Tờ Pillar có bài viết nhan đề “Meet the conclave: Cardinal Pietro Parolin”, hay “Gặp gỡ Cơ Mật Viện: Đức Hồng Y Pietro Parolin”.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Con đường của ngài từ thị trấn nhỏ của Ý đến đỉnh cao quyền lực của Vatican.
Khi Pietro Parolin lên chín tuổi, cha ngài qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Em gái của ngài, Maria Rosa Parolin sau đó đã mô tả sự kiện này là “rất bất ổn” đối với anh trai mình. Cha của họ là một người đàn ông rất sùng đạo, lòng sùng đạo của ông đã trở thành nguồn cảm hứng cho người con trai cả của mình.
Khi Pietro tuyên bố quyết định vào chủng viện, gia đình ngài không hề ngạc nhiên. Khi còn nhỏ, ngài đã mặc đồ đen và bắt chước cử hành Thánh lễ, khăng khăng bắt các em, anh chị em họ và bạn bè chơi cùng. Ngài luôn được nhìn thấy ở gần phía trước các cuộc rước kiệu của giáo xứ và thể hiện rất tốt trong các lớp giáo lý đến nỗi ngài đã nhận được một giải thưởng ở Rôma.
Sinh ra tại thị trấn nhỏ Schiavon ở đông bắc nước Ý, Parolin vào chủng viện năm 14 tuổi và được thụ phong linh mục tại Giáo phận Vicenza năm 1980. Em gái của ngài cho biết trong số khoảng 40 học viên ban đầu học cùng ngài, ngài là người duy nhất được thụ phong.
Điểm dừng chân tiếp theo của Parolin là Trường Ngoại Giao Tòa Thánh tại Rôma, là ngôi trường đào tạo các nhà ngoại giao của Vatican.
Nhiệm vụ đầu tiên của ngài là ở Nigeria, sau đó là Mễ Tây Cơ. Năm 2002, ngài được gọi đến Vatican để làm bí thư tại Phủ Quốc Vụ Khanh, bộ phận quyền lực giám sát quan hệ ngoại giao của Tòa thánh. Ngài giải quyết các danh mục nhạy cảm, giúp Vatican tái lập quan hệ với Việt Nam cộng sản, thông qua đường lối hòa giải mà sau này ngài áp dụng cho Trung Quốc.
Năm 2009, Tổng Giám Mục Parolin được bổ nhiệm làm sứ thần tòa thánh tại Venezuela, khi đó do nhà cách mạng Hugo Chávez cai trị, người có mối quan hệ đối kháng với Giáo hội địa phương. Bốn năm sau khi được bổ nhiệm, Đức Tổng Giám Mục Parolin nhận được một cuộc gọi từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô mới đắc cử.
“Đức Cha có thể giúp tôi một tay không?” Đức Giáo Hoàng hỏi.
Đức Phanxicô triệu tập Đức Tổng Giám Mục Parolin để làm Quốc vụ khanh Vatican, có thể nói là chức vụ quyền lực nhất của Vatican sau Đức Giáo Hoàng. Người tiền nhiệm của Đức Cha Parolin, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone không được trọng dụng trong triều Giáo Hoàng mới một phần vì ngài không có nền tảng ngoại giao truyền thống. Việc bổ nhiệm Đức Cha Parolin đã làm dịu đi những lời chỉ trích có ảnh hưởng trong Giáo triều Rôma, khôi phục lại quyền tối cao của ngoại giao tại Phủ Quốc vụ khanh.
Việc ưu tiên ngoại giao hơn các cân nhắc khác, chẳng hạn như ủng hộ nhân quyền, đã được thể hiện rõ trong quyết định của Tòa thánh về việc ký kết một thỏa thuận tạm thời với Bắc Kinh vào năm 2018.
Thỏa thuận, với các điều khoản chưa bao giờ được công bố, đã đặt ra một cơ chế bổ nhiệm giám mục, chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài hàng thập niên về vai trò nhà nước Trung Quốc nên đóng trong việc đề cử.
Nhưng thỏa thuận này gây nhiều tranh cãi. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng đã công khai cáo buộc Đức Hồng Y Parolin thao túng Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, gây bất lợi cho những người Công Giáo hầm trú, và gạt sang một bên những người chỉ trích trong nội bộ Vatican về thỏa thuận này. Đức Hồng Y Parolin đã bảo vệ hiệp ước, lập luận rằng tất cả các Vị Giáo Hoàng thế kỷ 21 đều tìm kiếm một thỏa thuận như vậy và đó “chỉ là điểm khởi đầu” trong nỗ lực khôi phục quan hệ Vatican-Trung Quốc.
Dưới sự giám sát của Đức Hồng Y Parolin, Phủ Quốc vụ khanh đã mất hàng triệu euro trong một thỏa thuận bất động sản đầu cơ ở Luân Đôn, gây ra một phiên tòa tài chính rộng lớn của Vatican và thúc đẩy Đức Giáo Hoàng Phanxicô ra lệnh cho bộ này từ bỏ quyền kiểm soát các tài sản được bảo vệ cẩn mật của mình. Nhưng Đức Hồng Y Parolin đã tránh bị hoen ố trực tiếp bởi vụ bê bối tài chính, tiếp tục gây ảnh hưởng trên khắp Giáo hội toàn cầu, bao gồm cả thông qua tư cách thành viên của ngài trong Hội đồng cố vấn Đức Hồng Y của Đức Giáo Hoàng, một hội đồng đã giúp tạo ra một bản thiết kế mới cho Giáo triều Rôma, công nhận các đặc quyền của Phủ Quốc vụ khanh.
Với tư cách là Quốc vụ khanh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Hồng Y Parolin thường đóng vai trò là lính cứu hỏa, dập tắt những ngọn lửa ngoại giao bùng phát do những bình luận ngẫu hứng của Vị Giáo Hoàng người Á Căn Đình. Mặc dù vị Hồng Y người Ý này luôn xuất hiện trước công chúng, nhưng ngài lại ít khi tiết lộ về tính cách của mình. Ngài từng nói với tờ báo của giáo phận quê hương mình rằng: “Tôi làm những gì có thể nhưng tôi luôn làm bằng cả trái tim”. Và ngài nhanh chóng nói thêm: “Tôi hy vọng mình không có vẻ quá tự phụ”.
Những người đã gặp Đức Hồng Y Parolin cho biết ngài thích được gọi là “Don Pietro” — Cha Phêrô. Em gái của ngài cho rằng điều này là vì “trước hết và quan trọng nhất, anh ấy là một linh mục”.
Maria Rosa mô tả anh trai mình là “một người đàn ông điềm tĩnh, biết cách hòa đồng với mọi người”, nhớ lại một ngày họ cùng nhau đi mua sắm giá sách ở Ikea vào năm 2014. Bà nói rằng đó là “một câu chuyện về anh em chúng tôi mà tôi sẽ không bao giờ quên”.
Source:Pillar