Đức Giáo Hoàng dùng bữa tối với những người nghèo và vô gia cư ở Rome vào ngày 29 tháng 6 năm 2018. (Nguồn: Vatican Media.)


Elise Ann Allen của Crux ngày 25 tháng 4 năm 2025 tường trình rằng: Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ nhận được lời tiễn biệt cuối cùng từ những người nghèo ở Rome.

Theo truyền thống, trong cuộc đàn áp chống lại Kitô giáo của Hoàng đế La Mã Valerian vào năm 258, Thánh Lawrence, khi được cho ba ngày để gom hết của cải của nhà thờ trước khi bị hành quyết, đã bán các bình đựng của nhà thờ và trao tiền cho người nghèo.

Khi được Valerian triệu tập để giao nộp tài sản, của cải và kho báu của nhà thờ, Lawrence đã xuất hiện một cách đắc thắng, dẫn theo những đám đông nghèo đói, tàn tật, mù lòa và đau khổ của thành phố phía sau ngài.

Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô được an táng vào thứ Bảy, ngoài các nguyên thủ quốc gia, các chức sắc và người nổi tiếng dự kiến tham dự, cũng sẽ có mặt những người mà ngài đã dành toàn bộ thừa tác vụ linh mục, giám mục và thánh Phêrô của mình: người nghèo.

Không chỉ có những nhóm người nghèo, vô gia cư, người di cư và người tị nạn có mặt tại Thánh lễ an táng của ngài tại Vatican, họ cũng sẽ được chào đón đến nơi chôn cất cuối cùng của ngài, Vương cung thánh đường Đức Bà Cả.

Sau khi chọn tên giáo hoàng Phanxicô theo tên Thánh Phanxicô thành Assisi, thường được gọi là "Người nghèo thành Assisi" vì ngài chấp nhận sự nghèo đói và xa lánh của cải vật chất, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngay sau khi đắc cử đã nói với các nhà báo rằng ngài đã được truyền cảm hứng để lấy tên này ngay sau khi cuộc bỏ phiếu cuối cùng được kiểm trong mật nghị năm 2013 và ngài biết mình đã được bầu, một Hồng Y ngồi cạnh ngài đã nói, "đừng quên người nghèo".

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nỗ lực hết mình trong suốt triều đại của mình để ưu tiên người nghèo và những người ở bên lề cuộc sống, thực hiện chuyến đi đầu tiên ra khỏi Rome đến đảo Lampedusa của Ý, một điểm đến chính cho những người di cư và tị nạn đến châu Âu, nếu họ sống sót sau chuyến đi nguy hiểm qua Biển Địa Trung Hải.

Ngài được biết đến với việc tổ chức bữa trưa với những người vô gia cư và người nghèo trong lễ kỷ niệm sinh nhật của mình, dùng bữa trưa với họ bên trong Hội trường Paul VI của Vatican và mời họ vào Bảo tàng Vatican hoặc đưa họ đi nghỉ ở bãi biển với sự giúp đỡ của người phát chẩn của mình, Hồng Y người Ba Lan Konrad Krajewski.

Đức Phanxicô đã trao cho ĐTGM Krajewski một chiếc mũ đỏ vào năm 2018, cho thấy hoạt động từ thiện hướng đến người nghèo được ngài ưu tiên như thế nào. Ngài cũng nhiều lần cử ĐHY Krajewski đi làm nhiệm vụ nhân đạo ở Ukraine sau khi chiến tranh nổ ra vào năm 2022, chuyển xe cứu thương chở đầy thực phẩm và vật tư y tế.

Năm 2016, sau chuyến đi trong ngày vào phút chót đến Đảo Lesbos của Hy Lạp, một chuyến đi chỉ để thăm những người tị nạn mắc kẹt trên đảo, ngài đã đưa 12 người tị nạn Hồi giáo trở về cùng ngài, trong đó có sáu trẻ em. Ngài đã đến thăm lại hòn đảo này và trại tị nạn lớn nhất của hòn đảo vào năm 2021.

Ngài cũng luôn ủng hộ việc đưa người tị nạn từ các trại tị nạn vào Ý một cách an toàn và bảo mật thông qua các hành lang nhân đạo, đảm bảo một tuyến đường được bảo vệ cho những người có giấy tờ hợp lệ và được hỗ trợ hòa nhập vào cộng đồng địa phương của họ.

Trong một tuyên bố ngày 24 tháng 4, Vatican cho biết người nghèo không chỉ có một vị trí đặc quyền trong trái tim của Chúa, mà "Điều này cũng đúng trong trái tim và giáo quyền của Đức Thánh Cha, người đã chọn tên Phanxicô để không bao giờ quên họ".

“Vì lý do này, một nhóm người nghèo và thiếu thốn sẽ có mặt trên các bậc thang dẫn đến Vương cung thánh đường Đức Bà Cả để tiễn biệt Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước khi chôn quan tài của ngài”, sau lễ tang của ngài vào ngày 26 tháng 4.

Lễ tang của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26 tháng 4, lúc 10 giờ sáng giờ địa phương, và sau đó ngài sẽ được đưa bằng xe hơi đến Nhà thờ Đức Bà Cả, nơi ngài sẽ được an táng tại Nhà nguyện Pauline, nơi cũng có bức tượng Đức Mẹ Maria nổi tiếng, Maria Salus Populi Romani, hay Đức Mẹ, Đấng Phù hộ Người dân La Mã, một trong những lòng sùng kính yêu thích của ngài.

Theo Cộng đồng Sant’Egidio, một phong trào giáo hội dành riêng cho công lý xã hội mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất gần gũi, sẽ có một nhóm người nghèo, người di cư và người tị nạn tham dự Thánh lễ của ngài.

Trong một tuyên bố ngày 25 tháng 4, Sant’Egidio cho biết các thành viên, bao gồm cả các nhà lãnh đạo cấp cao, sẽ tham dự tang lễ của Đức Giáo Hoàng cùng với “người dân của ngài, bắt đầu từ những người nghèo đã biết và yêu mến ngài trong suốt thời gian ngài làm giáo hoàng”.

Họ cho biết những người này bao gồm những người tị nạn trở về từ Lesbos trên máy bay của giáo hoàng cùng ngài vào năm 2016, cũng như những người tị nạn từ một trại tị nạn ở Síp đã đến Ý thông qua chương trình hành lang nhân đạo của nước này vào năm 2021, sau chuyến thăm Hy Lạp và Síp của ngài.

Những người vô gia cư cũng sẽ tham dự, bao gồm nhiều người đã tìm thấy lòng hiếu khách và sự chào đón tại Palazzo Migliori, nơi được Giáo hoàng Phanxicô khánh thành vào năm 2019 và được giao cho Sant’Egidio.

Sant’Egidio cho biết nhóm người nghèo và thiếu thốn sẽ chào đón linh cữu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Nhà thờ Đức Bà Cả cũng thuộc cộng đồng của họ.