1. Các Hồng Y thảo luận về truyền giáo và sứ mệnh tại Đại hội đồng lần thứ tám. Tòa Thánh phủ nhận các tin đồn về sức khoẻ của Đức Hồng Y Parolin
Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về một sự việc liên quan đến sức khỏe của Hồng Y Parolin, Bruni đã phủ nhận một cách dứt khoát rằng sự việc được báo cáo trên các phương tiện truyền thông xã hội là thêu dệt từ A đến Z.
“Không, điều này không xảy ra. Điều đó không đúng sự thật.” Bruni cũng phủ nhận rằng các bác sĩ hoặc y tá đã can thiệp: “Không, hoàn toàn không.”
Theo các phương tiện truyền thông Ý, Đức Hồng Y đã bị xây xẩm mặt mày trong khi tham dự Đại Hội Đồng và được các y tá và bác sĩ cấp cứu.
Đức Hồng Y Pietro Parolin, nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã là tâm điểm của nhiều lời đồn đoán sau khi Đức Hồng Y Becciu, từng là phụ tá của ngài, cương quyết đòi phải được tham gia bầu Giáo Hoàng. Đức Hồng Y Becciu sau đó đã nhanh chóng rút lại yêu cầu này. Chuyện này vừa tạm lắng xuống thì lại xảy ra vụ Trung Quốc bổ nhiệm Giám Mục trái phép trong thời gian trống ngôi Giáo Hoàng. Theo nhiều quan sát viên, điều đó cho thấy thỏa thuận Vatican - Bắc Kinh đã thất bại thảm hại. Đức Hồng Y Pietro Parolin là kiến trúc sư trưởng của thỏa thuận Vatican - Bắc Kinh, và cho đến nay vẫn nhiệt tình ủng hộ cho thỏa thuận này.
Chính quyền địa phương tại Thượng Hải và Hà Nam đã bổ nhiệm Giám Mục trái phép trong thời gian Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng cho hai linh mục Ngô Kiến Lâm (Wu Jianlin, 吴建林) và Lý Kiến Lâm (Li Janlin, 李建林). Diễn biến này được nhiều ng người cho rằng chắc chắn có ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng các Hồng Y cử tri lựa chọn Đức Hồng Y Pietro Parolin vào ngôi Giáo Hoàng.
Liên quan đến Đại hội đồng lần thứ 8, ông Matteo Bruni cho biết truyền giáo, tình huynh đệ, tính đồng nghị và sự hiệp nhất là một số chủ đề được thảo luận tại Đại hội đồng.
Ông nhấn mạnh rằng có 25 bài phát biểu được đưa ra trong Hội nghị. Trong số các chủ đề được thảo luận có:
- Truyền giáo
- Giáo Hội như một cộng đồng huynh đệ truyền giáo
- Nhu cầu truyền bá Phúc Âm, đặc biệt là cho giới trẻ
- Các Giáo Hội Đông Phương, nỗi đau khổ và chứng tá của họ
- Câu hỏi làm sao để việc truyền bá Phúc Âm có hiệu quả ở mọi cấp độ, từ giáo xứ đến Giáo triều Rôma
- Bổn phận làm chứng và hiệp nhất, theo ánh sáng của đoạn Tin Mừng: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em hãy yêu thương nhau.”
- Nguy cơ phản chứng, bao gồm lạm dụng tình dục và bê bối tài chính
- Tính trung tâm của phụng vụ
- Tầm quan trọng của giáo luật
- Tính đồng nghị và tính đồng đoàn, Tính đồng nghị và sứ mệnh, Tính đồng nghị và tính thế tục
- Yêu cầu giải thích về tính liên tục giữa các Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bênêđíctô XVI và Phanxicô
- Đề cập mạnh mẽ đến vai trò của Bí tích Thánh Thể và tầm quan trọng của nó trong công tác truyền giáo
2. Ống khói được lắp đặt trên đỉnh Nhà nguyện Sistina
Cơ Mật Viện sẽ bắt đầu vào ngày 7 tháng 5 và Rôma đang bận rộn chuẩn bị. Các Hồng Y đã kêu gọi các tín hữu trên toàn thế giới gia tăng lời cầu nguyện khi khi Cơ Mật Viện chuẩn bị bắt đầu vào lúc 4:30 chiều giờ địa phương ngày 7 tháng 5.
Giám đốc Văn phòng Báo chí Vatican, Matteo Bruni, báo cáo rằng hơn 180 Hồng Y, bao gồm hơn 120 cử tri, đã tham dự Đại hội đồng lần thứ 8, sau một ngày nghỉ vào ngày 1 tháng 5. Một số vị đến đây lần đầu tiên vào hôm Thứ Sáu, 02 Tháng Năm, và do đó đã tuyên thệ giữ bí mật.
Bruni đưa tin bốn Hồng Y cử tri vẫn chưa đến Rôma. Cho đến nay, 133 Hồng Y đã được lên lịch tham gia Cơ Mật Viện.
Vào sáng Thứ Sáu, 02 Tháng Năm, năm ngày trước khi khai mạc Cơ Mật Viện, các công nhân đã lắp đặt ống khói nổi tiếng trên mái Nhà nguyện Sistina, từ đó khói sẽ bốc lên để báo hiệu kết quả bỏ phiếu.
Ống khói có thể nhìn thấy từ Quảng trường Thánh Phêrô, bên phải đền thờ, được kết nối với hai bếp lò nằm cách đó 30 mét. Một trong hai bếp sẽ được sử dụng để đốt các lá phiếu và bếp còn lại để tạo ra khói. Khói đen có nghĩa là không có sự đồng thuận. Khói trắng có nghĩa là một vị Giáo Hoàng mới đã được bầu.
Lần đầu tiên bếp lò được sử dụng trong Cơ Mật Viện là vào năm 1939, trong cuộc bầu cử chọn ra Đức Piô XII.
Bếp thứ hai, được sử dụng lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2005, tạo ra khói bằng hệ thống điện tử. Các ống dẫn từ hai bếp gặp nhau cách mặt đất khoảng hai mét để tạo thành một ống khói duy nhất. Một hệ thống điện trở và thông gió đặc biệt giúp cải thiện luồng khói hướng lên trên.
Chỗ ở cho các Hồng Y cũng đang được sắp xếp tại cả nhà trọ Santa Marta và dinh thự lân cận.
Ông Matteo Bruni cho biết thêm vào ngày 7 tháng 5, Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Niên trưởng Hồng Y đoàn, sẽ chủ sự Thánh lễ Pro Eligendo Papa, tức là thánh lễ cầu nguyện cho cuộc Bầu cử Đức Giáo Hoàng, sẽ được cử hành lúc 10:00 sáng tại Đền Thờ Thánh Phêrô.
Cơ Mật Viện sẽ chính thức bắt đầu lúc 4:30 chiều với buổi cầu nguyện tại Nhà nguyện Pauline, có sự tham dự của các Hồng Y cử tri, những người sẽ đọc Kinh cầu các Thánh trước khi tiến vào đoàn rước vào Nhà nguyện Sistina.
Các ngài sẽ hát bài Veni Creator và sau đó tuyên thệ long trọng sẽ trung thành thực hiện Munus Petrinum hay Sứ Vụ Phêrô nếu được bầu làm Giáo Hoàng và sẽ giữ bí mật tuyệt đối về Cơ Mật Viện.
3. Chúng ta có thể biết kết quả bầu Giáo Hoàng vào lúc mấy giờ?
Sau đây là thời gian mà mọi người có thể nhìn thấy những đám khói bốc lên từ những ống khói nổi tiếng nhất thế giới.
Cơ Mật Viện bầu người kế nhiệm Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chính thức khai mạc vào ngày 7 tháng 5, và các Hồng Y cử tri của Hồng Y đoàn dự kiến sẽ bỏ phiếu một lần vào ngày đầu tiên đó. Tuy nhiên, trong lịch sử cận đại chưa lần nào cuộc bỏ phiếu đầu tiên này bầu ra được một vị Giáo Hoàng. Ngoài ra, không thể loại trừ khả năng là Hồng Y Đoàn quyết định không bỏ phiếu vào ngày 7 Tháng Năm. Vì thế, có lẽ không nên kỳ vọng quá nhiều rằng chúng ta sẽ có một vị Tân Giáo Hoàng ngày thứ Tư 7 Tháng Năm.
Từ ngày 8 tháng 5 trở đi, các Hồng Y cử tri sẽ bỏ phiếu hai lần vào buổi sáng và hai lần vào buổi chiều cho đến khi một vị Tân Giáo Hoàng mới được bầu.
Hai trong số 135 Hồng Y cử tri không đến được vì lý do sức khỏe nên có 133 Hồng Y cử tri. Và do đó, vị Tân Giáo Hoàng cần phải nhận được ít nhất là 89 phiếu.
Theo Vatican News, nếu không có vị Tân Giáo Hoàng mới sau ba ngày bỏ phiếu, các Hồng Y sẽ được nghỉ ít nhất một ngày để cầu nguyện, thảo luận về cuộc bầu cử với các Hồng Y khác. Các ngài sẽ nghe một bài chia sẻ từ Đức Hồng Y Dominique Mamberti, là Hồng Y trưởng đẳng Phó tế.
Nhưng điều này sẽ xảy ra vào lúc mấy giờ?
Mỗi Cơ Mật Viện đều khác nhau và với 133 vị tham gia bầu cử, đông nhất từ trước đến nay, cuộc bỏ phiếu có thể sẽ không diễn ra nhanh chóng.
Tuy nhiên, dựa trên các Cơ Mật Viện trước đây, sau đây là thời điểm người ta có thể thấy khói bốc lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistina. Xin lưu ý với quý vị và anh chị em tất cả đều chỉ là thời gian gần đúng. Như chúng tôi nói ở trên, mỗi buổi có 2 cuộc bỏ phiếu. Nếu cuộc bỏ phiếu thứ nhất bầu được Giáo Hoàng, các phiếu bầu sẽ được đốt ngay lập tức. Nếu cuộc bỏ phiếu thứ nhất KHÔNG bầu được Giáo Hoàng, các phiếu bầu KHÔNG được đốt nhưng sẽ chờ đốt chung với các phiếu bầu của cuộc bỏ phiếu thứ hai.
Thời điểm thứ nhất: 10:30 sáng giờ địa phương Rôma, tức là 3:30 chiều giờ Việt Nam; 6:30 chiều giờ Sydney, Melbourne; và 1:30 sáng giờ California. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có vị Tân Giáo Hoàng.
Thời điểm thứ hai: Vào giữa trưa theo giờ địa phương Rôma, tức là 5 giờ chiều giờ Việt Nam; 8 giờ tối giờ Sydney, Melbourne; và 3 giờ sáng giờ California. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có thể có vị Tân Giáo Hoàng, cũng có thể là không.
Thời điểm thứ ba: 5 giờ chiều giờ địa phương Rôma, hay 10 giờ tối giờ Việt Nam; 1 giờ sáng giờ Sydney, Melbourne; và 8 giờ sáng giờ California. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có vị Tân Giáo Hoàng.
Thời điểm thứ tư: Vào 7 giờ tối theo giờ địa phương Rôma, tức là 12 giờ khuya giờ Việt Nam; 3 giờ sáng giờ Sydney, Melbourne; và 10 giờ sáng giờ California. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có thể có vị Tân Giáo Hoàng, cũng có thể là không.
Việc bỏ phiếu diễn ra như thế nào?
Sau khi kiểm phiếu xong, phiếu bầu sẽ được đốt để thông báo kết quả bầu cử đến toàn thế giới.
Nếu khói có màu đen thì sẽ không có Đức Giáo Hoàng mới và các Hồng Y sẽ bỏ phiếu lại sau vài giờ hoặc vào sáng hôm sau.
Nhưng nếu khói có màu trắng, hãy hủy bỏ kế hoạch của bạn và ngồi xuống trước chiếc tivi gần nhất hoặc kênh phát trực tiếp và nín thở chờ đợi để xem ai là Người kế vị mới của Thánh Phêrô.
Khoảng nửa giờ đến một giờ sau khi khói trắng xuất hiện, Đức Hồng Y Dominique Mamberti, là Hồng Y trưởng đẳng Phó tế, sẽ công bố “Habemus Papam” (Chúng ta đã có Đức Giáo Hoàng!), và Đức Giáo Hoàng mới sẽ ban phước lành đầu tiên từ ban công của Đền thờ Thánh Phêrô.
Sẽ cần bao nhiêu cuộc bỏ phiếu phiếu?
Có lẽ không nhiều lắm. Hoặc có thể là khá nhiều.
Do Đức Thánh Cha Phanxicô phải nằm bệnh viện trong thời gian dài, cộng thêm 15 ngày kể từ khi ngài qua đời cho đến khi Cơ Mật Viện bầu Đức Giáo Hoàng khai mạc, các Hồng Y cử tri có khá nhiều thời gian để cân nhắc phiếu bầu của mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu vào ngày thứ hai của Cơ Mật Viện, trong cuộc bỏ phiếu thứ năm. Cần lưu ý rằng trong khi việc từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 hoàn toàn bất ngờ, không có lễ tang của Đức Giáo Hoàng hoặc quá trình tang lễ nào khác trước Cơ Mật Viện, nghĩa là các Hồng Y cử tri ít bị phân tâm hơn trong giai đoạn trước Cơ Mật Viện thông thường.
Vị tiền nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, cũng được bầu vào ngày thứ hai của Cơ Mật Viện, nhưng ngài được bầu rất sớm trong cuộc bỏ phiếu thứ tư. Tương tự như thời điểm hiện tại, ngài được bầu sau khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị lâm bệnh kéo dài, và ngài ngay lập tức được giới truyền thông gọi là “papabile”, vì đã phục vụ lâu dài trong Giáo triều và được biết đến là rất thân thiết với Gioan Phaolô Đệ Nhị.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị được bầu chỉ vài tuần sau khi Đức Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô I nhậm chức Đức Giáo Hoàng trong 33 ngày, đã được bầu vào ngày thứ ba của Cơ Mật Viện Hồng Y trong cuộc bỏ phiếu thứ tám.
Trong Cơ Mật Viện trước đó, diễn ra vào tháng 8 năm 1978, Đức Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô I đã được bầu trong cuộc bỏ phiếu thứ tư.
4. Một số Hồng Y đã có danh sách 'papabili' của các ngài
Khi Cơ Mật Viện đến gần, các Hồng Y tiếp tục họp hầu như mỗi ngày. Khi các ngài hiểu nhau hơn, các ngài lập danh sách những người có thể được bầu vào ngôi Giáo Hoàng.
Trong phiên họp toàn thể lần thứ 7 để chuẩn bị cho Cơ Mật Viện, một số Hồng Y thừa nhận các ngài đã có danh sách “papabili” của mình. Điều này đã được một số vị tham dự tiết lộ với báo chí trên đường phố Rôma.
Bầu không khí “tốt” và “thanh thản”, các Hồng Y được các nhà báo phỏng vấn tại lối vào Vatican đều cho biết như trên.
“Có một bầu không khí thanh bình và đối thoại tuyệt vời. [...] Đối thoại hoàn toàn cởi mở, không có áp lực hay phân cực”, Đức Hồng Y người Colombia Jorge Jiménez Carvajal, tổng giám mục danh dự của Cartagena và là người không bỏ phiếu vì đã 83 tuổi, cho biết.
Khi được hỏi về chân dung của Vị Giáo Hoàng tương lai, Hồng Y người Serbia Ladislav Nemet, 68 tuổi, cho biết ngài hy vọng sẽ có “một Vị Giáo Hoàng nhân hậu như Chúa Giêsu”. Nhưng ngài nhấn mạnh rằng kết quả của Cơ Mật Viện “luôn là điều bất ngờ”.
“Có thể có những điều bất ngờ, theo nghĩa tích cực của từ này, đúng vậy!” Đức Hồng Y Carvajal nói.
Trong khi các Hồng Y không nhắc đến bất kỳ cái tên papabili nào, một số vị cho biết các ngài đã có danh sách “rất rõ ràng”.
“Trong tim tôi, tôi có năm cái tên,” Đức Hồng Y Gregorio Rosa Chávez, Giám Mục Phụ Tá danh dự của San Salvador, cho biết. Vị Hồng Y 82 tuổi không có quyền bỏ phiếu này thừa nhận rằng trong những ngày này, “mọi người đều đang nghĩ về danh sách của họ.”
Giáo Hội “đã di chuyển về phía nam”
Cách đó vài bước, một nhà báo của La Repubblica đã phỏng vấn Đức Hồng Y Schönborn người Áo, Tổng giám mục danh dự của Vienna. Đức Hồng Y cũng không còn quyền bỏ phiếu. Đối với ngài, trong những năm gần đây, Giáo hội “đã di chuyển về phía nam, đến Á Châu, Phi Châu và Mỹ Châu Latinh”.
“Đó là sự thật, không phải là một ý tưởng, và nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai của Giáo hội,” ngài nhấn mạnh, chỉ ra nhu cầu tìm kiếm “một mục tử khôn ngoan và thánh thiện.”
“Chúng ta phải hiểu rằng Chúa Thánh Thần muốn dẫn dắt Giáo hội đến đâu. Á Châu? Mỹ Châu? Âu Châu?” Đức Hồng Y Chávez hỏi.
Ngài nói thêm rằng di sản của Đức Thánh Cha Phanxicô là “cơ sở cho cuộc thảo luận”.
“Tôi cảm nhận được sự đồng thuận về tính liên tục. Chúng ta là công dân của một thế giới có xung đột và tầm nhìn khác nhau, nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói về tính đa diện và đa dạng để xây dựng sự thống nhất. Mọi người đều có quan điểm của mình,” Đức Hồng Y Chávez nhấn mạnh.
Vị Hồng Y người Salvador bày tỏ hy vọng của mình về “một mục tử lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe mọi người”. Ngài cũng bình luận rằng Giám mục tiếp theo của Rôma nên nói tiếng Ý, vì tiếng này “dễ học”.
Về thời gian diễn ra Cơ Mật Viện, Đức Hồng Y Chávez ước tính “không quá ba ngày”.
“Hai, ba, bốn ngày,” Đức Hồng Y Jorge Jiménez Carvajal nói, trước khi nói thêm: “Chúng tôi không biết.”
5. 10 vị Hồng Y có thể trở thành Đức Giáo Hoàng tiếp theo theo báo chí Công Giáo
Tờ Aleteia tuyên bố rằng “chúng tôi không tuyên bố có thể dự đoán tương lai, đọc được suy nghĩ hoặc phân định được thánh ý của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, đây là cái nhìn tổng quan về một số Hồng Y mà mọi người đang nói đến trước cuộc bầu cử.” Tóm lại, tờ báo chỉ tổng kết những bàn tán từ các phương tiện truyền thông Công Giáo khác và xếp theo thứ tự vần chữ cái tên của các Hồng Y.
Đức Hồng Y Fridolin Ambongo
Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, một tu sĩ dòng Capuchin, là Tổng giám mục của Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo. Ngài cũng là chủ tịch của Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar.
Đức Hồng Y Ambongo trở nên nổi tiếng khi ngài làm việc với Đức Thánh Cha Phanxicô để đưa ra phản ứng của người Phi Châu đối với việc ban phước cho các cặp đồng giới, ngài gọi đó “thực dân văn hóa”, một thuật ngữ mà Đức Giáo Hoàng thường sử dụng
Nếu được bầu, ngài sẽ là Đức Giáo Hoàng Capuchin đầu tiên và là Đức Giáo Hoàng Phi Châu đầu tiên sau hơn một thiên niên kỷ. Mặc dù đã có một số Giáo Hoàng liên kết với một số loại dòng Phanxicô, nhưng không có Đức Giáo Hoàng dòng Phanxicô Capuchin nào được bầu.
Một điều có thể gây bất lợi cho Đức Hồng Y Ambongo là tuổi tác của ngài – ở tuổi 65, ngài vẫn còn khá trẻ và về mặt lý thuyết có thể đảm nhiệm sứ vụ Giáo Hoàng trong nhiều thập niên. Sau 26 năm làm Đức Giáo Hoàng của Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị và 12 năm của Đức Thánh Cha Phanxicô, Hội đồng Hồng Y có thể chưa muốn có thêm một triều đại dài nữa.
Đức Hồng Y Raymond Leo Burke
Là một người được những người Công Giáo có tư tưởng truyền thống ưa chuộng, Hồng Y Raymond Leo Burke, 76 tuổi, cựu Tổng giám mục St. Louis, Chánh án Tòa án Tối cao và là Người bảo trợ danh dự của Dòng Quân sự Toàn quyền Malta, đã có tên trong một số danh sách.
Ngài đã gần như tử vong vì COVID vào năm 2021, và kể từ đó, ngài không còn hoạt động nhiều trước công chúng như trước khi mắc bệnh.
Năm 2023, Đức Hồng Y Burke là một trong năm Hồng Y – cùng với các Hồng Y Robert Sarah, Walter Brandmüller, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân và Juan Sandoval Íñiguez – đã viết một bản dubia trước Thượng hội đồng về tính đồng nghị.
Chưa bao giờ có một Đức Giáo Hoàng nào đến từ Hoa Kỳ – hay thậm chí là Bắc Mỹ – và có phần không chắc rằng năm 2025 sẽ là năm chúng ta có vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ Bắc Mỹ.
Đức Hồng Y Peter Erdo
Là người Hung Gia Lợi, Đức Hồng Y Peter Erdo, Tổng giám mục Esztergom-Budapest và Giáo chủ của Hung Gia Lợi, được coi là một trong những thành viên bảo thủ nhất của Hồng Y đoàn.
Đức Hồng Y Erdo, 77 tuổi, cùng với các Hồng Y cử tri khác là Hồng Y Philippe Barbarin, Josip Bozanić, Vinko Puljic và Peter Turkson, là năm Hồng Y cử tri cuối cùng của Hồng Y đoàn được Thánh Gioan Phaolô II bổ nhiệm.
Ở tuổi 51 khi được tấn phong, Đức Hồng Y Erdo là một trong những thành viên trẻ nhất của Hồng Y đoàn.
Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller
Đến từ Mainz, Đức, Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, 77 tuổi, đã dành phần lớn thời gian làm giám mục của mình ở Rôma và các vùng lân cận, mặc dù ngài từng là Giám mục của Regensburg từ năm 2002 đến năm 2012.
Về mặt tư tưởng và thần học, Đức Hồng Y Müller là người bảo thủ – mặc dù ngài được cho là không thích nhãn hiệu đó – ngài là người rất thân thiết với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16. Nhiều nhà quan sát thừa nhận rằng các nhãn hiệu bảo thủ hay tiến bộ, truyền thống hay tự do không thực sự áp dụng cho Giáo hội, vì chúng là nhãn hiệu chính trị và bị hiểu lầm.
Đức Hồng Y Müller là Hồng Y-Tổng trưởng danh dự của Bộ Giáo lý Đức tin, một vai trò mà Đức Bênêđíctô tương lai cũng đã đảm nhiệm trong nhiều năm.
Đức Hồng Y Pietro Parolin
Đức Hồng Y Pietro Parolin là Quốc Vụ Khanh của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vị Hồng Y gốc Ý 70 tuổi này đã đảm nhiệm vai trò này kể từ tháng 10 năm 2013 và sẽ chủ trì Cơ Mật Viện sắp tới.
Trước khi chuyển đến Vatican, ngài là Sứ thần Tòa thánh tại Venezuela từ năm 2009 đến năm 2013.
Là một người “ôn hòa” về thần học, cùng với sự gần gũi của ngài với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, việc bầu Parolin có thể được coi là sự tiếp nối của triều Giáo Hoàng Phanxicô. Và, ngài sẽ mang công việc ngoại giao trọn đời của mình vào một tình hình quốc tế ngày càng phức tạp. Đức Hồng Y Pietro Parolin có thuận lợi là trong vai trò Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, tất cả các Hồng Y đều biết ngài là ai. Tuy nhiên, ngài cũng có 2 vấn đề. Thứ nhất là vụ mua bán địa ốc ở Luân Đôn. Thứ hai, ngài là kiến trúc sư của thoả thuận bí mật giữa Vatican và Bắc Kinh mà nhiều người cho rằng Tòa Thánh đã nhượng bộ quá nhiều cho Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bắc Kinh cũng vừa tự ý bổ nhiệm hai Giám Mục trong thời gian Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng. Những người ủng hộ ngài cho rằng nếu ngài không được bầu làm Giáo Hoàng thì đó là một sự can thiệp thô bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng.
Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa
Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Dòng Anh Em Hèn Mọn, đã bắt đầu được bàn tán như một ứng cử viên tiềm năng nhiều tháng trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời. Tên của ngài Pierbattista Pizzaballa có nghĩa là điệu nhảy pizza.
Với tư cách là Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, vị tu sĩ dòng Phanxicô gốc Ý đã trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế kể từ khi chiến tranh nổ ra tại giáo phận của ngài vào tháng 10 năm 2023. Đức Hồng Y Pizzaballa đã tự nguyện chịu bị bắt để trao đổi các con tin người Israel bị Hamas bắt giữ, và vẫn là một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng và có năng lực cho đàn chiên của mình ở Gaza.
Tuy nhiên, giống như Đức Hồng Y Ambongo, Đức Hồng Y Pizzaballa còn khá trẻ: ngài mới 60 tuổi và mới trở thành Hồng Y được chưa đầy hai năm.
Đức Hồng Y Robert Sarah
Đức Hồng Y Robert Sarah, 79 tuổi, đến từ Guinea, suýt chút nữa là không còn đủ điều kiện để bỏ phiếu trong Cơ Mật Viện – ngài sẽ bước sang tuổi 80 vào tháng 6. Ngài là Tổng trưởng danh dự của Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích.
Là người cải đạo sang Công Giáo khi còn trẻ, Đức Hồng Y Sarah được nhiều người biết đến như một người nhiệt thành bảo vệ các giáo lý và thực hành truyền thống của Giáo hội.
Đức Hồng Y Sarah rất thân thiết với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16; Đức Bênêđíctô đã viết lời bạt cho cuốn sách xuất bản năm 2016 của Sarah, Sức mạnh của sự im lặng: Chống lại chế độ độc tài của tiếng ồn.
Đức Hồng Y Luis Tagle
Đức Hồng Y Luis Tagle, Phó Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, là người gốc Phi Luật Tân.
Đức Hồng Y Tagle, 67 tuổi, được nâng lên Hồng Y đoàn vào năm 2012. Trong Cơ Mật Viện năm 2013, khi đó ngài là Tổng giám mục giáo tỉnh Manila trẻ tuổi, ngài được liệt kê vào danh sách papabili – điều này đã không thành hiện thực, nhưng đáng chú ý.
Tuy nhiên, vào năm 2022, Đức Hồng Y Tagle đã bị cách chức nhà lãnh đạo Caritas International, điều này có thể khiến mọi người cảnh giác khi ủng hộ ngài tại Cơ Mật Viện này.
Nếu được bầu, ngài sẽ trở thành Đức Giáo Hoàng người Á Châu đầu tiên.
Đức Hồng Y Peter Turkson
Đức Hồng Y Peter Turkson, 76 tuổi, người Ghana, đã đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trong giáo triều kể từ năm 2009.
Hiện tại, ngài là Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, nhưng trước đây là Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy Phát triển Con người Toàn diện.
Trước khi đến Vatican, Turkson là Tổng giám mục của Cape Coast, Ghana, từ năm 1992 đến năm 2009.
Giống như Đức Hồng Y Tagle, Đức Hồng Y Turkson cũng được nhắc đến như là người có khả năng được bầu làm Giáo Hoàng trong Cơ Mật Viện năm 2013.
Đức Hồng Y Matteo Zuppi
Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng giám mục Bologna và chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, gần như chưa từng được biết đến trong giới Bắc Mỹ cho đến khi ngài thực hiện sứ mệnh hòa bình đặc biệt thay mặt cho Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ngài đến Washington, đã được gợi ý là người có thể trở thành Giáo Hoàng tiếp theo.
Đức Hồng Y Zuppi, 69 tuổi, là người được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn để lãnh đạo hội đồng giám mục Ý. Trước khi trở thành tổng giám mục của Bologna, ngài là Giám Mục Phụ Tá của Rôma.
Nếu được bầu, Đức Hồng Y Zuppi sẽ là Đức Giáo Hoàng người Ý đầu tiên kể từ triều đại 33 ngày của Đức Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô I vào năm 1978.
6. Tại sao Cơ Mật Viện sắp tới sẽ là bước đi quyết định đối với Âu Châu
Solène Tadié, ký giả Pháp, có bài nhận định nhan đề “Why the Upcoming Conclave Will Be a Decisive Step for Europe”, nghĩa là “Tại sao Cơ Mật Viện sắp tới sẽ là bước đi quyết định đối với Âu Châu”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Khi các ngài bước vào Nhà nguyện Sistina để bầu người kế vị sứ vụ của Thánh Phêrô, các Hồng Y Âu Châu sẽ gánh trên vai trách nhiệm nặng nề về số phận của lục địa của các ngài, nơi đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có kể từ Giáo hội của những thế kỷ đầu tiên. Vào thời điểm mà một số người cho rằng Âu Châu có thể sớm trở nên không liên quan vì sự nổi bật ngày càng tăng của Nam bán cầu — nơi Giáo hội đang phát triển nhanh nhất — thì Âu Châu vẫn là trung tâm về mặt thể chế và thần học, một nhân tố chủ chốt trong kết quả của Cơ Mật Viện.
Với 53 trong số 135 Hồng Y có quyền bỏ phiếu hiện nay đến từ Âu Châu — một phần ba trong số đó là người Ý — các ưu tiên và mối quan tâm chung của các ngài sẽ không chỉ ảnh hưởng đến việc lựa chọn Đức Giáo Hoàng tiếp theo mà còn cả định hướng của Giáo hội trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Tuy nhiên, ngày càng rõ ràng rằng khối Âu Châu không còn thống nhất nữa. Những chia rẽ về di sản cải cách của Đức Thánh Cha Phanxicô và phản ứng của Giáo hội đối với nhiều biểu hiện khác nhau của chủ nghĩa thế tục phản ánh những đường đứt gãy sâu sắc hơn về văn hóa và thần học. Các Hồng Y Âu Châu sẽ phải đối mặt với một hành động cân bằng khó khăn: bảo tồn các giáo lý và bản sắc truyền thống của Giáo hội trong khi thích nghi với thực tế xã hội mới.
Giải quyết vấn đề thế tục, lạm dụng tình dục, chia rẽ trong giáo hội
Một trong những mối quan tâm cấp bách nhất đối với các ngài sẽ là chủ nghĩa thế tục lan rộng và sự mất mát đáng kể của ảnh hưởng tôn giáo ở Âu Châu. Từng là trung tâm của thế giới Kitô giáo, Âu Châu hiện có những quốc gia mà số người tuyên bố rằng họ “không có tôn giáo” chiếm đa số. Nhìn chung, số người tham dự thánh lễ đã giảm mạnh kể từ những năm 1970 và ảnh hưởng đạo đức của Giáo hội đối với đời sống công cộng đã gần như hoàn toàn bị vô hiệu hóa, đặc biệt là ở các quốc gia như Pháp và Đức. Nhu cầu giải quyết những thách thức ngày càng tăng đối với các tổ chức tôn giáo và quyền tự do tôn giáo trong các xã hội thế tục này, nơi các phong trào ủng hộ sự sống hoạt động hợp pháp nhưng phải đối mặt với áp lực xã hội và chính trị gia tăng đe dọa sự tham gia của họ vào diễn ngôn công khai, có thể là ưu tiên chính đối với nhiều người trong số các Hồng Y.
Những xu hướng đáng báo động này đi kèm với một hiện tượng mới có ý nghĩa: sự gia tăng ngoạn mục về số lượng người trẻ tuổi được rửa tội trong các lễ Phục sinh tại một số quốc gia của Lục địa Cũ — trước hết là Pháp, Anh và Bỉ. Nhu cầu đi kèm với hiện tượng này một cách thích hợp để nó đơm hoa kết trái trong thời gian dài cũng không thoát khỏi sự chú ý của các Hồng Y cử tri, đặc biệt là khi các giám mục Pháp vừa tuyên bố sẽ tổ chức một hội đồng tỉnh để đáp ứng những thách thức của những người dự tòng mới từ Lễ Hiện xuống năm 2026 trở đi.
Các Hồng Y sẽ tìm kiếm một vị Giáo Hoàng có khả năng truyền cảm hứng cho sự tôn trọng của các nhà lãnh đạo Âu Châu và có thể nói chuyện với các thế hệ trẻ để tìm kiếm các điểm tham chiếu về đạo đức và bản sắc, theo cách phù hợp với ngôn ngữ và quy tắc ngày nay.
Hơn nữa, cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục vẫn là một vết thương lớn trong Giáo hội Âu Châu. Các vụ tai tiếng ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ và Ý đã làm tổn hại nghiêm trọng đến lòng tin của công chúng. Trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra một số cải cách, nhiều Hồng Y Âu Châu tin rằng cần có hành động quyết liệt hơn. Một số Hồng Y sẽ thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn, trong khi những vị khác có thể thận trọng hơn khi tiếp cận các cải cách cơ cấu sâu hơn, vì lo ngại điều này có thể tạo ra bầu không khí nghi ngờ quá mức và cuối cùng làm suy yếu chức linh mục và thẩm quyền của Giáo hội, hoặc thậm chí gây nguy hiểm cho ấn tín giải tội.
Câu hỏi về sự hiệp nhất bền vững của Giáo Hội Công Giáo cũng được nêu ra bởi Tiến Trình Công Nghị Đức gần đây, và có kế hoạch biến nó thành một hội đồng công đồng thường trực, thách thức một số giáo lý cốt lõi của Giáo hội liên quan đến tình dục, việc truyền chức cho phụ nữ và việc rao giảng của giáo dân, gây ra căng thẳng với Vatican. Thượng hội đồng về tính đồng nghị do Đức Giáo Hoàng Phanxicô khởi xướng từ năm 2021 đến năm 2024 đã làm tăng thêm sự chia rẽ ngày càng tăng giữa các giám mục Âu Châu về mức độ thẩm quyền mà các Giáo hội quốc gia nên có trong việc định hình thực hành Công Giáo, đây sẽ là một lĩnh vực quan tâm không thể tránh khỏi khác.
Đồng thời, việc định nghĩa lại các phong trào chính trị đang diễn ra trên khắp Âu Châu, đặc biệt được đánh dấu bằng sự nổi lên của các đảng dân túy cánh hữu, chắc chắn sẽ có tác động đến đời sống của các Giáo hội quốc gia. Với nhiều nhà lãnh đạo mới này công khai khẳng định đức tin Kitô giáo và sự đồng cảm của họ với Giáo Hội Công Giáo, nhiều Hồng Y có thể có xu hướng bầu một vị Giáo Hoàng có thể khéo léo tham gia đối thoại với họ và do đó duy trì ảnh hưởng của Tòa thánh mà không làm tổn hại đến tính độc lập và tính phổ quát của nó.
Cuối cùng, các Hồng Y chắc chắn sẽ ghi nhớ việc thực hiện trong tương lai của Tự Sắc Traditionis Custodes, áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc cử hành Thánh lễ La tinh truyền thống. Điều này đã gây ra rất nhiều căng thẳng giữa hàng giáo phẩm của Giáo hội và các cộng đồng địa phương, thường chủ yếu bao gồm những người trẻ tuổi, là tương lai của Kitô giáo.
Những động lực tương phản này đã thúc đẩy sự xuất hiện của ba khối chính sẽ định hình đường lối của các Hồng Y bỏ phiếu đối với Cơ Mật Viện.
Ba khối trong Hồng Y đoàn
Khối cải cách hoặc “ủng hộ Phanxicô” tìm kiếm sự tiếp nối với đường lối mục vụ của Đức Giáo Hoàng người Á Căn Đình, chủ yếu tập trung vào lòng thương xót, công lý xã hội và đối thoại liên tôn. Nhóm này cởi mở với các cải cách về các vấn đề như bao gồm các cặp đồng giới, quyền được rước lễ cho các cặp đã ly hôn và tái hôn, và sự tham gia nhiều hơn của giáo dân. Họ cũng ủng hộ việc thúc đẩy đại kết và đối thoại với Hồi giáo nhiều hơn. Các Hồng Y như Matteo Zuppi của Ý, José Tolentino de Mendonça của Bồ Đào Nha (cũng là Tổng trưởng Bộ Văn hóa và Giáo dục), Jean-Marc Aveline của Pháp và Grzegorz Ryś của Ba Lan nằm trong số đó. Họ có khả năng sẽ thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của Giáo hội vào xã hội hiện đại.
Mặt khác, khối bảo thủ ủng hộ sự rõ ràng về giáo lý và tính nhất quán về mặt đạo đức hơn là sự linh hoạt trong mục vụ. Nhóm này coi trọng sự phân quyền và sự tiến hóa về giáo lý, coi những thay đổi như vậy là mối đe dọa đối với sự hiệp nhất và thẩm quyền lịch sử của Giáo hội. Các ngài có thể sẽ ủng hộ việc làm rõ và sắp xếp lại các Tự Sắc khác nhau của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, vốn bị một bộ phận của Giáo hội thể chế và tín hữu coi là gây nhầm lẫn, như nhà Vatican học người Ý Andrea Gagliarducci gần đây đã chỉ ra. Các Hồng Y như Gerhard Müller từ Đức, Péter Erdő từ Hung Gia Lợi hoặc Wim Eijk từ Hòa Lan đại diện cho những nhân vật nổi bật trong nhóm này.
Khối cuối cùng, có thể được định nghĩa là những người ổn định thể chế, tập trung vào sự quản lý của Vatican và sự ổn định nội bộ. Nhóm này tìm cách cân bằng giữa truyền thống và sự linh hoạt trong mục vụ mà không đưa ra những thay đổi lớn về mặt cấu trúc. Các Hồng Y như Hồng Y Pietro Parolin người Ý, nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Hồng Y Kurt Koch người Thụy Sĩ, nguyên Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy Hiệp nhất Kitô giáo; và Hồng Y Claudio Gugerotti người Ý, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo hội Đông phương, đều nằm trong nhóm này. Cho dù là cấp tiến hay bảo thủ, những vị này về cơ bản được coi là thực dụng và có khả năng ủng hộ một vị Giáo Hoàng có khả năng đoàn kết các phe phái khác nhau trong Giáo hội và khôi phục lại uy tín của Vatican mà không đưa ra những cải cách mang tính đoạn tuyệt với quá khứ.
Duy trì trọng lượng thể chế của Âu Châu
Các Hồng Y cử tri Âu Châu, trong đó có 17 vị người Ý, có khả năng sẽ nỗ lực duy trì ảnh hưởng của mình trong việc quản lý Vatican, vì một Đức Giáo Hoàng mới từ Nam bán cầu có thể củng cố thêm sự thay đổi văn hóa do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng. Do đó, thách thức của các ngài sẽ là tìm một vị Giáo Hoàng có thể duy trì sức nặng về mặt thể chế của Âu Châu mà không làm ảnh hưởng đến động lực đang phát triển của Nam bán cầu.
Mặc dù vị Giáo Hoàng tiếp theo có thể không phải là người Âu Châu, nhưng phiếu bầu của các Hồng Y Âu Châu sẽ có sức nặng đáng kể. Các ngài sẽ muốn, với tư cách là người kế nhiệm mới của Thánh Phêrô, một người có khả năng củng cố sự rõ ràng về giáo lý và khôi phục uy tín của Giáo hội, đồng thời ứng phó với những thực tế xã hội và chính trị mới mà không gây mất lòng các phe phái chủ chốt. Không một ứng cử viên nào có thể đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn này, nhưng các ưu tiên của các Hồng Y Âu Châu sẽ có sức nặng lớn đối với chương trình nghị sự của vị Giáo Hoàng tiếp theo. Tất cả các rủi ro đều cao hơn, vì sự mất mát ảnh hưởng của Âu Châu được củng cố theo thời gian có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt của Giáo hội hoàn vũ.