R.J. Snell (*), trên The Catholic Thing, Thứ Hai, ngày 14 tháng 7 năm 2025, chjo biết: Gần đây, Elon Musk đã hứa sẽ cải tiến phiên bản chatbot AI của mình, có biệt danh là Grok. Nói một cách nhẹ nhàng, phiên bản đã không thành công lắm. Theo một mô tả, Grok được cố tình thiết kế để trở thành "một đối thủ 'phản thức tỉnh' với ChatGPT của OpenAI". Nhưng Grok dường như không thể phân biệt được với các đối thủ cạnh tranh. Phiên bản này, như đã được ghi nhận rộng rãi trong những ngày gần đây, bất kể nó là gì, chắc chắn là "phản thức tỉnh", với việc Grok trở thành một kẻ phủ nhận thảm họa diệt chủng, bôi nhọ người Do Thái, đe dọa tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, và Grok tự đặt cho mình biệt danh mới là "MechaHitler".

Như những người tỉnh táo đều biết, hơn bất cứ điều gì khác, tình tiết này cho thấy trí tuệ nhân tạo không thông minh. Các mô hình ngôn ngữ lớn sẽ tìm kiếm các bản văn có sẵn và có hiệu năng cao trong việc nhận dạng mẫu. Nhưng chúng hoàn toàn thiếu khả năng phán đoán hoặc trải nghiệm thực tại, cho phép chúng tham gia vào những suy tư bậc hai đặc trưng của các thực thể có lý trí, để xem liệu một tuyên bố có tương ứng theo bất cứ ý nghĩa nào với thực tại cơ bản khi thực tại này tự biểu lộ để chúng ta hiểu và phán đoán hay không. Điều gọi là "ảo giác" của AI là những dấu hiệu tốt cho thấy điều này.

Quan trọng hơn nữa, việc AI không biểu lộ trí thông minh cung cấp cơ hội để giải quyết vấn đề nan giải thực tế. Vấn đề không phải là AI đang thất bại, mà là những quan điểm duy vật, duy vật lý và giản lược về trí thông minh, vốn dẫn dắt và chi phối những người thúc đẩy và lập trình AI, đã thất bại trong tư cách giải trình ý thức và trí thông minh.

Như Adam Frank đã lưu ý, "cuộc thảo luận hiện tại về ý thức có một lỗ hổng chết người duy nhất" ảnh hưởng không những AI mà còn hầu hết các ngành học liên quan, tức là nó đã bỏ qua "trải nghiệm của chúng ta". Ông lập luận rằng khoa học hiện đại đã xoay chuyển giữa hai giải trình đối lập về ý thức - chủ nghĩa duy vật lý hoặc chủ nghĩa duy tâm - với chủ nghĩa duy vật lý giản lược ý thức thành "cơ học vật lý diễn ra trong các tế bào thần kinh" (được cho là) tạo ra chính ý thức. Mặt khác, chủ nghĩa duy tâm cố gắng giải phóng tâm trí khỏi vật chất và cho phép nó tồn tại tự do trôi nổi.

Đối với bất cứ ai được hình thành trong truyền thống Aristotle-Thomistic, đây không phải là, và không thể là, những lựa chọn sống động. Là các động vật có lý trí, chúng ta hoàn toàn là động vật và hoàn toàn có lý trí; chúng ta không phải là hai thực thể riêng biệt của thể xác và bản ngã, chúng ta cũng không đơn giản chỉ có thể xác hay có tâm trí. Thay vào đó, chúng ta là một thực thể với hai nguyên lý riêng biệt, thể xác và linh hồn. Và mặc dù linh hồn là hình thức và hành động của thể xác, nhưng nó không phải là một thực thể riêng biệt với thể xác, và chắc chắn thể xác không thể giải thích sự tồn tại, hoạt động hay sự sống của chính nó.

Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi một triết gia như Thomas Nagel cho rằng trải nghiệm của chúng ta về tính chủ quan bất chấp những nỗ lực giản lược nó, hoặc khi Frank khẳng định rằng trải nghiệm, hay "điều gì giống thế để hiện hữu" vượt quá việc suy tư của tâm trí như thể nó là một nam châm điện.

"Linh hồn là hình thức của thể xác", nhưng linh hồn được nhập thân (embodied). Linh hồn không lơ lửng bên trên thể xác, cũng không phải là một bóng ma ám ảnh cỗ máy một cách nào đó. Trên thực tế, não bộ hoạt động khi chúng ta suy nghĩ, và điều này hoàn toàn không có gì lạ hay đáng ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên là nếu chụp MRI không cho thấy bất cứ hoạt động nào của não bộ khi chúng ta đang suy nghĩ.

Đồng thời, não bộ không giải thích trải nghiệm mà chúng ta có về bản thân như suy nghĩ, cảm nhận, tưởng tượng hay nếm trải. Bất cứ điều gì MRI ghi nhận thậm chí không cố gắng giải thích trải nghiệm đó. Nó chỉ ra một thứ gì đó khác ngoài trải nghiệm, cụ thể là nền tảng vật chất điều kiện hóa trải nghiệm. Nhưng các hoạt động của trí thông minh không thể giản lược vào nền tảng đó, và chắc chắn ý thức về những hoạt động đó – điều mà chúng ta gọi là tự ý thức - không phải là điều mà một lời giải thích vật chất thậm chí cố gắng diễn đạt.

Edmund Husserl, tác giả: một nhiếp ảnh gia giấu tên, khoảng năm 1910-1919 [nguồn: Wikipedia]


Vào những năm 1930, Edmund Husserl đã khám phá ra cuộc khủng hoảng trong khoa học, nơi mà nội dung của ý thức bị hiểu sai hoàn toàn và bị coi như tương đương với các đối tượng thực nghiệm của khoa học hiện đại, và do đó bị giản lược thành những gì có thể được coi là các đối tượng có thể đo lường, định lượng. Kinh nghiệm của chúng ta, dù các điều kiện vật chất của chúng có thể được đo lường và khách quan hóa đến đâu, cũng không thể nắm bắt được thông qua khoa học thực nghiệm.

Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều nhà tư tưởng Công Giáo hoặc các nhà tư tưởng khác thân thiện với tôn giáo lại tìm thấy ở Husserl nguồn cảm hứng để lý giải những điều thực sự mang tính con người – bao gồm cả ý chí tự do – mà tư tưởng hiện đại đã cố gắng xóa bỏ. Max Scheler, Edith Stein, Dietrich von Hildebrand, Roman Ingarden, và Đức Gioan Phaolô II đều đã dựa vào Husserl trong các nghiên cứu của họ về đạo đức, bản thể học và nhân học.

Ví dụ, Đức Gioan Phaolô II thẳng thắn cho rằng các vấn đề về đạo đức và luân lý “nằm trong trải nghiệm” mà con người có về trách nhiệm của chính mình đối với hành động của mình: “Yếu tố đạo đức đúng đắn nằm trong trải nghiệm về bổn phận, trải nghiệm sống gắn liền chặt chẽ với mọi chủ thể cụ thể khi chủ thể đó là nguyên nhân của một hành động và trải nghiệm là hiệu năng riêng của nó.” Điều này chắc chắn không phải là chủ nghĩa chủ quan theo nghĩa phủ nhận tính khách quan về đạo đức hay những giá trị tuyệt đối về đạo đức, nhưng ông nhấn mạnh rằng đạo đức thậm chí không tồn tại như một lĩnh vực nghiên cứu lý tính nếu không có chủ thể con người, tức là người hành động và trải nghiệm bản thân như một hành động.

AI không thể hành động, cũng không thể trải nghiệm hành động. Kỳ lạ thay, con người cũng vậy, như cách hiểu thông thường của Thung lũng Silicon về con người. Khi AI không thể trở thành và thực hiện được những lời hứa của mình, ngày càng nhiều người suy nghĩ thấu đáo sẽ nhận ra rằng không phải AI đang thất bại mà là toàn bộ tầm nhìn về ý thức, tư duy và tâm trí mà những người tạo ra nó đã đặt ra.

Do đó, có thể chúng ta đang ở trên bờ vực của một cuộc tái khám phá vĩ đại về những gì truyền thống Công Giáo đã biết từ lâu, và những gì nhiều nhà tư tưởng Công Giáo thế kỷ 20 đã khám phá rất chi tiết, cụ thể là con người với tư cách là con người thực sự tồn tại.

Đức Giáo Hoàng Leo đã chỉ ra rằng AI sẽ nổi lên như một chủ đề trong triều đại giáo hoàng của ngài. Đây sẽ là một nguồn cơ hội lớn, bởi vì có nhiều hơn những câu hỏi đơn thuần về lao động, người lao động và các biện pháp bảo vệ chống lại AI cần được đặt ra. Chúng ta có cơ hội một lần nữa giới thiệu nhân loại với chính nó.

Và tư duy Công Giáo có thể phù hợp và tiên tiến hơn nhiều đối với những vấn đề của thời đại này so với những gì những người khinh miệt có học thức của chúng ta có thể tưởng tượng.

_______________________________________________

(*) R. J. Snell là tổng biên tập của Public Discourse/em> và giám đốc các chương trình học thuật tại Viện Witherspoon ở Princeton, NJ.