Người thân cận của bạn mập hay ốm? Thắc mắc này không chủ trương tìm hiểu tính tò mò, thọc mạch để biết về thể lí lớn nhỏ người thân cận. Thắc mắc nêu lên mong giúp bạn nhận ra tình cảm, tình liên đới bạn dành cho người thân cận. Ai cũng có mối quan tâm đến người chúng ta gặp trong cuộc sống. Có người ta tỏ ra thương tâm nhiều,; người khác lại ít hơn và người khác nữa lại rất ít. Tình cảm, mối thương tâm ít hay nhiều chính là mục đích chính dụ ngôn người nhân hậu Đức Kitô nói đến. Đức Kitô nhấn mạnh đến việc làm, hành động, cử chỉ giúp người khi họ cn. Ngoài bọn cướp ra, dụ ngôn có năm nhân vật. Thứ nhất là nạn nhân, thầy Tư Tế, Lêvi, người đi buôn và chủ quán trọ. Hai người đầu không giúp nạn nhân; hai người sau giúp nạn nhân. Tất cả đều trên đường công tác. Có lẽ là công tác gấp, nên người ta mới dấn thân đi trên đoạn đường nguy hiểm. Nếu chuyến đi không gấp lắm người ta sẽ không đi riêng rẽ, một mình nhưng chờ để đi thành một nhóm sẽ tránh bị bọn cướp gây hại. Dụ ngôn cho biết, trông thấy nạn nhân, Thầy Tư tế rẽ sang bên phải nạn nhân để đi; trong khi thầy Lêvi rẽ sang bên trái nạn nhân. Duy có người đi buôn xuống ngựa giúp nạn nhân.

Yêu mến người thân cận như chính mình là luật buộc phải thi hành trong xã hội. Thầy Tư tế và Lêvi thông luật. Thấy người gặp nạn phải giúp đỡ ngoại trừ trường hợp có luật khác cấm đoán. Cả thầy Tư tế lẫn Lêvi đều không chỉ rao giảng về luật trong đời sống mà còn phải thực hành điều họ rao giảng. Cả hai đều không giúp nạn nhân có lẽ xã hội có quá nhiều luật và luật này chồng chéo, ràng buộc, ngăn cản luật kia. Đức Kitô nhiều lần nói về vấn đề này. Dụ ngôn cứu người và dụ ngôn môn đệ Đức Kitô bứt lúa ăn trong ngày hưu lễ nói đến vấn đề luật này ngăn cấm luật kia. Lk 13:10-17; 6:1-5; 14:1-6.

Dụ ngôn người Samaritan đưa ra hai luật trái nghịch nhau. Một là cứu người gặp nạn hai là giữ trọn luật khi thi hành sứ vụ. Cả thầy Tư tế lẫn Lêvi đều cho là giữ trọn luật thi hành sứ vụ quan trọng hơn luật cứu người. Vì không thể thực hành, gánh vác cả hai nhiệm vụ cùng lúc, nên họ chọn một; bỏ một. Họ biết người nạn nhân cần giúp đỡ nhưng không giúp bởi họ đặt trách nhiệm, sứ mạng họ cần thực hiện lên trên sự an toàn của nạn nhân. Người đi buôn không bị luật nào ngăn cản nên có thể cứu nạn nhân. Ông đặt sự an toàn của nạn nhân lên trên trách nhiệm, sứ vụ của ông. Rất có thể bạn có kinh nghiệm muốn giúp người nhưng buộc lòng từ chối vì biết giúp người bạn có thể trở thành nạn nhân. Cho quá giang xe không biết ai sẽ là nạn nhân. Ngày đi thử việc, dọc đường gặp nạn nhân; bạn bỏ việc giúp người hay chọn đi thử việc.

Dụ ngôn cho biết người đi buôn là người thân cận. Chủ quán trọ tin lời người đi buôn hứa cho biết họ có quan hệ từ trước. Chủ quán trọ tin người thương buôn, đồng í giúp nạn nhân mà không kèo nài giá cả. Rất có thể cả thầy Tư tế lẫn Lêvi đều không mang theo tiền trong mình nên không thể giúp nạn nhân và cũng rất có thể họ không biết có quán trọ gần đó. Hoặc biết nhưng sợ quán trọ không nhận người bị thương, họ sẽ không biết phải giải quyết ra sao.

Công tâm nhận xét thì chủ quán trọ cũng là người thân cận của nạn nhân. Chủ quán hành xử giống người đi buôn. Chủ quán trọ chấp nhận rủi ro trong trường hợp nạn nhân trở bệnh nặng, cần cứu cấp, hoặc qua đời. Chủ quán hoàn toàn chịu trách nhiệm cả về phí tổn, lẫn luật pháp.

Dụ ngôn nói đến luật yêu thương. Sự sống con người quan trọng hơn lề luật. Thứ hai, bác ái cần chung đôi với hành động; nếu không việc làm bác ái trở thành lí thuyết. Thứ ba, bác ái cần ít nhất là hai người. Người cho và người nhận. Thứ tư, dụ ngôn cũng cho biết khôn ngoan trong việc xử dụng của cải, tài chánh Chúa ban.

Xin sống tinh thần bác ái, yêu thương.

TiengChuong.org