Giám mục Varden: ‘Chúng ta không bao giờ là người ngoài mật nghị một cách thụ động’
Về việc cầu nguyện trong thời kỳ trống ngôi giáo hoàng
Luke Coppen của tạp chí mạng The Pillar, ngày 27 tháng 4 năm 2025, cho đăng tải bài phỏng vấn Đức Cha Varden về việc phải cầu nguyện trong thời gian giáo hội trống ngôi giáo hoàng:
Khi các Hồng Y trên thế giới bước vào Nhà nguyện Sistine để bầu ra một giáo hoàng mới trong những ngày tới, những người Công Giáo ở khắp mọi nơi sẽ điên cuồng nhấn nút “làm mới” trên trình duyệt web của họ.

Có khả năng là hầu hết thời gian, sẽ không có tin tức lớn nào. Có lẽ chỉ thỉnh thoảng có một làn khói đen và một vài lần nhìn thấy “chim mòng biển Sistine” nổi tiếng.
Liệu năng lượng lo lắng của 1.4 tỷ người có thể được định hướng tốt hơn không? The Pillar đã hỏi Giám mục Erik Varden, tu sĩ Trappist người Na Uy, tác giả và người sành bia, về những lời khuyên đối với cách cầu nguyện — và giữ bình tĩnh — trong thời kỳ trống ngôi giáo hoàng.

Khoảng thời gian giữa cái chết hoặc sự từ chức của một giáo hoàng và cuộc bầu cử của một giáo hoàng mới là thời gian lo lắng và không chắc chắn đối với nhiều người Công Giáo. Liệu chúng ta chỉ là những người ngoài cuộc thụ động theo dõi một quá trình lịch sử diễn ra?
Trong Giáo hội, chúng ta không bao giờ là những người ngoài cuộc thụ động. "Nếu một chi thể đau khổ, tất cả cùng đau khổ; nếu một chi thể được vinh dự, tất cả cùng vui mừng" (1 Cô-rinh-tô 12:26). Chúng ta biết rõ câu nói của Thánh Phaolô. Áp dụng nó có tính phổ quát.
Tuy nhiên, Giám mục Rôma, người kế vị Thánh Phêrô, không phải là một thành viên bất cứ nào đó. Giáo lý Công Giáo gọi ngài là "đầu hữu hình của toàn thể Giáo hội" (Lumen gentium 18). Tất nhiên: xét về mặt thần học và nguyên tắc, Chúa Kitô là Đầu của Thân thể Mầu nhiệm. Nhưng trong nhiệm cục ân sủng, xuất phát từ luận lý học Nhập Thể của Chúa Kitô, những thực tại vô hình được trao cho những hình thức hữu hình truyền đạt hiệu quả tác nhân cứu rỗi của Chúa.
Hiện tại, chúng ta, những thành viên cụ thể của Giáo hội, theo nghĩa cụ thể này là không có đầu. Đây là một trạng thái không thoải mái. Có điều gì đó đáng ngại về một cơ thể không đầu đang di chuyển — hãy nghĩ đến cách chúng ta gợi lên hình ảnh một con gà không đầu và hình ảnh đó tượng trưng cho điều gì.
Đây là thời điểm để đồng cảm với những trái tim đau khổ, những tâm trí trong sáng và, giữa tất cả những điều đó, lòng biết ơn, đối với thực tại được là người Công Giáo. Thực tại này chạm đến mọi khía cạnh của con người chúng ta.
Chúng ta sở hữu cảm giác mất mát của mình một cách sâu sắc, thiêng liêng, trí thức trong khi khao khát sự toàn vẹn được phục hồi của cơ thể, để nó có thể xuất hiện với vóc dáng trọn vẹn, một hình ảnh xứng đáng, đáng tin cậy của Chúa Kitô trên trái đất, "không ngừng dấn thân", như Công đồng Vatican II đã nói, "trong việc ca ngợi Chúa và cầu bầu cho sự cứu rỗi của toàn thế giới" (Sacrosanctum concilium, 83), đầu và các chi thể hợp nhất trong sự hòa hợp hoàn hảo, du dương.
Thời gian trống ngôi giáo hoàng là loại thời gian nào? Đó có phải là thời gian sám hối như Mùa Chay, thời gian chờ đợi nhẹ nhàng hơn như Mùa Vọng hay hoàn toàn là điều gì đó khác?
Điều gì đó khác. Chúng ta hãy nói rõ: Mùa Chay và Mùa Vọng chuẩn bị những biểu hiện đặc biệt của mầu nhiệm đức tin được hoàn thành trong Chúa Kitô. Mầu nhiệm này là không thể lay chuyển, dù có tạm thời hay không.
Quá trình thương tiếc sau khi một giáo hoàng qua đời, sau đó là việc diễn ra mật nghị: đây là thời gian chờ đợi những sự sắp xếp đặc biệt, có ý nghĩa, vâng; nhưng Đấng Mê-xi-a đã đến, Chúa Kitô đã sống lại, hy vọng Kitô giáo của chúng ta là vững chắc — vì vậy, thực sự không cần phải lo lắng. Trên thực tế, tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để làm điều ngược lại: thực hành sự im lặng và bình an.
Một điệp khúc đang nổi lên của những giọng nói đang đánh giá về triều đại giáo hoàng vừa kết thúc và dự đoán cho triều đại tiếp theo. Mọi người đột nhiên trở thành chuyên gia. Điều này là không thể tránh khỏi. Theo một số cách, nó hữu ích. Nhưng chúng ta hãy cẩn thận đừng biến thời gian này thành chuyện ngồi lê đôi mách và ít nhiều là những lời bình luận có thông hiểu.
Chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo hội. Các hoa trái của Chúa Thánh Thần là “tình yêu thương, niềm vui, sự bình an, sự kiên nhẫn, lòng nhân từ, sự tốt lành, lòng trung tín, sự dịu dàng, sự tự chủ” (Ga-lát 5:22-23). Nuôi dưỡng những điều này, chúng ta sẽ mở lòng mình ra với sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.
Vì Giáo hội là một thân thể, tất cả chúng ta đều có vai trò trong việc vun đắp, ngay bây giờ, sự chú ý bình an cho phép sự vâng lời thông minh, tự do. Hãy nghĩ xem: thật khó để giữ tâm trí bạn vào những điều thiêng liêng nếu bạn bị chứng ngứa ngáy chân tay. Vì vậy, bất cứ nơi nào chúng ta thấy mình là thành viên, chúng ta hãy làm những gì có thể để mang lại hòa bình cho thân thể.
Chúng ta hãy dành thời gian cho sự im lặng, tôn thờ, cầu bầu, tĩnh lặng. Từ đó, toàn bộ cơ thể sẽ được hưởng lợi. Và chúng ta sẽ cùng nhau chuẩn bị để đón nhận bất cứ phước lành và nhiệm vụ nào mà Chúa đã dành sẵn.
Chúa Thánh Thần thường được nhắc đến như là đóng vai trò trong các cuộc bầu cử giáo hoàng. Có cách nào chúng ta có thể hợp tác với Chúa Thánh Thần trong quá trình chuyển đổi này không?
Chúng ta đã xem xét một số cách rồi. Tôi muốn đề cập đến một cách khác mà tôi thường nghĩ đến. Hiến chế của Công đồng Vatican II về Giáo hội, Lumen gentium, nói, như bạn biết đấy, về lời kêu gọi toàn cầu hướng đến sự thánh thiện. Điều đó nghe có vẻ khẳng định từ xa: tất cả chúng ta đều có thể tưởng tượng mình là thánh; chúng ta có thể có một hạnh thánh của chính mình và một biểu tượng bản thân sẵn sàng đề xuất.
Vấn đề là, sự thánh thiện của Kitô giáo về bản chất có hình thập giá, được sinh ra từ sự kết hợp với Chúa Giêsu Kitô, Đấng “dù bản thể là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang” (Pl 2:6-7). Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh cho chúng ta chạm đến, chỉ vài ngày trước, mức độ tự hạ mình xuống, khiến chúng ta thành nguyên thô (raw).
Với điều này trong tâm trí, hãy xem xét những gì hiến chế dạy: “tất cả các tín hữu của Chúa Kitô được mời gọi phấn đấu vì sự thánh thiện và hoàn thiện của bậc sống thích hợp của riêng họ. Thật vậy, họ có nghĩa vụ phải phấn đấu như vậy. Vì vậy, tất cả hãy cẩn thận trong việc hướng dẫn đúng đắn những tình cảm sâu sắc nhất của tâm hồn mình” (Lumen gentium, 42). Trong tiếng Latinh, mệnh đề cuối cùng có nội dung: “ut affectus suos recte dirigant.”
Ngày nay, chúng ta có xu hướng coi là điều hiển nhiên việc cảm xúc của chúng ta là đúng và tiết lộ chúng ta là ai: “Tôi cảm thấy, do đó tôi hiện hữu.” Chúng ta dễ dàng tuyên bố quyền hành động theo cảm xúc của mình — chúng ta bực bội nếu người khác không tôn trọng cảm xúc của chúng ta. Trong khi đó, Giáo hội nhắc nhở chúng ta rằng cảm xúc của chúng ta thường xuyên bị rối tung, và khía cạnh tình cảm của chúng ta phải được định hướng trước khi nó thực sự giúp chúng ta đạt được mục tiêu mà chúng ta tìm kiếm.
Cảm xúc và tình cảm dâng trào vào thời điểm như thế này, một số người hân hoan, những người khác thì đau khổ, một số thì tức giận. Tất cả đều muốn thấy cảm xúc của mình được minh oan. Nhưng đó không phải là mục đích.
Nếu chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau bằng lời nói và tấm gương để hướng dẫn đúng đắn những tình cảm sâu sắc nhất của tâm hồn trong những ngày này, tôi nghĩ chúng ta sẽ làm được công việc quan trọng như những người cộng tác của Chúa Thánh Thần.

Có được cầu nguyện để ứng viên yêu thích của chúng ta trở thành giáo hoàng không, hay điều đó giống như cầu nguyện để đội thể thao của Đức cha giành giải?
Vấn đề là: ở đây không phải là vấn đề ai sẽ chiến thắng. Chúng ta có nghĩ đến gánh nặng sẽ đè lên vai vị giáo hoàng tương lai ngay từ lúc ngài được chấp nhận không? Chúng ta có cân nhắc đến việc một ngày nào đó ngài sẽ phải trả lời trước Đấng phán xét mọi người không?
Nếu bạn đọc Dante, hoặc xem xét bất cứ bức tranh thời trung cổ nào về Ngày phán xét cuối cùng, bạn sẽ thấy không thiếu những cái đầu đội mũ miện ở cõi âm. Đây là điều mà tôi, với tư cách là một giám mục, phải run rẩy cân nhắc. Rủi ro rất lớn.
Sự kiên cường và đức tin cần có của Giám mục Rôma thách thức trí tưởng tượng: người đàn ông tội nghiệp đó phải vừa rất mạnh mẽ vừa rất dễ uốn nắn; ngài phải hiện diện sâu sắc trong các vấn đề của thế giới này nhưng vẫn sống một cuộc sống hoàn toàn siêu nhiên; ngài phải thực hành sự tước đoạt ở mức độ anh hùng, không có một khoảnh khắc nào được nghỉ ngơi; ngài phải đồng ý từ sâu thẳm trái tim mình với ơn gọi của Thánh Phêrô: "Khi con già đi, con sẽ giơ tay ra, và người khác sẽ thắt lưng cho con và đưa con đến nơi con không muốn đến" (Ga 21:18). Ai có thể sống theo điều này?
Thay vì coi Hồng Y đoàn như chuồng ngựa và xếp hàng ở cửa hàng cá cược, tôi nghĩ chúng ta nên suy nghĩ và cầu nguyện theo những thuật ngữ này: Ngay lúc này, Chúa quan phòng đang chuẩn bị một người do Chúa chọn để đảm nhận một phần đặc quyền tối cao trong lễ Vượt qua của Chúa Kitô, để sống trọn vẹn sứ mệnh thân mật này cho đến chết, trong sự giám sát của một thế giới tò mò có thái độ thất thường, trong một khoảnh khắc, sẽ chuyển từ việc hô vang “Hoan hô!” sang rít lên “Đóng đinh!”
Giáo hoàng có một sứ mệnh tuyệt vời và vui tươi: công bố Chúa Kitô cho thế giới! Nhưng đầu mà chúng ta đang chờ đợi sẽ được đội mão gai theo nhiều cách khác nhau.
Sau đó, chúng ta có thể đọc lời cầu nguyện được chỉ định là lời cầu nguyện chung trong Thánh lễ “Cầu cho Đức Giáo Hoàng được bầu” — và thật tuyệt vời khi chúng ta cầu nguyện cho ngài trước khi chúng ta có ý niệm nhỏ nhất về ngài là ai: “Lạy Chúa, là Mục tử vĩnh cửu, Chúa cai quản đoàn chiên của Chúa bằng sự bảo vệ cần mẫn: xin ban cho Giáo hội của Chúa trong lòng nhân từ vô biên của Chúa một mục tử sẽ [tốt nhất] làm đẹp lòng Chúa bằng sự thánh thiện của ngài và mang lại [nhiều] lợi ích cho chúng con thông qua sự quan tâm không ngủ yên”.
Đó là một lời cầu nguyện tốt.