Antoine Mekary | ALETEIA


Kathleen N. Hattrup của tạp chí Aleteia, ngày 11/07/25, cho hay: Đức Giáo Hoàng Lêô XIV đã phát biểu trong thông điệp nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người cao niên lần thứ năm, sẽ được cử hành vào Chúa Nhật, ngày 27 tháng 7 năm 2025, rằng: Thiên Chúa “dạy chúng ta rằng, trong mắt Người, tuổi già là thời gian của ân sủng và phúc lành, và người cao niên, đối với Người, là những chứng nhân đầu tiên của hy vọng”.

Bản văn trên, được ký ngày 26 tháng 6 và công bố ngày 10 tháng 7, tập trung vào chủ đề “Phúc cho những ai không mất hy vọng”, có ý nói đến Sách Huấn Ca 14:2.

Đức Giáo Hoàng nhắc đến một số nhân vật cao niên trong Kinh Thánh — Abraham và Sarah, Zechariah, Nicodemus, và thậm chí cả Moses — và lưu ý rằng tuổi già dường như đã dập tắt hy vọng của những người này.

Nhưng đáp ứng của Thiên Chúa đã hồi sinh cuộc sống của họ và mang lại cho họ một ý nghĩa mới.

Lòng trung thành của Thiên Chúa với những lời hứa của Người dạy chúng ta rằng có một phúc lành trong tuổi già, một niềm vui Tin Mừng đích thực, truyền cảm hứng cho chúng ta vượt qua những rào cản thờ ơ trong đó, người cao niên thường thấy mình bị giam hãm.

Bằng cách cho thấy người cao niên là những chứng nhân đầu tiên của hy vọng, những câu chuyện trong Kinh Thánh trình bầy những góc nhìn mới mà, đối với Đức Giáo Hoàng, xứng đáng được nêu bật hơn nữa trong thời đại dân số đang lão hóa này.

Số lượng người cao niên ngày càng tăng là một dấu hiệu của thời đại mà chúng ta được kêu gọi để phân định, để diễn giải đúng đắn khoảnh khắc lịch sử này.

Ghi nhận tình yêu thương của ông bà

Vị Giáo hoàng người Mỹ gốc Peru, người rất gần gũi với bà ngoại Suzanne Fontaine, một phụ nữ đến từ Normandy đã qua đời khi ngài 24 tuổi, nhấn mạnh đến lòng biết ơn mà chúng ta dành cho người cao niên.

… cần có một sự thay đổi nhịp độ, điều này dễ dàng nhận thấy trong việc toàn thể Giáo hội đảm nhận trách nhiệm. Mỗi giáo xứ, hiệp hội và nhóm giáo hội được kêu gọi trở thành nhân vật chủ đạo trong một “cuộc cách mạng” của lòng biết ơn và sự quan tâm, được thực hiện thông qua việc thường xuyên thăm hỏi người cao niên, tạo ra các mạng lưới hỗ trợ và cầu nguyện cho họ và cùng họ, cũng như xây dựng các mối quan hệ có thể khôi phục hy vọng và phẩm giá cho những người cảm thấy bị lãng quên.

Niềm hy vọng Kitô giáo luôn thúc giục chúng ta táo bạo hơn, nghĩ lớn hơn, không hài lòng với hiện tại. Trong trường hợp này, nó thúc giục chúng ta nỗ lực hướng tới một sự thay đổi có thể khôi phục lại lòng kính trọng và tình cảm mà người cao niên đáng được hưởng.

Đồng hành với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã thiết lập ngày này, Đức Lêô XIV nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gặp gỡ người cao niên.

Nhìn vào người cao niên trong tinh thần của Năm Thánh này, chúng ta được kêu gọi giúp họ trải nghiệm sự giải thoát, đặc biệt là khỏi sự cô đơn và bị bỏ rơi. Năm nay là thời điểm thích hợp để làm điều đó.

Hãy kiên trì trong tình yêu thương và cầu nguyện

Đặc biệt khi chúng ta già đi, hãy tiến bước với niềm tin vào Chúa. Xin cho chúng ta được đổi mới mỗi ngày nhờ gặp gỡ Người trong lời cầu nguyện và Thánh Lễ. Xin cho chúng ta yêu thương truyền lại đức tin mà chúng ta đã sống trong bao nhiêu năm qua, trong gia đình và trong những cuộc gặp gỡ hàng ngày với tha nhân. Xin cho chúng ta luôn ca ngợi Thiên Chúa vì lòng nhân lành của Người, vun đắp sự hiệp nhất với những người thân yêu, mở lòng ra với những người ở xa, và đặc biệt là với tất cả những ai đang gặp khó khăn. Bằng cách này, chúng ta sẽ là dấu chỉ của hy vọng, bất kể tuổi tác.

Trái ngược với thông lệ được thiết lập dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Ngày Ông bà và Người cao niên năm nay sẽ không được đánh dấu bằng Thánh lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, trừ khi có sự thay đổi trong lịch trình của Đức Giáo Hoàng.

Người Công Giáo được mời gọi cử hành ngày này tại các giáo phận và giáo xứ của mình, dành thời gian thăm hỏi những người cao niên đang sống cô lập.