CHỌN ĐIỀU TỐT NHẤT
(Chúa Nhật XVI TN C)
Cứ mỗi lần nghe trích đọc bài Tin Mừng thánh sử Luca kể chuyện hai chị em nhà Bêtania, thì người ta dễ liên tưởng đến việc so sánh hơn kém giữa đời sống chiêm niệm và đời sống tông đồ hoạt động. Mọi sự thường có nguyên do. Đã một thời, đặc biệt sau Sắc Chỉ Milan năm 313, các sinh hoạt đức tin của Giáo hội xem ra khởi sắc và không ít vị mục tử lại gắn bó thiết thân với thế quyền. Bấy giờ xuất hiện một vài vị thánh tự nguyện ẩn mình, xa lánh thế trần để sống đời tu trì chiêm niệm. Một vài thánh giáo phụ đã căn cứ vào đoạn tin mừng này để đề cao đời sống chiêm niệm giá trị hơn đời sống tông đồ hoạt động. Thế nhưng nếu đọc kỹ lời Chúa Giêsu nói với Matta thì chúng ta sẽ thấy lối so sánh và áp dụng ở trên có phần khập khiễng và khiên cưỡng một cách nào đó.
“Matta! Matta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42). Khi khẳng định rằng Maria đã chọn phần tốt nhất thì Chúa Giêsu cũng hàm ý rằng cô chị Matta cũng chọn phần tốt nhưng chưa tốt nhất, mà nói nôm na là tốt nhì, tốt ba hay tốt tư… và sẽ bị ai đó, những ai đó chia phần hay lấy đi.
Chị em nhà Bêtania chọn điều tốt để cho mình hay để dâng trao cho Chúa Giêsu? Câu hỏi dường như đã có câu trả lời cụ thể qua hành vi của cô chị Matta. Matta chọn điều tốt không phải cho mình mà để dâng cho Chúa Giêsu. Đó là các món thức ăn mà chị đang tất bật nấu nướng. Và có thể nói rằng đó không chỉ là món ngon mà còn nhiều đến nỗi cô chị phải cầu cứu Chúa Giêsu biểu cô em phụ giúp một tay. Dâng trao cho ai đó cái mà chúng ta có, tuy tốt đẹp nhưng vẫn còn hạn chế, vì những cái chúng ta có, nếu làm bản liệt kê thì quá nhiều không sao kể xiết và người nhận có thể không dùng hết được. Trái lại khi dâng trao cái chúng ta là, thì chúng ta đã dâng trao trọn vẹn con người chúng ta.
Một nhận định thực tế, đó là những gì Matta chọn để dâng cho Chúa Giêsu thì “sẽ bị những ai đó lấy mất”, nghĩa là Chúa Giêsu không thể tự mình dùng tất cả những thức ăn Matta dâng. Xin đừng quên sự hiện diện của các tông đồ. Trái lại phần của Maria dâng cho Chúa Giêsu thì sẽ không bị ai lấy mất vì Maria đã dâng cho Thầy Chí thánh cái mình là, đó là con người của chị. Khi chúng ta thật tình chăm chú lắng nghe một ai đó tâm sự, thì một cách nào đó ta đã dâng trao trọn tấm lòng của mình cho người ấy. Con cái phụng dưỡng mẹ cha thì đúng là hiếu thảo nhưng khi con cái biết vâng nghe lời cha mẹ và sống theo ý lòng các đấng bậc sinh thành thì hiếu thảo hơn nhiều, vì khi ấy con cái đã dâng trọn tấm lòng của người con.
Một nghịch lý của tình yêu: Chính khi trao ban là lúc lãnh nhận và có thể lãnh nhận lại gấp bội so với phần đã hiến dâng. Bài đọc thứ nhất trích Sách Sáng Thế tường thuật tấm lòng hiếu khách của Abraham dành cho ba sứ thần của Thiên Chúa đã được đền đáp. Một chút nước để các vị rửa chân, một ít bánh, chút thịt bê cũng như chút sữa chua kính dâng các vị ấy dùng có thấm vào đâu với phần mà Abraham lãnh nhận lại. “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xara vợ ông sẽ có một con trai” (St 18,10). Chắc hẳn Abraham và bà Sara phải rất đỗi kinh ngạc trước phần mình sẽ lãnh nhận. Có được một đứa con trai làm người thừa tự trong cảnh hai ông bà đã cao niên mà còn son sẻ quả là một hạnh phúc vượt quá mọi niềm mơ ước.
Khi Maria dâng trao cho Thầy Giêsu tấm lòng của mình như là một người môn đệ ngồi dưới chân Người mà lắng nghe thì Maria đâu có ngờ rằng cô không chỉ được đón nhận một vị Thầy, một vị Chúa mà còn đón nhận được một người bạn. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã tỏ cho anh em biết” (Ga 15,15). Trong cuộc nói chuyện hôm ấy, hẳn Chúa Giêsu ít nhiều đã tỏ cho cô Maria biết về hành trình lên Giêrusalem của Người cũng như cuộc khổ nạn Người sắp chịu. Tin Mừng thánh Gioan tường thuật sự kiện cô Maria đã lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá mà xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau, cả nhà nức mùi thơm khiến cho ông Giuđa Iscariô phải chép miệng tiếc rẻ vì ước chừng giá tương đương 300 ngày công. “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Chúa Giêsu đã giải thích rằng cô ấy đã dùng số dầu thơm hảo hạng ấy để làm trước việc mai táng mình (x.Ga 12,1-8).
“Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38).
Biết lấy gì để dâng lên Thiên Chúa, vì mọi sự đều là của Người. Thiên Chúa không cần chúng ta dâng gì cho Người, nhưng Người lại muốn chúng ta trao dâng cho nhau, nhất là cho những người anh em bé mọn những gì tốt nhất của mình. Chia sẻ cho nhau, cho người nghèo một chút của cải, tiền bạc quả là tốt thật nhưng chưa phải là tốt nhất. Chắc chẳn cái tốt nhất của chúng ta, cái mà không ai có thể lấy mất được đó chính là con người chúng ta, tấm lòng của chúng ta, một tấm lòng huynh đệ như thủ túc, một tấm lòng bằng hữu nghĩa thiết. Và dù nhiều khi chúng ta không biết thì Chúa Kitô vẫn nhận đó là đã làm cho chính Người (x.Mt 25,31-46).
Ban Mê Thuột
(Chúa Nhật XVI TN C)
Cứ mỗi lần nghe trích đọc bài Tin Mừng thánh sử Luca kể chuyện hai chị em nhà Bêtania, thì người ta dễ liên tưởng đến việc so sánh hơn kém giữa đời sống chiêm niệm và đời sống tông đồ hoạt động. Mọi sự thường có nguyên do. Đã một thời, đặc biệt sau Sắc Chỉ Milan năm 313, các sinh hoạt đức tin của Giáo hội xem ra khởi sắc và không ít vị mục tử lại gắn bó thiết thân với thế quyền. Bấy giờ xuất hiện một vài vị thánh tự nguyện ẩn mình, xa lánh thế trần để sống đời tu trì chiêm niệm. Một vài thánh giáo phụ đã căn cứ vào đoạn tin mừng này để đề cao đời sống chiêm niệm giá trị hơn đời sống tông đồ hoạt động. Thế nhưng nếu đọc kỹ lời Chúa Giêsu nói với Matta thì chúng ta sẽ thấy lối so sánh và áp dụng ở trên có phần khập khiễng và khiên cưỡng một cách nào đó.
“Matta! Matta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42). Khi khẳng định rằng Maria đã chọn phần tốt nhất thì Chúa Giêsu cũng hàm ý rằng cô chị Matta cũng chọn phần tốt nhưng chưa tốt nhất, mà nói nôm na là tốt nhì, tốt ba hay tốt tư… và sẽ bị ai đó, những ai đó chia phần hay lấy đi.
Chị em nhà Bêtania chọn điều tốt để cho mình hay để dâng trao cho Chúa Giêsu? Câu hỏi dường như đã có câu trả lời cụ thể qua hành vi của cô chị Matta. Matta chọn điều tốt không phải cho mình mà để dâng cho Chúa Giêsu. Đó là các món thức ăn mà chị đang tất bật nấu nướng. Và có thể nói rằng đó không chỉ là món ngon mà còn nhiều đến nỗi cô chị phải cầu cứu Chúa Giêsu biểu cô em phụ giúp một tay. Dâng trao cho ai đó cái mà chúng ta có, tuy tốt đẹp nhưng vẫn còn hạn chế, vì những cái chúng ta có, nếu làm bản liệt kê thì quá nhiều không sao kể xiết và người nhận có thể không dùng hết được. Trái lại khi dâng trao cái chúng ta là, thì chúng ta đã dâng trao trọn vẹn con người chúng ta.
Một nhận định thực tế, đó là những gì Matta chọn để dâng cho Chúa Giêsu thì “sẽ bị những ai đó lấy mất”, nghĩa là Chúa Giêsu không thể tự mình dùng tất cả những thức ăn Matta dâng. Xin đừng quên sự hiện diện của các tông đồ. Trái lại phần của Maria dâng cho Chúa Giêsu thì sẽ không bị ai lấy mất vì Maria đã dâng cho Thầy Chí thánh cái mình là, đó là con người của chị. Khi chúng ta thật tình chăm chú lắng nghe một ai đó tâm sự, thì một cách nào đó ta đã dâng trao trọn tấm lòng của mình cho người ấy. Con cái phụng dưỡng mẹ cha thì đúng là hiếu thảo nhưng khi con cái biết vâng nghe lời cha mẹ và sống theo ý lòng các đấng bậc sinh thành thì hiếu thảo hơn nhiều, vì khi ấy con cái đã dâng trọn tấm lòng của người con.
Một nghịch lý của tình yêu: Chính khi trao ban là lúc lãnh nhận và có thể lãnh nhận lại gấp bội so với phần đã hiến dâng. Bài đọc thứ nhất trích Sách Sáng Thế tường thuật tấm lòng hiếu khách của Abraham dành cho ba sứ thần của Thiên Chúa đã được đền đáp. Một chút nước để các vị rửa chân, một ít bánh, chút thịt bê cũng như chút sữa chua kính dâng các vị ấy dùng có thấm vào đâu với phần mà Abraham lãnh nhận lại. “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xara vợ ông sẽ có một con trai” (St 18,10). Chắc hẳn Abraham và bà Sara phải rất đỗi kinh ngạc trước phần mình sẽ lãnh nhận. Có được một đứa con trai làm người thừa tự trong cảnh hai ông bà đã cao niên mà còn son sẻ quả là một hạnh phúc vượt quá mọi niềm mơ ước.
Khi Maria dâng trao cho Thầy Giêsu tấm lòng của mình như là một người môn đệ ngồi dưới chân Người mà lắng nghe thì Maria đâu có ngờ rằng cô không chỉ được đón nhận một vị Thầy, một vị Chúa mà còn đón nhận được một người bạn. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã tỏ cho anh em biết” (Ga 15,15). Trong cuộc nói chuyện hôm ấy, hẳn Chúa Giêsu ít nhiều đã tỏ cho cô Maria biết về hành trình lên Giêrusalem của Người cũng như cuộc khổ nạn Người sắp chịu. Tin Mừng thánh Gioan tường thuật sự kiện cô Maria đã lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá mà xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mà lau, cả nhà nức mùi thơm khiến cho ông Giuđa Iscariô phải chép miệng tiếc rẻ vì ước chừng giá tương đương 300 ngày công. “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Chúa Giêsu đã giải thích rằng cô ấy đã dùng số dầu thơm hảo hạng ấy để làm trước việc mai táng mình (x.Ga 12,1-8).
“Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38).
Biết lấy gì để dâng lên Thiên Chúa, vì mọi sự đều là của Người. Thiên Chúa không cần chúng ta dâng gì cho Người, nhưng Người lại muốn chúng ta trao dâng cho nhau, nhất là cho những người anh em bé mọn những gì tốt nhất của mình. Chia sẻ cho nhau, cho người nghèo một chút của cải, tiền bạc quả là tốt thật nhưng chưa phải là tốt nhất. Chắc chẳn cái tốt nhất của chúng ta, cái mà không ai có thể lấy mất được đó chính là con người chúng ta, tấm lòng của chúng ta, một tấm lòng huynh đệ như thủ túc, một tấm lòng bằng hữu nghĩa thiết. Và dù nhiều khi chúng ta không biết thì Chúa Kitô vẫn nhận đó là đã làm cho chính Người (x.Mt 25,31-46).
Ban Mê Thuột