cậu bé Davit, bắn nạng thung giỏi lại trở thành vị vua đầu tiên và là vua lừng danh của dân Chúa chọn. Ai đoán biết người Trinh Nữ làng quê Nazaret lại trở thành Mẹ Thiên Chúa. Không ai có thể tiên đoán ông Giuse, người thợ mộc tầm thường, vô danh giữa muôn người lại trở thành lừng danh, cha nuôi Đức Kitô. Ai có thể đoán ông Gioan Tiền Hô nổi tiếng, được vua quan, toàn dân kính nể, lắng nghe, lại mất mạng do yêu cầu của một bé gái. Không thể nào hiểu người chài lưới ông Phêrô, lại trở thành vị Giáo Hoàng tiên khởi. Cũng chẳng ai đoán biết Giuđa thích tiền đến độ bán Thầy. Ngạc nhiên hơn nữa, lúc ông chết tay trắng, không tiền.

Người mục tử chân chính hiểu chức vụ, địa vị là nhiệm vụ. Đây không phải là quyền lợi mà là trách vụ coi sóc dân Chúa, bảo vệ Giáo Hội. Mục đích chính là mở mang nước Chúa nơi trần gian và làm Sánh Danh Chúa giữa muôn dân. Vì thế ta có thể nói một khi được Chúa gọi phục vụ Giáo Hội trong bất cứ trách vụ lớn nhỏ nào, Kitô hữu có tránh nhiệm làm Sáng Danh Chúa.

Vậy Hồng Y đoàn làm việc gì? Thưa Hồng Y đoàn là tiếng nói chính thức xác nhận người này là người Chúa chọn lên lãnh đạo Giáo Hội Chúa nơi trần gian. Công việc trong thời gian mật nghị của các vị là lắng nghe tiếng Thánh Thần Chúa, âm thầm hoạt động trong tâm hồn, để biết ai là người Chúa chọn lãnh đạo Giáo Hội. Khi chọn bầu giáo hoàng tương lai, Hồng Y không chọn theo bằng cấp, tài năng, sở thích, phe phái mà mà tuân thủ theo phán đoán công minh của lương tâm. Nhờ thế mà các vị có con tim thanh thản, tâm hồn bình an.

Những chuyện ghi lại trong Cựu và Tân Uớc dường như xác nhận là nhân tuyển Chúa chọn phục vụ Giáo Hội Chúa được tuyển chọn từ lâu. Chúa gọi họ vào đời, ban ơn đặc biệt. Họ sống âm thầm giữa muôn người. Khi hoàn cảnh thuận tiện, đúng thời điểm, Chúa gọi họ đảm lãnh trách nhiệm. Hồng Y đoàn làm công việc công bố nhân tuyển Chúa chọn.

Xin ơn soi sáng cho Hồng Y Đoàn.

TiengChuong.org
 
VietCatholic TV
Hàng trăm UAV Ukraine tấn công nhà máy hỏa tiễn, radar Nga suốt đêm. Putin bất ngờ yêu cầu ngừng bắn
VietCatholic Media
03:14 29/04/2025


1. Máy bay điều khiển từ xa được tường trình đã tấn công nhà máy sản xuất phụ tùng hỏa tiễn, radar của Nga

Một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào Chúa Nhật, 27 Tháng Tư, đã nhắm vào một nhà máy điện tử quan trọng của Nga tại thành phố Bryansk, các kênh Telegram của Nga và một quan chức Ukraine tuyên bố vào ngày 28 tháng 4.

Thống đốc tỉnh Bryansk Alexander Bogomaz tuyên bố rằng lực lượng Ukraine đã phát động một “cuộc tấn công lớn” vào khu vực này, trong đó hệ thống phòng không của Nga được cho là đã chặn và phá hủy 102 máy bay điều khiển từ xa.

Andrii Kovalenko, một quan chức tại Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine, cho biết các máy bay điều khiển từ xa “không xác định” đã nhắm vào nhà máy Kremniy-El, một cơ sở lớn chuyên về vi điện tử cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga.

Các kênh Telegram của Nga đã ủng hộ khẳng định này, mặc dù chưa được chính quyền địa phương xác nhận.

Theo các nguồn tin mở của Nga, nhà máy này sản xuất các phụ tùng cho các hệ thống hỏa tiễn như Topol-M, Bulava và Iskander, cũng như cho radar, hệ thống tác chiến điện tử, máy bay điều khiển từ xa và thiết bị điện tử trên máy bay quân sự.

Hình ảnh và video đăng trên Telegram cho thấy hỏa hoạn bùng phát ở một số khu vực của thành phố vào đêm qua, người dân địa phương cho biết có những tia chớp trên bầu trời.

Phương tiện truyền thông địa phương đưa tin có ít nhất 10 đến 15 vụ nổ ở Bryansk, gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng dân sự, xe cộ và các tòa nhà dân cư. Bogomaz tuyên bố rằng một thường dân đã thiệt mạng và một người khác bị thương trong các vụ tấn công.

Lực lượng Ukraine vẫn chưa bình luận về vụ tấn công. Tờ Kyiv Independent không thể xác minh các tuyên bố.

Bryansk nằm cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 100 km, hay 60 dặm, về phía bắc. Các lực lượng Ukraine đã nhiều lần nhắm vào các cơ sở quân sự và công nghiệp của Nga ở phía sau để làm suy yếu khả năng tiến hành chiến tranh toàn diện của Mạc Tư Khoa.

[Kyiv Independent: Drones reportedly strike Russian plant producing parts for missiles, radars]

2. Putin tuyên bố lệnh ngừng bắn mới nhưng Điện Cẩm Linh cứng rắn hơn về các khu vực bị sáp nhập của Ukraine

Putin tuyên bố lệnh ngừng bắn ba ngày tại Ukraine vào lúc nửa đêm ngày 7 tháng 5 để kỷ niệm 80 năm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã trong Thế chiến II.

Thỏa thuận ngừng bắn được đề xuất sẽ diễn ra từ ngày 8 tháng 5 đến ngày 11 tháng 5, trùng với lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga, Điện Cẩm Linh cho biết. Trong khi Ukraine vẫn chưa phản hồi, Nga đã đe dọa sẽ có “một phản ứng thỏa đáng và hiệu quả” nếu Kyiv vi phạm lệnh ngừng bắn được đề xuất.

“Nga liên tục bác bỏ mọi thứ và tiếp tục thao túng thế giới, cố gắng lừa dối Hoa Kỳ”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết vào tối Thứ Hai, 28 Tháng Tư. “Bây giờ, một lần nữa, một nỗ lực thao túng khác: vì một lý do nào đó, người dân Ukraine âu lo vì các cuộc không kích phải đợi đến ngày 8 tháng 5, ngày mà ông ta công bố lệnh ngừng bắn —để bảo đảm cho các cuộc diễn hành của ông ta được diễn ra xuôn sẻ”.

Mạc Tư Khoa cũng tuyên bố lệnh ngừng bắn tạm thời vào lễ Phục sinh, nhưng Ukraine cáo buộc chính lực lượng của Nga đã vi phạm lệnh này hàng ngàn lần. Nga từ lâu đã từ chối lệnh ngừng bắn hoàn toàn trừ khi Ukraine chấp nhận danh sách các yêu cầu tối đa của Cẩm Linh, bao gồm phi quân sự hóa và nhượng lại các vùng lãnh thổ rộng lớn.

Vào thứ Hai, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đã đi xa hơn nữa khi loại trừ khả năng đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine trừ khi thế giới công nhận Crimea và các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm khác của Ukraine là của Nga - một động thái cứng rắn rõ rệt trong lập trường của Mạc Tư Khoa ngay sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố Crimea sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Sergey Lavrov, Ngoại trưởng lâu năm của Nga, nói với tờ báo Brazil O Globo rằng “sự công nhận quốc tế” đối với Crimea, nơi Nga đã sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014, cũng như Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia, những khu vực mà Điện Cẩm Linh xâm lược một phần sau cuộc xâm lược toàn diện năm 2022, sẽ là “điều bắt buộc” trong bất kỳ cuộc đàm phán nào với Ukraine.

Phát biểu của Lavrov được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rằng “Crimea sẽ ở lại với Nga” và chỉ trích Tổng thống Zelenskiy vì từ chối công nhận bán đảo bị sáp nhập này là của Nga.

“Mọi người đều hiểu rằng Crimea đã ở bên Nga trong một thời gian dài. Nó đã ở bên họ từ lâu trước khi Tổng thống Trump xuất hiện,” Tổng thống Hoa Kỳ nói với Tạp chí Time tuần trước.

Hoa Kỳ gần đây đã trình bày một kế hoạch hòa bình cho Kyiv, theo đó Crimea sẽ được trao cho Nga và Hoa Kỳ công nhận lãnh thổ bị tạm chiếm. Ukraine đã kiên quyết từ chối bất kỳ giải pháp đàm phán nào bao gồm việc giao đất cho Mạc Tư Khoa, coi đó là sự đầu hàng trước kẻ xâm lược, mặc dù hy vọng rằng Kyiv có thể chiếm lại bán đảo bằng quân sự đã giảm dần.

Liên minh Âu Châu cũng đã từ chối công nhận Crimea là của Nga. “Crimea là Ukraine”, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu Kaja Kallas đã nói vào tuần trước.

Nhưng vào Chúa Nhật, sau cuộc gặp ngắn với Tổng thống Zelenskiy tại Vatican một ngày trước đó, Tổng thống Trump tỏ ra tự tin rằng Kyiv sẽ đồng ý nhượng Crimea cho Điện Cẩm Linh như một phần của thỏa thuận ngừng bắn.

“Tôi nghĩ là vậy,” ông trả lời khi được các phóng viên hỏi liệu Tổng thống Zelenskiy có chấp nhận đề xuất này không.

[Politico: Putin announces new ceasefire but Kremlin hardens stance on annexed Ukrainian regions]

3. ‘Nếu Nga thực sự muốn hòa bình, họ phải ngừng bắn ngay lập tức’ — Ukraine phản ứng với lệnh ngừng bắn Ngày Chiến thắng của Putin

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã phản ứng vào ngày 28 tháng 4 trước tuyên bố của Putin về cái gọi là lệnh ngừng bắn “nhân đạo” vào Ngày Chiến thắng, nói rằng Nga phải ngừng bắn ngay lập tức nếu muốn có lệnh ngừng bắn.

Thông báo này được đưa ra khi Mạc Tư Khoa tiếp tục bác bỏ yêu cầu của Kyiv về lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện như bước đầu tiên hướng tới một thỏa thuận hòa bình rộng lớn hơn.

Theo tuyên bố của Điện Cẩm Linh, lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực từ nửa đêm mùng 7 rạng sáng mùng 8 tháng 5 cho đến nửa đêm ngày 11 tháng 5.

“Nếu Nga thực sự muốn hòa bình, họ phải ngừng bắn ngay lập tức. Tại sao phải đợi đến ngày 8 tháng 5? Nếu có thể ngừng bắn ngay bây giờ và kể từ bất kỳ ngày nào trong 30 ngày — thì đó là sự thật, không chỉ để diễn hành”, Sybiha viết trong bài đăng trên X.

“Ukraine sẵn sàng ủng hộ lệnh ngừng bắn lâu dài, bền vững và toàn diện. Và đây là điều chúng tôi liên tục đề xuất, trong ít nhất 30 ngày”, ông nói thêm.

Lệnh ngừng bắn Ngày Chiến thắng là sáng kiến ngừng bắn mới nhất trong một loạt các sáng kiến do Mạc Tư Khoa công bố, tất cả đều bị Nga vi phạm.

Đầu tháng này, Nga đã tuyên bố ngừng bắn trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh, mặc dù Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Mạc Tư Khoa đã vi phạm gần 3.000 lần từ ngày 19 tháng 4 đến ngày 21 tháng 4. Ukraine cũng cho biết lực lượng Nga đã nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn một phần đối với các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng được làm trung gian vào ngày 25 tháng 3.

Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẵn sàng đàm phán hòa bình trong khi đồng thời thúc đẩy các yêu cầu tối đa. Kyiv đã bác bỏ những tuyên bố này là một chiêu trò tuyên truyền, lưu ý rằng lực lượng Nga chỉ tăng cường các cuộc tấn công vào các thành phố và thị trấn của Ukraine.

4. Thủ tướng Tây Ban Nha Sánchez cho biết sự việc mất điện đột ngột đã gây ra tình trạng mất điện

Sự việc mất điện quy mô lớn khiến Bán đảo Iberia chìm trong bóng tối vào thứ Hai dường như bắt nguồn từ sự biến mất không rõ nguyên nhân của 15 gigawatt điện từ lưới điện Tây Ban Nha.

“Điều này chưa từng xảy ra trước đây”, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez nói với vẻ mặt nghiêm trọng tại một cuộc họp báo vào tối thứ Hai. “Và nguyên nhân gây ra điều này là điều mà các chuyên gia vẫn chưa xác định được — nhưng họ sẽ xác định được”.

Ông nói thêm rằng “không có giả thuyết nào bị bác bỏ và mọi nguyên nhân có thể đang được điều tra”.

Phát ngôn nhân của chính phủ Tây Ban Nha nói với POLITICO rằng “vào lúc 12:33 chiều, 15 gigawatt năng lượng đang được sản xuất ở Tây Ban Nha đột nhiên biến mất và mất tích trong năm giây”.

Họ nói thêm rằng lượng điện đột nhiên biến mất khỏi lưới điện tương đương với 60 phần trăm tổng lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc vào thời điểm đó.

Việc nguồn điện cung cấp đột ngột giảm đã gây bất ổn cho lưới điện của Tây Ban Nha, vốn được tích hợp chặt chẽ với Bồ Đào Nha và được kết nối với phần còn lại của Âu Châu thông qua một số ít kết nối xuyên biên giới với Pháp.

Eduardo Prieto, giám đốc công ty điều hành hệ thống truyền tải điện Tây Ban Nha Red Eléctrica, hôm thứ Hai cho biết sự việc mất điện là do “dao động rất mạnh trong mạng lưới điện” khiến hệ thống điện của Tây Ban Nha “ngắt kết nối với hệ thống điện Âu Châu và mạng lưới điện Iberia bị sập lúc 12:38”.

Tình hình ảnh hưởng đến mạng lưới giao thông công cộng, đèn giao thông, bệnh viện và hệ thống thanh toán là chưa từng có.

Sự phản đối của Tây Ban Nha đối với cuộc chiến của Israel ở Gaza và sự ủng hộ của nước này đối với Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga đã khiến nước này trở thành mục tiêu chính của các cuộc tấn công mạng, và trong suốt cả ngày đã có sự suy đoán gia tăng rằng cuộc khủng hoảng có thể là kết quả của hành động bất chính. Bộ Tư lệnh Không gian mạng chung, báo cáo với Bộ Tham mưu Quốc phòng và giám sát an ninh mạng, và Trung tâm Mật mã Quốc gia, đều đã tiến hành điều tra về vụ mất điện.

Nói rằng có thể sẽ là “một đêm dài”, Sánchez cho biết có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến để khôi phục điện cho toàn bộ đất nước. Ông nói thêm rằng người Tây Ban Nha nên ưu tiên phúc lợi của họ và cố gắng làm việc tại nhà vào thứ Ba nếu có thể.

Thủ tướng cho biết: “Người dân Tây Ban Nha nên và có thể cảm thấy bình tĩnh”, đồng thời nói thêm rằng lực lượng an ninh đang bảo đảm trật tự được duy trì trên khắp cả nước.

30.000 thành viên của lực lượng cảnh sát quốc gia và lực lượng hiến binh Dân quân đã được điều động trên khắp cả nước vào thứ Hai, và các đơn vị dự bị bổ sung đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng hoạt động nếu cần.

[Politico: Freak disappearance of electricity triggered power cut, says Spain PM Sánchez]

5. Các đồng minh của Ukraine sẽ ‘tăng áp lực lên Nga’ trong những ngày tới, Macron nói

Các đồng minh của Ukraine sẽ “tăng áp lực lên Nga” trong những ngày tới để đạt được lệnh ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Paris Match của Pháp, phát hành ngày 28 tháng 4.

“Trong tám đến mười ngày tới, chúng tôi sẽ tăng áp lực lên Nga. Tôi vẫn thận trọng về lệnh ngừng bắn vì một phần của phương trình phụ thuộc vào Mạc Tư Khoa,” Macron nói.

Trong khi Hoa Kỳ tăng cường nỗ lực làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Ukraine và Nga, Mạc Tư Khoa cho đến nay đã từ chối lệnh ngừng bắn toàn bộ trong 30 ngày. Vào ngày 26 tháng 4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết “các lệnh trừng phạt ngân hàng hoặc thứ cấp” nên được áp dụng đối với Nga trong bối cảnh các nỗ lực đạt được thỏa thuận hòa bình không thành công.

“Chúng ta phải đoàn kết và ngăn chặn. Tôi tin rằng chúng ta đã thành công, nhờ cuộc họp này tại Vatican, trong việc gây áp lực trở lại với Nga,” Macron nói.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã gặp Tổng thống Trump tại Vatican bên lề lễ tang của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 26 tháng 4.

Macron lên án những nỗ lực gây áp lực buộc Ukraine chấp nhận một thỏa thuận hòa bình tập trung vào những nhượng bộ cho Ukraine chứ không phải cho Nga.

“Đó là mục tiêu đã định, vì sẽ không đúng khi chỉ gây áp lực lên Ukraine”, Macron nói.

Hoa Kỳ được cho là đã cân nhắc việc công nhận quyền kiểm soát Crimea của Nga, cùng với những nhượng bộ lớn khác cho Ukraine, bao gồm cả việc cấm Kyiv theo đuổi tư cách thành viên NATO. Vào ngày 27 tháng 4, Tổng thống Trump cho biết ông tin rằng Tổng thống Zelenskiy sẵn sàng nhượng quyền kiểm soát Crimea cho Nga.

“Chúng ta phải chuẩn bị, cùng với người Mỹ, phải cứng rắn hơn với Nga nhằm đạt được lệnh ngừng bắn này,” Macron nói.

Macron cho biết: “Tôi tin rằng tôi đã thuyết phục được người Mỹ về khả năng leo thang các mối đe dọa và có thể là các lệnh trừng phạt để buộc Nga chấp nhận lệnh ngừng bắn này”.

Vào ngày 28 tháng 4, Putin đã tuyên bố một lệnh ngừng bắn được gọi là “nhân đạo” trong cuộc chiến của Nga với Ukraine để kỷ niệm 80 năm ngày kết thúc Thế chiến II ở Âu Châu.

Vào ngày 9 tháng 5, Nga tổ chức các cuộc diễn hành quân sự hoành tráng để kỷ niệm ngày kết thúc Thế chiến II ở Âu Châu. Ukraine và hầu hết các quốc gia Âu Châu kỷ niệm ngày 8 tháng 5 là Ngày Chiến thắng ở Âu Châu.

Tổng thống Zelenskiy chỉ trích đề xuất của Putin về lệnh ngừng bắn ngắn hạn và chỉ ra các cuộc không kích của Nga vào các mục tiêu dân sự vào ngày 28 tháng 4 là bằng chứng cho thấy Nga không muốn chấm dứt chiến tranh với Ukraine.

“Chúng tôi coi trọng mạng sống con người, không phải các cuộc diễn hành. Đó là lý do tại sao chúng tôi tin rằng — và thế giới tin rằng — không có lý do gì để chờ đến ngày 8 tháng 5”, Tổng thống Zelenskiy nói.

6. Kim Chính Ân phá vỡ sự im lặng về việc quân đội Bắc Hàn chiến đấu cho Nga

Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Chính Ân lần đầu tiên tuyên bố rằng nước này đã điều động quân đội tới Kursk, gọi họ là “anh hùng” và mô tả vai trò của họ trong chiến dịch đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi khu vực của Nga là một “sứ mệnh thiêng liêng”.

Trong xác nhận chính thức đầu tiên về sự tham gia của Bắc Hàn vào cuộc chiến tranh Ukraine, Kim cũng được cho là đã nói rằng một tượng đài sẽ được dựng lên để vinh danh quân đội ở Bình Nhưỡng.

“Những người đấu tranh cho công lý đều là anh hùng và là đại diện cho danh dự của quê hương”, hãng thông tấn nhà nước Bắc Hàn KCNA đưa tin hôm thứ Hai, cùng ngày Putin công khai cảm ơn ông Kim vì sự giúp đỡ của ông.

Tình báo Ukraine, Nam Hàn và phương Tây cho biết vào tháng 10 rằng Bắc Hàn đã gửi tới 12.000 binh sĩ tới Nga để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa.

Trước đó, cả Bắc Hàn và Nga đều chưa xác nhận sự tham gia này, mà tập trung vào cuộc chiến của Mạc Tư Khoa nhằm chiếm lại khu vực Kursk, nơi quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công vào tháng 8.

Kyiv đã công bố đoạn video về những gì họ cho là quân đội Bắc Hàn bị bắt và các quan chức phương Tây cho biết ít nhất 1.000 trong số 11.000 quân được điều từ Bắc Hàn đã thiệt mạng, mặc dù con số này chưa được xác nhận độc lập.

Bình luận của Kim và Putin cho thấy một mối quan hệ đối tác quân sự cởi mở hơn, trong đó cho đến nay Bình Nhưỡng đã cung cấp đạn dược và vũ khí cho Mạc Tư Khoa.

KCNA cho biết quân đội Bình Nhưỡng đã cử binh lính tới giúp lực lượng Nga “giải phóng hoàn toàn” khu vực biên giới Kursk.

Kyiv đã phủ nhận tuyên bố của Nga rằng Mạc Tư Khoa đã chiếm lại toàn bộ khu vực Kursk, nơi Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công vào tháng 8 năm ngoái, và cho biết quân đội của họ đang chiến đấu tại đó.

Nhưng ông Kim lại hết lời ca ngợi sự hợp tác giữa lực lượng Bắc Hàn và Nga, ông cho biết “đã giành được chiến thắng to lớn” và gợi ý rằng sẽ có mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nước trong tương lai.

Có vẻ như ám chỉ đến những người lính Bắc Hàn đã tử trận, Kim cho biết một tượng đài tưởng niệm họ sẽ được dựng lên ở Bình Nhưỡng và hoa sẽ được đặt trước bia mộ của những người lính đã hy sinh.

Hôm thứ Hai, Putin đã bày tỏ lòng tri ân đối với những người lính Bắc Hàn chiến đấu cùng lực lượng Nga, gọi họ là “những người anh em chiến đấu”, với hãng thông tấn nhà nước Tass lưu ý rằng ông và Kim đã ký một thỏa thuận đối tác chiến lược vào năm 2024.

Tuyên bố của Putin và Kim được đưa ra vài ngày sau khi Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov ca ngợi “chủ nghĩa anh hùng” của quân đội Bắc Hàn, lần đầu tiên Mạc Tư Khoa công khai thừa nhận sự tham gia của họ vào cuộc xung đột ở Ukraine.

[Politico: Kim Jong Un Breaks Silence on North Korean Troops Fighting for Russia]

7. Prague cho biết sáng kiến của Tiệp vừa chuyển thêm 400.000 quả đạn pháo cho Ukraine

Ngoại trưởng Tiệp Jan Lipavsky cho biết vào ngày 27 tháng 4 rằng sáng kiến đạn dược của Tiệp đã cung cấp thêm 400.000 viên đạn cỡ lớn cho Ukraine tính đến cuối tháng 4.

Phát biểu trên chương trình Truyền hình Tiệp, Lipavsky nhắc lại rằng sáng kiến này đã cung cấp 1,5 triệu viên đạn các cỡ nòng khác nhau vào năm 2024 và có đủ kinh phí để tiếp tục cho đến mùa thu năm nay.

Sáng kiến này, được hỗ trợ bởi các khoản đóng góp từ Canada, Na Uy, Hòa Lan, Đan Mạch và các quốc gia khác, đã thúc đẩy đáng kể năng lực pháo binh của Ukraine, Prague cho biết. Cernochova tiết lộ rằng các quốc gia khác, chẳng hạn như Bỉ, cũng đã thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia.

Sáng kiến này được đưa ra vào năm ngoái trong bối cảnh Ukraine thiếu hụt đạn pháo, chủ yếu do sự chậm trễ trong viện trợ quân sự của Hoa Kỳ vào đầu năm 2024.

Lipavsky lưu ý rằng sáng kiến này đã làm giảm hiệu quả của pháo binh Nga “500%” và cải thiện tỷ lệ đạn pháo từ 1-10 có lợi cho Nga lên 1-2.

“Tôi không muốn ràng buộc mình bằng bất kỳ con số nào”, Lipavsky trả lời khi được người dẫn chương trình hỏi liệu sáng kiến này có nhằm mục đích cung cấp nhiều quả đạn pháo hơn năm ngoái hay không.

“Chúng tôi sẽ cung cấp nhiều đạn dược nhất có thể tìm thấy trên khắp thế giới. Và chúng tôi vẫn còn đủ nguồn lực; hiện tại chúng tôi có thêm khoảng 1,5 triệu quả đạn pháo.”

Lipavsky nói thêm rằng việc sáng kiến này có thể bảo đảm và chuyển giao đạn dược cho Ukraine trong thời gian ngắn nhất hay không sẽ tùy thuộc vào các nhà tài trợ.

Đảng đối lập hàng đầu của Tiệp, ANO, có mục tiêu đình chỉ sáng kiến này nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 10 năm 2025, phó lãnh đạo ANO, Karel Havlicek, cho biết vào tháng Giêng.

Prague là nước ủng hộ mạnh mẽ Ukraine bằng cách cung cấp viện trợ quân sự, dẫn đầu các nỗ lực của Liên Hiệp Âu Châu nhằm bảo đảm vũ khí và tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn Ukraine.

[Kyiv Independent: Czech initiative delivers another 400,000 shells to Ukraine, Prague says]

8. Điện Cẩm Linh sẵn sàng đàm phán với Ukraine khi Tổng thống Trump chỉ trích Putin một lần nữa

Điện Cẩm Linh nhấn mạnh “sự sẵn sàng” cho các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp với Ukraine nhưng cho biết họ đang chờ tín hiệu từ Kyiv.

Tổng thống Trump đã thúc giục nhà độc tài Nga Vladimir Putin ngừng tấn công Ukraine, đồng thời nói thêm rằng ông “rất thất vọng” trước hành động của Nga.

Tổng thống Trump đang cố gắng đạt được thỏa thuận hòa bình mà ông làm trung gian để chấm dứt cuộc chiến của Nga với Ukraine, nhưng đã đe dọa sẽ rút lui nếu không sớm đạt được tiến triển.

Các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và cả hai bên xung đột, và Tổng thống Trump đã nói rằng một thỏa thuận đã gần kề. Nhưng những lời chỉ trích hiếm hoi của ông đối với Putin cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng đối với quá trình này.

Nga cho biết Ukraine đang chặn các cuộc đàm phán trực tiếp. Nhưng Ukraine đã nói rằng họ sẵn sàng đàm phán nếu Nga đồng ý ngừng bắn hoàn toàn trước.

“Đã có những lời từ Tổng thống Trump. Một chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn đang tiếp tục”, phát ngôn nhân của Putin, Dmitry Peskov cho biết vào sáng thứ Hai, theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin.

“Tổng thống đã nhiều lần khẳng định phía Nga sẵn sàng bắt đầu tiến trình đàm phán với Ukraine mà không cần bất kỳ điều kiện nào để tiến vào kênh hòa bình.”

Peskov cũng cho biết Điện Cẩm Linh đang chờ tín hiệu “từ Kyiv” cho thấy họ cũng sẵn sàng đàm phán trực tiếp.

“Ít nhất, Kyiv nên có hành động nào đó về vấn đề này. Họ có lệnh cấm về vấn đề này. Nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy hành động nào”, Peskov nói.

Newsweek đã liên hệ với văn phòng tổng thống Ukraine để xin bình luận qua email gửi tới phòng báo chí của văn phòng này.

Tổng thống Trump đã có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Vatican, nơi cả hai nhà lãnh đạo đều tham dự lễ tang của Đức Thánh Cha Phanxicô vào thứ Bảy.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp, Tổng thống Trump cho biết Tổng thống Zelenskiy “nói với tôi rằng ông ấy cần thêm vũ khí... và chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra”.

“Tôi muốn thấy những gì xảy ra liên quan đến Nga, bởi vì tôi rất ngạc nhiên và thất vọng, rất thất vọng khi Nga thực hiện vụ ném bom những nơi đó sau khi đã thảo luận,” Tổng thống Trump nói.

Khi được hỏi ông muốn Putin làm gì, Tổng thống Trump trả lời: “Vâng, tôi muốn ông ấy ngừng bắn, ngồi xuống và ký một thỏa thuận. Và chúng tôi có những giới hạn của một thỏa thuận, tôi tin vậy. Và tôi muốn ông ấy ký nó và hoàn thành nó và chỉ cần quay trở lại cuộc sống.”

Tổng thống Trump cũng đưa ra bình luận trên mạng xã hội sau cuộc gặp với Tổng thống Zelenskiy. Ông nói rằng “không có lý do gì để Putin bắn hỏa tiễn vào các khu vực dân sự, thành phố và thị trấn trong vài ngày qua”, trong một bài đăng trên nền tảng Truth Social của ông.

“Điều đó khiến tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy không muốn dừng chiến tranh, ông ấy chỉ đang lợi dụng tôi, và phải đối xử với tôi theo cách khác, thông qua 'Ngân hàng' hay 'Trừng phạt thứ cấp?' Quá nhiều người đang chết!!!” Tổng thống Trump viết.

Đây là lần thứ hai Tổng thống Trump đưa ra lời chỉ trích trực tiếp hiếm hoi nhắm vào Putin.

Sau các cuộc không kích chết người vào Kyiv khiến ít nhất 12 thường dân thiệt mạng vào Chúa Nhật Lễ Lá, Tổng thống Trump đã nhắm vào Putin.

“Tôi không hài lòng với các cuộc tấn công của Nga vào KYIV. Không cần thiết, và thời điểm rất tệ. Vladimir, DỪNG LẠI! 5000 binh lính mỗi tuần đang chết. Hãy HOÀN THÀNH Thỏa thuận Hòa bình!” Tổng thống Trump viết trên Truth Social.

[Newsweek: Kremlin Ready for Ukraine Talks as Trump Criticizes Putin Again]

9. Ukraine đã đồng ý ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày. Nga thì không.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ngày 28 tháng 4 đã chỉ trích lệnh ngừng bắn Ngày Chiến thắng của Putin là “một nỗ lực thao túng khác” trong bối cảnh các nỗ lực tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình do Hoa Kỳ dẫn đầu.

“Nga liên tục bác bỏ mọi thứ và tiếp tục thao túng thế giới, cố gắng lừa dối Hoa Kỳ”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết vào tối Thứ Hai, 28 Tháng Tư. “Bây giờ, một lần nữa, một nỗ lực thao túng khác: vì một lý do nào đó, người dân Ukraine âu lo vì các cuộc không kích phải đợi đến ngày 8 tháng 5, ngày mà ông ta công bố lệnh ngừng bắn —để bảo đảm cho các cuộc diễn hành của ông ta được diễn ra xuôn sẻ”.

Trước đó vào ngày 28 tháng 4, Putin đã công bố cái gọi là lệnh ngừng bắn “nhân đạo” trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine để kỷ niệm 80 năm ngày kết thúc Thế chiến II ở Âu Châu. Hoa Kỳ đã tăng cường nỗ lực để đạt được một giải pháp trong các cuộc đàm phán hòa bình riêng rẽ với Ukraine và Nga.

Tổng thống Zelenskiy chỉ trích đề xuất của Putin về lệnh ngừng bắn ngắn hạn và chỉ ra các cuộc không kích của Nga vào các mục tiêu dân sự vào ngày 28 tháng 4 là bằng chứng cho thấy Nga không muốn chấm dứt chiến tranh với Ukraine.

“Chúng tôi coi trọng mạng sống con người, không phải các cuộc diễn hành. Đó là lý do tại sao chúng tôi tin rằng — và thế giới tin rằng — không có lý do gì để chờ đến ngày 8 tháng 5”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Vào ngày 9 tháng 5, Nga tổ chức các cuộc diễn hành quân sự hoành tráng để kỷ niệm ngày kết thúc Thế chiến II ở Âu Châu. Ukraine và hầu hết các quốc gia Âu Châu kỷ niệm ngày 8 tháng 5 là Ngày Chiến thắng ở Âu Châu.

“Lệnh ngừng bắn không nên chỉ kéo dài trong vài ngày, rồi sau đó lại tiếp tục giết chóc. Nó phải diễn ra ngay lập tức, toàn diện và vô điều kiện — ít nhất là trong 30 ngày để bảo đảm an toàn và được bảo đảm”, Tổng thống Zelenskiy nói, nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn.

Tổng thống Zelenskiy kêu gọi tăng cường áp lực quốc tế lên Nga để chấm dứt chiến tranh trong bối cảnh Mạc Tư Khoa không đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

“Mỗi ngày mới đều mang đến... bằng chứng rõ ràng rằng phải gây áp lực lên Nga — và áp lực đó phải đủ mạnh — để buộc họ ở Mạc Tư Khoa chấm dứt cuộc chiến này, một cuộc chiến mà chỉ Nga mới cần”, Tổng thống Zelenskiy nói.

Điện Cẩm Linh đã cho thấy dấu hiệu không muốn tiến tới thỏa thuận hòa bình với Ukraine. Chính quyền Nga đã liệt kê các yêu cầu tối đa trong các cuộc đàm phán ngừng bắn với Ukraine và Hoa Kỳ

Ukraine đã đồng ý với lệnh ngừng bắn toàn diện trong 30 ngày do Hoa Kỳ đề xuất, tuyên bố vào ngày 11 tháng 3 rằng Kyiv đã sẵn sàng nếu Nga cũng đồng ý với các điều khoản. Cho đến nay, Mạc Tư Khoa đã từ chối.

Tổng thống Zelenskiy đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn toàn diện trong 30 ngày, và cho biết vào ngày 23 tháng 4, Ukraine nhấn mạnh “ngừng bắn ngay lập tức, toàn diện và vô điều kiện”.
 
Kursk: Chọc quê Putin, Ukraine đột kích bắt sống lính Nga. Hi hữu: Houthi làm Hoa Kỳ mất chiếc F-18
VietCatholic Media
15:24 29/04/2025


1. Lực lượng đặc nhiệm Kyiv báo cáo cuộc đột kích vào các vị trí của Nga ở Kursk, phản đối tuyên bố tái chiếm của Mạc Tư Khoa

Lực lượng đặc nhiệm Ukraine từ Trung tâm tác chiến đặc biệt Hải quân số 73 đã tiến hành một cuộc đột kích vào các vị trí của Nga ở Tỉnh Kursk, bắt giữ hai lính Nga, dịch vụ báo chí của Lực lượng tác chiến đặc biệt đưa tin vào ngày 27 tháng 4.

“Trong khi Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga Valery Gerasimov báo cáo về việc 'giải phóng' Tỉnh Kursk khỏi Lực lượng An ninh và Quốc phòng Ukraine, các đặc vụ của Trung tâm Tác chiến Đặc biệt Hải quân số 73 vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong khu vực một cách thành công”, tuyên bố cho biết.

Trong chiến dịch này, một đơn vị thuộc Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến 810 của Nga đã bị tấn công và tiêu diệt, quân đội Ukraine tuyên bố.

Lực lượng đặc nhiệm Ukraine đã bắt giữ hai người lính trong nhiệm vụ này; một người được đưa đi bằng cáng, trong khi người kia có thể đi lại, quân đội cho biết.

Vào ngày 27 tháng 4, quyền chỉ huy Lữ đoàn 810 của Hạm đội Hắc Hải đã báo cáo với Putin rằng “các nhóm và binh lính rải rác” của Quân đội Ukraine chiến đấu ở Tỉnh Kursk “sẽ sớm bị tiêu diệt”.

Tuyên bố này trái ngược với tuyên bố trước đó của Gerasimov rằng lực lượng Nga đã chiếm lại hoàn toàn lãnh thổ Kursk, khu vực biên giới Nga do Ukraine kiểm soát một phần kể từ tháng 8 năm ngoái.

[Kyiv Independent: Kyiv's Special Forces report raid on Russian positions in Kursk Oblast, dispute Moscow's claim of recapture]

2. Hải quân Hoa Kỳ mất chiến đấu cơ ở Biển Đỏ: Những gì chúng ta biết

Theo các quan chức quân đội, một chiến đấu cơ đã rơi khỏi một tàu của Hải quân Hoa Kỳ vào hôm Thứ Hai, 28 Tháng Tư.

Tất cả quân nhân Hoa Kỳ trên tàu USS Harry S. Truman vẫn an toàn sau khi một chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet rơi xuống Biển Đỏ, các quan chức cho biết trong một tuyên bố.

Thông cáo báo chí cho biết con tàu đã mất chiếc Super Hornet, được phân công cho Phi đội tiêm kích tấn công, gọi tắt là VFA 136. Một máy kéo cũng rơi xuống biển và một thủy thủ bị thương nhẹ.

Các quan chức cho biết chiếc F/A-18E đang được kéo ra từ trong nhà chứa máy bay thì phi hành đoàn mất kiểm soát máy bay, sau đó chiếc máy bay phản lực và chiếc máy kéo rơi xuống biển.

Tuyên bố cho biết các thủy thủ đang kéo máy bay “đã hành động ngay lập tức để tránh xa máy bay trước khi nó rơi xuống biển”, đồng thời nói thêm rằng một cuộc điều tra về vụ việc đang được tiến hành.

Hiện vẫn chưa rõ liệu tàu có thể cứu được hay không vì khu vực này nằm trong Biển Đỏ và rất sâu.

Nhóm tác chiến Hàng Không Mẫu Hạm Harry S. Truman, bao gồm Hàng Không Mẫu Hạm soái hạm, chín phi đội của Liên đội không quân Hàng Không Mẫu Hạm 1, ba tàu khu trục hỏa tiễn dẫn đường của Phi đội khu trục hạm 28 và tàu tuần dương lớp Ticonderoga USS Gettysburg (CG 64), tất cả đều vẫn có đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ.

Đại tá Không quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Jeffrey Fischer nói với tờ Newsweek vào thứ Hai rằng những sự việc như thế này là “không bình thường” và “hiếm khi” xảy ra ở những khu vực mà tàu Truman đi qua.

“Tôi không biết tình hình, nhưng nếu tôi buộc phải đoán, tôi sẽ xem xét nhịp độ hoạt động và liệu những người giải quyết boong tàu có làm việc quá sức với thời gian ngủ tối thiểu hay không,” Fischer nói. “Hai Hàng Không Mẫu Hạm Truman và Eisenhower, một Hàng Không Mẫu Hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân đã được giao nhiệm vụ nặng nề trong các cuộc tấn công của Houthi.”

Fischer cũng cho biết cũng có khả năng là lúc xảy ra tai nạn Hàng Không Mẫu Hạm có thể đang bất ngờ rẽ qua một phía để tránh thứ gì đó, tạo ra tình thế mất thăng bằng.

Một quan chức Hoa Kỳ nói với CNN rằng các báo cáo ban đầu cho thấy tàu Truman đã rẽ gấp để tránh các cuộc tấn công của Houthi.

“Nếu đúng như vậy thì có lý,” Fischer nói. “Một Hàng Không Mẫu Hạm trong một khúc cua gấp có thể nghiêng đáng kể.”

Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ, gọi tắt là CENTCOM cho biết: “Kể từ ngày 15 tháng 3, lực lượng Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ, gọi tắt là USCENTCOM đã tiến hành một chiến dịch mạnh mẽ và liên tục nhằm vào tổ chức khủng bố Houthi ở Yemen để khôi phục quyền tự do hàng hải và khả năng răn đe của Hoa Kỳ. Các hoạt động này đã được thực hiện bằng cách sử dụng thông tin tình báo chi tiết và toàn diện, bảo đảm hiệu quả gây tử vong đối với Houthis trong khi giảm thiểu rủi ro cho dân thường.”

Quân nhân Hoa Kỳ đóng tại Biển Đỏ và Ấn Độ Dương đang phải đối mặt với các mối đe dọa mới từ Houthis, một nhóm phiến quân Yemen được Iran hậu thuẫn, đưa ra lập trường trên sau các cuộc tấn công gần đây của Hoa Kỳ tại Yemen nhằm vào các thành trì của Houthi.

Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông đã khiến các nhà lãnh đạo Houthi công khai nói với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump rằng ông đã bước vào một “vũng lầy chiến lược mang tên Yemen”. Tuy nhiên, lệnh không kích quân sự mới nhất của Tổng thống Trump vào thứ Hai để đáp trả tình trạng gián đoạn tuyến đường vận chuyển quốc tế ở Biển Đỏ, Eo biển Bab el-Mandeb và Vịnh Aden diễn ra sau sáu tuần ném bom, mà quân đội Hoa Kỳ cho biết đã làm giảm hơn một nửa khả năng tấn công của Houthis.

[Newsweek: US Navy Loses Fighter Jet in Red Sea: What We Know]

3. Truyền thông nhà nước Nga lần đầu tiên công bố đoạn phim được cho là về quân đội Bắc Hàn ở Nga

Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đã công bố một đoạn video vào ngày 28 tháng 4 nhằm mục đích cho thấy cảnh quân đội Bắc Hàn chiến đấu cùng lực lượng Nga trong cuộc huấn luyện tại Tỉnh Kursk ở Nga.

Đây là đoạn phim chính thức đầu tiên được công bố sau khi Bắc Hàn và Nga lần đầu tiên thừa nhận quân đội Bắc Hàn được điều động để chiến đấu chống lại Ukraine ở Tỉnh Kursk của Nga.

Trong video, binh lính Bắc Hàn dường như đang tiến hành các bài tập huấn luyện chiến đấu, mặc quân phục Nga và được trang bị súng trường và súng phóng lựu, gọi tắt là RPG. TASS không nêu rõ địa điểm hoặc ngày quay chính xác.

Có một cảnh, một huấn luyện viên người Nga được nhìn thấy đang hướng dẫn cách điều động lựu đạn cầm tay. Đoạn phim kết thúc với cảnh quân đội Bắc Hàn diễn hành theo đội hình trong khi hát những gì có vẻ là một bài hát quân đội.

Nga đã điều động quân đội Bắc Hàn để giúp giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ do lực lượng Ukraine chiếm giữ ở Tỉnh Kursk trong một cuộc tấn công bất ngờ xuyên biên giới được phát động vào tháng 8 năm 2024 — cuộc xâm nhập quy mô lớn đầu tiên vào lãnh thổ Nga của lực lượng nước ngoài kể từ Thế chiến II.

Chiến dịch của Ukraine nhằm mục đích phá vỡ cuộc tấn công của Nga vào Tỉnh Sumy và chuyển hướng lực lượng Nga khỏi Tỉnh Donetsk đang bị bao vây.

Sau cuộc phản công của Nga vào mùa xuân năm nay, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov tuyên bố vào ngày 26 tháng 4 rằng lực lượng Nga đã giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát khu vực. Ukraine đã bác bỏ tuyên bố này, nói rằng giao tranh trong khu vực vẫn đang tiếp diễn.

Các quan chức Ukraine ước tính rằng Bắc Hàn ban đầu đã điều động khoảng 11.000 quân đến Nga, cũng như 3.000 quân tiếp viện để thay thế tổn thất trên chiến trường. Mặc dù các đơn vị Bắc Hàn ban đầu chịu thương vong nặng nề và vật lộn với thiết bị lỗi thời, nhưng họ được cho là đã thích nghi với điều kiện chiến đấu.

4. Tàu ngầm hạt nhân Nga có thể bắn hỏa tiễn hành trình Kalibr xa cả ngàn km

Hôm Thứ Ba, 29 Tháng Tư, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này đã bắn một hỏa tiễn hành trình Kalibr đi được quãng đường gần 700 dặm hay 1127 km trong một cuộc tập trận quân sự ở Thái Bình Dương.

Theo Konashenkov, tàu Krasnoyarsk - được thiết kế để mang theo hỏa tiễn hành trình và ngư lôi tiên tiến nhất của Nga - đã tiến hành cuộc tấn công vào một “mục tiêu ven biển” như một phần của cuộc tập trận theo kế hoạch.

Các hoạt động của hải quân Nga đã thu hút sự chú ý ngày càng tăng trong suốt cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine của nhà độc tài Vladimir Putin, được phát động vào tháng 2 năm 2022.

Mạc Tư Khoa đã nỗ lực cải thiện hạm đội tàu ngầm của mình kể từ khi Liên Xô sụp đổ, và Putin đã tuyên bố rằng nước này sẽ chế tạo thêm nhiều tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, “điều này sẽ bảo đảm an ninh cho Nga trong nhiều thập niên tới”.

Konashenkov cho biết Krasnoyarsk, chính thức gia nhập hải quân Nga vào tháng 12 năm 2023, đã bắn trúng mục tiêu tại bãi thử Kura ở phía bắc Kamchatka Krai trong các cuộc tập trận thường kỳ. Hỏa tiễn đã bay được hơn 1.100 km trước khi đến mục tiêu.

Trong giai đoạn thứ hai của cuộc tập trận, Krasnoyarsk đã thực hiện nhiệm vụ dưới nước để tìm kiếm một tàu ngầm địch giả định và tấn công nó bằng một ngư lôi đẩy bằng hỏa tiễn. Theo dữ liệu từ các hệ thống kiểm soát mục tiêu, đầu đạn đã tấn công thành công mục tiêu giả định.

Konashenkov lưu ý rằng khu vực này bị đóng cửa đối với tàu thuyền và máy bay dân sự.

Alexei Rakhmanov, nhà lãnh đạo Tập đoàn đóng tàu thống nhất có trụ sở tại Saint Petersburg, đã thông báo vào tháng 2 năm 2023 rằng tàu chiến đa năng Krasnoyarsk sẽ sớm gia nhập hải quân Nga cùng với tàu chiến chiến lược Imperator Alexander III.

Tàu Krasnoyarsk đã trải qua thử nghiệm trên biển kể từ tháng 11 năm 2022 và là một phần trong nhóm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân 885/885M của Nga, trong đó có Severodvinsk, Kazan và Novosibirsk.

Nga gần đây cũng đã hạ thủy tàu tuần tra lớp băng Nikolay Zubov thuộc Dự án 23550, trong khi tàu ngầm hỏa tiễn hạt nhân chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc Dự án 885M (Yasen-M) có tên Arkhangelsk đã đi vào hoạt động trong Hạm đội Biển Bắc vào tháng 12.

Vào năm 2024, Nga đã điều động tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Kazan, tàu chiến và các tàu hải quân khác đến Biển Caribe để tham gia các cuộc tập trận quân sự theo kế hoạch.

Konashenkov nhấn mạnh rằng: “Tàu ngầm hạt nhân Krasnoyarsk của Hạm đội Thái Bình Dương đã bí mật di chuyển đến khu vực được chỉ định ở Thái Bình Dương để phóng hỏa tiễn hành trình Kalibr vào một mục tiêu ven biển.

Konashenkov cho biết thêm: “Hỏa tiễn hành trình đã bắn trúng mục tiêu ven biển thành công tại bãi thử Kura trên Bán đảo Kamchatka. Khoảng cách đến mục tiêu vượt quá 1.100 km”.

[Newsweek: Russian Nuclear Submarine Fires Kalibr Cruise Missile Over 600 Miles]

5. Schumer chỉ trích đường lối của Tổng thống Trump đối với cuộc chiến Nga-Ukraine

Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer đã lên án cách Tổng thống Trump giải quyết cuộc chiến Nga-Ukraine, nói rằng Hoa Kỳ đang gây nguy hiểm cho các liên minh Âu Châu và khiến đất nước trông “yếu đuối” trước các đối thủ nước ngoài.

Chính quyền Tổng thống Trump đã gia tăng áp lực lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Putin trong những tuần gần đây để đồng ý với một đề xuất do Hoa Kỳ dẫn đầu, theo đó sẽ công nhận việc Nga chiếm Crimea. Tổng thống Trump và các quan chức Tòa Bạch Ốc khác, bao gồm Phó Tổng thống JD Vance, cũng đã bắt đầu đe dọa sẽ từ bỏ các cuộc đàm phán hòa bình nếu cả hai nước không sớm ngồi vào bàn đàm phán.

Schumer đã nói rõ rằng ông phản đối hướng đi mà chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump đã làm mất đi sự ủng hộ dành cho Ukraine. “Người Âu Châu đã đứng lên vì chúng ta — toàn bộ phương Tây đã đứng lên vì chúng ta,” Schumer nói. “Họ đã bỏ tiền vào. Họ đã sử dụng mọi loại công cụ ngoại giao và kinh tế để ủng hộ chúng ta và làm sao Âu Châu có thể tin tưởng chúng ta một lần nữa nếu Tổng thống Trump rút lui?”

Mối lo ngại của Schumer về Âu Châu xuất hiện sau khi Ngoại trưởng Marco Rubio và đặc phái viên Steve Witkoff không tham dự hội nghị thượng đỉnh tuần trước với các đồng minh Âu Châu để thảo luận về việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài ba năm, cho thấy mong muốn của chính quyền Tổng thống Trump trong việc thúc đẩy đề xuất được Mạc Tư Khoa ủng hộ.

Schumer cảnh báo rằng chiến lược của Tổng thống Trump có thể khiến các đối thủ của quốc gia này như Trung Quốc và Iran trở nên hung hăng hơn.

“Tệ nhất là, đó là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ yếu kém”, Schumer nói. Nó gửi tín hiệu đến mọi nhà độc tài ở Trung Quốc, ở Bắc Hàn, ở Iran, rằng nếu bạn đứng lên và bắt nạt Tổng thống Trump, bạn sẽ đạt được điều mình muốn.”

Một số đảng viên Cộng hòa cũng bắt đầu không hài lòng với đường lối của Tổng thống Trump đối với cuộc chiến. Hôm thứ sáu, Thượng nghị sĩ Chuck Grassley của Đảng Cộng Hòa đơn vị Iowa đã cảnh báo Tổng thống Trump rằng Putin đang “lừa nước Mỹ như một con rối” và thúc giục tổng thống áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga.

Ngay cả Tổng thống Trump cũng có vẻ hoài nghi hơn về mong muốn đạt được thỏa thuận của Putin. Hôm thứ Bảy, Tổng thống Trump đã chỉ trích Putin vì đã phát động một cuộc tấn công vào Kyiv, khiến ít nhất tám người thiệt mạng, vào tuần trước.

“Không có lý do gì để Putin bắn hỏa tiễn vào các khu vực dân sự, thành phố và thị trấn trong vài ngày qua”, Tổng thống Trump cho biết trong bài đăng trên Truth Social.

Schumer cho biết sẽ là “một thảm kịch về mặt đạo đức nếu hạ thấp Tổng thống Zelenskiy” và rút lui với các cuộc đàm phán ngừng bắn. Tuy nhiên, ông cho biết ông tin rằng tổng thống “đang hướng tới hướng đó”.

[Kyiv Independent: Schumer slams Trump’s approach to Russia-Ukraine war]

6. Bản cáo phó của Michael Gloss đã bị xóa sau khi anh ta được biết là tử trận khi chiến đấu cho Nga

Bản cáo phó của Michael Gloss, con trai của một quan chức cao cấp của CIA và là cựu chiến binh Chiến tranh Iraq, đã bị xóa khỏi trang web của Nhà tang lễ Fairfax Memorial sau khi có thông tin anh ta đã bị quân Ukraine hạ sát khi đang chiến đấu cho Nga chống lại Ukraine.

Bản cáo phó gốc không đề cập đến các hoạt động ở nước ngoài của chàng trai 21 tuổi này, thay vào đó tập trung vào sở thích của anh đối với thiên nhiên và lòng tận tụy với gia đình và bạn bè.

CIA xác nhận cái chết của ông và nói với Newsweek, “CIA coi sự ra đi của Michael là vấn đề riêng tư của gia đình Gloss—không phải là vấn đề an ninh quốc gia.”

Vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Nga đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine và vẫn đang tiếp diễn. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Hoa Kỳ là nước hậu thuẫn quân sự lớn nhất của Ukraine. Hoàn cảnh cái chết của Michael Gloss và việc xóa cáo phó của ông làm nổi bật những tác động phức tạp về mặt cá nhân và quốc gia khi người Mỹ tham gia vào các cuộc xung đột ở phía các đối thủ của Hoa Kỳ.

Vụ án này đặc biệt nhạy cảm vì lý lịch của Michael Gloss: mẹ anh, Juliane Gallina, là phó giám đốc CIA phụ trách đổi mới kỹ thuật số, và cha anh, Larry Gloss, đã phục vụ trong Chiến tranh Iraq.

Bản cáo phó gốc của Michael Gloss đã được đăng trên trang web của Nhà tang lễ Fairfax Memorial vào tháng 11, tờ The Washington Post đưa tin.

Vào ngày 25 tháng 4, iStories, một kênh điều tra độc lập của Nga, đã công bố báo cáo về thời gian Michael Gloss ở Nga và cáo phó của ông đã bị gỡ xuống.

Bản cáo phó cho biết: “Với trái tim cao thượng và tinh thần chiến binh, Michael đang trên hành trình anh hùng của riêng mình khi anh qua đời một cách thương tâm ở Đông Âu vào ngày 4 tháng 4 năm 2024”.

Dựa trên dữ liệu của chính phủ Nga và các bài đăng trên mạng xã hội, iStories đã theo dõi hành trình của Michael Gloss cho đến khi anh ta nhập ngũ trong quân đội Nga và chiến đấu cho cuộc xâm lược của Putin.

Anh ta rời nhà ở Fairfax, Virginia, vào Tháng Giêng năm 2023, đầu tiên đến Ý và sau đó đến Thổ Nhĩ Kỳ, nơi anh ta hỗ trợ khôi phục các tòa nhà bị hư hại do trận động đất năm đó.

Larry Gloss nói với tờ Post rằng vào tháng 6 năm 2023, con trai ông đã đến nước cộng hòa Georgia thuộc Liên Xô cũ, nơi anh tham dự một cuộc tụ họp phản văn hóa của “Gia đình Cầu vồng”. Tháng sau, Michael Gloss thông báo với cha mẹ rằng anh đã vượt biên sang Nga để gặp bạn bè trong nhóm.

Mặc dù hoài nghi về quyết định này, cha mẹ anh không ngờ rằng anh sẽ gia nhập quân đội Nga. Trên mạng xã hội, Michael Gloss đã đăng một bức ảnh của mình tại Quảng trường Đỏ của Mạc Tư Khoa và bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực chiến tranh của Nga.

Theo iStories, Michael Gloss đã nói với cha mẹ mình vào tháng 9 năm 2023 rằng anh dự định ở lại Nga và sau đó gia nhập quân đội Nga. Trang tin này đã tìm thấy hồ sơ tuyển dụng của anh trong cơ sở dữ liệu của chính phủ Nga.

Michael Gloss được điều động đến mặt trận Ukraine vào tháng 12 năm 2023, iStories đưa tin, nơi anh tham gia vào Lữ Đoàn Dù 137 của Nga. Một người lính Nga thuộc Lữ Đoàn Dù này đã xác nhận với iStories.

Lữ Đoàn được bố trí ở phía tây bắc Soledar thuộc vùng Donetsk khi quân đội Nga tiến hành chiếm giữ thành phố Bakhmut đang có tranh chấp gay gắt.

Vào ngày Michael Gloss qua đời, Lữ Đoàn của anh ta đã thông báo trên Telegram rằng họ đã tiến quân, được hỗ trợ bởi các nhóm tấn công nhỏ và hỏa lực pháo binh.

Theo Larry Gloss, trích dẫn giấy chứng tử của Nga, con trai ông đã qua đời vào ngày 4 tháng 4 năm 2024 do mất quá nhiều máu trong một cuộc tấn công dữ dội của quân Ukraine. Lữ Đoàn Dù 137 của Nga đã đề nghị phong tặng anh hùng cho Michael Gloss vì anh ta tử trận khi đang cố gắng cấp cứu cho một đồng đội người Nga bị thương.

Larry Gloss cho biết con trai ông mong muốn trở thành công dân Nga, tin rằng mình có thể thực hiện được ước mơ phát triển máy lọc nước để giúp đỡ những cộng đồng không có nước sạch.

Larry Gloss nói với tờ Post rằng: “Tôi chỉ có thể cho rằng đó là do bệnh tâm thần của cháu”, mô tả con trai mình là “một thanh niên cực kỳ phản đối chế độ hiện hành và chính quyền”.

Larry Gloss nói với tờ báo rằng cả cha và mẹ đều không biết con trai mình đang chiến đấu cho Nga cho đến khi một viên chức lãnh sự của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo với họ vào tháng 6 rằng anh đã thiệt mạng. Lễ tang của Michael Gloss diễn ra vào tháng 12.

[Newsweek: Michael Gloss Obituary Removed After He Died Fighting for Russia]

7. Bộ Quốc phòng cho biết hơn 95% máy bay điều khiển từ xa được sử dụng ở tiền tuyến được sản xuất tại Ukraine

Hãng Interfax Ukraine, trích lời Thứ trưởng Quốc phòng Valerii Churkin, cho biết hơn 95% máy bay điều khiển từ xa mà lực lượng Ukraine sử dụng ở tiền tuyến được sản xuất tại Ukraine.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, Ukraine đã phát triển và điều động các cải tiến công nghệ và hệ thống điều khiển từ xa tiên tiến.

Cả Ukraine và Nga đều ngày càng dựa vào chiến tranh máy bay điều khiển từ xa, sử dụng máy bay điều khiển từ xa trên không, trên biển và trên mặt đất cho các nhiệm vụ trinh sát và chiến đấu.

“ Chúng tôi đã có bước đột phá trong lĩnh vực hệ thống điều khiển từ xa. Hơn 95% máy bay điều khiển từ xa hiện đang được sử dụng ở tiền tuyến là do Ukraine sản xuất”, Churkin cho biết.

Churkin cho biết thêm rằng vào năm 2024, Bộ Quốc phòng Ukraine đã phê duyệt hơn 330 mẫu hệ thống điều khiển từ xa mới được sản xuất trong nước, so với chỉ 75 mẫu của năm trước đó.

Kể từ khi Nga mở cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022, Ukraine ngày càng chuyển sang đổi mới và sản xuất trong nước. Hơn 40% vũ khí được sử dụng ở tiền tuyến hiện được sản xuất tại Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 16 tháng 4.

Trong ngân sách năm 2025, Ukraine đã phân bổ 1,3 tỷ đô la cho sản xuất quốc phòng để giảm sự phụ thuộc vào việc cung cấp vũ khí nước ngoài. Chính phủ có kế hoạch huy động hơn 1 tỷ đô la trong năm nay để hỗ trợ mua sắm vũ khí trong nước thông qua cái gọi là mô hình Đan Mạch, theo đó các quốc gia có thể tặng vũ khí cho Ukraine bằng cách mua trực tiếp từ các nhà sản xuất trong nước của Ukraine.

8. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nhận định rằng Putin ‘Bắt nạt Tổng thống Trump ở mọi bước ngoặt’

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Kennedy đã chỉ trích gay gắt Putin, cáo buộc ông không nghiêm chỉnh trong các cuộc đàm phán hòa bình trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.

“Tôi nghĩ ông ấy nghĩ chúng ta sợ ông ấy”, thượng nghị sĩ Louisiana nói về nhà lãnh đạo Nga. “Ông ấy đã bắt nạt Tổng thống Trump ở mọi bước ngoặt. Ông ấy đã không tôn trọng tổng thống của chúng ta”.

Các cuộc đàm phán ngừng bắn và hòa bình cho cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã đạt đến giai đoạn quan trọng, với Hoa Kỳ - một bên đàm phán chính - đe dọa sẽ rút khỏi tiến trình này nếu không sớm có tiến triển.

Bình luận của Kennedy trên Fox News được đưa ra vào thời điểm các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và toàn cầu đang đặt câu hỏi về cam kết của Điện Cẩm Linh trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn, Kennedy đã chỉ trích chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden vì đã không giải quyết tốt hơn cuộc xung đột Nga-Ukraine, nói rằng “Mỹ đang phải trả giá ngay bây giờ cho sự xoa dịu của Tổng thống Biden”.

“Những người của Tổng thống Biden tin vào ngoại giao trước tiên, sau cùng và mãi mãi,” ông nói, “chúng ta đang trong cuộc chiến bằng dao với Nga, Trung Quốc và Iran và những người của Tổng thống Biden muốn trích dẫn Socrates với họ.”

Sau đó, ông tiếp tục chỉ trích Putin gọi đề xuất ngừng bắn mới nhất của ông là “không có gì.”

“Ông ta muốn giữ lại toàn bộ lãnh thổ mà ông ta đã chiếm được,” Kennedy nói thêm, “ông ta muốn cấm Ukraine gia nhập NATO và ông ta muốn Mỹ và Âu Châu ngừng giúp đỡ Ukraine.”

“Tôi nghĩ rằng Putin nghĩ rằng Mỹ đã đi tàu cao tốc đến thị trấn ngu ngốc,” Kennedy nói.

Bình luận của thượng nghị sĩ chỉ ra sự thất vọng lớn hơn đối với các chiến thuật đàm phán của Nga, mà Kennedy mô tả là một loạt các lời hứa bị phá vỡ.

Ông nói rằng nếu Putin tiếp tục thiếu tôn trọng Hoa Kỳ, chính quyền đã chuẩn bị áp dụng các biện pháp nghiêm khắc.

Hôm thứ Bảy, sau một cuộc họp ngắn với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại lễ tang của Đức Thánh Cha Phanxicô, Tổng thống Trump đã bày tỏ sự nghi ngờ về thiện chí của Putin trong việc dừng chiến tranh.

“Có lẽ ông ta không muốn dừng chiến tranh, ông ta chỉ đang lợi dụng tôi, và phải được đối xử theo cách khác, thông qua “Ngân hàng” hay “Biện pháp trừng phạt thứ cấp?” Quá nhiều người đang chết!!!” Tổng thống viết trên Truth Social.

Kennedy kết luận: “Tôi không nghĩ tình hình sẽ khá hơn cho đến khi chúng ta nói rõ với Putin rằng chúng ta sẵn sàng biến ông ta và đất nước của ông ta thành thức ăn cho cá”.

[Newsweek: Putin 'Jacked Around President Trump at Every Turn': Republican Senator]

9. Vệ sĩ riêng của Putin, cựu chỉ huy quân đội Nga đã giúp Yanukovych chạy trốn khỏi Ukraine vào năm 2014, công tố viên cho biết

Sergei Morozov, vệ sĩ riêng của Putin, và cựu tư lệnh Quân khu phía Nam Aleksander Galkin đã tham gia vào vụ vượt biên trái phép của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych vào năm 2014, công tố viên Denis Ivanov nói với Ukrinform vào ngày 28 tháng 4.

Trước đó trong ngày, Văn phòng Tổng công tố đã thông báo rằng Yanukovych đã bị kết án vắng mặt 15 năm tù vì tội kích động đào ngũ và tổ chức vượt biên trái phép.

Đây là lần thứ hai Yanukovych bị tòa án Ukraine kết án. Năm 2019, ông bị kết án 13 năm tù vì tội phản quốc và đồng lõa trong việc tiến hành chiến tranh xâm lược chống lại Ukraine.

Yanukovych, cựu lãnh đạo thân Nga của Ukraine, đã bị lật đổ sau cuộc Cách mạng EuroMaidan năm 2014 và sau đó chạy trốn sang Nga.

Theo công tố viên, trong phiên tòa xét xử tội vượt biên trái phép, lộ trình và ngày tháng di chuyển của Yanukovych, cũng như những người tạo điều kiện cho hành động này, đã được xác định.

“Tất cả những sự kiện này diễn ra với sự hỗ trợ của các cơ quan đặc biệt của Liên bang Nga và Quân đội Nga. Cơ quan An ninh Liên bang, quân đội của Quân khu phía Nam và Hạm đội Hắc Hải của Nga đã tham gia”, Ivanov cho biết.

“Một trong những chiếc điện thoại mà Yanukovych sử dụng trong quá trình di chuyển liên tục của mình được kết nối với vệ sĩ của Putin”, ông nói thêm.

Những bình luận mới nhất của Tổng thống Trump về Crimea một lần nữa đặt Tổng thống Zelenskiy vào thế khó

Theo Ivanov, bằng chứng trực tiếp mang tính quyết định trong vụ án này là lời khai của một số nhân viên Cục Bảo vệ Nhà nước Ukraine, những người đã từ chối lời đề nghị của Yanukovych rời khỏi lãnh thổ Ukraine cùng ông ta và phản bội lời tuyên thệ quân sự của họ.

Một bằng chứng khác trong vụ án là thông tin từ một nhà điều hành viễn thông về việc ghi lại các số điện thoại mà Yanukovych và các chi tiết an ninh của ông sử dụng khi di chuyển trên lãnh thổ Ukraine và Nga trong phạm vi phủ sóng của các trạm gốc của nhà điều hành.

Yanukovych, 73 tuổi, vẫn là một trong những nhân vật chính trị gây tranh cãi nhất của Ukraine. Ông đã bị cử tri từ chối sau cuộc Cách mạng Cam năm 2004, sau khi phát hiện ra gian lận bầu cử có lợi cho Yanukovych. Tuy nhiên, ông đã trở lại để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010.

Nhiệm kỳ tổng thống của Yanukovych, được nhiều người coi là tham nhũng và độc đoán, đã đưa Ukraine đến gần Nga hơn. Vào tháng 11 năm 2013, việc ông từ chối ký một thỏa thuận liên kết với Liên minh Âu Châu đã gây ra các cuộc biểu tình quần chúng được gọi là Cách mạng EuroMaidan.

Sau cái chết của gần 100 người biểu tình dưới tay lực lượng an ninh vào tháng 2 năm 2014, Yanukovych đã trốn khỏi Ukraine và tìm nơi ẩn náu ở Nga. Các công tố viên Ukraine tin rằng cựu tổng thống hiện đang cư trú tại làng Barvikha ở Mạc Tư Khoa.
 
30.04: Cập nhật diễn biến bầu Giáo Hoàng. Vấn đề HY Becciu. Rôma nghẹt thở trước thềm Cơ Mật Viện
VietCatholic Media
17:12 29/04/2025


1. Cơ Mật Viện bắt đầu vào ngày 7 tháng 5. Khả năng có Tân Giáo Hoàng vào ngày đó rất thấp trừ khi phép lạ xảy ra

Hôm thứ Hai, Vatican tuyên bố rằng Cơ Mật Viện bầu người kế nhiệm Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bắt đầu vào ngày 7 tháng 5, khi Giáo hội bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để bầu ra Đức Giáo Hoàng thứ 267.

Thông báo được đưa ra sau cuộc họp Đại hội đồng vào buổi sáng tại Vatican, nơi các Hồng Y đã tụ họp hàng ngày kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô được chôn cất tại Đền Thờ Đức Bà Cả vào ngày 26 tháng 4.

Vào ngày thứ Tư 7 Tháng Năm, ngày đầu tiên của Cơ Mật Viện, các Hồng Y cử tri tập trung tại Đền Thờ Thánh Phêrô để cử hành Thánh lễ Pro Eligendo Pontifice, nghĩa là “để bầu Giáo Hoàng”. Năm 2005, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, với tư cách là Niên trưởng Hồng Y Đoàn, đã giảng lễ trong Thánh lễ này, sử dụng cụm từ “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối”, sau đó đã trở nên nổi tiếng và được nhìn nhận là có tính tiên tri. Khi Đức Bênêđíctô XVI thoái vị, chính Đức Hồng Y Sodano đã giảng lễ trước một ngoại giao đoàn đông đảo, trong một Thánh lễ bao gồm các ngôn ngữ Latinh, Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Swahili và Mã Lai. Sau đó vào cùng ngày đầu tiên đó, các Hồng Y cử tri tiến đến Nhà nguyện Pauline bên trong Vatican và cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến để hỗ trợ cho quá trình bầu cử của các ngài. Các vị Hồng Y cũng nghe một lời khuyên ngắn gọn từ một nhà thuyết giáo. Từ đó, cùng với âm nhạc, các ngài tiến đến Nhà nguyện Sistina. Sau đó, các Hồng Y cùng nhau tuyên thệ, một phần trong đó có đoạn:

Chúng tôi hứa và thề sẽ hết lòng trung thành và với tất cả mọi người, giáo sĩ hay giáo dân, giữ bí mật về mọi điều liên quan đến cuộc bầu cử Giáo Hoàng Rôma và về những gì xảy ra tại nơi diễn ra cuộc bầu cử, trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến kết quả bỏ phiếu; chúng tôi hứa và thề sẽ không tiết lộ bí mật này theo bất kỳ cách nào, trong hoặc sau cuộc bầu cử Giáo Hoàng mới, trừ khi được Giáo Hoàng đó cho phép rõ ràng; và không bao giờ hỗ trợ hoặc ưu ái cho bất kỳ sự can thiệp, phản đối hoặc bất kỳ hình thức can thiệp nào khác, theo đó các chính quyền thế tục ở bất kỳ cấp bậc và cấp độ nào hoặc bất kỳ nhóm người hay cá nhân nào muốn can thiệp vào cuộc bầu cử Giáo Hoàng Rôma.

Sau đó, mỗi vị đặt tay lên sách Phúc Âm và tuyên thệ.

Các Hồng Y cử tri phải tránh mọi tiếp xúc với thế giới bên ngoài trong suốt cuộc bầu cử: không trao đổi tin nhắn, không báo chí, không radio, không tivi. Năm 2013, ngay trước khi từ chức, Bênêđíctô XVI đã đưa ra hình phạt vạ tuyệt thông tự động tiền kết đối với bất kỳ ai vi phạm chuẩn mực bảo mật này.

Một bài giảng khác được đưa ra và cuộc bỏ phiếu bắt đầu.

Chưởng Nghi Phụng Vụ của Giáo triều Rôma, một viên chức tổ chức các nghi lễ tôn giáo của Giáo Hoàng trong nhiệm kỳ của ngài, hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Diego Ravelli, sau đó hô to “Extra omnes” — tiếng Latin có nghĩa là “Tất cả ra ngoài”. Mọi người trừ các Hồng Y đều ra ngoài và cuộc bỏ phiếu có thể bắt đầu.

Quá trình này cực kỳ bí mật. Các Hồng Y có thể bị vạ tuyệt thông nếu họ tiết lộ thông tin. Các chuyên gia công nghệ thông tin phối hợp với Hiến Binh Vatican quét sạch các thiết bị nghe lén trước và sau Cơ Mật Viện.

Thông thường, cuộc bỏ phiếu đầu tiên chỉ mang tính nghi lễ, một cách để các Hồng Y tôn vinh các thành viên nổi bật của Hồng Y Đoàn, những người, mặc dù nổi bật, nhưng không được coi là papabile. Từ thời điểm đó trở đi, cuộc bỏ phiếu được lên lịch là hai phiên một ngày, với hai vòng bỏ phiếu mỗi phiên (tổng cộng bốn vòng mỗi ngày).

Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong cho 163 Hồng Y từ 76 quốc gia, trong đó có 25 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y. Sự phân tán như vậy có những lợi ích nhất định, nhưng liên quan đến việc bầu tân Giáo Hoàng sẽ có trở ngại vì các Hồng Y không biết nhau. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chủ yếu dựa vào nhóm Hồng Y cố vấn gồm 9 vị. Thành ra, Hồng Y Đoàn ít có dịp gặp gỡ nhau.

Việc công khai vận động tranh cử—hoặc thậm chí thảo luận—về người kế nhiệm Giáo Hoàng khi ngài vẫn còn sống là điều bị nghiêm cấm đối với các Hồng Y. Mặc dù các Hồng Y có thể thảo luận riêng về các ứng cử viên trước Cơ Mật Viện, nhưng việc vận động tranh cử công khai bị phản đối. Thay vào đó, một số Hồng Y có ước muốn trở thành Giáo Hoàng sẽ vận động tranh cử một cách bí mật, thường là bằng cách đi thăm các Hồng Y khác hoặc thuyết trình. Tất cả các phương thức ấy đều rất tốn kém và mất thời gian trong bối cảnh phân tán địa lý của Hồng Y đoàn.

Cần có đa số hai phần ba để giành chiến thắng. Cho nên, nếu ngày đầu tiên khai mạc Cơ Mật Viện mà đã có kết quả thì đó là một phép lạ cả thể.

2. Đức Hồng Y Giovanni Angelo Becciu tự nguyện rút lui không tham gia Cơ Mật Viện Hồng Y sắp tới.

Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông Ý, cựu Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh đã quyết định rút tên mình khỏi danh sách Hồng Y cử tri mặc dù đã nhấn mạnh vào tuần trước rằng ngài phải có quyền bỏ phiếu. Ngài đã khẳng định rằng ngài “không có trở ngại chính thức” nào để tham gia Cơ Mật Viện.

Hôm Thứ Hai, 28 Tháng Tư, diễn đàn của Đại hội đồng đã được dành cho các Hồng Y là chuyên gia về luật giáo luật, và Đức ông Giuseppe Sciacca, một chuyên gia về giáo luật, người đã được Đức Hồng Y Nhiếp Chính Kevin Farrell triệu tập vào Nhà nguyện Sistina trong Cơ Mật Viện Hồng Y gần đây nhất để giải thích các quy tắc bỏ phiếu cho các Hồng Y.

Ngay trước cuộc họp sáng nay, Đức Hồng Y Becciu đã gặp Niên trưởng Hồng Y Đoàn, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, và sau đó gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Tạp chí Open của Ý đưa tin rằng “khi Đại Hội Đồng bắt đầu làm việc, rõ ràng là các Hồng Y không cần phải tranh luận và bỏ phiếu, vì chính Hồng Y Becciu là người phát biểu”.

Open nói tiếp rằng vị Hồng Y đầu tiên “tự bào chữa” trước những cáo buộc mà tòa án Vatican đã kết tội ngài. “Nhưng sau đó, ngài tuyên bố với nỗi buồn lớn, và giọng nói vỡ òa vì xúc động, rằng ngài đã thừa nhận 'ý muốn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô' và do đó ngài quyết định rút lui 'vì lợi ích của Giáo hội'“, báo cáo cho biết.

Quyết định này của Hồng Y Becciu rất quan trọng vì nó tránh cho Cơ Mật Viện rơi vào tình cảnh khi kết quả bỏ phiếu và tính chính danh của vị Tân Giáo Hoàng có thể bị đặt vấn đề nếu việc có hay không có lá phiếu của Hồng Y Becciu có thể thay đổi cục diện.

Năm 2020, Hồng Y Becciu đã từ bỏ đặc quyền Hồng Y của mình sau những cáo buộc về tội phạm tài chính. Vào tháng 12 năm 2023, ngài bị kết tội tham ô, gian lận nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ và bị tước tư cách vĩnh viễn khỏi chức vụ công. Hồng Y Becciu luôn khẳng định mình vô tội và hiện đang kháng cáo bản án.

Tin tức này xuất hiện sau một báo cáo trên tạp chí Tây Ban Nha Vida Nueva đưa tin rằng Hồng Y Đoàn đã chuẩn bị “bỏ phiếu xem Hồng Y Becciu có nên được tham gia Cơ Mật Viện hay không”, nhưng chỉ sau khi tất cả hoặc hầu hết các Hồng Y cử tri đã đến Rôma.

Corriere della Sera xác nhận rằng “cuộc họp làm rõ” đã diễn ra tại Tòa thánh hôm Thứ Hai, 28 Tháng Tư, trong Đại hội đồng tại Hội trường Phaolô Đệ Lục. Cuộc họp nhằm thuyết phục Hồng Y Becciu “không nên tiếp tục gây thêm tranh cãi”, tờ báo đưa tin.

Cuộc tranh cãi về quyền bỏ phiếu của ngài đe dọa làm suy yếu tính toàn vẹn và tính hợp pháp của Cơ Mật Viện.

Nhiều Hồng Y, bao gồm Hồng Y Pietro Parolin, nguyên là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho đến khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời, cho biết Hồng Y Becciu không đủ điều kiện bỏ phiếu vì ngài đã từ bỏ các đặc quyền Hồng Y của mình vào năm 2020 sau khi bị cáo buộc phạm tội tài chính. Trong khi đó, truyền thông Ý đã đưa tin về sự tồn tại chưa được xác nhận của một cặp lá thư từ Đức Thánh Cha Phanxicô, lá thư đầu tiên sau khi Hồng Y Becciu bị kết án vào năm 2023 và lá thư thứ hai vào tháng trước, xác nhận việc Hồng Y không đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng.

Trong một cuộc họp báo vào thứ Hai, phát ngôn nhân của Vatican Matteo Bruni đã nói rằng vấn đề này chưa được thảo luận trong phiên họp buổi sáng của Đại hội đồng và do đó chưa có quyết định nào được đưa ra về vấn đề này. Ông cũng không thể nói vấn đề này sẽ được quyết định như thế nào.

Vào chiều thứ Hai, tin tức lan truyền về một thông cáo báo chí sắp tới của Hồng Y Becciu dự kiến sẽ được công bố vào buổi tối. Tuy nhiên, không rõ liệu một tuyên bố như vậy có xuất hiện hay không: sau khi rời khỏi cuộc họp sáng nay, vị Hồng Y người Sardinia đã “ngắt kết nối điện thoại và không thể liên lạc được”, Open đưa tin.

Tính đến đầu giờ tối thứ Hai tại Rôma, Hồng Y Becciu vẫn chưa đưa ra tuyên bố xác nhận quyết định không tham gia của mình với các phương tiện truyền thông. Vatican không mong đợi sẽ đưa ra bất kỳ tuyên bố nào, ít nhất là cho đến khi Hồng Y Becciu đưa ra, vì đối với họ, vấn đề này không bao giờ tồn tại, vì các lá thư của Đức Giáo Hoàng đã loại trừ vị Hồng Y rồi.


Source:National Catholic Register

3. Đức Hồng Y Burke Khai Mạc Tuần Cửu Nhật Cầu Nguyện Cho Giáo Hội Hoàn Vũ Khi Cơ Mật Viện Hồng Y Đang Đến Gần

Trong khi Đức Hồng Y Raymond Burke và các anh em Hồng Y chuẩn bị bước vào Cơ Mật Viện để bầu ra Đức Giáo Hoàng tiếp theo, ngài mời tất cả các tín hữu tham gia “Kinh Cầu Nguyện Trọng Thể với Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành” để cầu nguyện cho Giáo hội hoàn vũ, thế giới và sự an nghỉ vĩnh hằng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Đức Hồng Y Burke cho biết: “Tôi mời anh chị em cùng tôi bắt đầu từ ngày 1 tháng 5 tới đây trong tuần cửu nhật dâng lên Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành về nhiều thách đố mà chúng ta phải đối mặt, trong chính ngôi nhà của mình, trong gia đình mình, mà còn trong xã hội và trong chính Giáo hội”.

Tuần cửu nhật kính Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, sẽ diễn ra vào tháng Đức Mẹ Maria, bắt đầu từ ngày 1 tháng 5 và kéo dài đến ngày 9 tháng 5. Tuần cửu nhật này cũng cầu nguyện cách riêng cho sự an nghỉ vĩnh hằng của Đức Thánh Cha quá cố cũng như cho lợi ích của Giáo hội.

Phát biểu với tờ Register ngày 25 tháng 4, Đức Hồng Y Burke cho biết, “Việc cầu xin sự chuyển cầu của Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành đặc biệt quan trọng, vì những quyết định quan trọng sẽ được đưa ra trong những ngày và tuần tới vì lợi ích của Giáo hội và toàn thế giới.”

Sự kiện này diễn ra sau Tuần Cửu Nhật cầu nguyện Đức Mẹ Guadalupe nổi tiếng của Đức Hồng Y vào năm ngoái, trong đó có 190.000 tín hữu cầu nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu để chống lại điều mà Đức Hồng Y Burke mô tả là “bóng tối và tội lỗi đang ngày càng bao trùm thế giới và đe dọa Giáo hội” và trước “những cuộc khủng hoảng cấp bách của thời đại chúng ta”.

Đức Hồng Y Burke đang yêu cầu những người đã cầu nguyện tuần cửu nhật đó hãy cầu nguyện tuần này cho “các thành viên của Hồng Y đoàn, những người trong Cơ Mật Viện sắp tới sẽ bầu Người kế vị Thánh Phêrô làm Đại diện Chúa Kitô trên trần gian, Mục tử của Giáo hội Hoàn vũ”.

Cũng giống như tuần cửu nhật chín tháng, tổ chức bác ái Công Giáo Hành động vì Đức tin và Gia đình đang tổ chức buổi cầu nguyện. Người sáng lập và giám đốc của tổ chức bác ái, Thomas McKenna, cho biết tân Đức Giáo Hoàng sẽ “đối mặt với những thách thức không thể vượt qua nếu không có những lời cầu nguyện của các tín hữu khắp nơi”.

“Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn,” ngài nói. “Đức tin của chúng ta bị thách thức mỗi ngày. Như chúng ta cũng biết, Giáo hội yêu dấu của chúng ta đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về đức tin và đạo đức.”

Nhận thấy rằng các tín hữu đang xa rời các bí tích với số lượng lớn, ơn gọi thì ít, và hôn nhân và phép rửa tội giảm mạnh, McKenna hỏi, “Chúng ta phải làm gì trước tình trạng vô vọng này? Chúng ta cầu nguyện, như chúng ta vẫn thường làm, trong hy vọng.

“Điều này đặc biệt có liên quan ngay lúc này,” ngài nói tiếp, “không chỉ vì cuộc bầu cử Giáo Hoàng và những cuộc khủng hoảng khác nhau của Giáo hội và thế giới mà còn vì Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố năm 2025 là Năm Thánh Hy vọng.”

Ngài cho biết tuần cửu nhật long trọng từ ngày 1 đến ngày 9 tháng 5 “sẽ mang tất cả những nhu cầu sâu sắc này của Giáo hội và thế giới đến với Chúa Kitô qua bàn tay yêu thương của Đức Mẹ” cũng như “là thời gian để suy ngẫm về cuộc sống của chúng ta và phân định con đường phía trước”.

McKenna mời gọi các tín hữu ghi danh để nhận lời cầu nguyện hàng ngày của Đức Hồng Y Burke cho tuần cửu nhật bắt đầu vào thứ năm tuần tới; bằng cách đó, họ cũng có thể yêu cầu Đức Hồng Y Burke cầu nguyện cho các ý chỉ của họ trong tuần cửu nhật.

“Chúng ta dâng Tuần Cửu Nhật Hy Vọng một cách đặc biệt lên Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, cầu xin Đức Mẹ ban cho chúng ta sự khôn ngoan và thận trọng để vượt qua những khó khăn đang xảy đến với chúng ta cũng như ban cho chúng ta Ơn Chỉ Bảo thiêng liêng để giúp đỡ những người khác trên con đường về Thiên Đàng,” ngài nói.

Đền thờ Novena

Đền Đức Mẹ Guadalupe tọa lạc tại La Crosse, Wisconsin, do Hồng Y Burke thành lập, cũng đã khởi động một tuần cửu nhật riêng trước Cơ Mật Viện. Tuần cửu nhật bắt đầu từ ngày 26 tháng 4 và kéo dài đến ngày 5 tháng 5.


Source:National Catholic Register

4. Vị Giáo Hoàng Tiếp Theo: Sứ Vụ Phêrô Và Một Giáo Hội Truyền Giáo

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông đã xuất bản một cuốn sách có tên là “The Next Pope: The Office of Peter and a Church in Mission”— nghĩa là “Vị Giáo Hoàng Tiếp Theo: Sứ Vụ Phêrô Và Một Giáo Hội Truyền Giáo”. Đó là một mô tả ngắn gọn về những phẩm chất mà tác giả cho là cần thiết ở một Vị Giáo Hoàng, người sẽ củng cố lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng chúng ta phải là một Giáo hội của những môn đệ truyền giáo.

Nhà xuất bản Ignatius Press, do linh mục Dòng Tên Joseph Fessio điều hành, nơi in cuốn sách đã gởi tặng cuốn sách này cho các Hồng Y trong Hồng Y Đoàn, và các tân Hồng Y trong các công nghị tấn phong Hồng Y. Cuốn sách có kèm theo một ghi chú ở bìa sách một câu của Đức Hồng Y Dolan “Tôi biết ơn Nhà xuất bản Ignatius đã cung cấp bài suy tư quan trọng này về tương lai của Giáo hội cho Hồng Y đoàn”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh phần đầu nói về tình trạng của Giáo Hội hiện nay.

Trong ba thập niên qua, tôi đã có vinh dự được trò chuyện sâu rộng với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Những gì tôi học được từ những cuộc gặp gỡ đó—và từ nhiều năm tương tác với những người Công Giáo trên mọi châu lục, sống mọi giai đoạn cuộc sống trong Giáo hội—đã thúc đẩy những suy tư trong cuốn sách này.

Do đó, điều tiếp theo là thanh toán một phần khoản nợ lớn của tôi.

Giáo Hội Công Giáo là cùng một Giáo hội theo thời gian, vì như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta trong Êphêsô 4:5, Giáo Hội phục vụ cùng một Chúa, được hình thành bởi cùng một đức tin, và được sinh ra từ cùng một phép rửa tội. Tuy nhiên, phương thức Giáo Hội Công Giáo hoạt động như một Giáo Hội đã thay đổi để đáp ứng các yêu cầu tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô trên thế giới. Đã có năm lần chuyển đổi mang tính thời đại như vậy trong lịch sử Kitô giáo. Một trong số đó đang diễn ra ngay bây giờ.

Trong lần chuyển đổi lớn đầu tiên này, những gì chúng ta biết là Giáo hội Sơ khai đã tách biệt hoàn toàn khỏi những gì đã trở thành Do Thái giáo Rabbinic, trong một quá trình diễn ra nhanh hơn sau Chiến tranh Do Thái-Rôma lần thứ nhất vào năm 70 sau Chúa Giáng Sinh. [Do Thái giáo Rabbinic thường được định nghĩa là tín ngưỡng và tập tục của người Do Thái, được phác thảo trong Kinh Torah (Kinh thánh Do Thái) và được các nhà hiền triết (rabbi) diễn giải, kết hợp với các truyền thống truyền khẩu được truyền lại từ Ông Môisê trên núi Sinai. – chú thích của người dịch]

Giáo hội Sơ khai đó đã nhường chỗ cho, và thậm chí là đã khai sinh ra, Kitô giáo Giáo phụ, xuất hiện vào thế kỷ thứ tư và được định hình bởi cuộc gặp gỡ của Giáo hội với nền văn hóa cổ điển. Vào cuối thiên niên kỷ đầu tiên, Kitô giáo Giáo phụ đã khai sinh ra và nhường chỗ cho Kitô giáo Trung cổ, là sự tổng hợp chặt chẽ nhất từng đạt được giữa Giáo hội, văn hóa và xã hội. Kitô giáo Trung cổ đã bị chia rẽ trong một số cuộc Cải cách của thế kỷ XVI, và từ thảm họa đó đã xuất hiện Công Giáo Phản Cải cách: là phương thức tồn tại của Giáo hội mà mọi người Công Giáo sinh ra trước giữa những năm 1950 đã lớn lên.

Và vào cuối thiên niên kỷ thứ hai, cuộc chuyển đổi lớn thứ năm bắt đầu tập hợp sức mạnh trên khắp Giáo hội hoàn vũ: từ Công Giáo Phản cải cách sang Giáo hội Tân Phúc âm hóa. Người Công Giáo ngày nay sống trong sự hỗn loạn của thời điểm chuyển đổi này.

Vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, Giáo Hội Công Giáo thấy mình đang ở một điểm đột phá quan trọng trong quá trình chuyển đổi kỷ nguyên thứ năm đó. Đối với ba Đức Giáo Hoàng mà tôi đã đích thân biết đến và các thừa tác vụ Phêrô mà tôi đã theo dõi chặt chẽ, tất cả đều, theo cách này hay cách khác, là những người của Công đồng Vatican II: là sự kiện đã hoàn toàn khởi động quá trình chuyển đổi từ Công Giáo Phản Cải cách sang Giáo hội của Tân Phúc âm hóa. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng tiếp theo sẽ không được Công đồng Vatican II định hình theo cùng cách thức như ba vị tiền nhiệm của ngài trên Ngai tòa Thánh Phêrô.

Với tư cách là một giám mục Ba Lan rất trẻ và sau này là tổng giám mục của Kraków, Đức Karol Wojtyła (tương lai là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị) đã đóng vai trò tích cực trong cả bốn giai đoạn của Công đồng và giúp soạn thảo Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại, Gaudium et Spes. Là một chuyên gia thần học và là một chuyên gia trẻ tuổi tại Công đồng Vatican II, Đức Joseph Ratzinger (tương lai là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16) đã có ảnh hưởng trong việc phát triển năm văn bản công đồng, bao gồm các hiến chế tín lý của Công đồng về Giáo hội và về sự mặc khải của Thiên Chúa. Các chương trình Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị và Đức Bênêđíctô XVI chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những kinh nghiệm của các ngài về Công đồng Vatican II và sự tiếp nhận Công Đồng này trên khắp Giáo hội hoàn vũ. Thật vậy, các triều đại Giáo Hoàng của các ngài có thể được hiểu là một nỗ lực duy nhất kéo dài ba mươi lăm năm để đưa ra một cách diễn giải có thẩm quyền cho Công đồng. Nỗ lực đó xoay quanh Thượng hội đồng đặc biệt năm 1985, nơi đã tìm ra chìa khóa để diễn giải mười sáu văn kiện của Công đồng Vatican II trong khái niệm về Giáo hội như một sự hiệp thông của các môn đệ trong sứ mệnh. Sự thay đổi đó cuối cùng đã dẫn đến việc công bố Tân Phúc Âm hóa trước và trong Đại Năm Thánh 2000, và đến Văn kiện Aparecida năm 2007 của các giám mục Mỹ Latinh và Caribê—có lẽ là tuyên bố phát triển nhất cho đến nay về việc sự hiệp thông của các tông đồ trong sứ mệnh phải như thế nào.

Không giống như hai Vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của mình, Đức Jorge Mario Bergoglio (tương lai là Đức Thánh Cha Phanxicô) đã không trực tiếp trải nghiệm Công đồng Vatican II. Nhưng ngài là một tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi trong Công đồng và là một bề trên dòng trong giai đoạn tranh cãi ngay sau Công đồng Vatican II. Là tổng giám mục của Buenos Aires, ngài là một nhân vật quan trọng trong việc soạn thảo Văn kiện Aparecida. Trong cương vị Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục (người chủ trì ba trong bốn phiên họp của Vatican II) là hình mẫu Giáo Hoàng của mình, và ngài đã phong thánh cho cả Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, hai vị Giáo Hoàng của Công đồng Vatican II. Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự là một vị Giáo Hoàng của Công Đồng.

Đức Giáo Hoàng tiếp theo có thể sẽ là một thiếu niên hoặc một thanh niên rất trẻ trong những năm diễn ra Công đồng Vatican II; thậm chí có thể là một đứa trẻ trong những năm đó. Trong mọi trường hợp, ngài sẽ không được định hình bởi kinh nghiệm của Công đồng và các cuộc tranh luận trực tiếp về ý nghĩa của nó và sự tiếp nhận của nó như Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị, Bênêđíctô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô. Do đó, Đức Giáo Hoàng tiếp theo sẽ là một nhân vật chuyển tiếp theo một cách khác so với những vị tiền nhiệm trực tiếp của mình. Vì vậy, có vẻ thích hợp để suy ngẫm ngay bây giờ về những gì Giáo hội đã học được từ những kinh nghiệm của mình trong các triều đại Giáo Hoàng của ba vị Giáo Hoàng Công Đồng này—và đưa ra những gợi ý những gì Đức Giáo Hoàng tiếp theo có thể học được từ sự học hỏi đó.

Giáo Hội Công Giáo sẽ bước vào vùng đất chưa được khám phá trong triều đại Đức Giáo Hoàng tiếp theo. Vì vậy, điều quan trọng là phải suy ngẫm ngay từ bây giờ về hai câu hỏi:

Thứ nhất, Đức Thánh Linh đã dạy điều gì cho một Giáo Hội đang trong thời kỳ chuyển tiếp

Thứ hai, vị sẽ lãnh đạo Giáo hội trong giai đoạn chuyển tiếp này, gánh vác trách nhiệm to lớn và gánh nặng của sứ vụ Phêrô, người nắm giữ “chìa khóa Nước Trời” (Mt 16:19) cần có những phẩm chất nào?

5. FBI cho biết thẩm phán, cựu giám đốc tổ chức bác ái Công Giáo đã che chở cho người nhập cư bất hợp pháp khỏi bị bắt giữ

Tuần này, các đặc vụ liên bang đã bắt giữ một thẩm phán Công Giáo ở Wisconsin và cựu giám đốc tổ chức bác ái Công Giáo vì cáo buộc bà đã che giấu một người nhập cư bất hợp pháp khỏi bị cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ vào đầu tháng này.

Một đơn khiếu nại hình sự, được đệ trình lên Tòa án Quận Hoa Kỳ thuộc Quận phía Đông Wisconsin, cáo buộc rằng Thẩm phán Tòa án Quận Milwaukee Hannah Dugan đã giúp che giấu công dân Mễ Tây Cơ Eduardo Flores-Ruiz, người đã cư trú bất hợp pháp tại Hoa Kỳ và bị buộc tội bạo hành gia đình ở Milwaukee.

Cảnh sát đã có mặt tại Tòa án Quận Milwaukee vào ngày 18 tháng 4 để lên kế hoạch bắt giữ Flores-Ruiz sau phiên điều trần về vụ án hình sự của anh ta. Theo đơn khiếu nại, phiên điều trần dự kiến diễn ra tại phòng xử án của Dugan.

Khi biết về vụ bắt giữ sắp xảy ra, Dugan được cho là đã “hết sức tức giận” và sau đó đối đầu với các đặc vụ liên bang về kế hoạch của họ. Sau đó, theo đơn khiếu nại, bà đã “hộ tống Flores-Ruiz và luật sư của ông ra khỏi phòng xử án” qua “cửa bồi thẩm đoàn” và đến “khu vực không công khai của tòa án”. Vụ án của Flores-Ruiz được cho là đã bị hoãn lại ngay sau đó.

Cuối cùng, các đặc vụ đã bắt giữ nghi phạm bên ngoài tòa án sau khi anh ta cố gắng chạy trốn bằng đường bộ.

Bản khiếu nại cáo buộc Dugan “cản trở hoặc gây trở ngại cho quá trình tố tụng” của một cơ quan Hoa Kỳ cũng như “che giấu một cá nhân để tránh bị phát hiện và bắt giữ”.

Theo tờ Milwaukee Journal-Sentinel, trước khi trở thành thẩm phán, Dugan đã phục vụ gần ba năm với tư cách là giám đốc điều hành của Tổ chức bác ái Công Giáo thuộc Tổng giáo phận Milwaukee và từ chức vào năm 2009.

Hồ sơ LinkedIn của thẩm phán liệt kê bà là người đã lãnh đạo tổ chức bác ái Công Giáo “thông qua việc tái cấu trúc hội đồng quản trị và tổ chức lại dịch vụ”.

Trước khi được bầu vào tòa án quận Milwaukee, Dugan từng là luật sư luật dân sự tại Milwaukee.

Tuần này, luật sư của Dugan đã phát biểu trong phiên điều trần tại tòa án liên bang rằng thẩm phán “phản đối việc bắt giữ bà ấy”.

Ông lập luận rằng “Nó không được thực hiện vì lợi ích an toàn công cộng”.


Source:Catholic News Agency
 
Thánh Ca
TV 29 Đáp Ca Chúa Nhật thứ 3 PS
Lm Thái Nguyên
05:30 29/04/2025