1. Cơ Mật Viện bắt đầu vào ngày 7 tháng 5. Khả năng có Tân Giáo Hoàng vào ngày đó rất thấp trừ khi phép lạ xảy ra
Hôm thứ Hai, Vatican tuyên bố rằng Cơ Mật Viện bầu người kế nhiệm Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bắt đầu vào ngày 7 tháng 5, khi Giáo hội bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để bầu ra Đức Giáo Hoàng thứ 267.
Thông báo được đưa ra sau cuộc họp Đại hội đồng vào buổi sáng tại Vatican, nơi các Hồng Y đã tụ họp hàng ngày kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô được chôn cất tại Đền Thờ Đức Bà Cả vào ngày 26 tháng 4.
Vào ngày thứ Tư 7 Tháng Năm, ngày đầu tiên của Cơ Mật Viện, các Hồng Y cử tri tập trung tại Đền Thờ Thánh Phêrô để cử hành Thánh lễ Pro Eligendo Pontifice, nghĩa là “để bầu Giáo Hoàng”. Năm 2005, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, với tư cách là Niên trưởng Hồng Y Đoàn, đã giảng lễ trong Thánh lễ này, sử dụng cụm từ “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối”, sau đó đã trở nên nổi tiếng và được nhìn nhận là có tính tiên tri. Khi Đức Bênêđíctô XVI thoái vị, chính Đức Hồng Y Sodano đã giảng lễ trước một ngoại giao đoàn đông đảo, trong một Thánh lễ bao gồm các ngôn ngữ Latinh, Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Swahili và Mã Lai. Sau đó vào cùng ngày đầu tiên đó, các Hồng Y cử tri tiến đến Nhà nguyện Pauline bên trong Vatican và cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến để hỗ trợ cho quá trình bầu cử của các ngài. Các vị Hồng Y cũng nghe một lời khuyên ngắn gọn từ một nhà thuyết giáo. Từ đó, cùng với âm nhạc, các ngài tiến đến Nhà nguyện Sistina. Sau đó, các Hồng Y cùng nhau tuyên thệ, một phần trong đó có đoạn:
Chúng tôi hứa và thề sẽ hết lòng trung thành và với tất cả mọi người, giáo sĩ hay giáo dân, giữ bí mật về mọi điều liên quan đến cuộc bầu cử Giáo Hoàng Rôma và về những gì xảy ra tại nơi diễn ra cuộc bầu cử, trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến kết quả bỏ phiếu; chúng tôi hứa và thề sẽ không tiết lộ bí mật này theo bất kỳ cách nào, trong hoặc sau cuộc bầu cử Giáo Hoàng mới, trừ khi được Giáo Hoàng đó cho phép rõ ràng; và không bao giờ hỗ trợ hoặc ưu ái cho bất kỳ sự can thiệp, phản đối hoặc bất kỳ hình thức can thiệp nào khác, theo đó các chính quyền thế tục ở bất kỳ cấp bậc và cấp độ nào hoặc bất kỳ nhóm người hay cá nhân nào muốn can thiệp vào cuộc bầu cử Giáo Hoàng Rôma.
Sau đó, mỗi vị đặt tay lên sách Phúc Âm và tuyên thệ.
Các Hồng Y cử tri phải tránh mọi tiếp xúc với thế giới bên ngoài trong suốt cuộc bầu cử: không trao đổi tin nhắn, không báo chí, không radio, không tivi. Năm 2013, ngay trước khi từ chức, Bênêđíctô XVI đã đưa ra hình phạt vạ tuyệt thông tự động tiền kết đối với bất kỳ ai vi phạm chuẩn mực bảo mật này.
Một bài giảng khác được đưa ra và cuộc bỏ phiếu bắt đầu.
Chưởng Nghi Phụng Vụ của Giáo triều Rôma, một viên chức tổ chức các nghi lễ tôn giáo của Giáo Hoàng trong nhiệm kỳ của ngài, hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Diego Ravelli, sau đó hô to “Extra omnes” — tiếng Latin có nghĩa là “Tất cả ra ngoài”. Mọi người trừ các Hồng Y đều ra ngoài và cuộc bỏ phiếu có thể bắt đầu.
Quá trình này cực kỳ bí mật. Các Hồng Y có thể bị vạ tuyệt thông nếu họ tiết lộ thông tin. Các chuyên gia công nghệ thông tin phối hợp với Hiến Binh Vatican quét sạch các thiết bị nghe lén trước và sau Cơ Mật Viện.
Thông thường, cuộc bỏ phiếu đầu tiên chỉ mang tính nghi lễ, một cách để các Hồng Y tôn vinh các thành viên nổi bật của Hồng Y Đoàn, những người, mặc dù nổi bật, nhưng không được coi là papabile. Từ thời điểm đó trở đi, cuộc bỏ phiếu được lên lịch là hai phiên một ngày, với hai vòng bỏ phiếu mỗi phiên (tổng cộng bốn vòng mỗi ngày).
Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong cho 163 Hồng Y từ 76 quốc gia, trong đó có 25 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y. Sự phân tán như vậy có những lợi ích nhất định, nhưng liên quan đến việc bầu tân Giáo Hoàng sẽ có trở ngại vì các Hồng Y không biết nhau. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng chủ yếu dựa vào nhóm Hồng Y cố vấn gồm 9 vị. Thành ra, Hồng Y Đoàn ít có dịp gặp gỡ nhau.
Việc công khai vận động tranh cử—hoặc thậm chí thảo luận—về người kế nhiệm Giáo Hoàng khi ngài vẫn còn sống là điều bị nghiêm cấm đối với các Hồng Y. Mặc dù các Hồng Y có thể thảo luận riêng về các ứng cử viên trước Cơ Mật Viện, nhưng việc vận động tranh cử công khai bị phản đối. Thay vào đó, một số Hồng Y có ước muốn trở thành Giáo Hoàng sẽ vận động tranh cử một cách bí mật, thường là bằng cách đi thăm các Hồng Y khác hoặc thuyết trình. Tất cả các phương thức ấy đều rất tốn kém và mất thời gian trong bối cảnh phân tán địa lý của Hồng Y đoàn.
Cần có đa số hai phần ba để giành chiến thắng. Cho nên, nếu ngày đầu tiên khai mạc Cơ Mật Viện mà đã có kết quả thì đó là một phép lạ cả thể.
2. Đức Hồng Y Giovanni Angelo Becciu tự nguyện rút lui không tham gia Cơ Mật Viện Hồng Y sắp tới.
Theo các báo cáo của phương tiện truyền thông Ý, cựu Tổng Trưởng Bộ Tuyên Thánh đã quyết định rút tên mình khỏi danh sách Hồng Y cử tri mặc dù đã nhấn mạnh vào tuần trước rằng ngài phải có quyền bỏ phiếu. Ngài đã khẳng định rằng ngài “không có trở ngại chính thức” nào để tham gia Cơ Mật Viện.
Hôm Thứ Hai, 28 Tháng Tư, diễn đàn của Đại hội đồng đã được dành cho các Hồng Y là chuyên gia về luật giáo luật, và Đức ông Giuseppe Sciacca, một chuyên gia về giáo luật, người đã được Đức Hồng Y Nhiếp Chính Kevin Farrell triệu tập vào Nhà nguyện Sistina trong Cơ Mật Viện Hồng Y gần đây nhất để giải thích các quy tắc bỏ phiếu cho các Hồng Y.
Ngay trước cuộc họp sáng nay, Đức Hồng Y Becciu đã gặp Niên trưởng Hồng Y Đoàn, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, và sau đó gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
Tạp chí Open của Ý đưa tin rằng “khi Đại Hội Đồng bắt đầu làm việc, rõ ràng là các Hồng Y không cần phải tranh luận và bỏ phiếu, vì chính Hồng Y Becciu là người phát biểu”.
Open nói tiếp rằng vị Hồng Y đầu tiên “tự bào chữa” trước những cáo buộc mà tòa án Vatican đã kết tội ngài. “Nhưng sau đó, ngài tuyên bố với nỗi buồn lớn, và giọng nói vỡ òa vì xúc động, rằng ngài đã thừa nhận 'ý muốn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô' và do đó ngài quyết định rút lui 'vì lợi ích của Giáo hội'“, báo cáo cho biết.
Quyết định này của Hồng Y Becciu rất quan trọng vì nó tránh cho Cơ Mật Viện rơi vào tình cảnh khi kết quả bỏ phiếu và tính chính danh của vị Tân Giáo Hoàng có thể bị đặt vấn đề nếu việc có hay không có lá phiếu của Hồng Y Becciu có thể thay đổi cục diện.
Năm 2020, Hồng Y Becciu đã từ bỏ đặc quyền Hồng Y của mình sau những cáo buộc về tội phạm tài chính. Vào tháng 12 năm 2023, ngài bị kết tội tham ô, gian lận nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ và bị tước tư cách vĩnh viễn khỏi chức vụ công. Hồng Y Becciu luôn khẳng định mình vô tội và hiện đang kháng cáo bản án.
Tin tức này xuất hiện sau một báo cáo trên tạp chí Tây Ban Nha Vida Nueva đưa tin rằng Hồng Y Đoàn đã chuẩn bị “bỏ phiếu xem Hồng Y Becciu có nên được tham gia Cơ Mật Viện hay không”, nhưng chỉ sau khi tất cả hoặc hầu hết các Hồng Y cử tri đã đến Rôma.
Corriere della Sera xác nhận rằng “cuộc họp làm rõ” đã diễn ra tại Tòa thánh hôm Thứ Hai, 28 Tháng Tư, trong Đại hội đồng tại Hội trường Phaolô Đệ Lục. Cuộc họp nhằm thuyết phục Hồng Y Becciu “không nên tiếp tục gây thêm tranh cãi”, tờ báo đưa tin.
Cuộc tranh cãi về quyền bỏ phiếu của ngài đe dọa làm suy yếu tính toàn vẹn và tính hợp pháp của Cơ Mật Viện.
Nhiều Hồng Y, bao gồm Hồng Y Pietro Parolin, nguyên là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho đến khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời, cho biết Hồng Y Becciu không đủ điều kiện bỏ phiếu vì ngài đã từ bỏ các đặc quyền Hồng Y của mình vào năm 2020 sau khi bị cáo buộc phạm tội tài chính. Trong khi đó, truyền thông Ý đã đưa tin về sự tồn tại chưa được xác nhận của một cặp lá thư từ Đức Thánh Cha Phanxicô, lá thư đầu tiên sau khi Hồng Y Becciu bị kết án vào năm 2023 và lá thư thứ hai vào tháng trước, xác nhận việc Hồng Y không đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng.
Trong một cuộc họp báo vào thứ Hai, phát ngôn nhân của Vatican Matteo Bruni đã nói rằng vấn đề này chưa được thảo luận trong phiên họp buổi sáng của Đại hội đồng và do đó chưa có quyết định nào được đưa ra về vấn đề này. Ông cũng không thể nói vấn đề này sẽ được quyết định như thế nào.
Vào chiều thứ Hai, tin tức lan truyền về một thông cáo báo chí sắp tới của Hồng Y Becciu dự kiến sẽ được công bố vào buổi tối. Tuy nhiên, không rõ liệu một tuyên bố như vậy có xuất hiện hay không: sau khi rời khỏi cuộc họp sáng nay, vị Hồng Y người Sardinia đã “ngắt kết nối điện thoại và không thể liên lạc được”, Open đưa tin.
Tính đến đầu giờ tối thứ Hai tại Rôma, Hồng Y Becciu vẫn chưa đưa ra tuyên bố xác nhận quyết định không tham gia của mình với các phương tiện truyền thông. Vatican không mong đợi sẽ đưa ra bất kỳ tuyên bố nào, ít nhất là cho đến khi Hồng Y Becciu đưa ra, vì đối với họ, vấn đề này không bao giờ tồn tại, vì các lá thư của Đức Giáo Hoàng đã loại trừ vị Hồng Y rồi.
Source:National Catholic Register
3. Đức Hồng Y Burke Khai Mạc Tuần Cửu Nhật Cầu Nguyện Cho Giáo Hội Hoàn Vũ Khi Cơ Mật Viện Hồng Y Đang Đến Gần
Trong khi Đức Hồng Y Raymond Burke và các anh em Hồng Y chuẩn bị bước vào Cơ Mật Viện để bầu ra Đức Giáo Hoàng tiếp theo, ngài mời tất cả các tín hữu tham gia “Kinh Cầu Nguyện Trọng Thể với Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành” để cầu nguyện cho Giáo hội hoàn vũ, thế giới và sự an nghỉ vĩnh hằng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Đức Hồng Y Burke cho biết: “Tôi mời anh chị em cùng tôi bắt đầu từ ngày 1 tháng 5 tới đây trong tuần cửu nhật dâng lên Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành về nhiều thách đố mà chúng ta phải đối mặt, trong chính ngôi nhà của mình, trong gia đình mình, mà còn trong xã hội và trong chính Giáo hội”.
Tuần cửu nhật kính Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, sẽ diễn ra vào tháng Đức Mẹ Maria, bắt đầu từ ngày 1 tháng 5 và kéo dài đến ngày 9 tháng 5. Tuần cửu nhật này cũng cầu nguyện cách riêng cho sự an nghỉ vĩnh hằng của Đức Thánh Cha quá cố cũng như cho lợi ích của Giáo hội.
Phát biểu với tờ Register ngày 25 tháng 4, Đức Hồng Y Burke cho biết, “Việc cầu xin sự chuyển cầu của Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành đặc biệt quan trọng, vì những quyết định quan trọng sẽ được đưa ra trong những ngày và tuần tới vì lợi ích của Giáo hội và toàn thế giới.”
Sự kiện này diễn ra sau Tuần Cửu Nhật cầu nguyện Đức Mẹ Guadalupe nổi tiếng của Đức Hồng Y vào năm ngoái, trong đó có 190.000 tín hữu cầu nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu để chống lại điều mà Đức Hồng Y Burke mô tả là “bóng tối và tội lỗi đang ngày càng bao trùm thế giới và đe dọa Giáo hội” và trước “những cuộc khủng hoảng cấp bách của thời đại chúng ta”.
Đức Hồng Y Burke đang yêu cầu những người đã cầu nguyện tuần cửu nhật đó hãy cầu nguyện tuần này cho “các thành viên của Hồng Y đoàn, những người trong Cơ Mật Viện sắp tới sẽ bầu Người kế vị Thánh Phêrô làm Đại diện Chúa Kitô trên trần gian, Mục tử của Giáo hội Hoàn vũ”.
Cũng giống như tuần cửu nhật chín tháng, tổ chức bác ái Công Giáo Hành động vì Đức tin và Gia đình đang tổ chức buổi cầu nguyện. Người sáng lập và giám đốc của tổ chức bác ái, Thomas McKenna, cho biết tân Đức Giáo Hoàng sẽ “đối mặt với những thách thức không thể vượt qua nếu không có những lời cầu nguyện của các tín hữu khắp nơi”.
“Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn,” ngài nói. “Đức tin của chúng ta bị thách thức mỗi ngày. Như chúng ta cũng biết, Giáo hội yêu dấu của chúng ta đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về đức tin và đạo đức.”
Nhận thấy rằng các tín hữu đang xa rời các bí tích với số lượng lớn, ơn gọi thì ít, và hôn nhân và phép rửa tội giảm mạnh, McKenna hỏi, “Chúng ta phải làm gì trước tình trạng vô vọng này? Chúng ta cầu nguyện, như chúng ta vẫn thường làm, trong hy vọng.
“Điều này đặc biệt có liên quan ngay lúc này,” ngài nói tiếp, “không chỉ vì cuộc bầu cử Giáo Hoàng và những cuộc khủng hoảng khác nhau của Giáo hội và thế giới mà còn vì Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố năm 2025 là Năm Thánh Hy vọng.”
Ngài cho biết tuần cửu nhật long trọng từ ngày 1 đến ngày 9 tháng 5 “sẽ mang tất cả những nhu cầu sâu sắc này của Giáo hội và thế giới đến với Chúa Kitô qua bàn tay yêu thương của Đức Mẹ” cũng như “là thời gian để suy ngẫm về cuộc sống của chúng ta và phân định con đường phía trước”.
McKenna mời gọi các tín hữu ghi danh để nhận lời cầu nguyện hàng ngày của Đức Hồng Y Burke cho tuần cửu nhật bắt đầu vào thứ năm tuần tới; bằng cách đó, họ cũng có thể yêu cầu Đức Hồng Y Burke cầu nguyện cho các ý chỉ của họ trong tuần cửu nhật.
“Chúng ta dâng Tuần Cửu Nhật Hy Vọng một cách đặc biệt lên Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, cầu xin Đức Mẹ ban cho chúng ta sự khôn ngoan và thận trọng để vượt qua những khó khăn đang xảy đến với chúng ta cũng như ban cho chúng ta Ơn Chỉ Bảo thiêng liêng để giúp đỡ những người khác trên con đường về Thiên Đàng,” ngài nói.
Đền thờ Novena
Đền Đức Mẹ Guadalupe tọa lạc tại La Crosse, Wisconsin, do Hồng Y Burke thành lập, cũng đã khởi động một tuần cửu nhật riêng trước Cơ Mật Viện. Tuần cửu nhật bắt đầu từ ngày 26 tháng 4 và kéo dài đến ngày 5 tháng 5.
Source:National Catholic Register
4. Vị Giáo Hoàng Tiếp Theo: Sứ Vụ Phêrô Và Một Giáo Hội Truyền Giáo
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông đã xuất bản một cuốn sách có tên là “The Next Pope: The Office of Peter and a Church in Mission”— nghĩa là “Vị Giáo Hoàng Tiếp Theo: Sứ Vụ Phêrô Và Một Giáo Hội Truyền Giáo”. Đó là một mô tả ngắn gọn về những phẩm chất mà tác giả cho là cần thiết ở một Vị Giáo Hoàng, người sẽ củng cố lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng chúng ta phải là một Giáo hội của những môn đệ truyền giáo.
Nhà xuất bản Ignatius Press, do linh mục Dòng Tên Joseph Fessio điều hành, nơi in cuốn sách đã gởi tặng cuốn sách này cho các Hồng Y trong Hồng Y Đoàn, và các tân Hồng Y trong các công nghị tấn phong Hồng Y. Cuốn sách có kèm theo một ghi chú ở bìa sách một câu của Đức Hồng Y Dolan “Tôi biết ơn Nhà xuất bản Ignatius đã cung cấp bài suy tư quan trọng này về tương lai của Giáo hội cho Hồng Y đoàn”.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh phần đầu nói về tình trạng của Giáo Hội hiện nay.
Trong ba thập niên qua, tôi đã có vinh dự được trò chuyện sâu rộng với Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Những gì tôi học được từ những cuộc gặp gỡ đó—và từ nhiều năm tương tác với những người Công Giáo trên mọi châu lục, sống mọi giai đoạn cuộc sống trong Giáo hội—đã thúc đẩy những suy tư trong cuốn sách này.
Do đó, điều tiếp theo là thanh toán một phần khoản nợ lớn của tôi.
Giáo Hội Công Giáo là cùng một Giáo hội theo thời gian, vì như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta trong Êphêsô 4:5, Giáo Hội phục vụ cùng một Chúa, được hình thành bởi cùng một đức tin, và được sinh ra từ cùng một phép rửa tội. Tuy nhiên, phương thức Giáo Hội Công Giáo hoạt động như một Giáo Hội đã thay đổi để đáp ứng các yêu cầu tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô trên thế giới. Đã có năm lần chuyển đổi mang tính thời đại như vậy trong lịch sử Kitô giáo. Một trong số đó đang diễn ra ngay bây giờ.
Trong lần chuyển đổi lớn đầu tiên này, những gì chúng ta biết là Giáo hội Sơ khai đã tách biệt hoàn toàn khỏi những gì đã trở thành Do Thái giáo Rabbinic, trong một quá trình diễn ra nhanh hơn sau Chiến tranh Do Thái-Rôma lần thứ nhất vào năm 70 sau Chúa Giáng Sinh. [Do Thái giáo Rabbinic thường được định nghĩa là tín ngưỡng và tập tục của người Do Thái, được phác thảo trong Kinh Torah (Kinh thánh Do Thái) và được các nhà hiền triết (rabbi) diễn giải, kết hợp với các truyền thống truyền khẩu được truyền lại từ Ông Môisê trên núi Sinai. – chú thích của người dịch]
Giáo hội Sơ khai đó đã nhường chỗ cho, và thậm chí là đã khai sinh ra, Kitô giáo Giáo phụ, xuất hiện vào thế kỷ thứ tư và được định hình bởi cuộc gặp gỡ của Giáo hội với nền văn hóa cổ điển. Vào cuối thiên niên kỷ đầu tiên, Kitô giáo Giáo phụ đã khai sinh ra và nhường chỗ cho Kitô giáo Trung cổ, là sự tổng hợp chặt chẽ nhất từng đạt được giữa Giáo hội, văn hóa và xã hội. Kitô giáo Trung cổ đã bị chia rẽ trong một số cuộc Cải cách của thế kỷ XVI, và từ thảm họa đó đã xuất hiện Công Giáo Phản Cải cách: là phương thức tồn tại của Giáo hội mà mọi người Công Giáo sinh ra trước giữa những năm 1950 đã lớn lên.
Và vào cuối thiên niên kỷ thứ hai, cuộc chuyển đổi lớn thứ năm bắt đầu tập hợp sức mạnh trên khắp Giáo hội hoàn vũ: từ Công Giáo Phản cải cách sang Giáo hội Tân Phúc âm hóa. Người Công Giáo ngày nay sống trong sự hỗn loạn của thời điểm chuyển đổi này.
Vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, Giáo Hội Công Giáo thấy mình đang ở một điểm đột phá quan trọng trong quá trình chuyển đổi kỷ nguyên thứ năm đó. Đối với ba Đức Giáo Hoàng mà tôi đã đích thân biết đến và các thừa tác vụ Phêrô mà tôi đã theo dõi chặt chẽ, tất cả đều, theo cách này hay cách khác, là những người của Công đồng Vatican II: là sự kiện đã hoàn toàn khởi động quá trình chuyển đổi từ Công Giáo Phản Cải cách sang Giáo hội của Tân Phúc âm hóa. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng tiếp theo sẽ không được Công đồng Vatican II định hình theo cùng cách thức như ba vị tiền nhiệm của ngài trên Ngai tòa Thánh Phêrô.
Với tư cách là một giám mục Ba Lan rất trẻ và sau này là tổng giám mục của Kraków, Đức Karol Wojtyła (tương lai là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị) đã đóng vai trò tích cực trong cả bốn giai đoạn của Công đồng và giúp soạn thảo Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại, Gaudium et Spes. Là một chuyên gia thần học và là một chuyên gia trẻ tuổi tại Công đồng Vatican II, Đức Joseph Ratzinger (tương lai là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16) đã có ảnh hưởng trong việc phát triển năm văn bản công đồng, bao gồm các hiến chế tín lý của Công đồng về Giáo hội và về sự mặc khải của Thiên Chúa. Các chương trình Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị và Đức Bênêđíctô XVI chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những kinh nghiệm của các ngài về Công đồng Vatican II và sự tiếp nhận Công Đồng này trên khắp Giáo hội hoàn vũ. Thật vậy, các triều đại Giáo Hoàng của các ngài có thể được hiểu là một nỗ lực duy nhất kéo dài ba mươi lăm năm để đưa ra một cách diễn giải có thẩm quyền cho Công đồng. Nỗ lực đó xoay quanh Thượng hội đồng đặc biệt năm 1985, nơi đã tìm ra chìa khóa để diễn giải mười sáu văn kiện của Công đồng Vatican II trong khái niệm về Giáo hội như một sự hiệp thông của các môn đệ trong sứ mệnh. Sự thay đổi đó cuối cùng đã dẫn đến việc công bố Tân Phúc Âm hóa trước và trong Đại Năm Thánh 2000, và đến Văn kiện Aparecida năm 2007 của các giám mục Mỹ Latinh và Caribê—có lẽ là tuyên bố phát triển nhất cho đến nay về việc sự hiệp thông của các tông đồ trong sứ mệnh phải như thế nào.
Không giống như hai Vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của mình, Đức Jorge Mario Bergoglio (tương lai là Đức Thánh Cha Phanxicô) đã không trực tiếp trải nghiệm Công đồng Vatican II. Nhưng ngài là một tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi trong Công đồng và là một bề trên dòng trong giai đoạn tranh cãi ngay sau Công đồng Vatican II. Là tổng giám mục của Buenos Aires, ngài là một nhân vật quan trọng trong việc soạn thảo Văn kiện Aparecida. Trong cương vị Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục (người chủ trì ba trong bốn phiên họp của Vatican II) là hình mẫu Giáo Hoàng của mình, và ngài đã phong thánh cho cả Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, hai vị Giáo Hoàng của Công đồng Vatican II. Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự là một vị Giáo Hoàng của Công Đồng.
Đức Giáo Hoàng tiếp theo có thể sẽ là một thiếu niên hoặc một thanh niên rất trẻ trong những năm diễn ra Công đồng Vatican II; thậm chí có thể là một đứa trẻ trong những năm đó. Trong mọi trường hợp, ngài sẽ không được định hình bởi kinh nghiệm của Công đồng và các cuộc tranh luận trực tiếp về ý nghĩa của nó và sự tiếp nhận của nó như Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị, Bênêđíctô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô. Do đó, Đức Giáo Hoàng tiếp theo sẽ là một nhân vật chuyển tiếp theo một cách khác so với những vị tiền nhiệm trực tiếp của mình. Vì vậy, có vẻ thích hợp để suy ngẫm ngay bây giờ về những gì Giáo hội đã học được từ những kinh nghiệm của mình trong các triều đại Giáo Hoàng của ba vị Giáo Hoàng Công Đồng này—và đưa ra những gợi ý những gì Đức Giáo Hoàng tiếp theo có thể học được từ sự học hỏi đó.
Giáo Hội Công Giáo sẽ bước vào vùng đất chưa được khám phá trong triều đại Đức Giáo Hoàng tiếp theo. Vì vậy, điều quan trọng là phải suy ngẫm ngay từ bây giờ về hai câu hỏi:
Thứ nhất, Đức Thánh Linh đã dạy điều gì cho một Giáo Hội đang trong thời kỳ chuyển tiếp
Thứ hai, vị sẽ lãnh đạo Giáo hội trong giai đoạn chuyển tiếp này, gánh vác trách nhiệm to lớn và gánh nặng của sứ vụ Phêrô, người nắm giữ “chìa khóa Nước Trời” (Mt 16:19) cần có những phẩm chất nào?
5. FBI cho biết thẩm phán, cựu giám đốc tổ chức bác ái Công Giáo đã che chở cho người nhập cư bất hợp pháp khỏi bị bắt giữ
Tuần này, các đặc vụ liên bang đã bắt giữ một thẩm phán Công Giáo ở Wisconsin và cựu giám đốc tổ chức bác ái Công Giáo vì cáo buộc bà đã che giấu một người nhập cư bất hợp pháp khỏi bị cơ quan thực thi pháp luật bắt giữ vào đầu tháng này.
Một đơn khiếu nại hình sự, được đệ trình lên Tòa án Quận Hoa Kỳ thuộc Quận phía Đông Wisconsin, cáo buộc rằng Thẩm phán Tòa án Quận Milwaukee Hannah Dugan đã giúp che giấu công dân Mễ Tây Cơ Eduardo Flores-Ruiz, người đã cư trú bất hợp pháp tại Hoa Kỳ và bị buộc tội bạo hành gia đình ở Milwaukee.
Cảnh sát đã có mặt tại Tòa án Quận Milwaukee vào ngày 18 tháng 4 để lên kế hoạch bắt giữ Flores-Ruiz sau phiên điều trần về vụ án hình sự của anh ta. Theo đơn khiếu nại, phiên điều trần dự kiến diễn ra tại phòng xử án của Dugan.
Khi biết về vụ bắt giữ sắp xảy ra, Dugan được cho là đã “hết sức tức giận” và sau đó đối đầu với các đặc vụ liên bang về kế hoạch của họ. Sau đó, theo đơn khiếu nại, bà đã “hộ tống Flores-Ruiz và luật sư của ông ra khỏi phòng xử án” qua “cửa bồi thẩm đoàn” và đến “khu vực không công khai của tòa án”. Vụ án của Flores-Ruiz được cho là đã bị hoãn lại ngay sau đó.
Cuối cùng, các đặc vụ đã bắt giữ nghi phạm bên ngoài tòa án sau khi anh ta cố gắng chạy trốn bằng đường bộ.
Bản khiếu nại cáo buộc Dugan “cản trở hoặc gây trở ngại cho quá trình tố tụng” của một cơ quan Hoa Kỳ cũng như “che giấu một cá nhân để tránh bị phát hiện và bắt giữ”.
Theo tờ Milwaukee Journal-Sentinel, trước khi trở thành thẩm phán, Dugan đã phục vụ gần ba năm với tư cách là giám đốc điều hành của Tổ chức bác ái Công Giáo thuộc Tổng giáo phận Milwaukee và từ chức vào năm 2009.
Hồ sơ LinkedIn của thẩm phán liệt kê bà là người đã lãnh đạo tổ chức bác ái Công Giáo “thông qua việc tái cấu trúc hội đồng quản trị và tổ chức lại dịch vụ”.
Trước khi được bầu vào tòa án quận Milwaukee, Dugan từng là luật sư luật dân sự tại Milwaukee.
Tuần này, luật sư của Dugan đã phát biểu trong phiên điều trần tại tòa án liên bang rằng thẩm phán “phản đối việc bắt giữ bà ấy”.
Ông lập luận rằng “Nó không được thực hiện vì lợi ích an toàn công cộng”.
Source:Catholic News Agency