Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, nhìn từ Via della Conciliazione của Rome. Ernesto Spaziani qua Wikimedia (CC BY-SA 4.0).


Brendan Hodge, trên tạp chí The Pillar, ngày 12 tháng 7, 2025, cho hay: Tháng trước, nhân dịp Lễ Thánh Phêrô và Phaolô, người Công Giáo trên khắp thế giới đã đóng góp vào khoản quyên góp Quỹ Đồng Xu Thánh Phêrô thường niên của Vatican.

Trong bốn năm qua, khoản quyên góp này đã cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng doanh thu, cho phép Vatican sử dụng số tiền ngày càng lớn để bù đắp những thiếu hụt trong ngân sách của Giáo triều Rôma.

Quỹ Đồng Xu Thánh Phêrô đến từ đâu? Chúng được chi tiêu như thế nào?

The Pillar xem xét các con số.

Tên gọi của khoản quyên góp Quỹ Đồng Xu Thánh Phêrô thường niên bắt nguồn từ một tập tục thời trung cổ là gửi lệ phí và tiền quyên góp để hỗ trợ Đức Giáo Hoàng.

Nhưng việc thu góp Đồng Xu Thánh Phêrô hiện đại đã được chính thức hóa sau phong trào Risorgimento –thống nhất Ý thành một quốc gia dân tộc hiện đại – dẫn đến việc chinh phục các Quốc gia Giáo hoàng và do đó chấm dứt các nguồn thu nhập dân sự của Đức Giáo Hoàng.

Đức Giáo Hoàng Piô IX, người, sau sự sụp đổ của các Quốc gia Giáo hoàng, tự coi mình là “tù nhân của Vatican” bị bao vây bởi một nhà nước Ý thù địch, đã chính thức hóa việc kêu gọi người Công Giáo trên khắp thế giới quyên góp trực tiếp cho giáo hoàng để hỗ trợ các nhu cầu và hoạt động của giáo hoàng.

Từ khi bắt đầu vào những năm 1870, việc quyên góp này vừa được dùng để duy trì Tòa thánh vừa được dùng cho các khoản đóng góp từ thiện cá nhân do vị giáo hoàng lựa chọn.

Trang web chính thức của Vatican về cuộc quyên góp này lưu ý rằng điều này phản ảnh sứ mệnh phổ quát của Đức Giáo Hoàng:

“Đức Thánh Cha đã chăm sóc những người đau khổ nhất (ví dụ, chúng ta nhớ lại trận động đất thảm khốc ở Croatia năm 1881), bằng cách trích một phần Quỹ Đồng Xu Thánh Phêrô.

Thật vậy, sự hỗ trợ mà Đức Giáo Hoàng nhận được không thể không được chia sẻ với những người đang trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, qua đó thể hiện sự quan tâm của một người cha chăm sóc tất cả con cái mình: nhận để cho, và trao tặng cho những người đang cần nhất vào lúc đó.”

Từ năm 2021, Vatican đã đăng tải báo cáo tài chính hàng năm cho cuộc quyên góp trên trang web chính thức của quỹ. Kể từ năm đó, tổng số tiền quyên góp hàng năm mà quỹ nhận được đã tăng từ 44.4 triệu euro vào năm 2021 lên 54.3 triệu euro vào năm 2024.

Ngoài các khoản quyên góp, quỹ Đồng Xu Thánh Phêrô còn dựa vào thu nhập và doanh số đầu tư, bất động sản. Hầu hết các năm, con số này chỉ vài triệu euro, nhưng vào năm 2022, đã có một số thương vụ mua bán bất động sản lớn, dẫn đến tổng vốn đầu tư trong năm đó là 63.5 triệu euro.

Trung bình mỗi năm, 62% số tiền quyên góp đến từ các quỹ do các giáo phận trên khắp thế giới quyên góp từ người Công Giáo. 25% khác đến từ các tổ chức Công Giáo. Phần còn lại đến từ các dòng tu và các nhà tài trợ tư nhân trực tiếp cho Vatican.

Trong số các khoản quyên góp của giáo phận và tư nhân, Hoa Kỳ chiếm ưu thế về mặt địa lý, với trung bình đóng góp 38% trong bốn năm qua. Điều này một phần phản ảnh thực tế là Hoa Kỳ có dân số Công Giáo lớn thứ tư trên thế giới, và một phần là do sự giàu có của Hoa Kỳ so với các quốc gia khác.

Ý, với dân số Công Giáo lớn thứ sáu thế giới, có đóng góp lớn thứ hai trong bốn năm qua, cung cấp 10% tổng số tiền quyên góp mà Đồng Xu Thánh Phêrô nhận được. Pháp là nước đóng góp lớn thứ ba với 8% và Hàn Quốc là nước đóng góp lớn thứ tư với 6%.

Đức, quốc gia có dân số Công Giáo lớn thứ 15 thế giới, nhưng lại có nguồn lực tài chính dồi dào nhờ chương trình thuế nhà thờ của đất nước, là nước đóng góp lớn thứ năm trong bốn năm qua, chiếm 5% tổng số tiền thu được.

Brazil, quốc gia có dân số Công Giáo lớn nhất thế giới, đứng thứ sáu — với 4% tổng số tiền đóng góp.

Cũng như nhiều khía cạnh khác trong hoạt động của Vatican, Quỹ Đồng Xu Thánh Phêrô thường chi tiêu nhiều hơn số tiền thu được. Từ năm 2021 đến năm 2024, Quỹ Đồng Xu Thánh Phêrô đã thu về 263.9 triệu euro và chi tiêu 336.6 triệu euro.

Rõ ràng, việc chi tiêu nhiều hơn số tiền thu được chỉ có thể thực hiện được khi Quỹ Đồng Xu Thánh Phêrô còn dự trữ để sử dụng. Tuy nhiên, không rõ liệu Quỹ Đồng Xu Thánh Phêrô có thực sự có tiền mặt trong ngân hàng hay không — Vatican không tiết lộ mức dự trữ của mình. Do đó, không rõ mức chi tiêu thâm hụt hiện tại có thể kéo dài bao lâu.

Bởi vì đây là nguồn thu từ Giáo hội hoàn cầu, và xét đến việc Vatican đã thâm hụt ngân sách cơ cấu trong nhiều thập niên, Quỹ Đồng Xu Thánh Phêrô đã trở thành phương thức chủ chốt để tài trợ cho Vatican, vốn đang chịu mức thâm hụt không bền vững trong những năm gần đây.

Mặc dù việc tiếp thị quỹ Đồng Xu Thánh Phêrô (đặc biệt là ở Hoa Kỳ) thường nhấn mạnh đến việc Đức Giáo Hoàng đóng góp cho các dự án từ thiện đặc thù trên khắp thế giới, nhưng “tài trợ cho các tổ chức từ thiện của Đức Giáo Hoàng” thực chất chỉ là một phần nhỏ trong tổng số tiền chi tiêu của Quỹ Đồng Xu Thánh Phêrô.

Trong bốn năm qua, quỹ đã chi 84% số tiền của nó cho các bộ sở của Vatican, với chỉ 16% số tiền được dành cho các dự án từ thiện trên toàn thế giới.

Các tiết lộ tài chính của Vatican cung cấp ví dụ về một số dự án từ thiện này, được trung bình 16% của quỹ phụ chi mỗi năm.

Năm 2024, các dự án đó bao gồm:

92,000 euro để sửa chữa một tu viện ở Cuba.

92,000 euro để cải tạo ký túc xá ở Angola.

84,000 euro để xây dựng một viện dưỡng lão ở Ấn Độ.

Trung bình mỗi năm, 13 triệu euro được phân bổ cho các dự án như vậy trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, phần lớn số tiền này được dùng để chi trả cho một số bộ, được mô tả là "hỗ trợ sứ mệnh tông đồ" trong các bộ tài chính của Vatican.

Đồng Xu Thánh Phêrô đã chi 61.2 triệu euro vào năm 2024 để hỗ trợ các bộ sở, ít hơn mức trung bình 71 triệu euro trong bốn năm.

Tổng ngân sách năm 2024 cho các bộ sở được hỗ trợ là 367.4 triệu euro, trong đó Quỹ Đồng Xu Thánh Phêrô chi trả 17%.

Các tiết lộ tài chính không nêu tên các bộ sở hoặc chương trình chuyên biệt, nhưng các khoản mục lớn nhất về mặt tài trợ được mô tả như sau:

Theo nhiều cách, việc tài trợ cho Quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô dường như đã hoàn tất một vòng tròn. Vào đầu chương trình hiện đại, vào những năm 1870, quỹ này được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động chung của Vatican sau khi Tòa Thánh mất các nguồn tài trợ dân sự trong quá trình thống nhất chính trị của Ý.

Ngày nay, với tình hình tài chính hỗn loạn của Vatican, Quỹ Đồng Xu Thánh Phêrô một lần nữa trở thành quỹ chung để hỗ trợ các ưu tiên của Đức Giáo Hoàng, từ các hoạt động từ thiện đến hoạt động của Tòa Thánh.

Tuy nhiên, ngay cả khi là một nguồn tài trợ hoàn cầu, nó có thể vẫn chưa đủ để ngăn chặn các vấn đề tài chính mà Vatican đang phải đối diện. Có thể cần một quỹ tập trung rõ ràng hơn vào việc tài trợ chung cho các hoạt động của Tòa Thánh để lấp đầy những lỗ hổng mà ngân sách hiện đang phải đối diện.