Anh chị em thân mến!

Đức Thánh Cha công bố Tin Mừng Phục Sinh
Đức Thánh Cha rửa tội tân tòng
Từ xa xưa, Phụng Vụ của ngày Lễ Phục Sinh đã bắt đầu với những lời như: Resurrexi et adhuc tecum sum – Con đã trỗi dậy, và con vẫn bên Cha, Cha đã đặt tay trên con. Phụng Vụ xem những lời này là những lời đầu tiên Con Một của Chúa Cha đã thốt lên sau khi Người phục sinh, sau khi Người từ trong tăm tối của cõi chết trở về với thế giới của sự sống. Bàn tay Chúa Cha đã nâng đỡ Người cả trong đêm ấy và nhờ thế Người có thể sống lại.

Những lời này lấy từ trong Thánh Vịnh 138, mà nguyên thủy mang một ý nghĩa khác. Thánh Vịnh đó là bài ca của một suy tư về quyền năng và sự hiện diện phổ quát của Thiên Chúa, một bài tụng ca nói lên niềm tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng không để tay ta trượt khỏi tay Ngài, một đôi tay từ ái. Vịnh Gia tưởng tượng chính mình đang trong cuộc hành trình đến những điểm xa tít tắp của vũ trụ - và điều gì đã xảy ra cho ông? “Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài. Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, đến ở nơi chân trời góc biển phương tây, tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn. Con tự nhủ: ‘Ước gì bóng tối bao phủ tôi’. Nhưng đối với Ngài, tối tăm chẳng có chi mù mịt, và đêm đen sáng tỏ như ban ngày” (Tv 138[139]:8-12).

Trong ngày lễ Phục Sinh, Giáo Hội bảo chúng ta rằng Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện cuộc hành trình tới những tận cùng của vũ trụ vì ta. Trong Thư gởi tín hữu Êphêsô chúng ta đọc thấy rằng Người đã xuống thẳm sâu mặt đất và Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn (x Ep 4:9). Thị kiến của Vịnh Gia, do đó, đã thành hiện thực. Trong bóng tối mịt mùng của sự Chết, Chúa Kitô tiến đến như ánh sáng – đêm đen thành như giữa ban ngày, và bóng tối trở thành ánh sáng. Vì thế, thật là chính đáng khi Giáo Hội xem những lời tụng ca và tín thác này như những lời đầu tiên Chúa Phục Sinh thưa với Chúa Cha: “Vâng, Con đã xuống tận cùng mặt đất, đến cõi âm ty của sự chết, và đem ánh sáng đến những nơi ấy; giờ đây Con đã trỗi dậy và Con được nâng niu đời đời trong tay Cha”. Nhưng, những lời Chúa Phục Sinh thưa với Cha Ngài cũng là những lời Chúa muốn nói với mỗi một người chúng ta: “Thầy đã sống lại và vẫn ở với anh em”. Tay Thầy giữ lấy anh em. Bất cứ khi nào anh em trượt ngã, anh em sẽ trượt vào đôi tay Thầy. Thầy hiện diện với anh em ngay cả nơi cửa sự chết. Khi không ai còn đồng hành được với anh em xa hơn nữa, nơi anh em không còn có thể mang theo thứ gì với anh em, ngay cả lúc đó Thầy vẫn đứng đợi anh em, và vì anh em Thầy sẽ biến tối tăm thành ánh sáng.

Những lời này của Thánh Vịnh, được đọc như một đoạn đối thoại giữa Chúa Kitô Phục Sinh và chính chúng ta, cũng giải thích điều gì đã xảy ra trong bí tích Rửa Tội. Phép Rửa không phải chỉ là một sự tẩy rửa hay một sự thanh tẩy, và cũng không phải đơn thuần là một sự đón nhận vào một cộng đoàn. Đó là một cuộc tái sinh, một khởi đầu mới của sự sống. Đoạn thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma mà chúng ta vừa nghe chứa đầy những lời huyền nhiệm, theo đó, trong phép Rửa chúng ta được “hội nhập” trong sự tương đồng với cái chết của Chúa Kitô. Trong phép Rửa chúng ta hiến thân cho Chúa Kitô. Người đón nhận chúng ta vào trong Người để chúng ta không sống cho chính mình nhưng sống nhờ Người, với Người, và trong Người; để chúng ta có thể sống kết hiệp với Người và qua đó sống cho tha nhân. Trong phép Rửa chúng ta từ bỏ chính mình, đặt sự sống mình trong tay Chúa, và như thế chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô: “Không còn là tôi sống, nhưng chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Nếu chúng ta hiến thân như thế, nếu chúng ta dám chấp nhận cái chết của chính mình như thế thì biên giới giữa cái chết và sự sống không còn là tuyệt đối nữa. Ở phía bên kia sự chết, chúng ta bên cạnh Chúa Kitô, và như thế từ giờ ấy trở đi, chết không còn là một biên giới thực sự nữa. Thánh Phaolô nói rất rõ với chúng ta về điểm này trong Thư gởi Philípphê: “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em”. Ở hai bờ của đường biên sự chết, Thánh Phaolô luôn có Chúa bên cạnh nên không có sự khác biệt thật sự nào. Thật thế, Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 138 [139]: 5). Với các tín hữu Rôma, Thánh Phaolô viết: “Không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14:7ff)

Anh chị em tân tòng sắp lãnh nhận bí tích Rửa Tội thân mến,

Sự mới mẻ của bí tích Rửa Tội là đời sống chúng ta nay thuộc về Chúa chứ không thuộc về chúng ta nữa. Nhưng chính nhờ đó chúng ta không cô độc, cả trong cái chết, vì chúng ta ở với Chúa là Đấng Hằng Sống. Trong phép Rửa, cùng đồng hành với Chúa Kitô, chúng ta đã thực hiện cuộc hành trình xuyên vũ trụ đến tận chốn âm ti cõi chết. Bên cạnh Ngài và thực ra được che chở trong tình yêu Ngài, chúng ta không phải sợ chi. Ngài bao bọc chúng ta và đưa chúng ta đi tới những nơi chúng ta sẽ đến – Ngài chính là Sự Sống.

Chúng ta hãy trở lại lần nữa đêm Thứ Bảy Thánh này. Trong kinh Tin Kính, chúng ta nói về cuộc hành trình của Chúa Kitô rằng Ngài “xuống ngục tổ tông”. Điều gì đã xảy ra lúc đó? Vì không có kiến thức về cõi chết, chúng ta chỉ có thể tưởng tượng ra chiến thắng khải hoàn của Ngài trên sự chết với những hình ảnh còn khiếm khuyết. Tuy còn khiếm khuyết, chúng vẫn có thể giúp ta hiểu đôi điều về mầu nhiệm này. Phụng Vụ đã dùng những lời của Thánh Vịnh 23[24] để diễn tả việc Chúa bước vào chốn tối tăm cõi chết: “Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính!”. Những cửa tử đóng lại để không ai có thể trở về từ cõi chết. Không có chìa khóa nào cho những cửa sắt này. Nhưng Chúa Kitô có chìa khóa. Thánh Giá của Ngài mở rộng những cánh cửa tử, những cánh cửa kiên cố. Chúng không còn giam cầm được nữa. Thánh Giá của Ngài, tình yêu mãnh liệt của Ngài là chìa khóa mở chúng. Tình yêu của Đấng, dù là Thiên Chúa, đã trở thành phàm nhân để chết đi - tình yêu này có quyền năng mở toang những cánh cửa này. Tình yêu này mạnh hơn cái chết. Những tranh ảnh của Giáo Hội Đông Phương trình bày cách thức Chúa Kitô tiến vào thế giới của sự chết. Ngài mặc áo ánh sáng, vì Thiên Chúa là ánh sáng. “Tối tăm chẳng có chi mù mịt, và đêm đen sáng tỏ như ban ngày” (x. Tv 138[139]12). Khi bước vào cõi chết, Chúa Giêsu mang những dấu đanh, những dấu vết của cuộc thương khó: những vết thương và đau khổ của Ngài đã trở nên quyền năng: đó là những tình yêu khuất phục sự chết. Ngài gặp gỡ Ađam và tất cả những người nam nữ đang chờ đợi trong đêm đen của cõi chết. Khi chúng ta nhìn đến các ngài, chúng ta có thể nghe văng vẳng lời cầu của ông Giôna: “Từ lòng âm phủ, con cầu cứu, Ngài đã nghe tiếng con” (Gn 2:2) Trong mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa nên một với nhân loại – với Ađam. Nhưng chỉ trong lúc này, khi Ngài đã hoàn tất hành vi yêu thương tột cùng qua việc bước xuống đêm đen của cõi chết, Ngài mới thực sự hoàn tất cuộc hành trình nhập thể. Qua cái chết, giờ đây Ngài nắm lấy tay Ađam và tay của mọi người nam nữ đang chờ đợi Ngài và đưa họ vào cõi ánh sáng.

Nhưng chúng ta lại có thể hỏi: tất cả những hình ảnh này có ý nghĩa gì? Điều thực sự mới mẻ đã xảy ra trong trình thuật về Chúa Kitô là gì? Linh hồn con người được tạo thành bất tử cho nên chính xác là Chúa Kitô đã mang lại điều mới lạ gì? Linh hồn đúng là bất tử bởi vì thật độc đáo là con người vẫn trong trí nhớ và tình yêu của Thiên Chúa, dù con người có vấp phạm. Nhưng năng lực của chính con người không thể đưa con người lên nổi tới Thiên Chúa. Chúng ta thiếu những đôi cánh cần thiết để đưa chúng ta lên những tầng cao này. Hơn thế nữa, không gì khác có thể thỏa mãn muôn đời khát vọng con người ngoại trừ được bên Chúa. Đời đời không được kết hiệp với Chúa là một sự trừng phạt. Con người không thể đạt được những tầng cao này bằng chính mình nhưng con người ước ao những điều đó: “Từ thẳm sâu con kêu lên Chúa..” Chỉ có Chúa Phục Sinh mới có thể đưa chúng ta đến sự hiệp nhất với Thiên Chúa, tới những nơi năng lực chúng ta không thể đưa chúng ta đến. Chúa Kitô thực sự đặt con chiên lạc lên vai mình và đưa nó về nhà. Bám víu vào Nhiệm Thể Ngài chúng ta có sự sống, và trong tình hiệp thông với Nhiệm Thể Ngài, chúng ta đến được chính nơi lòng Chúa. Chỉ có như thế sự chết mới bị khuất phục, chúng ta mới được tự do và cuộc sống mới tràn trề hy vọng.

Đây là niềm vui của Lễ Vọng Phục Sinh: chúng ta được giải thoát. Trong sự phục sinh của Chúa Kitô, tình yêu đã được chứng tỏ mạnh hơn sự chết, mạnh hơn sự dữ. Tình yêu đã khiến Chúa Kitô đi xuống, và tình yêu cũng là năng lực đưa Ngài đi lên. Đó là quyền năng nhờ đó Chúa đưa chúng ta lên với Ngài. Trong sự hiệp nhất với tình yêu Ngài, được nảy sinh trên đôi cánh của tình yêu, như những người biết yêu, chúng ta hãy cùng với Ngài đi xuống thế giới của tối tăm vì biết rằng qua đó chúng ta cũng sẽ đi lên với Ngài. Trong đêm nay, chúng ta hãy cầu nguyện rằng: Lạy Chúa, xin chỉ cho chúng con thấy tình yêu mạnh hơn hận thù, tình yêu mạnh hơn sự chết. Chúng ta hãy đi xuống những nơi tối tăm và âm ti của thời đại tân tiến này, và nắm lấy đôi tay những ai đang chờ đợi chúng ta. Hãy mang họ đến nơi ánh sáng! Trong những đêm mịt mù của chính con, xin Chúa ở bên con để đưa con lên! Xin giúp con, xin giúp tất cả chúng con để cùng Chúa bước xuống những nơi tối tăm của những người đang chờ đợi Chúa, những người từ thẳm sâu đang kêu lên Ngài! Xin giúp chúng con mang ánh sáng của Chúa đến cho họ! Xin giúp chúng con nói tiếng “vâng” với tình yêu, một tình yêu khiến chúng con cùng đi xuống với Chúa và qua đó cùng đi lên với Ngài. Amen!