Triều Đại ĐGH Phanxicô Dưới Sự Quan Phòng của Thiên Chúa

Triều đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mở ra một chương mới cho Hội Thánh. Đây là một chương về sự khiêm nhường, lòng thương xót và những thách đố mục vụ. Với phong cách đơn sơ, tâm hồn gần gũi người nghèo, cảm thương những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị gạt ra ngoài cả Hội Thánh, nhưng với những quyết định gây tranh luận, ngài đã trở thành một biểu tượng, vừa được nhiều người ngưỡng mộ, vừa bị không ít người phản đối.

Tuy nhiên, để hiểu đúng vai trò của ngài, chúng ta không thể chỉ nhìn qua lăng kính chính trị hay bảo thủ hoặc cấp tiến. Chúng ta cần nhìn triều đại của ngài qua lăng kính Quan Phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng không ngừng gìn giữ Hội Thánh qua từng thời đại, như bảo trì một quả lắc đồng hồ, ngõ hầu nó luôn đong đưa giữa truyền thống và canh tân một cách quân bằng.

I. Cuộc Đời và Ơn Gọi Phục Vụ của Đức Phanxicô

Đức Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936 tại Buenos Aires, Á Căn Đình, là con cả trong một gia đình có năm người con. Cha mẹ ngài là người gốc Ý nhập cư Á Căn Đình. Trưởng thành giữa những năm khủng hoảng chính trị và xã hội của Á Căn Đình, Đức Bergoglio sớm cảm nhận được nỗi khổ của người nghèo và tầng lớp lao động. Kinh nghiệm này hình thành nơi ngài một trái tim mục tử giàu lòng thương xót.

Ngài gia nhập Dòng Tên năm 1958, một dòng tu nổi tiếng với tinh thần tri thức, sứ vụ truyền giáo và sự phân định thiêng liêng. Sau khi thụ phong linh mục vào năm 1969, ngài đã giữ nhiều vai trò quan trọng trong Dòng, kể cả Giám Tỉnh và sau đó được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Buenos Aires. Với lối sống giản dị, tự mình đi xe buýt, tự nấu ăn, sống trong căn hộ nhỏ, Đức Hồng Y Bergoglio được nhiều người yêu mến. Ngài luôn gần gũi với người nghèo và sống một đời sống phản ảnh Tin Mừng.

Vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, Hồng Y đoàn chọn ngài làm Giáo Hoàng. Ngài là vị Giáo Hoàng Dòng Tên đầu tiên, người Mỹ Latinh đầu tiên, và Giáo Hoàng đầu tiên lấy tên “Phanxicô”. Đây là một chọn lựa đầy biểu tượng, báo trước một triều đại chú trọng đến sự khiêm nhường, nghèo khó, và canh tân.

II. Sự Giản Dị Trong Cuộc Sống và Phong Cách Lãnh Đạo

Ngay từ giây phút đầu tiên trên ban công Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ, không phải bằng ngôn từ hùng biện, nhưng bằng một hành động nhỏ: ngài cúi đầu xin giáo dân cầu nguyện cho ngài trước khi ban phép lành. Cử chỉ đó nói lên một đường hướng mục vụ khiêm tốn, khác biệt và đầy nhân bản.

Ngài chọn sống tại nhà khách Casa Santa Marta thay vì Dinh Tông Tòa. Lễ phục của ngài đơn sơ, các nghi lễ cử hành giản lược. Ngài thường đi bộ, tự mở cửa tiếp khách, dùng bữa với nhân viên như người bình thường. Chính lối sống này truyền cảm hứng cho một Hội Thánh “gần gũi,” ở đó vị mục tử sống giữa đoàn chiên và đậm mùi chiên, chứ không cai trị họ.

Sự đơn sơ này không những chỉ là biểu hiện cá nhân, mà còn là một sứ điệp thần học: Hội Thánh phải là hình ảnh của Đức Kitô, Đấng đã “tự hạ mình xuống” để cứu độ nhân loại. Với Đức Phanxicô, sự khiêm nhường không phải là đức tính tùy chọn, mà là cốt lõi của sứ vụ Phúc Âm hoá của ngài.

III. Ưu Tiên cho Người Nghèo và Công Bằng Xã Hội

Ngay từ những văn kiện đầu tiên, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đến người nghèo, người bị gạt ra bên lề xã hội, và những nạn nhân của một hệ thống kinh tế vô nhân đạo. Trong Evangelii Gaudium (2013), ngài tuyên bố: “Tôi muốn một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo.” Đây không phải là khẩu hiệu chính trị, mà là trở lại với cội nguồn Tin Mừng: ở đó Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng cho những kẻ nghèo, chữa lành những người bệnh tật, đồng bàn với những người tội lỗi.

Với Gaudete et Exsultate (2018), ngài mời gọi mỗi người chúng ta nên thánh trong bậc sống của mình. Ngài nhấn mạnh rằng tất cả mọi người đều được kêu gọi nên thánh qua những hành động đơn giản của tình yêu, lòng thương xót và lòng trung thành hằng ngày. Sự thánh thiện đích thực chống lại những sự xao lãng hiện đại, tránh chủ nghĩa luật lệ cứng ngắc và đón nhận tinh thần môn đệ vui tươi bắt nguồn từ các Mối Phúc Thật.

Với Laudato Si’ (2015), ngài liên kết vấn đề môi trường với công bằng xã hội, cho thấy rằng sự phá hủy thiên nhiên luôn ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người nghèo. Trong Fratelli Tutti (2020), ngài kêu gọi tình huynh đệ toàn cầu vượt qua biên giới quốc gia, văn hóa và tôn giáo.

Tuy nhiên, cũng chính những lập trường xã hội mạnh mẽ này đã làm cho một số người chỉ trích ngài là “chính trị hóa đức tin” hay thiên tả. Ngài không né tránh xung đột, nhưng luôn cố gắng đưa đối thoại lên hàng đầu, dù điều này đôi khi làm cho nhiều người hiểu lầm giáo huấn của ngài hoặc giải thich chúng một cách chủ quan.

IV. Những Căng Thẳng với Giới Bảo Thủ

Một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhiều nhất trong triều đại của Đức Phanxicô là mối quan hệ của ngài với các nhóm Công Giáo bảo thủ. Ngài thường công khai chỉ trích “tinh thần biệt phái,” “giáo điều cứng ngắc,” và “chủ nghĩa giáo sĩ trị.” Những lời lẽ này, dù nhằm kêu gọi sự đổi mới nội tâm, lại bị nhiều người coi là những công kích nhắm vào những người tuyệt đối trung thành với truyền thống phụng vụ, luân lý và giáo lý của Hội Thánh.

Trong Amoris Leatitia, Đức Phanxicô không trực tiếp nêu tên các nhóm bảo thủ, nhưng ngài nhấn mạnh đến việc uyển chuyển trong chăm sóc mục vụ và phân định hơn là cứng ngắc áp dụng giáo lý theo truyền thống mà không có ngoại lệ. Cũng thế, trong Christuc Vivit, Đức Phanxicô chỉ trích những cách tiếp cận hoặc phán đoán quá cứng ngắc về luân lý. Ngài khuyến khích một phong cách đồng hành và cảm thông hơn với những người trẻ, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến tình dục và sự yếu đuối của con người. Những sự cởi mở mục vụ này có thể làm xáo trộn các quan điểm bảo thủ, và khiến nhiều người cho là mập mờ trong giáo huấn và kết án ngài là lạc giáo. Việc ban hành văn kiện Traditionis Custodes (2021), giới hạn Thánh Lễ tiếng Latinh cổ truyền, làm cho nhiều tín hữu yêu mến truyền thống cảm thấy bị loại trừ.

Đức Phanxicô đang thúc đẩy tinh thần Hiệp hành, một mô hình quản trị Hội Thánh dựa trên lắng nghe, đối thoại và phân định chung. Hiệp hành đã trở thành dấu ấn của triều đại Giáo Hoàng của ngài. Ngài hình dung một Hội Thánh "cùng bước đi", trong đó các Giám mục, giáo sĩ và giáo dân tích cực tham gia vào tiến trình đưa ra quyết định dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, sự nhấn mạnh vào tính cởi mở và tham vấn này đã gây ra căng thẳng với nhiều người Công Giáo bảo thủ. Họ lo ngại rằng tính Hiệp hành có thể dẫn đến những mơ hồ về giáo lý, làm giảm bớt thẩm quyền của Toà Thánh, hoặc thậm chí thay đổi các giáo lý cố hữu. Những người chỉ trích cho rằng một số cuộc thảo luận trong các Công nghị Hiệp hành về các chủ đề, như sự hòa nhập của những người đồng tính, vai trò của phụ nữ, hoặc của những người Công Giáo đã ly hôn, có thể làm suy yếu nền tảng đạo đức và thần học của Hội Thánh. Trái lại, những người ủng hộ ngài coi tính Hiệp hành như là sự trở lại với các thực hành ban đầu của Hội Thánh, và là con đường cần thiết để canh tân mục vụ. Cuộc xung đột này làm nổi bật những khác biệt sâu sắc hơn về sự hiểu biết về thẩm quyền, truyền thống và sự phát triển trong Hội Thánh ngày nay.

Ngoài ra, việc một số Giám mục và Hồng Y nổi tiếng là bảo thủ đã bị thay thế hoặc không được trao phó những vai trò quan trọng trong giáo triều cũng gây ra không ít bất mãn trong giới bảo thủ.

Tuy vậy, Đức Phanxicô đã không hề thay đổi tín lý, mà chỉ thay đổi cách trình bày và tiếp cận. Ngài kêu gọi các tín hữu nhìn đến những người ly dị và tái hôn, những người đồng tính, và những người “lìa xa Hội Thánh” bằng ánh mắt thương xót mà không kết án. Chính sự mở cửa mục vụ này làm dấy lên câu hỏi: liệu Hội Thánh đang thay đổi hay chỉ đơn thuần mở rộng vòng tay?

V. Một Cái Nhìn Thần Học: Hội Thánh Như Một Quả Lắc trong Tay Thiên Chúa

Để hiểu rõ ràng hơn về triều đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng ta cần có cái nhìn vượt ra ngoài góc nhìn chính trị hay bảo thủ hoặc cấp tiến. Chúng ta cần nhìn bằng con mắt đức tin, dưới ánh sáng của Thiên Chúa Quan Phòng.

Trong lịch sử Hội Thánh, Thiên Chúa không ngừng sử dụng các Giáo hoàng có những quan điểm mục vụ khác nhau để giữ cho Hội Thánh được quân bình. Có lúc, Thiên Chúa dùng những vị Giáo hoàng như Thánh Gioan Phaolô II hay Đức Bênêđictô XVI để khẳng định và chỉnh đốn những hiểu lầm về giáo lý, bảo vệ luân lý, củng cố trật tự. Có lúc, Ngài lại dùng những vị Giáo hoàng như Đức Phanxicô để nhân loại nhận ra lòng thương xót của Ngài, để các mục tử biết lắng nghe tiếng kêu của những người bị bỏ rơi trên thế gian, và làm mềm lại những tâm hồn đã trở nên khô cằn vì quá câu nệ vào lề luật mà quên đi đức ái.

Hội Thánh có thể ví như một quả lắc của một chiếc đồng hồ treo tường. Nếu không lắc qua lắc lại, nó sẽ mất đà và cuối cùng sẽ ngừng hoạt động. Cũng vậy, nếu Hội Thánh không đong đưa giữa hai chiều hướng truyền thống và canh tân, bảo thủ và cấp tiến, giữa việc giải thích chân lý một cách rõ ràng và việc rao truyền lòng thương xót của Thiên Chúa, thì Hội Thánh sẽ trở nên bất động và không còn sức sống.

Các giáo huấn của Đức Phanxicô không đối lập với giáo huấn của các vị tiền nhiệm, mà là những bổ sung cần thiết. Ngài đã không chối bỏ những giáo huấn hay thực hành có sẵn, nhưng điều chỉnh chúng theo nhãn quan thương xót, đôi khi hơi quá đà, nhưng vẫn trong giới hạn của Mặc Khài. Và Thiên Chúa, trong sự Quan Phòng vô cùng khôn ngoan, vẫn đang dùng mỗi vị Giáo hoàng như một nhịp đập để giữ cho Hội Thánh được sống, thở, và bước đi trong thế giới hôm nay.

Kết Luận

Triều đại của Đức Phanxicô là một tấm gương phản chiếu trung thực của thế giới đương thời. Trong thế giới ấy, có sự tồn tại song song giữa hy vọng và lo âu, giữa sự cởi mở và khép kín, giữa khát khao công lý và sợ thay đổi. Ngài không hoàn hảo, nhưng chính qua sự giới hạn ấy mà Thiên Chúa vẫn thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài.

Dù chúng ta cảm thấy được Đức Phanxicô đánh động hay cảm thấy bối rối bởi các chọn lựa mục vụ táo bạo của ngài, thì một điều không thể phủ nhận được là: Hội Thánh vẫn đang sống động, và Thiên Chúa vẫn đang hướng dẫn Hội Thánh qua những con người rất rất thực sự là người với tất cả những ưu điểm và khuyết điểm của các ngài.

Trong một thời đại đầy biến động, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giúp Hội Thánh hiện diện một cách gần gũi hơn với con người trong thế giới ngày nay. Ngài đã lèo lái con thuyền Hội Thánh không phải bằng sự thống trị, nhưng bằng phục vụ; không bằng quyền lực, nhưng bằng lòng thương xót. Dù đồng ý hay không đồng ý với cách hướng dẫn Hội Thánh của ngài, chúng ta hãy cùng nhau cầu xin Chúa ban cho linh hồn Đức Thánh Cha Phanxicô mau được kết hợp với Thiên Chúa và các vị tiền nhiệm của ngài trên Thiên Đàng. Amen.