Trường Phái Thánh Tôma
Lm Nguyễn Trung Tây


Vào mỗi mùa Phục Sinh, lắng nghe bài Phúc Âm nói về niềm tin cứng cỏi của Tôma, tôi lại càng cảm thấy thương hại cho thánh Tôma tông đồ nhiều hơn. Tôi chép miệng tiếc cho Tôma, bởi vào những giây phút hệ trọng cần phải có mặt trong cả một cuộc đời ba năm bỏ hết tất cả để đi theo Chúa thì thánh Tôma lại vắng mặt! Từ thương hại, tôi lại chuyển đổi sang thương cảm, bởi ý nghĩ tại sao trên đời này lại có những người chậm lụt đến như thế. Trong khi thiên hạ bao nhiêu người đã có cơ hội chiêm ngắm và tâm sự với Đức Giêsu Phục Sinh, trong khi tin mừng Phục Sinh tưng bừng nổ tung chiếu sáng trên vòm trời đêm đen nhân loại (hơn cả pháo bông cháy rực rỡ trên cầu Harbor của phố cảng Sydney vào phút Giao Thừa), thế mà ngài tông đồ yêu quý lại cứ ngây nga ngây ngô như người ngủ trưa mới thức dậy. Lại một lần nữa tôi chép miệng,

— Đến là chán!

Không cần phải đoán già đoán non, tôi tin rằng nếu thánh Tôma mà sống bên Mỹ/Úc, chắc chắn không sớm thì muộn ngài cũng sẽ mất việc, bởi thánh tông đồ có vẻ hơi chậm lụt. Mà những người rùa bò, vô trễ về sớm thì thường được anh cai xếp, bà chủ hãng nhìn ngó với ánh mắt thiếu thiện cảm. Trong hãng, có chuyện chi xảy ra, cần phải giảm bớt con số nhân công, thánh Tôma của thiên niên kỷ 2000 sẽ cầm đơn gõ cửa văn phòng chính quyền liên bang xin tiền trợ cấp thất nghiệp là cái chắc.

Tôi biết lịch sử nhân loại cũng có nhiều nhân vật kỳ tài xuất thân từ trường phái nghi ngờ như thánh Tôma. Thời trước Công Nguyên, thiên hạ có Trang Tử, nằm ngủ mơ thấy mình hóa bướm. Khi thức dậy, Trang Tử thắc mắc đi ra đi vô gãi đầu gãi tai nghi ngờ không biết là Trang Tử đã ngủ mơ, hóa ra bướm, hay là bướm ngủ mơ, hóa ra Trang Tử.

Tới thời của Đức Giêsu, xuất hiện thánh Tôma.

Tới thời Trung Cổ, trường phái nghi ngờ xuất hiện thêm một nhân vật nữa làm nổi danh rạng rỡ gia tông, đó là, René Descartes. Cũng tương tự như Trang Tử, như thánh Tôma, Descartes cũng ưa nghi ngờ, hay đặt vấn đề. Có một lần, Descartes nằm ngủ mơ thấy mình đang ngồi trước lò sưởi bập bùng vào một đêm giá lạnh. Khi thức dậy, Descartes nghi ngờ không biết là Descartes đang ngồi trước lò sưởi rồi ngủ mơ là mình đang ngồi trước lò sưởi, hay là thực sự ra là Descartes đang ngủ và nằm mơ là mình đang ngồi trước lò sưởi.

Trong thiên hạ, nghi ngờ cỡ như Trang Tử và Descartes là một trong những cái nhất của đệ nhất thiên hạ trường phái nghi ngờ. Trong niềm tin, nghi ngờ cỡ như Tôma là một trong những cái nhất của đệ nhất niềm tin nghi ngờ.

Tưởng là Trường Phái Nghi Ngờ đã tuyệt tích giang hồ, trưởng môn nhân đời thứ nhất Trang Tử, tiếp nối là Tôma, và Descartes đã viên tịch, cửa môn đã rêu xanh u tịch sau khi Descarte nằm xuống mồ yên mả đẹp.

Nhưng không!

Có một ngày tôi nhận ra mình đang đứng, bóng đổ dài trên sân gạch của Trường Phái Nghi Ngờ. Tưởng mình là người duy nhất, nhưng không, quay nhìn chung quanh, tôi giật mình nhận ra trần gian cũng vẫn còn nhiều kẻ nghi ngờ.

Tôi thuộc Trường Phái Nghi ngờ khi tôi không tin vào Lòng Thương Xót của Chúa! Tôi mang tâm hồn hẹp hòi cứng cỏi của trần gian so sánh với biển xanh dưỡng nuôi và bản chất tha thứ của thiên đàng.

Khi tôi nghi ngờ hoặc là không tin khả năng chữa lành những vết thương tâm hồn của Niềm Tin. Tôi nghĩ những lời kinh là vô bổ (vớ vẩn). Tôi nghĩ tôi thực tế. Tôi tin vào thực tế chủ nghiã.

Khi tôi nghi ngờ khả năng sức mạnh của niềm hy vọng vào một ngày mai, bên khung cửa có một bông hoa bình dị nở tung chào đón ánh nắng đầu mùa một ngày mới tinh khôi.

Khi tôi nghi ngờ vào tính thiện của con người. Tôi thích chăm chú dõi nhìn và tin vào bóng tối của cuộc sống.

Khi tôi nghi ngờ vào khả năng của mình. Tôi nghĩ và tôi tin mình chẳng sở hữu một đồng xu nào trên đôi bàn tay. Tôi nhìn chung quanh và tin vào khả năng của người hàng xóm.

Khi tôi nghi ngờ, không tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa, đặc biệt nơi tha nhân. Trong trường hợp này, tôi đích thực là đệ tử chân truyền của thánh Tôma tông đồ thủa xưa.

Lời nguyện: Lạy Ngài, xin cho con thấy!