1. Putin ‘tống tiền’ người dân Ukraine bằng cách sử dụng điệp viên của mình khai thác những bí mật đen tối nhất
Các điệp viên của Putin đang thao túng những thường dân dễ bị tổn thương để đặt bom bằng một loạt các lời đe dọa và hối lộ - và sử dụng các diễn đàn và tập dữ liệu trực tuyến để tìm ra họ. Một loạt các cuộc tấn công phá hoại trên khắp Âu Châu được cho là do những kẻ giật dây người Nga thực hiện.
Và, vào đầu năm nay, các địa điểm quân sự bên trong Ukraine đã phải hứng chịu một loạt vụ đánh bom - mà các quan chức an ninh đổ lỗi cho Nga. Thiếu Tướng Vasyl Malyuk, nhà lãnh đạo của SBU, cho biết Nga đã trả tiền cho các trang web cờ bạc trực tuyến ở Ukraine để lấy dữ liệu nhằm xác định “điểm yếu” - tức là những người tuyệt vọng.
Chiến lược đen tối này xuất hiện sau khi những nhân vật cao cấp trong ngành cờ bạc của Ukraine bị bắt vì có liên quan đến Nga. Tướng Malyuk cho biết sau khi chọn được mục tiêu bên trong Ukraine, các điệp viên Nga sẽ liên lạc và hứa hẹn tiền mặt để thuyết phục những người nghiện làm theo lệnh của họ.
Các nhà điều tra Ukraine đã bắt giữ những chủ sở hữu sòng bạc trực tuyến vì nghi ngờ thông đồng với Nga sau khi phát hiện bằng chứng dữ liệu bị thu thập và chia sẻ.
Tướng Malyuk đã liên kết chiến lược bệnh hoạn này với “các vụ đánh bom vào các trung tâm tuyển dụng” vào đầu năm. Ông cho biết những kẻ tấn công “không phải là những người ủng hộ Nga về mặt tư tưởng”, đồng thời cho rằng họ đã bị ép buộc thực hiện âm mưu này.
Ông nói với tờ The Sun: “Đây chỉ là những người thực sự cần tiền nên có thể bị lợi dụng.”
“Nếu bạn có dữ liệu về những người bạn có thể liên hệ và cung cấp tiền cho họ - và biết chắc rằng họ có nhiều khả năng sẽ chấp nhận tiền bạc, hơn là báo cáo bạn cho các cơ quan tình báo Ukraine - thì đây là một tập hợp thông tin rất có giá trị.”
Các vụ đánh bom thường liên quan đến việc ai đó đến nhận một thiết bị nổ từ một địa điểm bí mật và vận chuyển nó đến địa điểm mục tiêu. Tướng Malyuk cho biết các lệnh này “chắc chắn” đến từ “những người làm việc trong các cơ quan tình báo Nga”.
Phát ngôn nhân của Cơ quan An ninh Ukraine, Artem Dekhtyarenko, xác nhận điệp viên Nga lợi dụng những người nghiện cờ bạc. Ông nói: “Người Nga tuyển dụng chủ yếu là trẻ vị thành niên, người thất nghiệp và những người nghiện ngập đủ loại. Ví dụ như nghiện ma túy, rượu hoặc cờ bạc.”
Tướng Malyuk tờ The Sun: “Người Nga sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau, nhưng có hai chiến thuật phổ biến nhất. Đầu tiên, chúng cung cấp cho con mồi công việc 'chuyển phát nhanh', sau đó tống tiền mục tiêu để hợp tác với chúng bằng hình thức khủng bố.”
Ông nhấn mạnh: “Người Nga là kẻ thù; họ không phải là bạn của bất kỳ ai,”
Ông cho biết, khi nói đến tống tiền, vũ khí mà người Nga lựa chọn có thể là “lời đe dọa giết người, ảnh khỏa thân giả và đủ mọi sắc thái gây ra sợ hãi”.
Ông giải thích rằng, ban đầu, những người mới tuyển dụng có thể không nhận ra họ đang làm gì. “Sau khi thực hiện một vài việc vặt, các điệp viên người Nga có thể lộ diện và dùng đến biện pháp tống tiền.”
“Họ đe dọa sẽ gửi tất cả thông tin họ có cho cảnh sát hoặc cơ quan an ninh Ukraine – và thậm chí cả khả năng tiêu diệt con mồi.”
Các cuộc tấn công khủng bố thường là nhắm vào các mục tiêu quân sự
Sau vụ đánh bom vào một văn phòng quân dịch hồi tháng 2, Tướng Malyuk cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng đây là một cuộc tấn công có chủ đích của các cơ quan đặc biệt của Nga nhằm mục đích tạo ra quan điểm sai lệch trong xã hội”.
Ông nói thêm rằng mục đích của họ là “làm mất ổn định tình hình và tạo ra thái độ tiêu cực đối với lực lượng an ninh và quốc phòng”.
Trong vụ việc đó, vào ngày 5 tháng 2, một người đàn ông đã đến trạm kiểm soát tại một văn phòng tuyển dụng, tay cầm một chiếc túi. Vụ nổ xảy ra sau đó giết chết người mang túi và làm bị thương bốn người.
Sau vụ tấn công, Tướng Malyuk cho biết đã có chín âm mưu như vậy được thực hiện trong năm nay.
Trong một trường hợp tương tự, một thanh niên đã bị nổ tung do mang theo thiết bị nổ vào văn phòng tuyển quân ở thành phố Rivne, phía tây bắc nước này vào ngày 1 tháng 2. Kẻ đánh bom đã thiệt mạng và tám quân nhân bị thương.
[The Sun: Putin ‘blackmailing’ Ukrainian civilians into committing vile atrocities by using his spies to exploit darkest secrets]
2. Putin tuyên bố ngừng bắn vào lễ Phục sinh, Tổng thống Zelenskiy kêu gọi ngừng bắn trong 30 ngày
Putin đã tuyên bố lệnh ngừng bắn tạm thời vào dịp lễ Phục sinh, ra lệnh dừng mọi hoạt động quân sự từ 6 giờ chiều giờ Mạc Tư Khoa ngày 19 tháng 4 cho đến nửa đêm ngày 21 tháng 4.
Putin đã công bố lệnh này trong cuộc họp với Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Valery Gerasimov, vào ngày 19 tháng 4.
Putin đưa ra quyết định này dựa trên mối quan tâm nhân đạo. “Tôi ra lệnh đình chỉ mọi hoạt động chiến đấu trong thời gian này”, ông tuyên bố.
“Chúng tôi cho rằng phía Ukraine sẽ noi gương chúng tôi”, ông nói thêm.
Lệnh ngừng bắn vào lễ Phục sinh được đề xuất diễn ra sau các cuộc tấn công trước đây của Nga vào Ukraine trong các ngày lễ Kitô Giáo lớn, bao gồm một cuộc tấn công chết người vào Sumy vào Chúa Nhật Lễ Lá khiến 35 người thiệt mạng và một cuộc tấn công vào Kharkiv vào Thứ Sáu Tuần Thánh khiến một người thiệt mạng và 120 người bị thương.
Theo Putin, hiệu quả của lệnh ngừng bắn sẽ “kiểm tra sự chân thành của Ukraine trong việc theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình”, và ông cũng cho biết thước đo thực sự về ý định của Kyiv sẽ được tiết lộ qua các hành động của nước này trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy phản đối đề xuất của Putin bằng cách mời Nga gia hạn lệnh ngừng bắn sau Chúa Nhật Phục sinh.
“Điều này sẽ cho thấy ý định thực sự của Nga, vì 30 giờ là đủ để đưa tin, nhưng không đủ để xây dựng lòng tin thực sự. Ba mươi ngày có thể mang lại cơ hội cho hòa bình”, Tổng thống Zelenskiy phát biểu qua Telegram vào tối ngày 19 tháng 4.
Tổng thống Zelenskiy cho biết các báo cáo từ quân đội Ukraine chỉ ra rằng Nga vẫn chưa dừng mọi cuộc tấn công vào tiền tuyến và rằng Kyiv sẽ đáp trả “tương xứng” với hành động của Nga, tuân thủ lệnh ngừng bắn thực sự hoặc đáp trả bằng vũ lực.
“Sẽ có phản ứng thích đáng đối với mọi cuộc tấn công của Nga”, ông nói.
Ban đầu, Kyiv phản ứng với thông báo ngừng bắn của Putin bằng thái độ hoài nghi.
“Về nỗ lực tiếp theo của Putin nhằm đùa giỡn với mạng sống của người dân - cảnh báo không kích đang vang lên trên khắp Ukraine ngay lúc này”, Tổng thống Zelenskiy cho biết ngay sau tuyên bố của Nga.
“Lúc 5:15 chiều, máy bay điều khiển từ xa tấn công của Nga đã được phát hiện trên bầu trời của chúng tôi. Lực lượng phòng không và hàng không Ukraine đã phản ứng. Sự hiện diện của Shahed (máy bay điều khiển từ xa) trên lãnh thổ của chúng tôi cho thấy thái độ thực sự của Putin đối với lễ Phục sinh và cuộc sống con người.”
Ngoại trưởng Andrii Sybiha cũng tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố của Putin, đồng thời lưu ý đến việc Mạc Tư Khoa tiếp tục bác bỏ lệnh ngừng bắn hoàn toàn kéo dài 30 ngày do Hoa Kỳ đề xuất, mà Ukraine đã ủng hộ kể từ ngày 11 tháng 3.
“Bây giờ Putin đã đưa ra tuyên bố về sự sẵn sàng ngừng bắn. 30 giờ thay vì 30 ngày”, Sybiha nói.
“Thật không may, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm khi những tuyên bố của ông ấy không trùng khớp với hành động của ông ấy. Chúng tôi biết rằng lời nói của ông ấy không thể tin được, và chúng tôi sẽ xem xét hành động, không phải lời nói.”
Tuyên bố của Putin được đưa ra sau khi Washington ra tín hiệu rằng họ sẵn sàng chấm dứt nỗ lực hòa giải nhằm chấm dứt chiến tranh của Nga với Ukraine nếu một trong hai bên “gây khó khăn”.
Nga từ chối chấp nhận lệnh ngừng bắn hoàn toàn trừ khi có những nhượng bộ làm suy yếu khả năng tự vệ của Kyiv, bao gồm cả việc ngừng hoàn toàn viện trợ quân sự nước ngoài.
Vào ngày 25 tháng 3, Mạc Tư Khoa đã đồng ý một lệnh ngừng bắn một phần, bao gồm lệnh ngừng bắn trên biển ở Hắc Hải và lệnh tạm dừng 30 ngày đối với các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Kể từ đó, Ukraine đã báo cáo hơn 30 lần vi phạm lệnh ngừng bắn một phần của lực lượng Nga. Trong khi đó, các cuộc tấn công của Nga vào dân thường ở các thành phố của Ukraine đã gia tăng.
Putin cáo buộc Ukraine vi phạm lệnh ngừng bắn về cơ sở hạ tầng năng lượng hơn 100 lần mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Putin cho biết ông hy vọng Kyiv sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn Phục sinh nhưng nói thêm rằng Nga nên sẵn sàng phản ứng trong trường hợp vi phạm.
Nga đã nhiều lần cáo buộc sai trái Ukraine về nhiều cuộc tấn công và hành động khiêu khích kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022, thường coi đó là cái cớ để leo thang căng thẳng.
[Kyiv Independent: Putin announces Easter ceasefire, Zelensky calls for 30-day truce]
3. Putin tham dự lễ Phục sinh ở Mạc Tư Khoa khi Ukraine báo cáo các cuộc tấn công bất chấp lệnh ngừng bắn
Putin và Thị trưởng Mạc Tư Khoa Sergei Sobyanin đã tham dự một buổi lễ Phục sinh tại Mạc Tư Khoa vào ngày 20 tháng 4, chỉ vài giờ sau khi Điện Cẩm Linh tuyên bố lệnh ngừng bắn tạm thời vào kỳ nghỉ lễ Phục sinh, ra lệnh dừng mọi hoạt động quân sự từ 6 giờ chiều giờ Mạc Tư Khoa ngày 19 tháng 4 cho đến nửa đêm ngày 21 tháng 4.
Buổi lễ được tổ chức tại Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Cứu Thế và được chủ trì bởi Đức Thượng phụ Kirill, nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống giáo Nga và là người ủng hộ trung thành của Putin và ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Putin.
Bất chấp tuyên bố của Điện Cẩm Linh về lệnh ngừng bắn trong kỳ nghỉ, Ukraine đã báo cáo về các cuộc tấn công liên tục của Nga vào ngày 20 tháng 4. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết lực lượng Nga đã tiến hành 387 cuộc pháo kích và 19 cuộc tấn công nhằm vào Ukraine từ 6 giờ chiều đến nửa đêm. Theo Tổng thống Zelenskiy, lực lượng Nga đã sử dụng máy bay điều khiển từ xa ít nhất 290 lần.
Một đoạn video về buổi lễ cho thấy Putin đứng cạnh Sobyanin, cầm một ngọn nến đỏ mỏng, và mặc một bộ vest tối màu, áo sơ mi trắng và cà vạt đỏ—trang phục Phục sinh truyền thống của ông trong những năm trước. Buổi lễ, một nghi lễ chính của những người theo Chính thống giáo, bắt đầu vào cuối ngày thứ Bảy và kéo dài đến sáng sớm Chúa Nhật.
Đối với Putin, đức tin Chính thống giáo đóng vai trò trung tâm trong thế giới quan của ông, và ông thường xuyên tham dự các buổi lễ trong những ngày lễ tôn giáo lớn. Lễ Phục sinh được coi là ngày quan trọng nhất trong lịch Chính thống giáo.
Theo hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti, Đức Thượng phụ Kirill đã tận dụng cơ hội này để đưa ra lời kêu gọi chính trị và tâm linh, kêu gọi một “nền hòa bình lâu dài và công bằng” tại nơi mà ông gọi là “vùng đất rộng lớn lịch sử của Nga”, một khu vực thời trung cổ bao gồm một phần Ukraine, Belarus và Nga ngày nay.
Thượng phụ Kirill là một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo ủng hộ mạnh mẽ nhất cho cuộc xâm lược. Ông đã nhiều lần bảo vệ cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ tư. Kể từ tháng 2 năm 2022, cuộc xâm lược của Nga đã giết chết hàng triệu người—cả người Ukraine và người Nga—và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
[Kyiv Independent: Putin attends Easter service in Moscow as Ukraine reports attacks despite ceasefire]
4. Ukraine đưa 277 tù binh chiến tranh về nước trong cuộc trao đổi với Nga
Ukraine đã đưa thêm 277 binh sĩ về nước trong cuộc trao đổi tù binh lớn với Nga trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy thông báo vào ngày 19 tháng 4.
Cuộc hoán đổi mới nhất được làm trung gian bởi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
“Tôi cảm ơn tất cả mọi người đã giúp cho người dân của chúng tôi có thể trở về”, Tổng thống Zelenskiy nói. “Tôi đặc biệt biết ơn Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vì đã làm trung gian hòa giải”.
Theo Trụ sở điều phối đối xử với tù binh chiến tranh, gọi tắt là POW, 246 quân nhân Ukraine đã được thả trong khuôn khổ cuộc trao đổi với Nga. 31 người khác được thả ngoài cuộc trao đổi.
Trước đó, Sky News đưa tin rằng đợt trao đổi tù binh Phục sinh sẽ bao gồm 246 tù binh chiến tranh từ mỗi bên, cũng như 46 binh sĩ bị thương.
Tổng thống Zelenskiy cho biết những người lính được thả vào ngày 19 tháng 4 đã tham gia bảo vệ Mariupol và các khu vực khác thuộc Donetsk, Kherson, Zaporizhzhia và Luhansk.
Các quân nhân này thuộc Quân đội Ukraine, Vệ binh quốc gia, Cục vận tải nhà nước và Cục biên phòng, nhưng hầu hết đều thuộc Thủy quân lục chiến, đặc biệt là những người bị bắt làm tù binh ở thành phố Mariupol bị bao vây vào tháng 4 năm 2022.
Bộ Tư lệnh Điều phối cho biết trong số các tù nhân được trả về có chín sĩ quan và 268 binh nhì và trung sĩ.
Đây là cuộc trao đổi tù binh thứ 63 giữa Nga và Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh toàn diện. Cuộc trao đổi tù binh gần đây nhất giữa Ukraine và Nga diễn ra vào ngày 19 tháng 3, với 175 người Ukraine được đưa trở về nhà.
Theo Tổng thống Zelenskiy, kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022, Kyiv đã trao trả 4.552 người khỏi nơi giam giữ của Nga, bao gồm cả binh lính và thường dân.
Ukraine không tiết lộ số liệu chính xác về số lượng tù binh chiến tranh Ukraine bị giam giữ tại Nga. Theo Thanh tra viên Dmytro Lubinets, Nga giam giữ hơn 16.000 thường dân Ukraine.
Ukraine đã đưa ra ý tưởng trao đổi tù nhân toàn diện vào năm 2024, nhưng Nga vẫn chưa đồng ý với đề xuất này.
[Kyiv Independent: Ukraine brings home 277 POWs in swap with Russia]
5. ‘Điều tồi tệ nhất’: Phiên dịch viên của Meloni xin lỗi sau thất bại tại Tòa Bạch Ốc
Phiên dịch viên của Giorgia Meloni đã xin lỗi vì phiên dịch không chuẩn trong cuộc họp quan trọng với Ông Donald Trump vào đầu tuần này, khiến thủ tướng Ý phải xen vào và dịch lại những bình luận của bà về NATO và chi tiêu quốc phòng.
Valentina Maiolini-Rothbacher, người bị Meloni ngắt lời khi đang phiên dịch tại cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Năm, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera rằng tai nạn này là “điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với một phiên dịch viên, một sự việc khủng khiếp”.
Đoạn phim ghi lại cuộc họp cho thấy Tổng thống Trump yêu cầu Maiolini-Rothbacher dịch câu trả lời của Meloni cho một câu hỏi của một nhà báo Ý về lập trường của bà đối với Ukraine và chi tiêu quân sự. Vì người ký giả nói tiếng Ý, nên Thủ tướng Meloni đã trả lời anh ta bằng tiếng Ý.
Maiolini-Rothbacher dường như gặp khó khăn với bản dịch, dừng lại nhiều lần và xem qua các ghi chú của mình, trước khi Meloni ngắt lời và nói chuyện với Tổng thống Trump bằng tiếng Anh.
Người phiên dịch cho biết trong cuộc phỏng vấn với Corriere della Sera rằng một tai họa như vậy chưa bao giờ xảy ra với cô trước đây. “Tôi xin lỗi trước hết vì đã không hữu ích”, cô nói.
“Thủ tướng Meloni đã đúng khi ngắt lời tôi, đó là một cuộc họp rất quan trọng và mỗi lời nói đều có sức nặng lớn,” Maiolini-Rothbacher nói. “Bà ấy muốn được Ông Donald Trump hiểu rõ.”
Maiolini-Rothbacher cho biết trong cuộc phỏng vấn rằng mặc dù bà chưa từng đến Tòa Bạch Ốc trước đây, bà là một phiên dịch viên giàu kinh nghiệm và đã làm việc tại các cuộc họp cao cấp bao gồm G20. Bà đã làm phiên dịch viên từ năm 1991, theo hồ sơ LinkedIn của bà.
Bà cho biết bà không nói chuyện với Meloni kể từ cuộc họp, và nói thêm rằng bà đã đi thẳng đến phi trường từ Tòa Bạch Ốc sau phiên họp. Theo Corriere della Sera, hiện bà đang ở bờ biển tại khu vực Santa Marinella.
Tổng thống Trump cho biết khi trả lời bình luận của Meloni, sau khi bà đưa ra bình luận, rằng ông không cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine, nhưng nói thêm rằng ông “không thực sự vui mừng với thực tế là cuộc chiến đó đã bắt đầu”.
Ngày hôm sau, Meloni đã gặp Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance tại Rôma.
Chỉ một ngày trước đó, khi được hỏi trong cuộc họp báo về lời đề nghị mua 10 bộ phận của Patriot của Tổng thống Zelenskiy, Tổng thống Trump đã bác bỏ phát biểu của nhà lãnh đạo Ukraine và trả lời: “Ông ấy luôn tìm cách mua hỏa tiễn”.
Tổng thống Trump đã cáo buộc Tổng thống Zelenskiy đã gây chiến, ông nói thêm: “Bạn không thể gây chiến với ai đó lớn gấp 20 lần bạn rồi hy vọng rằng họ sẽ cung cấp cho bạn một số hỏa tiễn”. Tuyên bố đó của Tổng thống Trump là sai sự thật. Thực tế là Nga đã bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào nước láng giềng Đông Âu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.
[Politico: The ‘worst thing’: Meloni interpreter apologizes after stumble at White House]
6. Hoa Kỳ có kế hoạch sơ bộ để giám sát lệnh ngừng bắn ở Ukraine, Wall Street Journal đưa tin
Tờ Wall Street Journal đưa tin ngày 18 tháng 4, trích lời một quan chức phương Tây giấu tên, cho biết Hoa Kỳ đã chia sẻ dự thảo khái niệm về việc giám sát lệnh ngừng bắn tiềm tàng ở Ukraine với các quan chức Âu Châu và Ukraine tại Paris.
Bản dự thảo khái niệm được cho là đã được chia sẻ trong các cuộc họp ở Paris vào ngày 17 tháng 4, nơi các quan chức Âu Châu, Ukraine và Hoa Kỳ tụ họp để thảo luận về lệnh ngừng bắn và bảo đảm an ninh cho Ukraine.
Theo một quan chức phát biểu với Wall Street Journal, Hoa Kỳ cho biết họ đã xây dựng một dự thảo khái niệm về cách thức giám sát lệnh ngừng bắn toàn diện giữa Ukraine và Nga nếu có thể đạt được.
Các thành viên của “liên minh những người sẵn sàng” do Pháp và Anh lãnh đạo đã thúc giục Hoa Kỳ hỗ trợ các lực lượng bảo đảm của Âu Châu bằng các bảo đảm an ninh bổ sung để ngăn chặn hiệu quả hành động xâm lược tiếp theo của Nga sau lệnh ngừng bắn. Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn chưa đưa ra bất kỳ bảo đảm nào như vậy và cho đến khi các cuộc đàm phán ở Paris, phần lớn Âu Châu đã bị loại khỏi các cuộc đàm phán ngừng bắn với Nga và Ukraine.
Những người tham gia cuộc đàm phán bao gồm Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio, Đặc phái viên Hoa Kỳ về Trung Đông Steve Witkoff và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ukraine được đại diện bởi Chánh Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak, Ngoại trưởng Andrii Sybiha và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov.
Trong khi các chi tiết của kế hoạch giám sát không được tiết lộ, Yermak mô tả các cuộc họp là “rất có ý nghĩa”. Trong khi đó, Rubio thừa nhận vấn đề bảo đảm an ninh đã được thảo luận, nhưng không muốn nói công khai về bất kỳ đề xuất nào.
Các quan chức Âu Châu, Ukraine và Hoa Kỳ sẽ gặp nhau tại Luân Đôn vào tuần tới để tiếp tục các cuộc thảo luận.
[Kyiv Independent: US has preliminary plan to monitor ceasefire in Ukraine, WSJ reports]
7. Nga nhận lô máy bay Su-34 mới khi các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ
Việc chuyển giao máy bay phản lực Sukhoi-34 diễn ra khi Ukraine hy vọng rằng nhiều máy bay F-16 thế hệ thứ tư do các nước NATO cung cấp có thể thay đổi tính toán trên chiến trường trong chiến tranh.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm chấm dứt thù địch dường như đã bị đình trệ, khi Tổng thống Trump đe dọa sẽ bỏ cuộc nếu không có thỏa thuận nào được đưa ra và Mạc Tư Khoa tiếp tục tăng cường yêu cầu Ukraine đầu hàng.
Thông báo về việc chuyển giao máy bay phản lực cho Bộ Quốc phòng Nga có thể được coi là một tuyên bố về ý định của Mạc Tư Khoa. Thông báo này được đưa ra sau khi Ukraine xác nhận vào tháng trước rằng họ đã nhận được một số lượng không xác định máy bay F-16, hiện đại hơn so với máy bay phản lực thời Liên Xô mà Kyiv vẫn còn đang phải dựa vào.
Sự việc diễn ra khi triển vọng hòa bình vẫn còn xa vời, khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ rút lui khỏi các cuộc đàm phán nếu không có tiến triển nào giữa Mạc Tư Khoa và Kyiv.
Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC, một phần của Tập đoàn Nhà nước Rostec) cho biết rằng họ đã bàn giao một lô chiến đấu cơ ném bom Su-34 mới cho Bộ Quốc phòng Nga.
Tuyên bố hôm thứ Bảy không đề cập đến số lượng nhưng cho biết máy bay đã trải qua thử nghiệm và sẵn sàng phục vụ. Vladimir Artyakov, giám đốc Rostec, cho biết máy bay phản lực này là loại tốt nhất trong cùng loại và dẫn đầu sức mạnh tấn công của hàng không Nga, tờ báo Izvestia đưa tin.
Được phát triển bởi Cục thiết kế Sukhoi và Hiệp hội sản xuất máy bay Novosibirsk, Su-34 đã được đưa vào sử dụng từ năm 2014.
Tuyên bố nói thêm rằng máy bay được thiết kế để phá hủy các mục tiêu trên bộ và trên không, và các cơ sở hạ tầng được bảo vệ bởi hệ thống phòng không. Izvestia đưa tin vào ngày 31 tháng 3, một máy bay Su-34 đã ném bom một cứ điểm của Ukraine ở khu vực biên giới thuộc vùng Kursk của Nga.
Tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy xác nhận một lô máy bay F-16 đã được chuyển đến Kyiv và các quốc gia khác đã cam kết cung cấp máy bay này, bao gồm Hòa Lan, Đan Mạch, Na Uy và Bỉ.
Tuần trước, Kyiv cho biết phi công F-16 người Ukraine Pavlo Ivanov đã thiệt mạng trong một nhiệm vụ chiến đấu, đây là cái chết thứ hai được báo cáo của một người lái máy bay.
Trên mặt trận ngoại giao, nỗ lực thúc đẩy hòa bình vẫn tiếp diễn mà không có nhiều hy vọng đột phá sau khi Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vasily Nebenzya, tái khẳng định việc Mạc Tư Khoa bác bỏ lệnh ngừng bắn chung.
Nebenzya cho biết hôm thứ Sáu rằng lệnh ngừng bắn chung ở Ukraine là không thực tế và cáo buộc Kyiv không tuân thủ lệnh tạm dừng tấn công tầm xa nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng đã được thỏa thuận vào tháng trước.
Các quan chức Nga đã nhắc lại việc Putin bác bỏ đề xuất ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày, đổ lỗi cho Kyiv về thất bại trong các cuộc đàm phán và cố gắng giành được sự nhượng bộ từ phía Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Marco Rubio phát biểu hôm thứ sáu rằng nếu không thể chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, Washington sẽ từ bỏ nỗ lực và tiếp tục.
[Newsweek: Russia Gets New Batch of Su-34 Jets As Peace Talks Flounder]
8. Tổng thống Zelenskiy cho biết hơn 600 địa điểm tôn giáo đã bị phá hủy ở Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc chiến toàn diện
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 19 tháng 4, trước lễ Phục sinh, hơn 600 địa điểm tôn giáo ở Ukraine đã bị phá hủy kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu.
“Đối với hàng triệu người Ukraine, lễ Phục sinh là một trong những ngày lễ quan trọng nhất. Và hàng triệu người sẽ đến nhà thờ. Thật không may, nhiều người sẽ đến những nhà thờ đã bị hư hại...” Tổng thống Zelenskiy nói.
Ông nói thêm rằng quân đội Nga là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các nhà thờ và tín hữu Kitô giáo. Trích dẫn dữ liệu thời chiến, tổng thống cho biết ít nhất 67 linh mục, Ukraine “đã bị quân xâm lược Nga giết hoặc tra tấn”.
Nhiều người nghĩ rằng các linh mục Kitô Giáo bị giết nhiều nhất bởi các nước Hồi Giáo. Không phải như thế. Nga mới là nước bách hại các linh mục Kitô Giáo nhiều nhất. Trong 3 năm qua, Nga đã giết chết 67 linh mục Chính Thống Giáo và Công Giáo, và vẫn còn đang giam giữ hàng chục linh mục.
Bên cạnh đó còn có 640 địa điểm tôn giáo đã bị phá hủy – trong đó có 596 nhà thờ là của Kitô giáo.
“Nhưng chúng tôi sẽ xây dựng lại tất cả,” Tổng thống Zelenskiy nói thêm. “Cũng như chúng tôi đang giải phóng các linh mục khỏi sự giam cầm của Nga, cũng như chúng tôi đang làm mọi thứ để bảo vệ các thành phố và làng mạc của Ukraine và cuộc sống của người dân trong đó, chúng tôi đang khôi phục khả năng tin tưởng—tin rằng cái ác và sự hủy diệt sẽ không thắng thế.”
Trước đó vào ngày 19 tháng 4, Putin đã tuyên bố lệnh ngừng bắn tạm thời vào dịp lễ Phục sinh, ra lệnh dừng mọi hoạt động quân sự từ 6 giờ chiều giờ Mạc Tư Khoa ngày 19 tháng 4 cho đến nửa đêm ngày 21 tháng 4.
Tổng thống Zelenskiy sau đó cho biết, theo thông tin từ Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi, hỏa lực pháo binh và các hoạt động tấn công của Nga vẫn tiếp tục ở một số khu vực tiền tuyến. Các quan chức địa phương cũng báo cáo về vụ pháo kích và thương vong của dân thường vào tối ngày 19 tháng 4.
Lệnh ngừng bắn vào lễ Phục sinh được đề xuất diễn ra sau các cuộc tấn công trước đây của Nga vào Ukraine trong các ngày lễ Chính thống giáo lớn, bao gồm một cuộc tấn công chết người vào Sumy vào Chúa Nhật Lễ Lá khiến 35 người thiệt mạng và một cuộc tấn công vào Kharkiv vào Thứ Sáu Tuần Thánh khiến một người thiệt mạng và 120 người bị thương.
[Kyiv Independent: Over 600 religious sites destroyed in Ukraine since start of Russia’s full-scale war, Zelensky says]
9. Ukraine và Hoa Kỳ ký biên bản ghi nhớ về đất hiếm
Một quan chức cao cấp của Ukraine cho biết, Kyiv và Washington đã ký một bản ghi nhớ mở đường cho một thỏa thuận kinh tế đầy đủ nhằm phát triển các khoáng sản quan trọng của Ukraine và tái thiết đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh.
Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko viết trên X rằng: “Chúng tôi vui mừng thông báo về việc ký kết Biên bản ghi nhớ với các đối tác Hoa Kỳ”.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump muốn có một hiệp ước với Ukraine để khai thác và hưởng lợi từ nguồn tài nguyên khoáng sản và nguyên tố quan trọng khổng lồ của nước này, từ lithium đến titan, như ông coi là sự đền bù cho hàng tỷ đô la viện trợ mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022.
Kyiv và Washington đã thảo luận các điều khoản của một thỏa thuận như vậy trong nhiều tháng và đã gần như ký kết thỏa thuận vào tháng 2 — trước khi cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc cực kỳ thù địch giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy làm chệch hướng các cuộc đàm phán một cách ngoạn mục.
Bản ghi nhớ được ký kết hôm thứ Năm đã đặt nền móng cho “Hiệp định Đối tác Kinh tế và việc thành lập Quỹ Đầu tư Tái thiết Ukraine”, Svyrydenko cho biết, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với một “nước Ukraine tự do, có chủ quyền và an toàn”.
“Trước mắt là việc hoàn thiện văn bản Thỏa thuận và việc ký kết — và sau đó là việc phê chuẩn của các quốc hội,” bà cho biết, đồng thời nói thêm rằng vẫn còn “nhiều việc phải làm” để đưa thỏa thuận này đi đến đích. “Nhưng tốc độ hiện tại và tiến độ đáng kể cho thấy lý do để kỳ vọng rằng văn bản này sẽ rất có lợi cho cả hai nước.”
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ý Giorgia Meloni tại Phòng Bầu dục vào thứ năm, Tổng thống Trump cho biết Hoa Kỳ và Ukraine có thể ký một “thỏa thuận khoáng sản” sớm nhất là vào thứ năm tuần sau, ngày 24 tháng 4.
“Và tôi cho rằng người Ukraine sẽ thực hiện theo thỏa thuận”, ông nói thêm.
Tổng thống Zelenskiy trước đó đã từ chối đồng ý một thỏa thuận mà “10 thế hệ người Ukraine sẽ phải trả lại”. Tổng thống Trump đã từng yêu cầu số tiền thu được từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của Ukraine lên tới 500 tỷ đô la.
[Kyiv Independent: Ukraine and US ink memorandum on rare earths]
10. Iran đệ đơn kiện lên tòa án Liên Hiệp Quốc chống lại Ukraine, Canada, Thụy Điển và Anh về vụ bắn hạ chuyến bay PS752 năm 2020
Ngày 17 tháng 4, Iran đã đệ đơn kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế, gọi tắt là ICJ chống lại Ukraine, Canada, Thụy Điển và Vương quốc Anh nhằm tìm cách lật ngược phán quyết của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, gọi tắt là ICAO cho rằng Tehran phải chịu trách nhiệm về vụ bắn hạ máy bay chở khách của Ukraine năm 2020.
Trong đơn khiếu nại, Iran cho rằng Hội đồng ICAO đã vượt quá thẩm quyền khi chấp nhận đơn khiếu nại chung từ bốn quốc gia, trong đó có công dân của các nước này nằm trong số 176 người thiệt mạng khi Chuyến bay PS752 của Hãng hàng không quốc tế Ukraine bị bắn hạ gần Tehran vào năm 2020.
Vụ việc bắt nguồn từ ngày 8 Tháng Giêng năm 2024, khi Ukraine và các đối tác của mình khởi kiện tại ICAO, yêu cầu Iran phải chịu trách nhiệm hoàn toàn theo luật hàng không quốc tế. Vào ngày 17 tháng 3 năm 2025, Hội đồng ICAO đã bác bỏ phản đối của Iran và phán quyết rằng họ có thẩm quyền để thụ lý vụ việc.
Hiện đang kháng cáo quyết định đó, Tehran vẫn khẳng định vụ bắn hạ là hành động “vô ý” do “lỗi của con người” gây ra trong thời gian “báo động quân sự được nâng cao”.
Trong hồ sơ nộp lên, Tehran lập luận rằng Hội đồng ICAO đã vượt quá thẩm quyền của mình và chấp nhận vụ việc một cách không đúng mực. Iran tuyên bố rằng theo Điều 84 của Công ước Chicago – thỏa thuận quốc tế quản lý hàng không dân dụng và thành lập ICAO – Hội đồng không có thẩm quyền hành động vì các quốc gia liên quan đã không tham gia đàm phán trực tiếp đầy đủ với Tehran trước khi nộp đơn khiếu nại. Theo Iran, bước thủ tục này là bắt buộc trước khi những tranh chấp như vậy có thể được đưa ra Hội đồng.
“ Trong bất kỳ trường hợp nào, bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 3 bis đều không được tiến hành một cách thiện chí, chưa nói đến việc đi đến điểm vô ích hoặc bế tắc”, bản trình bày nêu rõ.
Iran cũng thách thức vai trò của Anh trong vụ việc này, tuyên bố Luân Đôn đã không cung cấp đủ bằng chứng cho thấy có công dân Anh trên chuyến bay.
Trong hồ sơ đệ trình lên ICJ, Iran yêu cầu tòa án hủy bỏ phán quyết của ICAO và tuyên bố Hội đồng không có thẩm quyền đối với vấn đề này.
Vào ngày 8 Tháng Giêng năm 2020, Chuyến bay PS752 của Ukraine International Airlines đã bị bắn hạ vài phút sau khi cất cánh từ Tehran bởi hai hỏa tiễn đất đối không do lực lượng phòng không Iran phóng đi. Thảm kịch đã cướp đi sinh mạng của tất cả 176 người trên máy bay, bao gồm công dân Iran, Canada, Ukraine, Thụy Điển, Afghanistan, Đức và Vương quốc Anh
Iran ban đầu phủ nhận trách nhiệm, đổ cho lỗi kỹ thuật của máy bay. Vài ngày sau, nước này thừa nhận máy bay đã bị nhắm bắn nhầm trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ, vài giờ sau khi Iran phóng hỏa tiễn tấn công lực lượng Hoa Kỳ tại Iraq.
Cùng lúc đó, chính quyền Iran không cho phép tiến hành cuộc điều tra độc lập tại địa điểm xảy ra vụ tai nạn.
Vào tháng 4 năm 2023, một tòa án Iran đã tuyên án 10 quân nhân về vụ việc. Tuy nhiên, Nhóm điều phối và ứng phó quốc tế, đại diện cho các quốc gia của nạn nhân, đã bác bỏ phiên tòa là “trò lừa bịp”.
Vào ngày 4 tháng 7 năm 2023, Ukraine, Canada, Thụy Điển và Vương quốc Anh đã đệ đơn kiện lên ICJ, cáo buộc Iran vi phạm Điều 3 bis của Công ước Chicago, trong đó cấm sử dụng vũ khí chống lại máy bay dân dụng. Iran đã bác bỏ vụ kiện vì cho rằng vụ kiện có động cơ chính trị và tiếp tục tranh chấp quyền tài phán của cả ICAO và ICJ.
[Kyiv Independent: Iran files UN court case against Ukraine, Canada, Sweden and UK over 2020 downing of PS752 flight]