CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN NĂM C : LC 10, 38-42

38Khi ấy, Đức Giê-su vào một làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. 39Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói : “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay !”

41Chúa đáp : “Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! 42Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt hơn, và sẽ không bị lấy đi.”



CHỌN PHẦN TỐT HƠN

Câu chuyện đưa độc giả đi vào chủ đề bác ái Ki-tô giáo (Chúa nhật tuần trước) nhân tiện đã nhắc tới việc Đức Giê-su đang du hành và xin được tiếp đãi. Bà chủ nhà và cô em gái gợi lên cho ai biết Tin mừng Gio-an đó là hai chị ruột của anh La-da-rô ở Bê-ta-ni-a (Ga 11; 12,1-8). Nhưng trong trình thuật Lu-ca, đấy hai người nữ xa lạ và không có gì chứng tỏ họ đang ở gần Giê-ru-sa-lem. Cô Ma-ri-a đây cũng chẳng đồng hóa với Ma-ri-a Mác-đa-la ở Lc 8,2; 24,10.

Sự đối chọi giữa hai chị em trước tiên gắn liền với việc Ma-ri-a được trình bày như môn đệ hoàn hảo, ngồi dưới chân Chúa để đón nhận giáo huấn của Người. Tư thế của cô là tư thế cổ điển (x. Lc 8,35; Cv 22,3[1]). Nhưng nên nhớ truyền thống rab-bi Do-thái không bao giờ nhận phụ nữ làm môn đệ và càng không để phụ nữ ngồi dưới chân ông thầy. Chúa Giê-su quả là khác lạ. Thái độ của bà chủ nhà thì ngược lại, đúng quy ước, phù hợp với vai trò của các phụ nữ-môn đệ như thấy ở Lc 8,3. Nhất là bà muốn cô em chớ hành động khác mình; thậm chí bà còn xác tín rằng Chúa chỉ có thể đồng ý với trật tự các giá trị của bà thôi.

Tuy nhiên, ta sẽ sai lầm khi đặt đối lập quá đáng hai chị em. Lúc ca ngợi cô Ma-ri-a hôm nay, Đức Giê-su không thể làm chuyện trái ngược với điều Người đã nói Chúa nhật mới rồi. Trong dụ ngôn ông Sa-ma-ri tốt lành, Người đã thực sự tán dương việc tích cực phục vụ kẻ thân cận. Hôm nay, cũng chính Đức Giê-su ấy xem ra quở trách cô Mác-ta quá tích cực, “băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá.” Người bảo cô : “Mác-ta ơi, chị quá máy động !” Chớ tự phong tỏa mình trong những điều tiên thiên, ta hãy cố gắng lắng nghe “tin mừng” hôm nay đã.

1- Đừng băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá !

Biết bao lần ta nghe nhiều cặp vợ chồng phàn nàn là chẳng còn có thời gian để lắng nghe nhau, đơn giản như vậy. Và bất hạnh thay, khi đôi bạn không còn tìm được gì để nói với nhau ! Cái mà tình yêu ao ước trên tất cả, đó là chính mình được lắng nghe và được thương mến, khi người ta hưởng nếm những giây phút thân mật, đầu cụng đầu, tim kề tim. Bản văn hôm nay thành ra nhắc ta nhớ một “tin mừng” khẩn cấp. Thế gian quá làm chúng ta đôn đáo, chạy vạy, máy động. Chẳng tốt lành gì ! Và Đức Giê-su nhắc ta nhớ “bổn phận ngồi xuống.” Người kêu mời chúng ta hãy bỏ giờ để sống, sống thực bên Người.

Đây không phải là lần duy nhất Đức Giê-su nói đến các lo lắng, bận lòng của chúng ta. Đó là một trong những chủ đề ưa thích của Người. Người muốn giải thoát chúng ta khỏi những lắng lo thái quá ! Kể ra chúng ta cũng biết rõ điều này : băn khoăn tư lự đến bất an chẳng hay ho gì cả. Trong dụ ngôn người gieo giống, Đức Giê-su từng cảnh báo chúng ta rằng “những nỗi lo lắng sự đời” có thể bóp nghẹt hạt giống Lời Chúa (x. Lc 8,14). Và khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Đức Giê-su đã căn dặn họ “đừng lo lắng cho mạng sống : lấy gì mà ăn; cũng đừng lo lắng cho thân thể : lấy gì mà mặc” (Lc 12,22-26). Người sẽ mạnh mẽ lặp lại rằng “chớ để lòng mình ra nặng nề vì lo lắng sự đời, chuyện thế” (Lc 21,34).

Điều Đức Giê-su lên án nơi Mác-ta chẳng phải là công việc của cô, sự phục vụ của cô… nhưng là sự căng thẳng, nhăn nhó, “stress” (xì-trét) như ta nói hiện giờ. Người lặp lại với chúng ta hôm nay : “Hãy giữ bình an và tự do nội tâm !” Tin mừng là thế. Đức Giê-su chúc cho chúng ta có mộtộc sống thư thái, hạnh phúc, quân bình.

2- Chỉ có một điều cần thiết mà thôi.

Điều cần thiết ấy là gì? Đó là làm những gì cô Ma-ri-a từng làm : “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy.”

Nghe lời Thiên Chúa, đó là bổn phận đầu tiên của con người, đó là điều duy nhất tuyệt đối ần thiết. Và ở đây cũng vậy, đấy không phải là lần duy nhất Đức Giê-su nói với chúng ta điểm này. Đấy cũng là một trong những chủ đề Người chẳng ngớt trở đi trở lại. “Không nghe lời Thiên Chúa thì như xây nhà trên cát mà thôi” (x. Lc 6,47). Hạnh phúc đích thực của Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa Giê-su, chẳng phải là đã nên thân mẫu của Người, nhưng là đã “lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28).

Vâng, như mọi vợ chồng thực sự yêu nhau, Thiên Chúa ưa thích ta để giờ lắng nghe Người vì Người, hy sinh thời gian để đầu cụng đầu, tim kề tim với Người… ngõ hầu ta triển nở nhờ sự Hiện diện của Người. Biết “mất thời gian”. Học lắng nghe. Để giờ dừng lại. Hãm bớt bàn đạp tăng tốc vốn biến cuộc đời thành một cuộc đua quỷ quái, không chịu nổi. Như để nhắc nhở Ki-tô hữu điều này, hiện nay trên thế giới có một số dòng tu và tu hội nổi tiếng về việc chầu Thánh Thể lâu giờ : Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Phanxicô, Dòng Thánh Gia Thất, Dòng Thừa Sai Đức Mẹ, Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn…

Tóm lại, cô Mác-ta tượng trưng cho những người tận tình phục vụ (c. 40) nhưng bị cuốn hút vào đủ thứ hoạt động (c. 41), để cho cảnh náo nhiệt và những nỗi bồn chồn lo lắng chi phối tâm hồn. Còn cô Ma-ri-a là mẫu người môn đệ chân chính của Đức Giê-su : ngồi bên chân Chúa, nghe lời Người dạy (c. 39), chú tâm làm cho hạt giống lời Chúa sinh hoa trái trong lòng và trong đời sống. Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi (c. 42a) : đó là lắng nghe lời Chúa. Theo ý của Đức Giê-su, cô Ma-ri-a đã chọn phần tốt hơn đối với các phần khác, các việc khác.

Một nhà kinh doanh làm ăn phát đạt hôm nọ hỏi một anh bạn hàng xóm : “Ông có biết lễ Giáng Sinh này, tôi cho con trai nhỏ của tôi món quà nào không?” Tưởng món quà tất đắt tiền lắm, ông hàng xóm đã vô cùng kinh ngạc khi thấy nhà kinh doanh giàu có chìa ra một miếng giấy chỉ ghi vỏn vẹn dòng chữ : “Con cưng của ba, từ nay ba cho con mỗi ngày một giờ và mỗi Chúa nhật hai giờ của ba để con tùy ý dùng. Ba của con.” Ông hàng xóm đáp : “Đó là món quà quý nhất mà một người cha có thể tặng và phải tặng cho đứa con yêu.”

Quả thế, không có tặng vật nào đáng quý hơn thời giờ của mình. Vì tặng ai thời giờ của mình chính là tặng người đó một phần của bản thân mình. Tấm gương sáng của cô Ma-ri-a và sự hài lòng của Chúa Giê-su hôm nay chẳng mời gọi ta tặng Người một số thời gian trong ngày sống của ta hay sao?