Tiểu luận của Đức Hồng Y Angelo Scola, Tổng giám mục Milan, đăng trên Communio (Mùa hè 2014), theo bản dịch tiếng Anh của Michael J. Miller.
“Chiều kích phu thê thích hợp cho mọi hình thức tình yêu là điểm xuất phát để giải quyết các thách thức mục vụ liên quan đến
hôn nhân và gia đình”.
1. Mong Chờ Phiên Họp Bất Thường Của Thượng Hội Đồng Giám Mục
Trước Phiên họp bất thường của Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới, trong những nhận xét này, tôi muốn suy tư về hai khía cạnh của thực tại hôn nhân và gia đình: khía cạnh thứ nhất mang tính nhân học và khía cạnh thứ hai mang tính bí tích.(1) Chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
a) Quan điểm nhân học
Từ góc độ nhân học, các phản ứng đối với các câu hỏi trong “Tài liệu Chuẩn bị” cho thấy sự tồn tại của một sự mất nối kết đáng kể, mặc dù điều này thay đổi tùy theo lục địa. Một mặt, những bài học căn bản được dạy bởi kinh nghiệm và học thuyết Kitô giáo tiếp tục được coi và đề xuất như biểu thức nói lên lý tưởng tình yêu. Mặt khác, nhiều người cho rằng cuối cùng chúng không phù hợp với trải nghiệm cảm xúc của con người nam nữ trong thời đại chúng ta. (2) Tình trạng này thúc đẩy chúng ta nghiên cứu sâu hơn về đặc tính mục vụ nội tại của giáo lý Kitô giáo, theo giáo huấn của Công đồng Vatican II, kẻo Tin Mừng gia đình trở nên không phù hợp, đặc biệt trong những xã hội phần lớn đã xa rời việc thực hành đức tin Kitô giáo.
Về phương diện này, Tài liệu làm việc chỉ ra rõ ràng sự cần thiết phải có một suy tư nhân học chi tiết. Khi tường trình các câu trả lời cho bản câu hỏi, tài liệu cho thấy: nguồn gốc của nhiều hiểu lầm đối với giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình nằm ở chỗ giản lược giáo huấn này thành một loạt các hướng dẫn luân lý không phát xuất từ một quan điểm thống nhất về con người. (3) Một câu trả lời thỏa đáng cho những thách thức mà hôn nhân và gia đình ngày nay phải đối diện không thể được tìm thấy chỉ trong sự trình bày lại học thuyết hay trong sự thích nghi bắt buộc đối với tình huống có vấn đề gây ra cho chúng. Đúng hơn, điều này được tìm thấy trong một đề xuất toàn diện về cuộc sống, bắt đầu từ kinh nghiệm được chia sẻ bởi mỗi người, một kinh nghiệm, trong yếu tính, được tạo thành bởi tình cảm, việc làm và sự nghỉ ngơi. (4)
b) Chân trời bí tích
Việc giải thích lại toàn bộ các vấn đề được Thượng Hội đồng giải quyết dưới ánh sáng một nền nhân học thích đáng giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa sâu xa của hôn nhân như một bí tích. Nó làm sáng tỏ mối liên hệ nội tại giữa các khía cạnh có thể nói là tự nhiên của hôn nhân và thực tại bí tích, nhờ đó vượt qua chủ nghĩa ngoại tại [extrinsicism] vẫn còn phổ biến. Bí tích hôn nhân, do Chúa Kitô thiết lập, nắm bắt được các chiều sâu của kinh nghiệm về sự khác biệt hai mặt – giữa hai giới tính và giữa các thế hệ – mà gia đình vốn được thiết lập trên đó. Tin Mừng gia đình là một phần nội tại của Tin Mừng. Đó là mảnh đất màu mỡ trong đó nảy nở một “ý nghĩa” (nghĩa là cả ý nghĩa lẫn phương hướng) về việc hiến thân hoàn toàn cho người khác, một món quà mở cửa đón nhận sự sống và tiếp tục “mãi mãi”, vốn lên đặc điểm cho hôn nhân trong tính bất khả phân ly của nó. Hôn nhân Kitô giáo biểu lộ qua ân sủng mọi điều mà người nam và người nữ mong muốn trong kinh nghiệm đích thực của tình yêu hỗ tương. (5)
Hơn nữa, việc suy tư nhân học về thực tại hôn nhân như một bí tích và về gia đình cho phép chúng ta đặt những điều này trong chiều kích bí tích tổng thể của đời sống Giáo hội. (6) Đặc biệt, mối liên hệ sâu xa giữa hôn nhân và gia đình và bí tích Thánh Thể chứng tỏ phải có tính quyết định trong việc hiểu chính sự thật của hôn nhân. (7) Mối liên hệ này làm sáng tỏ hôn nhân và chính Mầu nhiệm Vượt qua như là mầu nhiệm về sự kết hợp phu thê giữa Chúa Kitô và Giáo hội. (8) Điều này được chứng minh cả trong các bài viết của Thánh Phaolô của Tân Ước (x. Eph 5 và 2 Cor 11:2) lẫn trong các tác phẩm của Thánh Gioan (x. Ga 2:1–11; 3:29; Kh 19:7–9; 21:2–22: 5). (9)
Do đó, sẽ rất hữu ích khi ở phần 2 tập trung vào một số suy xét nhân học về mối quan hệ nam nữ liên quan đến bí tích hôn nhân, và trong phần 3 về mối liên hệ giữa bí tích này và Bí tích Thánh Thể.
2. Một Nhân Học Thỏa Đáng Và Sự Khác Biệt Giới Tính
a) Nằm trong sự khác biệt giữa hai giới tính
Trong bối cảnh của một nhân học thỏa đáng, điều chủ yếu là phải xem xét cẩn thận kinh nghiệm chung, toàn diện và nền tảng (10) mà mỗi con người được mời gọi sống vì chính sự kiện này là họ hiện hữu trong một thân xác dị biệt về giới tính. Đầu tiên và trước hết, đây là vấn đề hiểu biết đầy đủ tầm quan trọng của tính duy nhất của sự khác biệt giới tính. (11) Một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng hôn nhân chính là sự hiểu lầm về chiều kích căn bản này của kinh nghiệm con người: mỗi hữu thể nhân bản được định vị như một cá nhân bên trong sự khác biệt giữa hai giới tính. Chúng ta phải thừa nhận rằng điều này không bao giờ có thể được khắc phục. Bỏ qua tính không thể vượt qua của sự khác biệt giới tính là lẫn lộn khái niệm khác biệt với khái niệm đa dạng. Văn hóa đương thời thường thay thế nhị thức khác biệt-đồng nhất bằng nhị thức bình đẳng-đa dạng. Việc thúc đẩy bình đẳng chính đáng giữa tất cả mọi người, đặc biệt là giữa nam và nữ, thường khiến một số người coi sự khác biệt như sự kỳ thị.
Sự lẫn lộn bắt nguồn từ sự kiện này là khi xem xét kỹ hơn, sự khác biệt và đa dạng không phải là những chữ đồng nghĩa. Chúng chỉ rõ hai trải nghiệm của con người rất khác nhau, ít nhất là từ góc độ nhân học. Tại thời điểm này, nó có thể giúp chúng ta kiểm tra từ nguyên của hai thuật ngữ này. Từ “đa dạng” có nguồn gốc từ tiếng Latinh di-vertere. Thông thường, chữ này đề cập đến sự chuyển động của chủ thể theo một hướng khác so với chủ thể khác. Do đó, hai hoặc nhiều chủ thể độc lập đa dạng khi họ có thể bước vào một mối tương quan hay đi theo những hướng ngược nhau trong khi vẫn giữ được tính chủ quan độc lập của mình. Do đó, sự đa dạng đem mối tương quan liên ngã vào tương tác.
Ngược lại, những gì chúng ta trải nghiệm trong sự khác biệt đề cập đến một thực tại nội bản vị. Đó là điều gì đó liên quan đến con người cá nhân trong căn tính cấu thành của họ. “Sự dị biệt” phát xuất từ động từ Latinh diff-ferre, ở mức độ sơ đẳng nhất, có nghĩa là mang đến một nơi khác, rời chỗ. Sự xuất hiện của một cá nhân khác giới “đưa tôi đến một nơi khác”, “rời chỗ tôi” (sự khác biệt). Mỗi cá nhân thấy mình được khắc ghi trong sự khác biệt này và luôn phải đối diện với cách khác này để làm một con người, điều mà họ không thể tiếp cận được. Chiều kích tính dục là điều gì đó nội tại của mỗi con người cá nhân; nó cho thấy sự cởi mở trong yếu tính của anh ấy hoặc cô ấy đối với người khác giới. Việc thừa nhận sự khác biệt này là nhân tố quyết định để đạt được sự tự nhận thức thỏa đáng. Do đó, chúng ta có thể hiểu tại sao sự khác biệt giữa hai giới (đặc điểm không thể vượt qua là nguyên thủy và không phái sinh) không thể là dấu hiệu báo trước của bất cứ sự kỳ thị nào. (12)
b) Quá trình “tình dục hóa”
Ở điểm này, chúng ta cần một sự minh xác chủ chốt. Sự khác biệt về giới tính phải được hiểu một cách năng động. Như khoa tâm lý chiều sâu cân bằng vốn khẳng định, tiểu sử của mỗi cá nhân đều liên quan đến một quá trình tình dục hóa. (13) Nói cách khác, thành tố sinh học của tình dục thách thức mỗi cá nhân với sự khác biệt về giới tính từ khi sinh ra - chỉ cần nghĩ đến hai phức cảm nổi tiếng của trường phái Freud. Điều này khởi động một khổ công của ý chí tự do của họ đối với “thực tại tình dục của chính họ”, vốn không ngừng kích thích họ suốt cuộc đời.
Quả thực, việc luôn cần phải xác định quyền tự do của con người cũng không thể không gặp chiều kích tính dục. Chính trong “khổ công” này mà cá nhân có thể cởi mở với người khác nhờ sự khác biệt giới tính này, quyết định có lợi cho người khác, và do đó dấn thân vào con đường yêu thương, một con đường không thể không bao hàm một sự lựa chọn. Trong hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, điều này xảy ra một cách khách quan. Trong đó, tôi quyết định để một người khác giới tính với tôi chọn tôi, với ý định phải sống một cách độc chiếm với nàng mãi mãi trong sự hiệp thông sự sống và tình yêu sinh hoa trái.
Nam và nữ không chỉ là dữ kiện sinh học đơn thuần, cũng không phải là một cấu trúc văn hóa đơn giản.
c) Lý thuyết “phái tính”
Ngược lại, lý thuyết phái tính khá phổ biến hiện nay lại có xu hướng thay thế đáng kể sự khác biệt giới tính bằng những định hướng khác nhau về phái tính [gender]. (14) Xuất phát từ nhu cầu thực tế nhằm giải phóng nam và nữ khỏi những giới hạn hạn hẹp về vai trò do xã hội quyết định cho họ, lý thuyết như vậy đã trở nên gắn liền với một số loại hình duy nữ. Như một số can thiệp của Giáo hội đã nhắc lại, (15) một số trào lưu duy nữ, thịnh hành vào giữa thế kỷ trước, đã tìm cách giải phóng phụ nữ khỏi sự phục tùng nam giới vốn thường thoái hóa thành sự kỳ thị. Họ đấu tranh cho sự bình đẳng/đối kháng giữa hai giới, và sau đó đi xa đến mức khẳng định rằng việc xóa bỏ sự khác biệt chính là điều kiện tiên quyết cho sự bình đẳng. (16) Bằng cách này, sự khác biệt về giới tính có xu hướng bị giản lược chỉ còn là điều kiện văn hóa đơn thuần, mà chủ thể có thể quyết định theo nhiều cách khác nhau và thậm chí nhiều lần trong suốt cuộc đời của mình.
Một sự phát triển tương tự chắc chắn ngày nay đang được thúc đẩy bởi mối liên kết đặc biệt giữa khoa học và kỹ thuật, mang đến cho con người cảm thức chưa từng có về quyền lực của mình (và cả nghĩa vụ của mình) một cách triệt để trong việc thao túng mọi thực tại, kể cả chính bản ngã họ. (17) Dị tính luyến ái, đồng tính luyến ái, và chuyển đổi luyến ái [transsexuality]—và các dạng giới tính ngày càng đa dạng khác—được cho là những khả thể hoàn toàn nằm trong quyền sử dụng tự xác định chủ thể.
d) Tính hiển nhiên của dục lực [eros] trong tính hiển nhiên của thân xác
Tuy nhiên, kinh nghiệm căn bản của con người chứng thực tính hiển nhiên của dục lực như một sự cởi mở nguyên thủy đối với người khác và tính sinh hoa trái của mối quan hệ, được ghi khắc trong tính hiển nhiên của thân xác được dị biệt hóa về giới tính. “Xác thịt” là một cơ thể “có cảm giác”, biểu lộ điều này: việc “ở đó” của chúng ta, việc hiện hữu của chúng ta, bao lâu còn nằm trong sự dị biệt giới tính, luôn xảy ra trong các mối quan hệ (với Thiên Chúa, với người khác và với chính chúng ta) được đánh dấu bởi sự khác biệt này. (18) Ở đây, điều trở nên hiển nhiên là sự khác biệt, mối quan hệ và tính sinh hoa trái (mầu nhiệm hôn nhân) gắn bó với nhau không thể tách rời.
Chiều kích phu thê thích đáng cho mọi hình thức tình yêu là điểm khởi hành để giải quyết những thách thức mục vụ liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Dựa trên những gì đã nói, chúng ta có thể đưa ra một nhận xét đầy ý nghĩa mục vụ. Đặc tính độc đáo của sự dị biệt giới tính ghi dấu không thể xóa nhòa mọi con người trong tính chất duy nhất của họ. Nhận thức được cơ cấu nhân học không thể vượt qua này không cho phép chúng ta áp dụng những khái quát hóa. Những vấn đề cố hữu trong sự dị biệt giới tính, như những vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình, cần được giải quyết như những hoàn cảnh riêng biệt, bắt đầu từ cá nhân. Hơn nữa, vấn đề “tình dục hóa” là một quá trình mà bản chất của nó rất kịch tính (từ động từ drao trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “đang trong hành động”); như chúng ta đã lưu ý, quá trình này thu hút mọi cá nhân, trong bất cứ tình trạng tình dục nào mà họ tự nhận thức được, trong suốt cuộc đời của họ.
3. Mối Quan Hệ Giữa Thánh Thể Và Hôn Nhân
a).Bí tích Thánh Thể: Một bí tích phu thê
Trên căn bản nhân học này, bây giờ chúng ta phải coi mối liên hệ giữa mầu nhiệm hôn nhân và hôn nhân Kitô giáo như một bí tích. Tôi không có ý thảo luận ở đây vấn đề gây tranh cãi, bắt nguồn từ thời hiện đại, của thần học về việc nâng yếu tố tự nhiên lên địa vị bí tích qua công trình của Chúa Giêsu Kitô. Từ nhiều phía, cũng như do sự thúc đẩy của Công đồng Vatican II, có những dấu hiệu cho thấy chúng ta cần suy nghĩ lại mô hình này.(19) Thay vào đó, tôi muốn cho thấy mầu nhiệm hôn nhân, như một chiều kích của mọi hình thức tình yêu, được tìm thấy như thế nào trong mầu nhiệm sự sống Ba Ngôi và trong sự thông truyền nó qua việc Nhập thể cứu chuộc của Chúa Con, nguyên mẫu và là sự mặc khải về những gì người nam và người nữ trải qua trong mối quan hệ của họ như lời hứa và ước muốn. (20)
Do đó, vấn đề không phải là coi hôn nhân bí tích như việc nâng cao một thực tại đã hoàn tất trong chính nó, nhưng đúng hơn là nắm bắt được trong bí tích hình thức làm cho tình yêu phu thê trở nên dễ hiểu và thực hành được như Đấng Tạo Hóa đã muốn “ở buổi đầu.” Hiểu theo cách này, mối quan hệ giữa một người nam và một người nữ được soi sáng bởi “mầu nhiệm cao cả” được nói đến trong Thư gửi tín hữu Êphêsô (x. Eph 5), trong đó mối quan hệ giữa Chúa Kitô và Giáo hội thực sự được mô tả bằng các hạn từ chỉ hôn nhân. Như thế, bí tích hôn nhân được mặc khải là sự hiện thực hóa sơ đẳng của Giáo hội (gia đình là giáo hội tại gia). Vì vậy, bí tích không bao giờ có thể “không thỏa đáng” để đối phó với những tình huống khó khăn và những vết thương mà vợ chồng phải trải qua. Điều này không phải vì lý tưởng phải được áp dụng một cách trừu tượng vào cuộc sống, vốn luôn ít nhiều bị chi phối bởi những nghịch cảnh và sự yếu đuối, nhưng bởi vì bí tích dâng hiến tình yêu của Chúa Kitô Chàng Rể cho Giáo Hội, Hiền Thê của Người. Tình yêu này là nguồn lực, tiêu chuẩn và bảo đảm rằng lời hứa khắc sâu trong trái tim mỗi con người, với nhu cầu không thể kìm nén được yêu thương và bảo đảm tình yêu mãi mãi, là có thể thực hiện được. (21) Giảm thiểu các thiện ích cụ thể của bí tích (bất khả phân ly, trung thành và cởi mở với khả năng sinh sản) (22) nhân danh một khái niệm giản lược về việc chăm sóc mục vụ nhằm giải quyết những vấn đề đau đớn của người ta không giúp ích gì cho họ. Đặc biệt trong những thử thách và vết thương của sự kết hợp vợ chồng, hành động bí tích của Chúa Kitô không bao giờ để vợ chồng thiếu những hồng ân (23) mà họ cần để có thể sống tình yêu của mình đến mức hiệp thông trọn vẹn vì lợi ích của Giáo hội và thế giới. (24)
b) Thánh Thể, hôn nhân và đời sống như ơn gọi
Từ quan điểm này, chúng ta bắt đầu thấy mối liên hệ qua lại của tất cả các bí tích thiết yếu như thế nào đối với đời sống Kitô hữu - đặc biệt là mối quan hệ giữa hôn nhân và Bí tích Thánh Thể (sacramentum caritatis) là bí tích của tình yêu hôn nhân giữa Chúa Kitô và Giáo hội.
Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, là dấu chỉ hữu hiệu về việc trao ban Mình Thánh Chúa Kitô, Phu Quân, thậm chí đến mức hy sinh tột độ, cho Giáo hội, Hiền thê sinh hoa trái của Người. Như thế, trong bí tích Thánh Thể, đôi vợ chồng gặp được nền tảng ba ngôi của mầu nhiệm phu thê, như sự đan xen của dị biệt, tự hiến và sinh hoa trái.
Trong hành động Thánh Thể, Chúa Kitô đã ủy thác cho Giáo hội việc tưởng niệm việc Người hoàn toàn tự hiến để người tín hữu, trong sự tự do của mình, có thể lựa chọn Người. Do đó, theo thuật ngữ gần như bí tích, mọi hoàn cảnh của cuộc sống, ngay cả những hoàn cảnh bất lợi nhất, đều trở thành thời điểm mà chính Chúa Kitô hiến thân cho sự tự do của chúng ta để chúng ta có thể lựa chọn theo Người. Như vậy, đời sống hôn nhân và gia đình chiếm một vị trí bên trong toàn bộ chân trời cuộc sống như một ơn gọi, và một ơn gọi hướng tới sự thánh thiện. Chúng ta tìm thấy một tuyên bố rõ ràng về điều này trong bản văn tông huấn hậu thượng hội đồng của Đức Bênêđíctô XVI, Sacramentum caritatis [bí tích đức ái], 27:
Bí tích Thánh Thể củng cố không ngừng sự hiệp nhất và tình yêu bất khả phân ly của mọi cuộc hôn nhân Kitô giáo. Nhờ sức mạnh của bí tích, mối dây hôn nhân được liên kết nội tại với sự hiệp nhất Thánh Thể giữa Chúa Kitô Chàng Rể và Hiền Thê của Người là Giáo Hội (x. Eph 5:31-32). Sự đồng ý lẫn nhau mà vợ chồng trao đổi trong Chúa Kitô, vốn thiết lập họ thành một cộng đồng sự sống và tình yêu, cũng có chiều kích thánh thể. Thật vậy, trong thần học của Thánh Phaolô, tình yêu vợ chồng là dấu chỉ bí tích về tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo hội của Người, một tình yêu lên đến đỉnh điểm trên Thập giá, nói lên cuộc “hôn nhân” của Người với nhân loại, đồng thời là nguồn gốc và trái tim của Thánh Thể.
c) Việc cử hành Thánh Thể và sự ưng thuận hôn nhân
Một lý do khác khiến nhiều người thấy bản chất triệt để của lời kêu gọi của Chúa Giêsu đưa tình trạng hôn nhân trở lại “lúc ban đầu” (x. Mt 19:4; St 1:27; 2:24) ngày nay thật khó chấp nhận như một thiện ích tích cực đối với con người, gia đình, Giáo hội và xã hội, đó là mối quan hệ giữa việc cử hành Thánh Thể và sự ưng thuận trong hôn nhân vẫn còn quá ngoại tại. Tôi không có ý nói rằng giá trị của Bí tích Thánh Thể bị xóa bỏ, nhưng nó có nguy cơ bị hạ thấp vai trò của một cơ hội để Thiên Chúa bày tỏ lời chúc lành nói chung cho vợ chồng. Đúng hơn, hy lễ thánh thể là điều kiện dứt khoát trong đó, sự ưng thuận hôn nhân được đưa ra. Nó cho phép đôi vợ chồng quyết định chấp nhận lời mời gọi của Chúa Kitô Chàng Rể như nguồn gốc quyết định của chính họ. Việc thực hành mục vụ trong dịp đám cưới mà không thể hiện rõ ràng mối liên hệ cơ bản giữa việc cử hành Thánh Thể và sự ưng thuận hôn nhân sẽ dẫn đến quan điểm về sự chung thủy và sinh hoa trái như những đặc tính bổ sung, mà trong căn bản, là không cần thiết; chúng không quyết định mối ràng buộc hôn nhân.
d) Bí tích Thánh Thể, Hòa giải và những người ly dị và tái hôn
i) Việc lý luận của Huấn quyền
Những gì vừa được nói phải được ghi nhớ khi chúng ta đề cập đến những chủ đề nhạy cảm liên quan đến sự đau khổ đặc biệt, chẳng hạn như chủ đề về người ly dị và tái hôn. Những người, sau khi thất bại trong đời sống hôn nhân chung, đã thiết lập một mối dây ràng buộc mới, bị từ chối lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể.
Giáo hội thường bị cáo buộc là thiếu nhạy cảm và thiếu hiểu biết đối với hiện tượng ly dị và tái hôn mà không suy nghĩ kỹ lưỡng về lý do cho quan điểm của Giáo Hội, (25) được Giáo hội thừa nhận là dựa trên sự mặc khải của Thiên Chúa. (26) Tuy nhiên, điều có liên hệ ở đây là không phải là một hành động tùy tiện của Huấn Quyền Giáo Hội, nhưng đúng hơn là nhận thức được mối dây liên kết không thể tách rời giữa Bí tích Thánh Thể và hôn nhân. Dưới ánh sáng của mối liên hệ nội tại này, cần phải nói rằng điều cản trở việc lãnh nhận Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể không phải là một tội lỗi đơn nhất, tội lỗi luôn có thể được tha thứ khi người ta ăn năn sám hối và xin Chúa tha thứ. Đúng hơn, điều làm cho việc tiếp cận các bí tích này không thể thực hiện được là tình trạng (điều kiện sống) trong đó những người đã thiết lập một mối dây liên kết mới tìm thấy chính mình - một tình trạng tự nó mâu thuẫn với những gì được biểu thị bằng mối liên kết giữa Bí tích Thánh Thể và hôn nhân. (27) Điều kiện này cần được thay đổi để có thể tương ứng với những gì được thực hiện trong hai bí tích này. Việc không rước lễ mời gọi những người này, không bác bỏ nỗi đau và vết thương của họ, bắt đầu con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn, con đường này sẽ diễn ra vào thời điểm và theo những cách thức được xác định theo ý muốn của Thiên Chúa.
Ngoài những cách giải thích khác nhau về cách thực hành trong Giáo hội sơ khai, dường như vẫn chưa đưa ra bằng chứng về những hành động khác biệt đáng kể so với thời nay, (28) sự kiện Giáo hội ngày càng phát triển nhận thức về mối liên hệ căn bản giữa Bí tích Thánh Thể và hôn nhân báo hiệu kết quả của một cuộc hành trình được thực hiện dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, giống như tất cả các bí tích của Giáo hội và kỷ luật của chúng đã hình thành theo thời gian.
Điều này giúp chúng ta hiểu lý do tại sao cả hai Tông huấn về Gia đình Familiaris consortio, 84 và Sacramentum caritatis đều xác nhận “việc thực hành của Giáo hội, dựa trên Kinh Thánh (x. Mc 10:2-12), về việc không thừa nhận những người ly dị và tái hôn được lãnh các bí tích, vì bậc sống của họ và điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự kết hợp yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo hội được biểu thị và làm cho hiện diện trong Bí tích Thánh Thể” (SC, 29).
Ở góc độ này, chúng ta nên đề cập đến hai yếu tố cần được nghiên cứu sâu hơn. Chắc chắn Bí tích Thánh Thể, với những điều kiện nhất định, chứa đựng một khía cạnh của sự tha thứ; tuy nhiên, nó không phải là một bí tích chữa lành. (29) Ân sủng của mầu nhiệm Thánh Thể tác động đến sự hiệp nhất của Giáo Hội với tư cách là Hiền Thê và Thân Thể Chúa Kitô, và điều này đòi hỏi nơi người lãnh nhận Bí tích khả thể khách quan cho phép mình được kết hợp hoàn hảo với Chúa Kitô.
Đồng thời đã đến lúc chúng ta cần giải thích rõ ràng hơn nhiều tại sao việc không tiếp nhận những người đã thiết lập mối dây mới vào các bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể không nên được coi là một “hình phạt” đối với thân phận của họ, mà đúng hơn là một dấu hiệu chỉ đường cho một con đường khả hữu, với sự trợ giúp của ân sủng Chúa và tiếp tục là thành viên [immanenza] trong cộng đồng giáo hội. Vì lý do này và vì lợi ích của mọi tín hữu, mọi cộng đồng giáo hội được kêu gọi thực hiện tất cả các chương trình thích hợp để những người này tham gia hữu hiệu vào đời sống của Giáo hội, đồng thời tôn trọng hoàn cảnh cụ thể của họ.
Còn tiếp