CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH NĂM C : GA 10,27-30

7Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. 28Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. 29Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không cai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. 30Tôi và Chúa Cha là một.”

CHIÊN TÔI THÌ NGHE, BIẾT VÀ THEO TÔI

Chúa nhật Thứ tư Phục sinh mỗi năm trở lại như là ngày của Mục tử và của ơn gọi, đặc biệt là ơn gọi Linh mục và tu sĩ. Trong cả ba năm, sách bài đọc Tin Mừng luôn công bố một đoạn lấy từ chương 10 thánh Gio-an. Trong đoạn ngắn được phụng vụ hôm nay cắt từ chương đó, tương quan giữa Mục tử Giê-su và đoàn chiên Giáo Hội được xác định dựa trên loạt động từ và kiểu nói đặc trưng : nghe, biết, theo, ban sự sống đời đời, không diệt vong, không cướp được.

1. Lắng nghe Mục tử và Cha Người.

Qua chùm từ ngữ này, được liên kết với nhau bởi một sợi chỉ thiêng liêng sáng ngời, có thể xây dựng câu chuyện toàn bộ về ơn gọi Ki-tô hữu. Ơn gọi này xuất phát từ một tiếng nói vang lên bên ngoài chúng ta : “Những kẻ không tìm Ta, Ta đã cho chúng gặp; những kẻ không hỏi Ta, Ta đã xuất hiện cho chúng thấy” (Rm 10,20). Ơn Thiên Chúa đi trước mọi tính toán cá nhân và phá vỡ sự im lặng của tâm thức, y như lời sáng tạo của Người đã phá vỡ sự im lặng của hư vô vậy. Do đó con người phải “lắng nghe”; và chúng ta biết rằng trong ngôn ngữ Kinh Thánh, động từ này chất chứa nhiều âm vang cũng như bao hàm việc gắn bó, vâng phục, chọn lựa sự sống.

Nhưng trước khi lắng nghe Đức Ki-tô, cần phải nhắm mắt một chút. Như vừa thấy, một giọng nói muốn thấu đến chúng ta. Không những từ bên trên những tiếng động của cuộc đời mà cả từ bên trên những xì xào phù phiếm hay xấu xa của con tim chúng ta.

Ngay trước lời khẳng định đầy âu yếm của mình, “chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”, Đức Giê-su đã có với người Do-thái một cuộc trao đổi gay gắt : “Nếu ông là Đấng Ki-tô, thì xin nói thẳng cho chúng tôi biết – Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin.” Người đã chẳng nói với những từ mà trong bầu khí đầy xúc cảm của một cuộc tranh luận, rất có thể bị giải thích sai lạc, song đã nói qua mọi hành vi của mình : “Những việc tôi làm làm chứng cho tôi” (x. Ga 10,24-25)

Giờ đây Đức Giê-su nói với chúng ta qua các chữ của Tin Mừng nhưng cũng tiếp tục nói qua các hành vi và qua chính bản chất Con Thiên Chúa của Người nữa. Chỉ cần mở một cuốn Tin Mừng ra, ai nấy đều có thể thấy và nghe Người, tuy nhiên lắm kẻ vẫn mù quáng và điếc đặc.

Vì có một khó khăn trong vấn đề nghe. Thánh Gio-an bảo ta rằng chẳng phải những “dấu chỉ” (các phép lạ) hay các từ ngữ làm chúng ta gắn bó sâu xa với Đức Giê-su. Phải có một kiểu trong sáng của con mắt và lỗ tai, tự do của trí óc, sẵn sàng của quả tim. Đến cùng Người với nhiều ý tưởng làm sẵn, với lắm tâm tình tiêu cực, sẽ có nguy cơ biến độc giả Tin Mừng thành những một kẻ nhìn mù quáng và kẻ nghe điếc lác. Chỉ duy những ai rất sẵn sàng mới nhận được tác động của con người ấy, mới thật sự nghe được tiếng nói ấy.

Vậy là phải tin để tin? Phải được chinh phục trước? Chúng ta đã suy ngắm mầu nhiệm này bao lần rồi. Chúng ta biết phải chú ý đến độ nào tới ơn lôi kéo đến cùng Đức Ki-tô và phải tích cực đến độ nào để khai thác ơn ấy. Công việc nội tâm kép này biến ta thành “một con chiên nghe tiếng Người.” Lúc ấy, các dấu chỉ trở nên rõ ràng, và lời Người mở lòng ta đón nhận đức tin. Chúng ta biết nghe Người vì chúng ta “theo Người.”

Khi nghe tiếng Người, chúng ta nghe một tiếng khác, tiếng của Chúa Cha : “Chúa Cha và tôi là một.” Vốn sắp làm cho người Do-thái giận dữ (“Họ lấy đá để ném Đức Giê-su”, c.31), khẳng định này đẩy chúng ta vào trong một thái độ lắng nghe đầy kinh ngạc thán phục : khi Đức Giê-su nói, thì chính tiếng nói của Chúa Cha thấu đến chúng ta ! Có lẽ chính trong Thánh lễ Giáng sinh mà ta đọc được bản văn đẹp nhất về vấn đề này : “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán với cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào những ngày sau hết này, Thiên Chúa đã phán với chúng ta qua một Người Con… mà nhờ Người Con ấy, Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ” (mở đầu thư Hip-ri).

Chớ bao giờ quên điều rất chắc chắn này : trong các lời của Đức Giê-su rung lên sự thật của Thiên Chúa và lòng âu yếm của Thiên Chúa. Nhưng Người cũng có nhiều đòi hỏi đấy chứ? Đúng ! song chúng ta có tin Thiên Chúa là tình yêu chăng? Nếu tin thì, vì Đức Giê-su là tiếng nói của tình yêu ấy, ta có thể đón nhận các đòi hỏi ấy như thành phần của cùng sứ điệp tình yêu.

2. Hiểu biết và bước theo Mục tử.

Bấy giờ mới thiết lập một mối hiệp thông thân mật và sâu xa giữa Đức Ki-tô và môn đệ; mối hiệp thông này được xác định bởi một từ Kinh Thánh quan trọng : “biết”. Sự hiểu biết này bao gồm trí tuệ, trái tim, hành động và ở sâu bên trong con người đến độ trở thành trên miệng Đức Giê-su của Gio-an chính định nghĩa về sự sống đời đời : “Sự sống đời đời là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa thật duy nhất, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (17,3). Con người đã nghe, làm cho mình được Thiên Chúa nhận biết và đã nhận biết Thiên Chúa thì “theo” Đức Ki-tô như Mục tử độc nhất của mình. Việc bước theo này phải là thường nhật và liên tục, kể cả khi ở chân trời thấp thoáng bóng chó sói sẵn sàng cấu xé xác ta và dày vò hồn ta. Giây phút đó xuất hiện trong tâm trí chúng ta hai động từ khác của đoạn về Mục tử : chúng ta sẽ không bao giờ “diệt vong” và chẳng ai có thể “cướp” chúng ta khỏi bàn tay chắc chắn và toàn năng của Đức Ki-tô được.

Sự an toàn này dựa trên thần tính của Đức Ki-tô, Đấng vốn “làm một với Chúa Cha” : thật thế, ngay từ trong Cựu Ước đã có tuyên bố về Thiên Chúa rằng “không ai có thể giật cái gì khỏi bàn tay của Người được” (x. Is 43,13). Sự an toàn này được diễn tả rõ ràng bởi Phao-lô trong một thánh thi đặt vào cuối thư Rô-ma chương 8 : “Tôi tin chắc rằng : cho dù là sự chết hay sự sống, thiên sứ hay quản thần, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hoặc bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (8,38-39). Niềm thanh thản này từng được xác nhận bởi một con người mới thoạt nhìn xem ra như bị nuốt chửng trong miệng sự dữ. Đó là Rosanna Benzi (1948-1991), một phụ nữ Ý bị giam mình ngay từ tuổi trẻ trong buồng phổi thép (hay “lá phổi sắt”). Được phát minh từ những năm 1920, "lá phổi sắt" là máy thở áp lực hỗ trợ các bệnh nhân bại liệt không thể tự hô hấp do virus làm tê liệt khối cơ ở ngực. Với chiều dài hơn 2m và cân nặng khoảng 320kg, nó hoạt động như một thiết bị thông gió, làm giãn nở và mở rộng các lá phổi. Khi đóng máy, bệnh nhân chỉ để lộ đầu ra ngoài. Từ nơi đó Rosanna Benzi đã làm báo, viết sách an ủi nhiều người và đã nói lên câu này : “Tôi bằng lòng, tôi hãnh diện vì đã không để mình bị đánh bại. Tôi chẳng có gì tiếc nuối. Tôi lập lại rằng tôi hạnh phúc vì đã sống 20 năm nay và sẵn sàng sống những năm tháng còn lại cách bình thản theo thánh ý Thiên Chúa. Bình thản và vui tươi !” Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII từng viết thư cảm ơn, khen ngợi và ban phép lành cho cô.

Mục tiêu ơn gọi Ki-tô hữu, thật thế, không tối tăm hay bất định nhưng nằm trong câu cuối cùng được Mục tử Giê-su thốt lên : “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời.” Trong ngôn ngữ Gio-an, “sự sống đời đời” không ám chỉ một khoảng thời gian vô tận, một sự bất tử của linh hồn như lời dạy của các triết gia Hy-lạp, nhưng trái lại là chính sự sống thần linh, sự sống của Đấng Đời Đời, là mối hiệp thông cuộc sống, bình an, hữu thể với chính Thiên Chúa. Lắng nghe Thiên Chúa nơi Đức Giê-su chắc chắn là dấn thân trên những con đường khó khăn nhưng dẫn đến sự sống : “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; chúng theo tôi và tôi ban cho chúng sự sống đời đời.”

Việc mô tả cách biểu tượng kinh nghiệm này được thấy trong bài đọc 2 hôm nay (Kh 7,9.14-17), bài đọc làm sáng lên trong trí chúng ta một bức tranh hoành tráng. Trong bức tranh đó, đoàn lũ đông đảo các môn đệ thuộc mọi miền, mọi thời và mọi nền văn hóa của hành tinh chúng ta không còn đói khát, không còn bị tổn thương bởi các biến động của thiên nhiên và lịch sử, không còn nếm biết vị đắng của nước mắt, không còn phải uống thuốc độc của thần chết, vì Thiên Chúa đã ban cho mọi tín hữu của Người “nguồn nước trường sinh.”

Đó là lúc hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa, bỏ lại sau mình thời gian trong đó đã họ đã phải đắm mình trong máu của thử thách, của đau khổ và của gian truân vì tham dự vào cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô. Giờ đây họ khoác lên y phục sáng chói như của thiên thần trong ngày Chúa sống lại (x. Lc 24,4). Từ đây họ ở trong niềm vui và trên họ căng ra chiếc lều đầy sao của bầu trời, hình ảnh Đền thờ thiên quốc hoàn hảo trong đó Thiên Chúa sẽ hiện diện, hiện diện không như một phản ảnh cần chiêm ngắm trong một tấm gương, nhưng tỏ tường, diện đối diện (x. 1Cr 13,12).