R. R. RENO, chủ bút First Things, ngày 21 tháng Tư, 2025, có bài viết về Đức Phanxicô:

Một người đàn ông phi thường đã rời khỏi hiện trường. Dòng Tên bắt đầu hoạt động cách đây gần năm trăm năm và nhanh chóng phát triển thành dòng tu có ảnh hưởng nhất (và đáng sợ nhất) ở châu Âu sau thời kỳ Cải cách. Đức Phanxicô là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên được bầu vào tòa Phêrô—một cột mốc lịch sử định hình nhiệm kỳ của ngài với tư cách là mục tử trưởng của Giáo Hội Công Giáo.

Các nhà sử học sẽ nhìn lại và cân nhắc những thành tựu và thất bại chuyên biệt trong mười hai năm làm giáo hoàng của ngài. Nhưng giọng điệu, tiến trình chung và khuynh hướng lãnh đạo Giáo hội của ngài phản ánh tính cách đặc biệt của Dòng Tên, được tô điểm bởi tính khí nóng nảy của chính ngài.

Các tu sĩ Dòng Tên là những người điều hành. Điều này được khuyến khích bởi việc đào tạo của họ. Trọng tâm của quá trình đào tạo của họ là các Bài tập Linh thao, một mô hình suy niệm và cầu nguyện do người sáng lập Dòng Tên, Thánh Inhã thành Loyola, thiết lập. Các bài tập được thực hiện trong sự cô tịch. Mục đích của chúng là làm cho Chúa trở nên gần gũi hơn, để các tu sĩ Dòng Tên trong quá trình đào tạo có thể nhận được sứ mệnh riêng biệt của Chúa dành cho họ, và chỉ một mình họ mà thôi. Tôi đã thực hiện một phiên bản tám ngày của Bài tập Linh thao. (Phiên bản ba mươi ngày được yêu cầu đối với các tu sĩ Dòng Tên ở nhiều giai đoạn đào tạo khác nhau.) Tôi có thể báo cáo rằng đây là một công cụ rất hữu hiệu để phân định điều duy nhất mà Chúa đang kêu gọi bạn làm.

Hiệu quả của quá trình đào tạo này là sự kiên định thánh thiện, thường tạo ra sự thiếu kiên nhẫn với những trở ngại, ngay cả những trở ngại do các bổn phận đạo đức và tôn giáo tạo ra.

Ví dụ, Thánh Inhã cho phép các thành viên của dòng miễn trừ nghĩa vụ lịch sử của giáo sĩ là phải đọc kinh nhật tụng, những lời cầu nguyện buổi sáng và buổi tối được gọi là sách nguyện. Họ có thể làm như vậy nếu sứ mệnh tông đồ của họ yêu cầu. Matteo Ricci, một tu sĩ Dòng Tên đã đến Trung Quốc vào thế kỷ XVI, nổi tiếng là đã miễn trừ trang phục giáo sĩ và trở thành một nhà hiền triết Khổng giáo, để truyền bá Tin mừng tốt hơn cho giới tinh hoa Trung Quốc.

Vào thế kỷ XVII và XVIII, các tu sĩ Dòng Tên đã len lỏi vào cung điện hoàng gia, nổi tiếng là những người xưng tội không quá khắt khe. Họ bị cáo buộc cho phép sự gian dối, đặc biệt là trong chính các thừa tác vụ của họ. Trong thời đại đó, thuật ngữ “mập mờ nước đôi như tu sĩ Dòng Tên [Jesuitical]” đã được đặt ra. Thuật ngữ này có nghĩa là đưa ra những sự phân biệt khéo léo biến lệnh cấm thành sự cho phép. Tất cả những điều này và hơn thế nữa giống như việc Thánh Inhã đình chỉ nghĩa vụ đọc kinh thần vụ: Người ta phải làm những gì cần thiết để hoàn thành sứ mệnh mà Chúa giao phó.

Triều đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô thể hiện sự thiếu kiên nhẫn của Dòng Tên với các truyền thống ràng buộc và các quy tắc hạn chế. Trong nhiều thế kỷ, tổng giám mục Milan và thượng phụ Venice đã được phong làm Hồng Y. Ngày nay, không ai trong số họ là Hồng Y. Đó là một truyền thống đáng kính mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phá vỡ.

Mặc dù Amoris Laetitia, văn kiện gây tranh cãi dường như cho phép những người Công Giáo đã ly hôn và tái hôn được rước lễ, có lý lẽ hay ho—và tôi dám nói là theo kiểu mập mờ Dòng Tên—nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như không mấy quan tâm đến các chi tiết thần học. Điều quan trọng là kết quả. Theo ước tính của tôi, cách tiếp cận này xuất phát từ một tính toán chính trị-văn hóa tinh tế rằng một sự nhượng bộ rất vừa phải đối với cuộc cách mạng tình dục sẽ mua được thời gian, cho phép Giáo hội điều hướng qua vùng nước đầy sóng gió của thái độ phi truyền thống ngày nay đối với tình dục, hôn nhân và nhiều khía cạnh riêng tư khác của cuộc sống. Nếu đúng như vậy, tôi phải thừa nhận rằng đó không phải là một nước cờ ngu ngốc trên bàn cờ chính trị văn hóa. Dưới sự lãnh đạo của ngài, Giáo Hội Công Giáo không thực hiện bất cứ thay đổi đáng kể nào đối với các giáo lý trái ngược với cuộc cách mạng tình dục.

Tôi nghĩ rằng Đức Phanxicô cũng đã có một nước đi thông minh trong cuộc cạnh tranh giữa Giáo hội Đức và Rome. Sự nhượng bộ nhỏ cho phép những người Công Giáo đã ly hôn và tái hôn được rước lễ, cùng với những cử chỉ hùng biện cho thấy sẽ có nhiều nhượng bộ lớn hơn nữa, đã cho phép Đức Phanxicô cứng rắn đáp trả các yêu cầu của Đức về những điều chỉnh rõ ràng và chính thức đối với cuộc cách mạng tình dục. Như tôi đã lưu ý, các tu sĩ Dòng Tên là những người điều hành.

Một con đường tương tự đã được thực hiện với Giáo hội Trung Quốc. Một thỏa thuận bí mật đã được thực hiện với Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan đến việc quản lý Giáo hội tại Trung Quốc. Không có gì ngạc nhiên ở đây; bí mật là nghề nghiệp lý tưởng của một tu sĩ Dòng Tên, cho phép giải quyết mọi vấn đề sau cánh cửa đóng kín, dựa vào ngoại giao và mưu mô. Nếu Trung Quốc trở thành một quốc gia Công Giáo trong một trăm năm tới, Đức Phanxicô sẽ được minh oan trong các chiến thuật của ngài.

Thông điệp được đọc rộng rãi nhất của Giáo hoàng Phanxicô là Laudato Si. Nó cũng rất khéo léo về mặt chính trị. Chủ đề được đề cập là chủ nghĩa môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Điều này thể hiện sự dịch chuyển khỏi hôn nhân, phá thai và đạo đức tình dục, những chủ đề mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô đã đề cập. Những giáo lý Công Giáo về những chủ đề này không được giới tinh hoa phương Tây ưa chuộng. Ngược lại, họ rất nhiệt tình với hoạt động vì khí hậu và đôi khi Laudato Si nghe giống như một ban hướng dẫn hội thảo của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thông điệp này cũng bao gồm những gì về cơ bản là một lời lên án nền văn hóa phương Tây duy tư bản và kỹ thuật. Một lần nữa, một động thái chính trị đáng chú ý: làm vừa lòng giới tinh hoa phương Tây trong khi làm suy yếu nền tảng kinh tế-văn hóa của quyền lực của họ.

Trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kém linh hoạt hơn. Nỗ lực đàn áp Thánh lễ La tinh ở Hoa Kỳ đã bị cản trở. Có lẽ những sai lầm chính trị nảy sinh vì ngài và nhóm thân cận của ngài lo lắng về sự kết hợp giữa sự giàu có và sức sống trong Công Giáo Hoa Kỳ, một sự kết hợp khiến các giám mục Hoa Kỳ khó bị thao túng hơn. Hoặc có thể nó phản ánh thói quen chống Mỹ của người Mỹ Latinh cùng thế hệ với ngài. Dù nguyên nhân là gì, thì đó là một ngoại lệ đối với sự đánh lạc hướng và thông điệp kép thường thấy đặc trưng cho phong cách quản lý của ngài.

Người Argentina có một câu chuyện cười về Tướng Juan Perón. Ông đang ngồi ở phía sau xe limousine của mình khi xe đến gần ngã tư. Người lái xe ngả người ra sau và hỏi, "Thưa đại tướng, tôi nên rẽ theo hướng nào?" Perón trả lời, "Báo hiệu bên trái, rẽ phải". Câu chuyện cười tương tự cũng có thể được kể về nhiều tu sĩ Dòng Tên.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một người theo chủ nghĩa Perón và một tu sĩ Dòng Tên. Triều đại giáo hoàng của ngài kéo dài mười hai năm điều động, đôi khi khéo léo, đôi khi không khéo léo. Mọi thứ đều được biến thành một công cụ, bao gồm học thuyết, các cuộc họp thượng hội đồng, các chức vụ nhà thờ, v.v. Về vấn đề này, triều đại giáo hoàng hoàn toàn mang tính bản vị, nằm trong mầu nhiệm của một điều duy nhất mà Chúa gọi Jorge Bergoglio làm như một người lính của Chúa Kitô. Kết quả là, tính cách đặc biệt của triều đại giáo hoàng đã chết cùng với ngài, chỉ để lại rất ít ngoài sự kinh ngạc của chúng ta.

Tôi cầu nguyện cho linh hồn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được an nghỉ. Cầu mong ngài được nghỉ ngơi trong vòng tay của Chúa Kitô, Đấng mà ngài đã hết lòng tìm kiếm để phục vụ.