
Charles Collins, trên tạp chí Crux, ngày 9 tháng 7 năm 2025, tường trình rằng: Hôm thứ Hai, Vatican đã công bố tài liệu thực thi Thượng Hội đồng mới nhất, và điều này khiến tôi nhớ lại điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói cách đây vài năm về việc Giáo hội không phải là một công ty đa quốc gia lớn do các quản trị viên đứng đầu, những người nghiên cứu kỹ lưỡng cách thức tốt nhất để bán sản phẩm của mình.
Đức Phanxicô phát biểu với các nhà báo vào ngày 13 tháng 11 năm 2021: “Giáo hội không xây dựng mình trên nền tảng dự án riêng, không tự mình tạo ra sức mạnh để tiến lên và không sống bằng các chiến lược tiếp thị.”
Các độc giả đọc tài liệu do Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục công bố hôm thứ Hai có thể có ấn tượng Văn phòng Tổng Thư ký chưa bao giờ nhận được lời lẽ trên.
Với tựa đề “Những nẻo đường cho Giai đoạn Thực thi Thượng Hội đồng 2025-2028” và dài 24 trang được sắp chữ với đồ họa đầy màu sắc, trích dẫn và các chi tiết đáng lưu ý khác, tài liệu này tự nhận mình là “một khuôn khổ để xem xét” dành cho các Giáo hội địa phương, “mời gọi họ chia sẻ các sáng kiến của họ, đóng góp vào sự phân định rộng lớn hơn của Giáo hội”.
Trước tất cả những điều đó, hoặc bên cạnh đó, những người theo dõi từ nhà có thể được tha thứ khi nghĩ: “Khoan đã, chẳng phải tiến trình ba năm đã kết thúc vào năm ngoái rồi sao, khi cuộc họp Thượng Hội đồng Giám mục gần đây nhất về Tính đồng nghị kết thúc?”
Tiến trình ba năm đó bắt đầu vào năm 2021 với các cuộc họp cấp giáo phận kết thúc vào năm 2022. Một tiến trình cấp lục địa bắt đầu vào năm đó, kết thúc vào năm 2023. Vào năm 2023, một cuộc họp kéo dài ba tuần đã diễn ra tại Vatican vào tháng 10, với một cuộc họp khác kéo dài một tuần vào năm 2024, được cho là sẽ kết thúc toàn bộ quá trình. Tuy nhiên, đầu năm nay đã có thông báo cho rằng các giai đoạn tiếp theo sẽ diễn ra cho đến năm 2028.
Vì vậy, Văn phòng Tổng Thư ký đã công bố tài liệu “Các Nẻo Đường” trước tiến trình ba năm mới này, được công bố trong thời gian Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang nằm viện để điều trị căn bệnh cuối cùng của ngài.
Tài liệu mới được công bố hôm thứ Hai cho biết: “Giai đoạn triển khai là cơ hội để duy trì việc trao đổi các ân sủng, vốn thúc đẩy sự hiệp thông của các Giáo hội địa phương trong một Giáo hội duy nhất, thể hiện tính Công Giáo của Giáo hội trong khi vẫn tôn trọng sự đa dạng chính đáng.”
Tài liệu tiếp tục nói: “Sự sáng tạo, nguồn cảm hứng cho những cách thức mới để thực hành tính đồng nghị và nâng cao hiệu quả của sứ mệnh, bắt nguồn từ những khác biệt này.” Tài liệu tiếp tục: “Vì lý do này, thành quả của những kinh nghiệm thu được trong các bối cảnh khác nhau cần được chia sẻ, nuôi dưỡng đối thoại giữa các Giáo hội.”
Tài liệu giải thích thêm: “Trong giai đoạn triển khai, một tiến trình đối thoại mới do đó bắt đầu trong mỗi Giáo hội và giữa các Giáo hội, dựa trên Tài liệu Sau cùng.” (Tài liệu Sau cùng của cuộc họp Thượng Hội đồng Giám mục 2024 được gọi là “Tài liệu Sau cùng” trong toàn bộ văn kiện “Các Nẻo Đường” mới của Văn phòng Tổng Thư ký.)
Nhân tiện, xin nói Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất đúng. Giáo hội không phải là một công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục dường như lại thích một số khía cạnh tồi tệ nhất của đời sống thương trường đa quốc gia.
Trước hết, đó là việc sử dụng những lời lẽ dài dòng không cần thiết để mô tả sự việc. Đoạn đầu tiên mà tôi vừa trích dẫn cũng dài dòng như vậy, mà không hề đi sâu vào việc nói được bất cứ điều gì.
Công bằng mà nói, ngôn ngữ Vatican nổi tiếng là ngôn từ nhiều lời trống rỗng (logorrheic). Ngôn ngữ Giáo triều (curia-lese), như những người trong cuộc gọi, bị nhiều người coi là gây khó chịu. Tuy nhiên, khía cạnh tồi tệ nhất của tính đồng nghị nơi Văn phòng Tổng Thư ký là sự gia tăng các cuộc hội họp văn phòng, một kiểu hội họp hiện nay và trong một thời gian, đang được áp đặt lên các thẩm quyền giáo hội trên toàn thế giới. Sau đây là những gì đang chờ đợi:
Từ nay đến tháng 12 năm 2026 sẽ là việc triển khai các hoạt động tại các Giáo hội địa phương và các nhóm của họ;
Trong học kỳ đầu tiên của năm 2027 sẽ là các Hội nghị đánh giá tại các Giáo phận và Giáo phận Đông phương;
Trong học kỳ thứ hai năm 2027, chúng ta sẽ có các Hội nghị đánh giá tại các Hội đồng Giám mục quốc gia và quốc tế, các cấu trúc phẩm trật Đông phương và tại các nhóm Giáo hội khác;
Sau đó, trong bốn tháng đầu năm 2028 sẽ là các Hội nghị đánh giá cấp lục địa;
Tất cả sẽ kết thúc - nếu có - vào tháng 10 năm 2028 với một Hội nghị Giáo hội tại Vatican.
Để so sánh, hãy xem các Nghị phụ của Công đồng Nicaea đầu tiên vào năm 325 - cách đây 1,700 năm - chỉ mất chưa đầy ba tháng để tuyên bố Thiên tính của Chúa Giêsu Kitô và ấn định ngày lễ Phục sinh. Chúng ta đã có bốn năm về Thượng Hội đồng. Chúng ta vẫn chưa thể nhận được một tuyên bố đơn giản, thẳng thắn về tính đồng nghị là gì – một định nghĩa để làm việc, nếu bạn muốn – từ những người tổ chức chính của nó.
Chính cơ quan thông tấn chính thức của Vatican đã yêu cầu Phó Thư ký của Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, Nữ tu Nathalie Becquart, định nghĩa tính đồng nghị.
Trong câu trả lời, Nữ tu Becquart trước tiên giới thiệu mọi người tới Tài liệu Sau cùng của Thượng Hội đồng, sau đó trích dẫn nhà thần học người Úc Ormond Rush – một người tham dự Thượng Hội đồng – người đã nói: “Tính đồng nghị chính là Công đồng Vatican II tóm tắt”, rồi trích dẫn cụm từ ba chữ cái được dùng làm khẩu hiệu cho logo của Thượng Hội đồng – tôi không bịa chuyện đâu – “Hiệp thông, tham gia, truyền giáo”, và đây không phải là một cuộc phỏng vấn ở ngưỡng cửa nhà, mà là một buổi gặp mặt đặc biệt để làm nổi bật tài liệu “Những Nẻo đường”.
Nữ tu Becquart nói: “Chúng ta có thể nói rằng tính đồng nghị là cách để hiểu Giáo hội học của Công đồng Vatican II trong giai đoạn tiếp nhận Công đồng này”.
Bà nói tiếp: “Vì vậy, nó không gì khác ngoài việc tiếp tục việc tiếp nhận Công đồng Vatican II. Bởi vì, một cách nào đó, công đồng vẫn chưa được thực thi ở khắp mọi nơi. Nên, đó là cách để hiểu nó.”
Nữ tu Becquart nói: “Cách khác—cũng là một cách dễ dàng—khi nhắc đến logo của chúng ta, là nhấn mạnh ba từ khóa: Hiệp thông, tham gia, sứ mệnh.”
Becquart nói tiếp: “Và, chúng ta có thể nói rằng tính đồng nghị là một cách giúp Giáo hội trở nên truyền giáo và tham gia nhiều hơn. Vì vậy, tính đồng nghị là cách Chúa đang kêu gọi Giáo hội ngày nay thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn.”
Người ta cho rằng không phải là không thể việc cuối cùng chúng ta sẽ nhận được câu trả lời thực sự cho câu hỏi này trong loạt các cuộc họp diễn ra cho đến năm 2028.
Điều này đưa chúng ta đến vấn đề tiếp theo mà giáo hội đang phải đối diện về tính đồng nghị, giống như các tập đoàn đa quốc gia: “Chết vì các cuộc họp.”
Một cuộc khảo sát mới tại Hoa Kỳ cho thấy 76% thành viên của các tổ chức cho biết họ cảm thấy “kiệt sức” vào những ngày có nhiều cuộc họp, với 78% cho biết các cuộc họp khiến họ không thể thực sự hoàn thành công việc được giao.
Bằng chứng giai thoại chứng minh rõ ràng mức độ căng thẳng mà các cuộc họp gây ra trong doanh nghiệp – và Giáo hội – bởi vì người lao động cảm thấy có một “kết quả mong đợi” ngay cả khi không có kết quả nào được nêu ra, đặc biệt là khi kết quả đó bị bác bỏ một cách rõ ràng. Các cuộc họp cũng thường bị chi phối bởi một số ít người thực sự yêu thích những điều đó và nắm bắt cơ hội để cuối cùng nói lên cảm xúc của họ về bất kỳ vấn đề nào, bất chấp chương trình nghị sự.
Hầu hết người ta không thích họp hành, ngay cả những cuộc họp cần thiết, và một số người cố gắng hết sức để tránh chúng. Việc tạo ra một xung đột lịch trình, tìm kiếm nhu cầu hoàn thành một số công việc gấp rút, thậm chí là nghỉ bệnh giả, tất cả đều là những chiến thuật tránh họp đã được chứng minh qua thời gian và thực hành.
Tuy nhiên, Nữ tu Becquart nói với Vatican Media rằng sẽ rất khó để tránh vòng họp sắp tới. Bà nói: “Điều rất quan trọng nếu chúng ta muốn một Giáo hội đồng nghị thực hiện tính đồng nghị trong các trường Công Giáo, các trường đại học Công Giáo, trong mục vụ giới trẻ, và trong các tổ chức từ thiện như Caritas. Và họ đã tham gia rất nhiều vào Thượng Hội đồng và việc thực hiện, các cộng đồng tôn giáo cũng đã thực sự hưởng ứng lời kêu gọi này về tính đồng nghị”.
Tôi đã cảnh cáo bạn rồi mà!