Văn kiện mới của Ủy Ban Thần học Quốc tế: Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Rỗi, để Kỷ niệm 1,700 năm [325-2025] Công đồng Nicée





Chương bốn: Giữ cho đức tin có thể đến được với toàn thể dân Thiên Chúa

Lời mở đầu: Công đồng Nicée và các điều kiện để có được sự đáng tin cậy của mầu nhiệm Kitô giáo

103. Ý tưởng đầu tiên và hợp lý mà chúng ta duy trì cho Công đồng Nicée là đây là một công đồng tín điều, đã bảo vệ và làm sáng tỏ fides quae (nội dung đức tin) về Chúa Kitô và Ba Ngôi. Bây giờ, vấn đề là giải thích trong chương cuối cùng này làm thế nào biến cố công đồng cũng tạo nên một thiết bị định chế nhất định của Giáo hội duy nhất và Công Giáo để giải quyết một xung đột mang tính tín điều trong những điều kiện có thể khiến cho quyết định của nó được chấp nhận. Do đó, việc nghiên cứu thần học cơ bản phải bổ sung cho việc nghiên cứu Tín điều và lịch sử. Chính fides quae [nội dung đức tin], chân lý cứu rỗi, tạo nên sự tuân thủ với ơn cứu rỗi, fides qua [đức tin tín cứ [làm cho tin]; nhưng tại Nicée, bản thân fides qua được đưa vào đây để phục vụ cho việc tiếp nhận và hiểu biết fides quae. Bây giờ, việc xem xét các tiến trình của fides qua, nghĩa là các điều kiện để xác định và tiếp nhận fides quae, thể hiện bản chất và vai trò của Giáo hội. Rõ ràng là việc phát minh ra thiết bị định chế này diễn ra dần dần, rằng nó không xuất hiện với đầy đủ vũ khí như Athena từ đầu của Zeus, tóm lại khái niệm tín điều về "công đồng chung" không thể hoàn toàn cùng thời với biến cố năm 325. Như chúng tôi đã giải thích trong Chương II, nơi tuyệt vời nhất mà fides qua fides quae gặp nhau là phép rửa tội. Đây là nơi cá nhân được hòa nhập vào đức tin của Giáo hội mà họ nhận được từ Giáo hội Mẹ. Trong bối cảnh giáo lý về phép rửa tội và khai tâm, Giáo hội cổ thời đã phát triển quy tắc đức tin như là bản tóm tắt quan trọng nhất về đức tin. Do tính liên quan của nó, nó đã được sử dụng để phân biệt sự thật của đức tin với lạc giáo (ví dụ như Irénée, Tertullien, Origène). Đây là tiền thân của quan điểm tín điều về kinh tin kính như một bản tóm tắt các yếu tố chuẩn mực của đức tin. Nhận thức về chuẩn mực (regula; kănōn) này hiện diện trong tiến trình của các thượng hội đồng tiền Nicée khi phân định đức tin.

104. Tuy nhiên, dựa trên nhiều kinh nghiệm của các công đồng khu vực hoặc địa phương vào thế kỷ thứ 2 và thứ 3, người ta có thể ủng hộ luận đề tín điều cho rằng một chân lý giáo hội học nào đó được phán đoán một cách tiên thiên là có hiệu lực và được kêu gọi để giải quyết vấn đề về một chân lý Ba Ngôi, Kitô học và cứu thế học đang bị đe dọa bị thay đổi, bóp méo hoặc mất đi. Các tiến trình fides qua biểu lộ bản chất của Giáo hội. Ngôi Lời Thiên Chúa đã thành xác phàm (Ga 1:14) thực sự làm cho Chúa Cha được biết đến và kiến thức này, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, được trao phó cho Giáo hội, với nhiệm vụ bảo vệ và truyền đạt kiến thức đó. Sứ mệnh này ngụ ý rằng Giáo hội có thể giải thích Kinh thánh một cách có thẩm quyền. Điều này cũng cho thấy rằng việc tin vào Giáo hội – như Kinh Tin Kính tuyên xưng – và tin vào thẩm quyền của Giáo hội trong việc xác định học thuyết về Chúa Kitô và Ba Ngôi dựa trên hành động đức tin vào Chúa Giêsu Kitô và Ba Ngôi, dưới hình thức “ưu tiên” hoặc “nhân quả qua lại”, theo cách diễn đạt tốt lành của trường phái Tôma [159]. Cuối cùng, đích nhắm sau cùng của toàn bộ quá trình giáo hội này cũng phải thu hút sự chú ý của chúng ta. Chúng tôi đưa ra giả thuyết cho rằng quy trình của công đồng được đặt ra để phục vụ những người nhỏ bé, phục vụ đức tin của trẻ em, đó là hình mẫu đức tin của người môn đệ chân chính trong mắt Chúa Giêsu, và do đó là việc công bố Tin mừng cho tất cả mọi người. Điều này làm sáng tỏ ý nghĩa của giáo huấn của Giáo hội, hướng đến lòng bác ái bảo vệ những người "nhỏ bé nhất" trong số các "anh em" của Chúa Kitô (x. Mt 25:40).

1. Thần học phục vụ cho toàn bộ chân lý cứu rỗi

1.1 Chúa Kitô, chân lý hữu hiệu về mặt cánh chung

105. Trong phạm vi nơi Nicée đề xuất một chân lý trong các câu hỏi liên quan đến sự cứu rỗi và phân biệt nó với sai lầm, vấn đề đầu tiên của nó theo quan điểm của thần học cơ bản là vị trí của chân lý trong cứu thế học. Niềm tin này trước hết đến từ chính hình thức Mặc khải, khi để cho mình được ghi chép thành lời văn, cho thấy chiều kích chân lý là yếu tố cấu thành nên nó. Đức tin Kitô giáo giả định rằng chân lý về Chúa Kitô phải được truyền đạt cho các môn đệ của Người. Thật vậy, chính Đấng Cứu Thế là chân lý: “Ta là đường đi, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6). Trong Kitô giáo, chân lý là một con người. Sự thật không còn là vấn đề đơn giản về luận lý hay lý luận nữa; không thể sở hữu nó, và nó không thể tách rời khỏi các thuộc tính khác gắn liền với chính con người của Chúa Kitô, chẳng hạn như lòng tốt, công lý hay tình yêu. Điều còn lại là sự gắn bó với Chúa Kitô luôn đòi hỏi trí thông minh của các môn đệ: “Credo ut intelligam [tôi tin để tôi hiểu][160]”. Thật vậy, thật không thể tưởng tượng và cũng không hợp lý khi nghĩ rằng Thiên Chúa, Đấng đã tạo nên con người thông minh và tự do – một trong những chiều kích của sự sáng tạo theo hình ảnh và họa ảnh của Đấng Tạo dựng (St 1:26-27) – lại có thể, với tư cách là Thiên Chúa cứu rỗi, không quan tâm đến việc tiếp cận tri thức về chân lý của Người và chân lý cứu rỗi. Hơn nữa, chân lý cứu rỗi này có chiều kích cộng đồng. Công đồng Nicée là một hành động chung nhằm diễn đạt chân lý, nhằm truyền đạt chân lý đó cho toàn thể Giáo hội. Trên thực tế, không thể tưởng tượng hay hợp lý hơn khi nghĩ rằng Đấng tạo dựng ra gia đình nhân loại, và đặc biệt là khả năng thông đạt dễ hiểu của nó thông qua các ngôn ngữ (x. St 11:1-9 – tháp Babel, và Công vụ 2:1-11 – Lễ Hiện Xuống) có thể dửng dưng với việc cộng đồng tiếp cận chân lý của mình và chân lý cứu rỗi. Do đó, sự tan vỡ hiệp nhất đức tin sẽ làm giảm sức mạnh và hiệu quả của ơn cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô.

106. Vị trí cấu thành của chân lý trong ơn cứu rỗi này phản ảnh chính bản chất của Giáo hội “là người mang chân lý” (alēthefora). Giáo hội mang trong mình một thứ khác ngoài chính mình, Đấng Kitô-Chân Lý, và sẽ không thể là chính mình nếu không có điều này. Giáo hội nhất thiết phải là nơi nghiên cứu, khám phá, bảo vệ và triển khai chân lý được nêu trong Lời Chúa vì lợi ích bản thân và giáo hội của các môn đệ của Người và của toàn thể nhân loại. Đây cũng là nơi giao thoa với sức mạnh mang lại sự sống của chân lý này, lưu thông bên trong nó, đồng thời tưới mát cho cuộc tìm kiếm chân lý, tư tưởng và văn hóa của thế giới [161]. Do đó, việc chuyển giao (truyền đạt) sống động chân lý cứu rỗi chính là một trong những ý nghĩa mạnh mẽ nhất mà khái niệm Tín điều về Truyền thống Giáo hội có thể có [162].

107. Vị trí trung tâm của chân lý giải thích sự bác bỏ sâu xa việc thờ ngẫu tượng trong Kinh thánh. Đấng Thánh của Israel là Thiên Chúa biết lên tiếng, không giống như các thần tượng. "Chúng có miệng nhưng không nói", các Thánh Vịnh (115:5 và 135:15) nói thế, và được lặp lại trong 1 Cô-rinh-tô 12:2: "Khi anh em còn là dân ngoại, anh em biết đấy, anh em bị lôi kéo một cách không cưỡng lại được đến với các ngẫu tượng câm". Hơn nữa, theo Kinh thánh, chân lý, quyền năng, công lý và sự thánh thiện của Thiên Chúa luôn được quan niệm liên quan đến tuyên bố của Người về việc mang lại sự cứu rỗi đích thực và phổ quát, trong khi các hoạt động thờ ngẫu tượng chỉ tuyên bố mang lại một món quà cục bộ và mang tính khu vực. Hơn nữa, vì chính Người đến từ Thiên Chúa và là Thiên Chúa và Chúa (x. Ga 13:14), nên chân lý cứu rỗi phải được đón nhận, trong khi sự thờ ngẫu tượng xây dựng nên thần thánh từ con người. Sự kiện Thiên Chúa không thể được tạo ra giống như một bức tượng ngẫu thần (xem sự trớ trêu của Kn 13:11-19) dẫn đến khái niệm về sự tự mặc khải thần linh, điều này hoàn toàn trái ngược với ý tưởng tự kỷ thành tựu [autoréalisation] rất phổ biến trong các cung ứng tôn giáo, cả trong các hình thức cổ xưa, như thuyết Ngộ đạo làm chứng, bị Thánh Irénée chỉ đúng danh là một tà thuyết và là "một trực tri [gnose] với cái tên dối trá". Trực tri “nói dối”, nó mâu thuẫn với chính khái niệm về chân lý cứu rỗi, vì nó không phải là chân lý được Thiên Chúa chào đón và đón nhận một cách tự do trong tình yêu. Ngược lại, qua sự nhập thể của Người, Ngôi Lời Thiên Chúa kêu gọi hành vi đức tin mang tính giáo hội và bản thân như một sự tiếp nhận trong Chúa Thánh Thần, bằng trí thông minh và toàn thể con người, về những mầu nhiệm cứu rỗi: “Các ông thờ Đấng các ông không biết; còn chúng tôi, chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu rỗi phát xuất từ người Do Thái” (Ga 4:22). Cuối cùng, Chúa Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa, được sai đến thế gian với sứ mệnh truyền đạt một lời chân lý toàn vẹn, đòi hỏi con người phải đáp lại bằng đức tin. Đây là lý do tại sao đây thực sự là chân lý cứu rỗi, có hiệu quả về mặt cánh chung: “Hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23:43). Việc Công đồng Nicée lựa chọn diễn đạt bằng lời một chân lý toàn vẹn về ơn cứu rỗi cho tất cả mọi người, được đón nhận trong đức tin, không chỉ là sự trung thành với chân lý Kitô học (fides quae) mà còn là sự trung thành với mối quan hệ cá nhân với chân lý là chính Chúa Kitô (fides qua).

1.2 Sự cứu rỗi và tiến trình làm con cái Thiên Chúa

108. Chân lý cứu rỗi này phải được hiểu theo nghĩa mạnh mẽ nhất, nghĩa hữu thể học. Mặc dù không có tham vọng đưa ra một sự hiểu biết toàn diện làm suy yếu mầu nhiệm cứu rỗi như một mầu nhiệm, nhưng nó vẫn mang đến sự thật về việc làm con và làm cha của Thiên Chúa. Có thể nói, Thiên Chúa của chân lý muốn thử thách con người về tham vọng làm con chưa từng có của Con một Người là Chúa Giêsu. Sự thật được Thiên Chúa mặc khải sau đó được tập trung vào sự thật về “Con” duy nhất của Người. Thuật ngữ này không thể bị giản lược thành một phép ẩn dụ hay phép loại suy đơn giản, bởi vì những gì mang tính ẩn dụ ở đây tự mở ra cho phạm vi của hữu thể học, cũng giống như symbolon [biểu tượng], theo nghĩa mạnh của thuật ngữ, thực sự và hiệu quả cho phép tiếp cận với thực tại mà nó biểu thị. Lời chứng của Chúa Cha ban cho Chúa Giêsu thiết lập chân lý này: “Nếu chúng ta nhận được lời chứng của loài người, thì lời chứng của Thiên Chúa cao cả hơn, vì đây là lời chứng của Thiên Chúa: Người đã làm chứng về Con của Người. "Ai tin vào Con Thiên Chúa thì có lời chứng trong mình" (1 Ga 5:9). Tác giả thêm: "Ai không tin Thiên Chúa, thì coi Thiên Chúa là kẻ nói dối" (1 Ga 5:10). Các sách giáo lý cũ của chúng ta thích xây dựng niềm xác tín sâu sắc này về hành vi đức tin của các Kitô hữu, với sự đơn giản trực tiếp: "Thiên Chúa không thể nhầm lẫn hay lừa dối chúng ta[163]", trong khi Thánh Tôma Aquinô sẽ nhận ra những công thức của riêng mình [164]. Điều này biện minh cho lựa chọn hữu thể học của từ mới của Nicée, homoousios, để mở rộng và làm rõ thuật ngữ Kinh thánh và thánh ca. Xác nhận chân lý hữu thể học về tư cách con cái thần linh của Chúa Giêsu, như chúng ta đã thấy trong chương một và chương ba, là mối quan hệ giữa quyền làm cha và quyền làm con đã bị đảo ngược một cách mầu nhiệm giữa quyền làm cha thần thiêng và quyền làm cha nhân bản: quyền làm cha nhân bản và dưới thế đã trở thành sự định danh thứ hai và phái sinh của nguyên mẫu của nó, Thiên Chúa Cha (xem Ep 3:14; Mt 23:9). Chính sự thật về việc làm con cái của Thiên Chúa, sự thật mà người tin được mời gọi bước vào, là nền tảng cho sự thật về việc làm con lúc chịu phép rửa [165]. Theo Tin mừng của Chúa Giêsu, được cứu rỗi bao gồm việc bước vào chân lý trọn vẹn của việc làm con cái được lồng vào việc làm con cái vĩnh cửu của Chúa Kitô.

2. Sự trung gian của Giáo hội và sự đảo ngược của chuỗi tín điều: Chúa Ba Ngôi, Kitô học, Thần khí học, Giáo hội học

2.1 Sự trung gian của đức tin và thừa tác vụ của Giáo hội


109. Chân lý cứu rỗi và hiệu quả này được làm rõ ràng và truyền đạt tại Nicée thông qua hành động giải thích bản văn Kinh thánh bằng những thuật ngữ bắt nguồn từ thánh ca và triết học, và thông qua việc thực hành cái hiểu về đức tin. Thật vậy, toàn bộ nhiệm cục Mặc Khải Kinh Thánh chứng thực rằng sức mạnh của niềm tin về chân lý Kitô học chắc chắn không nên được hiểu theo chủ nghĩa chính thống cực đoan, mà đối với nó ý nghĩa của Kinh Thánh chỉ có thể hiểu được một cách trực tiếp. Ngược lại, truyền thống diễn giải tín lý của giáo hội và nghiên cứu của các nhà thần học cho thấy rằng đức tin cần nhiều sự trung gian, bắt đầu với sự trung gian đầu tiên, độc nhất và sáng lập, đó là nhân tính của Người Con duy nhất mà Người có được từ Đức Maria. Thiên Chúa đã sắp đặt để chân lý thần linh chưa từng được nghe đến của Người sẽ hướng đến nhân loại thông qua sự trung gian của Ngôi Lời nhập thể: “Đây là Con yêu dấu của Ta, hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17:5; x. Mt 3:17). Hơn nữa, các thể loại văn học khác nhau của cách diễn đạt Mặc Khải tạo nên các sách Kinh thánh đòi hỏi nhiều kế hoạch giải thích[166]. Kinh Tin Kính, phát sinh từ phụng vụ và được công bố trong khuôn khổ phụng vụ, cũng chứng minh rằng sự trung gian diễn giải không bị giản lược thành một lời bình luận về bản văn, mà trở thành một gestis verbisque [cử chỉ và lời nói], trong đó đức tin được sống trong một cộng đồng cầu nguyện và ân sủng [167]. Chúng ta đọc điều này trong câu chuyện của Luca 24, nơi chính Đấng Phục Sinh không chỉ giải thích về mình qua việc giải thích Lề Luật và các tiên tri, mà, cuối cùng, còn qua sự hiện diện của Người và sự hiến thân Thánh Thể của Người, trong "việc bẻ bánh", như Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã giải thích trong Verbum Domini:

"Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể gắn bó mật thiết với nhau đến nỗi không thể hiểu được điều này nếu không có điều kia: Lời Chúa trở thành xác phàm trong biến cố Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể mở ra cho chúng ta sự hiểu biết về Kinh Thánh, cũng như Kinh Thánh soi sáng và giải thích về Mầu nhiệm Thánh Thể. Thật vậy, nếu không nhận ra sự hiện diện thực sự của Chúa trong Bí tích Thánh Thể, thì sự hiểu biết về Kinh thánh vẫn chưa đầy đủ" [168].

110. Do đó, sự nối kết có trật tự của các mầu nhiệm như được trình bày trong thần học tín lý có thể được đảo ngược một cách hữu ích trong thần học cơ bản. Chính qua mầu nhiệm Giáo hội, “mầu nhiệm khó tin nhất [169]”, mà những mầu nhiệm chưa từng nghe đến của đức tin Kitô giáo được đề xuất lần đầu tiên, những mầu nhiệm mà bản thân đức tin Kitô giáo phụ thuộc về mặt luận lý học và hữu thể học. Trên thực tế, Giáo hội là người đầu tiên thiết lập chế độ uy tín cho hành trình đức tin. Rõ ràng là có "một trật tự hay 'thứ bậc' của các chân lý trong tín lý Công Giáo, liên quan đến mối quan hệ khác nhau của chúng với nền tảng của đức tin Kitô giáo."[170] Học thuyết về Chúa Kitô, Ba Ngôi và cứu rỗi của Kinh Tin Kính cấu thành nền tảng này. Tuy nhiên, bên trong nexus mysteriorum [mối nối kết giữa các mầu nhiệm], [171] hành động giải thích của Công đồng làm sáng tỏ sự tham gia của Giáo hội, theo vị trí và vai trò cụ thể của mình, vào trật tự cứu rỗi.

2.2 Sự bất đồng và tính đồng nghị

111. Sự trung gian giải thích của Giáo hội được biểu lộ qua các cuộc trọng tài, đặc biệt khi đối diện với những bất đồng hoặc nhu cầu dịch bản văn thánh thiêng. "Công đồng Giêrusalem" trong Công vụ 15 lần đầu tiên làm chứng về sự bất đồng về tín lý (mối quan hệ giữa các môn đệ của Chúa Ki-tô từ các dân tộc với Lề Luật Mô-sê) và về thực hành (phép cắt bì, thờ hình tượng và vô luân), vốn mang theo tính xung đột, mà việc ra quy định và giải quyết nó, dưới hình thức phục hồi sự đồng thuận của giáo hội, trước tiên tiến hành thông qua sự khảo sát của hợp đoàn tụ tập gồm "các tông đồ và trưởng lão" (Công vụ 15:6). Một quá trình xuất hiện: đầu tiên chúng ta nhận thấy một loạt các chứng từ được ủy quyền (Phê-rô, Phao-lô và Ba-na-ba, Gia-cô-bê) và được hoan nghênh trong sự lắng nghe lẫn nhau [172], sau đó là việc nại tới thẩm quyền của Mô-sê, việc thiết lập các sứ giả được ủy quyền chống lại các sứ giả "không được ủy quyền" (Công vụ 15:24), và cuối cùng là việc soạn thảo một bản văn quy phạm để chính thức gửi cho cộng đồng Antioche (Công vụ 15:30-31) được tập hợp theo sáng kiến của những sứ giả được ủy quyền này. Tất cả đều là những tác nhân (Công vụ 15:12), hiện diện trong suốt quá trình phân định của Giáo hội và tham gia vào quyết định cuối cùng (Công vụ 15:22)[173]. Dấu hiệu của khía cạnh cộng đồng này là các sứ giả được sai đi theo từng cặp (Công vụ 15:27). Điểm cốt yếu để chúng ta suy tư là Giáo hội được Chúa Thánh Thần trợ giúp và hoạt động theo cách thức thượng hội đồng, dựa vào sensus fidei fidelium [cảm thức đức tin của các tín hữu] [174] và thẩm quyền đặc biệt của các tông đồ, tạo nên mầu nhiệm sống động và hoạt động trong đó sự phát triển tín lý về sự phân biệt giữa các môn đệ của Chúa Kitô với dân Do Thái và những người từ các dân tộc trước việc thực hành Luật Môsê đã được xây dựng. Sự phân xử đức tin liên quan đến mục đích phổ quát của Thiên Chúa, đến việc các quốc gia bước vào mầu nhiệm được mặc khải đầu tiên cho Israel, đã diễn ra ở đây, trong sự trao đổi giữa fides qua fides quae, trong mầu nhiệm năng động của Giáo hội.

112. Từ thời trước khi Ngôi Lời nhập thể, dân Chúa chọn đã phải giải quyết một vấn đề tương tự về việc bảo tồn, nhưng đặc biệt là về việc truyền bá Mặc Khải trong cộng đồng người Israel lưu vong và xa hơn nữa, trong những cộng đồng mà Tân Ước gọi là "các tân tòng" (Mt 23:15 và Công vụ 2:10 và 6:15), và "những người kính sợ Chúa" (Công vụ 10:2), có nguồn gốc ngoại giáo. Đây là lựa chọn cơ bản, nguồn gốc thực sự của nó bị thất lạc trong các truyền thuyết (Thư của Aristeas hoặc Talmud-Soferim 1,7), cho phép dịch Kinh thánh của người Do Thái từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp, và do đó dẫn đến phiên bản Alexandria của Bản Bẩy Mươi. Bởi vì những bản dịch này, giống như việc sử dụng từ mới homoousios sau này, sẽ liên quan đến nhiều quá trình phân xử từ vựng để các sự thật của bản văn gốc được hình thành trong lĩnh vực ngữ nghĩa của ngôn ngữ Sê-mit không bị mất đi khi bản văn được chuyển sang lĩnh vực ngữ nghĩa của ngôn ngữ Ấn-Âu.

113. Những sự phân xử này thể hiện bản chất của Giáo hội và cho phép chúng ta nắm bắt được ý nghĩa của huấn quyền được Giáo hội thực thi. Bởi vì Giáo hội là thực tại của ân sủng được ghi khắc trong lịch sử. Nó được hình thành và thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, chính Đấng đã thực hiện sự Nhập thể của Ngôi Lời và tiếp tục thực hiện việc sáp nhập các tín hữu vào Thân thể Mầu nhiệm, đối đầu với những niềm vui, cám dỗ và thăng trầm của lịch sử. Sứ mệnh cứu rỗi của Giáo hội không chỉ được thực hiện qua việc rao giảng, qua việc dạy Kinh thánh và cử hành các bí tích, mà còn qua huấn quyền của các giám mục, những người kế vị các tông đồ, trong sự hiệp thông với Giám mục Rôma, người kế vị thánh Phêrô. Điều này không có nghĩa là chân lý của đức tin mang tính lịch sử và có thể thay đổi: mà đúng hơn, điều này có nghĩa là việc thừa nhận chân lý và đào sâu sự hiểu biết về chân lý đó là nhiệm vụ lịch sử của Giáo hội Chủ thể duy nhất. Do đó, Giáo hội không tùy ý sử dụng chân lý, chân lý không thể bịa đặt, vì về cơ bản chân lý đó là chính Chúa Kitô, nhưng Giáo hội tiếp nhận, nhớ lại và giải thích chân lý đó. Tin cùng với Giáo hội có nghĩa là mỗi thế hệ đều tham gia vào những nỗ lực không ngừng nghỉ của Giáo hội để có được sự hiểu biết sâu sắc và trọn vẹn hơn về đức tin. Nghĩa vụ trung thành không thể chỉ bị rút gọn thành sự ngoan ngoãn thụ động: đó là nghĩa vụ chiếm hữu tích cực của tất cả các môn đệ, với sự hỗ trợ và giám sát của huấn quyền sống động của giám mục đoàn. Những vị vừa kể, nếu họ đồng ý, sẽ có thẩm quyền quyết định một cách ràng buộc xem một cách giải thích thần học có trung thành với nguồn gốc – Chúa Kitô và Truyền thống Tông đồ- hay không. Huấn quyền không thêm gì vào Mặc khải đã được hoàn thành trong Chúa Kitô và được Kinh thánh chứng thực, ngoại trừ những lời giải thích về sự phát triển tín điều, bởi vì Giáo hội thực hiện vai trò của mình như là người giải thích đích thực Lời Chúa trong các hành vi trung thành sáng tạo với Mặc khải [175]: "Vì vậy, phán đoán về tính xác thực của sensus fidelium [cảm thức tín hữu] cuối cùng không thuộc về chính các tín hữu hay thần học mà thuộc về Huấn Quyền [176]." Cái gọi là Huấn quyền thông thường của những người kế nhiệm các Tông đồ bao gồm tín lý thường lệ, liên tục phát triển truyền thống - đã được chỉ định trong Tân Ước là "giáo lý lành mạnh" (2 Tm 4:3). Ngược lại, huấn quyền ngoại thường hiếm khi được sử dụng, nhưng nó được sử dụng mỗi khi phải đưa ra quyết định có phạm vi giáo lý liên quan đến toàn thể Giáo hội, đặc biệt là khi có thách thức từ một bộ phận của Giáo hội. Đây chính là điều đã xảy ra một cách nổi bật và rõ ràng tại Công đồng chung Nicée.

2.3 Các ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần để hình thành và đổi mới sự đồng thuận

114. Về cơ bản, nhiệm vụ của Giáo hội do đó trước hết và quan trọng nhất là nhiệm vụ thần khí học phải phiên dịch theo nội dung [métaphrase]. Điều này hoạt động trong bộ ghi [registre] dịch thuật, giống như bản Bẩy Mươi và Targumim [bản dịch Kinh Thánh Do Thái sang tiếng Aram], tìm kiếm sự trung thành với bản văn tiếng Do Thái bằng cách kiên quyết đặt mình vào các phương thức tư duy và thiên tài của riêng tiếng Hy Lạp và tiếng Aram. Chúng ta có thể cho rằng quá trình tương tự cũng diễn ra khi dịch những lời Chúa Giêsu nói bằng tiếng Aram sang tiếng Hy Lạp trong các sách Tin mừng. Đây cũng là công việc chú giải các bản văn thánh thiêng, bắt đầu với các midrashim [chú giải Kinh Thánh ] và các tác phẩm của các Giáo phụ đầu tiên của Giáo hội. Chính phong trào kép này phát triển mạnh mẽ trong những cuộc trao đổi sôi nổi của một công đồng chung được cử hành theo sự thúc đẩy của Thánh Thần ngày Ngũ Tuần, nơi những diễn giả có thể đến từ thế giới Syria, Hy Lạp, Copt hoặc La Tinh, và đưa đến những định nghĩa có thể dịch sang các ngôn ngữ và hình thức diễn đạt khác. Ở đây chúng ta đang chứng kiến sự dạn dĩ gấp đôi nhận được từ Chúa Thánh Thần. Trước hết, cần củng cố sự hiểu biết về đức tin được tuyên xưng tại Công đồng Nicée từ phía những người công bố đức tin này một cách mạnh dạn [parrēsia] và hiệu quả vì lợi ích của dân Chúa trong các bối cảnh khác nhau của thế giới; sau đó, sự dạn dĩ trong Chúa Thánh Thần của những người lắng nghe (auditus fidei) và tiếp nhận (obsequium fidei) lời công bố này [177]. Chuyển động này cho thấy cả bản chất của Giáo hội lẫn căn tính của Thánh Thần chân lý, Đấng “nhắc nhớ” những lời của Chúa Kitô và hướng dẫn chúng ta tới “toàn bộ chân lý” (Ga 16:13; x. Ga 14:26). Không có gì ngạc nhiên khi một nhiệm vụ giáo hội học như vậy, vốn giả định các hoạt động của ngôi vị thần linh thứ ba, phải quay ngược lại từ lịch sử cứu rỗi đến mầu nhiệm nguyên thủy của mối quan hệ Ba Ngôi, từ nhiệm cục đến hữu thể học thần linh.

115. Trong nhiệm vụ diễn dịch theo nội dung [métaphrase] thần khí học này, vốn giới thiệu một khái niệm mới, không có trong Kinh thánh, homoousios nổi tiếng, điều cần thiết là phải lưu ý rằng các tường thuật trong Kinh thánh cũng như các ẩn dụ của các bản văn Kinh thánh không bị xóa bỏ hoặc làm lu mờ bởi các bản sao suy đoán vốn thu hẹp và làm rõ bản chất của chúng. Sự làm sáng tỏ Tín điều chỉ có giá trị nếu nó bảo tồn được gốc rễ mang lại sức sống cho nó trong đất mùn Kinh thánh và trong sự hiệp thông của đức tin phụng vụ. Điều này rõ ràng đúng trong bản văn Kinh Tin Kính. Trong những hoàn cảnh như cuộc khủng hoảng của Arius, khi Lời Chúa dường như cung cấp sự ủng hộ mơ hồ cho việc bảo tồn chân lý đức tin (Luca 18:19: "Sao các ngươi lại nói rằng Ta nhân lành? Chẳng có ai nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa"), thì cần phải có cách diễn đạt mang tính suy lý để làm loãng đi cuộc tranh luận về chú giải. Tuy nhiên, sự phát triển tín lý, với nguồn tài nguyên cụ thể của các từ mới, phải bằng lòng với việc khám phá những chân lý tiềm ẩn trong ngôn ngữ mặc khải, theo cách mà chính Chúa Kitô giải thích dụ ngôn về người gieo giống trong Mt 13:3-9 rồi 18-23. Theo nghĩa này, cần lưu ý rằng trong lịch sử Giáo hội, xét cho cùng, các từ mới mang tính Tín điều rất ít và chúng tương ứng với những nút thắt thực sự mang tính quyết định của mầu nhiệm Kitô giáo: "đồng bản thể" và "sự kết hiệp ngôi vị" trong Kitô học; và trong phạm vi Ba Ngôi, “mối quan hệ lập hữu [subsistante]” và “sự tương tại [périchorèse]”; mà còn là “ngôi vị” (prosôpon và hypostasis), theo ý nghĩa đặc biệt của Kitô giáo, trong thần học Ba Ngôi, Kitô học và nhân học.

3. Hãy chăm lo giữ gìn kho tàng đức tin: bác ái phục vụ những người bé nhỏ

3.1 Đức tin đồng tâm nhất trí của dân Chúa dành cho mọi người


116. Kinh Tin Kính và các điều luật được Công đồng Nicée thông qua không chỉ đơn thuần là những hành vi giải thích, dịch thuật và ẩn dụ của Giáo hội, mà còn nhằm mục đích "bảo vệ" hoặc "chăm lo giữ gìn" (phȳlaxein) kho tàng đức tin được các Tông đồ truyền lại (1 Tm 6:20). Sự bảo vệ này đặc biệt có lợi cho những người dễ bị ảnh hưởng nhất. Cũng như, xét về fides quae, homoousios là nguyên tắc và nền tảng của koinonia [hiệp thông] trong Chúa Kitô của tất cả mọi con người với nhau, cho đến những người nhỏ nhất, thì xét về fides qua, quyết định của Công đồng nhằm xác định một lời tuyên xưng đức tin chung bảo vệ tất cả các môn đệ. Thật vậy, sự rõ ràng về tín lý khiến đức tin có khả năng chống lại các thế lực của chủ nghĩa khu vực văn hóa tuyệt đối và sự chia rẽ địa chính trị cũng như các thế lực dị giáo, thường gắn liền với một hình thức tinh vi của chủ nghĩa duy tinh hoa.

117. Chúng ta hãy nhấn mạnh vào khía cạnh cuối cùng này. Vào thế kỷ thứ 4, trong thời đại "hoà bình của Giáo hội", khi niềm tin của Ki-tô giáo có nguy cơ suy yếu trong quá trình truyền bá rộng rãi, những người ủng hộ chủ nghĩa ngoại giáo cổ thời ngược lại đã cố gắng khôi phục sức sống đã mất của nó bằng cách nhấn mạnh vào tính chất dễ tiếp cận các vị thần trong đền thờ của họ, các tập tục và phong tục của tổ tiên họ đối với những người tử sinh tầm thường. Thế mà, đức tin được Chúa Giêsu rao giảng cho những người đơn sơ không phải là đức tin giản đơn. Các dụ ngôn và những câu nói khác, hoặc một số tuyên bố của Gioan như lời tuyên bố: "Cha và Ta là một" (Ga 10:30), chứng tỏ rằng việc tiếp cận mầu nhiệm Thiên Chúa ít nhất cũng là nghịch lý. Cả điều Tín điều gọi là Chúa Ba Ngôi, cũng như sự hiệp nhất ngôi vị, được nêu tại Công đồng Chalcedoine, cũng như thuyết nhị nguyên năng động được bảo vệ bởi cứu thế học của Người Tuyên Tín Maximus, đều không thể được coi là những đề xuất đơn giản. Tuy nhiên, Kitô giáo chưa bao giờ được biết đến như một tín lý bí truyền dành riêng cho một nhóm tinh hoa. Chúa Kitô khẳng định điều này trong một tuyên bố cơ bản: ““Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do-thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì.” (Ga 18:20). Ngay cả kỹ thuật khai tâm về bí thuật [dicipline d’arcane], trong một thời khắc của Kitô giáo sơ khai, không cho thấy sự bận tâm ghen tị nào với bí mật, mà đúng hơn là sự đánh giá cao tính nghiêm túc và các giai đoạn của sự khai tâm Kitô giáo. Và theo thời gian, có vẻ như đức tin Kitô giáo đã hoàn toàn mang phong cách phổ biến và công khai của nó. Cuối cùng, mỗi Kitô hữu, khi làm dấu thánh giá trên mình, đã diễn tả đầy đủ và trọn vẹn cốt lõi của đức tin Ba Ngôi và Phục Sinh [178]. Toàn thể dân Chúa phải đưa ra lý do cho đức tin và niềm hy vọng của mình (x. 1 Pr 3:5): theo nghĩa này, họ là những nhà thần học [179].

118. Theo cùng một nghĩa, việc thực thi Huấn quyền, như được thực thi tại Công đồng Nicée, và trao cho giáo huấn của Giáo hội "Công Giáo" một phong cách công khai và mang tính định chế đích thực, do đó thiết lập sự bình đẳng của tất cả mọi người liên quan đến nội dung của đức tin. Kinh Tin Kính phụng vụ, được thực hành bởi tất cả các thành viên của Thân Thể Mầu Nhiệm, trong một phụng vụ công khai và chung, sẽ tạo thành một chuẩn mực cho contesseratio (mối liên hệ hiếu khách) của sự hiệp thông giáo hội, được Tertullien yêu thích [180]. Ích chung của Mặc khải thực sự được đặt "vào quyền sử dụng tùy ý" của tất cả các tín hữu, như được xác nhận bởi giáo lý Công Giáo về sự bất khả ngộ in credendo của những người đã chịu phép rửa tội: "Cộng đồng tín hữu, được xức dầu từ Đấng Thánh (x. 1 Ga 2:20, 27), không thể sai lầm trong đức tin.[181] "Các giám mục có vai trò cụ thể trong việc xác định đức tin nhưng không thể đảm nhận vai trò đó nếu không ở trong sự hiệp thông giáo hội của toàn thể dân Chúa[182]. Theo nghĩa này, Luật Mới của Tân Ước mang những đặc điểm của Luật Cũ, mà chiều kích công khai của nó thường không được đánh giá đầy đủ: vì luật được ban hành long trọng nên mọi người đều biết đến nó như là luật thần linh. Vì vậy, vì tính công khai của Lề Luật, cả những người lãnh đạo cũng phải tuân thủ nó. “Việc chấp nhận của những con người”, thường được phát hiện và lên án trong Tôra, sẽ dễ dàng xuất hiện ở đó theo cách khách quan hơn như một lỗi lầm chống lại phẩm giá bình đẳng của con cái Thiên Chúa (x. Lv 19:5; Hr 10:17; Cv 10:34; Rm 2:11).

3.2 Bảo vệ đức tin chống lại quyền lực chính trị

119. Do đó, Công đồng Nicée, với tất cả những gì nó mang ơn sáng kiến của Hoàng đế Constantine, vẫn sẽ là một cột mốc trên con đường dài hướng tới libertas Ecclesiae [tự do của giáo hội], vốn luôn là sự bảo đảm bảo vệ đức tin của những người đơn sơ và dễ bị tổn thương nhất trước quyền lực chính trị. Không còn nghi ngờ gì nữa, cùng lúc đó một phong trào cạnh tranh hướng tới điều gọi là "Caesaropapism [chế độ vương giáo]" đã ra đời, và đây là một cám dỗ dai dẳng trong các Giáo hội Ki-tô giáo. Vậy chúng ta nên xác định trong công đồng này sự khởi đầu của một sự bảo đảm của giáo hội đối với quyền tự do lương tâm của những người nhỏ bé, hay sự khởi đầu của một công cụ chính trị hóa tôn giáo của Chúa Kitô? Đúng là những mối quan tâm chính trị của Hoàng đế Constantine thường được nhấn mạnh ngày nay; người ta nhấn mạnh rằng Công đồng Nicée có mục đích, trong số những mục đích khác, là để kỷ niệm 20 năm trị vì của ông, và thậm chí còn ám chỉ rằng, trong một số trường hợp, lời tuyên xưng đức tin được Nicée thông qua trước hết là nhằm khôi phục sự hòa hợp trong Đế quốc. Tương tự như vậy, khái niệm dị giáo bị chỉ trích vì gắn liền với quyền lực áp chế của nhà nước tôn giáo. Mặc dù không thể đi vào việc giải quyết đầy đủ những vấn đề phức tạp này trong phạm vi của tài liệu này, chúng ta vẫn có thể phân biệt ở đây các hình thức và mục tiêu của sự hiệp nhất, sự hiệp nhất về đức tin giữa các Ki-tô hữu và sự hiệp nhất của các công dân. Một mặt, trên thực tế, thuyết độc thần Ba Ngôi của Nicée, trong chân lý Tín điều của nó, cũng như thuyết Arius, không cho phép một cách chính đáng tham vọng của Basileus [nhà vua]muốn là biểu tượng nhà nước và tôn giáo của sự thống nhất La Mã và đặt nền tảng cho một trật tự thần học-chính trị theo nghĩa chặt chẽ [183]. Mặt khác, nếu không có sự cảnh giác của Giáo hội tông đồ được Chúa Thánh Thần hỗ trợ trước sự chống đối với khía cạnh chưa từng thấy của Mặc khải là tà giáo, thì những mầu nhiệm đức tin được truyền đạt qua sự tự mặc khải của Ngôi Lời nhập thể, chịu đóng đinh và phục sinh sẽ không thể chống lại sự tan vỡ và hỗn loạn.

120. Bảo vệ đức tin của tất cả mọi người, cũng như tầm quan trọng của việc lắng nghe tiếng nói của ngay cả những người thấp kém nhất và nhỏ bé nhất, được biểu lộ ở sự kiện Nicée không đi theo con đường của thuyết Arius. Thật vậy, Thánh Jérôme nhấn mạnh đến số lượng lớn những người theo thuyết Arius và số lượng lớn các giám mục theo thuyết Arius. Về mặt lịch sử, chắc chắn đây là vấn đề đánh giá cách đọc của Thánh Jérôme, bởi vì hầu hết các giám mục và Kitô hữu không trực tiếp lựa chọn thuyết Arius, nhưng lại khá do dự trước một thuật ngữ không có trong Tân Ước. Tuy nói vậy, nhưng vì hiệu quả của vũ lực đã xảy ra do chính quyền chính trị khởi xướng, nên Công đồng đã có thể bảo vệ được sensus fidelium [cảm thức đức tin] [184] vốn hiện hữu trong dân Chúa. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng lời tuyên xưng đức tin của Nicée là tiếng vọng trung thành được sống trong Giáo hội của niềm hân hoan của Chúa Kitô: " Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. " (Mt 11:25-26).

Kết luận: Công bố Chúa Giêsu là Đấng Cứu rỗi của chúng ta cho mọi người ngày hôm nay

121. Việc cử hành 1,700 năm Công đồng Nicée là lời mời gọi khẩn thiết đối với Giáo hội để tái khám phá kho tàng đã được trao phó cho mình và rút ra từ đó để chia sẻ với niềm vui, trong một đà lực mới, thậm chí trong một "giai đoạn mới của việc truyền giảng Tin mừng". [185] » Việc công bố Chúa Giêsu Ơn cứu rỗi của chúng ta khởi đi từ đức tin được diễn tả tại Nicée, như được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính Nicée-Constantinople, trước hết là để cho mình thán phục trước sự bao la của Chúa Kitô để tất cả mọi người có thể thánh phục về điều đó, để thắp lại ngọn lửa tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu, để tất cả mọi người có thể bùng cháy tình yêu đối với Người. Không có gì và không ai đẹp hơn, sảng khoái hơn, cần thiết hơn Người. Dostoevsky tuyên bố điều đó một cách mạnh mẽ: “Tôi đã rèn luyện trong chính mình một Kinh Tin Kính, trong đó mọi thứ đều rõ ràng và thánh thiêng đối với tôi. Kinh Tin Kính này rất đơn giản, đó là: tin rằng không có gì đẹp hơn, sâu sắc hơn, cảm thông hơn, hợp lý hơn, nam tính hơn và hoàn hảo hơn Chúa Kitô. [186] "Trong Chúa Giêsu, homoousios với Chúa Cha, chính Thiên Chúa đến để cứu chúng ta, chính Thiên Chúa đã ràng buộc mình với nhân loại mãi mãi, để hoàn thành ơn gọi của chúng ta là con người. Là Con Một, Người biến đổi chúng ta nên giống Người như những người con trai, con gái yêu dấu của Chúa Cha nhờ quyền năng ban sự sống của Chúa Thánh Thần. Những ai đã chứng kiến vinh quang (doxă) của Chúa Kitô có thể hát bài ca này, và để cho lời tôn vinh biến thành lời công bố quảng đại và huynh đệ, tức là thành lời rao giảng kerygma [giáo lý sơ truyền].

122. Việc loan báo Chúa Giêsu là Đấng Cứu rỗi chúng ta qua đức tin được diễn tả tại Công đồng Nicée không phải là bỏ qua thực tại của nhân loại. Đức tin này không ngoảnh mặt làm ngơ trước những đau khổ và biến động đang hoành hành trên thế giới và ngày nay dường như đang phá hoại mọi hy vọng. Ngược lại, nó đối diện với những rắc rối này bằng cách tuyên xưng sự cứu chuộc duy nhất có thể, được đạt tới bởi Đấng đã từng biết đến cả sự dữ dội của tội lỗi và sự chối bỏ, cảnh cô đơn của sự bỏ rơi và cái chết, và Đấng, từ chính vực thẳm của sự dữ, đã trỗi dậy để đưa chúng ta cũng đến với chiến thắng của Người để đến vinh quang của sự phục sinh. Lời loan báo mới này không hề bỏ qua văn hóa và các nền văn hóa, nhưng ngược lại, ở đấy cũng vậy với hy vọng và lòng bác ái, lắng nghe và được chúng làm cho phong phú, mời gọi chúng thanh lọc và nâng cao chúng. Việc bước vào niềm hy vọng như thế rõ ràng đòi hỏi sự hoán cải, nhưng trước hết là từ phía người loan báo Chúa Giêsu bằng cuộc sống và lời nói, vì đó là sự đổi mới trí tuệ theo tư tưởng của Chúa Kitô. Nicée là kết quả của sự biến đổi tư tưởng được ngụ ý và thực hiện thông qua biến cố Chúa Giêsu Kitô. Tương tự như vậy, một giai đoạn truyền giáo mới chỉ có thể thực hiện được đối với những ai để mình được đổi mới bởi biến cố này, đối với những ai để mình được chiếm hữu bởi vinh quang của Chúa Kitô, luôn luôn mới mẻ.

123. Việc loan báo Chúa Giêsu là Đấng Cứu rỗi của chúng ta, dựa trên đức tin được diễn tả tại Công đồng Nicée, là phải đặc biệt chú ý đến những anh chị em nhỏ bé và dễ bị tổn thương nhất của chúng ta. Ánh sáng mới chiếu rọi trên tình huynh đệ giữa mọi thành viên trong gia đình nhân loại bởi Chúa Kitô, Người Con homoousios [đồng bản tính] với Chúa Cha và chia sẻ bản chất chung của con người, đặc biệt soi sáng cho những người cần nhất niềm hy vọng của ân sủng. Chúng ta bị ràng buộc bởi một mối liên kết căn bản không thể phá hủy với tất cả những người đang đau khổ và bị loại trừ; Tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm việc để ơn cứu rỗi có thể đến với họ nói riêng. Rao giảng ở đây có nghĩa là "cho ăn", "cho uống", "đón nhận", "cho mặc" và "đi thăm viếng" (Mt 25:34-40), là làm sáng tỏ vinh quang khiêm nhường của đức tin, đức cậy và đức mến cho những người không được tin, không ai hy vọng nơi họ và không được thế gian yêu thương. Việc công bố có nghĩa là làm cho những nhân đức đối thần này tỏa sáng trong sự khiêm nhường và đau khổ: điều này chỉ có thể đến từ Chúa Kitô, Đấng Cứu rỗi chúng ta và do đó làm chứng về Người và cho phép chúng ta gặp gỡ Người. Tuy nhiên, chúng ta đừng nhầm lẫn: những người đàn ông bị đóng đinh trong lịch sử này chính là Chúa Kitô ở giữa chúng ta, theo nghĩa mạnh mẽ nhất có thể: "các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25:40). Đấng chịu đóng đinh và phục sinh biết rõ nỗi đau khổ của họ và họ cũng biết nỗi đau khổ của Người. Vì vậy, họ là những tông đồ, giáo viên và nhà truyền giáo của người giàu và người khỏe mạnh. Vấn đề là giúp đỡ người nghèo, nhưng trên hết là bước vào mối quan hệ với họ và sống với họ để cho phép mình được họ dạy dỗ: họ hiểu rõ hơn bất cứ ai về sự bao la của hồng phúc Chúa Con homoousios, đi xa đến tận thập giá, được tuyên xưng tại Công đồng Nicée. Họ có thể giới thiệu cho chúng ta niềm hy vọng mạnh hơn cái chết, theo Lời Chúa, Đấng đã xuống tận những người thấp hèn nhất trong chúng ta để nâng chúng ta lên cao nhất với Người [187].

124. Việc loan báo Chúa Giêsu là Đấng Cứu rỗi chúng ta nhờ đức tin được diễn tả tại Công đồng Nicée là loan báo Người trong Giáo hội. Đó là công bố điều đó thông qua lời chứng của tình anh em tuyệt vời được thành lập trong Chúa Kitô. Mục đích là để làm sáng tỏ những điều kỳ diệu mà Giáo hội "duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền" là "bí tích cứu rỗi phổ quát" và mở ra con đường đến với sự sống mới: kho tàng Kinh thánh được giải thích trong Kinh Tin Kính, sự phong phú của lời cầu nguyện, của phụng vụ và các bí tích phát xuất từ phép rửa tội được tuyên xưng tại Công đồng Nicée, ánh sáng của giáo huấn phục vụ cho đức tin chung. Tuy nhiên, kho tàng này “chúng ta mang nó trong những bình đất” (2 Cô-rinh-tô 4:7). Điều này đúng, vì việc loan báo chỉ có hiệu quả khi có sự nhất quán giữa hình thức của sứ điệp và nội dung của nó, giữa hình thức của Chúa Kitô và hình thức truyền giảng Tin mừng. Trong thế giới ngày nay, điều đặc biệt quan trọng là phải ghi nhớ rằng vinh quang mà chúng ta chiêm ngưỡng chính là vinh quang của Chúa Kitô, "hiền lành và khiêm nhường trong lòng" (Mt 11:29), Đấng đã tuyên bố: "Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp" (Mt 5:5). Đấng Chịu Đóng Đinh-Phục Sinh thực sự chiến thắng, nhưng đó là chiến thắng trên sự chết và tội lỗi chứ không phải trên kẻ thù – không có kẻ thua cuộc trong Mầu nhiệm Vượt Qua, ngoại trừ kẻ thua cuộc về mặt cánh chung, Satan là kẻ chia rẽ [188]. Việc loan báo Chúa Giêsu là Đấng Cứu rỗi của chúng ta không phải là một cuộc đấu tranh, nhưng đúng hơn là một sự đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng đã nhìn những ai Người gặp bằng tình yêu thương và lòng trắc ẩn (Mc 10:21; Mt 9:36) và để cho mình được hướng dẫn bởi một người khác, bởi Thánh Thần của Chúa Cha[189]. Lời loan báo sẽ có kết quả nếu chính Chúa Kitô hành động trong chúng ta:

“Thật tốt khi nhớ rằng khi sai các môn đệ đi truyền giáo, ‘Chúa đã làm việc với họ’ (Mc 16:20). Người ở đó, làm việc, đấu tranh và làm điều tốt với chúng ta. Theo một cách huyền nhiệm, chính tình yêu của Người được biểu lộ qua việc phục vụ của chúng ta, chính Người là người nói với thế giới bằng ngôn ngữ đôi khi không có lời nào diễn tả được[190].

Kỳ tới: Các Chú thích