Đức Thánh Cha Phanxicô đã được Chúa gọi về. Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Hồng Y Kevin Farrell, là Hồng Y nhiếp chính đã thông báo về cái chết của Đức Thánh Cha Phanxicô vào lúc 7:35 sáng, ngày 21 tháng 4, theo giờ địa phương Rôma.
Cái chết của ngài đã dẫn đến chín ngày để tang được gọi là Novendiale, ban đầu là một phong tục của người Rôma cổ đại. Ý cũng tuyên bố một thời gian quốc tang.

Thi hài của ngài sẽ được làm phép, mặc lễ phục của Giáo Hoàng và được trưng bày tại Đền Thờ Thánh Phêrô để công chúng chiêm ngưỡng, nơi dự kiến hàng trăm ngàn người sẽ xếp hàng để tỏ lòng thành kính, bao gồm cả các chức sắc nước ngoài và các nhà lãnh đạo thế giới.

Trước đây, thi hài của Giáo Hoàng được trưng bày trên một bệ cao gọi là catafalque. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ ý muốn một tang lễ giản lược. Cho nên, trong trường hợp của Đức Thánh Cha Phanxicô, có lẽ người ta sẽ thấy ngài nằm trong một chiếc quan tài mở mà không có nhiều nghi lễ và sự phô trương.

Theo truyền thống, các Giáo Hoàng thường được ướp xác và một số vị còn cho phép lấy nội tạng trước khi chôn cất — một nhà thờ gần Đài phun nước Trevi ở Rôma lưu giữ trái tim của hơn 20 Giáo Hoàng trong các bình đựng bằng đá cẩm thạch, được bảo quản như thánh tích — nhưng những tập tục này hiện không còn được ưa chuộng nữa.

Trong thời gian 9 ngày tang tóc, các buổi cầu nguyện hàng ngày và Thánh lễ cầu hồn sẽ được tổ chức tại Đền Thờ Thánh Phêrô và trên khắp thế giới Công Giáo.

Trong khi đó, Vatican sẽ bước vào thời kỳ chuyển tiếp gọi là sede vacante, có nghĩa là “trống tòa”, trong thời gian đó quyền cai quản Giáo Hội tạm thời được trao lại cho Hồng Y đoàn — mặc dù không có quyết định quan trọng nào có thể được đưa ra cho đến khi một Giáo Hoàng mới được bầu.

Nghi thức chôn cất vị Giáo Hoàng quá cố

Theo tông hiến Universi Dominici Gregis, nghĩa là “Đoàn Chiên Phổ Quát của Chúa”, do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II công bố ngày 22-02-1996, tang lễ của một vị Giáo Hoàng phải diễn ra trong vòng từ 4 đến 6 ngày sau khi ngài qua đời.

Lễ tang của các vị Giáo Hoàng thường được tổ chức tại quảng trường Thánh Phêrô, với những người đưa tang tập trung tại Vatican để tham dự buổi lễ. Buổi lễ sẽ do niên trưởng Hồng Y đoàn chủ sự. Niên trưởng Hồng Y đoàn hiện nay là Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, 91 tuổi, người Ý.

Theo truyền thống, vị Giáo Hoàng sau đó được chôn cất tại Vatican Grottoes, tức là các hầm mộ bên dưới Đền Thờ Thánh Phêrô. Gần 100 vị Giáo Hoàng được chôn cất tại đây, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, người tiền nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã từ chức vào năm 2013 và mất vào năm 2022.

Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2023 rằng ngài đã chọn Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma, một trong những nhà thờ yêu thích và thường xuyên lui tới nhất của ngài, làm nơi an nghỉ cuối cùng của mình, khiến ngài trở thành Giáo Hoàng đầu tiên trong một thế kỷ được chôn cất bên ngoài Vatican.

Các Giáo Hoàng trước đây được chôn cất trong ba chiếc quan tài: một chiếc làm bằng gỗ bách, một chiếc làm bằng kẽm và một chiếc làm bằng gỗ du, xếp chồng vào nhau, nhưng Đức Phanxicô đã ra lệnh chôn cất ngài trong một chiếc quan tài duy nhất làm bằng gỗ và kẽm.

Khi Bênêđíctô XVI được chôn cất, quan tài của ngài cũng chứa những đồng tiền đúc trong thời gian trị vì của ngài, cũng như một ống kim loại bao quanh một cuộn giấy cuộn tròn, được gọi là rogito — một tài liệu dài 1.000 từ kể lại cuộc đời và triều đại của ngài. Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ được chôn cất cùng với rogito của riêng mình, mô tả chi tiết về triều đại Giáo Hoàng độc đáo của ngài.