Theo tin tưởng phổ biến hiện nay, vào khoảng ngày này tuần sau, chúng ta sẽ có nhiều khả năng được nghe lời công bố Habemus papam.

Habemus papam hay Papam habemus, nghĩa là “Chúng ta đã có Đức Giáo Hoàng” là lời thông báo theo truyền thống do vị Hồng Y trưởng đẳng phó tế loan báo bằng tiếng Latinh, đưa ra khi Cơ Mật Viện bầu ra được một vị Tân Giáo Hoàng.

Vị Hồng Y trưởng đẳng phó tế công bố Habemus papam phải là một Hồng Y cử tri và tham gia Cơ Mật Viện để khi có Tân Giáo Hoàng, ngài có mặt sẵn ở đó để đưa ra lời loan báo Habemus papam. Nếu ngài không phải là Hồng Y cử tri hay vì lý do gì đó không thể tham gia Cơ Mật Viện, như đau yếu chẳng hạn, thì Hồng Y Đoàn sẽ quyết định chọn một vị khác thường là vị Hồng Y cao niên nhất trong số các Hồng Y phó tế đang có mặt trong nhà nguyện Sistina.

Hồng Y Đoàn cũng phải chọn một vị khác nếu như chính vị Hồng Y trưởng đẳng phó tế ấy được bầu làm Tân Giáo Hoàng.

Trong Cơ Mật Viện hiện nay, hầu như chắc chắn là Đức Hồng Y Dominique Mamberti, là vị Hồng Y trưởng đẳng phó tế hiện nay, sẽ công bố Habemus papam.

Ngài sẽ đi trước Đức Tân Giáo Hoàng ra ban công trung tâm của Đền Thờ Thánh Phêrô. Ở đó ngài sẽ long trọng công bố trước thế giới danh tính vị Tân Giáo Hoàng trong lời loan báo Habemus papam.

Lời loan báo ấy bằng tiếng Latinh theo định dạng sau

Annuntio vobis gaudium magnum;

Habemus Papam:

Eminentissimum ac Reverendissimum Dominum,

Dominum

Sanctae Romanae Ecclesiae Cardinalem

qui sibi nomen imposuit.

Dịch ra tiếng Việt có nghĩa là

Tôi báo cho anh chị em một niềm vui lớn lao;

chúng ta vừa có một vị Giáo Hoàng:

vị lãnh đạo đáng kính và có uy tín nhất,

Đức

Là Hồng Y của Giáo hội Rôma thánh thiện

người đã lấy hiệu là.

Nội dung thông báo một phần được lấy cảm hứng từ Phúc âm Luca 2:10–11, ghi lại lời thiên thần báo tin cho những người chăn chiên về sự ra đời của Đấng Mêsia:

“Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa”

Việc áp dụng công thức này có từ khi Đức Hồng Y Odo Colonna được bầu làm Đức Giáo Hoàng Martin Đệ Ngũ vào năm 1417. Ngài được các Hồng Y và đại diện từ các quốc gia khác nhau chọn làm Tân Giáo Hoàng tại Công đồng Constance trong bối cảnh Giáo Hội có đến 3 ngụy Giáo Hoàng. Do đó, thông báo này có thể được hiểu là: “Cuối cùng, chúng ta đã có một Đức Giáo Hoàng và chỉ một!”

Công thức chúng tôi vừa nêu ở trên chỉ là một định dạng, nghĩa là, các vị công bố Habemus Papam có thể sửa lại chút đỉnh.

Trong cuộc bầu cử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 16 Tháng Mười, 1978, Đức Hồng Y Pericle Felici nói như sau, toàn bộ bằng tiếng Latinh:

Tôi xin báo cho anh chị em một niềm vui lớn lao; chúng ta vừa có một vị Giáo Hoàng: vị lãnh đạo đáng kính và có uy tín nhất, Đức Hồng Y Karol Wojtyła của Giáo hội Rôma thánh thiện, người lấy hiệu là Gioan Phaolô.

Trong cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, ngày 19 tháng 4 năm 2005 – đầu tiên Đức Hồng Y Jorge Medin nói bằng tiếng Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Anh câu “Anh chị em thân mến”. Rồi ngài nói bằng tiếng Latinh,

Tôi xin báo một tin vui trọng đại cho anh chị em; chúng ta vừa có một Vị Giáo Hoàng: vị lãnh đạo đáng kính và uy tín nhất, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, của Giáo hội Rôma, người lấy hiệu là Bênêđíctô XVI.

Trong cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngày 13 tháng 3 năm 2013 - Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran nói bằng tiếng Latinh:

Tôi xin báo cho anh chị em một niềm vui lớn lao; chúng ta có một vị Giáo Hoàng: vị lãnh đạo đáng kính và uy tín nhất, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Giáo hội Rôma, người lấy hiệu là Phanxicô.

Sau thông báo, Đức Tân Giáo Hoàng được giới thiệu với mọi người, và ngài sẽ ban phước lành Urbi et Orbi đầu tiên cho dân thành Rôma và toàn thế giới.

Danh hiệu Giáo Hoàng ban đầu có ý định Công Giáo hóa tên khai sinh của vị Tân Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng John Đệ Nhị, được bầu vào năm 533, là người đầu tiên làm như vậy vì tên khai sinh của ngài là Mercurius, theo tên vị thần Mercury của Rôma. Hiện nay, danh hiệu Giáo Hoàng thường được coi là sự tôn vinh các Giáo Hoàng trước đó và là dấu hiệu cho thấy đường lối công việc của vị tân Giáo Hoàng.

Nếu danh hiệu Giáo Hoàng lần đầu tiên được sử dụng như trong trường hợp Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lời công bố Habemus Papam sẽ không nhắc đến cụm từ Đệ Nhất. Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran chỉ đơn giản nói danh hiệu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là Franciscum thay vì Franciscum primi.

Nếu danh hiệu Giáo Hoàng của vị mới được bầu trùng với danh hiệu Giáo Hoàng của vị tiền nhiệm trực tiếp của ngài, lời công bố Habemus Papam cũng không nhắc đến con số theo sau danh hiệu ấy. Tháng 10, 1978 đã xảy ra trường hợp như vậy. Danh hiệu Giáo Hoàng của Đức Karol Wojtyła là Gioan Phaolô II. Danh hiệu của vị tiền nhiệm cũng là Gioan Phaolô. Vì thế, Đức Hồng Y Pericle Felici công bố danh hiệu Giáo Hoàng của ngài là Gioan Phaolô thay vì Gioan Phaolô II.