Hồng Kông: Theo Cha Gianni Criveller, một nhà truyền giáo của Học viện Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải ngoại (PIME), người sinh sống và phục vụ ở Hồng Kông suốt 9 năm qua thì Lễ Phục Sinh ở Hồng Kông mang ý nghĩa đặc biệt là Lễ rửa tội cho các Kitô hữu mới. Đêm 10-04-2004, ngài cử hành Thánh lễ để thực hiện Bí tích này cho 40 Tân tòng trong số hơn 2000 người trưởng thành được rửa tội ở khắp Hồng Kông.

Nhà truyền giáo giải thích: “Khuynh hướng này ở đây khác với các nơi khác ở Á Châu. Tương phản với các quốc gia Á Châu khác, ở Hồng Kông này, số người theo đạo tương đối cao. Hầu hết là nam giới và phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 40, có lẽ cùng với các trẻ em, những người đến một cách sốt sắng cho việc rửa tội; mốt số người trong họ học ở một trong 300 trường Công Giáo trên đảo quốc và có kỷ niệm tốt về điều đó, một số khác theo đạo do mẫu gương của bạn bè hoặc người thân. Những người khác trở lại đạo do được đánh động bởi nhiều hoạt động xã hội và nhân đạo của Caritas và Giáo Hội Công Giáo. Thực tế, Nghi lễ Rửa tội được thực hiện mỗi năm một lần, vào tối Thứ Bảy Canh thức Phục Sinh, và đó là một Lễ trọng đại với Thánh lễ dài và cảm động”.

Mặc khác, Lễ Phục Sinh cũng được cử hành bởi Cộng đồng Kitô giáo ở cựu thuộc địa Anh “với niềm tin sâu sắc từ trong lòng hơn là bộc lộ ra bên ngoài”. Nhà truyền giáo nói tiếp: “Nói chung, anh sẽ không biết rằng đó là Lễ Phục Sinh bằng cách đi bộ qua các nẻo đường của thành phố, không một chút nào, bởi vì người Tin Lành và người Công Giáo chỉ chiếm khoảng 10 phần trăm dân số. Hãy nói rằng công dân Hồng Kông cử hành Lễ Phục Sinh trong chừng mực, nhưng cộng đồng ngoài Kitô giáo cũng tôn trọng việc mừng kính này. Ví dụ như ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, là ngày nghỉ lễ dành cho tất cả mọi người và Thứ Hai Phục Sinh cũng thế”.

Tuy nhiên có một việc bị cấm: “Không được diễu hành, vào thời điểm này cũng như bất kỳ dịp nào khác. Vì nhà chức trách Hồng Kông không nghĩ rằng có thể dừng việc giao thông để giúp cử hành nghi lễ của một tôn giáo thiểu số”.