1. Những Đức Giáo Hoàng nào không được chôn cất tại Vatican?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra lệnh rằng khi qua đời, ngài sẽ được chôn cất tại Đền Thờ Đức Bà Cả. Đền thờ này rất thân thiết với ngài. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không phải là Đức Giáo Hoàng duy nhất được chôn cất bên ngoài Thành phố Vatican.

Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, có 266 Vị Giáo Hoàng và chỉ có khoảng 30 người được chôn cất bên ngoài Rôma.

90 Đức Giáo Hoàng được chôn cất tại Đền Thờ Thánh Phêrô, trong đó có 21 vị trong các hang động ở Vatican. Bên cạnh đó, có 22 vị tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, 7 vị tại Đền Thờ Đức Bà Cả, 5 vị tại nhà thờ Santa Maria sopra Minerva, 5 vị tại nhà thờ Thánh Lôrensô Ngoại thành, 3 vị tại đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành và một vị tại nhà thờ Mười hai thánh tông đồ.

Có nhiều yếu tố tác động khi quyết định nơi chôn cất. Địa điểm được chọn có thể là một đền thờ mà Vị Giáo Hoàng quá cố đặc biệt yêu thích hoặc một nơi có ý nghĩa biểu tượng quan trọng.

Cha Roberto Regoli, giám đốc Khoa Lịch sử Giáo hội tại Đại học Giáo Hoàng Grêgôriô, nhấn mạnh với CNA rằng “truyền thống chôn cất các vị Giáo Hoàng tại Đền Thờ Thánh Phêrô không có từ thời kỳ đầu của Kitô giáo. Chúng ta không biết gì về các cuộc chôn cất trong hai thế kỷ đầu tiên”.

Cha Regoli chỉ ra rằng “các Đức Giáo Hoàng đầu tiên cho đến thế kỷ thứ năm được chôn cất trong các hầm mộ hoặc một số tượng đài trên bề mặt. Đức Giáo Hoàng Lêô Cả là vị Giáo Hoàng đầu tiên được chôn cất tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Từ thời kỳ đó trở đi, chúng ta có các ngôi mộ rải rác khắp các nhà thờ ở Rôma, và sau đó từ cuối thế kỷ thứ năm cho đến thế kỷ thứ 10, chủ yếu là chôn cất tại Đền Thờ Thánh Phêrô.”

Những Đức Giáo Hoàng nào không được chôn cất tại Vatican?

Một số vị Giáo Hoàng đã chọn Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô làm nơi chôn cất. Người cuối cùng là Đức Lêô 13 vào năm 1903. Ngài muốn ngôi mộ của mình ở nhà thờ chính tòa của giáo phận Rôma, tức là Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn Đền Thờ Đức Bà Cả vì ngài có mối liên hệ đặc biệt với đền thờ này. Ngài đã cầu nguyện trước bức ảnh Đức Bà Là Phần Rỗi Của Dân Rôma trước và sau mỗi chuyến tông du. Ngài đã đến đó vào ngày đầu tiên của triều đại Giáo Hoàng của mình. Đức Giáo Hoàng — một tu sĩ Dòng Tên — đã gắn bó với đền thờ này vì chính tại đó, Thánh Y Nhã, người sáng lập Dòng Tên, đã cử hành Thánh lễ đầu tiên của mình.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không phải là Vị Giáo Hoàng đầu tiên được chôn cất tại Đền Thờ Đức Bà Cả. Vương cung thánh đường này có các ngôi mộ của các Đức Giáo Hoàng Honoriô Đệ Tam, Nicholas Đệ Tứ, Thánh Piô Đệ Ngũ, Síchtô Đệ Ngũ, Phaolô Đệ Ngũ, Clementê 8 và Clementê 9.

Truyền thống chôn cất các Giáo Hoàng tại Đền Thờ Thánh Phêrô có từ thế kỷ thứ tư. Hang động Vatican và Đền Thờ Thánh Phêrô lưu giữ hài cốt của 90 Giáo Hoàng.

Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô là nhà thờ chính tòa của Đức Giáo Hoàng Rôma. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều vị Giáo Hoàng muốn được chôn cất ở đó. Như đã lưu ý, vị Giáo Hoàng cuối cùng được chôn cất ở đó là Đức Lêô thứ 13 vào năm 1903, nhưng ngài không phải là vị Giáo Hoàng duy nhất được chôn cất tại đây. Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô lưu giữ hài cốt của 22 vị Giáo Hoàng.

Hài cốt của hai vị Giáo Hoàng được tìm thấy tại đền thờ Thánh Phaolô Ngoại thành — Felix Đệ Tam và Gioan 13 — Đức Gioan 13 qua đời năm 1009 tại tu viện của đền thờ này.

Nhà thờ Thánh Lôrensô Ngoại Thành là vương cung thánh đường được xây dựng trên hài cốt của phó tế Lôrensô. Đức Piô thứ 9 rất gắn bó với vương cung thánh đường này và được chôn cất tại đó. Bốn Vị Giáo Hoàng khác cũng được chôn cất tại vương cung thánh đường này, hầu hết đều có niên đại từ thế kỷ thứ năm.

Năm Vị Giáo Hoàng, bao gồm hai Đức Giáo Hoàng Medici, Lêô thứ 10 và Clementê Đệ Thất, được chôn cất tại Vương cung thánh đường Santa Maria Sopra Minerva, một trong những nhà thờ được trang trí nghệ thuật nhất ở Rôma và là nhà thờ Gothic cuối cùng còn sót lại trong thành phố. Nhà thờ nằm trước Trường Ngoại Giao Tòa Thánh, ngôi trường đào tạo các “đại sứ tương lai của Đức Giáo Hoàng”, các sứ thần và khâm sứ Tòa Thánh.

Đức Giáo Hoàng Clementê 14 cũng được chôn cất tại Vương cung thánh đường Mười hai Thánh Tông đồ ở Rôma.

Trong số các Đức Giáo Hoàng không được chôn cất tại Rôma, chúng ta có thể kể đến các Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XII, cai quản Giáo Hội từ 1406 đến 1415 được chôn cất tại Nhà thờ chính tòa Recanati, ở Marche; Bênêđíctô XII và Gioan 22 ở Avignon; Thánh Celestinô Đệ Ngũ (mất năm 1294 sau khi thoái vị) tại Vương cung thánh đường Collemaggio ở L'Aquila và ngôi mộ của ngài đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đến thăm trước khi ngài từ chức vào năm 2013; Chân phước Grêgôriô 10 ở Arezzo; Thánh Grêgôriô đệ Thất ở Salerno; và Thánh Adeodatus Đệ Nhất ở Cinto Euganeo, Veneto.


Source:Catholic News Agency

2. Nhật ký trừ tà số 340: 'Bằng chứng' của Nhà Trừ Tà về biến cố phục sinh

Đức Ông Stephen Rossetti, Nhà Trừ Tà của giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ vừa có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #340: Exorcist 'Proof' of the Resurrection”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 340: 'Bằng chứng' của Nhà Trừ Tà về biến cố phục sinh”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Giữa buổi trừ tà, tôi nói, “Nhờ quyền năng của cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, tôi ra lệnh cho lũ quỷ phải rời đi!” Con quỷ ở phía trước hét lại: “Chúng ta đã thắng! Chúng ta đã thắng! Ông ấy đã không sống lại!” Nghe vậy, các linh mục trong phòng cười phá lên và tôi nói, “Con quỷ này cần một bài học về lịch sử.”

Một cuộc trừ tà là một trải nghiệm đầy kịch tính về sự thật của biến cố phục sinh. Ví dụ:

+Việc nhắc đến chính tên của Chúa Giêsu sẽ hành hạ ma quỷ. Nếu Chúa Giêsu bị Satan và những kẻ thực hiện kế hoạch giết Chúa Giêsu của Satan đánh bại trên thập tự giá, thì tên của Chúa Giêsu có quyền năng gì đối với ma quỷ không?

+ Ma quỷ sợ các linh mục và ghét Giáo hội. Khi tôi cầu nguyện “chìa khóa Thánh Phêrô”, ma quỷ hú lên. Giáo hội nhận được sức mạnh và thẩm quyền của mình từ Chúa Kitô phục sinh, chứ không phải từ một người đã chết và bị chôn vùi.

+Trong một cuộc trừ tà gần đây, chúng tôi đã đọc một câu chuyện Phúc âm về Cuộc Khổ nạn. Lũ quỷ không thể chịu đựng được và hét lên, vì vậy chúng tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Nếu Satan đã đánh bại Chúa Giêsu trên thập tự giá, tại sao câu chuyện về Cuộc Khổ nạn lại hành hạ chúng? Nếu Satan đã đánh bại Chúa Giêsu chắc chắn chúng sẽ vui mừng.

+ Một trong những khoảnh khắc mang tính biểu tượng của mọi cuộc trừ tà là cảnh linh mục giơ cao cây thánh giá và thốt lên: “Ecce crucem domini, fugite partes adversae” (Hãy nhìn cây thánh giá của Chúa, hãy tránh xa các thế lực ma quỷ). Người bị quỷ ám thường nói về cảm giác nóng bỏng khi nhìn vào; ma quỷ quay đi và thậm chí không thể nhìn thấy nó. Cây thánh giá không phải là dấu hiệu của sự thất bại của Chúa Giêsu, mà là dấu hiệu của sự sụp đổ của Satan.

+Sử dụng nhiều vật thánh của Giáo hội để hành hạ và giúp xua đuổi ma quỷ. Thánh tích của các thánh, khăn choàng của linh mục, áo Đức Bà, tràng hạt, huy chương Bênêđíctô và nhiều thứ khác đều giúp xua đuổi ma quỷ. Những vật thánh này nhận được sức mạnh từ Chúa Kitô phục sinh và từ thẩm quyền mà Người đã ban cho Giáo hội.

+Cuối cùng, mọi cuộc trừ tà đều chứng minh cho chiến thắng của Chúa Kitô bằng cách trục xuất Satan và bè lũ của hắn. Kẻ Ác không thể bị trục xuất bởi một người đã bị đánh bại trên thập tự giá và nằm mãi mãi giữa những người chết.

Một cuộc trừ tà là một chứng nhân mạnh mẽ cho sự thật về biến cố phục sinh. Trên thập tự giá và qua sự phục sinh, Chúa Giêsu đã hoàn toàn và mãi mãi đánh bại quyền lực của Satan và những kẻ theo hắn. Khi tham gia vào một cuộc trừ tà, người ta tràn đầy niềm tin vững chắc, không thể lay chuyển rằng Chúa Giêsu Kitô đã phục sinh!

Ngay sau khi con quỷ kêu lên “Ông ấy không sống lại”, nó đã bị đuổi ra


Source:Catholic Exorcism

3. Các giám mục Đức yêu cầu các linh mục phải ban phước cho các cặp đồng giới với lòng 'biết ơn'

Các giám mục Công Giáo Đức đã công bố một tài liệu hướng dẫn cho các linh mục về việc ban phước cho các cặp trong những tình huống “bất thường” như quan hệ đồng giới, kêu gọi các giáo sĩ sử dụng các phước lành này để “bày tỏ lòng biết ơn” đối với những cá nhân tìm kiếm sự công nhận từ các linh mục Công Giáo.

Tài liệu “Phước lành cho các cặp yêu nhau” đã được phân phát bởi hội nghị chung của các thành viên Hội đồng Giám mục Đức, gọi tắt là DBK và Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK).

Hướng dẫn trích dẫn Fiducia Supplicans, văn bản của Vatican được công bố vào năm 2023 đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp thuận. Văn bản tiếng Đức cho phép “ban phước” cho các cặp đôi đồng tính và các thỏa thuận ngoài hôn nhân khác.

“Những cặp kết hôn không phù hợp với giáo luật, những cặp đã ly hôn và tái hôn, và những cặp có đủ mọi khuynh hướng tình dục và bản dạng giới tính tất nhiên là một phần trong xã hội của chúng ta,” các giám mục viết, lưu ý rằng “khá nhiều cặp trong số này muốn được ban phước lành cho mối quan hệ của họ.”

“Lời cầu xin như vậy là sự bày tỏ lòng biết ơn đối với tình yêu của họ và là sự bày tỏ mong muốn định hình tình yêu này từ đức tin”, tài liệu cho biết, đồng thời gọi việc ban phước là “một hành động của Giáo hội, nhằm phục vụ cho cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người”.

“Giáo hội coi trọng mong muốn của cặp đôi muốn đặt con đường tương lai của họ trong cuộc sống dưới sự ban phước của Chúa”, tờ hướng dẫn tuyên bố. “Giáo hội thấy trong lời cầu xin ban phước hy vọng về mối quan hệ với Chúa có thể duy trì sự sống của con người”.

“Nghệ thuật và cách thức tiến hành buổi ban phước, địa điểm, toàn bộ tính thẩm mỹ, bao gồm cả âm nhạc và ca hát, đều nhằm mục đích thể hiện sự trân trọng của những người đã cầu xin ban phước, sự đoàn kết và đức tin của họ”, hướng dẫn nêu rõ.

Khi được xuất bản vào năm 2023, Fiducia Supplicans đã gây ra phản ứng dữ dội trên phạm vi quốc tế từ các nhà lãnh đạo Giáo hội trên toàn thế giới, mặc dù một số giám mục đã ca ngợi sự hướng dẫn này và tuyên bố sẽ cho phép ban phước lành trong giáo phận của họ.

Tài liệu khẳng định rằng các linh mục Công Giáo có thể ban phước cho các cặp đôi đồng giới như một biểu hiện của sự gần gũi mục vụ mà không dung túng cho quan hệ tình dục của họ. Tuyên bố nhấn mạnh rằng việc ban phước chỉ có thể được ban “một cách tự phát” và không trong bối cảnh của một nghi lễ phụng vụ chính thức.

Các giám mục ở Âu Châu, Phi Châu và những nơi khác cho biết họ sẽ không cho phép các linh mục thực hiện những phép lành như vậy. Trong khi đó, một số giám mục ở Hoa Kỳ cho biết họ sẽ thực hiện các hướng dẫn trong giáo phận của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bảo vệ văn kiện này khỏi những lời chỉ trích, lập luận rằng các phước lành không đòi hỏi “sự hoàn thiện về mặt đạo đức” trước khi được ban.

“ Mục đích của 'phép lành mục vụ và tự phát' là để thể hiện cụ thể sự gần gũi của Chúa và của Giáo hội đối với tất cả những ai đang thấy mình trong những hoàn cảnh khác nhau, cầu xin sự giúp đỡ để tiếp tục - đôi khi là bắt đầu - một hành trình đức tin,” ngài nói vào năm ngoái.


Source:Catholic News Agency