1. Các Hồng Y cầu nguyện tại ngôi mộ của Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong di nguyện của Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô được Tòa Thánh công bố hôm 22 Tháng Tư, ngài viết:

Khi tôi cảm nhận được hoàng hôn của cuộc sống trần thế đang đến gần, và với niềm hy vọng vững chắc vào cuộc sống vĩnh hằng, tôi muốn nêu ra những mong muốn cuối cùng của mình chỉ liên quan đến nơi chôn cất tôi.

Trong suốt cuộc đời tôi, và trong suốt sứ vụ của tôi với tư cách là một linh mục và giám mục, tôi luôn phó thác bản thân mình cho Mẹ của Chúa chúng ta, Đức Trinh Nữ Maria. Vì lý do này, tôi cầu xin cho hài cốt của tôi được nghỉ ngơi — chờ đợi ngày Phục sinh — tại Đền Thờ Đức Bà Cả.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh di chuyển linh cửu của Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô từ Đền Thờ Thánh Phêrô đến Đền Thờ Đức Bà Cả.

Sau khi đến nơi vào lúc 1g chiều Thứ Bẩy, 26 Tháng Tư, Đức Hồng Y Nhiếp Chính Kevin Farrell đã cử hành các nghi lễ sau cùng.

Ngôi mộ của Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô đã được chuẩn bị trong hốc chôn cất ở lối đi bên giữa Nhà nguyện Pauline, là nơi có ảnh Đức Bà Là Phần Rỗi của dân thành Rôma; và Nhà nguyện Sforza của đền thờ.

Ngôi mộ nằm sâu dưới lòng đất; đơn giản, không có đồ trang trí đặc biệt, chỉ có dòng chữ: Franciscus.

Hôm Chúa Nhật Lòng Thương Xót, ngày 27 tháng 4 năm 2025, Tòa Thánh đã công bố những bức ảnh về lăng mộ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và giải thích rằng cây thánh giá trên mộ của ngài là bản sao của cây thánh giá mà ngài đeo, mô tả Chúa Kitô là Người Chăn Chiên Nhân Lành, đang mang một con chiên trên vai.

Sáng Chúa Nhật, 27 Tháng Tư, các tín hữu đã đổ xô đến mộ của Đức Phanxicô. Cửa đền thờ được mở lúc 7 giờ sáng và đến trưa đã có 13.000 người vào. Một hàng dài người xếp hàng bên ngoài Đền Thờ Đức Bà Cả vào giữa trưa.

Lúc 4 giờ chiều Chúa Nhật Lòng Thương Xót, các Hồng Y đã cùng nhau tham dự thánh lễ cầu nguyện cho Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô và viếng thăm mộ ngài tại Đền thờ Đức Bà Cả. Hầu như tất cả các Hồng Y đều đã có mặt ở Rôma, vì hầu hết họ đã đồng tế Thánh lễ an táng với vị Niên trưởng Hồng Y Đoàn, Đức Hồng Y Giovanni Re.

Vị chủ tế trong thánh lễ cầu nguyện cho Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô tại Đền Thờ Đức Bà Cả là Đức Hồng Y Rolandas Makrickas, người Lithuania. Ngài sinh ngày 31 Tháng Giêng năm 1972. Ngài là phó giám quản Đền Thờ Đức Bà Cả từ năm 2024. Ngài làm việc trong ngành ngoại giao của Tòa thánh từ năm 2006 cho đến năm 2021, khi ngài được giao trách nhiệm tổ chức lại hoạt động quản trị của Đền Thờ Đức Bà Cả. Ngài được phong tổng giám mục vào năm 2023 và được Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong Hồng Y vào năm 2024.

Trong di nguyện cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài đã phó thác mọi sự liên quan đến việc an táng ngài tại Đền Thờ Đức Bà Cả cho vị Hồng Y này.

Các Hồng Y đã đi qua Cửa Thánh, viếng thăm mộ của Đức Phanxicô, rồi đến nhà nguyện nơi trưng bày bức ảnh Đức Bà Là Phần Rỗi Của Dân Rôma. Sau đó, các ngài cùng nhau đọc Kinh Chiều.


Source:Aleteia

2. Sáng kiến “Khởi đầu mới” phản đối các Giám Mục Đức lợi dụng Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng tung ra chỉ thị chúc lành cho tội lỗi

Sáng kiến “Khởi đầu mới”, vốn chỉ trích Tiến Trình Công Nghị Đức ngay từ đầu, đã đưa ra một “tuyên bố phản đối” để chỉ trích tài liệu mới về “Phước lành cho các cặp yêu nhau”. Tài liệu này, trong đó đề cập rõ ràng đến việc các linh mục phải chúc lành cho “các cặp thuộc mọi khuynh hướng tình dục và bản dạng giới tính”, đã được công bố vào thứ Tư 23 Tháng Tư, hai ngày sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời. Tài liệu nhấn mạnh rằng các linh mục phải chúc lành cho các cặp yêu nhau, và phải làm như thế “với lòng biết ơn”.

Văn bản đã được Hội nghị chung các thành viên của Hội đồng Giám mục Đức, gọi tắt là DBK và Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK, thông qua vào ngày 4 tháng 4, như đã nêu trong chính tài liệu.

Sáng kiến “Khởi đầu mới”, tiếng Đức là “Neuer Anfang”, đã liên kết việc công bố tài liệu này với cái chết của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 21 tháng 4. Họ nhận định rằng: “Rõ ràng là tài liệu này đã nằm sẵn trong ngăn kéo. Có lẽ họ chỉ đang chờ Đức Giáo Hoàng qua đời và thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng để nắm bắt thời kỳ thẩm quyền pháp lý của giáo hội suy yếu và đưa ra chính xác những gì bị cấm rõ ràng trong Fiducia supplicans”

Trong một bài báo đăng trên tờ Die Welt, một phụ nữ đã đưa ra lời cảnh cáo thực tiễn về tài liệu “Phước lành cho các cặp yêu nhau” của DBK. Bà nói rằng tài liệu này sẽ đẩy Giáo Hội vào một tình huống vô cùng nguy hiểm.

Người phụ nữ này cho biết bà có mâu thuẫn với chồng, và người chồng hiện nay đang sống với một người đàn bà khác. Tuy nhiên, bà sẵn sàng tha thứ và vẫn tin vào khả năng tái hợp với anh ta. Gần đây, anh chồng xin cha sở địa phương chúc lành cho mối lương duyên mới của anh ta. Bà đã kêu gọi cha sở trước khi chúc lành như thế hãy nghĩ đến cảm giác của bà, và các phụ nữ trong tình huống tương tự, khi Giáo Hội tham gia vào việc phá tan nát gia cang người ta. Bà thắc mắc tại sao lại có các Giám Mục cấp tiến một cách cực đoan đến mức có thể xô đẩy Giáo Hội vào một tình huống hiểm nghèo như thế.

Nhóm “Khởi đầu mới” lưu ý: “Việc tạo ra các nghi lễ phụng vụ được khuyến khích, nhân danh Giáo Hội đang bóp méo những gì Giáo hội thực sự dạy.”

Tài liệu chung của DBK và ZdK tự giới thiệu là “nhân đạo, khoác lên mình 'bộ quần áo cứu rỗi', nói theo lối ngụy biện giả chính thống, và viện dẫn Đức Cố Giáo Hoàng cho mục đích trái ngược với ý định đã nêu của ngài. Tài liệu này có tính cưỡng ép tinh vi. Tài liệu này khiếm nhã. Tài liệu này là sự bất tuân được một số giám mục Đức ủng hộ.”

Hơn nữa, tài liệu này còn cho thấy “sự tàn bạo về mặt chiến lược khi Rôma bị coi thường, sự hiệp nhất với Giáo hội hoàn vũ bị bỏ rơi, giáo lý của Giáo hội bị phá hoại bởi những 'thực hành' mới, sự dối trá đã ăn sâu vào phong tục, các linh mục bị buộc phải tham gia vào việc lạm dụng phụng vụ, và các tín hữu bị dẫn dắt vào chỗ lầm đường lạc lối.”

Sáng kiến “Maria 1.0”, giống như “Neuer Anfang”, rất hoài nghi về Tiến Trình Công Nghị, đã cho thấy một sự hiểu biết nhất định về lập luận của tài liệu hướng dẫn, trong đó đề cập đến tuyên bố Fiducia supplicans của Vatican. Tài liệu của Vatican chứa “nhiều câu được xây dựng không chính xác, để lại nhiều chỗ cho việc diễn giải và gây ra nguy cơ lạm dụng rất lớn. Nỗi sợ hãi này, được sáng kiến Maria 1.0 chỉ ra nhiều lần, đã được áp dụng trong tài liệu DBK hiện tại.”

Sáng kiến kết luận trong tuyên bố của mình rằng: “Người ta chỉ có thể hy vọng rằng một Đức Giáo Hoàng mới sẽ lập lại trật tự trong Giáo hội và chấm dứt tình trạng hỗn loạn đầy màu sắc”. “Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện rằng một Đức Giáo Hoàng mới sẽ dẫn dắt Giáo hội ở Đức trở lại với đức tin và chấm dứt sự phá hoại tùy tiện của DBK đối với học thuyết và thực hành của Giáo hội.”


Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Müller cảnh báo Giáo hội có nguy cơ chia rẽ nếu không chọn được một vị Giáo Hoàng chính thống

Đức Hồng Y người Đức Gerhard Müller đã cảnh báo trước Cơ Mật Viện vào tháng 5 rằng Giáo Hội Công Giáo có nguy cơ ly giáo nếu không chọn ra một nhà lãnh đạo “chính thống”.

Đức Hồng Y Müller, 77 tuổi, từ lâu đã là một ngọn hải đăng trong số những người Công Giáo truyền thống thường phản đối đường lối cải cách của Đức Thánh Cha Phanxicô, và ngài là một trong số ít “nhà tư tưởng bảo thủ” trong Giáo Hội Công Giáo có trụ sở tại Rôma, cùng với Hồng Y Hoa Kỳ Raymond Burke, The Times đưa tin.

Đức Hồng Y Müller cho biết ngài không đồng ý với việc sử dụng các nhãn “cấp tiến” và “bảo thủ” cho Giáo Hội Công Giáo, chỉ ra rằng sự chia rẽ trong Giáo hội còn sâu sắc hơn. Ngài cho biết, tân Đức Giáo Hoàng “phải là chính thống - không phải là người cấp tiến cũng không phải là người bảo thủ”.

Ngài cho biết rằng “vấn đề không phải là giữa những người bảo thủ và cấp tiến mà là giữa chính thống và dị giáo”, đồng thời nói thêm: “Tôi cầu nguyện rằng Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho các Hồng Y, bởi vì một Đức Giáo Hoàng dị giáo thay đổi hàng ngày tùy thuộc vào những gì phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin sẽ là thảm họa”.

Đức Hồng Y Müller lập luận rằng vị Giáo Hoàng tiếp theo không nên “tìm kiếm sự hoan nghênh của thế giới thế tục coi Giáo hội là một tổ chức nhân đạo thực hiện công tác xã hội”.

Đức Hồng Y Müller mô tả Đức Thánh Cha Phanxicô là một “người đàn ông tốt” mặc dù hai vị bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề. Đức Hồng Y Müller đã liệt kê những điểm khác biệt của mình với Đức Thánh Cha Phanxicô, bắt đầu từ quyết định năm 2023 của Đức Cố Giáo Hoàng cho phép ban phước cho các cặp đồng giới. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói vào thời điểm đó rằng “chúng ta không thể là những thẩm phán chỉ phủ nhận, đẩy lùi, loại trừ”, nhưng động thái này đã gây ra tranh cãi lớn, với các giám mục ở Phi Châu và Á Châu từ chối ban phước.

Tờ The Times đưa tin, danh sách những bất bình của Đức Hồng Y Müller đối với Đức Thánh Cha Phanxicô cũng mở rộng sang sự tập trung của Đức Cố Giáo Hoàng vào vấn đề người di cư và môi trường.

Đức Hồng Y Müller lưu ý rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô được giới truyền thông đại chúng đánh giá cao và có nguy cơ các Hồng Y sẽ nói rằng, 'Chúng ta nên tiếp tục'“. Thay vào đó, ngài nói, “các Hồng Y có trách nhiệm tại Cơ Mật Viện bầu ra một người có khả năng thống nhất Giáo hội trong chân lý đã được mạc khải”.

Ngài nói thêm: “Tôi hy vọng các Hồng Y không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những gì các ngài đọc trên các tiêu đề báo chí.”

Gần 80 phần trăm trong số 135 Hồng Y đủ điều kiện bỏ phiếu đã được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn, chỉ ra khả năng có cái gọi là đa số cấp tiến trong Cơ Mật Viện, theo tờ The Times. Nhưng quan điểm của nhiều Hồng Y sẽ không được biết cho đến khi các ngài hòa nhập với các Hồng Y khác tại các cuộc họp trước Cơ Mật Viện được gọi là các cuộc họp toàn thể, và điều này có thể ảnh hưởng đến các cuộc bỏ phiếu sau đó.

Khi được hỏi liệu ngài có quảng bá quan điểm của mình tại các cuộc họp này hay không, những cuộc họp sẽ bắt đầu nghiêm chỉnh sau lễ tang của Đức Phanxicô vào thứ Bảy tuần này, Müller trả lời: “Tôi phải làm điều đó; tôi nợ lương tâm của mình”.

Ngài cảnh báo rằng giải pháp thay thế là Giáo hội có nguy cơ chia rẽ thành hai nếu không bầu được một Đức Giáo Hoàng “chính thống”.

“Không người Công Giáo nào có nghĩa vụ phải tuân theo các thứ lý thuyết sai trái”, ngài nói và nói thêm: “Công Giáo không phải là tuân theo Đức Giáo Hoàng một cách mù quáng mà không tôn trọng kinh thánh, truyền thống và giáo lý của Giáo hội”.

Được người tiền nhiệm theo chủ nghĩa truyền thống của Đức Thánh Cha Phanxicô là Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Hồng Y Müller vẫn giữ chức vụ của mình sau cuộc bầu cử của Đức Giáo Hoàng người Á Căn Đình vào năm 2013 nhưng sớm thách thức chương trình nghị sự tự do của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Năm 2017, ngài bị Đức Thánh Cha Phanxicô sa thải sau khi chỉ trích quyết định của Đức Giáo Hoàng cho phép rước lễ đối với những người ly hôn tái hôn dân sự. Quan điểm của ngài có thể đại diện cho các Hồng Y “bảo thủ” khác quyết tâm bầu một người kế nhiệm chính thống hơn sau Đức Thánh Cha Phanxicô.

Là cựu giám mục của Regensburg ở Đức, Đức Hồng Y Müller cũng là nhà lãnh đạo khoa thần học tín lý tại Đại học Ludwig Maximilian ở Munich.

Trong một cuốn sách xuất bản năm 2023 mà tờ The Times cho rằng “sẽ là một cẩm nang hữu ích cho những người bảo thủ tại Cơ Mật Viện”, Đức Hồng Y Müller đã chỉ trích thỏa thuận của Đức Thánh Cha Phanxicô với Trung Quốc về việc cùng nhau bổ nhiệm các giám mục, so sánh thỏa thuận đó như việc Vatican xoa dịu Đức Quốc xã vào những năm 1930 và cảnh báo: “Bạn không thể đạt được thỏa thuận với quỷ dữ”.

Đức Hồng Y Gerhard Müller cũng cảnh báo các Hồng Y đến bỏ phiếu tại Cơ Mật Viện nên tránh những thuyết âm mưu và các cuộc điều tra bí mật được mô tả trong bộ phim Conclave từng đoạt giải Oscar.

“Đây không phải là trò chơi quyền lực do những kẻ ngu ngốc muốn thao túng, giống như trong bộ phim này, vốn chẳng liên quan gì đến thực tế”, vị Hồng Y người Đức cho biết.


Source:Catholic Herald