Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Successor... to Whom?”, nghĩa là “Người kế nhiệm... của ai?”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong những ngày đầu thảo luận tại các Đại hội đồng chuẩn bị cho Cơ Mật Viện sẽ bắt đầu vào ngày 7 tháng 5, một số tường thuật đã nói rằng nhiệm vụ của Cơ Mật Viện là tìm ra “người kế nhiệm Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Điều đó là đúng, xét về mặt thời gian. Nhưng không đúng về mặt thần học.

Nhiệm vụ của Cơ Mật Viện Hồng Y 2025 không phải là tìm người kế vị Đức Phanxicô mà là người kế vị Thánh Phêrô.

Cơ Mật Viện 2013 không có nhiệm vụ tìm kiếm “người kế nhiệm Đức Bênêđíctô XVI”, không tìm một Đức Bênêđíctô 2.0. Cơ Mật Viện 2005 cũng không có trách nhiệm tìm kiếm “người kế nhiệm Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị” hay Đức Gioan Phaolô 2.0. Nhiệm vụ của mỗi Cơ Mật Viện là tìm người tiếp tục sứ vụ Thánh Phêrô, chứ không phải tìm người sẽ sao chép tốt nhất triều Giáo Hoàng vừa kết thúc.

Trong cuốn sách nhỏ của tôi có tên “The Next Pope: The Office of Peter and a Church in Mission” hay “Vị Giáo Hoàng tiếp theo: Sứ vụ Phêrô và một Giáo Hoàng Truyền Giáo”, tôi đã mô tả những gì có vẻ là một số khía cạnh quan trọng của Sứ vụ Phêrô:

Giống như mọi thứ khác trong Giáo hội, Sứ vụ Phêrô —chức vụ duy nhất do Giám mục Rôma thực hiện—phục vụ cho Phúc âm và công bố Phúc âm. Trong Thánh lễ trước công chúng khai mạc Sứ vụ Phêrô của mình vào năm 1978, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra một bài học đáng nhớ về chân lý cổ xưa này. Tiếng vang của nó vẫn tiếp tục vang vọng khắp các vùng đất sống động của Công Giáo thế giới.

Vào ngày 22 tháng 10 năm 1978, Giáo hội vẫn còn bàng hoàng trước cái chết bất ngờ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I sau chỉ mới ba mươi ba ngày tại vị. Nói nhẹ ngàng nhất là thế giới hoài nghi về khả năng lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng. Giáo triều Rôma đã bị choáng váng bởi cuộc bầu cử của Vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải người Ý sau 455 năm. Tuy nhiên, vào cuối Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng ngày hôm đó, thế giới, Giáo hội và Giáo triều biết rằng có điều gì đó đã thay đổi và đã thay đổi một cách ngoạn mục. Nhà báo người Pháp André Frossard đã nắm bắt được tính chất của khoảnh khắc đó khi ông tường trình cho tờ báo có trụ sở tại Paris của mình rằng “Đây không phải là một Giáo Hoàng đến từ Ba Lan; đây là một Giáo Hoàng đến từ Galilê.”

Đức Gioan Phaolô II đã làm gì trong suốt ba giờ đồng hồ?

Ngài đã thể hiện sức mạnh của Phúc âm trong chính cuộc đời mình, khẳng định không chút do dự rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa, là Đấng duy nhất biết và thỏa mãn những khát vọng sâu xa nhất của trái tim con người. Vì vậy, những lời đầu tiên trong bài giảng của ngài, được truyền đạt ngoài trời trước đám đông lớn tại Quảng trường Thánh Phêrô và trước hàng triệu người trên truyền hình, là sự lặp lại táo bạo lời tuyên xưng đức tin của Simon Phêrô tại Cêsarê Philippê: “Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!” (Mt 16:16) Ngài nói rằng đó là lời tuyên xưng đức tin được Chúa soi dẫn mà từ đó Sứ vụ Phêrô ra đời.

Ngài tuyên bố sức mạnh của Phúc âm để mặc khải cả khuôn mặt của Thiên Chúa Cha nhân từ và sự vĩ đại của nhân loại chúng ta. Vì Chúa Kitô đã đưa nhân loại đến gần “mầu nhiệm của Thiên Chúa hằng sống” ngay cả khi Chúa Kitô đã cho chúng ta thấy “chân lý tối hậu và dứt khoát” về chính chúng ta. Và đó là điều mà Giáo hội phải đề xuất với thế giới: “Xin hãy lắng nghe một lần nữa,” ngài yêu cầu.

Ngài giải thích sức mạnh của Phúc âm bằng cách nhắc nhở Giáo hội và thế giới rằng Phúc âm là sức mạnh duy nhất mà Giáo hội sở hữu, và rằng “mầu nhiệm thập giá và sự phục sinh” là sức mạnh duy nhất mà Giáo hội nên mong muốn: “sức mạnh tuyệt đối nhưng ngọt ngào và dịu dàng của Chúa”, một sức mạnh “đáp ứng toàn bộ chiều sâu của con người....”

Ngài thể hiện sức mạnh của Phúc âm bằng cách nhắc nhở Giáo hội rằng sự lãnh đạo Công Giáo là sự lãnh đạo phục vụ theo ý muốn của Chúa Kitô. Đó là điều Chúa Kitô đã dạy các tông đồ khi rửa chân cho họ trong Bữa Tiệc Ly, và đó là điều Chúa Kitô đang dạy các giám mục và Đức Giáo Hoàng ngày nay. Và vì vậy, ngài đã cầu nguyện trước thế giới và Giáo hội, “Lạy Chúa, xin hãy biến con trở thành và vẫn là người tôi tớ của quyền năng độc nhất của Người, người tôi tớ của quyền năng ngọt ngào của Người, người tôi tớ cho quyền năng của Người không biết đến hoàng hôn. Hãy biến con thành người tôi tớ. Thật vậy, người tôi tớ của những người tôi tớ của Người.”

Ngài thách thức thế giới trải nghiệm sức mạnh của Phúc âm, và khi làm như vậy, hãy giải thoát bản thân khỏi nỗi sợ hãi đã đóng chặt trái tim và tâm trí lại với Chúa: “Đừng sợ! Đừng sợ chào đón Chúa Kitô và chấp nhận quyền năng của Người. Và với quyền năng của Chúa Kitô xin giúp con và tất cả những ai muốn phục vụ Chúa Kitô biết phục vụ con người và toàn thể nhân loại. Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô. Đối với quyền năng cứu rỗi của Người, hãy mở ra ranh giới của các quốc gia, hệ thống kinh tế và chính trị, các lĩnh vực rộng lớn của văn hóa, văn minh và phát triển. Đừng sợ.”

Hai thập niên sau, khi bế mạc Đại lễ mừng năm 2000, “Đức Giáo Hoàng từ Galilê” đó đã thúc giục Giáo hội “ra khơi” trong công cuộc Tân Phúc âm hóa. Mệnh lệnh này từ người kế nhiệm thứ 263 của Phêrô đã được ngầm hiểu trong bài giảng đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II. Bằng cách lấy lại một kinh nghiệm của Galilê, bài giảng đã đặt ra khuôn mẫu cho sứ mệnh của Giáo hội trong thế kỷ XXI và thiên niên kỷ thứ ba....

Giáo luật 1404 trong bộ luật của Giáo hội nêu rõ rằng “Tòa đầu tiên không thể bị ai xét xử”. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng, Giám mục của Rôma, người lãnh đạo Tòa đầu tiên với tư cách là Người kế vị Thánh Phêrô, không đứng trên Phúc âm hay Giáo hội. Sứ vụ của Thánh Phêrô trong Giáo hội cũng không thể được hiểu theo cách tương tự như một sa hoàng hay nhà độc tài chuyên chế.

Khi Công đồng Vatican II kết thúc công trình của mình về Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã đề xuất rằng Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium hay Ánh Sáng Muôn Dân nên bao gồm một câu khẳng định rằng Đức Giáo Hoàng “chỉ chịu trách nhiệm trước Chúa mà thôi”. Ủy ban Thần học của Công đồng, bao gồm một số nhà thần học rất lỗi lạc, đã bác bỏ công thức đó. Ủy ban lưu ý rằng “Đức Giáo Hoàng Rôma cũng bị ràng buộc với chính mặc khải, với cấu trúc cơ bản của Giáo hội, với các bí tích, với các định nghĩa của các Công đồng trước đó và các nghĩa vụ khác quá nhiều để có thể đề cập đến”. Do đó, thật là một sai lầm nghiêm trọng khi tưởng tượng Đức Giáo Hoàng là một chức vụ độc đoán mà từ đó ngài có thể đưa ra các quyết định tùy tiện chỉ phản ánh ý muốn của mình. Thay vào đó, Sứ vụ Phêrô là một chức vụ có thẩm quyền, người nắm giữ chức vụ này là người giám hộ của một truyền thống có thẩm quyền. Ngài là người phục vụ cho truyền thống đó, khối tín lý và thực hành đó, chứ không phải là chủ nhân của nó.

Việc thừa nhận cả thẩm quyền to lớn của chức vụ của mình và ranh giới mà thẩm quyền đó phải được thực hiện là một thách thức đối với bất kỳ vị Giáo Hoàng nào.... Một cách để đáp ứng thách thức đó là vị Giáo Hoàng tiếp theo phải chào đón và trả lời những câu hỏi và lời phê bình nghiêm chỉnh, tôn trọng từ những người chia sẻ mối quan tâm và trách nhiệm đối với Giáo hội—và đặc biệt là từ các anh em giám mục của Đức Giáo Hoàng, những người, khi cần thiết, phải triệu tập lòng can đảm để làm cho Phêrô những gì Phaolô đã làm cho Phêrô, như Phaolô đã làm chứng trong Thư Galát 2:11: đưa ra cho ông sự sửa dạy huynh đệ.....

Trong chương hai mươi mốt của Phúc âm thánh Gioan, Chúa Phục sinh đã ba lần thách thức Phêrô: “Con có yêu mến Thầy hơn những người khác không?... Con có yêu mến Thầy không?... Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15–17). Thật hấp dẫn khi thấy ở đây một lời đáp trả cho ba lần chối Chúa của Phêrô sau khi Chúa Giêsu bị bắt: sau khi đã chối Chúa ba lần, Phêrô giờ đây phải tuyên xưng đức tin của mình ba lần. Đọc sâu hơn về cuộc gặp gỡ đó gợi ý một điều khác—Phêrô đang được hỏi liệu ông có thể tự hủy mình “ hơn những người khác” để chăn dắt đàn chiên của Chúa như mục tử chính của đàn chiên ấy hay không. Tất cả những người được thụ phong làm linh mục và giám mục trong Giáo Hội Công Giáo đều được yêu cầu tự hủy mình để trở thành Chúa Kitô cho Giáo hội và thế giới. Đoạn văn ngắn trong Phúc âm thánh Gioan gợi ý rằng theo bản chất của Sứ vụ Phêrô, Đức Giáo Hoàng phải tự hủy mình hoàn toàn “hơn những người khác”. Để thực hiện sứ vụ của mình như là “người tôi tớ của các người tôi tớ của Thiên Chúa” (một tước hiệu của Đức Giáo Hoàng bắt đầu từ Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả), Người kế vị Thánh Phêrô phải mở lòng mình để ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống của mình để ngài có thể từ bỏ chính mình càng nhiều càng tốt....

Theo giáo lý Công Giáo, Đức Giáo Hoàng là chứng nhân đầu tiên của Giáo hội về Chúa Kitô và Phúc âm là thánh ý của Chúa Kitô. Thánh ý Chúa Kitô cũng muốn rằng tất cả các môn đệ của Người đều là chứng nhân và tất cả đều là những người truyền bá Phúc âm. Điều đó có nghĩa là, trong khi Đức Giáo Hoàng là chứng nhân đầu tiên của Giáo hội, thì ngài không phải là chứng nhân duy nhất của Giáo hội. Và trách nhiệm của ngài bao gồm làm mọi thứ có thể để khuyến khích những người khác hoàn thành trách nhiệm của họ với tư cách là chứng nhân của Phúc âm và sức mạnh của Phúc âm.

Ngày nay, Đức Giáo Hoàng và triều Giáo Hoàng là trung tâm của trí tưởng tượng Công Giáo. Trước đây không phải lúc nào cũng vậy. Trước thời Đức Giáo Hoàng Piô IX, người giữ chức Giám mục Rôma từ năm 1846 đến năm 1878, hầu hết người Công Giáo không biết “Đức Giáo Hoàng” là ai, càng không biết Đức Giáo Hoàng nói hay làm gì. Nhờ sự phát triển của báo chí đại chúng, nhờ những đau khổ mà ngài phải chịu đựng khi Quốc gia Đức Giáo Hoàng bị Vương quốc Ý mới tước đoạt, nhờ số lượng lễ kỷ niệm mà ngài cử hành trong suốt triều Giáo Hoàng dài của mình (khiến đám đông người hành hương đến Rôma) và nhờ sự kiện Công đồng Vatican lần thứ nhất, Đức Piô IX đã trở thành một nhân vật thực sự đối với nhiều người Công Giáo trên thế giới—Vị Giáo Hoàng đầu tiên có ảnh được người Công Giáo trưng bày tại nhà của họ.... Và từ Piô IX trở đi, Đức Giáo Hoàng và triều Giáo Hoàng ngày càng lớn mạnh trong cả trí tưởng tượng của người Công Giáo và suy nghĩ của thế giới về Giáo hội.

“Sự đóng vai chính của Đức Giáo Hoàng”, như một số người đã mô tả, đã giúp Giáo hội giải phóng sức mạnh của Phúc âm trong hơn một lần. Đó là một lý do tại sao Đức Giáo Hoàng Piô X có thể nhanh chóng định hình lại bối cảnh tâm linh của Công Giáo bằng cách cho phép trẻ em bảy tuổi được Rước lễ; và Đức Giáo Hoàng Piô XI có thể mở rộng và đào sâu học thuyết xã hội của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trong khi thách thức ba hệ thống toàn trị; và rằng Đức Giáo Hoàng Piô XII có thể thiết lập bối cảnh trí tuệ cho Công đồng Vatican II với các thông điệp Mystici Corporis Christi (Thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô), Divino Afflante Spiritu (Được Chúa Thánh Thần linh hứng) và Mediator Dei (Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người). “Sự đóng vai chính của Đức Giáo Hoàng” cũng đã có những tác động trong lịch sử thế giới, đáng chú ý nhất là trong vai trò quan trọng của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị trong việc châm ngòi cho cuộc cách mạng lương tâm đã giúp tạo nên cuộc Cách mạng chính trị bất bạo động năm 1989 và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Âu Châu.

“Sự đóng vai trò chủ chốt của Đức Giáo Hoàng”—Sứ vụ Phêrô ở ngay trung tâm trí tưởng tượng của người Công Giáo—cũng có những tác động không mấy vui vẻ trong Giáo hội.

Nếu các giám mục coi Đức Giáo Hoàng là trung tâm của mọi sáng kiến trong Giáo hội, họ có thể sẽ ít nhiệt tình hơn trong việc đảm nhận trách nhiệm giải phóng sức mạnh của Phúc âm trong dân chúng.

Nếu các giám mục và bề trên của các cộng đồng tôn giáo hiểu “chủ nghĩa Đức Giáo Hoàng” có nghĩa là họ không cần phải thực hiện hành động kỷ luật cần thiết vì lợi ích của giáo phận hoặc cộng đồng của họ vì “Roma sẽ giải quyết vấn đề”, thì các Giáo hội và cộng đồng địa phương đó sẽ phải chịu thiệt hại—và toàn thể Giáo hội cũng vậy.

“ Sự đóng vai trò chủ đạo của Đức Giáo Hoàng” cũng có thể có tác động không vui là ám chỉ - ít nhất là thông qua phương tiện truyền thông và mạng xã hội - rằng những gì Đức Giáo Hoàng làm và nói tóm tắt ý nghĩa, công việc và tình trạng của Giáo Hội Công Giáo tại bất kỳ thời điểm nào. Điều này đơn giản là không đúng. Và nó có thể làm mất sự chú ý khỏi các bộ phận đang phát triển của Giáo hội thế giới nơi sức mạnh của Phúc âm đang được giải phóng. Có bao nhiêu người Công Giáo, và bao nhiêu phương tiện truyền thông thế giới, đã bỏ lỡ sự phát triển phi thường của Công Giáo ở Phi Châu cận Sahara trong những năm sau Công đồng Vatican II - và đã bỏ lỡ sự nở rộ phi thường của Phúc âm vì quá tập trung vào Đức Giáo Hoàng và những tranh cãi xung quanh nó? Có bao nhiêu người Công Giáo ngày nay đáng buồn là không biết về nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra trong Giáo hội địa phương của họ và trên khắp Giáo hội thế giới vì họ bị mê hoặc bởi Đức Giáo Hoàng và ám ảnh về những gì Đức Giáo Hoàng nói và làm?...

Đức Giáo Hoàng phải và sẽ vẫn là thẩm quyền tối cao của Giáo hội. Tuy nhiên, thẩm quyền đó phải được thực hiện theo cách tạo điều kiện cho sự lãnh đạo của những người khác, đặc biệt là các giám mục của Giáo hội. Và thẩm quyền tối cao phải yêu cầu, khi cần thiết, rằng các chính quyền địa phương thực hiện trách nhiệm của mình để sức mạnh của Phúc âm có thể được nhìn thấy trong tất cả mọi người của Giáo hội.

Đây sẽ không phải là vấn đề “thu hẹp” chức vụ Giáo Hoàng mà là chức Giáo Hoàng trao quyền cho các môn đệ truyền giáo. Với cấu trúc thẩm quyền độc đáo trong Giáo Hội Công Giáo, một biện pháp “chủ nghĩa Đức Giáo Hoàng” không chỉ là điều tất yếu mà còn là điều mong muốn. Tuy nhiên, nếu Đức Giáo Hoàng hiểu rằng việc củng cố anh em là một trách nhiệm thiết yếu của chức vụ của mình, thì ngài sẽ thực hiện chức vụ của mình theo cách hướng ra ngoài bản thân mình đến Chúa Kitô. Và ngài sẽ lãnh đạo theo những cách nhắc nhở đàn chiên của mình rằng tất cả họ đều là những môn đệ truyền giáo, được kêu gọi làm chứng cho sức mạnh của Phúc âm và làm cho Chúa Kitô được thế giới biết đến.

Các Hồng Y của Cơ Mật Viện Hồng Y 2005 có một nhiệm vụ to lớn trước mắt. Nhiệm vụ đó sẽ được giải quyết theo cách tập trung nhiều hơn vào Phúc âm nếu các Hồng Y cử tri tự nhắc nhở mình rằng mỗi Đức Giáo Hoàng đều mang đến những món quà tinh thần và nhân bản độc đáo cho Sứ vụ Phêrô, và nhiệm vụ của họ không phải là tìm ra Phanxicô 2.0, mà là tìm ra Người kế vị Phêrô, người mà Chúa đã trao cho trách nhiệm “làm cho anh em mình được vững mạnh” (Luca 22:32).


Source:First Things