1. Tuyên bố của Tòa thánh kêu gọi các tín hữu Công Giáo cầu nguyện cho Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng

TUYÊN BỐ CỦA TÒA THÁNH

Hồng Y đoàn tụ họp tại Rôma, tham gia các phiên họp chung để chuẩn bị cho Cơ Mật Viện, mong muốn mời gọi dân Chúa sống khoảnh khắc giáo hội này như một sự kiện ân sủng và sự phân định thiêng liêng, lắng nghe thánh ý Chúa.

Vì lý do này, các Hồng Y, ý thức được trách nhiệm mà mình được kêu gọi, cảm thấy cần phải được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của tất cả các tín hữu. Đây là sức mạnh thực sự thúc đẩy sự hiệp nhất của tất cả các chi thể trong Thân thể duy nhất của Chúa Kitô trong Giáo hội (x. 1 Cr 12:12).

Trước sự to lớn của nhiệm vụ trước mắt và tính cấp bách của thời đại hiện tại, trước hết chúng ta cần phải trở thành những khí cụ khiêm nhường của sự khôn ngoan và sự quan phòng vô hạn của Cha trên trời, trong sự ngoan ngoãn trước hành động của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Người là nhân vật chính của đời sống dân Chúa, là Đấng mà chúng ta phải lắng nghe, chấp nhận những gì Người nói với Giáo hội (x. Kh 3:6).

Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành với những lời cầu nguyện này bằng sự chuyển cầu của Mẹ.


Source:Holy See Press Office

2. Truyền thông thế tục nói về Cơ Mật Viện: Bốn ứng cử viên chính xuất hiện

Theo một trang web cá cược hàng đầu, bốn ứng cử viên chính đã nổi lên trong cuộc đua giành vị trí Giáo Hoàng tiếp theo.

Tờ Newsweek cho rằng cuộc bầu cử Giáo Hoàng Rôma đang thu hút sự chú ý lớn trên toàn cầu vì nó có khả năng định hình tương lai của tôn giáo lớn nhất thế giới với hơn 1,2 tỷ tín hữu.

Việc lựa chọn vị Giáo Hoàng tiếp theo sẽ ảnh hưởng đến các định hướng tín lý và giải quyết các xung đột nội bộ.

Rủi ro ngày càng tăng do những cuộc tranh luận dai dẳng về tính minh bạch, quản trị và sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại.

Theo trang web cờ bạc tiền điện tử Polymarket, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Đức Hồng Y Peter Turkson và Đức Hồng Y Matteo Zuppi đã trở thành bốn ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Giáo Hoàng tiếp theo.

Vào ngày Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời vào ngày 21 tháng 4, cơ hội của Hồng Y Parolin người Ý đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 42 phần trăm, theo công cụ theo dõi của trang web. Cơ hội của Đức Hồng Y Tagle người Phi Luật Tân đạt gần 36 phần trăm, Đức Hồng Y Zuppi người Ý đạt 6,8 phần trăm và Turkson người Ghana là 6,5 phần trăm.

Kể từ đó, tỷ lệ cược đã thay đổi, với cơ hội tăng cao nhất dành cho Đức Hồng Y Turkson.

Tuần này, Đức Hồng Y Turkson, người có khả năng trở thành vị Giáo Hoàng Phi Châu đầu tiên sau 1.500 năm, đã nhảy từ vị trí thứ tư lên vị trí thứ hai trong thời gian ngắn.

Vào thời điểm công bố, Đức Hồng Y Parolin, nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho đến khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô qua đời, dẫn đầu với 26 phần trăm cơ hội, tiếp theo là Đức Hồng Y Tagle, 21 phần trăm, Đức Hồng Y Turkson, 19 phần trăm, và Đức Hồng Y Zuppi, 13 phần trăm.

Cần phải có đa số hai phần ba hay 89 phiếu để trở thành nhà lãnh đạo mới theo một phương pháp bầu đã được hoàn thiện qua nhiều thế kỷ.

Cơ Mật Viện có những biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm việc loại bỏ các thiết bị điện tử và kiểm tra an ninh liên tục.

Đức Hồng Y Peter Turkson là ai?

Đức Hồng Y Turkson người Ghana, 76 tuổi, là cựu chủ tịch Ủy ban công lý và hòa bình của Vatican, ngài kết hợp quan điểm chính trị tiến bộ với lập trường thần học bảo thủ.


Source:Newsweek

3. Đức Hồng Y Camillo Ruini: Lời cầu nguyện cho Giáo hội trong tương lai gần

Đức Hồng Y Camillo Ruini, sinh năm 1931, được thụ phong linh mục cho Giáo phận Reggio Emilia-Guastalla năm 1954. Sau một sự nghiệp học thuật xuất sắc, ngài được thụ phong giám mục hiệu tòa Nepte năm 1983 và được bổ nhiệm làm tổng đại diện của Giáo phận Rôma, giám quản Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, và được tấn phong Hồng Y năm 1991. Trong suốt mười bốn năm còn lại của triều Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, ngài đã tìm cách thực hiện tầm nhìn của Vị Giáo Hoàng vĩ đại đó về Công cuộc Truyền giáo Mới tại Rôma, và thực sự là trên khắp nước Ý trong công việc của ngài với tư cách là chủ tịch hội đồng giám mục Ý.

Nhiều người đánh giá rằng ngài có thể trở thành một Giáo Hoàng hoặc một Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đáng ngưỡng mộ.

Bây giờ đã chín mươi bốn tuổi và phải ngồi xe lăn, Đức Hồng Y Ruini vẫn minh mẫn và tỉnh táo, hiểu biết sâu sắc về các vấn đề của Giáo hội (đặc biệt là ở Ý), là người đánh giá tính cách một cách khôn ngoan và là một linh mục thánh thiện. Gần đây, ngài đã viết lời cầu nguyện sau đây, lần đầu tiên xuất hiện bằng tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh trên blog của ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican, Sandro Magister.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy

Di sản của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một di sản đặt ra một câu hỏi sâu sắc và đáng lo ngại cho Giáo hội. Trong những dòng này, tôi sẽ giải quyết vấn đề theo quan điểm đức tin, bởi vì quan điểm đó được xây dựng trên quyền năng thương xót của Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn các bước chân của chúng ta vào con đường thiện hảo.

Tôi sẽ đưa ra bốn điều ước—cũng là những lời cầu nguyện—cho Giáo hội trong tương lai mà tôi hy vọng là rất gần. Tôi tin tưởng vào một Giáo hội tốt lành và bác ái, an toàn về mặt giáo lý, được quản lý theo luật pháp và hiệp nhất sâu sắc trong nội bộ. Đây là những ý cầu nguyện của tôi, mà tôi muốn thấy được chia sẻ rộng rãi.

Trước hết, một Giáo hội tốt lành và bác ái. Tình yêu được đưa vào hiệu quả sống động thực sự là luật tối cao của chứng từ Kitô giáo và do đó của Giáo hội. Và đó là điều mà mọi người, ngay cả ngày nay, vẫn khao khát. Do đó, phong cách quản lý của chúng ta phải được giải thoát khỏi mọi sự cứng nhắc vô ích, mọi sự nhỏ nhen và khô khan của trái tim.

Thứ hai, như Đức Bênêđíctô XVI đã viết, đức tin là ngọn lửa đang có nguy cơ tắt. Do đó, thắp lại ngọn lửa này là một ưu tiên lớn khác của Giáo hội. Để làm được điều này, chúng ta cần nhiều lời cầu nguyện; chúng ta cần khả năng đáp ứng theo chìa khóa Kitô giáo đối với những thách thức về mặt trí tuệ ngày nay; nhưng chúng ta cũng cần sự chắc chắn về chân lý và sự an toàn của giáo lý. Trong quá nhiều năm vừa qua, chúng ta đã học được từ kinh nghiệm rằng, nếu những điều này bị suy yếu, tất cả chúng ta, các mục tử và tín hữu, đều sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Điều thứ ba là vấn đề quản trị. Triều đại của Đức Bênêđíctô XVI đã bị phá hoại bởi năng khiếu quản trị kém cỏi của ngài, và mối quan tâm như vậy về năng lực quản trị có giá trị trong mọi thời đại, bao gồm cả tương lai gần. Hơn nữa, không được quên rằng đây là vấn đề quản trị thực tại rất đặc biệt là Giáo hội. Ở đây, như tôi đã nói, luật cơ bản là tình yêu: Phong cách quản trị và việc sử dụng luật pháp phải tuân thủ theo luật này, một luật rất khắt khe đối với bất kỳ ai.

Cuối cùng, trong những năm vừa qua, chúng ta đã nhận thấy một số mối đe dọa - mà tôi không muốn phóng đại - đối với sự hiệp nhất và hiệp thông của Giáo hội. Để vượt qua chúng, và để đưa ra ánh sáng những gì tôi muốn gọi là “hình thức Công Giáo” của Giáo hội, bác ái lẫn nhau một lần nữa có tính chất quyết định. Nhưng điều quan trọng là phải đánh thức lại nhận thức rằng Giáo hội, giống như mọi cơ quan xã hội, có các quy tắc của riêng mình, mà không ai có thể phớt lờ mà không bị trừng phạt.

Ở tuổi chín mươi bốn, sự im lặng phù hợp hơn lời nói. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng những dòng này của tôi sẽ mang lại một chút kết quả tốt đẹp mà tôi mong muốn cho Giáo hội.

4. Lời chia buồn bị xóa sau khi Đức Giáo Hoàng qua đời đã tiết lộ căng thẳng giữa Israel và Vatican

Vài giờ sau khi thông báo về cái chết của Đức Thánh Cha Phanxicô, Bộ Ngoại giao Israel đã đăng một thông điệp ngắn trên X: “Xin hãy yên nghỉ, Đức Thánh Cha Phanxicô. Cầu mong ký ức về ngài là một phước lành.” Vài giờ sau, thông điệp này đã bị xóa mà không có lời giải thích.

Vào thời điểm toàn cầu đang tiếc thương sâu sắc về cái chết của Đức Phanxicô, quyết định xóa lời chia buồn này dường như phản ánh những căng thẳng đã nảy sinh giữa Israel và Vatican về việc Đức Phanxicô thường xuyên chỉ trích hành vi của Israel trong cuộc chiến ở Gaza. Tờ Washington Post đã yêu cầu giải thích nhưng Bộ Ngoại giao Israel từ chối bình luận về việc xóa bài đăng.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu thường nhanh chóng đưa ra tuyên bố về sự ra đi của những nhân vật quốc tế quan trọng. Nhưng ông đã im lặng về cái chết của Đức Giáo Hoàng, cũng như Ngoại trưởng Gideon Saar. Lời chia buồn chính thức duy nhất đến từ Tổng thống Israel, Isaac Herzog, người giữ vai trò chủ yếu mang tính nghi lễ và ca ngợi Đức Phanxicô là “một người có đức tin sâu sắc và lòng trắc ẩn vô bờ bến”.

Trong hầu hết nhiệm kỳ của Đức Phanxicô, mối quan hệ giữa Israel và Vatican liên tục được cải thiện - nổi bật nhất là chuyến thăm Thánh Địa vào năm 2014.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra với cuộc tấn công chết người của Hamas vào miền nam Israel vào ngày 7 tháng 10 năm 2023.

Trong khi bày tỏ sự cảm thông với các nạn nhân và con tin người Israel, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ám chỉ rằng các cuộc tấn công tiếp theo của Israel vào Gaza và Li Băng là “vô đạo đức” và không cân xứng. Ngài cũng kêu gọi một cuộc điều tra để xác định xem các cuộc tấn công của Israel vào Gaza có cấu thành tội diệt chủng hay không, một cáo buộc mà Israel phủ nhận trong khi các cuộc điều tra tại các tòa án cao cấp của Liên Hiệp Quốc vẫn đang được tiến hành.

Wadie Abunassar, nhà lãnh đạo một nhóm đại diện cho các Kitô hữu ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine, cho biết: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên án những gì đã xảy ra vào ngày 7 tháng 10, nhưng ngài cũng nói rõ rằng những gì đã xảy ra vào ngày 7 tháng 10 không thể biện minh cho những gì đã xảy ra kể từ ngày 7 tháng 10”.

Abunassar cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô giống như một người bạn luôn nói sự thật, ngay cả khi đó không phải là điều bạn muốn nghe.

Trong suốt cuộc chiến, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cân bằng một cách tinh tế giữa mối quan hệ chặt chẽ của mình với Israel và lên án những tổn thất tàn khốc ở Gaza, theo Amnon Ramon, một chuyên gia về Kitô giáo ở Israel và là một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu chính sách Giêrusalem. Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt thân thiết với linh mục giáo xứ địa phương của Gaza, người, giống như Đức Phanxicô, đến từ Á Căn Đình.

Lịch sử căng thẳng

Israel trong lịch sử có mối quan hệ mong manh với Vatican. Mối quan hệ này bắt nguồn từ sự tức giận về việc Vatican được cho là thiếu hành động trong Thế chiến II, khi những người chỉ trích cho rằng Đức Giáo Hoàng Piô 12 đã im lặng trong cuộc diệt chủng Holocaust mặc dù có thể biết về kế hoạch tiêu diệt người Do Thái của Đức Quốc xã. Những người ủng hộ khẳng định ngài đã sử dụng biện pháp ngoại giao thầm lặng để cứu mạng người Do Thái. Nhiều người Do Thái được Đức Giáo Hoàng Piô 12 giúp đỡ đã lên tiếng bênh vực ngài và cung cấp cho viện Yad Vashem những chứng tá quan trọng. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Israel và Tòa Thánh vẫn còn chủ yếu là vì tâm tình bài Kitô của các thành phần Do Thái Giáo cực đoan.

Vào những năm 1960, Vatican đã trải qua một loạt các thay đổi lớn, bao gồm, trong số những thay đổi khác, việc thay đổi thái độ của Giáo hội đối với người Do Thái về những gì từ lâu được coi là tội lỗi tập thể của họ đối với việc đóng đinh Chúa Giêsu, Ramon giải thích. Tòa thánh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel vào năm 1993.

Các tín hữu Kitô chiếm chưa đến 2% dân số Thánh Địa. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có khoảng 182.000 người ở Israel, 50.000 người ở Bờ Tây và 1.300 người ở Gaza.

Vào đầu triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, mối quan hệ với Israel đã nồng ấm đáng kể. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Thánh Địa vào năm 2014 như một trong những chuyến công du quốc tế đầu tiên của mình, khi ngài gặp Netanyahu, người lúc đó là thủ tướng. Tổng thống lúc bấy giờ là Shimon Peres đã đến thăm Vatican nhiều lần, bao gồm cả chuyến thăm cùng với Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas để trồng một cây hòa bình tại Vườn Vatican.

Nhưng sự chuyển hướng sang cánh hữu của chính phủ Israel và cuộc chiến đang diễn ra với Gaza đã làm căng thẳng mối quan hệ.

Đức Giáo Hoàng lên tiếng lo ngại về các con tin bị bắt giữ ở Gaza

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ quan điểm lần đầu tiên vào ngày 8 tháng 10, một ngày sau khi chiến tranh bắt đầu, và ngài vẫn theo đuổi đường lối đó cho đến cuối đời: chiến tranh là thất bại, không có chiến thắng nào cho chiến tranh”, Cha David Neuhaus, một linh mục địa phương từng là phát ngôn nhân trong chuyến thăm năm 2014 của Đức Giáo Hoàng, cho biết.

“Đức Thánh Cha bày tỏ mối quan tâm lớn đối với các con tin, nhưng nói rằng bạo lực nên chấm dứt và Israel đang sử dụng vũ lực để đạt được điều gì đó không thể đạt được bằng vũ lực”, Cha Neuhaus nói. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã gặp gia đình của các con tin bị giam giữ ở Gaza và người Palestine bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Associated Press vào tháng 4 năm 2023, nhà lãnh đạo Công Giáo tại Thánh Địa, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa cho biết chính phủ cực hữu của Netanyahu đã khiến cuộc sống của các Kitô hữu tại nơi khai sinh ra Kitô giáo trở nên tồi tệ hơn. Ngài lưu ý rằng các cuộc tấn công vào các địa điểm của Kitô giáo, người hành hương và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã gia tăng.

Mặc dù các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã tham dự tang lễ của Đức Phanxicô, Israel chỉ cử đại sứ cạnh Tòa Thánh, một nhà ngoại giao cấp thấp, tham dự.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Oren Marmorstein cho biết điều này một phần là do xung đột lịch trình và tang lễ diễn ra vào thứ Bảy, ngày Sabbath của người Do Thái, yêu cầu các chính trị gia Israel phải đi bộ đến tang lễ. Ông cho biết quyết định này không chỉ ra bất kỳ căng thẳng nào với Vatican.

“Israel sẽ được đại diện theo cách chính thức nhất trong tang lễ thông qua đại sứ của chúng tôi ở đó,” Marmorstein cho biết. “Có những điều chúng tôi không đồng ý, nhưng chúng tôi đang tham gia tang lễ.”

Đức Phanxicô nhấn mạnh lòng thương xót trong một thế giới phân cực

“Đức Thánh Cha Phanxicô là một trong những người bạn tốt nhất của Israel, nhưng giới lãnh đạo Israel đã không hiểu đúng về ngài”, Abunassar, điều phối viên của diễn đàn Kitô giáo Thánh Địa, cho biết. Abunassar, một người Công Giáo đến từ thành phố Haifa, miền bắc Israel, cho biết ông tức giận vì chính phủ Israel đã không gửi lời chia buồn chính thức ngoại trừ một lời chia buồn có tính cách cá nhân của tổng thống.

“Người đàn ông đó là người lãnh đạo của Giáo Hội quan trọng nhất thế giới. Người đàn ông đó là nguyên thủ quốc gia. Người đàn ông đó có những người theo ngài trong số những người đóng thuế Israel. Người đàn ông đó xứng đáng được tôn trọng.”

Netanyahu đã công khai bày tỏ lời chia buồn trước sự ra đi của các nhà lãnh đạo thế giới khác, bao gồm Nữ hoàng Elizabeth II và cựu tổng thống Jimmy Carter, người chỉ trích Israel.

Hôm thứ Tư, hàng trăm người đã đổ về Nhà thờ Mộ Thánh, được xây dựng trên địa điểm theo truyền thống là nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh, chôn cất và phục sinh, để tham dự thánh lễ cầu hồn đặc biệt nhằm tôn vinh Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cũng tham dự buổi lễ còn có nhiều đại diện của Chính thống giáo, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Đức Phanxicô đối với mối quan hệ liên tôn và cuộc gặp mang tính đột phá của ngài với Đức Thượng phụ Đại kết Constantinople Bácthôlômêô tại Giêrusalem vào năm 2014, sau nhiều thế kỷ quan hệ căng thẳng giữa hai giáo hội.

Cha Neuhaus cho biết ngài hy vọng Đức Giáo Hoàng tiếp theo sẽ thực hiện cùng thông điệp như Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Tôi hy vọng đó sẽ là người nhấn mạnh vào lòng thương xót, người có thể đưa tất cả chúng ta lại gần nhau hơn. Chúng ta đang sống trong một thế giới chia rẽ, phân cực.”


Source:Washington Post

5. Ứng viên Giáo Hoàng sáng giá nổi tiếng thông minh, trung thực, thẳng thắn và quyết đoán trong việc bảo vệ tín lý.

Đức Hồng Y Gerhard Müller sinh ngày 31 tháng 12 năm 1947 tại Mainz, Finthen, Đức. Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y vào ngày 22 tháng 2 năm 2014.

Là con trai của một công nhân ngành công nghiệp xe hơi, Đức Hồng Y Gerhard Müller lớn lên trong một gia tấn Công Giáo ngoan đạo. Ngài bắt đầu học tại Mainz và tiếp tục học triết học và thần học tại Munich và Freiburg im Breisgau.

Năm 1977, ngài lấy bằng tiến sĩ, sau khi viết luận án về sự đóng góp của Tin lành Dietrich Bonhoeffer cho thần học bí tích đại kết. Cố vấn luận án tiến sĩ của ngài là Giáo sư, sau này là Hồng Y, Karl Lehmann, một học trò của Karl Rahner. Năm sau, năm 1978, ngài được thụ phong linh mục và bắt đầu giảng dạy tại các trường trung học trong khi phục vụ ba giáo xứ trong Giáo phận Mainz. Sự nghiệp học thuật của ngài tiếp tục vào năm 1985, khi ngài trở thành giáo sư tại Freiburg im Breisgau; năm sau, cha Müller đảm nhiệm chức chủ tịch thần học tín lý tại Đại học Ludwig Maximilian ở Munich. Trong mười sáu năm tiếp theo, cha Müller giảng dạy tại Munich cũng như tại nhiều trường đại học khác, trong khi hỗ trợ một giáo xứ địa phương. Từ năm 1998 đến năm 2003, ngài là thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế.

Năm 2002, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục Regensburg — giáo phận mà Đức Joseph Ratzinger từng giảng dạy — Đức Cha Müller bắt đầu công tác tông đồ của mình tại đó vào năm 2003. Trong thời gian làm giám mục, ngài đã tham gia vào nhiều công tác phát triển giáo phận trong khi phục vụ tại nhiều bộ và hội đồng khác nhau tại Tòa thánh. Năm 2012, Đức Cha Müller đã định cư tại Rôma khi Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm ngài làm tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, điều này có nghĩa là theo chức vụ, ngài cũng là chủ tịch của Ủy ban Kinh thánh Giáo Hoàng, Ủy ban Thần học Quốc tế và Ủy ban Giáo Hoàng Ecclesia Dei. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong cho Đức Cha Müller chức Hồng Y-phó tế vào năm 2014 nhưng đã từ chối gia hạn nhiệm kỳ năm năm của ngài với tư cách là nhà lãnh đạo CDF vào năm 2017. Kể từ khi rời CDF, Đức Hồng Y Müller đã đạt được vị thế công khai và nổi bật hơn nữa, tiếp tục xuất bản các tác phẩm của mình bằng nhiều ngôn ngữ và mở rộng hoạt động tông đồ của mình trên toàn cầu qua các buổi hội thảo và các bài thuyết trình thu hút một lượng lớn người theo dõi.

Thông minh và trung thực, Hồng Y Gerhard Müller là một nhà lãnh đạo quyết đoán và thực tế, người sẽ hành động dũng cảm khi cần thiết. Được kính trọng như một nhà thần học, ngài không phải lúc nào cũng bảo thủ như vẻ bề ngoài của mình, và bản thân ngài không thích nhãn hiệu đó, thích coi mình đơn giản là “Công Giáo chính thống”. Được hình thành dưới sự giám hộ của các nhà thần học Đức theo chủ nghĩa tự do như cựu giám mục của đất nước, Hồng Y Karl Lehmann, Đức Hồng Y Müller đã thăng tiến qua các cấp bậc của Giáo hội với sự hỗ trợ của Bênêđíctô XVI để đạt được một trong những vị trí cao nhất của Giáo hội — tổng trưởng CDF — trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô quyết định không gia hạn nhiệm kỳ của ngài.

Mặc dù phụng vụ không phải là ưu tiên của ngài, nhưng ngài coi giáo lý, phụng vụ và việc chăm sóc mục vụ có tầm quan trọng như nhau, và ngài đã khuyến khích lòng sùng kính Thánh Thể theo nhiều cách.

Ngài đã đấu tranh để hành động mạch lạc trong những năm đầu của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục nhưng đã thẳng thắn về vấn đề này kể từ đó, và với tư cách là giám mục của Regensburg, ngài đã hành động kiên quyết và dứt khoát với các nhóm bất đồng chính kiến.

Nhìn chung, ngài giữ lập trường truyền thống, phản đối mạnh mẽ chức phó tế nữ và chống lại những thay đổi đối với chế độ độc thân của linh mục trong Nghi lễ La tinh, mặc dù ngài đã từng ủng hộ các ngoại lệ vào cuối những năm 1980 như trường hợp các linh mục Anh Giáo đã có gia đình trở lại với Giáo Hội Công Giáo. Nhiệt thành ủng hộ các giáo lý của Công đồng Vatican II và khá hiện đại trong quan điểm của mình, ngài đã có lập trường cứng rắn chống lại Huynh Đoàn Thánh Piô X. Tuy nhiên, ngài đã trở nên gần gũi hơn với Truyền thống trong những năm gần đây và là người chỉ trích gay gắt Thượng hội đồng về tính đồng nghị, Tiến Trình Công Nghị Đức và những gì ngài coi là sự xa rời khỏi giáo lý đã được thiết lập của Giáo hội. Ngài cũng chỉ trích những hạn chế đối với Thánh lễ La tinh Truyền thống.

Với tư tưởng độc lập, Gerhard Müller đã chỉ trích chủ nghĩa toàn cầu, “Chương trình nghị sự 2030” và những người ủng hộ mà ngài gọi là “giới tinh hoa quyền lực mạnh mẽ”.

Trong Giáo hội, ngài được coi là một người bạn và cộng sự trung thành sâu sắc, người đã cố gắng tránh chỉ trích trực tiếp Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mặc dù ngài có nhiều câu hỏi về triều Giáo Hoàng này, mà những lỗi lầm mà ngài chủ yếu đổ lỗi cho các cận thần của Đức Phanxicô. Đức Phanxicô dường như đánh giá cao lòng trung thành của Đức Hồng Y Müller và đã trao cho ngài nhiều chức vụ nhỏ khác nhau kể từ khi cách chức ngài khỏi chức vụ tổng trưởng CDF vào năm 2017.

Theo một cộng sự viên của ngài, dh Müller là một nhà môi giới trung thực, hiểu biết, đọc nhiều và “không hề có chút gì xấu xa”, không sợ lãnh đạo và không ngại đưa ra những quyết định khó khăn.

Ngoài tiếng Đức bản xứ, Đức Hồng Y Müller còn nói lưu loát tiếng Ý, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Một số lập trường nổi bật của ngài:

Đức Hồng Y Muller luôn tuyên bố một cách rõ ràng rằng việc phong chức linh mục hoặc phó tế cho phụ nữ là điều không thể.

Đức Hồng Y Müller đã chỉ trích và phản đối mạnh mẽ Tuyên ngôn Fiducia Supplicans. Vài tháng trước khi tài liệu này được công bố; khi bình luận về các phước lành đồng tính được phép trong Tiến Trình Công Nghị Đức, Đức Hồng Y Müller nói rằng những phước lành như vậy là một “sự báng bổ”.

Đức Hồng Y Müller đã kiên quyết bảo vệ luật độc thân linh mục như một truyền thống quan trọng trong Giáo Hội Công Giáo.

Đức Hồng Y Müller đã chỉ trích Tự Sắc Traditionis Custodes và kể từ khi công bố tự sắc này, ngài đã cử hành Thánh lễ truyền thống và truyền chức linh mục theo vetus ordo.

Đức Hồng Y Müller đã chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận Vatican - Bắc Kinh và bày tỏ sự thất vọng trước sự im lặng của Vatican về các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc và việc Vatican không ủng hộ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân trong phiên tòa xét xử ngài ở Hương Cảng.

Đức Hồng Y Müller đã chỉ trích rất gay gắt cả Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị và Tiến Trình Công Nghị Đức.