Tu sĩ Clodovis Boff thuộc Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ. | Nguồn: Lennoazevedo, CC BY-SA 4.0, qua Wikimedia Commons


Monasa Narjara của ACI Digital, đối tác tin tức tiếng Bồ Đào Nha của CNA, ngày 12 tháng 7 năm 2025, tường trình rằng Tu sĩ Clodovis Boff đã viết một bức thư ngỏ gửi các giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh và Caribe (CELAM), những vị gần đây đã họp tại một phiên họp, với câu hỏi: “Tôi đã đọc được tin tốt lành nào ở đó? Xin thứ lỗi cho sự thẳng thắn của tôi: Không có gì. Quý vị, các giám mục của CELAM, luôn lặp lại câu chuyện cũ rích: các vấn đề xã hội, các vấn đề xã hội, và các vấn đề xã hội. Và điều này đã diễn ra hơn năm mươi năm nay.”

“Các anh em cao tuổi hơn thân mến, các anh em không thấy thứ âm nhạc này đang trở nên cũ kỹ sao?” Vị linh mục thuộc Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ (Servites) đã hỏi như vậy, để phản ứng lại văn kiện cuối cùng của Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ 40 của CELAM, được tổ chức vào cuối tháng 5 tại Tổng giáo phận Rio de Janeiro, Brazil.

"Khi nào anh em sẽ ban cho chúng tôi tin mừng về Thiên Chúa, Chúa Kitô và Thánh Thần của Người? Về ân sủng và ơn cứu độ? Về sự hoán cải tâm hồn và suy niệm Lời Chúa? Về cầu nguyện và thờ phượng, lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa, và những chủ đề tương tự khác? Tóm lại, khi nào anh em sẽ gửi cho chúng tôi một thông điệp thực sự mang tính tôn giáo và thiêng liêng?"

Clodovis Boff, cùng với anh trai Leonardo Boff, là một trong những triết gia quan trọng nhất của thần học giải phóng. Tuy nhiên, vào năm 2007, ngài đã công bố bài viết "Thần học Giải phóng và Trở về với Nền tảng" trên số 68 của Tạp chí Giáo hội Brazil.

Trong đó, ngài tuyên bố rằng "sai lầm của thần học giải phóng... là đặt người nghèo vào vị trí của Chúa Kitô, biến họ thành vật sùng bái và hạ thấp Chúa Kitô xuống chỉ còn vai trò hỗ trợ; trong khi Chúa Kitô làm điều ngược lại: Người đã đặt mình vào vị trí của người nghèo, để cho họ được chia sẻ phẩm giá thần thiêng của Người."

Lá thư, được viết vào ngày 13 tháng 6 - ngày lễ Thánh Antôn Padua, tiến sĩ Hội Thánh - được gửi "trước hết và quan trọng nhất đến Tổng Chủ tịch CELAM", Đức Hồng Y Jaime Spengler, Tổng Giám mục Porto Alegre, Brazil, và "đến tất cả các Chủ tịch CELAM khu vực", Boff nói với ACI Digital, đối tác tin tức tiếng Bồ Đào Nha của CNA.

Vị linh mục nói với các giám mục rằng ngài dám viết thư cho các vị "bởi vì trong một thời gian dài", ngài đã thấy "một cách kinh hoàng, những dấu hiệu lặp đi lặp lại cho thấy Giáo hội yêu dấu của chúng ta đang đối diện với một mối nguy hiểm thực sự nghiêm trọng: đó là tự xa lánh yếu tính thiêng liêng của mình, gây bất lợi cho chính mình và cho thế giới."

Boff giải thích: "Khi ngôi nhà bốc cháy, ai cũng có thể hét lên". Sau khi đọc thông điệp của CELAM, điều mà ngài nói ngài đã cảm thấy gần 20 năm trước lại ùa về, khi "không còn chịu đựng được những lời lẽ lấp lửng lặp đi lặp lại của thần học giải phóng, một động lực như vậy trỗi dậy từ sâu thẳm tâm hồn tôi" và ngài nói: "Đủ rồi! Tôi phải lên tiếng."

Ngài nhấn mạnh: Chính dưới tác động của một động lực nội tâm tương tự mà tôi đã viết bức thư này, hy vọng rằng Chúa Thánh Thần có thể đóng một vai trò nào đó trong đó. Vị tu sĩ nói với ACI Digital: “Cho đến nay, tôi chỉ nhận được phản hồi từ Don Jaime, chủ tịch CELAM, và cả CNBB, tức Hội đồng Giám mục Quốc gia Brazi”.

Theo Boff, Spengler, "học trò của ông vào những năm 1980 tại Petrópolis," đã "tiếp thu bức thư, đánh giá cao việc tôi đã bày tỏ suy nghĩ của mình, điều này có thể giúp sửa đổi đường lối của Giáo hội tại châu Mỹ."

Boff viết trong thư rằng, khi đọc tài liệu của hội nghị CELAM, "lời của Chúa Kitô hiện lên trong tâm trí tôi: Con cái xin bánh, các ngươi lại cho chúng hòn đá (Mt 7:9)."

Đối với vị tu sĩ, "bản thân thế giới thế tục đã chán ngấy chủ nghĩa thế tục và đang tìm kiếm linh đạo," nhưng các giám mục CELAM "tiếp tục cung cấp cho họ các vấn đề xã hội và nhiều vấn đề xã hội hơn nữa; còn về tâm linh [anh em cho họ], hầu như chỉ là những mẩu vụn."

Vị linh mục viết: “Và nghĩ rằng anh em là người gìn giữ kho báu vĩ đại nhất, điều mà thế giới cần nhất, vậy mà, một cách nào đó, anh em lại từ chối họ điều đó”.

“Các linh hồn đòi hỏi điều siêu nhiên, còn anh em cứ khăng khăng ban cho họ điều tự nhiên. Nghịch lý này thể hiện rõ ngay cả trong các giáo xứ: Trong khi giáo dân thích thú phô bày những dấu hiệu của căn tính Công Giáo (thánh giá, huy chương, khăn che mặt, áo choàng in hình tôn giáo), thì các linh mục và nữ tu lại đi ngược lại và xuất hiện mà không có bất cứ dấu hiệu đặc trưng nào.”

Trong “Thông điệp gửi Giáo hội về cuộc hành hương tại Mỹ Latinh và Caribe”, các giám mục CELAM viết rằng Đại hội lần thứ 40 “là một không gian cho sự phân định, cầu nguyện và tình huynh đệ giám mục”, nơi họ chia sẻ “những ánh sáng và bóng tối” của “thực tại, những tiếng kêu“của “dân tộc mình, và niềm khao khát một Giáo hội như mái ấm và trường học của sự hiệp thông.”

Các giám mục tuyên bố: “[Chúng tôi] nhận thức được những thách thức hiện tại đang ảnh hưởng đến chúng tôi, một khu vực Mỹ Latinh và Caribe: sự dai dẳng của nghèo đói và bất bình đẳng ngày càng gia tăng, bạo lực không bị trừng phạt, tham nhũng, buôn bán ma túy, di cư cưỡng bức, sự suy yếu của nền dân chủ, tiếng kêu cứu của trái đất, và sự tục hóa, trong số những thách thức phổ biến nhất”.

Boff đáp lại: “anh em nói, không chút do dự, rằng anh em lắng nghe ‘tiếng kêu cứu’ của người dân và rằng ‘nhận thức được những thách thức’ của ngày nay. Nhưng liệu sự lắng nghe của anh em có chạm đến tận sâu thẳm không? Chẳng phải nó vẫn chỉ dừng lại ở bề mặt sao?”

“Tôi đã đọc danh sách ‘các tiếng kêu cứu’ và ‘thách thức’ ngày nay của anh em và thấy rằng nó không đi xa hơn những gì các nhà báo và nhà xã hội học bình thường nhất quan sát được. Chẳng lẽ các Đức Cha không nghe thấy rằng, từ ‘nơi sâu thẳm của thế giới’, một tiếng kêu cứu Chúa mạnh mẽ đang vang lên hôm nay sao? Một tiếng kêu mà ngay cả nhiều nhà phân tích thế tục cũng nghe thấy? Và chẳng phải là lắng nghe tiếng kêu này và đáp lại nó, một câu trả lời chân thực và trọn vẹn, rằng Giáo hội và các mục tử của Giáo hội hiện hữu sao?”

Ngài nhấn mạnh: “Các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ hiện diện vì ‘tiếng kêu xã hội’. Giáo hội, chắc chắn, không thể tự tách mình khỏi sứ mệnh này. Nhưng Giáo hội không phải là người chủ đạo trong lĩnh vực này. Lĩnh vực hoạt động đúng đắn của Giáo hội là một lĩnh vực khác và cao hơn: đáp lại chính xác tiếng kêu cầu Thiên Chúa'".

"Những người cấp tiến" hay "những người duy truyền thống"

Vị tu sĩ nói trong thư rằng ngài biết rằng các giám mục "bị dư luận công chúng quấy rối ngày đêm để tự định nghĩa mình như 'những người cấp tiến' hay 'những người duy truyền thống', 'cánh hữu' hay 'cánh tả'."

"Về điều này”, ngài viết, trích dẫn Thánh Phaolô, người từng nói rất rõ ràng rằng "Con người nên coi chúng ta đơn giản là tôi tớ của Chúa Kitô và là người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa (1 Cr 4:1).

Vị tu sĩ nói: "Điều đáng ghi nhớ" là "Giáo hội, trước hết và trên hết, là 'bí tích cứu độ' chứ không phải là một định chế xã hội đơn thuần, dù cấp tiến hay không".

Vị linh mục nhấn mạnh: "Giáo hội hiện hữu để loan báo Chúa Kitô và ân sủng của Người. Đó là trọng tâm, là cam kết lớn nhất và bền bỉ nhất của Giáo hội. Mọi thứ khác đều đến sau đó".

"Các bạn rát thân mến, hãy tha thứ cho tôi nếu tôi ở đây để nhắc lại những điều các bạn đã biết. Nhưng tại sao tất cả những điều này lại không được đề cập trong sứ điệp của Đức Hồng Y và trong các bài viết của CELAM nói chung? Đọc chúng, người ta gần như không thể tránh khỏi kết luận rằng mối quan tâm lớn nhất của Giáo hội ngày nay, trên lục địa của chúng ta, không phải là sự nghiệp của Chúa Kitô và ơn cứu độ của Người, mà là các vấn đề xã hội, chẳng hạn như công lý, hòa bình và sinh thái, mà Đức Hồng Y đã trích dẫn trong sứ điệp của mình như một điệp khúc khác.”

Vị tu sĩ cũng lưu ý rằng “chính lá thư mà Đức Giáo Hoàng Leo gửi cho CELAM, trong con người của chủ tịch của tổ chức này, đã nói rõ ràng về ‘nhu cầu cấp thiết phải nhớ rằng chính Đấng Phục sinh là Đấng bảo vệ và dẫn dắt Giáo hội, hồi sinh Giáo hội trong hy vọng, v.v.’”

Boff nói: “Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở chúng ta rằng sứ mệnh đích thực của Giáo hội, theo chính lời của ngài, là ‘ra đi gặp gỡ biết bao anh chị em, loan báo cho họ sứ điệp cứu độ trong Chúa Kitô Giêsu’”.

“Tuy nhiên, câu trả lời của các anh em đáng kính dành cho Đức Giáo Hoàng là gì? Trong lá thư mà Đức Hồng Y viết cho ngài, không hề có sự lặp lại những lời cảnh báo của Đức Giáo Hoàng. Đúng hơn, anh em đã cầu xin ngài giúp đỡ, không phải để giữ cho ký ức về Chúa Phục Sinh sống động trong Giáo hội; không phải để loan báo ơn cứu độ trong Chúa Kitô cho anh chị em mình, mà là để hỗ trợ họ trong cuộc đấu tranh “khuyến khích công lý và hòa bình” và “hỗ trợ họ tố cáo mọi hình thức bất công”. Tóm lại, điều anh em khiến Đức Giáo Hoàng nghe thấy vẫn là điệp khúc cũ rích: “vấn đề xã hội, vấn đề xã hội...”, như thể ngài, người đã làm việc giữa chúng ta hàng thập kỷ, chưa từng nghe thấy điều đó.”

Boff có ý nói đến việc Đức Giáo Hoàng Lêô XIV là một nhà truyền giáo và giám mục ở Peru, và do đó, ngài am hiểu cả thực tế xã hội của Mỹ Latinh lẫn các loại hình thần học và chăm sóc mục vụ khác nhau được thực hành trên lục địa này.

Boff viết cho CELAM: “Anh em sẽ nói: Nhưng đây là những chân lý được mặc định, không cần phải lặp lại mọi lúc. Không, những người thân yêu nhất của tôi; chúng ta cần lặp lại chúng, với lòng nhiệt thành mới mẻ, mỗi ngày, nếu không chúng sẽ bị tan biến mất”.

“Nếu không cần thiết phải lặp lại chúng, thì tại sao Đức Giáo Hoàng Lêô XIV lại nhắc nhở anh em về chúng? Chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra khi một người đàn ông coi tình yêu của vợ mình là điều hiển nhiên và không thèm vun đắp. Điều này quan trọng hơn gấp bội so với đức tin và tình yêu dành cho Chúa Kitô.”

Trong thư, vị tu sĩ chỉ ra rằng “từ vựng của đức tin” như Thiên Chúa, Chúa Kitô, truyền giáo, phục sinh, Vương quốc, sứ mệnh và hy vọng “không thiếu” trong thông điệp của CELAM, nhưng đối với ngài, đây là “những từ ngữ được đặt ở đó một cách chung chung,” bởi vì “người ta không thấy chúng có nội dung tâm linh rõ ràng” và “thay vào đó, chúng khiến người ta nghĩ đến điệp khúc thường lệ ‘vấn đề xã hội, vấn đề xã hội, và nhiều vấn đề xã hội hơn nữa.’”

“Xin hãy xem xét hai từ đầu tiên, những từ khóa và hơn cả những từ cơ bản trong đức tin của chúng ta: ‘Thiên Chúa’ và ‘Chúa Kitô.’ Vị tu sĩ viết: Còn về ‘Thiên Chúa’, anh em không bao giờ đề cập đến Người trong chính Người,”, nhưng“chỉ nhắc đến Người bằng những cụm từ rập khuôn ‘Con Thiên Chúa’ và ‘Dân Thiên Chúa.’ Hỡi anh em, chẳng phải anh em nên ngạc nhiên sao?

Boff nhận xét: Danh Chúa Kitô “chỉ xuất hiện hai lần, và cả hai lần đều một cách thoáng qua”.

Vị tu sĩ nói rằng các giám mục “tuyên bố,” và “hoàn toàn đúng, rằng họ muốn một Giáo hội như ‘ngôi nhà và trường học của sự hiệp thông,’ và hơn nữa, ‘thương xót, đồng nghị và hướng ngoại’”, và rằng “một Giáo hội không lấy Chúa Kitô làm lý do để hiện hữu và lên tiếng, theo lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chẳng khác gì một ‘tổ chức phi chính phủ sùng đạo.’”

“Nhưng há đó chẳng phải là hướng đi của Giáo hội chúng ta sao? Một điều tai hại nhỏ hơn là khi, thay vì đến với những người không theo tôn giáo, người Công Giáo lại trở thành những người Tin Lành. Vị tu sĩ nhận xét: Dù sao, Giáo hội của chúng ta đang bị chảy máu. Những gì chúng ta thấy nhiều nhất ở đây là những nhà thờ trống rỗng, các chủng viện trống rỗng, các tu viện trống rỗng”.

“Ở châu Mỹ của chúng ta, bảy hoặc tám quốc gia không còn đa số là người Công Giáo nữa. Bản thân Brazil đang trên đường trở thành 'quốc gia cựu Công Giáo lớn nhất thế giới', theo lời của một nhà văn Brazil nổi tiếng”, vị tu sĩ nói, ám chỉ đến nhà viết kịch, nhà văn và nhà báo Nelson Rodrigues. “Tuy nhiên, sự suy thoái liên tục này dường như không làm các anh em đáng kính lo lắng nhiều lắm.”

Vị linh mục thậm chí còn nói rằng thông điệp của CELAM khẳng định rằng [trái tim của] Giáo hội tại Mỹ Latinh "vẫn tiếp tục đập mạnh mẽ" và có "những hạt giống của sự phục sinh và hy vọng", và đặt câu hỏi: "Nhưng những 'hạt giống' này ở đâu, thưa các giám mục thân mến? Chúng dường như không nằm trong lĩnh vực xã hội, như anh em có thể tưởng tượng, mà nằm trong lĩnh vực tôn giáo. Chúng đặc biệt nằm trong các giáo xứ được đổi mới, cũng như trong các phong trào và cộng đồng mới."

Ngài viết: "Tất cả những biểu thức của linh đạo và truyền giảng tin mừng này" là "khía cạnh giáo hội tràn ngập nhất trong các giáo hội của chúng ta (và trong trái tim của các tín hữu). Chính ở đó, trong mảnh đất thiêng liêng này, tương lai của Giáo hội chúng ta nằm ở đó. Một dấu hiệu hùng hồn cho tương lai đó là, trong lĩnh vực xã hội, hiện thời, chúng ta hầu như chỉ thấy những người tóc bạc; trong lĩnh vực tâm linh, chúng ta thấy sự đổ xô ồ ạt hướng đến tâm linh của giới trẻ ngày nay.”

Boff nhấn mạnh: “Không có men của một đức tin sống động, bản thân cuộc đấu tranh xã hội cuối cùng sẽ bị bóp méo: từ giải phóng, nó trở thành ý thức hệ và cuối cùng là áp bức. Đây là lời cảnh báo sáng suốt và nghiêm trọng mà Thánh Phaolô VI đã đưa ra (trong Evangelii Nuntiandi 35.2) liên quan đến ‘thần học giải phóng’ mới ra đời (một lời cảnh báo mà thần học này dường như không thấy ơn ích gì).”

CELAM muốn 'đưa Giáo hội chúng ta' đi đâu?

Boff hỏi: "Thưa các anh em thân mến, cho phép tôi hỏi các anh em: Các anh em muốn đưa Giáo hội chúng ta đi đâu?".

Vị tu sĩ đặt câu hỏi trong thư ngỏ của mình: Các giám mục "nói rất nhiều về 'Nước Trời', nhưng nội dung cụ thể của 'Nước Trời' của họ là gì?".

"Vì anh em nói rất nhiều về việc xây dựng một 'xã hội công bằng và huynh đệ' (một điệp khúc nữa của họ), người ta có thể nghĩ rằng xã hội này chính là nội dung cốt lõi của 'Nước Trời' được nhắc đến. Tôi không phải là không biết một chút chân lý trong đó. Tuy nhiên, ngài nhận xét, các giám mục đáng kính nhất đã không nói gì về nội dung chính của 'Nước Trời', tức là Vương quốc hiện diện, cả trong tâm hồn hôm nay và trong sự viên mãn của nó vào ngày mai".

"Trong ngôn từ của các anh em, không hề có cánh chung học nào cả. Đúng vậy: anh em đã nói hai lần về ‘hy vọng’, nhưng theo một cách mơ hồ đến mức, xét theo góc nhìn xã hội trong thông điệp của anh em, không ai, khi nghe một lời như vậy từ miệng anh em, lại ngước mắt lên trời.”

“Tại sao lại ngần ngại nói to và rõ ràng, như rất nhiều giám mục trong quá khứ đã làm, về ‘Nước Trời’ (và cả ‘Địa Ngục’), về ‘sự sống lại của kẻ chết’, về ‘sự sống đời đời’, và về những chân lý cánh chung khác, những chân lý mang lại ánh sáng và sức mạnh to lớn cho những cuộc đấu tranh hiện tại, cũng như ý nghĩa tối hậu của mọi sự?”

Vị tu sĩ lưu ý: “Không phải lý tưởng trần thế về một ‘xã hội công bằng và huynh đệ’ không đẹp đẽ và vĩ đại, nhưng không gì sánh được với Kinh Thành Thiên Quốc (Pl 3:20; Dt 11:10, 16), nơi mà chúng ta may mắn được là công dân và người lao động nhờ đức tin, còn anh em, nhờ chức giám mục của anh em, là những kỹ sư vĩ đại của nó.”

Boff viết: “Vì vậy, đã đến lúc, và hơn cả thời điểm, phải đưa Chúa Kitô ra khỏi bóng tối và bước vào ánh sáng trọn vẹn. Đã đến lúc khôi phục lại cho Người quyền tối thượng tuyệt đối, cả trong Giáo hội ad intra (trong lương tâm cá nhân, trong linh đạo và thần học), lẫn trong Giáo hội ad extra (trong việc truyền giảng Tin mừng, đạo đức và chính trị). Giáo hội trên lục địa chúng ta cần khẩn trương trở về với trung tâm đích thực của mình, trở về với ‘tình yêu ban đầu’.”

Boff hỏi: “Với điều này, hỡi những người bạn thân mến của tôi, có phải tôi đang yêu cầu các bạn một điều gì mới mẻ không?. Hoàn toàn không. Tôi chỉ muốn nhắc nhở các bạn về đòi hỏi hiển nhiên nhất của đức tin, về đức tin ‘cổ xưa và luôn mới mẻ’: sự lựa chọn tuyệt đối dành cho Chúa Kitô, tình yêu vô điều kiện dành cho Người, đòi hỏi đặc biệt nơi các bạn, như Người đã yêu cầu Phêrô (Ga 21:15-17).”

Đối với vị tu sĩ, điều cấp bách đối với các giám mục “do đó, cần phải áp dụng và thực hành một cách rõ ràng và dứt khoát một thái độ quy Kitô mạnh mẽ và có hệ thống; một thái độ lấy Chúa Kitô làm trung tâm có tính “áp đảo” thực sự, như Thánh Gioan Phaolô II đã diễn đạt,” và “sống thái độ quy Kitô đầy cởi mở, hoạt động như men và biến đổi mọi sự: con người, Giáo hội và xã hội.”