Như chúng tôi đã loan tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Chúa gọi về vào lúc 7:35 sáng ngày 21 tháng 4 năm 2025, theo giờ địa phương Rôma hay 12:35 trưa giờ Việt Nam, sau một thời gian dưỡng bệnh vì nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng.

Y tá của Đức Thánh Cha là ông Massimiliano Strappetti đã báo cáo về cái chết của Đức Thánh Cha. Ngay sau đó, Đức Hồng Y Nhiếp Chính Kevin Farrell, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã có mặt tại nhà nguyện Santa Marta, là nơi cư trú của Đức Giáo Hoàng.

Theo đúng thủ tục, Đức Hồng Y Nhiếp Chính đã gọi tục danh của Đức Giáo Hoàng là Jorge Mario Bergoglio 3 lần để đánh thức ngài dậy.

Khi Đức Giáo Hoàng không trả lời, sau 3 tiếng gọi của Đức Hồng Y Nhiếp Chính, theo truyền thống, vị Hồng Y đã tháo chiếc nhẫn trên tay của Đức Giáo Hoàng, đóng vai trò là con dấu cho các văn bản chính thức của ngài. Chiếc nhẫn ấy được gọi là Nhẫn Ngư Phủ. Đức Hồng Y Nhiếp Chính đã dùng một chiếc búa bạc đập nát chiếc Nhẫn Ngư Phủ, báo hiệu sự kết thúc triều đại Giáo Hoàng Phanxicô, và nơi ở của vị Giáo Hoàng đã bị niêm phong.

Đức Hồng Y Nhiếp Chính đã chính thức thông báo cho Hồng Y Đoàn rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã qua đời, trước khi đưa ra tuyên bố chính thức từ nhà nguyện Casa Santa Marta vào khoảng 9:53 sáng, hay gần 3 giờ chiều giờ Việt Nam. Tuyên bố này đã đánh dấu sự kết thúc của một triều đại Giáo Hoàng có ảnh hưởng sâu sắc kéo dài 12 năm.

Bắt đầu từ 10 giờ sáng giờ Rôma hay 3 giờ chiều ngày Thứ Hai, 21 Tháng Tư, tính theo giờ Việt Nam, tất cả các vị đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh đã bị mất chức, trừ ra vị Hồng Y Nhiếp Chính. Việc cai quản Giáo Hội từ lúc đó do Hồng Y Đoàn chịu trách nhiệm, mặc dù không có quyết định quan trọng nào có thể được đưa ra cho đến khi một Giáo Hoàng mới được bầu.

Niên trưởng Hồng Y Đoàn hiện nay là Đức Hồng Y Giovanni Battista Re. Năm nay ngài đã 91 tuổi nên không còn quyền bầu Giáo Hoàng.

Chiếc Nhẫn Ngư Phủ là một trong một số những chiếc nhẫn các vị Giáo Hoàng thường đeo bên tay phải. Nói là “một trong một số những chiếc nhẫn” vì có khi ngài đeo nhẫn giám mục của mình. Chiếc nhẫn có tên là “chiếc Nhẫn Ngư Phủ” vì trên đó khắc hình ảnh của Thánh Phêrô như một ngư dân, như một thiết kế tiêu chuẩn vào giữa thế kỷ 15.

Đức Giáo Hoàng Clêmentê Đệ Tứ đã dùng chiếc nhẫn này làm con dấu sáp trong ít nhất là hai lá thư của ngài được ấn ký vào năm 1265 và 1266. Nhìn chung, chiếc Nhẫn Ngư Phủ thường sử dụng làm con dấu sáp trong các thư riêng của Đức Giáo Hoàng thay cho con dấu chì chính thức được sử dụng cho các tài liệu giáo hoàng trang trọng.

Vào năm 1842, việc sử dụng nhẫn như con dấu sáp đã được thay thế bằng một con tem, nhưng đó chỉ là một nhiệm ý, các vị Giáo Hoàng vẫn có thể dùng chiếc Nhẫn Ngư Phủ để đóng dấu. Vì thế, mỗi vị Giáo Hoàng vẫn nhận được một Chiếc Nhẫn Ngư Phủ độc nhất cho riêng ngài khi bắt đầu triều giáo hoàng. Chiếc nhẫn sau đó bị phá hủy ngay sau khi ngài qua đời để tránh có người dùng nhẫn ấy để ngụy tạo các văn bản của vị Giáo Hoàng quá cố.

Khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thoái vị vào ngày 11 tháng Hai, 2013, và sau khi ngài chấm dứt triều Giáo Hoàng của ngài hôm 28 tháng Hai, 2013, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, trong tư cách là Hồng Y Nhiếp Chính, đã cắt chiếc Nhẫn Ngư Phủ của Đức Bênêđíctô thành 115 miếng nhỏ, tương ứng với số 115 Hồng Y cử tri.

Vào đầu thế kỷ 20, Đức Giáo Hoàng Piô X đã truyền ban ơn tiểu xá cho những ai hôn chiếc Nhẫn Ngư Phủ. Vì thế, truyền thống hôn Chiếc Nhẫn Ngư Phủ đã trở nên thịnh hành.

Cha Regoli giải thích rằng truyền thống hôn Chiếc Nhẫn Ngư Phủ của Đức Giáo Hoàng còn trở nên thịnh hành hơn trước đó nữa sau khi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục loại bỏ các hình thức thể hiện sự tôn kính và vâng phục Đức Giáo Hoàng như hôn chân, vai và má của Đức Giáo Hoàng.

Xin anh chị em cầu nguyện nhiệt thành cho Giáo Hội trong giờ phút nghiêm trọng này.