Hamebus Papam: Tân Giáo Hoàng Lêo XIV

Nguyễn Trung Tây


Đức Tân Giáo Hoàng Lêo XIV, trong những phát biểu đầu tiên sau khi được bầu làm người kế vị Thánh Phêrô, đã một lần nữa mạnh mẽ khẳng định căn tính đích thực và sứ mạng không thể thay đổi của Giáo Hội, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội và văn hóa đầy biến động, bất ổn và phân hóa sâu sắc của thế giới hôm nay,

— Chúng ta phải cùng nhau tìm cách trở thành một Giáo hội truyền giáo, xây dựng những cây cầu, đối thoại, luôn mở rộng vòng tay đón nhận mọi người.

Giáo Hội Truyền Giáo: Trước những thách đố của thời đại, từ khủng hoảng môi trường, bất bình đẳng kinh tế, xung đột xã hội, cho đến hiện tượng tục hóa ngày càng gia tăng, ngài đã kêu gọi toàn thể dân Chúa hãy trở về với căn tính nguyên thủy của Giáo Hội, đồng thời can đảm tái khám phá ơn gọi làm muối men cho trần gian.

Câu tuyên bố của ngài cũng khẳng định Giáo Hội không thể và không được phép trở thành một tổ chức khép kín, tự bảo vệ mình trong những bức tường an toàn của cơ cấu, nghi thức, hay đặc quyền. Trái lại, Giáo Hội phải luôn mang trong mình tâm thế của một người lữ hành truyền giáo, luôn trong tư thế “ra đi,” ra khỏi chính mình, ra khỏi não trạng tiện nghi, ra khỏi thái độ tự mãn thiêng liêng, để dấn thân bước vào những thực tại khó khăn, hỗn độn, và đầy thách đố của thế giới.

Sự “ra đi” mà Đức Tân Giáo Hoàng nói đến không chỉ là một chuyển động vật lý, nhưng là một hành trình nội tâm, một cuộc hoán cải thiêng liêng, trong đó mỗi thành phần của Giáo Hội, từ giáo dân đến giáo sĩ, đều được mời gọi bước ra khỏi cái tôi ích kỷ, để mở lòng trước nỗi đau, khát vọng và nhu cầu thiêng liêng của nhân loại hôm nay. Những “vùng ngoại biên” mà ngài nhắc tới không chỉ là những nơi nghèo đói về vật chất, mà còn là những biên giới văn hóa, xã hội, tâm linh, nơi có những con người bị tổn thương, bị loại trừ, và đang khao khát một tình yêu cứu độ, khao khát một ánh sáng soi đường, khao khát một niềm hy vọng đích thực. Đó chính là niềm vui Tin Mừng của Đức Kitô, Đấng đã chết, nhưng phục sinh.

Giáo Hội, theo tầm nhìn của Đức Lêo XIV, phải là một Giáo Hội đi ra để gặp gỡ, để phục vụ và để đồng hành với những người đang sống trong hoàn cảnh bị lãng quên, bị bên lề hóa. Chỉ khi nào Giáo Hội dám ra đi như Đức Kitô đã ra đi, từ trời xuống thế, từ an toàn đến hiểm nguy, từ cao sang đến nghèo khó, thì Giáo Hội mới thực sự sống đúng căn tính của mình. Nói một cách khác, Giáo Hội phải là dấu chỉ sống động và công cụ hiệu quả của lòng thương xót Thiên Chúa giữa lòng nhân loại.

Hồng Y Robert Prevost: Đời sống của Hồng Y Robert Prevost, tu sĩ dòng Augustinô, thực sự là biểu tượng rõ nét và đầy sức thuyết phục về chiều kích truyền giáo của Giáo Hội trong thế kỷ XXI. Trong một thế giới đang ngày càng toàn cầu hóa nhưng cũng đầy chia rẽ, ngài thể hiện một lối sống Tin Mừng cụ thể, âm thầm nhưng mạnh mẽ, trở thành mẫu gương cho một Giáo Hội biết vượt qua biên giới văn hóa, ngôn ngữ, và cả căn tính quốc gia để yêu thương và phục vụ như Đức Kitô đã yêu và phục vụ.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình di dân tại Hoa Kỳ, cậu thanh niên Robert Prevost không thể không cảm nghiệm được sự mong manh, bấp bênh và khát vọng hội nhập của những người di dân hoặc những người sống bên lề xã hội. Hoàn cảnh di dân của gia đình ngài đã trở thành nền tảng cho một ơn gọi đặc biệt: ơn gọi bước ra khỏi chính mình để đến với người khác, nhất là những ai bị bỏ rơi và quên lãng. Sau khi được thụ phong linh mục, ngài lên đường, đến với đất nước Peru, một nơi xa lạ về ngôn ngữ, văn hóa và khí hậu, để dấn thân trong sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Sự hiện diện của ngài tại Peru không phải chỉ là một cuộc viếng thăm ngắn hạn hay một sứ vụ tạm thời, mà là một hành trình gắn bó sâu xa và trọn vẹn. Trong suốt nhiều năm sống giữa những cộng đoàn nghèo khổ, những người bị lãng quên ở nông thôn Peru, ngài không chỉ rao giảng bằng lời nói, nhưng bằng sự hiện diện yêu thương, sự sẻ chia không điều kiện, và đời sống gương mẫu đậm chất Phúc Âm. Ngài học tiếng Tây Ban Nha, tìm hiểu văn hóa bản địa, sống như một người con của đất nước ấy. Không chỉ về mặt pháp lý khi nhập quốc tịch Peru, mà sâu xa hơn, trong tâm hồn, ngài đã trở thành người Peru, mang trong mình nỗi đau và niềm hy vọng của dân tộc ấy.

Tình yêu và sự dấn thân truyền giáo của Đức Hồng Y Prevost không phải là kết quả của lý thuyết hay lý tưởng, mà là hoa trái của một đời sống bước chân theo Đức Giêsu Truyền Giáo. Chính điều này làm nổi bật một chiều kích quan trọng mà Đức Tân Giáo Hoàng Lêo XIV cũng nhấn mạnh: Giáo Hội truyền giáo không thể chỉ dừng lại ở những chương trình hay chiến lược, mà phải được khơi nguồn từ sự hoán cải và lòng thương xót. Đó là thứ truyền giáo “bằng con tim,” bằng cuộc sống nhập thể, và bằng tình yêu trọn vẹn, tương tự như Đức Kitô đã sống và yêu cho đến giây phút cuối trên cây thập tự.

Tông Hiệu Lêo XIV: Việc chọn tông hiệu “Lêo XIV” của Đức Tân Giáo Hoàng không hề là điều ngẫu nhiên hay mang tính biểu tượng đơn thuần, nhưng là một lựa chọn đầy ý nghĩa và chiều sâu, hàm chứa một định hướng mục vụ rõ ràng cho triều đại giáo hoàng của ngài. Tông hiệu Lêo XIV gợi nhớ đến hình ảnh uyên bác, can đảm và cải cách của Đức Giáo Hoàng Lêo XIII. Vị giáo hoàng tiên phong đã khai mở con đường cho nền thần học xã hội hiện đại qua thông điệp lịch sử Rerum Novarum (1891), vốn được xem là viên đá nền đầu tiên của Học thuyết Xã hội Công Giáo.

Bằng việc phục hồi tông hiệu “Lêo,” Đức Tân Giáo Hoàng cho thấy ý định rõ ràng là tiếp nối và làm mới lại sứ mạng xã hội của Giáo Hội giữa lòng một thế giới đang bị phân hóa bởi bất công, nghèo đói, và chiến tranh. Ngài muốn nhấn mạnh rằng Giáo Hội không thể đứng bên lề các vấn đề cấp bách của thời đại, nhưng phải là một tiếng nói tiên tri cho công lý và hòa bình, là nơi nương náu cho người nghèo, người di dân, người bị loại trừ, đúng như tinh thần mà Lêo XIII đã nêu cao trong thời đại công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XIX.

Chọn tông hiệu này cũng là một lời mời gọi của Tân Giáo Hoàng tới Giáo Hội toàn cầu. Đó là, hãy bước ra khỏi thái độ thụ động hay chỉ chăm lo cho nội bộ, để can đảm dấn thân vào các cuộc khủng hoảng của thế giới hôm nay, từ biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu nghèo, đến tình trạng mất phương hướng của con người trong kỷ nguyên công nghệ và tiêu dùng. Đây chính là một sự tiếp nối sống động tinh thần của thông điệp Evangelii Gaudium của Đức Phanxicô, trong đó nhấn mạnh đến một “Giáo Hội biết đi ra,” một Giáo Hội nghèo vì người nghèo.

Tông hiệu “Lêo XIV” không chỉ là sự hồi tưởng về một triều đại quá khứ, mà là một lời tuyên bố tiên tri cho hiện tại và tương lai. Giáo Hội thế kỷ XXI phải can đảm làm muối và ánh sáng giữa trần gian, trung thành với Tin Mừng và đồng hành với nhân loại trong mọi bước thăng trầm.

Hồng Y Đoàn: Chỉ trong vòng hai ngày, một thời gian ngắn, Hồng Y đoàn đã bày tỏ sự đồng thuận trong việc chọn lựa người kế vị Thánh Phêrô. Đây chính là một lời xác quyết tập thể rằng: đã đến lúc Giáo Hội phải bước ra khỏi sự an toàn, từ bỏ những hình thức quyền lực trần thế vốn từng gây nên không ít tổn thương và khép kín, để trở về với căn tính đích thực của mình. Đó là một Giáo Hội của sứ vụ truyền giáo, của lòng thương xót, và của sự hiện diện khiêm tốn giữa những người bị lãng quên.

Giáo Hội ấy được kêu gọi sống theo gương của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã “trở nên xác phàm, cư ngụ và đồng hành giữa chúng ta” (Gioan 1:14). Ngôi Lời đã không chọn ở lại trên trời trong vinh quang, nhưng đã bước xuống, mang lấy thân phận con người (Philippians 2:6-7), để sống gần gũi với người nghèo, người bệnh tật, người bị xã hội ruồng bỏ. Đức Giêsu đã mở ra một thời kỳ mới, “Năm Hồng Ân của Thiên Chúa” (Luca 4:18-19), nơi mà lòng thương xót, sự tha thứ và công lý được trao ban cách nhưng không cho những ai bị loại trừ khỏi cộng đồng xã hội hay tôn giáo.

Quá trình ngắn chọn lựa Tân Giáo Hoàng của Hồng Y đoàn, và qua sự lựa chọn tông hiệu, phát biểu đầu tiên của Tân Giáo Hoàng Lêo XIV, cả hai điều này đang mạnh mẽ công bố tới thế giới và tín hữu Kitô toàn cầu một tuyên ngôn rõ ràng và dứt khoái: Giáo Hội ngày hôm nay phải lên đường, không sợ bị vấy bẩn bởi những thực tại của thế giới, nhưng can đảm hiện diện giữa trần thế như men, như muối và như ánh sáng (Matt 5:13-16) cho Đức Kitô, Đấng đã tới để trở nên Bạn của Người Nghèo.

Giáo Hội ấy được kêu gọi sống theo gương của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã “trở nên xác phàm, cư ngụ và đồng hành giữa chúng ta” (Gioan 1:14). Ngôi Lời đã không chọn ở lại trên trời trong vinh quang, nhưng đã bước xuống, mang lấy thân phận con người (Philippians 2:6-7), để sống gần gũi với người nghèo, người bệnh tật, người bị xã hội ruồng bỏ. Đức Giêsu đã mở ra một thời kỳ mới, “Năm Hồng Ân của Thiên Chúa” (Luca 4:18-19), nơi mà lòng thương xót, sự tha thứ và công lý được trao ban cách nhưng không cho những ai bị loại trừ khỏi cộng đồng xã hội hay tôn giáo.

Quá trình ngắn chọn lựa Tân Giáo Hoàng của Hồng Y đoàn, và qua sự lựa chọn tông hiệu, phát biểu đầu tiên của Tân Giáo Hoàng Lêo XIV, cả hai điều này đang mạnh mẽ công bố tới thế giới và tín hữu Kitô toàn cầu rằng: Giáo Hội hôm nay phải trở nên một Giáo Hội lên đường, không sợ bị vấy bẩn bởi những thực tại của thế giới, nhưng can đảm hiện diện trong đó như men, như muối và như ánh sáng (Matt 5:13-16).