Đức Giáo Hoàng: Phát triển Trí tuệ Nhân tạo (AI) phải xây dựng nhịp cầu đối thoại và thúc đẩy tình huynh đệ

Trong thông điệp do Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin ký gửi Hội nghị Thượng đỉnh về Trí tuệ Nhân tạo (AI), nhằm Lợi ích Chung của Liên Hợp Quốc diễn ra tại Geneva, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV khuyến khích các quốc gia thiết lập khuôn khổ và quy định để hoạt động vì lợi ích chung.

(Tin Vatican - Isabella H. de Carvalho)

Trong thông điệp gửi ngày 10 tháng 7 gửi tới các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Trí tuệ Nhân tạo (AI) vì Lợi ích Chung, diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 7, Đức Giáo Hoàng Lêô XIV khuyến khích các quốc gia thiết lập khuôn khổ và quy định về Trí tuệ Nhân tạo (AI) để Trí tuệ Nhân tạo (AI) có thể được phát triển và sử dụng vì lợi ích chung.

Thông điệp do Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin ký gửi viết: “Tôi mong muốn nhân cơ hội này khuyến khích các bạn tìm kiếm sự rõ ràng về mặt đạo đức và thiết lập một cơ chế quản trị Trí tuệ Nhân tạo (AI), phối hợp ở cấp địa phương và toàn cầu, dựa trên sự công nhận chung về phẩm giá vốn có và các quyền tự do cơ bản của con người”.

Hội nghị thượng đỉnh do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) của Liên Hợp Quốc tổ chức và do chính phủ Thụy Sĩ đồng chủ trì. Sự kiện này có sự tham gia của các chính phủ, các nhà lãnh đạo công nghệ, các học giả và nhiều người khác có quan tâm và làm việc trong lãnh vực Trí tuệ Nhân tạo (AI).

Trong một “thời đại đổi mới sâu sắc” này, khi nhiều người đang suy ngẫm về “ý nghĩa của việc làm”, thế giới “đang ở ngã ba đường, đối mặt với tiềm năng to lớn được tạo ra bởi cuộc cách mạng số do Trí tuệ Nhân tạo thúc đẩy”, như Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh trong thông điệp của mình.

Trí tuệ Nhân tạo (AI) đòi hỏi có sự quản lý đạo đức và khuôn khổ pháp lý

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh trong thông điệp của mình: “Khi Trí tuệ Nhân tạo (AI) có khả năng tự động thích ứng với nhiều tình huống bằng cách đưa ra các lựa chọn thuật toán thuần túy kỹ thuật, điều quan trọng là phải xem xét các hàm ý nhân học và đạo đức của nó, các giá trị đang bị đe dọa và các nghĩa vụ cũng như khuôn khổ pháp lý cần thiết để duy trì các giá trị đó”.

Ngài nhấn mạnh rằng “trách nhiệm xử dụng các hệ thống Trí tuệ Nhân tạo (AI) một cách đạo đức bắt đầu từ những người phát triển, quản lý và giám sát chúng”, nhưng người dùng cũng cần chia sẻ sứ mệnh này. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh, Trí tuệ Nhân tạo (AI) “đòi hỏi sự quản lý đạo đức và khuôn khổ pháp lý phù hợp, tập trung vào con người, và vượt ra ngoài các tiêu chí đơn thuần về tiện ích hay hiệu quả”.

Xây dựng xã hội hòa bình

Trích dẫn khái niệm “sự hài hòa của trật tự” của Thánh Augustinô, Đức Giáo Hoàng Leo nhấn mạnh rằng đây phải là mục tiêu chung và do đó, Trí tuệ Nhân tạo (AI) nên thúc đẩy “trật tự nhân văn hơn trong các mối quan hệ xã hội” và “xã hội hòa bình và công bằng, phục vụ sự phát triển toàn diện của con người và lợi ích của gia đình nhân loại”.

Đức Giáo Hoàng Leo cảnh báo: Mặc dù Trí tuệ Nhân tạo (AI) có thể mô phỏng tư duy của con người và thực hiện các nhiệm vụ một cách nhanh chóng và hiệu quả, hoặc chuyển đổi các lĩnh vực như “giáo dục, công việc, nghệ thuật, chăm sóc sức khỏe, quản trị, quân sự và truyền thông”, nhưng “nó không thể sao chép sự phân định đạo đức hoặc khả năng hình thành các mối quan hệ chân chính”.

Đối với ngài, sự phát triển của công nghệ này “phải song hành với sự tôn trọng các giá trị nhân văn và xã hội, khả năng phán đoán với lương tâm trong sáng, và sự phát triển trách nhiệm của con người”. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng điều này đòi hỏi “sự phân định để đảm bảo rằng Trí tuệ Nhân tạo (AI) được phát triển và sử dụng vì lợi ích chung, xây dựng cầu nối đối thoại và thúc đẩy tình huynh đệ”. Trí tuệ Nhân tạo (AI) cần phục vụ “lợi ích của toàn thể nhân loại”.