1. Đức Giám Mục Giáo phận Ôn Châu lại bị bắt
Năm nay, Phêrô Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin), Giám mục Ôn Châu, Tỉnh Chiết Giang, lại bị công an nhà nước bắt đi, vào dịp áp Tuần Thánh và Phục Sinh để cấm cản ngài cử hành các lễ nghi hoặc làm việc mục vụ cho các tín hữu, chỉ vì ngài từ chối không gia nhập Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc.
Hãng tin Asia News truyền đi hôm 11 tháng Tư vừa qua cho biết chiều ngày 10 tháng Tư, công an nhà nước đã bắt Đức Cha đi cùng với cộng tác viên thân tín, là cha Khương Tố Niệm (Jiang Xu Nian) và người ta không biết ngài bị giam giữ ở đâu.
Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn 61 tuổi, thụ phong giám mục năm 2007, do Tòa Thánh bổ nhiệm, nhưng không được Nhà nước Trung Quốc nhìn nhận, và ngài không gia nhập Hội Công Giáo yêu nước. Ngài làm Giám mục phó của Đức Cha Vinh Sơn Chu Duy Phương (Zhu Wei Fang), qua đời năm 2016.
Vì không được nhà nước nhìn nhận nên trong những năm qua, Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn liên tục bị công an bắt đi mất tích một thời gian để cấm cản ngài khỏi tiếp xúc và cử hành thánh lễ cho các tín hữu.
Ngày 27 tháng Mười Hai cuối năm ngoái, Đức Cha đã cử hành thánh lễ Giáng Sinh, khai mạc Năm Thánh, với sự tham dự của 200 tín hữu tại huyện Long Loan (Longwan). Do việc làm này, ngài đã bị nhà nước phạt số tiền tương đương với 30.000 Mỹ kim. Nhưng ngài không trả được nên bị bắt giam một tuần lễ, từ ngày 07 tháng Ba năm nay.
2. 40 Bài Tĩnh Tâm Mùa Chay - Thứ Năm Tuần Thánh – Ngày 17-04
Xh 12:1-8, 11-14
Tv 115(116):12-13, 15-18
1 Cr 11:23-26
Ga 13:1-15
Thầy ban cho các con một điều răn mới: hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con.
Vào ngày này hằng năm, Giáo hội mời gọi chúng ta suy ngẫm về ba mầu nhiệm thiết yếu của Đức tin Công Giáo: đó là Bí tích Thánh Thể - được Chúa Giêsu thiết lập trong Bữa Tiệc Ly như một bí tích tưởng niệm về cái chết hy sinh của Người trên Thập giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh, chức tư tế - được Chúa Giêsu thiết lập để bảo đảm việc tưởng niệm bí tích này được duy trì trong Thánh lễ, và lệnh truyền của Chúa Kitô là hãy yêu thương người khác như Người đã yêu thương chúng ta - được thể hiện qua việc Người rửa chân cho các tông đồ.
Lệnh truyền của Chúa Giêsu là yêu thương người khác nằm ở trung tâm của Bí tích Thánh Thể và chức linh mục. Tình yêu bao trùm của Thiên Chúa dành cho chúng ta được thể hiện trong sự nhập thể của Chúa Giêsu làm người, để cứu chuộc và cứu độ chúng ta. “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em... Đây là Máu Thầy đổ ra vì anh em” (Lc 22:19-20). Mầu nhiệm đức tin này mà chúng ta công bố trong mỗi Thánh lễ nhắc nhở chúng ta về sự đổ tràn hoàn toàn tình yêu của Thiên Chúa nơi Con của Người trên Thập giá để cứu độ chúng ta.
Mệnh lệnh của Chúa chúng ta là yêu thương người khác như Người đã yêu thương chúng ta áp dụng cho mọi người và mọi chức thánh trong Giáo hội, có chức thánh và không có chức thánh. Nhưng không ai có thể phục vụ một cách hiệu quả trong Giáo hội nếu họ không hiểu trước bài học về việc Chúa Giêsu rửa chân cho các tông đồ của Người. Nếu việc phục vụ của Kitô hữu chúng ta không chỉ là một hành động tử tế của con người, mà là tình yêu hy sinh, thì chúng ta phải chuẩn bị, giống như Người, để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Vì tình yêu, nếu là chân chính, sẽ tự hiến cho người khác mà không tính đến giá phải trả hoặc bất kỳ hy vọng được đền đáp nào.
Khi chúng ta tụ họp tại các nhà thờ tối nay, xin cho chúng ta, các linh mục và giáo dân, quỳ gối với lòng khiêm nhường sâu sắc và lòng biết ơn sâu sắc trước Thiên Chúa yêu thương của chúng ta vì Sự Hiện Diện Thật Sự của Người giữa chúng ta trong Bí tích Thánh Thể - là lời cam kết về tình yêu của Người sẽ ở cùng chúng ta cho đến tận thế.
3. Israel chỉ cho phép sáu ngàn Kitô hữu từ miền Bờ Tây đến các Nơi Thánh
Cha Ibrahim Faltas, đại diện Bề trên Dòng Phanxicô tại Thánh địa, cho biết năm nay nhà cầm quyền Israel chỉ cấp giấy phép cho sáu ngàn tín hữu Kitô, từ miền Cisjordani được đến Giêrusalem và các Nơi Thánh khác để tham dự Tuần Thánh và Phục Sinh, một con số quá ít ỏi đối với năm mươi ngàn Kitô hữu tại miền này.
Cha Faltas, người Ai Cập, tỏ ra rất bất mãn vì số giấy phép được cấp ít ỏi như thế. Cha nói: “Tôi là người trách nhiệm về các đơn xin cho các tín hữu Kitô ở vùng Bethlehem và tôi đã nài nỉ với nhà cầm quyền Israel, xin họ cấp giấy phép nhiều hơn: chúng tôi cần gặp gỡ và cầu nguyện với một cộng đoàn bị đau khổ rất nhiều vì chiến tranh. Các tín hữu Kitô ở Cisjordani đã bị hạn chế rất nhiều trong việc đi lại và mong đợi dịp lễ Phục Sinh này để có thể đến Giêrusalem cầu nguyện tại Mộ Thánh và các nơi nhắc nhở cuộc khổ nạn, cái chết và sống lại của Chúa chúng ta. Nhưng cho đến nay, mặc dù đã có nhiều cuộc hội họp cao cấp, nhưng chúng tôi vẫn không được thêm các giấy phép”.
Cha Ibrahim nói thêm rằng: “Giêrusalem, Thành Thánh đối với cả ba tôn giáo độc thần, là trọng tâm của cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, và việc giải quyết xung đột này được thế giới coi là giải pháp cho nhiều xung đột khác. Giêrusalem sống cái mâu thuẫn của nhân loại. Chỉ trong chu vi vài trăm mét các Nơi Thánh đối với người Do thái, Kitô và Hồi giáo, người nghe thấy bao nhiêu tiếng nói, thánh ca và kinh nguyện khác nhau nhưng đồng thời tương tự nhau, trong cùng một thành phố, nhưng lòng oán ghét ngăn cản quyền tuyên xưng đức tin của người khác”. Điều này người ta càng thấy rõ năm nay, các tín hữu Kitô, Công Giáo và Chính thống họp nhau cử hành cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu, vào cùng ngày 20 tháng Tư, cũng là lễ Vượt qua của người Do thái. “Sự trùng ngày của một lễ quan trọng như thế thật là khác thường, và trong bối cảnh hiện nay, có thể và phải là một cơ hội duy nhất. Giêrusalem là một thành bị chia rẽ vì bạo lực, là thành hứa ban sự sống nhờ đức tin, là thành khơi lên cái chết trong các tâm hồn. Chúng ta không thể trở nên quen thuộc với bạo lực, khi ngắm nhìn các Nơi Thánh, nơi chúng ta tiến bước đồng thời lập lại những lời hứa của Chúa Kitô. Ai sống tại Thánh địa không thể trung lập, dửng dưng lãnh đạm”.
4. Giám mục cao niên nhất thế giới 103 tuổi
Giám mục cao niên nhất thế giới hiện nay là Đức Cha José de Jesús Sahagún de la Parra, 103 tuổi, người Mêhicô, một chứng nhân sinh động về lịch sử Giáo hội. Ngài vẫn cử hành thánh lễ và là một trong bốn giám mục tham dự Công đồng chung Vatican II còn sống sót.
Đức Cha José sinh tại Cotiha, một thị trấn nhỏ thuộc bang Michhoacàn, năm 1922 và thụ phong linh mục năm 1946, khi được 24 tuổi. Mười lăm năm sau đó, ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII bổ nhiệm làm Giám mục tiên khởi của Giáo phận tân lập Tula thuộc bang Hidalgo.
Ngài là cột trụ của giáo phận này trong 24 năm trời, cho đến năm 1985 thì được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm giám mục đầu tiên của Giáo phận Lázaro Cárdenas. Ngài phục vụ tại đây với cùng nhiệt huyết và hăng say cho đến năm 1993 thì về hưu, lúc 71 tuổi. Từ đó, ngài sống yên hàn tại một nhà dưỡng lão do các nữ tu phụ trách ở mang Michoacán.
Theo Đức Cha José Antonio Fernández Hurtado, đương kim Tổng giám mục Giáo phận Tlalnepantla, người đã được Đức Cha Sahagún de la Parra truyền chức linh mục tại Tula, thì Đức Cha cố thực là một người đại xây dựng: khi Đức Cha đến giáo phận Tula, lúc ấy chẳng có công trình loan báo Tin mừng và cũng chẳng có ơn gọi bản xứ. Nhưng rồi Đức Cha đã nỗ lực biến đổi miền này, xây đại chủng viện El Huerto, bắt đầu hoạt động từ năm 1964.
Đức Cha de la Parra cũng tận tụy với nhiều dự án xã hội mà chính Đức Cha kiếm tài chánh để thực hiện. Hồi đó, nhiều người dân còn sống trong những căn chòi hoặc những túp lều, Đức Cha đã cổ võ kiến thiết những căn nhà nhỏ để thăng tiến cuộc sống của dân chúng. Ngài cũng khuyến khích các chủng sinh dấn thân vào các dự án này.
Tại giáo phận mới Lazáro Cardenas, nơi Đức Cha Parra được bổ nhiệm làm giám mục đầu tiên, ngài cũng dấn thân xây dựng như vậy, đặc biệt ngài xây dựng các cộng đoàn xứng với con người hơn, thăng tiến cuộc sống của dân chúng.
Đức Cha đã tham dự Công đồng chung Vatican II, hồi năm 1962 và lúc đó ngài mới làm giám mục được một năm, cùng với hơn hai ngàn nghị phụ từ các nơi trên thế giới. Trong khoảng thời gian từ năm 1962 đến năm 1965, có khoảng bốn mươi giám mục Mêhicô đã tham dự Công đồng. Lúc đó, nước này chỉ có khoảng 35 triệu dân và 98% dân chúng xưng mình là tín hữu Công Giáo.