Gia Tài Để Lại
Nguyễn Trung Tây


“Tôi muốn một Giáo Hội bị bầm dập, tổn thương và lấm lem vì đã ra đường phố, còn hơn một Giáo Hội bị bệnh vì khép kín và bám víu vào sự an toàn của chính mình" (Evangelii Gaudium, 49).

Gia sản mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô để lại cho Giáo Hội và cho từng Kitô hữu không phải là vàng bạc hay những công trình tráng lệ, nhưng là một lời mời gọi hoán cải tận căn về sứ mạng. Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo (Ad Gentes, 2). Dựa trên giáo huấn của Công đồng Vaticanô II, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng nếu Giáo Hội không còn loan báo Tin Mừng cho thế giới, thì Giáo Hội không còn hiện hữu đúng nghĩa nữa. Vì thế, Giáo Hội được mời gọi bước ra khỏi vùng an toàn của mình, vượt qua mọi ranh giới và hòa mình vào thực tại đầy thương tích của thế giới, để đem Đức Kitô đến với những ai đang khát khao sự sống thật.

Chính Đức Giêsu cũng đã sai các môn đệ ra đi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Lời sai đi ấy ngày nay vang vọng mạnh mẽ qua Thông điệp Laudato Si’, trong đó Đức Thánh Cha nhắc chúng ta rằng việc loan báo Tin Mừng không thể tách rời khỏi trách nhiệm chăm sóc ngôi nhà chung. Truyền giáo và sinh thái là hai dòng chảy hòa quyện, bởi lẽ tất cả thụ tạo đều mang trong mình vẻ đẹp và phẩm giá của Đấng Tạo Hóa.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặc biệt quan tâm đến người nghèo, những người bị gạt ra bên lề xã hội. Ngài luôn nhắc nhở rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của những kẻ bé mọn, bị áp bức và lãng quên. Một Giáo Hội đích thực phải sống giữa họ, lắng nghe tiếng kêu của họ, bảo vệ phẩm giá và đồng hành trên hành trình phục hồi. Đây không phải là chọn lựa tùy tiện, nhưng là trái tim của Tin Mừng.

Khi thực sự sống cho con người và cho tạo thành, Giáo Hội sẽ mang trên mình những vết bầm của dấn thân, đôi tay đầy bụi đất của phục vụ, và tấm áo lấm lem của lòng trắc ẩn. Với Đức Phanxicô, đây không phải là vết nhơ, nhưng là dấu chỉ của một Giáo Hội lành mạnh, một Giáo Hội sống động, nhập thể và trung tín với sứ mạng của mình.

Trái lại, một Giáo Hội co cụm trong những bức tường an toàn của “lâu đài tháp ngà,” tự làm chứng cho và tự rao giảng về chính mình, thì đang dần đánh mất căn tính là Giáo Hội của Đức Kitô.

Và hôm nay, đứng trước gia tài tinh thần quý giá mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô để lại, mỗi người tín hữu được mời gọi đặt lại câu hỏi: "Liệu tôi có sẵn sàng trở thành một phần của Giáo Hội mang thương tích và bụi đường, bởi vì cá nhân tôi đã chọn đồng hành với Đức Kitô trên những nẻo đường mà Người vẫn đang chịu đau khổ hôm nay?"