1. 7 chi tiết độc đáo về Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng hiện nay

Christine Rousselle của tờ Aleteia liệt kê bảy sự kiện cần biết về các cử tri năm nay khi các ngài chuẩn bị bầu Vị Giáo Hoàng mới.

Thứ nhất, đây là Cơ Mật Viện lớn nhất từ trước đến nay.

Có 133 Hồng Y cử tri sẽ tham gia Cơ Mật Viện năm nay, trong tổng số 135 Hồng Y đủ điều kiện.

Hai vị sẽ không tham dự Cơ Mật Viện là Hồng Y Antonio Cañizares, Tổng giám mục hưu trí của Valencia, Tây Ban Nha, và Hồng Y John Njue, Tổng giám mục hưu trí của Nairobi, Kenya.

Về mặt lý thuyết, số lượng Hồng Y bỏ phiếu bị giới hạn ở mức 120, nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, giống như những vị tiền nhiệm của ngài, đã sử dụng con số đó làm mục tiêu chung, không phải là giới hạn nghiêm ngặt.

Khi các cử tri bước sang tuổi 80 hoặc các Hồng Y qua đời, số lượng sẽ tự nhiên giảm dần giữa các công nghị. Có 115 cử tri trong Cơ Mật Viện năm 2013

Điều này đặt ra một câu hỏi khác: Làm thế nào để tất cả các ngài có thể chen chân vào Nhà nguyện Sistine?

115 vị đã bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện năm 2013.

133 vị sẽ bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện năm 2025.

Người ta sẽ phải kéo dài những chiếc bàn đó, hoặc ép những chiếc ghế đó lại, để có thêm 18 chỗ ngồi.

Thứ hai, Hồng Y cử tri trẻ tuổi nhất sinh năm 1980.

Vị trẻ tuổi nhất trong Cơ Mật Viện năm nay là Hồng Y Mykola Bychok, 45 tuổi. Đức Hồng Y Bychok là một Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương tại Úc Đại Lợi. Ngài bước sang tuổi 45 vào ngày 13 tháng 2, hai tháng và một tuần sau khi được vinh thăng Hồng Y.

Mặc dù Bychok là Hồng Y trẻ tuổi nhất, nhưng ngài không phải là Hồng Y trẻ tuổi nhất từng tham gia Cơ Mật Viện. Người ta tin rằng vinh dự đó thuộc về Hồng Y Alfonso Gesualdo di Conza, người chỉ mới 25 tuổi trong Cơ Mật Viện kéo dài từ 1565 đến 1566.

Đức Giáo Hoàng trẻ tuổi nhất được cho là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ Chín, người khoảng 20 tuổi khi được bầu làm Giáo Hoàng vào năm 1032.

Thứ ba, vị lớn tuổi nhất suýt chút nữa không được vào

Hồng Y cử tri lớn tuổi nhất là Hồng Y Carlos Osoro Sierra, Tổng giám mục hưu trí của Madrid.

Ngài 79 tuổi và sẽ bước sang tuổi 80 vào ngày 16 tháng 5 năm 2025.

Nếu ngài sinh ra sớm hơn một tháng, ngài sẽ quá già để vào Cơ Mật Viện. Điều kiện đủ tư cách của Hồng Y dựa trên độ tuổi của họ tại thời điểm Đức Giáo Hoàng qua đời.

Thứ tư, các Hồng Y cử tri đến từ sáu châu lục

133 Hồng Y cử tri đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng hơn một phần ba đến từ Âu Châu.

Có:

52 Hồng Y đủ tuổi bỏ phiếu từ Âu Châu,

23 từ Á Châu,

20 từ Bắc Mỹ,

17 từ Nam Mỹ,

17 từ Phi Châu và

4 từ Châu Đại Dương.

Mặc dù có một số ít nhà thờ Công Giáo ở Nam Cực, nhưng lục địa này nằm dưới quyền quản lý của một số giáo phận khác nhau và không có giám mục chính thức nào ở Nam Cực.

Thứ năm, Ý có nhiều Hồng Y nhất

Ý có nhiều Hồng Y cử tri nhất trong số các quốc gia, với 17 vị. Con số này không bao gồm Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ La tinh của Giêrusalem, hoặc Hồng Y Giorgio Marengo, giám quản tông tòa của Ulaanbaatar, Mông Cổ, cả hai đều sinh ra và lớn lên ở Ý. Nếu tính chung cả hai vị này, Ý có 19 Hồng Y cử tri.

Hoa Kỳ có số lượng cao thứ hai, ở mức 10, tiếp theo là Brazil với 7.

Ấn Độ và Phi Luật Tân có nhiều Hồng Y cử tri nhất trong số các quốc gia Á Châu, với bốn người, và các Hồng Y của Phi Châu và Châu Đại Dương đều đến từ các quốc gia khác nhau.

Thứ sáu, có năm Hồng Y đã dự Cơ Mật Viện lần này là lần thứ ba

Trong khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm khoảng 80% số Hồng Y cử tri cho Cơ Mật Viện năm nay và các ngài hoàn toàn mới với tiến trình này, năm Hồng Y đang thực hiện chuyến đi thứ ba đến Vatican để bỏ phiếu cho người kế nhiệm Thánh Phêrô.

Các vị này là:

Đức Hồng Y Vinko Puljić, Tổng giám mục hưu trí của Vrhbosna, Bosnia và Herzegovina

Đức Hồng Y Josip Bozanić, Tổng giám mục hưu trí của Zagreb, Croatia

Đức Hồng Y Philippe Barbarin, Tổng giám mục hưu trí của Lyon, Pháp

Đức Hồng Y Peter Turkson, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Đức Giáo Hoàng và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Đức Giáo Hoàng

Đức Hồng Y Péter Erdő, Tổng giám mục Esztergom–Budapest, Hung Gia Lợi

Sự kiện đáng lưu ý: Các Đức Hồng Y Bozanić, Barbarin, Turkson và Erdő đều được nâng lên hàng Hồng Y trong cùng một công nghị vào năm 2003.

Thứ bẩy, có 18 dòng tu được đại diện trong Hồng Y đoàn

Tổng cộng có 33 Hồng Y là thành viên của các dòng tu, chiếm gần 25% số Hồng Y cử tri.

Dòng Salêdiêng có nhiều nhất, năm vị, tiếp theo là bốn thành viên của Dòng Anh Em Hèn Mọn và Dòng Tên. Có ba tu sĩ Phanxicô Viện Tu, và hai tu sĩ Đaminh, Lazarist, Dòng Chúa Cứu Thế, và hai thành viên của Dòng Ngôi Lời

Dòng Augustinô, Dòng Capuchin, Dòng Cát Minh Nhặt Phép, Dòng Xitô, Dòng Piô X, Các nhà truyền giáo Consolata, các nhà truyền giáo của Thánh Tâm Chúa Giêsu, các nhà truyền giáo Scalabrinians và Spiritans mỗi dòng đều có một Hồng Y bỏ phiếu.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trở thành tu sĩ Dòng Tên đầu tiên được bầu làm Giáo Hoàng vào năm 2013.

2. Các Hồng Y lắng nghe báo cáo về tình hình tài chính của Vatican, thảo luận về tình trạng phân cực trong Giáo Hội, và tính đồng nghị

Các thành viên của Hồng Y đoàn đã họp phiên họp chung thứ bảy kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời. Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết 181 trong số 252 thành viên của Hồng Y đoàn—bao gồm 124 trong số 133 Hồng Y cử tri—đã tham dự.

Buổi họp kéo dài trong ba tiếng rưỡi, bắt đầu bằng lời cầu nguyện lúc 9:00 sáng và kết thúc bằng việc đọc kinh Regina Caeli hay kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng lúc 12:30.

Theo tờ Quan Sát Viên Rôma, phần đầu tiên của cuộc họp được dành cho các báo cáo tài chính:

Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich, điều phối viên Hội đồng Kinh tế, “đã trình bày cập nhật tổng quan về những thách thức hiện tại và các vấn đề quan trọng, đưa ra các đề xuất hướng tới tính bền vững và nhắc lại tầm quan trọng của các cơ cấu kinh tế tiếp tục hỗ trợ sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng một cách ổn định”.

Đức Hồng Y Nhiếp Chính Kevin Farrell đã thảo luận về ủy ban đầu tư mà ngài lãnh đạo.

Đức Hồng Y Christoph Schönborn, chủ tịch Ủy ban Hồng Y giám sát Viện Giáo Vụ, gọi tắt là IOR, đã phát biểu về IOR, thường được gọi là “ngân hàng Vatican”.

Đức Hồng Y Fernando Vérgez Alzaga, nguyên Thống đốc Thành quốc Vatican, đã thảo luận về “một số chi tiết liên quan đến công việc quản trị, đồng thời nói về công việc cải tạo liên quan đến các tòa nhà và sự hỗ trợ dành cho Tòa thánh.”

Đức Hồng Y Konrad Krajewski đã nói về công việc của Thánh bộ Phục vụ Bác ái, nơi ngài là bộ trưởng.

Sau đó, tờ Quan Sát Viên Rôma đã tóm tắt 14 bài phát biểu ngắn hoặc bài phát biểu can thiệp của các thành viên trong Hồng Y đoàn:

Một suy tư về giáo hội học của dân Chúa đã được nêu bật, đặc biệt là về nỗi đau khổ do sự phân cực trong Giáo hội và sự chia rẽ trong xã hội gây ra. Giá trị của tính đồng nghị, được trải nghiệm trong mối liên hệ chặt chẽ với tính đồng đoàn giám mục, như một biểu hiện của sự đồng trách nhiệm khác biệt, đã được nhắc lại nhiều lần.

Vấn đề ơn gọi linh mục và tu sĩ đã được đề cập trong nhiều dịp khác nhau, được xem xét liên quan đến việc đổi mới tinh thần và mục vụ của Giáo hội. Một số can thiệp đã đề cập rõ ràng đến các văn kiện của Công đồng Vatican II, đặc biệt là các Hiến chế Lumen Gentium và Gaudium et Spes.

Vấn đề truyền giáo được thảo luận, nhấn mạnh đến sự gắn kết cần thiết giữa việc công bố Phúc Âm và chứng tá cụ thể của đời sống Kitô hữu.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết cho đến nay có một số Hồng Y cử tri vẫn chưa đến và không có thông dịch viên nào được mong đợi có mặt tại Nhà nguyện Sistina trong suốt cuộc họp kín. Sau đó, ông cũng đã đề cập đến tình hình của Hồng Y Vinko Puljić. Theo lời khuyên của các bác sĩ, ngài có thể phải bỏ phiếu từ nhà trọ Santa Marta thay vì đích thân hiện diện tại nhà trọ Santa Marta.

3. Bắc Kinh can thiệp vào Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng

Trong khi Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới thương tiếc Đức Thánh Cha Phanxicô và hướng đến các Hồng Y đã đến Rôma để tham dự Cơ Mật Viện bầu Tân Giáo Hoàng, thì các cơ quan của Công Giáo do nhà nước chi phối tại Trung Quốc lại thúc đẩy ý tưởng rằng mọi thứ phải tiếp tục như thể chưa có chuyện gì xảy ra.

Các nguồn tin cho AsiaNews biết rằng tại Thượng Hải, các linh mục cùng một số đại diện của các nữ tu và giáo dân đã được triệu tập để phê chuẩn việc lựa chọn một Giám Mục Phụ Tá mới, diễn ra vào ngày 30 Tháng Tư. Cha Ngô Kiến Lâm (Wu Jianlin, 吴建林) tổng đại diện hiện tại, đã được chọn với chỉ một số ít phiếu chống. Điều tương tự cũng xảy ra vào hôm nay tại Giáo phận Tân Hương (Xinxiang, 新乡), tỉnh Hà Nam với chỉ một ứng cử viên, linh mục Lý Kiến Lâm (Li Janlin, 李建林).

Phương pháp này đã được sử dụng bất chấp thỏa thuận với Tòa thánh về việc bổ nhiệm giám mục.

Dưới danh nghĩa “quyền tự chủ” của Giáo hội tại Trung Quốc, một điểm mà chính quyền nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn quyết định tiến hành, khẳng định rằng khoảnh khắc đặc biệt trong lịch sử của Giáo hội hoàn vũ, khi Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng, không liên quan đến người Công Giáo tại Cộng hòa Nhân dân.

Giám mục Thẩm Bân của Thượng Hải, người được Đảng Cộng sản Trung Quốc chọn để lãnh đạo cộng đồng Công Giáo địa phương, mà không hề hỏi ý kiến Tòa Thánh, cho biết ông muốn có một Giám Mục Phụ Tá hỗ trợ ông trong chức vụ mục vụ của mình, bao gồm cả chức vụ chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Quốc, là cơ quan không được Tòa thánh công nhận.

Vấn đề là Giáo phận Thượng Hải đã có hai Giám Mục Phụ Tá, đó là Đức Cha Giuse Hình Văn Chi (Xing Wenzhi, 邢文智)62 tuổi, được tấn phong năm 2005 nhưng đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc gạt sang một bên vào năm 2011, và trên hết là Đức Cha Tađêô Mã Đạt Thanh (Ma Daqin, 马达钦) 57 tuổi, vị giám mục đã có động thái chưa từng có là từ chức khỏi Hiệp hội Yêu nước trong lễ tấn phong giám mục của mình vào ngày 7 tháng 7 năm 2012, một động thái khiến ngài hiện đang bị cô lập tại chủng viện Xà Sơn.

Vào tháng 7 năm 2023 - ba tháng sau động thái của Bắc Kinh - Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã miễn cưỡng phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm Bân tại Thượng Hải “vì lợi ích của giáo phận” sau đó, một số người bày tỏ hy vọng rằng Đức Cha Tađêô Mã Đạt Thanh sẽ có thể thực hiện chức thánh của mình, ít nhất là với tư cách là Giám Mục Phụ Tá, đặc biệt là vì ngài đã công khai xin lỗi Đảng Cộng sản Trung Quốc cho cử chỉ của mình vào năm 2016.

Việc bầu Cha Ngô Kiến Lâm cho thấy rõ ràng rằng Bắc Kinh không có ý định cho phép điều đó. Giám Mục Phụ Tá mới là linh mục đã lãnh đạo giáo phận Thượng Hải từ năm 2013 đến năm 2023 và đã là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc trong nhiều năm.

Không kém phần khó khăn đối với Tòa thánh là cuộc bầu cử giám mục mới của Tân Hương. Trên thực tế, đây là giáo phận này ở Hà Nam đang có một giám mục, là Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱) 67 tuổi, người đã được thụ phong bí mật vào năm 1991 và bị bắt nhiều lần trong những năm gần đây chỉ vì thực hiện chức thánh của mình.

Trong trường hợp này, ứng cử viên duy nhất cho chức giám mục là một người trung thành với đảng. Năm 2018, linh mục Lý Kiến Lâm là một trong những người ký thông tư cấm trẻ vị thành niên tham dự các Thánh lễ ở tỉnh Hà Nam.

Hai cuộc bầu cử này là phép thử của chính quyền Trung Quốc đối với người kế nhiệm Thánh Phêrô, sẽ được bầu tại Cơ Mật Viện khai mạc vào ngày 7 tháng 5.

Đức Giáo Hoàng mới sẽ phải quyết định nên làm gì không chỉ về mối quan hệ chung với Trung Quốc mà còn về hai sự kiện cụ thể này.

Sự việc này xảy ra sau khi không có giám mục nào từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến Vatican dự tang lễ của Đức Thánh Cha Phanxicô, không giống như những gì đã xảy ra tại các Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Trong khi đó, tuyên bố chia buồn ngắn gọn do Hiệp hội Yêu nước đăng tải về sự ra đi của Đức Thánh Cha Phanxicô đã bị gỡ khỏi trang chủ sau bốn ngày, thay thế bằng những tin tức có vẻ cấp bách hơn, như cuộc họp tại tỉnh An Huy giữa những người Công Giáo và Đảng ủy và bản trình bày về kế hoạch 5 năm nhằm Hán hóa Công Giáo tại tỉnh Hồ Bắc.

Tại Giáo phận Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang), cuộc đàn áp vẫn tiếp diễn. Trước lễ Phục sinh, Asia News đã đưa tin về vụ bắt giữ thường xuyên của Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, vụ việc này đã tiếp tục kéo dài sau khi Đức Giáo Hoàng qua đời, theo các báo cáo mới nhất gửi cho AsiaNews từ các nguồn tin địa phương.

Người ta không biết gì về số phận của vị giám mục sau khi ngài bị bắt vào ngày 10 tháng 4 để ngăn ông cử hành các nghi lễ Tuần Thánh trước công chúng.

Ở Ôn Châu, cảnh sát thậm chí còn ngăn cản các linh mục “được ghi danh chính thức” cử hành Thánh lễ tưởng nhớ Đức Thánh Cha Phanxicô.

Thỏa thuận về việc bổ nhiệm Giám Mục giữa Vatican và Bắc Kinh, mà Đức Hồng Y Pietro Parolin là kiến trúc sư trưởng, đã thu hút sự chỉ trích rộng rãi, không chỉ từ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục danh dự của Hương Cảng, và những người Công Giáo Trung Quốc bình thường cam kết trung thành với Rôma, mà còn từ những người Công Giáo nổi tiếng ở Âu Châu và Hoa Kỳ, những người cáo buộc Giáo hội đã bán mình cho Trung Quốc Cộng sản và gây ra hậu quả tàn khốc. Không nao núng, Đức Hồng Y Parolin đã kêu gọi sự kiên nhẫn và không khuất phục trước sự phẫn nộ của công chúng về vấn đề này.

Nhiều người cho rằng quyết định tấn phong Giám Mục trái phép của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những ngày này sẽ khơi lại cuộc tranh luận và sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của các Hồng Y đang tham dự Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng. Theo nghĩa đó, Trung Quốc đang can thiệp vào Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng.

Ngay trước phiên họp đầu tiên của Đại Hội Đồng, Đức Hồng Y Pietro Parolin cũng đã phải chịu một sự soi mói đánh kể khi Hồng Y Becciu, phụ tá của ngài, đưa ra các tuyên bố gây tranh cãi, khơi lại những nghi ngờ về vai trò của Đức Hồng Y Parolin trong vụ mua bán nhà tại Luân Đôn.

Những diễn biến dồn dập như thế chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng ngài được bầu làm Giáo Hoàng.


Source:Asia News

4. 2 Hồng Y cử tri từ Tây Ban Nha và Kenya sẽ không tham dự Cơ Mật Viện sắp tới

Matteo Bruni, giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, đã tuyên bố rằng hai Hồng Y cử tri sẽ không tham gia Cơ Mật Viện vì lý do sức khỏe. Ông từ chối nêu tên hai vị Hồng Y, nại đến nhu cầu phải tôn trọng tính chất riêng tư của Hồng Y Đoàn.

Tuy nhiên, cuối cùng người ta cũng biết danh tính hai vị Hồng Y không thể tham dự Cơ Mật Viện vì lý do sức khoẻ.

Tổng giáo phận của Hồng Y người Tây Ban Nha Antonio Cañizares; và Tổng giáo phận của Hồng Y người Kenya John Njue đã xác nhận hai vị Hồng Y này sẽ không tham gia Cơ Mật Viện sắp tới để bầu người kế nhiệm Đức Thánh Cha Phanxicô.

Tổng giáo phận Valencia nói với ACI Prensa, rằng Đức Hồng Y Cañizares “sẽ không đến Rôma vì lý do sức khỏe”.

Trong khi đó, các nguồn tin từ Tổng giáo phận Nairobi đã xác nhận với ACI Africa, rằng vì lý do sức khỏe, vị Hồng Y người Phi Châu sẽ không đến Rôma để bầu Đức Giáo Hoàng tiếp theo của Giáo hội.

Sinh năm 1945, Đức Hồng Y Cañizares được thụ phong linh mục vào năm 1970 tại Tổng giáo phận Valencia. Vị giám mục người Tây Ban Nha này đã là tổng giám mục danh dự của Tổng giáo phận Valencia kể từ năm 2022, sau khi phục vụ với tư cách là tổng giám mục tại đó từ năm 2014 đến năm 2022.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã bổ nhiệm Cha Cañizares làm giám mục của Ávila vào năm 1992, nơi ngài giữ chức cho đến khi được bổ nhiệm đến Tổng giáo phận Granada vào năm 1996. Năm 2002, ngài được chuyển đến Tổng giáo phận Toledo của Tây Ban Nha.

Giám mục Cañizares được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 tấn phong Hồng Y trong công nghị Hồng Y tháng 3 năm 2006. Từ năm 2008 đến năm 2014, ngài giữ chức vụ Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích của Vatican từ năm 2008 đến năm 2014 trước khi trở về Tây Ban Nha.

Đức Hồng Y Njue, 79 tuổi, là vị giám mục Kenya thứ hai được nâng lên hàng Hồng Y. Được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục phong chức linh mục vào năm 1973 tại Đền Thờ Thánh Phêrô cho Giáo phận Meru của Kenya, Cha Njue sau đó đã được tấn phong giám mục vào năm 1986 — ở tuổi 40 — sau khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị bổ nhiệm ngài làm giám mục đầu tiên của Giáo phận Embu, nơi ngài ở lại cho đến năm 2002.

Trước khi được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 tấn phong Hồng Y vào năm 2007, Đức Cha Njue đã phục vụ Giáo hội Kenya với tư cách là tổng giám mục phó của Nyeri và giám quản tông tòa của Isiolo.

Vị giám mục người Phi Châu này cũng đã đảm nhiệm hai nhiệm kỳ làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Kenya từ năm 1997 đến năm 2003 và từ năm 2006 đến năm 2015.

Tòa thánh gần đây đã cập nhật ngày sinh của Đức Hồng Y Njue trong Niên giám Tòa Thánh mới nhất là ngày 1 Tháng Giêng năm 1946, có nghĩa là vị tổng giám mục danh dự này có quyền bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện Đức Giáo Hoàng cho đến ngày 1 Tháng Giêng năm 2026. Hiện ngài là thành viên của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Với sự vắng mặt của Cañizares và Njue trong Cơ Mật Viện sắp tới, tổng cộng có 133 Hồng Y đủ điều kiện bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện.

Giáo hội cần ít nhất 89 phiếu bầu, tức là đa số hai phần ba, để bầu ra Đức Giáo Hoàng mới và người kế nhiệm Đức Thánh Cha Phanxicô để lãnh đạo 1,4 tỷ người Công Giáo trên toàn thế giới.


Source:National Catholic Register

5. Tiến Sĩ George Weigel: Người kế nhiệm... của ai?

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Successor... to Whom?”, nghĩa là “Người kế nhiệm... của ai?”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Trong những ngày đầu thảo luận tại các Đại hội đồng chuẩn bị cho Cơ Mật Viện sẽ bắt đầu vào ngày 7 tháng 5, một số tường thuật đã nói rằng nhiệm vụ của Cơ Mật Viện là tìm ra “người kế nhiệm Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

Điều đó là đúng, xét về mặt thời gian. Nhưng không đúng về mặt thần học.

Nhiệm vụ của Cơ Mật Viện Hồng Y 2025 không phải là tìm người kế vị Đức Phanxicô mà là người kế vị Thánh Phêrô.

Cơ Mật Viện 2013 không có nhiệm vụ tìm kiếm “người kế nhiệm Đức Bênêđíctô XVI”, không tìm một Đức Bênêđíctô 2.0. Cơ Mật Viện 2005 cũng không có trách nhiệm tìm kiếm “người kế nhiệm Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị” hay Đức Gioan Phaolô 2.0. Nhiệm vụ của mỗi Cơ Mật Viện là tìm người tiếp tục sứ vụ Thánh Phêrô, chứ không phải tìm người sẽ sao chép tốt nhất triều Giáo Hoàng vừa kết thúc.

Trong cuốn sách nhỏ của tôi có tên “The Next Pope: The Office of Peter and a Church in Mission” hay “Vị Giáo Hoàng tiếp theo: Sứ vụ Phêrô và một Giáo Hoàng Truyền Giáo”, tôi đã mô tả những gì có vẻ là một số khía cạnh quan trọng của Sứ vụ Phêrô:

Giống như mọi thứ khác trong Giáo hội, Sứ vụ Phêrô —chức vụ duy nhất do Giám mục Rôma thực hiện—phục vụ cho Phúc âm và công bố Phúc âm. Trong Thánh lễ trước công chúng khai mạc Sứ vụ Phêrô của mình vào năm 1978, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra một bài học đáng nhớ về chân lý cổ xưa này. Tiếng vang của nó vẫn tiếp tục vang vọng khắp các vùng đất sống động của Công Giáo thế giới.

Vào ngày 22 tháng 10 năm 1978, Giáo hội vẫn còn bàng hoàng trước cái chết bất ngờ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I sau chỉ mới ba mươi ba ngày tại vị. Nói nhẹ ngàng nhất là thế giới hoài nghi về khả năng lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng. Giáo triều Rôma đã bị choáng váng bởi cuộc bầu cử của Vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải người Ý sau 455 năm. Tuy nhiên, vào cuối Thánh lễ của Đức Giáo Hoàng ngày hôm đó, thế giới, Giáo hội và Giáo triều biết rằng có điều gì đó đã thay đổi và đã thay đổi một cách ngoạn mục. Nhà báo người Pháp André Frossard đã nắm bắt được tính chất của khoảnh khắc đó khi ông tường trình cho tờ báo có trụ sở tại Paris của mình rằng “Đây không phải là một Giáo Hoàng đến từ Ba Lan; đây là một Giáo Hoàng đến từ Galilê.”

Đức Gioan Phaolô II đã làm gì trong suốt ba giờ đồng hồ?

Ngài đã thể hiện sức mạnh của Phúc âm trong chính cuộc đời mình, khẳng định không chút do dự rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa, là Đấng duy nhất biết và thỏa mãn những khát vọng sâu xa nhất của trái tim con người. Vì vậy, những lời đầu tiên trong bài giảng của ngài, được truyền đạt ngoài trời trước đám đông lớn tại Quảng trường Thánh Phêrô và trước hàng triệu người trên truyền hình, là sự lặp lại táo bạo lời tuyên xưng đức tin của Simon Phêrô tại Cêsarê Philippê: “Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!” (Mt 16:16) Ngài nói rằng đó là lời tuyên xưng đức tin được Chúa soi dẫn mà từ đó Sứ vụ Phêrô ra đời.

Ngài tuyên bố sức mạnh của Phúc âm để mặc khải cả khuôn mặt của Thiên Chúa Cha nhân từ và sự vĩ đại của nhân loại chúng ta. Vì Chúa Kitô đã đưa nhân loại đến gần “mầu nhiệm của Thiên Chúa hằng sống” ngay cả khi Chúa Kitô đã cho chúng ta thấy “chân lý tối hậu và dứt khoát” về chính chúng ta. Và đó là điều mà Giáo hội phải đề xuất với thế giới: “Xin hãy lắng nghe một lần nữa,” ngài yêu cầu.

Ngài giải thích sức mạnh của Phúc âm bằng cách nhắc nhở Giáo hội và thế giới rằng Phúc âm là sức mạnh duy nhất mà Giáo hội sở hữu, và rằng “mầu nhiệm thập giá và sự phục sinh” là sức mạnh duy nhất mà Giáo hội nên mong muốn: “sức mạnh tuyệt đối nhưng ngọt ngào và dịu dàng của Chúa”, một sức mạnh “đáp ứng toàn bộ chiều sâu của con người....”

Ngài thể hiện sức mạnh của Phúc âm bằng cách nhắc nhở Giáo hội rằng sự lãnh đạo Công Giáo là sự lãnh đạo phục vụ theo ý muốn của Chúa Kitô. Đó là điều Chúa Kitô đã dạy các tông đồ khi rửa chân cho họ trong Bữa Tiệc Ly, và đó là điều Chúa Kitô đang dạy các giám mục và Đức Giáo Hoàng ngày nay. Và vì vậy, ngài đã cầu nguyện trước thế giới và Giáo hội, “Lạy Chúa, xin hãy biến con trở thành và vẫn là người tôi tớ của quyền năng độc nhất của Người, người tôi tớ của quyền năng ngọt ngào của Người, người tôi tớ cho quyền năng của Người không biết đến hoàng hôn. Hãy biến con thành người tôi tớ. Thật vậy, người tôi tớ của những người tôi tớ của Người.”

Ngài thách thức thế giới trải nghiệm sức mạnh của Phúc âm, và khi làm như vậy, hãy giải thoát bản thân khỏi nỗi sợ hãi đã đóng chặt trái tim và tâm trí lại với Chúa: “Đừng sợ! Đừng sợ chào đón Chúa Kitô và chấp nhận quyền năng của Người. Và với quyền năng của Chúa Kitô xin giúp con và tất cả những ai muốn phục vụ Chúa Kitô biết phục vụ con người và toàn thể nhân loại. Đừng sợ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô. Đối với quyền năng cứu rỗi của Người, hãy mở ra ranh giới của các quốc gia, hệ thống kinh tế và chính trị, các lĩnh vực rộng lớn của văn hóa, văn minh và phát triển. Đừng sợ.”

Hai thập niên sau, khi bế mạc Đại lễ mừng năm 2000, “Đức Giáo Hoàng từ Galilê” đó đã thúc giục Giáo hội “ra khơi” trong công cuộc Tân Phúc âm hóa. Mệnh lệnh này từ người kế nhiệm thứ 263 của Phêrô đã được ngầm hiểu trong bài giảng đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II. Bằng cách lấy lại một kinh nghiệm của Galilê, bài giảng đã đặt ra khuôn mẫu cho sứ mệnh của Giáo hội trong thế kỷ XXI và thiên niên kỷ thứ ba....

Giáo luật 1404 trong bộ luật của Giáo hội nêu rõ rằng “Tòa đầu tiên không thể bị ai xét xử”. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng, Giám mục của Rôma, người lãnh đạo Tòa đầu tiên với tư cách là Người kế vị Thánh Phêrô, không đứng trên Phúc âm hay Giáo hội. Sứ vụ của Thánh Phêrô trong Giáo hội cũng không thể được hiểu theo cách tương tự như một sa hoàng hay nhà độc tài chuyên chế.

Khi Công đồng Vatican II kết thúc công trình của mình về Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã đề xuất rằng Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium hay Ánh Sáng Muôn Dân nên bao gồm một câu khẳng định rằng Đức Giáo Hoàng “chỉ chịu trách nhiệm trước Chúa mà thôi”. Ủy ban Thần học của Công đồng, bao gồm một số nhà thần học rất lỗi lạc, đã bác bỏ công thức đó. Ủy ban lưu ý rằng “Đức Giáo Hoàng Rôma cũng bị ràng buộc với chính mặc khải, với cấu trúc cơ bản của Giáo hội, với các bí tích, với các định nghĩa của các Công đồng trước đó và các nghĩa vụ khác quá nhiều để có thể đề cập đến”. Do đó, thật là một sai lầm nghiêm trọng khi tưởng tượng Đức Giáo Hoàng là một chức vụ độc đoán mà từ đó ngài có thể đưa ra các quyết định tùy tiện chỉ phản ánh ý muốn của mình. Thay vào đó, Sứ vụ Phêrô là một chức vụ có thẩm quyền, người nắm giữ chức vụ này là người giám hộ của một truyền thống có thẩm quyền. Ngài là người phục vụ cho truyền thống đó, khối tín lý và thực hành đó, chứ không phải là chủ nhân của nó.

Việc thừa nhận cả thẩm quyền to lớn của chức vụ của mình và ranh giới mà thẩm quyền đó phải được thực hiện là một thách thức đối với bất kỳ vị Giáo Hoàng nào.... Một cách để đáp ứng thách thức đó là vị Giáo Hoàng tiếp theo phải chào đón và trả lời những câu hỏi và lời phê bình nghiêm chỉnh, tôn trọng từ những người chia sẻ mối quan tâm và trách nhiệm đối với Giáo hội—và đặc biệt là từ các anh em giám mục của Đức Giáo Hoàng, những người, khi cần thiết, phải triệu tập lòng can đảm để làm cho Phêrô những gì Phaolô đã làm cho Phêrô, như Phaolô đã làm chứng trong Thư Galát 2:11: đưa ra cho ông sự sửa dạy huynh đệ.....

Trong chương hai mươi mốt của Phúc âm thánh Gioan, Chúa Phục sinh đã ba lần thách thức Phêrô: “Con có yêu mến Thầy hơn những người khác không?... Con có yêu mến Thầy không?... Con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15–17). Thật hấp dẫn khi thấy ở đây một lời đáp trả cho ba lần chối Chúa của Phêrô sau khi Chúa Giêsu bị bắt: sau khi đã chối Chúa ba lần, Phêrô giờ đây phải tuyên xưng đức tin của mình ba lần. Đọc sâu hơn về cuộc gặp gỡ đó gợi ý một điều khác—Phêrô đang được hỏi liệu ông có thể tự hủy mình “ hơn những người khác” để chăn dắt đàn chiên của Chúa như mục tử chính của đàn chiên ấy hay không. Tất cả những người được thụ phong làm linh mục và giám mục trong Giáo Hội Công Giáo đều được yêu cầu tự hủy mình để trở thành Chúa Kitô cho Giáo hội và thế giới. Đoạn văn ngắn trong Phúc âm thánh Gioan gợi ý rằng theo bản chất của Sứ vụ Phêrô, Đức Giáo Hoàng phải tự hủy mình hoàn toàn “hơn những người khác”. Để thực hiện sứ vụ của mình như là “người tôi tớ của các người tôi tớ của Thiên Chúa” (một tước hiệu của Đức Giáo Hoàng bắt đầu từ Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả), Người kế vị Thánh Phêrô phải mở lòng mình để ân sủng của Thiên Chúa hoạt động trong cuộc sống của mình để ngài có thể từ bỏ chính mình càng nhiều càng tốt....

Theo giáo lý Công Giáo, Đức Giáo Hoàng là chứng nhân đầu tiên của Giáo hội về Chúa Kitô và Phúc âm là thánh ý của Chúa Kitô. Thánh ý Chúa Kitô cũng muốn rằng tất cả các môn đệ của Người đều là chứng nhân và tất cả đều là những người truyền bá Phúc âm. Điều đó có nghĩa là, trong khi Đức Giáo Hoàng là chứng nhân đầu tiên của Giáo hội, thì ngài không phải là chứng nhân duy nhất của Giáo hội. Và trách nhiệm của ngài bao gồm làm mọi thứ có thể để khuyến khích những người khác hoàn thành trách nhiệm của họ với tư cách là chứng nhân của Phúc âm và sức mạnh của Phúc âm.

Ngày nay, Đức Giáo Hoàng và triều Giáo Hoàng là trung tâm của trí tưởng tượng Công Giáo. Trước đây không phải lúc nào cũng vậy. Trước thời Đức Giáo Hoàng Piô IX, người giữ chức Giám mục Rôma từ năm 1846 đến năm 1878, hầu hết người Công Giáo không biết “Đức Giáo Hoàng” là ai, càng không biết Đức Giáo Hoàng nói hay làm gì. Nhờ sự phát triển của báo chí đại chúng, nhờ những đau khổ mà ngài phải chịu đựng khi Quốc gia Đức Giáo Hoàng bị Vương quốc Ý mới tước đoạt, nhờ số lượng lễ kỷ niệm mà ngài cử hành trong suốt triều Giáo Hoàng dài của mình (khiến đám đông người hành hương đến Rôma) và nhờ sự kiện Công đồng Vatican lần thứ nhất, Đức Piô IX đã trở thành một nhân vật thực sự đối với nhiều người Công Giáo trên thế giới—Vị Giáo Hoàng đầu tiên có ảnh được người Công Giáo trưng bày tại nhà của họ.... Và từ Piô IX trở đi, Đức Giáo Hoàng và triều Giáo Hoàng ngày càng lớn mạnh trong cả trí tưởng tượng của người Công Giáo và suy nghĩ của thế giới về Giáo hội.

“Sự đóng vai chính của Đức Giáo Hoàng”, như một số người đã mô tả, đã giúp Giáo hội giải phóng sức mạnh của Phúc âm trong hơn một lần. Đó là một lý do tại sao Đức Giáo Hoàng Piô X có thể nhanh chóng định hình lại bối cảnh tâm linh của Công Giáo bằng cách cho phép trẻ em bảy tuổi được Rước lễ; và Đức Giáo Hoàng Piô XI có thể mở rộng và đào sâu học thuyết xã hội của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII trong khi thách thức ba hệ thống toàn trị; và rằng Đức Giáo Hoàng Piô XII có thể thiết lập bối cảnh trí tuệ cho Công đồng Vatican II với các thông điệp Mystici Corporis Christi (Thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô), Divino Afflante Spiritu (Được Chúa Thánh Thần linh hứng) và Mediator Dei (Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người). “Sự đóng vai chính của Đức Giáo Hoàng” cũng đã có những tác động trong lịch sử thế giới, đáng chú ý nhất là trong vai trò quan trọng của Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị trong việc châm ngòi cho cuộc cách mạng lương tâm đã giúp tạo nên cuộc Cách mạng chính trị bất bạo động năm 1989 và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Âu Châu.

“Sự đóng vai trò chủ chốt của Đức Giáo Hoàng”—Sứ vụ Phêrô ở ngay trung tâm trí tưởng tượng của người Công Giáo—cũng có những tác động không mấy vui vẻ trong Giáo hội.

Nếu các giám mục coi Đức Giáo Hoàng là trung tâm của mọi sáng kiến trong Giáo hội, họ có thể sẽ ít nhiệt tình hơn trong việc đảm nhận trách nhiệm giải phóng sức mạnh của Phúc âm trong dân chúng.

Nếu các giám mục và bề trên của các cộng đồng tôn giáo hiểu “chủ nghĩa Đức Giáo Hoàng” có nghĩa là họ không cần phải thực hiện hành động kỷ luật cần thiết vì lợi ích của giáo phận hoặc cộng đồng của họ vì “Roma sẽ giải quyết vấn đề”, thì các Giáo hội và cộng đồng địa phương đó sẽ phải chịu thiệt hại—và toàn thể Giáo hội cũng vậy.

“ Sự đóng vai trò chủ đạo của Đức Giáo Hoàng” cũng có thể có tác động không vui là ám chỉ - ít nhất là thông qua phương tiện truyền thông và mạng xã hội - rằng những gì Đức Giáo Hoàng làm và nói tóm tắt ý nghĩa, công việc và tình trạng của Giáo Hội Công Giáo tại bất kỳ thời điểm nào. Điều này đơn giản là không đúng. Và nó có thể làm mất sự chú ý khỏi các bộ phận đang phát triển của Giáo hội thế giới nơi sức mạnh của Phúc âm đang được giải phóng. Có bao nhiêu người Công Giáo, và bao nhiêu phương tiện truyền thông thế giới, đã bỏ lỡ sự phát triển phi thường của Công Giáo ở Phi Châu cận Sahara trong những năm sau Công đồng Vatican II - và đã bỏ lỡ sự nở rộ phi thường của Phúc âm vì quá tập trung vào Đức Giáo Hoàng và những tranh cãi xung quanh nó? Có bao nhiêu người Công Giáo ngày nay đáng buồn là không biết về nhiều điều tốt đẹp đang diễn ra trong Giáo hội địa phương của họ và trên khắp Giáo hội thế giới vì họ bị mê hoặc bởi Đức Giáo Hoàng và ám ảnh về những gì Đức Giáo Hoàng nói và làm?...

Đức Giáo Hoàng phải và sẽ vẫn là thẩm quyền tối cao của Giáo hội. Tuy nhiên, thẩm quyền đó phải được thực hiện theo cách tạo điều kiện cho sự lãnh đạo của những người khác, đặc biệt là các giám mục của Giáo hội. Và thẩm quyền tối cao phải yêu cầu, khi cần thiết, rằng các chính quyền địa phương thực hiện trách nhiệm của mình để sức mạnh của Phúc âm có thể được nhìn thấy trong tất cả mọi người của Giáo hội.

Đây sẽ không phải là vấn đề “thu hẹp” chức vụ Giáo Hoàng mà là chức Giáo Hoàng trao quyền cho các môn đệ truyền giáo. Với cấu trúc thẩm quyền độc đáo trong Giáo Hội Công Giáo, một biện pháp “chủ nghĩa Đức Giáo Hoàng” không chỉ là điều tất yếu mà còn là điều mong muốn. Tuy nhiên, nếu Đức Giáo Hoàng hiểu rằng việc củng cố anh em là một trách nhiệm thiết yếu của chức vụ của mình, thì ngài sẽ thực hiện chức vụ của mình theo cách hướng ra ngoài bản thân mình đến Chúa Kitô. Và ngài sẽ lãnh đạo theo những cách nhắc nhở đàn chiên của mình rằng tất cả họ đều là những môn đệ truyền giáo, được kêu gọi làm chứng cho sức mạnh của Phúc âm và làm cho Chúa Kitô được thế giới biết đến.

Các Hồng Y của Cơ Mật Viện Hồng Y 2005 có một nhiệm vụ to lớn trước mắt. Nhiệm vụ đó sẽ được giải quyết theo cách tập trung nhiều hơn vào Phúc âm nếu các Hồng Y cử tri tự nhắc nhở mình rằng mỗi Đức Giáo Hoàng đều mang đến những món quà tinh thần và nhân bản độc đáo cho Sứ vụ Phêrô, và nhiệm vụ của họ không phải là tìm ra Phanxicô 2.0, mà là tìm ra Người kế vị Phêrô, người mà Chúa đã trao cho trách nhiệm “làm cho anh em mình được vững mạnh” (Luca 22:32).


Source:First Things