
Các Hồng Y cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn, và họ cần Chúa Thánh Thần, vì họ là những người gánh vác trách nhiệm lớn lao trong việc lựa chọn ứng viên phù hợp.
Trên Catholic World Report Ngày 24 tháng 4 năm 2025 Tiến sĩ R. Jared Staudt cho rằng Mật nghị bầu tân giáo hoàng cần sự hợp tác của ba tác nhân: các Hồng Y, Chúa Thánh Thần và tất cả tín hữu chúng ta.
“Hãy để một người khác lãnh chức vụ của hắn.”
Thánh Phêrô, Giáo hoàng đầu tiên của chúng ta, đã trích dẫn Thánh vịnh 109:8 để các tông đồ sau khi Chúa Thăng thiên bổ nhiệm người kế nhiệm vị trí của Giuđa, kẻ phản bội (Công vụ 1:20). Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ thẩm quyền của Người, truyền lệnh cho họ làm phép rửa tội, cử hành Bí tích Thánh Thể để tưởng nhớ Người, tha thứ tội lỗi, trừ tà và chữa lành.
Các sách Tin mừng không ghi lại bất cứ kế hoạch nào cho việc kế vị tông đồ, nhưng chúng ta biết từ cuộc bầu cử Mát-thia trong Công vụ 1, qua cách sử dụng cùng một lối bốc thăm để xác định chức vụ của các tư tế Do Thái, các tông đồ ngay lập tức đã lôi kéo những người khác vào thừa tác vụ của họ để duy trì nó cho đến khi Chúa Kitô tái lâm.
Khi chúng ta thương tiếc cái chết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và phó thác linh hồn ngài cho Chúa, chúng ta cũng phải bắt đầu cầu nguyện cho một người kế nhiệm xứng đáng cho thừa tác vụ của Thánh Phêrô và Phaolô, các tông đồ chính, những người đã tử đạo tại Rôma và biến thành phố vĩnh cửu này thành trung tâm của Giáo Hội Công Giáo. Thánh I-rê-nê liệt kê các giáo hoàng đầu tiên trong tác phẩm vĩ đại của ngài, Against Heresies, được viết vào thế kỷ thứ 2, làm chứng cho sự kế vị không bị gián đoạn của các giám mục Rôma.
Tuy nhiên, việc bầu cử giáo hoàng đã phát triển trong hơn hai nghìn năm, chuyển từ một vấn đề địa phương thành một vấn đề có sự tham gia và hậu quả hoàn cầu. Mật nghị Giáo hoàng chưa đầy một nghìn năm tuổi, nhưng nó vẫn bảo tồn yếu tính của phương pháp ban đầu với sự tham gia mở rộng của Giáo hội hoàn vũ.
Lịch sử của Mật nghị bầu Giáo hoàng
Các giám mục trong thế giới cổ thời được bầu bởi các giáo sĩ địa phương, với những người dân chấp thuận hoặc không chấp thuận qua việc tung hô. Cuối cùng, điều này đã phát triển thành một nhóm các linh mục, được gọi là các kinh sĩ [canon], những người phục vụ tại nhà thờ chính tòa và đóng vai trò là người bầu giám mục. Đây cũng là cách vai trò của các Hồng Y xuất hiện ở Rôma, với các giáo sĩ chủ chốt của giáo phận Rôma và khu vực xung quanh—phó tế, linh mục và giám mục—thực hiện các vai trò quan trọng và tham gia vào cuộc bầu cử giáo hoàng.
Mãi đến thế kỷ 12, các giáo sĩ từ bên ngoài khu vực Rôma mới được bổ nhiệm làm Hồng Y Rôma, cuối cùng đã thu hút các giám mục quan trọng từ khắp châu Âu. Tuy nhiên, những Hồng Y này được bổ nhiệm vào các nhà thờ hiệu tòa (titular), duy trì phong tục bầu cử cổ xưa thông qua các giáo sĩ địa phương. Hầu như luôn luôn, các Hồng Y sẽ bầu một trong số họ làm giáo hoàng, với một vài ngoại lệ trong suốt lịch sử.
Từ “conclave”, có nghĩa là “có chìa khóa”, ám chỉ đến việc các Hồng Y cuối cùng phải bị nhốt lại với nhau để đưa ra quyết định kịp thời. Với một cơ phận cử tri quốc tế, các yếu tố chính trị chắc chắn sẽ tự làm sự hiện diện của chúng được cảm nhận. Thực thế, trong nhiều thế kỷ, các Hoàng đế La Mã (đóng tại Constantinople) đã chấp thuận việc bầu giáo hoàng, và sau này các Hoàng đế La Mã Thần thánh thường tỏ ý nguyện của họ một cách công khai với các cử tri (và đôi khi áp đặt một cách cưỡng bức).
Các Hồng Y thường đại diện cho lợi ích quốc gia và thậm chí có thể phủ quyết thay mặt cho quốc vương của họ để thực hiện một lần trong mỗi mật nghị, lần cuối cùng được sử dụng vào năm 1903 trong cuộc bầu cử Thánh Giáo hoàng Piô X (vị này sau đó đã bãi bỏ thông lệ này). Để cắt giảm các cuộc chạy chọt chính trị và sự chậm trễ, các Hồng Y sẽ bị nhốt trong một căn phòng (cuối cùng là Nhà nguyện Sistine) với lượng thức ăn hạn chế để đưa ra quyết định kịp thời mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
Là người đứng đầu tinh thần của Kitô giáo, cuộc bầu cử Giáo hoàng mang lại những hậu quả to lớn về mặt giáo hội và chính trị cũng như những động lực lớn cho các ứng viên tiềm năng. Thật không may, các cuộc bầu cử tranh chấp và các chiến thuật gian lận thường xảy ra, đó là lý do tại sao các quy tắc nghiêm ngặt được xây dựng theo thời gian.
Sau một cuộc tranh luận, Công đồng Lateran năm 769 đã ra sắc lệnh rằng chỉ có các Hồng Y-linh mục và Hồng Y-phó tế mới được bầu làm giáo hoàng. Sắc lệnh năm 1059, In nomine Domini, của Đức Nicholas II đã đánh dấu một thời điểm quan trọng trong việc điều chỉnh việc tập hợp các Hồng Y tại Rôma và tập trung quyền lực của các Hồng Y-giám mục trong cuộc bầu cử. Sau thời kỳ gián đoạn dài nhất trong lịch sử Giáo hội, Chân phước Giáo hoàng Gregory X đã thành lập Mật nghị Hồng Y vào năm 1274, định hình lâu dài các thủ tục bầu cử (mặc dù có một số thay đổi vào cuối thế kỷ đó). Hội đồng Hồng Y nhỏ hơn nhiều vào thời điểm đó, dao động từ 7 đến 30 trong nhiều thế kỷ, cho đến khi dần dần tăng lên đến quy mô hiện tại là 120 cử tri (mặc dù hiện tại chúng ta có 135). Đức Phaolô VI đã khởi xướng một thay đổi lớn vào năm 1970 bằng cách cấm các Hồng Y trên 80 tuổi bỏ phiếu.
Mật nghị Hồng Y không phải là một bí tích; thậm chí nó không phải là một định chế thần linh. Lịch sử của nó tiêu biểu cho cách Chúa cai quản Giáo hội một cách gián tiếp, kêu gọi sự hợp tác của chúng ta. Chúa không trực tiếp bổ nhiệm các giám mục, bao gồm cả giáo hoàng, và các phương pháp của Giáo hội đã thay đổi qua nhiều thế kỷ, thích nghi vì cần thiết.
Đây là lý do tại sao sự hợp tác đúng đắn với ân sủng của Chúa lại quan trọng đến vậy, vì rất dễ rơi vào lối suy nghĩ thế tục, chủ nghĩa bè phái và tham vọng. Các Hồng Y cầu xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn, và họ cần điều đó, vì họ là những người gánh vác trách nhiệm lớn lao trong việc lựa chọn ứng viên phù hợp. Nếu họ cởi mở với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và phân định đúng đắn, chúng ta có thể nói rằng Chúa hướng dẫn kết quả.
Tuy nhiên, chúng ta biết quá rõ từ lịch sử rằng điều ngược lại cũng có thể xảy ra. Chúa luôn chỉ đạo và hành động thông qua Giáo hội của Người, và ngay cả khi những ứng viên không xứng đáng được bổ nhiệm, Người vẫn đảm bảo rằng mọi thứ đều hướng đến điều tốt đẹp bất chấp những thiếu sót của chính chúng ta.
Ngay cả khi chúng ta không được phép vào Mật nghị sau khi có lời mời "extra omnes [tất cả phải ra ngoài]" được công bố, chúng ta cũng có thể tham gia thông qua lời cầu nguyện, trở thành những người cộng tác trong quyết định quan trọng này. Các tín hữu thường tụ họp nhân dịp các mật nghị để bao quanh các Hồng Y bằng lời cầu nguyện của họ, và sự xuất hiện của giáo hoàng mới trên ban công tiếp tục vai trò cổ xưa của các tín hữu là tung hô để chấp thuận.
Cầu nguyện và sám hối thực sự có thể tạo ra tác động. Chúng ta nên thực hiện sám hối, cầu xin Chúa, trong lòng thương xót của Người, ban cho chúng ta một mục tử theo lòng Người. Một Giáo hội thánh thiện, trung thành với sứ mệnh của mình, đòi hỏi sự hợp tác rộng lượng của các nhà lãnh đạo và các tín đồ.
Bộ phim Conclave năm 2024 ra mắt đúng lúc để tận dụng sự mong đợi về cuộc bầu cử giáo hoàng dự kiến. Tuy nhiên, xét về việc hiểu bản chất của các mật nghị giáo hoàng, bộ phim đã thất bại.
Dòng chủ yếu của phim, "Giáo hội là những gì chúng ta làm tiếp theo", thể hiện một quan điểm trần tục về cách Giáo hội hoạt động.
"Giáo hội là những gì Chúa Kitô làm tiếp theo", chúng ta có thể nói như vậy để đáp lại, và chúng ta phải hợp tác với kế hoạch của Người. Phần này không được đảm bảo, vì Giáo hội luôn cần cải cách, một sự đổi mới nội tâm đòi hỏi sự phản hồi từ mọi người trong Giáo hội, cả giáo sĩ lẫn giáo dân. Những gì chúng ta làm tiếp theo có thể quyết định mức độ chúng ta cho phép Chúa Kitô hành động trong và thông qua chúng ta để thực hiện thánh ý của Người.
________________________________________
(*) Tiến sĩ R. Jared Staudt, là Giám đốc Nội dung cho Exodus 90 và là giảng viên cho bộ phận giáo dân của Chủng viện St. John Vianney. Ông là tác giả của Words Made Flesh: The Sacramental Mission of Catholic Education (CUA Press, 2024), How the Eucharist Can Save Civilization (TAN), Restoring Humanity: Essays on the Evangelization of Culture (Divine Providence Press) và The Beer Option (Angelico Press), cũng như là biên tập viên của Renewing Catholic Schools: How to Regain a Catholic Vision in a Secular Age (Catholic Education Press). Ông và vợ là Anne có sáu người con và ông là một hội viên dòng ba của dòng Biển Đức.