Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông đã xuất bản một cuốn sách có tên là “The Next Pope: The Office of Peter and a Church in Mission”— nghĩa là “Vị Giáo Hoàng Tiếp Theo: Sứ Vụ Phêrô Và Một Giáo Hội Truyền Giáo”. Đó là một mô tả ngắn gọn về những phẩm chất mà tác giả cho là cần thiết ở một Vị Giáo Hoàng, người sẽ củng cố lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng chúng ta phải là một Giáo hội của những môn đệ truyền giáo.
Nhà xuất bản Ignatius Press, do linh mục Dòng Tên Joseph Fessio điều hành, nơi in cuốn sách đã gởi tặng cuốn sách này cho các Hồng Y trong Hồng Y Đoàn, và các tân Hồng Y trong các công nghị tấn phong Hồng Y. Cuốn sách có kèm theo một ghi chú ở bìa sách một câu của Đức Hồng Y Dolan “Tôi biết ơn Nhà xuất bản Ignatius đã cung cấp bài suy tư quan trọng này về tương lai của Giáo hội cho Hồng Y đoàn”.
Dưới đây là phần đầu nói về tình trạng của Giáo Hội hiện nay.
Do đó, điều tiếp theo là thanh toán một phần khoản nợ lớn của tôi.
Giáo Hội Công Giáo là cùng một Giáo hội theo thời gian, vì như Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta trong Êphêsô 4:5, Giáo Hội phục vụ cùng một Chúa, được hình thành bởi cùng một đức tin, và được sinh ra từ cùng một phép rửa tội. Tuy nhiên, phương thức Giáo Hội Công Giáo hoạt động như một Giáo Hội đã thay đổi để đáp ứng các yêu cầu tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô trên thế giới. Đã có năm lần chuyển đổi mang tính thời đại như vậy trong lịch sử Kitô giáo. Một trong số đó đang diễn ra ngay bây giờ.
Trong lần chuyển đổi lớn đầu tiên này, những gì chúng ta biết là Giáo hội Sơ khai đã tách biệt hoàn toàn khỏi những gì đã trở thành Do Thái giáo Rabbinic, trong một quá trình diễn ra nhanh hơn sau Chiến tranh Do Thái-Rôma lần thứ nhất vào năm 70 sau Chúa Giáng Sinh. [Do Thái giáo Rabbinic thường được định nghĩa là tín ngưỡng và tập tục của người Do Thái, được phác thảo trong Kinh Torah (Kinh thánh Do Thái) và được các nhà hiền triết (rabbi) diễn giải, kết hợp với các truyền thống truyền khẩu được truyền lại từ Ông Môisê trên núi Sinai. – chú thích của người dịch]
Giáo hội Sơ khai đó đã nhường chỗ cho, và thậm chí là đã khai sinh ra, Kitô giáo Giáo phụ, xuất hiện vào thế kỷ thứ tư và được định hình bởi cuộc gặp gỡ của Giáo hội với nền văn hóa cổ điển. Vào cuối thiên niên kỷ đầu tiên, Kitô giáo Giáo phụ đã khai sinh ra và nhường chỗ cho Kitô giáo Trung cổ, là sự tổng hợp chặt chẽ nhất từng đạt được giữa Giáo hội, văn hóa và xã hội. Kitô giáo Trung cổ đã bị chia rẽ trong một số cuộc Cải cách của thế kỷ XVI, và từ thảm họa đó đã xuất hiện Công Giáo Phản Cải cách: là phương thức tồn tại của Giáo hội mà mọi người Công Giáo sinh ra trước giữa những năm 1950 đã lớn lên.
Và vào cuối thiên niên kỷ thứ hai, cuộc chuyển đổi lớn thứ năm bắt đầu tập hợp sức mạnh trên khắp Giáo hội hoàn vũ: từ Công Giáo Phản cải cách sang Giáo hội Tân Phúc âm hóa. Người Công Giáo ngày nay sống trong sự hỗn loạn của thời điểm chuyển đổi này.
Vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, Giáo Hội Công Giáo thấy mình đang ở một điểm đột phá quan trọng trong quá trình chuyển đổi kỷ nguyên thứ năm đó. Đối với ba Đức Giáo Hoàng mà tôi đã đích thân biết đến và các thừa tác vụ Phêrô mà tôi đã theo dõi chặt chẽ, tất cả đều, theo cách này hay cách khác, là những người của Công đồng Vatican II: là sự kiện đã hoàn toàn khởi động quá trình chuyển đổi từ Công Giáo Phản Cải cách sang Giáo hội của Tân Phúc âm hóa. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng tiếp theo sẽ không được Công đồng Vatican II định hình theo cùng cách thức như ba vị tiền nhiệm của ngài trên Ngai tòa Thánh Phêrô.
Với tư cách là một giám mục Ba Lan rất trẻ và sau này là tổng giám mục của Kraków, Đức Karol Wojtyła (tương lai là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị) đã đóng vai trò tích cực trong cả bốn giai đoạn của Công đồng và giúp soạn thảo Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại, Gaudium et Spes. Là một chuyên gia thần học và là một chuyên gia trẻ tuổi tại Công đồng Vatican II, Đức Joseph Ratzinger (tương lai là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16) đã có ảnh hưởng trong việc phát triển năm văn bản công đồng, bao gồm các hiến chế tín lý của Công đồng về Giáo hội và về sự mặc khải của Thiên Chúa. Các chương trình Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị và Đức Bênêđíctô XVI chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những kinh nghiệm của các ngài về Công đồng Vatican II và sự tiếp nhận Công Đồng này trên khắp Giáo hội hoàn vũ. Thật vậy, các triều đại Giáo Hoàng của các ngài có thể được hiểu là một nỗ lực duy nhất kéo dài ba mươi lăm năm để đưa ra một cách diễn giải có thẩm quyền cho Công đồng. Nỗ lực đó xoay quanh Thượng hội đồng đặc biệt năm 1985, nơi đã tìm ra chìa khóa để diễn giải mười sáu văn kiện của Công đồng Vatican II trong khái niệm về Giáo hội như một sự hiệp thông của các môn đệ trong sứ mệnh. Sự thay đổi đó cuối cùng đã dẫn đến việc công bố Tân Phúc Âm hóa trước và trong Đại Năm Thánh 2000, và đến Văn kiện Aparecida năm 2007 của các giám mục Mỹ Latinh và Caribê—có lẽ là tuyên bố phát triển nhất cho đến nay về việc sự hiệp thông của các tông đồ trong sứ mệnh phải như thế nào.
Không giống như hai Vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của mình, Đức Jorge Mario Bergoglio (tương lai là Đức Thánh Cha Phanxicô) đã không trực tiếp trải nghiệm Công đồng Vatican II. Nhưng ngài là một tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi trong Công đồng và là một bề trên dòng trong giai đoạn tranh cãi ngay sau Công đồng Vatican II. Là tổng giám mục của Buenos Aires, ngài là một nhân vật quan trọng trong việc soạn thảo Văn kiện Aparecida. Trong cương vị Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục (người chủ trì ba trong bốn phiên họp của Vatican II) là hình mẫu Giáo Hoàng của mình, và ngài đã phong thánh cho cả Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, hai vị Giáo Hoàng của Công đồng Vatican II. Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự là một vị Giáo Hoàng của Công Đồng.
Đức Giáo Hoàng tiếp theo có thể sẽ là một thiếu niên hoặc một thanh niên rất trẻ trong những năm diễn ra Công đồng Vatican II; thậm chí có thể là một đứa trẻ trong những năm đó. Trong mọi trường hợp, ngài sẽ không được định hình bởi kinh nghiệm của Công đồng và các cuộc tranh luận trực tiếp về ý nghĩa của nó và sự tiếp nhận của nó như Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị, Bênêđíctô XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô. Do đó, Đức Giáo Hoàng tiếp theo sẽ là một nhân vật chuyển tiếp theo một cách khác so với những vị tiền nhiệm trực tiếp của mình. Vì vậy, có vẻ thích hợp để suy ngẫm ngay bây giờ về những gì Giáo hội đã học được từ những kinh nghiệm của mình trong các triều đại Giáo Hoàng của ba vị Giáo Hoàng Công Đồng này—và đưa ra những gợi ý những gì Đức Giáo Hoàng tiếp theo có thể học được từ sự học hỏi đó.
Giáo Hội Công Giáo sẽ bước vào vùng đất chưa được khám phá trong triều đại Đức Giáo Hoàng tiếp theo. Vì vậy, điều quan trọng là phải suy ngẫm ngay từ bây giờ về hai câu hỏi:
Thứ nhất, Đức Thánh Linh đã dạy điều gì cho một Giáo Hội đang trong thời kỳ chuyển tiếp
Thứ hai, vị sẽ lãnh đạo Giáo hội trong giai đoạn chuyển tiếp này, gánh vác trách nhiệm to lớn và gánh nặng của sứ vụ Phêrô, người nắm giữ “chìa khóa Nước Trời” (Mt 16:19) cần có những phẩm chất nào?