Tờ Pillar có bài tường trình nhan đề “Meet the conclave: Cardinal Péter Erdő” nghĩa là “Gặp gỡ Cơ Mật Viện: Đức Hồng Y Péter Erdő”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Khi cậu Péter Erdő lớn lên ở Budapest vào những năm 1950, Công Giáo hầu như không được chế độ cộng sản Hung Gia Lợi chấp nhận. Nhưng bất chấp sự ngăn cản chính thức, gia đình Erdő vẫn cầu nguyện ở nhà và cùng nhau đi nhà thờ. Cha cậu đã dạy giáo lý cho sáu người con của gia đình.

Sau đó, Erdő nhận ra rằng cha cậu, một luật gia, và mẹ cậu, một giáo viên, không được phép hành nghề vì họ bị coi là quá sùng đạo.

Cha mẹ của cậu thuộc về một cộng đồng các gia đình Công Giáo do một linh mục tên là Cha Imre Mihalik lãnh đạo, một học giả tài năng nhưng con đường sự nghiệp học vấn của vị linh mục đã bị chính quyền ngăn cản. Cha mẹ của Erdő đã giúp đỡ vị linh mục, người sống trong một căn nhà cho thuê, bằng cách gửi cậu con trai bảy tuổi của họ đến học tiếng Pháp với ngài. Ở trường, cậu bé cũng học tiếng Nga và tiếng Latinh. Sau đó, cậu học thêm tiếng Đức và tiếng Anh, cũng như phát triển trình độ thành thạo tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý.

Với nền tảng đa ngôn ngữ này, thầy Erdő được thụ phong linh mục vào năm 1975 tại Budapest và được yêu cầu lãnh đạo một giáo xứ ở Dorog, một thành phố phía tây bắc Budapest. Người tiền nhiệm của ngài trong giáo xứ đã bị bắt đi lính. Nhiệm vụ của cha Erdő bao gồm tiếp quản các lớp học tôn giáo của vị linh mục tiền nhiệm. Các lớp học không được phép diễn ra trong nhà xứ, chỉ được phép diễn ra trong phòng thánh của nhà thờ: một căn phòng lạnh lẽo chỉ được sưởi ấm bằng một chiếc bếp lò phủ một lớp muội than lên mọi thứ.

“Vào một buổi chiều mưa, có lẽ chính xác là do trời mưa, chỉ có ba đứa trẻ đến lớp,” cha Erdő nhớ lại. “Đột nhiên, một thanh tra của hội đồng thành phố xuất hiện. 'Tất cả các em đều thế à?' ông hỏi. Ông vội vàng tạm biệt. Ông gần như thương hại tôi. 'Cậu ta hầu như không gây nguy hiểm cho trật tự công cộng,' có lẽ ông ấy tự nhủ như vậy.”

Sau khi lấy bằng tiến sĩ thần học, Cha Erdő học tiến sĩ luật giáo luật tại Institutum Utriusque Iuris của Đại học Giáo Hoàng Latêranô ở Rôma. Trong những năm 1980 và 1990, ngài là giáo sư thần học và giáo luật tại Hung Gia Lợi, và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Giáo Hoàng Grêgôriô.

Vào cuối năm 1999, khi mới 47 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Székesfehérvár, một giáo phận lân cận với tổng giáo phận Esztergom-Budapest. Vị chủ phong chính của ngài là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, được hỗ trợ bởi Đức Tổng Giám Mục Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng Y Đoàn.

Ba năm sau, Đức Cha Erdő được bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo tổng giáo phận và là Giáo chủ của Hung Gia Lợi. Ngài được trao chiếc mũ đỏ vài tháng sau đó, trở thành một trong những Hồng Y trẻ nhất thế giới, ở tuổi 51.

Ảnh hưởng của Đức Hồng Y Erdő bắt đầu mở rộng vượt xa khỏi Hung Gia Lợi sau khi ngài được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Âu Châu vào năm 2006, một chức vụ ngài đã giữ trong một thập niên.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm vị Hồng Y người Hung Gia Lợi làm tổng tường trình viên — một dạng điều phối viên chính — của các Thượng Hội Đồng về gia đình trong 2 năm 2014, 2015, vốn đã bị khuấy động bởi cuộc tranh luận về việc rước lễ của những người Công Giáo đã ly dị và tái hôn dân sự. Đức Hồng Y Erdő đã có bài phát biểu khai mạc tại phiên họp năm 2015 được coi là lời bảo vệ mạnh mẽ cho lập trường đã được thiết lập của Giáo hội. Mặc dù khó có thể nhận ra tác động chính xác của bài phát biểu đối với quỹ đạo của các hội nghị, nhưng nó đã khiến vị Hồng Y người Hung Gia Lợi trở thành một nhân vật cố định trong danh sách papabili.

Mặc dù có lập trường chính thống rất quyết liệt, Đức Hồng Y Erdő dường như vẫn duy trì mối quan hệ tốt với Đức Thánh Cha Phanxicô. Hung Gia Lợi là một trong số ít quốc gia mà Vị Giáo Hoàng người Á Căn Đình đã đến thăm hai lần, một chuyến ngắn vào năm 2021 cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế tại Budapest và ba ngày vào năm 2023.

Quê hương của Đức Hồng Y Erdő đã trải qua một cuộc chuyển đổi lớn vào năm 2010, với cuộc bầu cử Thủ tướng Viktor Orbán, người đã khởi xướng một cuộc cải tổ hiến pháp, phương tiện truyền thông, tư pháp và chính sách nhập cư của đất nước. Đảng của Orbán, Fidesz, đã chuyển các khoản trợ cấp hào phóng cho các giáo phận, khiến những người chỉ trích cáo buộc Fidesz tìm cách mua chuộc sự im lặng của Giáo hội về các sáng kiến gây tranh cãi nhất của mình — một lời khẳng định mà các nhà lãnh đạo Giáo hội bác bỏ.

Đức Hồng Y có mối quan hệ căng thẳng với Orbán, một người theo Tin lành Calvin, người mô tả Hung Gia Lợi là “một thành trì bất khả xâm phạm của nền văn hóa Do Thái - Kitô giáo ở Âu Châu”. Đức Hồng Y Erdő đã chỉ trích chính phủ khi quốc hữu hóa các phòng khám thụ tinh trong ống nghiệm vào năm 2019, nhưng dường như không muốn tham gia vào cuộc tranh luận về lập trường cứng rắn của Fidesz đối với người di cư.

Trong khi đó, cộng đồng Công Giáo Hung Gia Lợi đã phải đối mặt với những thách thức về mặt nhân khẩu học. Một cuộc điều tra dân số năm 2022 cho thấy 2,6 triệu người tự nhận là người Công Giáo La tinh trong tổng số 9,6 triệu người. Trong thống kê 2001, Hung Gia Lợi, có 5,3 triệu người trong đó gần một nửa là người Công Giáo Latinh.(Điều quan trọng cần lưu ý là câu hỏi về tôn giáo là tùy chọn và 40% số người tham gia cuộc điều tra dân số năm 2022 đã từ chối trả lời.

Hung Gia Lợi cũng không miễn nhiễm với tình trạng thiếu hụt linh mục đang ảnh hưởng đến các nước Tây Âu. Đức Hồng Y Erdő cho rằng một phần nguyên nhân là do di sản chết chóc của chủ nghĩa cộng sản. Khi suy ngẫm về sự xuất hiện của ơn gọi linh mục của mình tại Cộng hòa Nhân dân Hung Gia Lợi, ngài cho biết cha mẹ đã giúp ngài thấy rằng đức tin là điều thiết yếu nhất trong cuộc sống.

“Do đó, nếu đức tin là điều quan trọng nhất trong cuộc sống, thì việc phục vụ đức tin của người khác, truyền bá đức tin, giảng dạy đức tin, và đặc biệt là phục vụ trong phụng vụ, là những điều vĩ đại nhất trong cuộc sống, là những điều quan trọng nhất mà người ta có thể làm, và hữu ích nhất, cho sự cứu rỗi chính mình và người khác,” ngài nói

“Đây là động lực chính mà tôi cảm thấy ngay từ khi còn là một cậu bé.”


Source:Pillar Catholic