PHẢI VÂNG LỜI THIÊN CHÚA

(Chúa Nhật III PS C)

Bị điệu ra giữa Thượng Hội Đồng, bị chất vấn rằng vì sao không chấp hành lệnh nghiêm cấm không được giảng dạy nhân danh Giêsu nữa, Phêrô và các Tông đồ đã khẳng khái trả lời: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”(Cvtđ 5,32). Câu trả lời thật tuyệt vời thật đáng “tâm phục, khẩu phục”.

Kitô hữu chúng ta nhìn nhận tiếng Chúa phán qua trật tự của thiên nhiên, qua các biến cố lịch sử, qua tiếng lương tâm. Nhưng cần thú nhận rằng các cách thể tỏ bày ấy của Thiên Chúa dường như không minh nhiên rõ ràng với nhiều người. Chúng ta tin nhận Lời Chúa qua Thánh Kinh, đặc biệt qua lời Đấng Cứu Độ, Giêsu Kitô. Tuy nhiên cũng không dễ phân biệt đâu là cách thế trình bày của tác giả nhân loại và đâu là ý lời Thiên Chúa muốn truyền. Ngay đến các tông đồ là những người trực tiếp tai nghe lời Đấng Cứu Thế mà vẫn còn nhiều điều các ngài chưa thể hiểu (x.Ga 16,12-13).

Theo bài Tin Mừng mà Giáo Hội cho trích đọc trong Chúa Nhật III mùa Phục Sinh năm C (Ga 21,1-19), xin mạo muội có đôi suy nghĩ về những lời từ miệng của Đấng Phục Sinh. Xin được ghép những lời của Chúa Kitô trong lần tỏ mình ra trên biển hồ Tibêria thành bốn cặp lời hữu quan, mang tính biện chứng như sau:

1. “Này các anh, có gì ăn không?” – “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”.

Các anh có gì ăn không? Một lời khẩn xin ư? Đúng vậy. Rất nhiều nhu cầu của tha nhân đang vọng vang bên tai chúng ta. Đó không chỉ là nhu cầu lương thực vật chất mà còn nhiều nhu cầu thiết yếu khác về tinh thần, tâm linh. Người ta không chỉ sống đúng nhân phẩm bằng cơm bánh mà còn bằng nhu cầu học hành, đi lại, nói năng, suy nghĩ, kết hội… Chắc hẳn thế nào các môn đệ cũng nhớ lại lời Thầy Chí Thánh trước đây: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13). Đôi lúc chúng ta than thở: “Chúa ơi, Chúa dựng nên mọi sự đều tốt đẹp, thế mà sao còn quá nhiều người đói khổ, còn quá nhiều người bị áp bức, chịu cảnh bất công nơi này nơi kia trên thế giới và ngay cả chung quanh con?” Chắc hẳn Chúa sẽ trả lời rằng: “Con ơi, Ta đã làm rồi đó. Ta đã dựng nên con. Đó là điều rất tốt đẹp” (x.St 1,31).

Chúng ta cũng đã từng phân trần: “Tài mọn, sức yếu như con làm sao kham nỗi? Hoàn cảnh thế sự lại quá khó khăn, Chúa biết đấy “một con én không làm nên mùa xuân”. Thế nhưng Chúa vẫn cứ gợi ý, ra lệnh hay mời gọi: “Cứ thả lưới!” Các ngư phủ lành nghề ngày xưa đã làm điều nghịch thường: thả lưới giữa ban ngày! Các vị đã bắt được mẻ cá lớn. Với ơn Chúa thì mọi sự đều là có thể. Hãy thả lưới dù trời đã sáng, nghĩa là cả lúc thế thời xem ra không thuận lợi.

2. “Anh em hãy đến mà ăn!” – “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”

“Hãy đến mà ăn!” Lời mời gọi của Chúa Cứu Thế nhắc nhớ chúng ta rằng mọi người đều cần đến lương thực bởi trời. Mọi hiện hữu ở đời đều do bởi Thiên Chúa. Không có ơn Chúa thì chúng ta không thể làm được sự gì tốt đẹp (x.Ga 15,5). Đến với Chúa để kín múc nguồn sống, để nhận lấy năng lực yêu thương, phục vụ, trao ban. Đấng Cứu Độ không muốn chúng ta đến với Người với đôi bàn tay trắng. Dù có thể làm được mọi sự, nhưng Người cũng đã từng muốn cần đến năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ (x.Mt 14,17). Hằng ngày đến với Người qua bàn tiệc Lời Chúa, bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta đã mang gì để dâng cho Người?

3. “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” – “Hãy chăn dắt chiên (chiên con và chiên mẹ) của Thầy!”

Vì yêu Chúa Kitô nên chúng ta sẵn sàng đảm nhận phần việc của Người. Nhờ yêu Chúa Kitô nên chúng ta mới có khả năng chăn dắt các chiên lớn bé của Người. Không ai dại dột giao trứng cho ác. Người ta chỉ ký thác người thân yêu cho kẻ đáng tin cậy. Và người đáng tin, đáng cậy nhất đó là người yêu mến mình hết sức, hết lòng. Biết chăn dắt đàn chiên với cả tấm lòng yêu mến thì mới xứng là mục tử. Không có tình yêu thì không thể chuyên chăm dẫn đàn chiên đến đồng cỏ xanh và dòng suối mát. Không có tình yêu thì không thế can đảm chống trả sói dữ và liều mạng sống vì đàn chiên. Không có tình yêu thì chẳng thể quan tâm chăm sóc chiên gầy, chiên bệnh tật hoặc vất vả đi tìm con lạc và cả những chiên đang ở ngoài đàn.

4. “Anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” – “Hãy theo Thầy!”

Dưới đóa hoa hồng thường lấp ló những cành gai. Thập giá là hệ quả như tất yếu của tình yêu. Đường tình yêu là đường thập giá. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”(Lc 9,23). Vấn đề đặt ra là bạn, tôi, chúng ta muốn theo ai? Đã quyết đinh theo Chúa Kitô thì không có con đường nào khác, ngoài con đường Người đã đi. Xin đừng quá chăm chú đến khúc gỗ sần sù. Đường Chúa đi là đường yêu thương. Khi đã lao mình vào biển tình yêu, hết lòng vì người mình yêu, hết tình vì người yêu mình, thì những khúc gỗ sần sù kia dù có ê vai nhưng rồi sẽ trở thành ách êm ái, gánh nhẹ nhàng (x.Mt 11,29-30).

Có ai yêu thương chúng ta như Đấng đã phó ban Người Con Một, vì hạnh phúc chúng ta? Có ai đầy quyền uy cao cả cho bằng Đấng đã dựng nên cả đất trời và đưa chúng ta từ chốn hư vô đến hiện hữu ở đời này? Vì thế, thái độ vừa chính đáng vừa khôn ngoan và phải đạo là: “Phải vâng lời Chúa hơn là vâng lời người ta.”

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa