1. Tổng thống Zelenskiy gặp Đức Giáo Hoàng Lêô XIV tại Rôma trước Hội nghị Phục hồi Ukraine

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã gặp Đức Giáo Hoàng Lêô vào ngày 9 tháng 7 tại Castel Gandolfo, là dinh thự của Giáo hoàng ở phía đông nam Rôma, trước một hội nghị quan trọng dành riêng cho các nỗ lực tái thiết của Ukraine.

Đây là cuộc gặp thứ hai của tổng thống với Đức Giáo Hoàng sau chuyến thăm Vatican vào tháng 5.

Trong một tuyên bố sau cuộc hội đàm, Vatican cho biết hai bên đã “thảo luận về cuộc xung đột đang diễn ra và nhu cầu cấp thiết về một nền hòa bình công bằng và lâu dài”. Tuyên bố lưu ý rằng “tầm quan trọng của đối thoại như một biện pháp ưu tiên để chấm dứt thù địch đã được tái khẳng định”.

Đức Giáo Hoàng Lêô cũng tái khẳng định mong muốn tiếp đón cả đại diện Nga và Ukraine để đàm phán tại Vatican. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trước đó đã bác bỏ Vatican là địa điểm tiềm năng cho các cuộc đàm phán.

Tổng thống Zelenskiy đã cảm ơn Đức Giáo Hoàng về cuộc gặp gỡ và gọi đây là một “vinh dự lớn” sau cuộc nói chuyện.

“Cuộc họp này và sự ủng hộ dành cho Ukraine và người dân của chúng tôi là vô cùng quan trọng”, ông viết.

“Chúng tôi trân trọng sự giúp đỡ, tinh thần đoàn kết và mọi nỗ lực đưa chúng ta đến gần hơn với một nền hòa bình công bằng. Chúng tôi cảm nhận được những lời cầu nguyện chân thành và mong muốn giúp đỡ người dân của Tòa Thánh.”

Tổng thống Zelenskiy sau đó đã gặp Đặc phái viên Hoa Kỳ về Ukraine Keith Kellogg và Tổng thống Ý Sergio Mattarella.

Chuyến đi này diễn ra chỉ một ngày trước Hội nghị Phục hồi Ukraine tại Rôma, nơi Ukraine và Ý sẽ đồng tổ chức vào ngày 10 và 11 tháng 7. Reuters đưa tin Tổng thống Zelenskiy cũng dự kiến sẽ gặp Kellogg vào ngày 9 tháng 7, một ngày trước sự kiện.

Rôma đang tổ chức Hội nghị Phục hồi lần thứ tư, quy tụ các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp để cùng nhau nỗ lực hướng tới mục tiêu phục hồi và tái thiết Ukraine trong bối cảnh Nga đang có cuộc xâm lược toàn diện.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Nga tăng cường các cuộc không kích trên khắp Ukraine và tiến hành các cuộc tấn công trên bộ dọc theo tiền tuyến, gây ra sự tàn phá và gây thêm áp lực cho nền kinh tế Ukraine.

Thách thức này càng trở nên phức tạp hơn khi chính quyền Tổng thống Trump ngày càng miễn cưỡng trong việc duy trì hỗ trợ quy mô lớn cho đất nước đang bị chiến tranh tàn phá này.

Tờ Financial Times đưa tin vào ngày 8 tháng 7 rằng Ukraine phải đối mặt với khoản thâm hụt lên tới 19 tỷ đô la vào năm tới, chủ yếu liên quan đến việc giảm hỗ trợ của Hoa Kỳ và triển vọng mong manh về một lệnh ngừng bắn. Một quan chức cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu nói với hãng tin này rằng nhiều đối tác của Ukraine trước đây đã trông chờ vào một thỏa thuận hòa bình vào năm 2025, nhưng hiện đang buộc phải sửa đổi các kế hoạch tài trợ của họ.

[Kyiv Independent: Zelensky meets Pope Leo XIV in Rome ahead of Ukraine Recovery Conference]

2. Gần bảy triệu người Ukraine di tản vì chiến tranh

Tính đến tháng Tư năm nay, đã có 6,3 triệu người Ukraine di tản, từ khi xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Điều này cũng tạo nên một thách đố đối với Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương trong việc mục vụ.

Hôm mùng 01 tháng Bảy vừa qua, ngày thứ hai trong Công nghị của các giám mục Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, nhóm tại Roma, các vị đã bàn về đề tài “Săn sóc mục vụ các gia đình thời chiến tranh”. Cha Yuriy Pidlisnyj, Phó Chủ tịch Ủy ban Gia đình và Giáo dân thuộc Công nghị Giáo hội này, cũng tường trình cho các giám mục về tình hình người Ukraine tị nạn tại Liên hiệp Âu châu và Bắc Mỹ, vì phần lớn những người Ukraine di tản vì chiến tranh đang tạm trú tại các nước Âu châu, với sự giúp đỡ và phối hợp của các giáo xứ thuộc Công Giáo Ukraine Đông phương ở các nước liên hệ.

Cha Pidlisnyj cũng nói rằng 90% người Ukraine tị nạn là phụ nữ và trẻ em, vì nam giới bị xung vào quân ngũ và đưa ra chiến trường để bảo vệ đất nước. Họ không thể rời khỏi Ukraine. Tuy nhiên, những xu hướng gần đây cho thấy dần dần có sự gia tăng số người nam Ukraine đoàn tụ với gia đình họ ở nước ngoài, nhất là khi xung đột dần ổn định tại một số miền”.

Trong số những người Ukraine tị nạn ra nước ngoài, đông nhất là một triệu 118.000 người ở Đức, tiếp đến là 995.000 ở Ba Lan, 398.000 ở Cộng hòa Tchèque, hơn 200.000 ở Anh quốc và 170.000 người ở Mỹ.

Vấn đề hàng triệu tín hữu Ukraine ấy có ý hồi hương hay không, đó là điều đặc biệt tế nhị. Thời kỳ đầu chiến tranh, hai phần ba người Ukraine di tản vì chiến tranh hy vọng sẽ sớm trở về nước, nhưng nay tình hình đã thay đổi. Tính đến giữa năm ngoái, 2024, một phần tư người Ukraine tị nạn, có ý hướng định cư luôn tại nước ngoài.

Còn những người Ukraine muốn về nước, lý do chính là để đoàn tụ với gia đình 56%, trở lại đời sống bình thường 56%, tham gia tái thiết đất nước 47%. Đồng thời, trong thực tế cho đến nay chỉ có 12% hồi hương và điều này cũng là một thách đố mục vụ đối với các vị hữu trách của Giáo Hội Công Giáo Ukraine.

Trong bản tường trình, cha Pillisnyj trình bày căn tính tôn giáo của những người Ukraine di tản nội địa: Phần lớn họ là Kitô hữu, đa số là tín hữu Chính thống; tiếp đến là Công Giáo Đông phương, rồi Công Giáo Latinh. “Nói chung, tại Ukraine hiện nay, gia đình người Ukraine di tản thường chỉ có người mẹ và một hoặc vài người con bị chấn thương vì chiến tranh, nhưng họ hy vọng, tìm kiếm sự ổn định và cũng lo lắng về tương lai của con cái. Họ mong đợi an ninh, giáo dục và gia đình sớm được đoàn tụ. Giấc mơ của họ ngày càng bị giằng co giữa một đời sống xứng đáng ở nước ngoài và ước muốn tái thiết quê hương, nếu và khi hoàn cảnh cho phép”.

Cha Pidlisnyj nhận xét rằng các gia đình này duy trì những mối quan hệ chặt chẽ với quê hương: hơn 90% trong số họ tích cực theo dõi các tin tức từ Ukraine và con cái họ thường theo học trực tuyến bằng tiếng Ukraine.

Công nghị Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương đang tiến hành tại Giáo hoàng Học viện thánh Josaphat ở Roma, từ ngày 30 tháng Sáu đến ngày 10 tháng Bảy tới đây, với chủ đề chính là: “Mục vụ các gia đình thời chiến tranh”, và hôm mùng 01 tháng Bảy vừa rồi, Đức Thánh Cha Lêô đã tiếp kiến các thành viên của Công nghị này.

3. Thượng phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem dè dặt về hiệp định giữa Israel và Hamas

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ Công Giáo Latinh ở Giêrusalem, tỏ ra dè dặt về viễn tượng Israel có thể ký hiệp định đình chiến với Hamas.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Công Giáo “Avvenire”, Tương lai, số ra ngày 04 tháng Bảy vừa qua ở Ý, Đức Hồng Y nói: “đây không phải là lần đầu tiên mọi sự sụp đổ vào phút chót”. Chưa có kế hoạch nào người ta thấy cho thời kỳ tiếp theo đây. “Đó là điều khiến thật khó mà chấm dứt chiến tranh”.

Về những nỗ lực chấm dứt xung đột, Đức Hồng Y Pizzaballa nói: “Hòa bình là một từ đầy thách đố. Tôi sử dụng từ này một cách thận trọng, xét vì gánh nặng kinh khủng của oán ghét, nghi kỵ và chua cay”, vì thế trước tiên phải làm việc để kiến tạo những điều kiện để có hòa bình.

Đức Thượng phụ Công Giáo Latinh ở Giêrusalem mô tả như một thách đố lớn, đó là làm sao thay đổi những lập trường lên án người khác. Điều quan trọng là tái du nhập những hạn từ, như con người, phẩm giá, sự tôn trọng, lắng nghe trong các cuộc thảo luận công cộng. Những ý niệm này có thể là những điều tầm thường ở nơi khác, nhưng tại miền này thì không như vậy”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y cũng bày tỏ quan tâm về tình hình ở miền Cisjordani: “những người Do thái định cư ở miền này muốn làm gì thì làm. Họ cảm thấy không ai dám động chạm đến họ, đến độ họ tấn công cả quân đội”. Ngoài bạo lực, còn có nạn nghèo đói gia tăng. Những người Palestine ở các vùng Israel xâm lược đang bị đói vì không còn tiền bạc nữa.

Về kế hoạch của Tổng thống Trump nhắm bình thường hóa mối quan hệ giữa Israel và các nước khác trong vùng, Đức Hồng Y nói rằng ý tưởng này giống như lưỡi gươm của Damocles treo trên đầu vấn đề Palestine: “Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề này, thì mọi sự sẽ rất mong manh. Giải pháp hai quốc gia cho hai dân tộc tiếp tục là điều lý tưởng, nhưng bị Israel bác bỏ. Cần phải tìm ra một công thức sáng tạo”.

Đức Hồng Y Pizzaballa vẫn giữ liên lạc qua điện thoại với giáo xứ Thánh Gia thuộc quyền ngài ở miền bắc Gaza. Ngài mô tả tình trạng tại miền này thật là thảm họa: “Dân chúng ở mức độ không thể chịu đựng nổi và miền nam Gaza đang có nguy cơ chết chóc. Lương thực được đưa đến đây với mức độ nhỏ giọt. Điều gây ấn tượng mạnh nơi ngài, khi nhìn giáo xứ ở Gaza là các trẻ em. Có khoảng 100 em ở đó, 3 em sinh ra trong chiến tranh và các em tiếp tục chơi đùa. Tôi không hiểu sao các em có thể chơi đùa được như thế”.

4. Chính phủ Ukraine tước bỏ quốc tịch của thủ lãnh Chính thống thuộc Nga

Thủ lãnh Giáo hội Chính thống Ukraine thuộc Nga, là Đức Tổng Giám Mục Onufrij đã bị chính phủ Ukraine tước bỏ quốc tịch Ukraine, theo sắc lệnh mang chữ ký của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Trang mạng “Orthodox Times”, Chính thống Thời báo, và mạng “Risu” đã đưa tin trên đây, hôm mùng 02 tháng Bảy vừa qua. Quyết định của chính quyền Ukraine dựa trên những bằng chứng do cơ quan tình báo SBU của nước này thu thập, theo đó năm 2002, Đức Tổng Giám Mục Onufrij đã tự nguyện lấy quốc tịch Nga nhưng không thông báo cho nhà chức trách có thẩm quyền của Ukraine về sự kiện này và tiếp tục hưởng các quyền lợi và quy chế của một công dân Ukraine.

Cơ quan tình báo Ukraine cũng nói rằng Đức Tổng Giám Mục Onufrij duy trì liên lạc với Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa và điều này “là cố tình đi ngược lại sự độc lập của Giáo hội Chính thống Ukraine đối với Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa, các đại diện của tòa này ở Nga ủng hộ cuộc gây hấn và xâm lăng của Nga chống Ukraine. Đức Tổng Giám Mục Onufrij tiếp tục ủng hộ chính sách của Giáo hội Chính thống Nga.

Hồi tháng Năm vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Onufrij công bố tuyên ngôn tái khẳng định rằng từ ba năm nay, Giáo hội Chính thống tại Ukraine không còn là thành phần của Giáo hội Chính thống Nga và đã lên án cuộc xâm lăng của Nga chống Ukraine cũng như phê bình lập trường của Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Nga, trong việc ủng hộ chính sách của Nga. Tuy nhiên, chính quyền Ukraine và nhiều người dân tại nước này tỏ ra nghi ngờ tuyên bố vừa nói của Đức Tổng Giám Mục Onufrij.