Đức Hồng Y Raymond Burke sinh ngày 30 tháng 6 năm 1948, tại Richland, Wisconsin, Hoa Kỳ. Ngài được Đức Bênêđíctô XVI tấn phong Hồng Y ngày 20 tháng 11 năm 2010.
Là con út trong gia đình có sáu người con có mối liên hệ chặt chẽ với nguồn gốc di dân Ái Nhĩ Lan, Đức Hồng Y Raymond Burke lớn lên tại một trang trại bò sữa ở vùng nông thôn miền Trung Tây nước Mỹ.
Ngài nhớ lại với sự trìu mến những lời chỉ dạy về Đức tin Công Giáo mà ngài nhận được từ cha mẹ mình, một người cha Công Giáo Ái Nhĩ Lan và một người mẹ theo đạo Baptist người Mỹ đã cải đạo sang Công Giáo sau khi gặp chồng mình. Cha ngài qua đời vì khối u não khi Raymond mới tám tuổi.
Sau thời gian theo học tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, ngài được gửi đến Rôma, theo học tại Đại học Giáo Hoàng Grêgôriô của Dòng Tên, nơi có nhiều vị Giáo Hoàng tốt nghiệp hơn bất kỳ trường đại học nào khác trên thế giới. Năm 1975, vào ngày lễ trọng kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, ngày 29 tháng 6, ngài được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục phong chức linh mục. Sau một vài năm làm công tác mục vụ và giảng dạy, ngài được gửi trở lại Đại Học Grêgôriô, nơi ngài hoàn thành bằng tiến sĩ giáo luật trước khi trở lại Giáo phận La Crosse, Wisconsin vào năm 1983, nơi ngài phục vụ với tư cách là người điều hành Giáo triều và phó chưởng ấn. Đức Gioan Phaolô II đã gọi Cha Burke trở lại Rôma lần thứ ba vào năm 1989 để phục vụ tại Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh. Vào thời điểm này, Cha Burke cũng dạy giáo luật tại trường cũ của mình.
Năm 1995, Cha Burke được Đức Gioan Phaolô II tấn phong giám mục và được bổ nhiệm làm giám mục của La Crosse. Trong nhiệm kỳ của mình, Đức Cha Burke đã hình thành ý tưởng xây dựng một đền thờ lớn dành riêng cho Đức Mẹ Guadalupe, là bổn mạng của Mỹ Châu. Cuối cùng, đền thờ đã được khánh thành vào năm 2008, khi đó ngài đã là tổng giám mục của Saint Louis, Missouri, được năm năm. Giữa nhiều nhiệm vụ mục vụ của mình, ngài vẫn tiếp tục xuất bản các tác phẩm học thuật. Được công nhận rộng rãi là một chuyên gia về giáo luật, Đức Cha Burke đã được đưa trở lại Rôma lần thứ tư khi Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm ngài làm chánh án Tối Cao Pháp Viện. Ngài được vinh thăng Hồng Y vào năm 2010, và kể từ đó, ngài tiếp tục công việc của mình về giáo luật cùng với nhiều sứ vụ tông đồ khác.
Năm 2014, nhiệm kỳ của Đức Hồng Y Burke tại Tối Cao Pháp Viện đã kết thúc, và thay vì gia hạn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm người bảo trợ của Dòng Quân sự Tối cao Malta. Năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ngài trở lại Tối Cao Pháp Viện, bổ nhiệm ngài làm thành viên của tòa án tối cao của Giáo hội để ngài có thể phục vụ với tư cách là một trong những thẩm phán của tòa án khi cần thiết.
Được công nhận rộng rãi là một trong những chuyên gia hàng đầu của Giáo hội về giáo luật, Đức Hồng Y Raymond Burke còn được biết đến trên toàn thế giới vì công tác tông đồ quốc tế của mình, bao gồm việc ủng hộ các hoạt động đấu tranh cho quyền được sống, phụng vụ truyền thống, lòng sùng kính Bí tích Thánh Thể, Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Tâm.
Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria của Đức Hồng Y Burke được thể hiện qua dự án thành công của ngài là xây dựng Đền thờ Đức Mẹ Guadalupe ở La Crosse, Wisconsin. Là một giám mục giáo phận, ngài thúc đẩy sự phát triển của đời sống tôn giáo trong giáo phận của mình và thực thi kỷ luật khi cần thiết. Ngài đặc biệt kiên quyết trong việc bảo vệ cả tính thiêng liêng của các bí tích và tính bất khả xâm phạm của mọi sự sống con người, đáng chú ý nhất là không cho các nhà lập pháp Công Giáo cổ xúy phá thai được rước lễ.
Trong kinh nghiệm làm việc tại giáo triều với tư cách là cựu chánh án Tối Cao Pháp Viện, cũng như các chức vụ khác tại giáo triều, ngài đã thể hiện cam kết thực hiện các giáo huấn của Giáo hội theo truyền thống Công Giáo và Công đồng Vatican II, tuân thủ việc áp dụng luật Giáo hội một cách công bằng và chính trực.
Đức Hồng Y Burke được biết đến với lòng trung thành với giáo lý được mạc khải của Giáo hội, một đặc điểm đôi khi đã gây ra sự chỉ trích gay gắt từ những người theo đường lối cấp tiến trong Giáo hội, những người thường không thể chấp nhận những giáo lý đó. Ngài đã đáp lại bằng sự khiêm nhường và cầu nguyện trong khi vẫn kiên định với niềm tin của mình, khiến nhiều tín hữu tìm đến ngài để được hướng dẫn khi họ có nghi ngờ hoặc bối rối về sự lãnh đạo của Giáo hội. Những người được đào tạo bài bản sẽ thấy một giám mục Công Giáo đáng tin cậy và có thể giải quyết các vấn đề về đức tin, dù là giáo lý hay giáo luật. Và mặc dù ngài bị tước bỏ hầu hết mọi vai trò trong giáo hội, họ thường sẽ tìm đến Đức Hồng Y Burke khi họ đến thăm Rôma — một dấu hiệu cho thấy sự thánh thiện cá nhân của ngài và cảm thức đức tin trong hành động. Ngài dành thời gian để gặp gỡ du khách nếu ngài có thể và sẵn sàng truyền đạt lời khuyên của mình. Gần đây, ngài đã sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số để quảng bá những giáo huấn của mình.
Ngoài tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, Đức Hồng Y Burke còn thông thạo tiếng Latin, tiếng Pháp, tiếng Ý và mặc dù ngài không phải là chuyên gia về tiếng Tây Ban Nha, nhưng ngài đã có những bài giảng song ngữ và có khả năng thuyết giảng và viết bằng ngôn ngữ này.
Mối quan hệ của ngài với Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở nên căng thẳng vì vị Hồng Y này không ngại chỉ trích Đức Giáo Hoàng khi ngài cho rằng điều đó là cần thiết. Điều này đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2023 khi Đức Thánh Cha Phanxicô cắt bỏ trợ cấp, lương hưu và chăm sóc sức khỏe của ngài, và cố gắng đuổi ngài khỏi căn nhà ở Vatican với lý do ngài đã “chống lại Giáo hội và chống lại Đức Giáo Hoàng” và rằng ngài đã gieo rắc “sự chia rẽ” trong Giáo hội. Về phần mình, Đức Hồng Y Burke coi vai trò của mình là hỗ trợ và tin rằng ngài có nghĩa vụ với tư cách là cố vấn Hồng Y cho Đức Giáo Hoàng để đưa ra những lời chỉ trích mang tính xây dựng, luôn dựa trên đức tin, lý trí và truyền thống tông đồ.
Là điểm tham chiếu cho các tín hữu trên toàn thế giới đang tìm kiếm tiếng nói rõ ràng và nhất quán với truyền thống tông đồ từ các Hồng Y về các vấn đề mà Giáo hội đang phải đối mặt ngày nay, Đức Hồng Y Burke được biết đến là người ủng hộ đáng tin cậy cho tính chính thống và lòng đạo đức Công Giáo truyền thống, và là một giáo sĩ có mối quan tâm sâu sắc đến phần rỗi các linh hồn.
Năm 2021, Đức Hồng Y đã bị Covid rất nặng và cận kề cái chết. Ngài tin chắc rằng sự hồi phục của ngài là kỳ diệu nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ và nhiều lời cầu nguyện của các tín hữu. Ngài tin rằng ngài đã được cứu để “làm một số công việc trong tương lai mà Chúa” giao cho ngài.
Một số quan điểm tiêu biểu của ngài
Ngài cương quyết chống lại việc phong chức cho phụ nữ. Bình luận về tông huấn hậu Thượng hội đồng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Querida Amazonia (Amazon yêu dấu), Đức Hồng Y Burke cho biết ngài “rất biết ơn” vì văn kiện này dường như nói rằng phụ nữ sẽ không thể được nhận vào chức phó tế.
Đức Hồng Y Burke đã nói về việc Tiến Trình Công Nghị Đức chấp thuận các phước lành đồng giới vào năm 2023 rằng “đây là những tội lỗi chống lại chính Chúa Kitô và… có bản chất nghiêm trọng nhất. Bộ Giáo luật đưa ra các biện pháp trừng phạt thích hợp.” Ngài nói thêm: “Điều mà quyết định của Tiến Trình Công Nghị Đức làm là biến Giáo hội thành một loại cơ quan của con người.”
Đức Hồng Y Burke cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 rằng việc biến việc độc thân của giáo sĩ thành tùy chọn “sẽ là một vấn đề rất nghiêm trọng vì nó liên quan đến tấm gương của chính Chúa Kitô, và Giáo hội luôn trân trọng việc các linh mục noi theo tấm gương của Chúa Kitô, cũng như trong việc độc thân của Người… Đó là điều gì đó hơn cả một kỷ luật, và do đó tôi nghĩ rằng rất khó để hình dung rằng sẽ có sự thay đổi về điều này.”
Đức Hồng Y Burke kiên quyết phản đối Traditionis Custodes mà ngài gọi là “khắt khe và mang tính nổi loạn” và đặt câu hỏi về thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng trong việc thu hồi nghi lễ này.
Đức Hồng Y Burke đã chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc và ca ngợi Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, người đã chỉ trích mạnh mẽ các hiệp định, gọi ngài là “một mục tử thực sự ngày nay đối với những người Công Giáo ở Trung Quốc, những người vẫn trung thành với Chúa Kitô và đang phải chịu sự đàn áp của chính quyền cộng sản vô thần của Trung Quốc. “
Trong lời tựa của một cuốn sách viết năm 2023, Đức Hồng Y Burke cho biết “tính đồng nghị và tính từ của nó, đã trở thành những khẩu hiệu mà đằng sau đó là một cuộc cách mạng đang diễn ra để thay đổi triệt để cách hiểu về bản thân của Giáo hội, phù hợp với một ý thức hệ đương đại phủ nhận phần lớn những gì Giáo hội vẫn luôn dạy và thực hành”.