
Ngala Killian Chimtom, trên Crux, ngày 5 tháng 5 năm 2025, tường trình rằng: Khi các Hồng Y chuẩn bị họp tại một mật nghị ở Vatican để bầu một giáo hoàng mới, các giám mục Công Giáo ở Cameroon và khắp Châu Phi đã lên tiếng về kiểu nhà lãnh đạo mà họ muốn thấy được bầu để thay thế Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
“Sau khi một vị giáo hoàng qua đời, quá trình này diễn ra theo ba giai đoạn chính. Đầu tiên, sau lễ tang, các Hồng Y tập hợp lại để đánh giá những thách thức hiện tại mà Giáo hội đang phải đối mặt. Cuộc thảo luận ban đầu này giúp họ xác định những phẩm chất cần thiết cho vị giáo hoàng tiếp theo — một người có thể giải quyết hiệu quả những thách thức này”, Giám mục Philipe Allain Mbarga của Ebolowa cho biết.
“Tiếp theo là giai đoạn phân định, nơi họ suy gẫm về những ứng viên tiềm năng thể hiện những phẩm chất này. Cuối cùng, cuộc bầu cử diễn ra, đánh dấu sự chuyển đổi sang vai trò lãnh đạo mới. Trong suốt hành trình này, sự suy gẫm sâu sắc và cầu nguyện sẽ hướng dẫn các quyết định của họ, đảm bảo sự lựa chọn bắt nguồn từ đức tin và sự khôn ngoan”, ngài giải thích.
Trong khi di sản của Đức Phanxicô với tư cách là người thúc đẩy hòa bình và công lý, một chiến binh vì sự quản lý môi trường và một chiến binh đấu tranh cho một Giáo hội toàn diện chắc chắn sẽ được các giáo sĩ trên khắp Châu Phi đồng tình, nhiều người vẫn ngần ngại khi xác định loại giáo hoàng nào sẽ được bầu khi mật nghị bắt đầu họp vào ngày 7 tháng 5, ngoại trừ việc lưu ý rằng vị Giáo hoàng mới phải giống như chính Chúa Kitô.
“Tôi không muốn một vị Giáo hoàng giống như Đức Phanxicô”, ĐC Mbarga nói với Crux.
“Tôi muốn một Giáo hoàng suy nghĩ và hành động như Chúa Kitô, và chúng tôi cầu nguyện xxin Chúa ban cho chúng tôi một giáo hoàng tốt - một giáo hoàng có thể giúp chúng tôi lên thiên đàng”, ngài nói.
Đức Tổng Giám Mục Andrew Nkea Fuanya của Bamenda cho biết các giám mục Cameroon đã "đồng tâm cầu nguyện" cho các Hồng Y cử tri đang họp kín để bầu ra một vị giáo hoàng mới.
"Luôn luôn là Chúa Thánh Thần hướng dẫn các Hồng Y trong việc lựa chọn một vị Giáo hoàng. Chúng tôi cầu nguyện để họ chọn một Giáo hoàng sẽ lãnh đạo Giáo hội theo trái tim của Chúa Kitô", ngài nói với Crux.
Trong một cuộc phỏng vấn với tổ chức tin tức Công Giáo, EWTN, Đức Hồng Y Phanxicô Arinze của Nigeria, 92 tuổi, cho biết Giáo hội cần "một vị giáo hoàng tràn đầy nhiệt huyết cho vương quốc của Chúa Kitô".
"Chúng tôi muốn một vị giáo hoàng tràn đầy nhiệt huyết cho vương quốc của Chúa Kitô", ĐHY Arinze nói.
"Một giáo hoàng đang ở đó để truyền bá Tin Mừng.... Một giáo hoàng mà mọi người sẽ tin tưởng", ngài nói thêm.
Đức Hồng Y cho biết thách thức lớn nhất đối với Giáo hội là thuyết phục mọi người chấp nhận Chúa Kitô và sống theo lời dạy và tấm gương của Người, và do đó bất cứ giáo hoàng nào cũng phải có khả năng hoàn thành sứ mệnh đó.
Các nhà lãnh đạo Giáo hội trên lục địa này cũng đang hạ thấp các lời kêu gọi ngày càng tăng về một giáo hoàng châu Phi, với các nhà báo trích dẫn những cái tên như Hồng Y Fridolin Ambongo của Cộng hòa Dân chủ Congo và Hồng Y Peter Kodwo Appiah Turkson của Ghana là những người kế nhiệm tiềm năng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
“Trong Giáo hội, chúng tôi không hoạt động theo hướng tiên đoán”, ĐC Mbarga nói với Crux. Để nhấn mạnh quan điểm đó, ngài nhớ lại trường hợp của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người từng là Tổng giám mục Kraków, Ba Lan, khi ngài được bầu.
“Khi ông rời đi để đến Bộ Giáo lý Đức tin, ngài đã nói, ‘Tôi sẽ trở lại vào tuần tới… Tôi sẽ trở lại sau một tháng nữa.’ Nhưng ông đã không bao giờ trở lại”, ngài nói.
“Một câu chuyện tương tự đã diễn ra với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người từng là Tổng giám mục Buenos Aires trước khi rời khỏi vị trí của mình. Trong khi nhiều dự đoán ủng hộ các ứng cử viên khác, Chúa Thánh Thần thường dẫn dắt chúng ta theo những hướng không ngờ tới. Và tôi tin chắc vào sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”, ĐC Mbarga nói với Crux.
Ngài cho biết, những dự đoán của con người không phải lúc nào cũng phù hợp với tầm nhìn của Thiên Chúa.
“Những gì chúng ta tìm kiếm là một vị Giáo hoàng theo đúng trái tim của Chúa—một người sống theo Tin Mừng và truyền cảm hứng cho những người khác làm như vậy. Chúng ta mong muốn một vị Giáo hoàng thể hiện lời dạy của Chúa Giêsu, chứ không chỉ là di sản của Đức Phanxicô”, vị giám mục cho biết.
Giám mục Eduardo Hiiboro Kussala của Giáo phận Tombura-Yambio ở Nam Sudan cũng bày tỏ những tình cảm tương tự, nói với Crux rằng ngài hy vọng có một vị Giáo hoàng “tiếp tục con đường bao dung, khiêm nhường và nhiệt huyết truyền giáo”.
“Giáo hội cần một người chăn chiên có thể lắng nghe sâu sắc, đoàn kết các tín hữu hoàn cầu và tiếp tục đưa Giáo hội đến với những người bên lề, như Đức Phanxicô đã làm. Mỗi vị Giáo hoàng đều mang đến những hồng phúc độc đáo của mình và sự đa dạng đó là một phước lành”, ngài cho biết.
Khi được hỏi liệu ngài có nghĩ rằng đã đến lúc một người châu Phi được bầu làm Giáo hoàng hay không, vị giám mục Nam Sudan cho biết ý muốn của Chúa phải được ưu tiên.
“Nếu đó là ý muốn của Chúa, thì có”, ngài nói.
“Châu Phi tràn đầy đức tin và tinh thần trẻ trung. Một vị Giáo hoàng từ Châu Phi có thể mang đến những góc nhìn mới mẻ bắt nguồn từ thực tế của Nam Bán cầu. Nhưng cuối cùng, chúng ta tin tưởng Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn Giáo hội trong việc lựa chọn người chăn chiên mà chúng ta cần ngay lúc này,” ĐTGM Kussala nói.