1. Tòa Thánh chuẩn bị cho Cơ Mật Viện như thế nào?

Các nhân viên Vatican và một số nhân viên hỗ trợ đang bận rộn với nhiều công tác chuẩn bị -- từ che cửa sổ đến sắp xếp hoa và niêm phong bằng dấu chì.

Ngoài việc chuẩn bị phòng cho các Hồng Y tại Casa Santa Marta và đặt bục và ghế vào Nhà nguyện Sistina, công tác chuẩn bị tại Vatican tuần này nhằm mục đích bảo đảm sự cô lập hoàn toàn của các Hồng Y cử tri, để Cơ Mật Viện không thể bị xâm phạm.

Trong một cuộc phỏng vấn với phương tiện truyền thông Vatican, kỹ sư Silvio Screpanti, phó giám đốc bộ phận cơ sở hạ tầng của Thành quốc Vatican, đã trình bày chi tiết về công việc đang được tiến hành để chuẩn bị cho Cơ Mật Viện dự kiến bắt đầu vào chiều ngày 7 tháng 5 năm 2025.

60 công nhân

Khoảng 40 nhân viên của Vatican, bao gồm thợ mộc, thợ rèn, thợ lắp ráp, thợ cắm hoa và nhân viên vệ sinh, đang làm việc cùng với khoảng 20 nhà thầu bên ngoài để hoàn thành công việc chỉ trong vài ngày.

Screpanti giải thích rằng các công tác chuẩn bị chủ yếu liên quan đến việc sắp xếp chỗ ở cho các Hồng Y. Lần này, nhiệm vụ này phức tạp hơn, vì số lượng các Hồng Y cử tri dự kiến là 133 — so với 115 vị vào năm 2013 — và dinh thự Santa Marta chỉ có 126 phòng.

Ngoài dinh thự Santa Marta, các kỹ thuật viên còn phải cải tạo các phòng ở các tòa nhà liền kề – “ngôi nhà Santa Marta cũ” và Cao đẳng Ethiopia – cung cấp sơ đồ mặt bằng và trang bị giường, tủ đầu giường và tủ quần áo cho các phòng.

Tổng cộng có 200 phòng được dự kiến dành cho các Hồng Y cử tri và đội ngũ nhân viên tháp tùng.

Phó giám đốc cho biết, cũng cần phải “nghiên cứu cách bố trí Nhà nguyện Sistina sao cho có thể chứa được số lượng cử tri lớn nhất trong lịch sử trong khi vẫn bảo đảm tuân thủ nghi thức và sự thoải mái cho các Hồng Y”.

Các biện pháp bảo đảm tính bảo mật hoàn toàn

Vatican đang lên kế hoạch thực hiện một số biện pháp để bảo đảm tính bảo mật hoàn toàn trong suốt Cơ Mật Viện: che kín cửa sổ của điện tông tòa tại khu vực Cơ Mật Viện, vô hiệu hóa mọi thiết bị công nghệ và các thiết bị nghe lén trong Nhà nguyện Sistina, niêm phong 80 con dấu chì tại mọi điểm ra vào chu vi Cơ Mật Viện, lắp đặt vách ngăn và cửa tạm thời, đóng một số cửa sổ “để ngăn không cho bất kỳ ai nhìn vào” và bảo đảm sự cô lập của các Hồng Y.

Từ chiều Thứ Hai, 05 Tháng Năm, quân đội Ý cùng với hiến binh Vatican sẽ giúp Tòa Thánh lắp đặt các thiết bị gây nhiễu điện tử chấm dứt mọi khả năng liên lạc bằng điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác.

Nhân viên hỗ trợ cũng tuyên thệ và bị nhốt tại Vatican trong suốt thời gian diễn ra Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng.

Trong buổi họp kín, năm thợ điện và nhân viên vận hành thang máy, năm kỹ sư hệ thống sưởi ấm và hệ thống ống nước, và hai người phụ trách cắm hoa sẽ có mặt.

“Họ sẽ tuyên thệ và làm nhiệm vụ toàn thời gian, qua đêm tại Vatican mà không được phép liên lạc với gia đình”, người kỹ sư cho biết.

Một trong những chuyên gia sẽ ở lại một phòng kỹ thuật nhỏ gần Nhà nguyện Sistina trong suốt thời gian bỏ phiếu “sẵn sàng can thiệp nhanh chóng nếu cần thiết”.

Cùng lúc đó, những người cắm hoa chuẩn bị trang trí cho loggia, nơi mà Vị Giáo Hoàng tương lai sẽ có bài phát biểu chào mừng đầu tiên tới những người tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau Cơ Mật Viện, các kỹ thuật viên sẽ không lãng phí thời gian: Nhà nguyện Sistina và tất cả các phòng ở sẽ được tháo dỡ nhanh chóng để Bảo tàng Vatican mở cửa trở lại và cư dân của Santa Marta, những người đã phải trả lại phòng, có thể quay trở lại.

Sau đó, tất nhiên sẽ có những chuẩn bị cho thánh lễ nhậm chức của nhà lãnh đạo mới của Giáo Hội Công Giáo.


Source:Aleteia

2. Kinh cầu nguyện cho Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng

Đây là kinh cầu nguyện cho Cơ Mật Viện Hồng Y trong việc chọn lựa người kế vị Thánh Phêrô được Đức Hồng Y Angelo Comastri soạn. Bản dịch Việt ngữ do Văn phòng các Hội Giáo Hoàng Truyền giáo Việt Nam thực hiện và đã được Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.

Lạy Chúa Giêsu,

Trước khi rời khỏi trần gian này,

Chúa đã nói với các Tông đồ rằng:

“Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.”

Giờ đây, chúng con cảm nhận được sự hiện diện an ủi của Chúa và vững lòng tin rằng:

Chúa luôn là người điều khiển con thuyền Hội Thánh,

một cách vững chắc và an toàn giữa những cơn bão tố của lịch sử.

Trong giây phút đầy mong đợi và lo lắng này,

xin hãy sai Chúa Thánh Thần đến,

để soi sáng tâm trí các Hồng Y trong việc lựa chọn người kế vị Thánh Phêrô.

Xin cho các ngài chọn được đúng người mà Chúa chỉ định,

để dẫn dắt đoàn chiên của Chúa hôm nay.

Lạy Đức Maria, người Mẹ thánh thiện của Đấng Cứu Thế.

Mẹ đã cùng các Tông đồ cầu nguyện tại Nhà Tiệc Ly,

và cùng các ngài chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Xin Mẹ cầu nguyện với chúng con và cho chúng con,

để chúng con được lãnh nhận hồng ân lễ Hiện Xuống mới,

với lòng nhiệt thành, hăng hái và vâng theo Tin Mừng Chúa Giêsu.

Amen.

3. Các trang web của Mỹ và Ý đổ lỗi cho nhau về tin tức giả mạo liên quan đến Đức Hồng Y Parolin

Hôm Thứ Năm, 01 Tháng Năm, một báo cáo bắt đầu lan truyền rằng Đức Hồng Y Parolin, 70 tuổi, đã ngất xỉu trong cuộc họp của Đại hội đồng các Hồng Y ngày hôm đó do huyết áp tăng đột biến, và rằng ngài cần sự can thiệp y tế từ nhân viên y tế Vatican. Trong khi hầu hết các phương tiện truyền thông đều thận trọng, hiểu rằng những tin đồn tiêu cực về sức khỏe của các ứng viên thường là một phần của động lực xấu xa trước Cơ Mật Viện, một số ít vẫn tiếp tục câu chuyện, trích dẫn các nguồn tin giấu tên.

Các báo cáo này đã được chia sẻ nhiệt tình trên mạng xã hội, bao gồm cả một số nhà bình luận Công Giáo nổi tiếng người Mỹ. Một số báo cáo đi xa đến mức giải thích rằng nguyên nhân của sự gia tăng huyết áp đột biến là do tin tức về việc bổ nhiệm Giám Mục trái phép ở Hoa Lục trong thời gian trống ngôi Giáo Hoàng. Theo nhiều quan sát viên, điều đó cho thấy thỏa thuận Vatican - Bắc Kinh đã thất bại thảm hại. Đức Hồng Y Pietro Parolin là kiến trúc sư trưởng của thỏa thuận Vatican - Bắc Kinh, và cho đến nay vẫn nhiệt tình ủng hộ cho thỏa thuận này. Vụ bổ nhiệm trái phép này có thể gây ra những bất lợi rất lớn cho Đức Hồng Y Parolin.

Tuy nhiên, sau khi phát ngôn nhân của Vatican Matteo Bruni đưa ra lời phủ nhận thẳng thừng trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu, cuộc truy tìm dường như đang diễn ra để xác định ai là người chịu trách nhiệm cho một báo cáo hiện được coi là nỗ lực khá trắng trợn nhằm phá hoại cơ hội của Đức Hồng Y Parolin. Khi đưa tin, người ta cũng không quên nhắc nhở không mấy tinh tế rằng Đức Hồng Y Parolin đã từng gặp những vấn đề sức khỏe tương đối nhỏ trong quá khứ, bao gồm cả ca phẫu thuật năm 2020 để mở rộng tuyến tiền liệt, không phải do ung thư.

Một báo cáo sáng thứ Bảy trên tờ Corriere della Sera, nghĩa là Tin Chiều, một tờ báo lớn của Ý, đã khẳng định: “Trong trường hợp này, loạt đạn pháo đến từ mặt trận Hoa Kỳ” và họ chỉ tay vào CatholicVote.org.

“Để chứng minh điều đó, những người ủng hộ Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng những tin đồn đầu tiên về sự việc được cho là đã xảy ra với ngài vào thứ Tư theo giờ Hoa Kỳ đến từ trang web CatholicVote.org có sự tương đồng trên nhiều tài khoản mạng xã hội”, bài báo của Corriere cho biết.

Theo Corriere, nhiều người ở Mỹ thấy Đức Hồng Y Parolin quá cởi mở với chương trình nghị sự Công Giáo cấp tiến, bất kể thực tế là một số người ủng hộ trung thành của Đức Phanxicô lại nhận thấy rằng vị Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh lâu năm này là người quá thận trọng và theo chủ nghĩa thể chế.

Tuy nhiên, vào thời điểm bài báo của Corriere được đăng, CatholicVote.org đã đăng bài báo của riêng mình nhằm phủ nhận tin tức giả mạo, khẳng định rằng họ đã đi theo sự dẫn dắt của phương tiện truyền thông Ý. Cụ thể, họ đã trích dẫn các bài báo trong Virgilio Notizie, Il Giornale và AGI News, và cung cấp liên kết đến các bài báo gốc trong từng trường hợp.

Điều thú vị là cả ba liên kết được cung cấp đều đã được cập nhật để trích dẫn các nguồn của Hoa Kỳ là nguồn gốc của tin đồn về Parolin, và hai trong số ba liên kết này đặc biệt ghi rõ là từ CatholicVote.org.

Bất kể ai là người tung ra tin đồn liên quan đến Đức Hồng Y Parolin, hai điều có vẻ rõ ràng là: Thứ nhất, đó là tin đồn sai sự thật, và thứ hai, một số người ở Mỹ và giới truyền thông Ý đã lợi dụng tin đồn này mà không có sự phê phán, có lẽ phản ánh thái độ thù địch với Đức Hồng Y Parolin.

Cần lưu ý rằng, công bằng mà nói, tờ Corriere cũng không cả quyết là CatholicVote.org là thủ phạm vì họ đã đưa ra một khả năng khác. Tin đồn về Đức Hồng Y Parolin cũng có khả năng bắt nguồn từ những người ủng hộ Hồng Y người Ý Angelo Becciu, người đã miễn cưỡng rút khỏi Cơ Mật Viện sau khi Đức Hồng Y Parolin đưa ra những lá thư có chữ viết tắt tên Đức Đức Cố Giáo Hoàng Phanxicô, trong đó cho biết ngài muốn Hồng Y Becciu không tham gia vào Cơ Mật Viện bầu Đức Giáo Hoàng.

Một sự trớ trêu cuối cùng là người sáng lập và chủ tịch của CatholicVote.org là Brian Burch, người được Tổng thống Trump lựa chọn làm Đại sứ Hoa Kỳ mới tại Tòa thánh. Việc đề cử Burch đã được Ủy ban Đối ngoại chấp thuận vào thứ năm và hiện đang chờ Thượng viện bỏ phiếu.

Nếu Đức Hồng Y Parolin được bầu làm Đức Giáo Hoàng, và nếu Burch được chấp thuận làm đại sứ, người ta hình dung có thể có một số khoảnh khắc khó xử khi vị Đại Sứ mới chính thức trình quốc thư lên vị Tân Đức Giáo Hoàng - người có thể vẫn còn chút không vui về việc CatholicVote đưa tin giả liên quan đến sức khỏe của ngài.


Source:Crux

4. Chỉ có 2 cử tri chưa có mặt ở Rôma

Cơ Mật Viện sẽ bắt đầu vào ngày 7 tháng 5 và Rôma đang bận rộn chuẩn bị.

Đại hội đồng lần thứ chín được tổ chức vào thứ Bảy, có sự tham dự của 177 Hồng Y, bao gồm 127 cử tri. Số lượng Hồng Y cử tri có mặt tại Rôma hiện là 131, tức là chỉ còn hai vị vắng mặt.

Hai vị Hồng Y này, bao gồm Hồng Y Vinko Puljic, Tổng giám mục danh dự của Sarajevo, dự kiến sẽ đến trong những ngày tới. Hồng Y Puljic ban đầu cho biết ngài sẽ không thể tham gia vì lý do sức khỏe, nhưng cuối cùng các bác sĩ của ngài đã cho phép ngài đi và ngài dự kiến sẽ bỏ phiếu từ phòng của mình tại Casa Santa Marta.

Phòng của các Hồng Y tại dinh thự nơi Đức Giáo Hoàng Phanxicô sống dự kiến sẽ hoàn thành vào thứ Hai. Từ tối thứ Ba, ngày 6 tháng 5 đến sáng thứ Tư, ngày 7 tháng 5, trước Thánh lễ “Pro eligendo romano pontefice”, các Hồng Y dự kiến sẽ chuyển vào phòng của mình. Sau đó, các ngài sẽ được cách ly khỏi thế giới trong suốt Cơ Mật Viện.

Ống khói trên mái Nhà nguyện Sistina đã được lắp đặt xong. Các hoạt động này được thực hiện bởi Đội cứu hỏa Vatican, được thành lập vào năm 1941 và bao gồm khoảng 30 người. Họ được trang bị một số xe cứu hỏa và một chiếc thang lớn. Trên lãnh thổ Vatican, lính cứu hỏa bảo đảm dập tắt các đám cháy, đồng thời thực hiện các hoạt động cấp cứu, phòng ngừa tai nạn và kiểm soát thiết bị chữa cháy của quốc gia nhỏ bé này.

Những nỗ lực đáng chú ý trong những năm gần đây là giải cứu Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài bị kẹt trong thang máy và giải cứu một chú mèo bị mắc kẹt trên đỉnh Đền Thờ Thánh Phêrô.

5. Cập nhật tin tức về việc chuẩn bị cho Cơ Mật Viện bầu tân Giáo Hoàng

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết số ký giả ghi danh tại Phòng Báo chí Tòa Thánh đã lên tới hơn bốn ngàn người, đến từ các nước trên thế giới. Đài Vatican sẽ bố trí một máy thu hình và phát trực tiếp khi khói được xông lên từ ống khói vừa được lắp đặt trên nóc nhà nguyện Sistina. Cũng có ánh đèn điện chiếu vào khói để trong trường hợp đêm tối, dân chúng vẫn có thể nhìn rõ đó là khỏi trắng hay khói đen.

Nhà nguyện Sistina đã được đóng cửa đối với các du khách, từ Chúa nhật ngày 27 tháng Tư để các nhân viên chuẩn bị cho cuộc bầu cử, bố trí hệ thống âm thanh, bàn ghế và những gì cần thiết.

Về an ninh của Cơ Mật Viện, Ông Matteo Bruni cho biết Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, là người chịu trách nhiệm chỉ đạo các nhân viên Vatican bảo vệ tính toàn vẹn và an ninh của Cơ Mật Viện. Từ ngày thứ Ba, 6 tháng 5, hiến binh Vatican sẽ phối hợp với quân đội Ý lắp đặt các thiết bị gây nhiễu điện tử để tránh nghe lén và thông tin từ bên trong ra ngoài. Không chỉ có các Hồng Y cử tri trong khu vực cần được bảo vệ, còn có ít nhất là 60 nhân viên bao gồm 40 nhân viên của Vatican và 20 nhân viên từ bên ngoài.

Ông Matteo Bruni cho biết thêm trong Nhà nguyện Sistina, không có hệ thống thông dịch bằng sáu thứ tiếng, như trong các phiên họp Đại Hội Đồng hiện nay của Hồng Y đoàn, trái lại ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Latinh, cũng như nghi thức tuyên thệ của các Hồng Y. Vì thế, các Hồng Y sẽ phải xoay sở giúp đỡ nhau về ngôn ngữ này.

Chiều thứ Tư, ngày 07 tháng Năm, trong nghi thức đi rước từ Nhà nguyện Paolina đến Nhà nguyện Sistina, các Hồng Y cử tri vừa đi vừa hát Kinh cầu các thánh. Sau khi an tọa tại nhà nguyện, các vị sẽ nghe bài giảng của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, Dòng Capuchino, nguyên giảng thuyết viên tại Phủ Đức Giáo Hoàng, rồi tiến hành ngay cuộc bỏ phiếu đầu tiên.

Như vậy, trong ngày đầu tiên thứ Tư 7 Tháng Năm, sẽ có một cuộc bỏ phiếu.

6. Lễ tuyên thệ của các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ bị hoãn lại vì Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng

Các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ được tuyển chọn trong số những người nam đang độc thân, là người Công Giáo, là công dân Thụy Sĩ tuổi từ 19 đến 30, cao tối thiểu 174 cm đã hoàn thành khóa đào tạo cơ bản của đội Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ và có giấy chứng nhận hạnh kiểm tốt, phải có bằng cấp chuyên ngành hoặc tốt nghiệp trung học.

Hàng năm các tân binh được tuyên thệ nhậm chức vào ngày 6 tháng 5 tại Sân San Damaso thuộc nội thành Vatican nhân dịp kỷ niệm biến cố thành Rôma bị cướp phá bởi quân đội của Hoàng đế Charles Đệ Ngũ vào năm 1527. 147 Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã chết để bảo vệ Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, theo Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, lễ tuyên thệ của các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ dự kiến vào ngày Thứ Ba, 06 Tháng Năm, bị hoãn lại vì Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng.

Từ năm 1970 các Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của họ không chỉ đơn thuần mang tính nghi lễ, họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới. Vai trò của Ngự Lâm Quân Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời.

Hiện nay đoàn Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ gồm 110 người.

7. Ứng viên Giáo Hoàng sáng giá: Đức Hồng Y Raymond Burke

Đức Hồng Y Raymond Burke sinh ngày 30 tháng 6 năm 1948, tại Richland, Wisconsin, Hoa Kỳ. Ngài được Đức Bênêđíctô XVI tấn phong Hồng Y ngày 20 tháng 11 năm 2010.

Là con út trong gia đình có sáu người con có mối liên hệ chặt chẽ với nguồn gốc di dân Ái Nhĩ Lan, Đức Hồng Y Raymond Burke lớn lên tại một trang trại bò sữa ở vùng nông thôn miền Trung Tây nước Mỹ.

Ngài nhớ lại với sự trìu mến những lời chỉ dạy về Đức tin Công Giáo mà ngài nhận được từ cha mẹ mình, một người cha Công Giáo Ái Nhĩ Lan và một người mẹ theo đạo Baptist người Mỹ đã cải đạo sang Công Giáo sau khi gặp chồng mình. Cha ngài qua đời vì khối u não khi Raymond mới tám tuổi.

Sau thời gian theo học tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, ngài được gửi đến Rôma, theo học tại Đại học Giáo Hoàng Grêgôriô của Dòng Tên, nơi có nhiều vị Giáo Hoàng tốt nghiệp hơn bất kỳ trường đại học nào khác trên thế giới. Năm 1975, vào ngày lễ trọng kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ, ngày 29 tháng 6, ngài được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục phong chức linh mục. Sau một vài năm làm công tác mục vụ và giảng dạy, ngài được gửi trở lại Đại Học Grêgôriô, nơi ngài hoàn thành bằng tiến sĩ giáo luật trước khi trở lại Giáo phận La Crosse, Wisconsin vào năm 1983, nơi ngài phục vụ với tư cách là người điều hành Giáo triều và phó chưởng ấn. Đức Gioan Phaolô II đã gọi Cha Burke trở lại Rôma lần thứ ba vào năm 1989 để phục vụ tại Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh. Vào thời điểm này, Cha Burke cũng dạy giáo luật tại trường cũ của mình.

Năm 1995, Cha Burke được Đức Gioan Phaolô II tấn phong giám mục và được bổ nhiệm làm giám mục của La Crosse. Trong nhiệm kỳ của mình, Đức Cha Burke đã hình thành ý tưởng xây dựng một đền thờ lớn dành riêng cho Đức Mẹ Guadalupe, là bổn mạng của Mỹ Châu. Cuối cùng, đền thờ đã được khánh thành vào năm 2008, khi đó ngài đã là tổng giám mục của Saint Louis, Missouri, được năm năm. Giữa nhiều nhiệm vụ mục vụ của mình, ngài vẫn tiếp tục xuất bản các tác phẩm học thuật. Được công nhận rộng rãi là một chuyên gia về giáo luật, Đức Cha Burke đã được đưa trở lại Rôma lần thứ tư khi Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm ngài làm chánh án Tối Cao Pháp Viện. Ngài được vinh thăng Hồng Y vào năm 2010, và kể từ đó, ngài tiếp tục công việc của mình về giáo luật cùng với nhiều sứ vụ tông đồ khác.

Năm 2014, nhiệm kỳ của Đức Hồng Y Burke tại Tối Cao Pháp Viện đã kết thúc, và thay vì gia hạn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm người bảo trợ của Dòng Quân sự Tối cao Malta. Năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ngài trở lại Tối Cao Pháp Viện, bổ nhiệm ngài làm thành viên của tòa án tối cao của Giáo hội để ngài có thể phục vụ với tư cách là một trong những thẩm phán của tòa án khi cần thiết.

Được công nhận rộng rãi là một trong những chuyên gia hàng đầu của Giáo hội về giáo luật, Đức Hồng Y Raymond Burke còn được biết đến trên toàn thế giới vì công tác tông đồ quốc tế của mình, bao gồm việc ủng hộ các hoạt động đấu tranh cho quyền được sống, phụng vụ truyền thống, lòng sùng kính Bí tích Thánh Thể, Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Tâm.

Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria của Đức Hồng Y Burke được thể hiện qua dự án thành công của ngài là xây dựng Đền thờ Đức Mẹ Guadalupe ở La Crosse, Wisconsin. Là một giám mục giáo phận, ngài thúc đẩy sự phát triển của đời sống tôn giáo trong giáo phận của mình và thực thi kỷ luật khi cần thiết. Ngài đặc biệt kiên quyết trong việc bảo vệ cả tính thiêng liêng của các bí tích và tính bất khả xâm phạm của mọi sự sống con người, đáng chú ý nhất là không cho các nhà lập pháp Công Giáo cổ xúy phá thai được rước lễ.

Trong kinh nghiệm làm việc tại giáo triều với tư cách là cựu chánh án Tối Cao Pháp Viện, cũng như các chức vụ khác tại giáo triều, ngài đã thể hiện cam kết thực hiện các giáo huấn của Giáo hội theo truyền thống Công Giáo và Công đồng Vatican II, tuân thủ việc áp dụng luật Giáo hội một cách công bằng và chính trực.

Đức Hồng Y Burke được biết đến với lòng trung thành với giáo lý được mạc khải của Giáo hội, một đặc điểm đôi khi đã gây ra sự chỉ trích gay gắt từ những người theo đường lối cấp tiến trong Giáo hội, những người thường không thể chấp nhận những giáo lý đó. Ngài đã đáp lại bằng sự khiêm nhường và cầu nguyện trong khi vẫn kiên định với niềm tin của mình, khiến nhiều tín hữu tìm đến ngài để được hướng dẫn khi họ có nghi ngờ hoặc bối rối về sự lãnh đạo của Giáo hội. Những người được đào tạo bài bản sẽ thấy một giám mục Công Giáo đáng tin cậy và có thể giải quyết các vấn đề về đức tin, dù là giáo lý hay giáo luật. Và mặc dù ngài bị tước bỏ hầu hết mọi vai trò trong giáo hội, họ thường sẽ tìm đến Đức Hồng Y Burke khi họ đến thăm Rôma — một dấu hiệu cho thấy sự thánh thiện cá nhân của ngài và cảm thức đức tin trong hành động. Ngài dành thời gian để gặp gỡ du khách nếu ngài có thể và sẵn sàng truyền đạt lời khuyên của mình. Gần đây, ngài đã sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số để quảng bá những giáo huấn của mình.

Ngoài tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, Đức Hồng Y Burke còn thông thạo tiếng Latin, tiếng Pháp, tiếng Ý và mặc dù ngài không phải là chuyên gia về tiếng Tây Ban Nha, nhưng ngài đã có những bài giảng song ngữ và có khả năng thuyết giảng và viết bằng ngôn ngữ này.

Mối quan hệ của ngài với Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở nên căng thẳng vì vị Hồng Y này không ngại chỉ trích Đức Giáo Hoàng khi ngài cho rằng điều đó là cần thiết. Điều này đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2023 khi Đức Thánh Cha Phanxicô cắt bỏ trợ cấp, lương hưu và chăm sóc sức khỏe của ngài, và cố gắng đuổi ngài khỏi căn nhà ở Vatican với lý do ngài đã “chống lại Giáo hội và chống lại Đức Giáo Hoàng” và rằng ngài đã gieo rắc “sự chia rẽ” trong Giáo hội. Về phần mình, Đức Hồng Y Burke coi vai trò của mình là hỗ trợ và tin rằng ngài có nghĩa vụ với tư cách là cố vấn Hồng Y cho Đức Giáo Hoàng để đưa ra những lời chỉ trích mang tính xây dựng, luôn dựa trên đức tin, lý trí và truyền thống tông đồ.

Là điểm tham chiếu cho các tín hữu trên toàn thế giới đang tìm kiếm tiếng nói rõ ràng và nhất quán với truyền thống tông đồ từ các Hồng Y về các vấn đề mà Giáo hội đang phải đối mặt ngày nay, Đức Hồng Y Burke được biết đến là người ủng hộ đáng tin cậy cho tính chính thống và lòng đạo đức Công Giáo truyền thống, và là một giáo sĩ có mối quan tâm sâu sắc đến phần rỗi các linh hồn.

Năm 2021, Đức Hồng Y đã bị Covid rất nặng và cận kề cái chết. Ngài tin chắc rằng sự hồi phục của ngài là kỳ diệu nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ và nhiều lời cầu nguyện của các tín hữu. Ngài tin rằng ngài đã được cứu để “làm một số công việc trong tương lai mà Chúa” giao cho ngài.

Một số quan điểm tiêu biểu của ngài

Ngài cương quyết chống lại việc phong chức cho phụ nữ. Bình luận về tông huấn hậu Thượng hội đồng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Querida Amazonia (Amazon yêu dấu), Đức Hồng Y Burke cho biết ngài “rất biết ơn” vì văn kiện này dường như nói rằng phụ nữ sẽ không thể được nhận vào chức phó tế.

Đức Hồng Y Burke đã nói về việc Tiến Trình Công Nghị Đức chấp thuận các phước lành đồng giới vào năm 2023 rằng “đây là những tội lỗi chống lại chính Chúa Kitô và… có bản chất nghiêm trọng nhất. Bộ Giáo luật đưa ra các biện pháp trừng phạt thích hợp.” Ngài nói thêm: “Điều mà quyết định của Tiến Trình Công Nghị Đức làm là biến Giáo hội thành một loại cơ quan của con người.”

Đức Hồng Y Burke cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 rằng việc biến việc độc thân của giáo sĩ thành tùy chọn “sẽ là một vấn đề rất nghiêm trọng vì nó liên quan đến tấm gương của chính Chúa Kitô, và Giáo hội luôn trân trọng việc các linh mục noi theo tấm gương của Chúa Kitô, cũng như trong việc độc thân của Người… Đó là điều gì đó hơn cả một kỷ luật, và do đó tôi nghĩ rằng rất khó để hình dung rằng sẽ có sự thay đổi về điều này.”

Đức Hồng Y Burke kiên quyết phản đối Traditionis Custodes mà ngài gọi là “khắt khe và mang tính nổi loạn” và đặt câu hỏi về thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng trong việc thu hồi nghi lễ này.

Đức Hồng Y Burke đã chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc và ca ngợi Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, người đã chỉ trích mạnh mẽ các hiệp định, gọi ngài là “một mục tử thực sự ngày nay đối với những người Công Giáo ở Trung Quốc, những người vẫn trung thành với Chúa Kitô và đang phải chịu sự đàn áp của chính quyền cộng sản vô thần của Trung Quốc. “

Trong lời tựa của một cuốn sách viết năm 2023, Đức Hồng Y Burke cho biết “tính đồng nghị và tính từ của nó, đã trở thành những khẩu hiệu mà đằng sau đó là một cuộc cách mạng đang diễn ra để thay đổi triệt để cách hiểu về bản thân của Giáo hội, phù hợp với một ý thức hệ đương đại phủ nhận phần lớn những gì Giáo hội vẫn luôn dạy và thực hành”.

8. Những ảnh hưởng bên ngoài: Đức và Trung Quốc đang cố gắng tác động đến Cơ Mật Viện như thế nào

Jonathan Liedl, biên tập viên cao cấp của tờ National Catholic Register, có bài nhan đề nhan đề “Outside Influences: How Germany and China Are Trying to Impact the Conclave”, nghĩa là “Những ảnh hưởng bên ngoài: Đức và Trung Quốc đang cố gắng tác động đến Cơ Mật Viện như thế nào”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Những động thái mới nhất của Tiến trình Công Nghị Đức và Đảng Cộng sản Trung Quốc rõ ràng là nhằm tác động đến những gì diễn ra bên trong Nhà nguyện Sistina — nhưng liệu chúng có gây ra phản tác dụng không?

Có bằng chứng xác đáng cho thấy các sự kiện trong những ngày trước Cơ Mật Viện có thể ảnh hưởng đến việc ai sẽ được bầu là Giáo Hoàng.

Phát xuất từ một từ tiếng Ý có nghĩa là “một căn phòng bị khóa”, Conclave hay Cơ Mật Viện thực sự là một nơi tách biệt với thế giới bên ngoài. Nhưng điều đó không có nghĩa là các sự kiện diễn ra bên ngoài Nhà nguyện Sistina không nằm trong tâm trí của các Hồng Y cử tri khi các ngài bắt đầu thời kỳ cách ly.

Hai vấn đề có thể nảy sinh trong tâm trí 133 vị bỏ phiếu bầu Đức Giáo Hoàng khi Cơ Mật Viện bắt đầu vào ngày 7 tháng 5 là các phước lành cho người đồng giới ở Đức và thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc.

Đây không phải là ngẫu nhiên. Thay vào đó, đây là kết quả của một cặp diễn biến gần đây từ bên ngoài Rôma, chắc chắn sẽ định hình các cuộc trò chuyện đang diễn ra tại Vatican ngay lúc này — và các lá phiếu sẽ được bỏ trong vòng chưa đầy một tuần nữa.

Đầu tiên, vào ngày 23 tháng 4, chỉ hai ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô qua đời, Hội đồng Giám mục Đức đã công bố hướng dẫn về “lễ ban phước” cho các cặp trong “những tình huống bất thường” — bao gồm cả các cặp đồng giới. Việc bảo đảm các lễ ban phước chính thức cho các cặp đồng giới từ lâu đã là mục tiêu của chiến dịch Tiến Trình Công Nghị bị chỉ trích nhiều của Đức, và động thái mới nhất này thách thức Tuyên ngôn Fiducia Supplicans, là hướng dẫn năm 2023 của Vatican về chủ đề này, trong đó chỉ cho phép ban phước “tự phát” cho những người tình cờ có mối quan hệ đồng giới, chứ không phải “hợp pháp hóa tình trạng của cặp đó”.

Sau đó, mặc dù không có Đức Giáo Hoàng nào để phê chuẩn việc bổ nhiệm giám mục, chính quyền Trung Quốc đã “bầu” hai giám mục mới vào ngày 28 tháng 4, bao gồm một giám mục trong một giáo phận đã do một giám mục được Vatican công nhận lãnh đạo. Diễn biến này là diễn biến mới nhất trong một loạt các kết quả đáng ngờ kể từ khi Vatican ký một thỏa thuận năm 2018 tham gia vào một quá trình chung với chính phủ Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, một thỏa thuận mà Vatican thừa nhận đã bị lạm dụng nhiều lần, nhưng vẫn được gia hạn vào năm 2024.

Ở giai đoạn này của quá trình lựa chọn Đức Giáo Hoàng tiếp theo, thật khó để tưởng tượng rằng bất kỳ diễn biến nào trong số này xảy ra mà không có những người chịu trách nhiệm có ý định tác động đến Cơ Mật Viện.

Interregnum — tiếng Latin có nghĩa là “giữa các triều đại” — là thời điểm mà phần lớn đời sống thể chế của Giáo hội bị đình trệ. Các nhà lãnh đạo các bộ của Vatican không còn giữ chức vụ, các quá trình phong thánh bị đình chỉ và việc bổ nhiệm các nhà ngoại giao đại diện cho Đức Giáo Hoàng bị tạm dừng. Bất kỳ động thái nào trong giai đoạn này đều không phải là ngẫu nhiên — nó có ý nghĩa cao hơn và có mục đích tạo ra tác động.

Trên thực tế, khoảng thời gian giữa cái chết của Đức Giáo Hoàng và thời điểm bắt đầu cách ly các Hồng Y cử tri thường được đánh dấu bằng những nỗ lực mạnh mẽ nhằm tác động đến các Hồng Y cử tri bầu Đức Giáo Hoàng — thông qua các chiến dịch truyền thông hay các hành động khiêu khích như từ Đức và Trung Quốc.

Và không phải không có lý do: Có bằng chứng xác đáng cho thấy các sự kiện trong những ngày trước Cơ Mật Viện có thể ảnh hưởng đến việc ai sẽ được bầu làm Giáo Hoàng.

Ví dụ, vào năm 2013, người ta tin rằng triển vọng trở thành Giáo Hoàng của Đức Hồng Y Angelo Scola đã bị ảnh hưởng sau khi cảnh sát Ý đột kích các văn phòng trên khắp tổng giáo phận của ngài như một phần của cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến một trong những cộng sự cũ của vị Hồng Y người Milan - chỉ vài giờ trước khi Cơ Mật Viện bắt đầu vào ngày 12 tháng 3. Và vào năm 1914, Cơ Mật Viện bầu Đức Giáo Hoàng bắt đầu chỉ ba ngày sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, có thể đã ảnh hưởng đến các Hồng Y để lựa chọn nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm là Hồng Y Giacomo della Chiesa, người đã trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 15.

Trên thực tế, khả năng các Hồng Y cử tri bị ảnh hưởng quá mức bởi các sự kiện và chiến dịch gây áp lực trước Cơ Mật Viện đã khiến một số người cho rằng các ngài nên bị cô lập ngay sau khi vị đương kim Giáo Hoàng qua đời.

Ở Đức, thông điệp gửi đến các Hồng Y cử tri có vẻ rõ ràng: Tiến Trình Công Nghị không hề chậm lại, và các Hồng Y nên bầu một vị Giáo Hoàng sẵn sàng “gặp gỡ người Đức ở nơi họ đang ở” — ở chỗ mà ngày càng vượt ra ngoài phạm vi của giáo lý chính thống Công Giáo.

Đối với Trung Quốc, động thái này có thể nhằm mục đích củng cố thế thượng phong của mình trong thỏa thuận với Vatican, khiến bất kỳ sự đảo ngược nào cũng có vẻ quá rủi ro đối với người Công Giáo Trung Quốc. Đồng thời, một nhà phân tích coi nỗ lực của Trung Quốc nhằm khuấy động sự bất mãn về thỏa thuận giữa các Hồng Y là một động thái chiến lược nhằm làm suy yếu triển vọng trở thành Đức Giáo Hoàng của người có liên quan nhiều nhất với họ, Hồng Y Pietro Parolin, Ngoại trưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhằm nâng cao vị thế của Hồng Y người Phi Luật Tân Luis Antonio Tagle.

Nếu điều này là đúng, Trung Quốc không phải là nước duy nhất cố gắng hạ thấp vị thế của Hồng Y Parolin ngay trước Cơ Mật Viện. Vị giám mục người Ý này đã là chủ đề của một số hình ảnh tiêu cực trên phương tiện truyền thông trong tuần này, bao gồm cả từ hai kênh truyền thông Công Giáo cấp tiến ở Hoa Kỳ

Đối với những động thái của Đức và Trung Quốc, cả hai đều có thể được coi là nỗ lực nhằm kìm hãm các Hồng Y cử tri và người mà họ chọn làm Đức Giáo Hoàng tiếp theo.

Tất nhiên, chúng có thể có tác dụng ngược lại. Kiểu đe dọa giáo hội này có thể thúc đẩy các Hồng Y cử tri ủng hộ một vị Giáo Hoàng sẵn sàng hơn Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc đối đầu với sự ngoan cố của Đức và sự bắt nạt của Trung Quốc.

Đức Thánh Cha Phanxicô coi trọng việc đối thoại với cả những nhà hoạt động của Tiến Trình Công Nghị Đức và những đảng viên Cộng sản Trung Quốc. Đức Cố Giáo Hoàng tin rằng những đột phá chỉ có thể xảy ra khi bạn vẫn đang trong cuộc trò chuyện. Nhưng sau những diễn biến mới nhất này, giờ đây có thể dễ dàng hơn trong số các Hồng Y khi lập luận rằng đường lối này không mang lại kết quả mong muốn. Một hướng hành động mới — có lẽ ít sẵn sàng chấp nhận những vi phạm những điều đã được thỏa thuận hoặc vượt qua các ranh giới của tín lý và kỷ luật của Giáo Hội — có thể được các Hồng Y cử tri ủng hộ. Và như thế dẫn đến kết quả hoàn toàn trái ngược với những gì các nhà lãnh đạo Giáo hội Đức và các quan chức Trung Quốc có thể đã dự định.

Tất nhiên, cũng có thể một cuộc đối đầu như vậy chính là mục tiêu mà Trung Quốc hướng đến – nhưng các giám mục Đức thì không.

Nhưng trong khi động cơ và tác động thực sự của chúng có thể chưa rõ ràng, thì những thay đổi từ Đức và Trung Quốc trong thời kỳ trống ngôi Giáo Hoàng chắc chắn có ý định ảnh hưởng đến Cơ Mật Viện. Và với những ngày tháng đang dần trôi qua trước khi 133 cử tri bị nhốt, hãy chờ đợi thêm những nỗ lực tác động đến quan điểm mà các ngài mang theo vào Nhà nguyện Sistina.


Source:National Catholic Register

9. Gặp gỡ Cơ Mật Viện: Đức Hồng Y Pietro Parolin

Tờ Pillar có bài viết nhan đề “Meet the conclave: Cardinal Pietro Parolin”, hay “Gặp gỡ Cơ Mật Viện: Đức Hồng Y Pietro Parolin”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Con đường của ngài từ thị trấn nhỏ của Ý đến đỉnh cao quyền lực của Vatican.

Khi Pietro Parolin lên chín tuổi, cha ngài qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Em gái của ngài, Maria Rosa Parolin sau đó đã mô tả sự kiện này là “rất bất ổn” đối với anh trai mình. Cha của họ là một người đàn ông rất sùng đạo, lòng sùng đạo của ông đã trở thành nguồn cảm hứng cho người con trai cả của mình.

Khi Pietro tuyên bố quyết định vào chủng viện, gia đình ngài không hề ngạc nhiên. Khi còn nhỏ, ngài đã mặc đồ đen và bắt chước cử hành Thánh lễ, khăng khăng bắt các em, anh chị em họ và bạn bè chơi cùng. Ngài luôn được nhìn thấy ở gần phía trước các cuộc rước kiệu của giáo xứ và thể hiện rất tốt trong các lớp giáo lý đến nỗi ngài đã nhận được một giải thưởng ở Rôma.

Sinh ra tại thị trấn nhỏ Schiavon ở đông bắc nước Ý, Parolin vào chủng viện năm 14 tuổi và được thụ phong linh mục tại Giáo phận Vicenza năm 1980. Em gái của ngài cho biết trong số khoảng 40 học viên ban đầu học cùng ngài, ngài là người duy nhất được thụ phong.

Điểm dừng chân tiếp theo của Parolin là Trường Ngoại Giao Tòa Thánh tại Rôma, là ngôi trường đào tạo các nhà ngoại giao của Vatican.

Nhiệm vụ đầu tiên của ngài là ở Nigeria, sau đó là Mễ Tây Cơ. Năm 2002, ngài được gọi đến Vatican để làm bí thư tại Phủ Quốc Vụ Khanh, bộ phận quyền lực giám sát quan hệ ngoại giao của Tòa thánh. Ngài giải quyết các danh mục nhạy cảm, giúp Vatican tái lập quan hệ với Việt Nam cộng sản, thông qua đường lối hòa giải mà sau này ngài áp dụng cho Trung Quốc.

Năm 2009, Tổng Giám Mục Parolin được bổ nhiệm làm sứ thần tòa thánh tại Venezuela, khi đó do nhà cách mạng Hugo Chávez cai trị, người có mối quan hệ đối kháng với Giáo hội địa phương. Bốn năm sau khi được bổ nhiệm, Đức Tổng Giám Mục Parolin nhận được một cuộc gọi từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô mới đắc cử.

“Đức Cha có thể giúp tôi một tay không?” Đức Giáo Hoàng hỏi.

Đức Phanxicô triệu tập Đức Tổng Giám Mục Parolin để làm Quốc vụ khanh Vatican, có thể nói là chức vụ quyền lực nhất của Vatican sau Đức Giáo Hoàng. Người tiền nhiệm của Đức Cha Parolin, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone không được trọng dụng trong triều Giáo Hoàng mới một phần vì ngài không có nền tảng ngoại giao truyền thống. Việc bổ nhiệm Đức Cha Parolin đã làm dịu đi những lời chỉ trích có ảnh hưởng trong Giáo triều Rôma, khôi phục lại quyền tối cao của ngoại giao tại Phủ Quốc vụ khanh.

Việc ưu tiên ngoại giao hơn các cân nhắc khác, chẳng hạn như ủng hộ nhân quyền, đã được thể hiện rõ trong quyết định của Tòa thánh về việc ký kết một thỏa thuận tạm thời với Bắc Kinh vào năm 2018.

Thỏa thuận, với các điều khoản chưa bao giờ được công bố, đã đặt ra một cơ chế bổ nhiệm giám mục, chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài hàng thập niên về vai trò nhà nước Trung Quốc nên đóng trong việc đề cử.

Nhưng thỏa thuận này gây nhiều tranh cãi. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng đã công khai cáo buộc Đức Hồng Y Parolin thao túng Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, gây bất lợi cho những người Công Giáo hầm trú, và gạt sang một bên những người chỉ trích trong nội bộ Vatican về thỏa thuận này. Đức Hồng Y Parolin đã bảo vệ hiệp ước, lập luận rằng tất cả các Vị Giáo Hoàng thế kỷ 21 đều tìm kiếm một thỏa thuận như vậy và đó “chỉ là điểm khởi đầu” trong nỗ lực khôi phục quan hệ Vatican-Trung Quốc.

Dưới sự giám sát của Đức Hồng Y Parolin, Phủ Quốc vụ khanh đã mất hàng triệu euro trong một thỏa thuận bất động sản đầu cơ ở Luân Đôn, gây ra một phiên tòa tài chính rộng lớn của Vatican và thúc đẩy Đức Giáo Hoàng Phanxicô ra lệnh cho bộ này từ bỏ quyền kiểm soát các tài sản được bảo vệ cẩn mật của mình. Nhưng Đức Hồng Y Parolin đã tránh bị hoen ố trực tiếp bởi vụ bê bối tài chính, tiếp tục gây ảnh hưởng trên khắp Giáo hội toàn cầu, bao gồm cả thông qua tư cách thành viên của ngài trong Hội đồng cố vấn Đức Hồng Y của Đức Giáo Hoàng, một hội đồng đã giúp tạo ra một bản thiết kế mới cho Giáo triều Rôma, công nhận các đặc quyền của Phủ Quốc vụ khanh.

Với tư cách là Quốc vụ khanh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Hồng Y Parolin thường đóng vai trò là lính cứu hỏa, dập tắt những ngọn lửa ngoại giao bùng phát do những bình luận ngẫu hứng của Vị Giáo Hoàng người Á Căn Đình. Mặc dù vị Hồng Y người Ý này luôn xuất hiện trước công chúng, nhưng ngài lại ít khi tiết lộ về tính cách của mình. Ngài từng nói với tờ báo của giáo phận quê hương mình rằng: “Tôi làm những gì có thể nhưng tôi luôn làm bằng cả trái tim”. Và ngài nhanh chóng nói thêm: “Tôi hy vọng mình không có vẻ quá tự phụ”.

Những người đã gặp Đức Hồng Y Parolin cho biết ngài thích được gọi là “Don Pietro” — Cha Phêrô. Em gái của ngài cho rằng điều này là vì “trước hết và quan trọng nhất, anh ấy là một linh mục”.

Maria Rosa mô tả anh trai mình là “một người đàn ông điềm tĩnh, biết cách hòa đồng với mọi người”, nhớ lại một ngày họ cùng nhau đi mua sắm giá sách ở Ikea vào năm 2014. Bà nói rằng đó là “một câu chuyện về anh em chúng tôi mà tôi sẽ không bao giờ quên”.


Source:Pillar