Borgo Laudato si' (Castel Gandolfo)
Thứ tư, ngày 9 tháng 7 năm 2025

Vào ngày tuyệt đẹp này, trước tiên tôi muốn mời mọi người, bắt đầu từ chính tôi, hãy trải nghiệm những gì chúng ta đang cử hành trong vẻ đẹp của một nhà thờ lớn—người ta có thể gọi đó là một nhà thờ "tự nhiên"—với cây cối và rất nhiều yếu tố của sáng thế đã đưa chúng ta đến đây để cử hành Thánh Thể, có nghĩa là: tạ ơn Chúa.
Có nhiều lý do trong cử hành Thánh Thể này mà vì đó, chúng ta muốn tạ ơn Chúa: buổi lễ này có thể là buổi lễ đầu tiên với công thức mới của Thánh Lễ cho việc Chăm sóc Sáng thế, cũng là việc nói lên công việc của nhiều Bộ khác nhau của Vatican.
Và một cách đích danh, tôi xin cảm ơn nhiều người có mặt ở đây đã làm việc theo hướng này cho phụng vụ. Như anh chị em đã biết, phụng vụ tượng trưng cho sự sống, và anh chị em là sự sống của Trung tâm Laudato si' này. Tôi muốn cảm ơn anh chị em vào lúc này, trong dịp này, vì tất cả những gì anh chị em đã làm, theo nguồn cảm hứng tuyệt vời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã trao cho chúng ta phần nhỏ này, những khu vườn này, những không gian này, chính là để tiếp tục sứ mệnh vô cùng quan trọng liên quan đến mọi điều chúng ta biết 10 năm sau khi công bố Laudato si': nhu cầu chăm sóc tạo vật, ngôi nhà chung của chúng ta.
Ở đây, giống như trong các nhà thờ cổ xưa của những thế kỷ đầu tiên, có một giếng rửa tội mà người ta phải đi qua để vào nhà thờ. Tôi không muốn được rửa tội trong nước này... nhưng biểu tượng đi qua nước để được rửa sạch tội lỗi, khỏi những yếu điểm của chúng ta, và do đó có thể bước vào mầu nhiệm lớn lao của Giáo hội là điều chúng ta vẫn trải nghiệm ngày nay. Vào đầu Thánh lễ, chúng ta đã cầu nguyện cho sự hoán cải, sự hoán cải của chúng ta. Tôi muốn nói thêm rằng chúng ta phải cầu nguyện cho sự hoán cải của rất nhiều người, trong và ngoài Giáo hội, những người vẫn chưa nhận ra sự cấp thiết của việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.
Rất nhiều thảm họa thiên nhiên mà chúng ta vẫn chứng kiến trên khắp thế giới, hầu như mỗi ngày ở rất nhiều nơi, ở rất nhiều quốc gia, một phần là do sự thái quá của con người, với lối sống của họ. Do đó, chúng ta phải tự hỏi liệu bản thân chúng ta có đang trải qua sự hoán cải đó hay không: chúng ta cần đến nó đến xiết bao!
Vì vậy, sau khi nói tất cả những điều này, tôi cũng có một bài giảng mà tôi đã chuẩn bị và tôi sẽ chia sẻ. Xin hãy kiên nhẫn với tôi: có một số yếu tố thực sự giúp chúng ta tiếp tục suy tư sáng nay, chia sẻ khoảnh khắc quen thuộc và thanh thản này, trong một thế giới đang bùng cháy, cả do việc hoàn cầu nóng lên và xung đột vũ trang, khiến cho thông điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong các thông điệp Laudato si' và Fratelli tutti của ngài trở nên rất kịp thời. Chúng ta có thể thấy chính mình trong Tin mừng này, Tin mừng chúng ta vừa nghe, quan sát nỗi sợ hãi của các môn đệ trong cơn bão, một nỗi sợ hãi mà phần lớn nhân loại chia sẻ. Nhưng ngay tâm điểm Năm Thánh, chúng ta tuyên xưng: có hy vọng! - và chúng ta có thể nói điều đó nhiều lần: Chúng ta đã gặp hy vọng trong Chúa Giêsu. Người vẫn tiếp tục làm dịu cơn bão. Quyền năng của Người không lật đổ, nhưng tạo ra; Nó không phá hủy, nhưng tạo ra sự sống, ban sự sống mới. Và chúng ta cũng tự hỏi: "Vậy thì người này là ai, mà cả gió và biển cũng tuân lệnh Người?" (Mt 8:27).
Sự ngạc nhiên được thể hiện qua câu hỏi này là bước đầu tiên giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi. Chúa Giêsu đã sống và cầu nguyện quanh Biển Galilê. Ở đó, Người đã kêu gọi các môn đệ đầu tiên của Người đến nơi sinh sống và làm việc của họ. Những dụ ngôn mà Người dùng để công bố Vương quốc Thiên Chúa cho thấy mối liên hệ sâu sắc với vùng đất và vùng nước đó, với nhịp điệu của các mùa và sự sống của các loài thụ tạo.
Thánh sử Mát-thêu mô tả cơn bão là một "cơn địa chấn" (tiếng Hy Lạp: seismos): Thánh Mát-thêu sẽ sử dụng cùng một thuật ngữ này cho trận động đất vào thời điểm Chúa Giêsu chịu chết và vào lúc rạng đông khi Người phục sinh. Chúa Kitô vượt lên trên sự biến động này, đứng thẳng: ngay tại đây, Tin mừng cho phép chúng ta thoáng thấy Đấng Phục sinh, hiện diện trong lịch sử của chúng ta theo chiều ngược lại. Lời khiển trách mà Chúa Giêsu dành cho gió và biển cho thấy quyền năng ban sự sống và cứu rỗi của Người, vượt qua những thế lực mà trước chúng các loài thụ tạo cảm thấy mất hút.
Vậy, chúng ta hãy quay lại để tự hỏi: "Vậy thì Người là ai mà cả gió và biển cũng phải vâng phục Người?" (Mt 8:27). Bài thánh ca trích từ Thư gửi tín hữu Côlôsê mà chúng ta vừa nghe dường như trả lời chính xác cho câu hỏi này: "Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là Trưởng tử của mọi loài thụ tạo, vì trong Người, muôn vật trên trời và dưới đất đã được tạo thành" (Cl 1:15-16). Ngày hôm đó, các môn đệ của chịu sự chi phối của cơn bão, bị nỗi sợ hãi nắm giữ, vẫn chưa thể tuyên xưng sự hiểu biết này về Chúa Giêsu. Ngày nay, trong đức tin đã được truyền lại cho chúng ta, chúng ta có thể tiếp tục: "Người cũng là đầu của thân thể, tức là Hội thánh. Người là khởi đầu, là Trưởng tử từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người có thể đứng hàng đầu" (câu 18). Đây là những lời làm chúng ta dấn thân trong suốt chiều dài lịch sử, biến chúng ta thành một thân thể sống động, thân thể mà Chúa Kitô là đầu. Sứ mệnh của chúng ta trong việc bảo vệ tạo vật, mang lại hòa bình và hòa giải cho nó, chính là sứ mệnh của Người: sứ mệnh mà Chúa đã giao phó cho chúng ta. Chúng ta nghe thấy tiếng kêu của trái đất, chúng ta nghe thấy tiếng kêu của người nghèo, vì tiếng kêu này đã chạm đến trái tim của Chúa. Sự phẫn nộ của chúng ta là sự phẫn nộ của Người, công việc của chúng ta là công việc của Người.
Về phương diện này, bài thánh ca của tác giả thánh vịnh truyền cảm hứng cho chúng ta: "Tiếng Chúa vang trên mặt nước; Thiên Chúa của vinh quang sấm sét, Chúa trên các vùng nước hùng mạnh. Tiếng Chúa vang dội, tiếng Chúa vang dội" (Tv 29:3-4). Tiếng nói này khiến Giáo hội nói tiên tri, ngay cả khi việc này đòi hỏi sự táo bạo để chống lại sức mạnh hủy diệt của các thủ lãnh thế giới này. Trên thực tế, liên minh bất khả hủy diệt giữa Đấng Tạo Hóa và các tạo vật huy động trí thông minh và nỗ lực của chúng ta, để cái ác có thể biến thành điều thiện, bất công thành công lý, lòng tham thành sự hiệp thông.
Với tình yêu vô hạn, Thiên Chúa đã tạo ra mọi vật, ban cho chúng ta sự sống: đây là lý do tại sao Thánh Phanxicô thành Assisi gọi các loài thụ tạo là anh, chị và mẹ mình. Chỉ có cái nhìn chiêm niệm mới có thể thay đổi mối quan hệ của chúng ta với những tạo vật và giúp chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng sinh thái do sự đổ vỡ mối quan hệ với Thiên Chúa, với những người lân cận và với trái đất, do tội lỗi (xem Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato si’, 66).
Anh chị em thân mến, Borgo Laudato si’, nơi chúng ta đang sống, theo trực giác của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhằm mục đích trở thành một "phòng thí nghiệm" để trải nghiệm sự hòa hợp với tạo vật mang lại cho chúng ta sự chữa lành và hòa giải, phát triển những cách thức mới và hiệu quả để bảo vệ thiên nhiên được giao phó cho chúng ta. Đối với các anh chị em, những người tận tụy thực hiện dự án này, tôi đảm bảo với anh chị em tôi luôn cầu nguyện và khích lệ anh chị em.
Bí tích Thánh Thể mà chúng ta đang cử hành mang lại ý nghĩa và duy trì công việc của chúng ta. Thật vậy, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết, "Trong Bí tích Thánh Thể, tạo vật tìm thấy sự thăng hoa lớn nhất của mình. Ân sủng, vốn có xu hướng tự biểu lộ một cách rõ ràng, đạt đến một biểu thức kỳ diệu khi chính Thiên Chúa, trở thành co người, đã để cho Người bị thụ tạo của Người tiêu thụ. Chúa, tại đỉnh cao của mầu nhiệm Nhập thể, đã chọn cách tiếp cận những chiều sâu thăm thẳm bên trong chúng ta thông qua một mảnh vật chất. Không phải từ trên cao, mà từ bên trong, để trong thế giới của chúng ta, chúng ta có thể gặp gỡ Người" (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si', 236). Do đó, từ nơi này, tôi muốn kết thúc những suy nghĩ của tôi bằng cách trao phó cho anh chị em những lời mà Thánh Augustinô, trong những trang cuối cùng của Tự thuật, đã kết hợp các tạo vật và nhân loại trong một bài ngợi khen vũ trụ: Lạy Chúa, "các công trình của Chúa ngợi khen Chúa để chúng con yêu mến Chúa, và chúng con yêu mến Chúa để các công trình của Chúa ngợi khen Chúa" (Thánh Augustinô, Tự thuật, XIII, 33, 48). Xin cho điều này trở thành sự hòa hợp được chúng ta lan tỏa khắp thế giới.